Nội dung toàn văn Quyết định 25/2012/QĐ-UBND Quy định hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/2012/QĐ-UBND | Phú Thọ, ngày 21 tháng 12 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH HỖ TRỢ CÁC DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA ĐẦU TƯ ĐỔI MỚI, HIỆN ĐẠI HÓA CÔNG NGHỆ TRONG CÁC LĨNH VỰC ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND & UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003; Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 9 tháng 6 năm 2000;
Căn cứ Luật Chuyển giao công nghệ ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Căn cứ Quyết định số: 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 28/2012/NQ-HĐND ngày 17 tháng 12 năm 2012 của HĐND tỉnh Phú Thọ về việc Quy định hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Phú Thọ;
Căn cứ Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND ngày 28/02/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Phú Thọ đến năm 2020; Quyết định số 25/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030; Thông báo số 557-TB/TU ngày 21/8/2012 của Thường trực Tỉnh ủy về việc ban hành Quy định hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa, đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Phú Thọ”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
HỖ TRỢ CÁC DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA ĐẦU TƯ ĐỔI MỚI, HIỆN ĐẠI HÓA CÔNG NGHỆ TRONG CÁC LĨNH VỰC ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 25/2012/QĐ-UBND, ngày 21/2/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về đối tượng, điều kiện, hình thức, thủ tục xét duyệt, phê duyệt, cấp phát kinh phí, kiểm tra đánh giá việc hỗ trợ các hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất công nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Quy định này áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa trong các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh (sau đây gọi là doanh nghiệp nhỏ và vừa), có trụ sở chính, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ;
2. Không áp dụng đối với các dự án đổi mới công nghệ của doanh nghiệp khi dự án đó đã được hỗ trợ đề tài, dự án khoa học và công nghệ hoặc các chính sách khác từ nguồn ngân sách Nhà nước.
3. Không áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Điều 3. Giải thích thuật ngữ
Trong quy định này các thuật ngữ được hiểu như sau:
1. Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm.
2. Công nghệ mới là công nghệ lần đầu tiên được tạo ra tại Việt Nam.
3. Công nghệ tiên tiến là công nghệ hàng đầu, có trình độ công nghệ cao hơn trình độ công nghệ cùng loại hiện có.
4. Đổi mới công nghệ là sự chủ động đầu tư mới, cải tiến, thay thế, thêm một phần đáng kể (cốt lõi, cơ bản) hay toàn bộ công nghệ, thiết bị bằng công nghệ, thiết bị khác để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
5. Chuyển giao công nghệ là chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.
6. Doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất công nghiệp là cơ sở sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực công nghiệp đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật và có tổng nguồn vốn đến 100 tỷ đồng hoặc có số lao động bình quân năm từ trên 10 người đến 300 người.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Lĩnh vực, điều kiện để doanh nghiệp được xem xét hỗ trợ
Các doanh nghiệp được xét hỗ trợ tài chính để đầu tư đổi mới công nghệ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Là doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất công nghiệp trong các lĩnh vực:
- Công nghiệp hóa dược và công nghệ sinh học;
- Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống, giấy, gỗ.
- Công nghiệp sản xuất nhiên liệu tái tạo;
- Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung, vật liệu mới;
- Công nghiệp cơ khí chế tạo máy, công nghiệp hỗ trợ.
- Công nghiệp xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.
2. Hoạt động đúng ngành nghề đã đăng ký sản xuất kinh doanh và thực hiện chế độ hạch toán, kế toán theo quy định của pháp luật.
3. Chỉ xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ khi dự án đã triển khai thực hiện, ưu tiên lựa chọn các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến; cấp kinh phí hỗ trợ khi dự án đã được nghiệm thu, vận hành sản xuất, tạo ra sản phẩm đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả và không gây ô nhiễm môi trường. Không xem xét hỗ trợ các dự án đổi mới công nghệ đã hoàn thành trước năm 2012; trong thời gian 2 năm, đơn vị chỉ được xem xét hỗ trợ không quá 01 dự án đổi mới công nghệ.
4. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước và chính sách đối với người lao động.
Điều 5. Nguồn kinh phí và mức hỗ trợ:
1. Kinh phí hỗ trợ thực hiện các dự án đổi mới công nghệ được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh.
2. Hoạt động đổi mới công nghệ được xét hỗ trợ đến 10% giá trị công nghệ đổi mới và tổng kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 300.000.000 đồng/01 dự án.
Điều 6. Thủ tục hồ sơ và thời gian đăng ký hỗ trợ
1. Doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ tài chính để thực hiện hoạt động đổi mới công nghệ gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký về Sở Khoa học và Công nghệ trước ngày 30 tháng 9 hàng năm để tổng hợp, xem xét trình phê duyệt danh mục hỗ trợ cho năm sau.
- Hồ sơ đăng ký gồm: Đơn đề nghị hỗ trợ đổi mới công nghệ; dự án đầu tư đổi mới công nghệ.
