Quyết định 2282/QĐ-UBND

Quyết định 2282/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Quy hoạch nuôi thủy sản trên tuyến sông đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 do tỉnh An Giang ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 2282/QĐ-UBND 2017 phê duyệt Quy hoạch nuôi thủy sản trên tuyến sông An Giang


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2282/QĐ-UBND

An Giang, ngày 28 tháng 7 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH NUÔI THỦY SẢN TRÊN CÁC TUYẾN SÔNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 150/TTr-SKHĐT ngày 24 tháng 7 năm 2017;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch nuôi thủy sản trên các tuyến sông đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm

1.1. Phát triển nuôi thuỷ sản trên sông phải trên cơ sở quán triệt các chủ trương, định hướng của Trung ương, của tỉnh, phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của các địa phương và quy hoạch các ngành. Phát triển nuôi thuỷ sản trên sông theo định hướng thị trường, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ theo hướng hiện đại hóa tạo sản phẩm có khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

1.2. Phát triển nuôi thuỷ sản trên sông phải gắn kết với việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về điều kiện cơ sở nuôi, chất lượng và an toàn sinh học, bảo vệ môi trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, cá nhân, tổ chức nuôi cá, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và Nhà nước. Phát triển nuôi thuỷ sản trên sông hướng đến áp dụng công nghệ cao theo các quy trình quốc tế công nhận, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh, hạn chế ô nhiễm môi trường, không gây cản trở giao thông luồng lạch.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung: Khai thác và sử dụng hiệu quả diện tích mặt nước trên các tuyến sông thuộc địa bàn tỉnh để phát triển nuôi thuỷ sản thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, theo hướng tập trung, đảm bảo tính hiệu quả và bền vững, góp phần giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Số lượng lồng bè giảm còn 3.220 chiếc năm 2020 và tăng lên 3.870 chiếc năm 2025.

- Sản lượng nuôi đạt 57.220 tấn năm 2020 và tăng lên 67.360 tấn năm 2025.

- Giá trị sản xuất nuôi thủy sản lồng bè (giá hiện hành) đạt 1.943 tỷ đồng năm 2020 và đạt 2.512 tỷ đồng năm 2025.

- Lao động nuôi thủy sản lồng bè đạt 5.990 người năm 2020 và 6.990 người năm 2025.

3. Định hướng phát triển

3.1. Định hướng quy hoạch vùng nuôi thủy sản lồng bè:

a) Định hướng đối tượng nuôi lồng bè:

Định hướng phát triển trong giai đoạn tới các đối tượng thủy sản nuôi lồng bè trên địa bàn tỉnh như sau: cá Basa, cá Điêu hồng/Rô phi, cá Chim trắng và các đối tượng nuôi truyền thống khác: cá He, cá Hú, cá Lóc bông,... Đây là các đối tượng tiêu thụ nội địa có rất nhiều tiềm năng, cần ưu tiên phát triển nâng cao năng suất, chất lượng con giống, tăng sản lượng tạo hiệu quả kinh tế cho người nuôi, hoàn thiện quy trình kỹ thuật trước khi tăng trưởng về số lượng lồng bè nuôi nhằm tạo sự ổn định trong sản xuất, giảm thiểu thiệt hại.

b) Số lượng, thể tích, sản lượng và giá trị sản lượng nuôi lồng bè:

- Số lượng: Lồng bè nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh được quy hoạch đến năm 2020 đạt 3.220 lồng bè và tăng lên đạt 3.870 lồng bè vào năm 2025, tập trung tại 8 huyện/thị/thành gồm: Long Xuyên, Châu Đốc, An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Châu Phú, Châu Thành và Chợ Mới; không quy hoạch nuôi thủy sản trên sông tại các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và Thoại Sơn do nằm cách xa tuyến sông Tiền, sông Hậu, sức tải môi trường kém, dễ gây ô nhiễm môi trường và tác động đến dân sinh trong khu vực.

