Nội dung toàn văn Quyết định 25/2009/QĐ-UBND quan hệ công tác UBND Liên Đoàn Lao động Bà Rịa
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/2009/QĐ-UBND | Vũng Tàu, ngày 13 tháng 4 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VÀ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH BÀ RỊA- VŨNG TÀU
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Công Đoàn ngày 30 tháng 6 năm 1990;
Sau khi thống nhất với Ban Thường vụ Liên Đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “ Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Ủy Ban Nhân dân tỉnh và Liên Đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố; Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh căn cứ quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
VỀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VÀ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2009/QĐ-UBND ngày 13 tháng 4 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Chương I:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy chế này xác định một số điểm về quan hệ phối hợp giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Liên đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân tỉnh và thực hiện chức năng của tổ chức công đoàn nhằm mục đích nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo hoạt động công đoàn và phong trào công nhân viên lao động tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội của tỉnh.
Quy chế phối hợp gồm những nội dung chính sau:
- Tham gia xây dựng và thực hiện các cơ chế, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công nhân viên lao động, thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Phát huy dân chủ cơ sở, tạo điều kiện để công nhân viên lao động tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ tại cơ quan, đơn vị.
- Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên lao động; giải quyết việc làm, nâng cao đời sống và cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân viên lao động; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho công nhân viên lao động.
Chương II:
NHỮNG NỘI DUNG PHỐI HỢP
Điều 2. Về văn bản chỉ đạo:
Việc soạn thảo các văn bản thi hành pháp luật, các chính sách về lao động và các chính sách kinh tế xã hội có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của công nhân viên lao động được thực hiện như sau:
- Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì soạn thảo văn bản, Liên đoàn Lao động tỉnh tham gia góp ý nội dung văn bản hoặc Liên đoàn Lao động tỉnh trực tiếp dự thảo văn bản và đề nghị ý kiến tham gia của Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở, ban, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Đối với những nội dung văn bản mà Liên đoàn Lao động tỉnh và bên soạn thảo văn bản thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh chưa thống nhất ý kiến thì báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét và quyết định. Khi văn bản được ban hành thì Liên đoàn Lao động tỉnh vận động công nhân viên lao động thực hiện.
Điều 3. Việc phát huy quy chế dân chủ cơ sở:
- Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền, thủ trưởng cơ quan, giám đốc các doanh nghiệp nhà nước tổ chức hội nghị cán bộ công chức, đại hội công nhân viên chức để cán bộ, công chức và người lao động tham gia đóng góp ý kiến xây dựng và thực hiện chương trình công tác của cơ quan, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn tham gia xây dựng kế hoạch kinh tế xã hội hằng năm của các cấp chính quyền; vận động công nhân viên lao động thực hiện kế hoạch thông qua các phong trào thi đua lao động, sản xuất; qua đó thực hiện chức năng tham gia quản lý của tổ chức công đoàn.
Điều 4: Về việc tổ chức phong trào thi đua lao động sản xuất:
- Ủy ban nhân dân tỉnh định ra chỉ tiêu thi đua hằng năm; tổ chức sơ, tổng kết và biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể và cá nhân đạt thành tích trong phong trào thi đua lao động, sản xuất.
- Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức phát động thi đua; đề ra các hình thức, biện pháp vận động công nhân viên lao động tham gia tích cực các phong trào thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội do Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra.
Điều 5: Việc tham gia các hội đồng cấp tỉnh
- Ủy ban nhân dân tỉnh cơ cấu thành viên Liên đoàn Lao động tỉnh tham gia các hội đồng, ban chỉ đạo, đoàn công tác cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập để kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật, chính sách nhà nước và giải quyết các vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của công nhân viên lao động.
- Liên đoàn Lao động tỉnh cử thành viên tham gia các hội đồng, ban chỉ đạo, đoàn công tác cấp tỉnh để đề xuất, đóng góp ý kiến về những nội dung có liên quan đến quyền và lợi ích của công nhân viên lao động.
