Quyết định 2246/QĐ-UBND Quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý phản ánh đã được thay thế bởi Quyết định 1258/QĐ-UBND tiếp nhận xử lý phản ánh cá nhân tổ chức quy định hành chính Hà Giang và được áp dụng kể từ ngày 26/06/2014.
Nội dung toàn văn Quyết định 2246/QĐ-UBND Quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý phản ánh
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2246/QĐ-UBND | Hà Giang, ngày 14 tháng 10 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, XỬ LÝ PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ QUY ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với các quy định hành chính;
Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 8 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VPCP-BNV ngày 26 tháng 01 năm 2011 của Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của bộ phận kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Bộ, cơ quan ngang Bộ và Văn phòng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Quyết định số 924/QĐ-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2011 của UBND tỉnh Hà Giang về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang;
Thực hiện Công văn số 3364/VPCP-KSTT ngày 26 tháng 5 năm 2011 của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và các cá nhân, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, XỬ LÝ PHẢN ÁNH, KIẾN NGHỊ CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ QUY ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2246/QĐ-UBND ngày 14 tháng 10 năm 2011 của UBND tỉnh Hà Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định trách nhiệm phối hợp giữa Văn phòng UBND tỉnh với các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện), các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND cấp xã) và các cơ quan hành chính nhà nước có liên quan trong việc phối hợp tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính theo quy định tại Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính (sau đây gọi tắt là Nghị định số 20/2008/NĐ-CP).
Quy chế này không quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Quy định hành chính là những quy định về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh và đời sống nhân dân, thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật.
2. Phản ánh là việc cá nhân, tổ chức có ý kiến với cơ quan hành chính nhà nước về những vấn đề liên quan đến quy định hành chính, bao gồm: Những vướng mắc cụ thể trong thực hiện; sự không hợp pháp, không hợp lý, không đồng bộ, không thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và những vấn đề khác.
3. Kiến nghị là việc cá nhân, tổ chức có phản ánh với cơ quan hành chính nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều này và đề xuất phương án xử lý hoặc có sáng kiến ban hành mới quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân.
4. Văn bản chuyển phản ánh, kiến nghị là văn bản của UBND tỉnh do Chánh Văn phòng UBND tỉnh (hoặc Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh) được ủy quyền ký thừa lệnh Chủ tịch UBND tỉnh, chuyển phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
Điều 3. Cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị
1. Văn phòng UBND tỉnh tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh.
2. Các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã theo chức năng quản lý nhà nước được pháp luật quy định, có trách nhiệm xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính khi nhận được văn bản chuyển phản ánh, kiến nghị của UBND tỉnh.
Điều 4. Nguyên tắc tiếp nhận, xử lý
1. Tuân thủ pháp luật.
2. Công khai, minh bạch.
3. Quy trình cụ thể, rõ ràng, thống nhất.
4. Thủ tục tiếp nhận đơn giản, thuận tiện.
5. Tiếp nhận, xử lý đúng thẩm quyền.
6. Phối hợp trong xử lý phản ánh, kiến nghị.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Tiếp nhận, đánh giá, phân loại phản ánh, kiến nghị
1. Địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi, quản lý của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh:
- Địa chỉ: Văn phòng UBND tỉnh Hà Giang.
- Số điện thoại chuyên dùng: 02193875399; 02193500887.
2. Văn phòng UBND tỉnh chỉ đạo phòng Kiểm soát thủ tục hành chính tổ chức việc tiếp nhận, đánh giá, phân loại phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi, quản lý của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh để giao cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan xử lý theo quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 và Điều 13 của Nghị định số 20/2008/NĐ-CP.
Điều 6. Chuyển phản ánh, kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền xử lý
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đánh giá và phân loại các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh, Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm ký văn bản chuyển phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đến các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định tại Điều 9 Nghị định số 20/2008/NĐ-CP.