- Diện tích chiếm nước, thể tích: Tổng diện tích chiếm nước (bao gồm cả diện tích lồng bè và khoảng cách giữa các lồng bè) nuôi thủy sản lồng bè đến năm 2020 là 201,9 ha và đến năm 2025 là 240,7 ha nhằm để tạo độ thông thoáng và dòng chảy phù hợp cho nuôi lồng bè. Thể tích nuôi thủy sản lồng bè cũng tăng từ 879.000 m3 năm 2020 tăng lên đạt 1.057.000 m3 vào năm 2025.

- Sản lượng: Với chỉ tiêu số lượng lồng bè đạt 3.220 lồng bè vào năm 2020 và tăng lên 3.870 lồng bè vào năm 2025, chỉ tiêu về sản lượng thủy sản nuôi lồng bè tương ứng trên địa bàn tỉnh An Giang lần lượt đạt 57.220 tấn vào năm 2020 và tăng đạt 67.360 tấn vào năm 2025.

- Giá trị sản lượng: Giá trị sản xuất thủy sản nuôi lồng bè trên sông tỉnh An Giang theo giá hiện hành đến năm 2020 đạt 1.943 tỷ đồng và đạt 2.512 tỷ đồng vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,27% (giai đoạn 2021 - 2025). Trong khi đó, theo giá so sánh năm 2010, giá trị sản xuất thủy sản trên sông của tỉnh đạt 1.410 tỷ đồng vào năm 2020 và tăng lên đạt 1.660 tỷ đồng vào năm 2025, tăng trưởng bình quân 3,32%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025.

3.2. Định hướng nhu cầu lao động nuôi thủy sản lồng bè:

Nhu cầu lao động phổ thông đáp ứng cho nuôi trồng thủy sản trên sông tỉnh An Giang đến năm 2020 là 6.000 người, và tăng lên cần 7.000 người vào năm 2025. Ngoài ra, cần đào tạo lao động kỹ thuật có trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học cho nuôi trồng thủy sản. Đến năm 2020 cứ khoảng 100 lồng bè nuôi thủy sản cần 01 kỹ sư nuôi trồng thủy sản quản lý thì con số này đến năm 2020 cần khoảng 33 kỹ sư nuôi trồng thủy sản và tăng lên 39 kỹ sư vào năm 2025.

3.3. Định hướng cơ sở hạ tầng và dịch vụ phục vụ nuôi lồng bè

a) Cơ sở hạ tầng

- Điện: Theo phương án quy hoạch nhu cầu thức ăn tự chế năm 2020 khoảng 64.150 tấn, năm 2025 khoảng 65.830 tấn tương ứng với nhu cầu điện năm 2020 khoảng 3.849 MWh và năm 2025 khoảng 3.949 MWh.

- Giao thông, bến hàng: Gia cố cầu bến, xây dựng cầu bến bêtông, có các trụ neo vũng chắc và kè chống xói lở; Làm đường lên xuống bến an toàn và đúng kỹ thuật để đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa có tải trọng nặng.

- Hệ thống phao tiêu, biển báo: Thiết kế hệ thống phao và biển báo theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường thủy nội địa Việt Nam. Việc thiết kế hệ thống phao tiêu để báo hiệu giới hạn vị trí nuôi thủy sản lồng bè dọc theo tuyến luồng giao thông nhằm xác định cụ thể vùng quy hoạch, hướng dẫn giao thông cho các phương tiện thủy, đồng thời giúp cho người nuôi lồng bè biết giới hạn tuyến luồng giao thông và cơ quan chức năng kiểm tra được vị trí bè của các hộ/doanh nghiệp nuôi được thuận tiện. Cách lắp đặt phải đảm bảo quy định về hành lang an toàn luồng (cách 10 m so với phao báo hiệu luồng theo quy định tại Thông tư số 23/2011/TT-BGTVT ngày 31/3/2011 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý đường thủy nội địa).

b) Dịch vụ hậu cần

- Hệ thống cung ứng con giống: Đến năm 2020, nhu cầu giống cần khoảng 166 triệu con và tăng lên cần 207 triệu con đến năm 2025.

