Nội dung toàn văn Quyết định 228-QĐ/TLĐL điều lệ tổ chức Hội đồng kỹ thuật và tổ kỹ thuật
BỘ THỦY LỢI VÀ ĐIỆN LỰC ******* Số: 228-QĐ/TLĐL | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA ******* Hà Nội, ngày 06 tháng 04 năm 1961 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC CÁC HỘI ĐỒNG KỸ THUẬT VÀ TỔ KỸ THUẬT
BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY LỢI VÀ ĐIỆN LỰC
Căn cứ Chỉ thị số 105-TTg ngày 11-03-1959 của Phủ Thủ tướng về việc lãnh đạo phong trào cải tiến kỹ thuật, sáng chế phát minh của quần chúng;
Căn cứ Nghị định số 384-NĐ/TL ngày 22-07-1959 của Bộ lập Hội đồng kỹ thuật và các tổ kỹ thuật;
Căn cứ ý kiến của Hội đồng kỹ thuật trong phiên họp ngày 24-02-1961;
Để tăng cường lãnh đạo công tác khoa học và kỹ thuật trong ngành Thủy lợi và Điện lực;
Theo đề nghị của Vụ Tổ chức và Vụ Kỹ thuật,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Nay ban hành điều lệ tổ chức các Hội đồng kỹ thuật và tổ kỹ thuật của Bộ Thủy lợi và Điện lực, kèm theo quyết định này, nhằm:
- Chấn chỉnh và kiện toàn tổ chức, phát huy tác dụng tích cực của các Hội đồng kỹ thuật và tổ kỹ thuật để tập họp và đoàn kết chặt chẽ lực lượng kỹ thuật xung quanh lãnh đạo giúp Bộ tăng cường lãnh đạo công tác khoa học và kỹ thuật trong ngành Thủy lợi và Điện lực.
- Xác định tổ chức, nhiệm vụ, thành phần và lề lối làm việc của các Hội đồng kỹ thuật và tổ kỹ thuật.
Điều 2. – Điều lệ này thi hành kể từ ngày ký quyết định.
Điều 3. – Tất cả những quy định về Hội đồng kỹ thuật, tổ kỹ thuật đã ban hành trước đây đều bãi bỏ.
Điều 4. – Các ông Chánh văn phòng, Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Vụ trưởng, Viện trưởng, Giám đốc Sở Thủy lợi, Trưởng ty Thủy lợi chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY LỢI VÀ ĐIỆN LỰC |
ĐIỀU LỆ
TỔ CHỨC CÁC HỘI ĐỒNG KỸ THUẬT VÀ TỔ KỸ THUẬT CỦA BỘ THỦY LỢI VÀ ĐIỆN LỰC
A. HỘI ĐỒNG KỸ THUẬT BỘ
I. MỤC ĐÍCH VÀ TÍNH CHẤT CỦA HỘI ĐỒNG KỸ THUẬT BỘ
Hội đồng kỹ thuật Bộ Thủy lợi và Điện lực và một tổ chức tư vấn, xây dựng theo đường lối quần chúng, nhằm mục đích tập hợp đoàn kết lực lượng kỹ thuật xung quanh lãnh đạo, phát huy trí tuệ của tập thể, nâng cao tinh thần trách nhiệm của quần chúng, động viên tham gia chỉ đạo và quản lý kỹ thuật để tăng cường bảo đảm về mặt kỹ thuật cũng như để phát triển khoa học và kỹ thuật. Ý kiến của Hội đồng kỹ thuật là ý kiến của tập thể góp với Thủ trưởng trên tinh thần dân chủ, có nghiên cứu, có bàn bạc, trước khi Thủ trưởng quyết định.
II. NHIỆM VỤ CỦA HỘI ĐỒNG KỸ THUẬT BỘ
1. Góp ý kiến giúp Bộ xây dựng đường lối, phương châm, chính sách, chủ trương kỹ thuật.
2. Góp ý kiến với Bộ về việc tổ chức công tác quản lý kỹ thuật và các đồ án công trình quan trọng.
3. Góp ý kiến giúp Bộ lãnh đạo phong trào cải tiến kỹ thuật, sáng kiến phát minh, hợp lý hóa sản xuất của quần chúng, tổ chức xác minh những sáng chế phát minh quan trọng.
4. Góp ý kiến giúp Bộ xây dựng kế hoạch công tác khoa học và đẩy mạnh công tác khoa học phục vụ sản xuất.
5. Góp ý kiến với Bộ về việc quản lý và đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân kỹ thuật.
III. THÀNH PHẦN CỦA HỘI ĐỒNG KỸ THUẬT BỘ
Hội đồng kỹ thuật Bộ Thủy lợi và Điện lực gồm có:
- Một Chủ tịch hội đồng, hai Phó chủ tịch, một thư ký và một số ủy viên.
