Quyết định 230/2000/QĐ-TCHQ Quy chế quản lý và sử dụng vũ khí, công cụ đã được thay thế bởi Thông tư 07/2013/TT-BTC bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý và được áp dụng kể từ ngày 25/02/2013.
Nội dung toàn văn Quyết định 230/2000/QĐ-TCHQ Quy chế quản lý và sử dụng vũ khí, công cụ
TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 230/2000/QĐ-TCHQ | Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 2000 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VŨ KHÍ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ TRONG NGÀNH HẢI QUAN
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
- Căn cứ Pháp lệnh Hải quan ngày 23/2/1990;
- Căn cứ Nghị định 94-HĐBT ngày 2/7/1984 của Hội đồng Bộ trưởng quy định bổ sung các Nghị định của Hội đồng Chính phủ về quản lý vũ khí quân dụng và vũ khí thể thao quốc phòng, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ;
- Căn cứ Nghị định 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;
- Căn cứ Nghị định 16/CP ngày 7 tháng 3 năm 1994 của Chính phủ về chức năng, công nghiệp, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Hải quan;
- Xét đề nghị của Ông Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế quản lý và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong ngành Hải quan.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.
Điều 3: Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hải quan, Giám đốc Công ty Nam Hải chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VŨ KHÍ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 230/2000/QĐ-TCHQ ngày 12 tháng 7 năm 2000 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)
Chương
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Vũ khí và công cụ hỗ trợ (sau đây viết là VK, CCHT) là những phương tiện đặc biệt được trang bị cho các đơn vị Điều tra chống buôn lậu thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu; các Đội Kiểm soát chống buôn lậu; Hải quan cửa khẩu thuộc Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cục Hải quan tỉnh); Đội bảo vệ cơ quan Hải quan.
Điều 2: VK, CCHT ngành Hải quan được trang bị bao gồm:
1- Vũ khí:
Vũ khí quân dụng gồm: súng ngắn, súng trường, súng liên thanh và một số loại khác.
2- Công cụ hỗ trợ gồm: roi cao su, roi điện, gậy điện, găng tay điện, súng bắn hơi cay, ngạt độc, gây mê và một số loại công cụ hỗ trợ khác.
3- Đạn: gồm các loại có tính năng, tác dụng phù hợp với VK, CCHT được trang bị.
Điều 3: VK, CCHT được trang bị để tập trung, quản lý chặt chẽ ở cơ quan, đơn vị. Việc trang bị, tiêu huỷ VK, CCHT phải tuân thủ các quy định của pháp luật và phải được sự đồng ý của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Điều 4: Việc điều chuyển VK, CCHT thuộc phạm vi quản lý của Cục Hải quan nào, Cục trưởng Cục Hải quan đó ra quyết định. Việc điều chuyển VK, CCHT từ Cục Hải quan này sang Cục Hải quan khác, do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định.
Chương II
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VK, CCHT
Điều 5: Vụ Kế hoạch và tài vụ, là đơn vị chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và Đào tạo và Cục Điều tra Chống buôn lậu, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan trong việc quản lý, theo dõi, cấp phát VK, CCHT trong toàn Ngành.
Điều 6: Căn cứ vào cơ cấu tổ chức cụ thể, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh xem xét, chỉ định một đơn vị chủ trì, giúp Cục trưởng quản lý, theo dõi, cấp phát VK, CCHT cho đơn vị, cá nhân thuộc quyền.
Điều 7: Các đơn vị trang bị VK, CCHT phải có kho hoặc nơi tập trung bảo quản, cất giữ và phân công người có đủ điều kiện bảo quản thường xuyên, quản lý chặt chẽ.
Kho hoặc nơi tập trung bảo quản, cất giữ VK, CCHT phải bảo đảm đúng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn phòng cháy, chữa cháy; có nội quy và phương án bảo vệ; được thứ trưởng đơn vị phê duyệt.
Người được giao phụ trách kho hoặc nơi tập trung VK, CCHT phải chấp hành nghiêm chỉnh chế độ kiểm tra, bảo quản, có sổ sách theo dõi việc xuất, nhập VK, CCHT.
Điều 8: Khi được trang bị VK, CCHT, đơn vị phải đăng ký với cơ quan Công an cấp có thẩm quyền và xin cấp giấy phép sử dụng theo quy định. Khi giấy phép hết hạn, phải làm thủ tục cấp giấy phép mới.
Các đơn vị phải có kế hoạch thường xuyên huấn luyện về việc bảo quản và sử dụng VK, CCHT cho người được giao quản lý, sử dụng.
