Nội dung toàn văn Quyết định 2517/QĐ-UBND 2014 điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone Bình Thuận
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2517/QĐ-UBND | Bình Thuận, ngày 30 tháng 7 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH MỞ RỘNG ĐIỀU TRỊ NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG THUỐC METHADONE TẠI TỈNH BÌNH THUẬN
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 96/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;
Căn cứ Quyết định số 608/QĐ-TTg ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 khẳng định vai trò của điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone;
Căn cứ Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 20/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu bệnh nhân được điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone năm 2014 và 2015;
Căn cứ Thông tư số 12/2013/TT-BYT ngày 12/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;
Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 1434/TTr-SYT-AIDS ngày 14/7/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch mở rộng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 2. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan và các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc và phòng chống tội phạm tỉnh hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, thủ trưởng các cơ quan liên quan, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.
| CHỦ TỊCH |
KẾ HOẠCH
MỞ RỘNG ĐIỀU TRỊ CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG THUỐC METHADONE TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Kèm theo Quyết định số 2517/QĐ-UBND ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Chủ tịch UBND tỉnh)
I. MỤC TIÊU.
1. Mục tiêu chung:
- Góp phần làm giảm tỷ lệ người nghiện các chất dạng thuốc phiện và việc lây nhiễm HIV cũng như một số bệnh có liên quan trong nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện ra cộng đồng; cải thiện sức khoẻ và chất lượng cuộc sống cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện, hỗ trợ người nghiện các chất dạng thuốc phiện tái hòa nhập cộng đồng;
- Giảm tần suất sử dụng và tiến tới ngừng sử dụng chất dạng thuốc phiện trong nhóm đối tượng tham gia điều trị; giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV, giảm các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm đối tượng tham gia điều trị.
2. Mục tiêu cụ thể:
2.1. Mở thêm 03 cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Trong đó có 02 cơ sở đi vào hoạt động từ tháng 01/2015, gồm tại Thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong và tại thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình; có 01 cơ sở đi vào hoạt động từ tháng 01/2016 tại thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh.
Mỗi cơ sở điều trị sẽ quản lý và điều trị khoảng từ 150 đến 250 người bệnh.
2.2. Mở thêm 07 cơ sở cấp, phát thuốc Methadone tại các xã, phường, thị trấn. Trong đó có 05 cơ sở bắt đầu hoạt động từ tháng 01/2015, gồm: tại Mũi Né (Phan Thiết), Tân Nghĩa (Hàm Tân), Thuận Nam (Hàm Thuận Nam), Tân Hải (La Gi), Chí Công (Tuy Phong); có 02 cơ sở bắt đầu hoạt động từ tháng 01/2016, gồm: tại Gia Huynh (Tánh Linh), Tân Thuận (Hàm Thuận Nam).
Mỗi cơ sở cấp phát thuốc sẽ cung cấp thuốc khoảng từ 20 đến 40 người bệnh.
2.3. Thành lập cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Trung tâm Chữa bệnh và Giáo dục - Lao động - Xã hội tỉnh khi có đủ điều kiện (có thể triển khai điểm cấp phát thuốc Methadone).
II. NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN.
1. Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone chỉ được thực hiện trên cơ sở người bệnh tự nguyện tham gia và có cam kết tuân thủ điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện. Trong cùng một thời điểm, người bệnh chỉ được đăng ký điều trị bằng thuốc Methadone tại một cơ sở.
2. Việc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone chỉ được triển khai tại các cơ sở y tế Nhà nước đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; quy trình điều trị và quản lý phải được thực hiện theo đúng các quy định của Bộ Y tế; phải được lồng ghép với hoạt động của chương trình phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm và các hoạt động tâm lý, xã hội để việc điều trị đạt hiệu quả.
3. Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone là phương pháp điều trị lâu dài, suốt đời với người bệnh nên việc chọn lựa địa điểm của cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc phải phù hợp, gần nơi có nhiều người bị nghiện ma túy sinh sống, bán kính từ nơi cung cấp thuốc đến nơi người nghiện xa nhất ≤ 15 km và thuận tiện cho việc đi lại để bệnh nhân không bỏ thuốc.
4. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành: y tế, công an, lao động - thương binh và xã hội, các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc triển khai chương trình. Đặc biệt phải có sự tham gia của ngành công an trong việc đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các địa điểm triển khai điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.
5. Nghiêm cấm các hành vi ngăn cản hoặc lợi dụng các hoạt động của việc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone để tiếp tay cho hoạt động mua bán và sử dụng ma túy.
III. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN THAM GIA ĐIỀU TRỊ BẰNG THUỐC METHADONE.