Việc chuyển văn bản phản ánh, kiến nghị được thực hiện như sau:
1. Đối với phản ánh, kiến nghị về những vướng mắc cụ thể trong thực hiện quy định hành chính do hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định hành chính của cán bộ, công chức, cơ quan hành chính nhà nước:
- Phản ánh, kiến nghị về hành vi của cán bộ, công chức, cơ quan hành chính nhà nước thuộc các sở, ban, ngành: Văn bản chuyển phản ánh, kiến nghị được gửi tới các sở, ban, ngành có liên quan để xử lý.
- Phản ánh, kiến nghị về hành vi của cán bộ, công chức, cơ quan hành chính nhà nước thuộc UBND cấp huyện, cấp xã: Văn bản chuyển phản ánh, kiến nghị được gửi tới UBND cấp huyện để xử lý.
2. Đối với các phản ánh, kiến nghị về nội dung quy định hành chính:
- Đối với các quy định hành chính thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ: Văn bản chuyển xử lý phản ánh, kiến nghị được gửi tới các Bộ, liên quan để đề nghị xử lý.
- Đối với các quy định hành chính thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh: Văn bản chuyển phản ánh, kiến nghị được gửi tới các sở, ban, ngành liên quan. Khi nhận được văn bản chuyển phản ánh, kiến nghị, các sở, ban, ngành liên quan có trách nhiệm tham mưu, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý.
- Đối với các quy định hành chính thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã: Văn bản chuyển phản ánh, kiến nghị được gửi tới UBND cấp huyện để xử lý.
3. Tùy từng trường hợp cụ thể, Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý các phản ánh, kiến nghị về nội dung quy định hành chính liên quan đến hai hay nhiều cơ quan hành chính nhà nước khác nhau trên địa bàn tỉnh mà các cơ quan này không thống nhất được về phương án xử lý; những phản ánh, kiến nghị đã được các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện xử lý nhưng cá nhân, tổ chức vẫn tiếp tục phản ánh, kiến nghị; những phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền quyết định của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh.
Điều 7. Xử lý phản ánh kiến nghị
1. Các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính theo đúng quy định tại Điều 14, Điều 15 của Nghị định số 20/2008/NĐ-CP.
2. Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện xử lý phản ánh, kiến nghị theo đúng quy định.
Điều 8. Công khai kết quả xử lý, phản ánh kiến nghị
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm công khai kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính theo đúng quy định tại Điều 19, Nghị định 20/2008/NĐ-CP.
2. Văn phòng UBND tỉnh xem xét, công bố công khai kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, địa chỉ Website: http://www.hagiang.gov.vn.
3. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tiếp nhận, công khai phản ánh, kiến nghị và kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị trên cổng thông tin điện tử của tỉnh.
Điều 9. Phối hợp trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị
Các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính như sau:
1. Phân công một đồng chí lãnh đạo phụ trách chỉ đạo thực hiện việc xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, đồng thời làm đầu mối quan hệ phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh.
2. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo thường xuyên hoặc đột xuất với Văn phòng UBND tỉnh theo quy định chung của Chính phủ về tình hình tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức để Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, Văn phòng Chính phủ và thông báo cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện biết.
3. Tham dự đầy đủ các phiên họp do Văn phòng UBND tỉnh mời dự và chuẩn bị các tài liệu cần thiết trong phiên họp theo yêu cầu của Văn phòng UBND tỉnh.
4. Cử cán bộ chuyên viên của cơ quan, đơn vị tham gia giải quyết các công việc chung khi phối hợp công tác theo yêu cầu của Văn phòng UBND tỉnh.
Điều 10. Chế độ báo cáo
1. Kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính của các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện phải được báo cáo bằng văn bản về Văn phòng UBND tỉnh.
2. Văn phòng UBND tỉnh thường xuyên cập nhật kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị có liên quan để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh có biện pháp cần thiết chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc xử lý phản ánh, kiến nghị.
3. Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị và việc thực hiện chế độ báo cáo kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị để đưa vào bản nhận xét, đánh giá hàng năm làm cơ sở xem xét việc thi đua khen thưởng của các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh và các trường hợp đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Tổ chức thực hiện
1. Các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế này.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Văn phòng UBND tỉnh để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, quyết định./.