2. Các dự án đầu tư đổi mới công nghệ được duyệt trong danh mục hỗ trợ gửi 9
bộ hồ sơ về Sở Khoa học và Công nghệ trước ngày 01 tháng 3 để thành lập hội đồng thẩm định, thành phần hồ sơ gồm:
+ Đơn đề nghị hỗ trợ tài chính của doanh nghiệp (có đầy đủ chữ ký của người đại diện hợp pháp và con dấu của doanh nghiệp);
+ Dự án đầu tư đổi mới công nghệ;
+ Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (có chứng thực);
+ Tài liệu xác nhận đăng ký thuế và nộp thuế;
+ Tài liệu xác nhận việc thực hiện các chính sách đối với người lao động;
+ Hợp đồng và thanh lý hợp đồng chuyển giao toàn bộ công nghệ (nếu có);
+ Hóa đơn thanh toán tiền mua máy, thiết bị (nếu có).
+ Tài liệu nghiệm thu, quyết toán kinh phí đầu tư của dự án.
+ Tài liệu xác nhận, văn bằng bảo hộ của công nghệ (nếu có);
+ Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của năm trước liền kề với năm đề nghị hỗ trợ.
+ Bản cam kết chưa hưởng các chính sách về hỗ trợ đổi mới công nghệ của Trung ương hoặc địa phương.
Điều 7. Thẩm quyền phê duyệt hỗ trợ
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục và mức hỗ trợ các dự án đổi mới công nghệ của doanh nghiệp được xét hỗ trợ hàng năm trên cơ sở đề xuất của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.
Điều 8. Thẩm định, xét duyệt
1. Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định, xét duyệt hỗ trợ đổi mới công nghệ (sau đây gọi tắt là Hội đồng) trên cơ sở danh mục các dự án đổi mới công nghệ đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
2. Tổ chức và hoạt động của Hội đồng:
a) Thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch, phó chủ tịch, 02 ủy viên phản biện, thư ký Hội đồng và các ủy viên khác.
- Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ;
- Phó chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Sở Công thương;
- Các ủy viên Hội đồng là những chuyên gia trong và ngoài tỉnh, công tác tại cơ quan, tổ chức chuyên ngành có uy tín, có trình độ chuyên môn phù hợp;
b) Số lượng thành viên Hội đồng từ 7 - 9 thành viên;
c) Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan thường trực của Hội đồng, chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc họp Hội đồng với điều kiện có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng có mặt.
Hội đồng có trách nhiệm xem xét, thẩm định, tổ chức họp đánh giá hồ sơ theo quy định trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí theo quy định.
d) Kinh phí đảm bảo cho hoạt động của Hội đồng được bố trí từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm do Sở Khoa học và Công nghệ quản lý.
Điều 9. Cấp phát kinh phí hỗ trợ
1. Nguồn kinh phí của tỉnh chi hỗ trợ cho hoạt động đổi mới công nghệ hàng năm giao cho Sở Tài chính quản lý và cấp phát cho doanh nghiệp được hỗ trợ theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước.
2. Kinh phí hỗ trợ thực hiện hoạt động đổi mới công nghệ được cấp một lần cho doanh nghiệp được hỗ trợ.
Điều 10. Thanh tra, kiểm tra
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì và phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp được hỗ trợ. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định hỗ trợ thì đề nghị Sở Tài chính dừng cấp phát kinh phí.
Điều 11. Xử lý vi phạm
1. Doanh nghiệp bị phát hiện có hành vi gian lận để được hưởng hỗ trợ ưu đãi theo quy định này thì phải hoàn trả toàn bộ kinh phí đã được cấp và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ quyền hạn cố ý làm trái nội dung quy định này gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan quản lý và doanh nghiệp
1. Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định hồ sơ và trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định mức hỗ trợ theo quy định tại Điều 7, Điều 8 của Quy định này.
2. Trách nhiệm và quyền hạn của Sở Khoa học và Công nghệ:
a) Tổng hợp danh mục các dự án đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, xem xét trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;
b) Chịu trách nhiệm quản lý, hướng dẫn cụ thể các doanh nghiệp đăng ký đề nghị hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ hàng năm.
c) Chủ trì và phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức Hội đồng thẩm định, kiểm tra, đánh giá nội dung thực hiện và việc sử dụng kinh phí đảm bảo đúng mục đích và có hiệu quả, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi lợi dụng để hưởng chính sách khuyến khích ưu đãi của Nhà nước.
d) Ban hành quy định tiêu chí chấm điểm đánh giá, văn bản hướng dẫn và tổ chức các hoạt động của Hội đồng thẩm định, xét duyệt.
3. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí cho hoạt động hỗ trợ đổi mới công nghệ từ nguồn ngân sách của tỉnh hàng năm.
4. Sở Công thương phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc thẩm định, xét duyệt, kiểm tra việc hỗ trợ đổi mới công nghệ đảm bảo đúng mục đích và hiệu quả.
5. Các Sở, Ban, ngành và các đơn vị có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức triển khai thực hiện quy định này.
6. Trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp:
a) Doanh nghiệp tự chủ trong việc tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp.
b) Doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí có trách nhiệm sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng quy định hiện hành về quản lý tài chính.
c) Doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí đổi mới công nghệ phải thực hiện báo cáo về tình hình hoạt động, hiệu quả của công nghệ được đầu tư đổi mới định kỳ 6 tháng, một năm hoặc đột xuất (theo yêu cầu) về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 13. Điều khoản thi hành
1. Những nội dung liên quan đến đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp không quy định trong quy định này sẽ được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, các ngành, các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kịp thời phản ánh về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.