1. Đối tượng:
Người bệnh đang nghiện các chất dạng thuốc phiện (CDTP) theo tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện CDTP của Bộ Y tế. Trong đó ưu tiên cho đối tượng bị nghiện các CDTP trong một thời gian dài và đã qua nhiều biện pháp cai nghiện nhưng không thành công; người bị nghiện các CDTP nhưng tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
2. Điều kiện:
Đối tượng nêu tại Điểm 1, Mục II phải hội đủ các điều kiện sau:
- Người từ 16 tuổi trở lên nghiện các CDTP trong một thời gian dài và đã qua nhiều biện pháp cai nghiện nhưng không thành công. Đối với người nghiện chất dạng thuốc phiện chưa đủ 16 tuổi, chỉ được điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của người đó;
- Không có hành vi tội phạm trong thời gian xét chọn vào chương trình điều trị;
- Phải có đơn tự nguyện tham gia điều trị bằng thuốc Methadone theo mẫu của Bộ Y tế và cam kết tuân thủ điều trị;
- Không có chống chỉ định sử dụng thuốc Methadone;
- Có hộ khẩu thường trú và nơi cư trú ổn định tại phương. Trường hợp không có hộ khẩu thường trú nhưng đang tạm trú dài hạn tại địa phương thì phải có người cam kết hỗ trợ chỗ ở và tinh thần để đảm bảo việc uống thuốc hàng ngày tại cơ sở điều trị.
IV. CÁC HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ.
1. Điều kiện, quy trình xét chọn đối tượng tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone:
Thực hiện theo đúng quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10 Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ.
2. Tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone:
2.1. Điều kiện hoạt động của cơ sở điều trị thay thế:
a) Điều kiện về cơ sở vật chất:
Đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ và Điều 3 Thông tư số 12/2013/TT-BYT ngày 12/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế;
b) Điều kiện về thiết bị, thuốc điều trị thay thế:
Đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ và Điều 4 Thông tư số 12/2013/TT-BYT ngày 12/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế;
c) Điều kiện về nhân sự:
Đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ và Điều 5 Thông tư số 12/2013/TT-BYT ngày 12/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
2.2. Điều kiện hoạt động của cơ sở cấp phát thuốc:
a) Điều kiện về cơ sở vật chất:
Đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ và Điều 6 Thông tư số 12/2013/TT-BYT ngày 12/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế;
b) Điều kiện về thiết bị, thuốc điều trị thay thế:
Đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ và Điều 7 Thông tư số 12/2013/TT-BYT ngày 12/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế;
c) Điều kiện về nhân sự:
Đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ và Điều 8 Thông tư số 12/2013/TT-BYT ngày 12/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
3. Quy trình điều trị thay thế bằng thuốc Methadone:
Thực hiện đúng Hướng dẫn điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện ban hành kèm theo Quyết định số 3140/QĐ-BYT ngày 30 tháng 8 năm 2010.
4. Cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của cơ sở điều trị Methadone:
- Cơ sở điều trị Methadone được thành lập mới, có tên gọi và chức năng là 01 Khoa thuộc Trung tâm Y tế huyện;
- Cơ sở cấp phát thuốc Methadone có tên gọi là Điểm cấp phát thuốc Methadone thuộc biên chế của Trạm Y tế và thuộc quyền quản lý của Trung tâm Y tế cấp huyện;
- Cơ sở điều trị Methadone và Cơ sở cấp phát thuốc Methadone chịu sự quản lý toàn diện của Giám đốc Trung tâm Y tế và thực hiện chuyên môn kỹ thuật theo hướng dẫn của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, Sở Y tế và Cục Phòng, chống HIV/AIDS;
- Cơ sở điều trị Methadone và Cơ sở cấp phát thuốc Methadone phải tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho người bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế;