Chủ tịch Hội đồng kỹ thuật Bộ do Bộ trưởng hoặc một Thứ trưởng trực tiếp phụ trách.
Phó chủ tịch, thư ký và các ủy viên hội đồng do Bộ trưởng chỉ định.
Các ủy viên sẽ chọn trong những cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật và nghiệp vụ có kinh nghiệm, các công nhân lành nghề, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua ở các ngành chuyên môn.
Để thực hiện việc Đảng lãnh đạo kỹ thuật và quần chúng tham gia kỹ thuật. Bộ mới đại diện Đảng bộ và các tổ chức quần chúng tham gia Hội đồng kỹ thuật.
IV. LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG KỸ THUẬT BỘ
1. Hội đồng kỹ thuật Bộ họp thưòng lệ 6 tháng một lần và khi cần sẽ họp bất thường.
2. Ngoài những vấn đề do Bộ đưa ra để Hội đồng kỹ thuật Bộ tham ý kiến, mỗi thành viên Hội đồng kỹ thuật Bộ phải tích cực và chủ động đề xuất vấn đề với Ban thường trược để đưa ra thảo luận và góp ý kiến với Bộ.
3. Phương thức hoạt động của Hội đồng kỹ thuật Bộ:
a) Bộ quyết định vấn đề sẽ đưa ra lấy ý kiến Hội đồng kỹ thuật Bộ.
b) Vụ Kỹ thuật giúp Ban thường trực của Hội đồng kỹ thuật Bộ chuẩn bị các buổi họp (của Hội đồng kỹ thuật Bộ, Ban thường trực, tiểu ban chuyên đề).
Những vấn đề có tính chất chỉ đạo chung cho toàn ngành sẽ đưa ra thảo luận ở hội nghị toàn thể Hội đồng kỹ thuật Bộ. Đối với các vấn đề khác thì Ban thường trực được sự ủy nhiệm của Hội đồng kỹ thuật Bộ sẽ trực tiếp góp ý kiến với Bộ sau khi lấy ý kiến của tiểu ban chuyên đề có liên quan. Đến hội nghị thường lệ họp toàn thể Hội đồng kỹ thuật Bộ, Ban thường trực báo cáo tình hình các vấn đề đã được giải quyết để Hội nghị thông qua hoặc bổ sung ý kiến.
c) Ban thường trực đệ trình Bộ những kiến nghị của Hội đồng kỹ thuật Bộ. Những ý kiến của Hội đồng kỹ thuật Bộ, Ban thường trực và của tiểu Ban chuyên đề đều phải được ghi lại thành văn bản kèm theo hồ sơ để trình Bộ.
d) Vụ Kỹ thuật giúp Ban thường trực theo dõi việc thực hiện những kiến nghị đã được Bộ phê chuẩn.
V. BAN THƯỜNG TRỰC CỦA HỘI ĐỒNG KỸ THUẬT BỘ
1. Nhiệm vụ và quyền hạn:
Trong khoảng thời gian giữa 2 lần họp toàn thể Hội đồng kỹ thuật Bộ, để kịp thời góp ý kiến với Bộ, Hội đồng kỹ thuật Bộ có một Ban thường trực có nhiệm vụ:
a) Tập hợp mọi vấn đề đề xuất với Hội đồng kỹ thuật Bộ. Phân công cho các tiểu ban chuyên đề nghiên cứu. Căn cứ vào ý kiến kết luận của tiểu ban chuyên đề, Ban thường trực góp ý kiến với Bộ:
b) Chuẩn bị và triệu tập hội nghị Hội đồng kỹ thuật Bộ, báo cáo trước hội nghị về tình hình công tác và các vấn đề đưa ra để hội nghị thảo luận, tham gia ý kiến với Bộ.
c) Chỉnh lý và phổ biến các văn kiện của Hội đồng kỹ thuật Bộ.
d) Theo dõi tình hình thực hiện những nghị quyết của Hội đồng kỹ thuật Bộ.
đ) Tìm hiểu tình hình công tác khoa học của ngành và tình hình hoạt động của các Hội đồng kỹ thuật của các cấp dưới Bộ và các tổ kỹ thuật, kịp thời giúp đỡ ý kiến hướng dẫn hoạt động.
e) Tranh thủ sự giúp đỡ của Ủy ban Khoa học Nhà nước để đẩy mạnh phong trào quần chúng làm công tác khoa học và tham gia quản lý kỹ thuật.