Điều 6. Về công tác đào tạo, bồi dưỡng:
- Ủy ban nhân dânD tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ tạo điều kiện thuận lợi trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ công chức, viên chức thuộc hệ thống công đoàn tỉnh; chỉ đạo Sở LĐTBXH và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phối hợp đào tạo, nâng cao trình độ văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề bậc thợ cho công nhân viên lao động.
- Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, đoàn viên công đoàn; vận động công nhân viên lao động tích cực tham gia học tập nâng cao trình độ văn hoá, chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao tay nghề để đảm bảo chất lượng công tác.
Điều 7. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân viên lao động
- Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh được mời dự các cuộc họp của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc các hội thảo, hội nghị chuyên đề để giải quyết các vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức và người lao động hoặc liên quan đến hoạt động công đoàn.
- Ủy ban nhân dân tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong cán bộ, công chức và người lao động tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần của người lao động; hỗ trợ Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện quyền kiểm tra việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của công nhân viên lao động.
- Khi cần thiết Liên đoàn Lao động tỉnh đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành chức năng thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong thực hiện các chính sách, chế độ liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của công nhân viên lao động.
- Khi có phát sinh mâu thuẫn nghiêm trọng về quan hệ lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng phối hợp giải quyết. Nếu các sở, ban, ngành hữu quan đã giải quyết nhưng Liên đoàn Lao động tỉnh còn có ý kiến khác, thì Liên đoàn Lao động tỉnh trực tiếp đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết theo thẩm quyền.
Chương III:
NHỮNG ĐẢM BẢO CHO HOẠT ĐỘNG PHỐI HỢP
Điều 8. Về cung cấp thông tin:
- Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân có trách nhiệm phối hợp cung cấp cho Liên đoàn Lao động tỉnh những thông tin mới ban hành về tình hình kinh tế xã hội, các chủ trương, chính sách của Nhà nước và của tỉnh có liên quan đến nghĩa vụ, quyền lợi của công nhân viên lao động. Khi cần thiết Ủy ban nhân dân tỉnh cử đại diện dự các kỳ hội nghị Ban chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh để nghe kiến nghị về quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ công nhân viên lao động.
- Liên đoàn Lao động tỉnh có trách nhiệm báo cáo về hoạt động công đoàn và tình hình việc làm, đời sống, tâm tư, nguyện vọng của công nhân viên lao động với Ủy ban nhân dân tỉnh. Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh được mời dự các phiên họp của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc các hội nghị chuyên đề giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của công nhân viên lao động hoặc liên quan đến hoạt động công đoàn tỉnh.
Điều 9. Về thời gian báo cáo, họp liên tịch:
- Hàng tháng Liên đoàn Lao động tỉnh báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân tỉnh về hoạt động công đoàn và phong trào công nhân viên lao động trong tỉnh.
- Định kỳ hằng năm (hoặc khi cần thiết) Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức họp liên tịch để trao đổi về những vấn đề cần thiết trong mối quan hệ công tác giữa Ủy ban nhân dânD tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh. Thời gian, chương trình làm việc do Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với văn phòng Liên đoàn Lao động tỉnh chuẩn bị.
Điều 10. Về tài chính công đoàn:
- Ủy ban nhân dân tỉnh tạo điều kiện giúp đỡ về tài chính, phương tiện làm việc để hỗ trợ hoạt động công đoàn và phong trào công nhân viên lao động trong tỉnh; đồng thời chỉ đạo Kho bạc nhà nước, Cục thuế tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện việc trích nộp kinh phí công đoàn khối hành chính sự nghiệp và khối doanh nghiệp.
- Liên đoàn Lao động tỉnh có trách nhiệm sử dụng hiệu quả các phương tiện hỗ trợ của Ủy ban nhân dân tỉnh để phục vụ lợi ích thiết thực của người lao động và hoạt động công đoàn tỉnh.
Chương IV:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh hoặc cần điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi thì Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ trao đổi, thảo luận để thống nhất.
Quy chế này thay thế Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Ủy ban nhân dân tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành kèm theo Quyết định số 8963/2004/QĐ-UBND ngày 12 tháng 11 năm 2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu./.