- Dịch vụ cung ứng thức ăn thủy sản: Tổng nhu cầu thức ăn công nghiệp cho nuôi cá lồng bè tỉnh An Giang đến năm 2020 cần khoảng 133.280 tấn (với lượng thức ăn viên cần 63.350 tấn và thức ăn tự chế cần 69.930 tấn), tăng lên 153.250 tấn vào năm 2025 (với lượng thức ăn viên cần 81.780 tấn và thức ăn tự chế cần 71.470 tấn).

- Dịch vụ cung ứng thuốc thú y thủy sản:Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, cơ quan thú y tăng cường tư vấn hướng dẫn nông dân trong việc lựa chọn và sử dụng các loại thuốc thú y nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc không đúng công dụng, gây thiệt hại về kinh tế cho người sản xuất. Bên cạnh đó, việc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản lồng bè cần kết hợp với việc hướng dẫn kỹ thuật và các thông tin về phòng trị bệnh nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm thủy sản nuôi lồng bè, đồng thời, tạo tiền đề hướng đến phát triển nuôi chuyên sâu, có hiệu quả và thân thiện với môi trường.

4. Các giải pháp thực hiện quy hoạch:

4.1. Giải pháp cơ chế chính sách và vốn đầu tư

Tiếp tục và tăng cường triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang; Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh An Giang đến năm 2020 để có thể hỗ trợ người dân phát triển sản xuất hoặc chuyển đổi nghề phù hợp; Chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch”; Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020 và các quy định khác có liên quan.

Vận dụng tốt các cơ chế chính sách đã ban hành để thu hút vốn đầu tư, đồng thời, tỉnh tạo cơ chế thu hút nông dân tham gia vào các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như ngân hàng sẽ tăng định mức cho hợp tác xã vay với lãi suất ưu đãi; hợp tác xã thực hiện bảo hiểm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; liên minh hợp tác xã đầu tư hỗ trợ các dịch vụ công cho vùng nuôi trồng thủy sản và triển khai các khóa đào tạo cho các thành viên tham gia mô hình.

4.2. Giải pháp thị trường tiêu thụ

- Tăng cường củng cố, xây dựng mối liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong việc định hướng thị trường và sản phẩm tiêu thụ. Trước hết phải xây dựng cơ chế liên kết giữa các thành viên trong chuỗi và kế hoạch sản xuất, nguyên tắc giao nhận sản phẩm, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro, nâng cao uy tín thương hiệu. Đặc biệt là khâu tiêu thụ hàng hóa trong chuỗi liên kết, đảm bảo ổn định việc tiêu thụ sản phẩm và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất.

- Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đạt được chứng nhận VietGap và các chứng chỉ quốc tế khác; tăng cường các kênh thông tin về giá cả thị trường; hỗ trợ đào tạo lao động và đẩy mạnh liên kết hợp tác với các tỉnh, thành khác trong cân đối cung cầu một số đối tượng chủ lực, ổn định giá cả vật tư đầu vào.

- Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa bằng việc hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất đưa các sản phẩm đạt tiêu chuẩn đến các bếp ăn tập thể như trường học, bệnh viện, nhà hàng, siêu thị trong tỉnh, trong vùng và cả nước. Xây dựng và nâng cấp hệ thống chợ trên địa bàn theo hướng văn minh thương nghiệp, các chợ phải đảm bảo diện tích phân khu thủy sản theo nhu cầu của tiểu thương; sớm hoàn thành chợ đầu mối thủy sản tại thành phố Long Xuyên giúp tiểu thương ổn định buôn bán, trong đó có buôn bán các mặt hàng thủy sản.

4.3. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực

Tăng cường đầu tư, liên kết, mở rộng quy mô các cơ sở đào tạo nghề về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho Trường dạy nghề. Các cơ sở đào tạo nghề phải có hướng giải quyết việc làm thì mới có thể thu hút người học. Đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên rộng khắp trên địa bàn tỉnh tạo cơ sở cho công tác tập huấn cũng như chuyển giao khoa học công nghệ thuận tiện và dễ dàng. Tuy nhiên, cần tập trung đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn sâu về kỹ thuật nuôi thủy sản lồng bè, môi trường, dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản.