2. Thành phần của Ban thường trực:
- Chủ tịch Hội đồng kỹ thuật Bộ Trưởng ban thường trực
- Phó Chủ tịch Hội đồng kỹ thuật Bộ Phó trưởng ban
- Thư ký Hội đồng kỹ thuật Bộ Thư ký
- 3 thành viên Hội đồng kỹ thuật Bộ Ủy viên thường trực
3. Lề lối làm việc của Ban thường trực:
a) Ban thường trực họp mỗi tháng một lần để nhận định tình hình trong tháng và góp ý kiến với Bộ về công tác trong tháng tới. Khi cần thiết, Ban thường trực sẽ họp mở rộng thành phần, mời trưởng tiểu ban chuyên đề có vấn đề có liên quan đến tham dự.
b) Thư ký Ban thường trực là người được ủy nhiệm tiếp nhận mọi công văn, giấy tờ gửi Hội đồng kỹ thuật Bộ, mọi ý kiến và tình hình phản ảnh với Hội đồng kỹ thuật Bộ, nghiên cứu các vấn đề, hội báo với trưởng hoặc phó ban thường trực tùy theo sự phân công cụ thể trong ban, đề xuất ý kiến giải quyết. Hàng tháng, thư ký Ban thường trực tổng hợp tình hình và báo cao trong buổi họp thường lệ của ban.
c) Để giúp thư ký Ban thường trực trong việc tập hợp tình hình chuẩn bị tài liệu, lưu trữ các hồ sơ văn kiện... có một bộ phận gọi là Văn phòng của Hội đồng kỹ thuật Bộ gồm số cán bộ chuyên trách về các công việc của Hội đồng kỹ thuật Bộ. Số cán bộ này lấy ở trong biên chế của Vụ Kỹ thuật.
VI. TIỂU BAN CHUYÊN ĐỀ
1. Nhiệm vụ và quyền hạn.
Để giúp Ban thường trực nghiên cứu các vấn đề, kịp thời góp ý kiến với Bộ, việc lập ra các tiểu ban chuyên đề là một biện pháp hợp lý nhằm giảm bớt các buổi họp toàn thể Hội đồng kỹ thuật Bộ, bảo đảm đi sâu vào vấn đề cần nghiên cứu bằng cách tập hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng kỹ thuật Bộ có nhiều quan hệ nhất đối với vấn đề đó.
Nhiệm vụ và quyền hạn của tiểu ban chuyên đề là:
Nghiên cứu kết luận vấn đề đã được Ban thường trực phân công, đề xuất ý kiến cụ thể về hướng giải quyết vấn đề.
Tùy theo tình hình và khả năng của cán bộ, cũng như các loại vấn đề có thể thành lập 2 loại tiểu ban chuyên đề: một loại làm thời tổ chức ra để góp ý kiến về một vấn đề cụ thể sau đó thì giải tán và một loại có tính chất cố định.
2. Thành phần của tiểu ban chuyên đề:
Tiểu ban chuyên đề gồm có một trưởng tiểu ban, và một số thành viên do Bộ chỉ định, theo đề nghị của Ban thường trực Hội đồng kỹ thuật Bộ.
3. Lề lối làm việc của tiểu ban chuyên đề:
- Trưởng tiểu ban trao đổi với thư ký Ban thường trực để thống nhất ý kiến về chương trình làm việc.
- Thư ký Hội đồng kỹ thuật Bộ có nhiệm vụ cung cấp cho tiểu ban chuyên đề những tài liệu cần thiết cho việc nghiên cứu vấn đề đã phân công cho tiểu ban và triệu tập các buổi họp của tiểu ban theo kế hoạch đã thống nhất.
B. HỘI ĐỒNG KỸ THUẬT CỦA TỔNG CỤC, CỤC, VỤ, VIỆN, SỞ, TY VÀ TỔ KỸ THUẬT Ở CƠ SỞ SẢN XUẤT
I. MỤC ĐÍCH VÀ TÍNH CHẤT
Ở các Tổng cục, Cục, Viện kỹ thuật, các công trường lớn, các Sở, Ty Thủy lợi tổ chức ra Hội đồng kỹ thuật và ở các đơn vị sản xuất và kiến thiết cơ bản (xí nghiệp, công trường) lập ra tổ kỹ thuật, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết lực lượng kỹ thuật xung quanh lãnh đạo, góp ý kiến giúp thủ trưởng giải quyết mọi vấn đề về mặt kỹ thuật và chỉ đạo phong trào quần chúng, làm công tác khoa học. Những tổ chức này đều là những tổ chức tư vấn của Hội đồng kỹ thuật Bộ.
II. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
1. Góp ý kiến về mặt kỹ thuật với thủ trưởng để giải quyết những vấn đề trong sản xuất.
2. Góp ý kiến giúp thủ trưởng chỉ đạo phong trào quần chúng cải tiến kỹ thuật, sáng kiến phát minh, cải tiến công cụ, hợp lý hóa sản xuất, tổ chức xác định những sáng chế phát minh của quần chúng. Về nhiệm vụ này thì tổ kỹ thuật đóng vai trò tích cực nhất phải có tác dụng vừa gây phong trào, vừa đánh giá, giúp đỡ hướng dẫn.