Điều 9:
1- VK, CCHT chỉ được giao cho người đang thi hành công vụ, có chứng chỉ đã được huấn luyện về bảo quản, sử dụng và biết sử dụng thành thạo VK, CCHT được giao; có phẩm chất đạo đức tốt, sức khoẻ phù hợp. Sau khi hoàn thành công vụ, người được giao VK, CCHT phải trả lại đơn vị, để quản lý theo quy định.
2- Đơn vị, cá nhân phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với VK, CCHT được giao; phải chấp hành đầy đủ quy định về việc sử dụng, bảo dưỡng, kiểm tra, kiểm kê; VK, CCHT phải giữ gìn tuyệt đối an toàn, không để hư hỏng mất mất.
Điều 10: Khi đi công tác, nếu mang theo VK, CCHT phải có giấy phép sử dụng. Vũ khí phải thường xuyên mang bên người. Nghiêm cấm cho người khác mượn VK, CCHT và giấy phép sử dụng VK, CCHT.
Điều 11: Người được giao quản lý, sử dụng VK, CCHT nếu chuyển công tác, thôi việc, nghỉ hưu hoặc không đủ điều kiện để tiếp giữ VK, CCHT theo quy định, phải bàn giao đầy đủ lại cho đơn vị quản lý. Đơn vị phải có trách nhiệm thu nhận đầy đủ, kiểm tra và bảo quản VK, CCHT theo quy định, trước khi ra quyết định cho chuyển công tác, thôi việc hoặc nghỉ hưu.
Điều 12: Trường hợp bị mất VK, CCHT hoặc giấy phép sử dụng, phải lập biên bản xác nhận sự việc và báo cáo ngay với cơ quan Công an sở tại và cơ quan Công an nơi đăng ký. Đơn vị, cá nhân có liên quan phải áp dụng mọi biện pháp truy tìm đồng thời báo cáo về Tổng cục Hải quan để có hướng xử lý.
Điều 13: Định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, các Cục Hải quan tỉnh và đơn vị khác được trang bị VK, CCHT, phải thống kê, báo cáo Tổng cục Hải quan về tình hình bảo quản, quản lý, tình trạng tiêu hao VK, CCHT. Căn cứ yêu cầu việc thực hiện nhiệm vụ, hàng năm phải có báo cáo kế hoạch cấp, đổi, bổ sung, sửa chữa trang bị VK, CCHT của đơn vị về Tổng cục (qua Vụ Kế hoạch và tài vụ) để có kế hoạch giải quyết.
Điều 14:
Người được giao VK, CCHT chỉ được nổ súng vào các đối tượng dưới đây, trong khu vực kiểm soát Hải quan, sau khi đã bắn cảnh cáo mà đối tượng không tuân lệnh, trừ trường hợp đặc biệt cấp bách, không có biện pháp nào khác để năn chặn ngay đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội, gây hiệu quả nghiêm trọng:
- Những kẻ đang dùng vũ lực để thực hiện hành vi giết người, hiếp dâm, gây rối trật tự rất nghiêm trọng hoặc phá hoại tài sản của Nhà nước hoặc tài sản của công dân.
- Những kẻ dùng vũ lực chống lại hoặc có hành động uy hiếp nghiêm trọng tính mạng cán bộ, công chức Hải quan đang thi hành nhiệm vụ điều tra, tuần tra, canh gác, khám xét, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
- Những điều khiển phương tiện giao thông không tuân lệnh, cố tình chạy trốn, khi người kiểm soát phương tiện giao thông đã ra lệnh và có cơ sở để khẳng định trên phương tiện đó có ma tuý, vũ khí, chất cháy, chất nổ; tài liệu phản động; tài liệu bí mật quốc gia; tài sản đặc biệt quý giá của nhà nước; hàng cấm, hàng có nguồn gốc nhập khẩu trái phép; hoặc có bọn tội phạm, bọn lưu manh, côn đồ đang sử dụng phương tiện để chạy trốn, thì được phép bắn hỏng phương tiện để bắt giữ đối tượng.
Chương III
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 15: Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc quản lý, sử dụng VK, CCHT sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 16:
Tổ chức, cá nhân được giao VK, CCHT vi phạm chế độ quản lý, sử dụng VK, CCHT thì tuỳ theo tính chất mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17: Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hải quan, Giám đốc Công ty Nam Hải, trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình, tổ chức thực hiện quy chế này.