- Cơ sở điều trị Methadone và Cơ sở cấp phát thuốc Methadone phải làm việc theo giờ hành chính (8giờ/ngày) và làm việc 7 ngày/tuần để đảm bảo cấp phát thuốc liên tục cho bệnh nhân; các ngày lễ, tết phải bố trí nhân viên trực theo quy định.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
1. Sở Y tế:
- Sở Y tế là cơ quan thường trực, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai Kế hoạch;
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân các huyện liên quan triển khai những công việc cụ thể, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự để thành lập và tổ chức hoạt động các Cơ sở điều trị Methadone và Cơ sở cấp phát thuốc Methadone đúng lộ trình đã đề ra tại Kế hoạch này;
- Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện quy trình xét chọn đối tượng tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; Quy trình điều trị thay thế bằng thuốc Methadone; Quy trình tiếp nhận, bảo quản và phân phối thuốc Methadone; thủ tục thành lập, cấp phép hoạt động Cơ sở điều trị Methadone và Cơ sở cấp phát thuốc Methadone theo đúng với quy định hiện hành của Chính phủ và Bộ Y tế;
- Chỉ đạo việc tổ chức hoạt động của các cơ sở điều trị Methadone theo đúng quy định chuyên môn của Bộ Y tế; chỉ đạo việc phối kết hợp giữa các đơn vị y tế địa phương để hỗ trợ chuyên môn y tế cho cơ sở điều trị Methadone;
- Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ các quy định về điều trị cho người bệnh tại cơ sở điều trị Methadone;
- Chỉ đạo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh triển khai các hoạt động và báo cáo kết quả theo đúng kế hoạch và lộ trình thực hiện; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát các hoạt động chuyên môn và đánh giá hiệu quả của chương trình; tham gia huy động, quản lý và điều phối các nguồn kinh phí cho Chương trình;
- Định kỳ hàng tháng báo cáo tình hình, kết quả điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone trên địa bàn tỉnh cho Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
2. Công an tỉnh:
Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan trong việc triển khai các hoạt động của Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; bảo đảm tình hình an ninh, trật tự địa bàn và nơi triển khai Chương trình và quản lý chặt chẽ người bệnh trong quá trình điều trị.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan trong việc triển khai các hoạt động của Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại cơ sở điều trị, như: tham gia công tác quản lý người bệnh tại cộng đồng, hỗ trợ đào tạo dạy nghề và tạo công ăn việc làm để giúp người bệnh tái hòa nhập cộng đồng.
4. Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bình Thuận:
Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên tổ chức thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của việc triển khai Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại địa phương nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:
Phối hợp với Sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí hoạt động cho các Cơ sở điều trị Methadone, Cơ sở cấp phát thuốc Methadone đúng lộ trình đã đề ra tại Kế hoạch này.
6. Sở Nội vụ:
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu biên chế, xác định chế độ lương, phụ cấp và các chế độ chính sách có liên quan cho các Cơ sở điều trị Methadone và Cơ sở cấp phát thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Đoàn thể tỉnh:
Có kế hoạch phối hợp, hỗ trợ Sở Y tế, các sở, ngành liên quan và các huyện, thị xã, thành phố triển khai Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone trên địa bàn tỉnh.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại địa phương mình;
- Chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng và sửa chữa cơ sở hạ tầng đảm bảo triển khai thực hiện đúng tiến độ của kế hoạch;
- Tạo điều kiện thuận lợi để triển khai Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại địa phương mình; đặc biệt chú trọng công tác truyền thông để cộng đồng dân cư hiểu và tích cực tham gia ủng hộ Kế hoạch;
- Chỉ đạo công tác theo dõi, giám sát và đánh giá hoạt động của Kế hoạch trên địa bàn;
- Chỉ đạo các ban, ngành liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức quản lý, giám sát, hỗ trợ người bệnh tham gia Chương trình./.
PHỤ LỤC 1
DANH MỤC TRANG THIẾT BỊ CHO 01 CƠ SỞ ĐIỀU TRỊ METHADONE
Stt | Tên trang thiết bị, vật tư tiêu hao | Số lượng |
Phòng/khu vực đón tiếp | ||
1 | Bộ bàn ghế ngồi (bảo vệ) | 1 |
2 | Gường gấp (bảo vệ ban đêm) | 1 |
3 | Bộ bàn ghế làm việc (hành chính) | 1 |
4 | Bộ máy vi tính và máy in | 1 |
5 | Bình tích điện máy vi tính | 1 |
6 | Đầu đọc mã vạch (hoặc máy quét đồng tử, vân tay) | 1 |
7 | Ghế ngồi đợi | 20 |
8 | Tủ đựng hồ sơ lưu có khóa | 1 |
9 | Giá để tài liệu truyền thông | 2 |
10 | Quạt đứng | 2 |
11 | Bình nước uống (01 bình/ngày) | 365 |
12 | Cốc uống nước | 10 |
13 | Đồng hồ treo tường | 1 |
14 | Hệ thống camera theo dõi toàn bộ khu vực điều trị | 1 |
Phòng tư vấn | ||
1 | Bộ bàn ghế làm việc | 1 |
2 | Ghế ngồi cho người bệnh và người nhà | 3 |
3 | Bộ máy vi tính và máy in | 1 |
4 | Bình tích điện máy vi tính | 1 |
5 | Quạt đứng | 1 |
6 | Tủ đựng tài liệu | 1 |
7 | Giá để tài liệu tư vấn, truyền thông | 1 |
| Phòng khám |
|
1 | Bộ bàn ghế làm việc | 1 |
2 | Ghế ngồi cho người bệnh và người nhà | 3 |
3 | Bộ máy vi tính và máy in | 1 |
4 | Bình tích điện máy vi tính | 1 |
5 | Quạt đứng | 1 |
6 | Tủ lưu hồ sơ bệnh án có khóa | 1 |
7 | Giá để tài liệu tư vấn, truyền thông | 1 |
8 | Tủ đựng thuốc và trang thiết bị cấp cứu | 1 |
9 | Bộ trang thiết bị cấp cứu ban đầu | 1 |
10 | Xe đẩy (ghế) | 1 |
11 | Cáng cứu thương | 1 |
12 | Ống nghe | 1 |
13 | Máy do huyết áp | 1 |
14 | Cân sức khỏe (cân bàn có thước đo) | 1 |
15 | Nhiệt kế thủy ngân | 1 |
16 | Gường bệnh | 1 |
17 | Các vật dụng rẻ tiền mau hỏng khác… (tùy theo nhu cầu) | 1 |
Phòng cấp phát thuốc | ||
1 | Bộ bàn ghế làm việc | 1 |
2 | Tủ đựng hồ sơ lưu có khóa | 1 |
3 | Ghế ngồi cho người bệnh | 4 |
4 | Bộ máy vi tính và máy in | 1 |
5 | Bình tích điện máy vi tính | 1 |
6 | Két sắt nhỏ có khóa, dung tích tối thiểu trữ được 01 bình khối thể tích 01 lít | 1 |
7 | Quạt đứng | 2 |
8 | Ly uống thuốc | 200 |
9 | Bồn rửa ly chén | 1 |
10 | Bộ giá để ly (đủ cho 250 ly) | 1 |
11 | Các vật dụng rẻ tiền mau hỏng khác… (tùy theo nhu cầu) |
|
Phòng lưu trữ và bảo quản thuốc | ||
1 | Két sắt 2 khóa, dung tích tối thiểu trữ được 13 bình khối thể tích 01 lít |
|
2 | Điều hòa | 1 |
Phòng xét nghiệm | ||
1 | Bàn lấy máu (mặt bàn ốp đá hoặc gạch men) | 1 |
2 | Xe bàn tiêm 2 tầng | 1 |
3 | Ghế xoay cho nhân viên và bệnh nhân | 2 |
4 | Tủ lạnh 180 lít trữ máu | 1 |
5 | Ống nghiệm lấy máu (4 ống/người bệnh/năm) | 1000 |
6 | Cốc lấy nước tiểu (4 cốc/người bệnh/năm) | 1000 |
7 | Kim tiêm lấy máu | 1000 |
8 | Que thử nước tiểu | 1000 |
9 | Phích lạnh đựng mẫu máu (loại đựng vaccine) | 1 |
10 | Quạt đứng | 1 |
11 | Hoá chất xét nghiệm và các vật dụng rẻ tiền mau hỏng khác… (tùy theo nhu cầu) |
|
Phòng họp giao ban | ||
1 | Bàn họp (loại bàn oval) đủ ngồi cho 25 người | 1 |
2 | Ghế ngồi | 20 |
3 | Bảng trắng | 2 |
4 | Tủ nhân viên | 2 |
5 | Bộ ấm, ly uống nước đủ dùng cho 25 người | 1 |
6 | Đồng hồ treo tường | 1 |
7 | Quạt đứng | 2 |
8 | Điện thoại bàn | 1 |
9 | Máy ảnh và quay camera | 1 |
10 | Các vật dụng, văn phòng phẩm, vật tư tiêu hao khác … (tùy theo nhu cầu sử dụng) |
|
PHỤ LỤC 2
DANH MỤC TRANG THIẾT BỊ CHO 01 CƠ SỞ CẤP PHÁT THUỐC METHADONE
Stt | Tên trang thiết bị, vật tư tiêu hao | Số lượng |
Phòng đón tiếp, tư vấn | ||
1 | Ghế ngồi đợi | 10 |
2 | Giá để tài liệu truyền thông | 1 |
3 | Quạt đứng | 1 |
4 | Hệ thống camera theo dõi toàn bộ khu vực điều trị gắn vào máy vi tính | 1 |
| Phòng cấp phát thuốc |
|
1 | Bộ bàn ghế làm việc | 1 |
2 | Tủ đựng hồ sơ lưu có khóa | 1 |
4 | Bộ máy vi tính và máy in | 1 |
5 | Bình tích điện máy vi tính | 1 |
6 | Két sắt có khóa, dung tích tối thiểu trữ được 05 bình khối thể tích 01 lít/bình | 1 |
7 | Quạt đứng | 1 |
8 | Ly nhựa mỏng uống thuốc sử dụng 1 lấn | 9.000 |
9 | Bộ giá để ly uống nước (đủ cho 50 ly) | 1 |
10 | Các vật dụng rẻ tiền mau hỏng khác… (tùy theo nhu cầu) |
|