3. Góp ý kiến giúp thủ trưởng xây dựng kế hoạch công tác khoa học và kỹ thuật của cơ quan đơn vị.
4. Góp ý kiến giúp thủ trưởng trong việc bồi dưỡng cán bộ khoa học, công nhân kỹ thuật và các phần tử tích cực.
III. THÀNH PHẦN
a) Hội đồng kỹ thuật Tổng cục, Cục, Viện, Công trường lớn, Sở, Ty gồm có một Chủ tịch do thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng của cơ quan, đơn vị trực tiếp phụ trách, một thư ký và một số ủy viên.
Thư ký và ủy viên do thủ trưởng chỉ định (theo tinh thần quy định về thành phần của Hội đồng kỹ thuật Bộ).
b) Tổ kỹ thuật cơ sở sản xuất gồm có một tổ trưởng và một số tổ viên.
IV. LỀ LỐI LÀM VIỆC
1. Hội đồng kỹ thuật họp 3 tháng một lần. Tổ kỹ thuật họp mỗi tháng một lần. Nội dung sinh hoạt gồm có những vấn đề như sau:
- Nhận định tình hình phong trào quần chúng làm công tác khoa học kỹ thuật, phát huy sáng kiến phát minh, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất .
- Đề xuất ý kiến với thủ trưởng về những biện pháp cụ thể để đẩy mạnh phong trào quần chúng làm công tác khoa học.
- Kiểm điểm tình hình thực hiện kế hoạch công tác khoa học và kỹ thuật của cơ quan, đơn vị.
- Phát hiện những khó khăn, mắc mứu về mặt kỹ thuật cần đặt thành đề mục nghiên cứu, phân công cho nhóm chuyên đề phụ trách nghiên cứu hoặc vận động quần chúng tham gia nghiên cứu.
- Thảo luận các vấn đề mà thủ trưởng đưa ra để Hội đồng kỹ thuật, tổ kỹ thuật tham gia ý kiến.
- Xác minh những sáng kiến cải tiến của quần chúng được đưa ra lấy ý kiến của Hội đồng kỹ thuật, tổ kỹ thuật.
2. Thư ký làm nhiệm vụ thường trực, có trách nhiệm theo dõi, tập hợp tình hình có quan hệ đến nhiệm vụ của Hội đồng kỹ thuật, tổ kỹ thuật, giúp thủ trưởng trong việc chuẩn bị các buổi họp và chỉ đạo cho Hội đồng kỹ thuật, tổ kỹ thuật hoạt động.
V. NHÓM CHUYÊN ĐỀ
Nhóm chuyên đề tập hợp lực lượng cán bộ, công nhân tương đối có nhiều khả năng nghiên cứu, đi sâu vào một vấn đề nhất định, được lập ra với tính chất cố định hoặc lâm thời, để nghiên cứu và góp ý kiến về những vấn đề được thủ trưởng phân công theo đề nghị của Hội đồng kỹ thuật, tổ kỹ thuật.
Nhóm chuyên đề có một nhóm trưởng và một số nhóm viên. Nhóm chuyên đề trao đổi ý kiến với thư ký để xây dựng chương trình làm việc, sau đó hoạt động theo kế hoạch đã thống nhất.
C. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
Để giúp Bộ và ban thường trực Hội đồng kỹ thuật Bộ theo dõi tình hình hoạt động của công tác khoa học và phong trào cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất của quần chúng, Bộ quy định hàng tháng các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện Kỹ thuật, Sở, Ty, Công trường, xí nghiệp gửi báo cáo lên Bộ về tình hình công tác khoa học và kỹ thuật của cơ quan đơn vị mình.
Nội dung báo cáo:
1. Tình hình phong trào quần chúng tham gia cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất (cơ quan đơn vị đã làm gì để vận động quần chúng, và kết quả, giới thiệu một số sáng kiến, cải tiến tương đối xuất sắc nhất trong tháng).
2. Tình hình thực hiện những đề mục nghiên cứu ghi trong kế hoạch nghiên cứu khoa học.
3. Những khó khăn về mặt kỹ thuật mới phát hiện trong sản xuất và phương hướng nghiên cứu để giải quyết.
4. Những vấn đề về kỹ thuật đề nghị Bộ giúp đỡ giải quyết.
Quy định về thời gian:
Báo cáo hàng tháng phải gửi đến Bộ chậm nhất là ngày 20 mỗi tháng.
Ban hành kèm theo Quyết định số 228-QĐ/TLĐL ngày 06-04-1961.