Quyết định 25/2009/QĐ-UBND Quy chế gặp gỡ, đối thoại giải quyết khiếu nại đã được thay thế bởi Quyết định 14/2013/QĐ-UBND Quy chế đối thoại giải quyết khiếu nại tại Yên Bái và được áp dụng kể từ ngày 04/07/2013.
Nội dung toàn văn Quyết định 25/2009/QĐ-UBND Quy chế gặp gỡ, đối thoại giải quyết khiếu nại
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/2009/QĐ-UBND | Yên Bái, ngày 19 tháng 11 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ GẶP GỠ, ĐỐI THOẠI TRONG GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004;
Căn cứ Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Khiếu nại, tố cáo;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh Yên Bái tại Tờ trình số 346/TTr-TTr ngày 14/10/2009 về việc đề nghị ban hành Quy chế gặp gỡ, đối thoại trong giải quyết khiếu nại,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế gặp gỡ, đối thoại trong giải quyết khiếu nại.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 381/2004/QĐ-UB ngày 13/12/2004 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc ban hành Quy chế gặp gỡ, đối thoại trong giải quyết khiếu nại .
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI |
QUY CHẾ
GẶP GỠ ĐỐI THOẠI TRONG GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2009/QĐ-UBND ngày 19/11/2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc ban hành Quy chế gặp gỡ, đối thoại trong giải quyết khiếu nại)
Chương I.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, các ngành, đơn vị lực lượng vũ trang (gọi tắt là cơ quan đơn vị) ngoài việc tổ chức tiếp công dân định kỳ còn phải có trách nhiệm gặp gỡ, đối thoại trong giải quyết khiếu nại theo quy định Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005.
Điều 2. Việc gặp gỡ trong giải quyết khiếu nại nhằm mục đích phát huy quyền làm chủ của nhân dân; làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, người bị khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại để người có thẩm quyền ra quyết định giải quyết khiếu nại đảm bảo khách quan, đúng pháp luật, thấu tình đạt lý, giữ vững kỷ cương trong quản lý hành chính Nhà nước.
Điều 3. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, đơn vị có liên quan về địa điểm thời gian tổ chức gặp gỡ, đối thoại.
- Địa điểm gặp gỡ, đối thoại phải đảm bảo trang trọng, có đủ điều kiện cần thiết phục vụ cho việc gặp gỡ, đối thoại.
- Khi tham gia đối thoại, mọi công chức phải mặc trang phục chỉnh tề (nếu có trang phục của ngành buộc phải mặc), đeo biển công chức đúng quy định. Mọi công dân tham gia buổi gặp gỡ đối thoại phải xuất trình chứng minh thư nhân dân, giấy mời làm việc, giấy uỷ quyền (nếu được uỷ quyền), nếu là tổ chức, đơn vị khiếu nại, do người đứng đầu đại diện theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Mọi cuộc gặp gỡ, đối thoại đều phải ghi biên bản, có chữ ký của các bên tham gia. Trong trường hợp người khiếu nại không ký biên bản, người ghi biên bản phải ghi rõ lý do không ký biên bản gặp gỡ đối thoại.
Điều 5. Trong buổi gặp gỡ đối thoại mọi người tuyệt đối không được mang vũ khí, chất nổ, chất độc vào phòng làm việc mọi người phải tuân thủ sự điều hành của người chủ trì, nếu vi phạm thi tuỳ theo tính chất mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Người chủ trì đối thoại có quyền từ chối gặp gỡ đối thoại với người không có đủ năng lực hành vi, người say rượu, bia và các chất kích thích khác, người không có quyền và lợi ích liên quan.
Điều 7. Cơ quan Công an địa phương và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được chọn làm địa điểm đối thoại, phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn về an ninh, trật tự cho cuộc đối thoại theo đúng quy định của pháp luật.
Chương II.
TỔ CHỨC GẶP GỠ ĐỐI THOẠI
Điều 8. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, người giải quyết khiếu nại phải gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại. Trong trường hợp người khiếu nại nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật thì luật sư có quyền tham gia trong quá trình giải quyết khiếu nại.
Điều 9. Thành phần tham gia trong buổi gặp gỡ, đối thoại gồm: Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, cơ quan có nhiệm vụ thẩm tra, xác minh; người khiếu nại (trong trường hợp người khiếu nại nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật thì luật sư có quyền tham gia gặp gỡ, đối thoại); người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan, trong trường hợp cần thiết có thể mời đại diện các tổ chức chính trị xã hội tham dự.
Điều 10. Người giải quyết khiếu nại, phải thông báo cho các thành phần nêu tại Điều 9 trước 5 ngày làm việc về nội dung, thời gian và địa điểm đối thoại. Những người được thông báo phải có mặt đúng thời gian, địa điểm đã ghi trong giấy mời. Nếu vắng mặt phải báo cáo với cơ quan chủ trì đối thoại, nếu từ chối đối thoại hoặc tự ý vắng mặt thì người chủ trì được quyền quyết định có tổ chức đối thoại hay không.
Điều 11. Nội dung buổi đối thoại gồm: thông báo lý do, chương trình, quy chế đối thoại, ý kiến của người khiếu nại, giải trình của bên bị khiếu nại; trình bày báo cáo của các ngành được giao nhiệm vụ thẩm tra xác minh nội dung khiếu nại và nội dung khác theo sự điều hành của người chủ trì đối thoại (các nội dung trình bày phải ngắn gọn có căn cứ pháp lý kèm theo), ý kiến kết luận của người chủ trì đối thoại, thông qua biên bản đối thoại để các bên tham gia cùng ký. Nếu 1 trong các bên không ký biên bản mà các thành phần khác vẫn ký thì biên bản đối thoại vẫn có giá trị làm cơ sở cho việc giải quyết khiếu nại. Biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại.
Điều 12. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần 2, người giải quyết khiếu nại có thể gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại. Trong trường hợp người khiếu nại nhờ luật sư gúp đỡ về pháp luật thì luật sư có quyền tham gia trong quá trình giải quyết khiếu nại. Trong trường hợp khiếu nại là vụ việc phức tạp, thì người giải quyết khiếu nại lần hai phải gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và lợi ích liên quan. Việc gặp gỡ, đối thoại được tiến hành như lần đầu.
Chương III.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Chánh Thanh tra tỉnh có trách nhiệm giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện quy chế này.
Chánh Thanh tra cấp huyện thị xã, thành phố giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn thực hiện quy chế gặp gỡ, đối thoại trong giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền.
Điều 14. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức tốt việc gặp gỡ, đối thoại trong giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền.
Điều 15. Cơ quan, đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện quy chế này sẽ được biểu dương khen thưởng. Cơ quan, đơn vị và cá nhân vi phạm tuỳ theo tính chất mức độ sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành./.