4.4. Giải pháp khoa học công nghệ

Phối hợp với các Viện, Trường đẩy mạnh công tác nghiên cứu, hoàn thiện các quy trình sản xuất giống, nuôi thương phẩm các đối tượng có giá trị kinh tế, công nghệ sản xuất các sản phẩm nuôi trồng hữu cơ, sản phẩm sạch; tăng cường nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học và các hệ thống nuôi an toàn môi trường - sinh thái. Tăng cường quảng bá và phát triển thương hiệu cho một số sản phẩm thủy sản lồng bè có giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng. Gắn phát triển nuôi thủy sản lồng bè với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái trải nghiệm.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ phải đi đôi với xây dựng vùng nuôi an toàn theo các tiêu chuẩn quốc tế, trước hết là ứng dụng VietGAP cho vùng nuôi cá rô phi, điêu hồng, cá lóc, cá chim trắng và một số đối tượng khác.Tăng cường phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ phục vụ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nâng cao trình độ lao động khuyến ngư để có thể khuyến cáo cho người nuôi các giải pháp về kỹ thuật nuôi và phòng trị dịch bệnh hiệu quả.

4.5. Giải pháp hạ tầng và dịch vụ hậu cần

a) Đầu tư cơ sở hạ tầng

- Điện: Có chính sách quan tâm đến các hộ nuôi thủy sản lồng bè để giúp họ có thể đăng ký mua điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đồng thời, ngành điện phải tạo thuận lợi và linh hoạt cho người nuôi cá bè dễ dàng tiếp cận và đăng ký mua điện.

- Giao thông: Rà soát lại cơ sở hạ tầng của các bến cá, bến thủy nội địa trên địa bàn để đưa công tác quản lý các bến thủy nội địa vào hệ thống quy hoạch giao thông thủy nhằm tạo điều kiện hỗ trợ thông qua việc xây dựng, nâng cấp các bến cá hoặc bến đò hiện hữu để người dân bốc dỡ hàng hóa lên xuống tàu, thuyền được thuận lợi hơn.

b) Dịch vụ hậu cần

- Con giống: Tập trung triển khai Quy hoạch vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao với định hướng phát triển vùng sản xuất giống thủy sản tập trung, và các cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ cao nhằm cung cấp con giống chất lượng và nguồn gốc đảm bảo cho người nuôi, đồng thời thực hiện dự án xã hội hóa sản xuất giống cá basa chuyển giao công nghệ sản xuất giống cho các cơ sở sản xuất cá basa giống đáp ứng nhu cầu cá giống phục vụ cho nuôi thương phẩm.

- Thức ăn, thuốc hóa chất: Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn thủy sản chủ động cung cấp thức ăn trong chuỗi liên kết tiêu thụ, giảm chi phí vận chuyển, chi phí trung gian đồng thời cũng giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất và các nguồn nhập vào tỉnh để thức ăn, thuốc, hóa chất đưa vào sản xuất nằm trong danh mục cho phép, đảm bảo chất lượng ghi trên nhãn hàng hóa và không quá hạn sử dụng.

4.6. Giải pháp bảo vệ môi trường

Sử dụng thức ăn công nghiệp với hệ số FCR thấp, hạn chế lượng thức ăn dư thừa và thức ăn tươi sống để giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu nuôi lồng bè. Thường xuyên duy tu các trang thiết bị máy móc phục vụ nuôi lồng bè như máy trộn cám, ghe thuyền hạn chế để dầu nhớt rơi vãi xuống sông. Thu gom rác thải sinh hoạt cho các hộ nuôi bè, nghiên cứu xây dựng mô hình nhà vệ sinh tự hoại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước và phát sinh mầm bệnh ảnh hưởng đến các đối tượng thủy sản nuôi bè.

Tăng cường năng lực giám sát môi trường cũng như dự báo các yếu tố môi trường, biến đổi khí hậu tác động đến vùng nuôi thủy sản lồng bè cũng như tác động của nghề nuôi thủy sản lồng bè đến môi trường kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh; Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các chủ đầu tư và các chủ doanh nghiệp, người dân đối với các cơ sở nuôi cá.

5. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư (Phu lục kèm theo)

Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm tham mưu trực tiếp cho UBND tỉnh liên quan đến ban hành các chủ trương, chính sách quản lý phát triển nuôi thủy sản trên các tuyến sông. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tiến hành tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch để sớm phổ biến triển khai quy hoạch. Đồng thời, tổ chức xây dựng các chương trình, đề án, dự án ưu tiên đầu tư nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung trong quy hoạch.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng các công trình dự án đầu tư phát triển nuôi thủy sản trên các tuyến sông trình UBND tỉnh xét duyệt.

3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh đầu tư cho các dự án hạ tầng kỹ thuật và chương trình phát triển nuôi thủy sản trên các tuyến sông đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

4. Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan tham gia ý kiến ngành về các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất nuôi thủy sản trên các tuyến sông theo nội dung quy hoạch.

5. Sở Giao thông vận tải: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Tài chính ghi vốn để thực hiện duy tu, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh theo quy hoạch được phê duyệt để phục vụ phát triển nuôi thủy sản trên các tuyến sông.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan quản lý môi trường đối với các vùng nuôi cá lồng bè, đồng thời trách nhiệm này cũng được phân cấp đến Phòng Tài nguyên và Môi trường của các xã/phường/thị trấn có vùng nuôi.

7. Các Sở, ngành có liên quan: Trong phạm vi chức năng của mình, phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thành công quy hoạch cũng như công tác di dời và quản lý lồng bè nuôi thủy sản trên sông.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- TT TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Các Sở, ngành, đoàn thể tỉnh,
- Lãnh đạo VP.UBND tỉnh;

- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- P.KTN, P.HCTC.

Đính kèm phụ lục.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lâm Quang Thi

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ THỜI KỲ 2020 - 2025 CỦA QUY HOẠCH NUÔI THỦY SẢN TRÊN CÁC TUYẾN SÔNG
(Kèm theo Quyết định số 2282/QĐ-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

TT

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ

1

Dự án đầu tư nâng cấp các tuyến đường vào bến neo đậu tàu thuyền, bến cá phục vụ nhu cầu vận chuyển thức ăn, con giống và tiêu thụ sản phẩm nuôi thủy sản trên sông

2

Dự án đầu tư hệ thống phao, biển báo hiệu khu vực quy hoạch

3

Dự án đầu tư hệ thống phao, biển báo hiệu khu vực quy hoạch

4

Đầu tư xây dựng đường điện đến một số khu vực chưa có điện sản xuất

5

Đề án sắp xếp lồng bè nuôi thủy sản trên sông theo quy hoạch

6

Dự án quản lý cộng đồng nuôi thủy sản lồng bè trên sông.

7

Dự án đào tạo, tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi thủy sản lồng bè cho người nuôi trên sông.

8

Khu huấn luyện kỹ thuật sản xuất giống và nuôi cá nước ngọt cho nông dân vùng nông thôn và miền núi

9

Dự án phát triển nguồn nhân lực quản lý nuôi thủy sản lồng bè.

10

Xây dựng Trạm quan trắc chất lượng nước tự động trên sông.

11

Dự án xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm vùng nuôi lồng bè.

* Ghi chú: Về vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư của các công trình, dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thtrong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư cho từng thời kỳ./.

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 2282/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu2282/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành28/07/2017
Ngày hiệu lực28/07/2017
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật4 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 2282/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 2282/QĐ-UBND 2017 phê duyệt Quy hoạch nuôi thủy sản trên tuyến sông An Giang


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 2282/QĐ-UBND 2017 phê duyệt Quy hoạch nuôi thủy sản trên tuyến sông An Giang
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu2282/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh An Giang
                Người kýLâm Quang Thi
                Ngày ban hành28/07/2017
                Ngày hiệu lực28/07/2017
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật4 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản gốc Quyết định 2282/QĐ-UBND 2017 phê duyệt Quy hoạch nuôi thủy sản trên tuyến sông An Giang

                      Lịch sử hiệu lực Quyết định 2282/QĐ-UBND 2017 phê duyệt Quy hoạch nuôi thủy sản trên tuyến sông An Giang

                      • 28/07/2017

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 28/07/2017

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực