Nội dung toàn văn Quyết định 252/2005/QĐ-TTg quy hoạch bảo tồn tôn tạo phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hóa thời Trần tỉnh Nam Định đến năm 2015
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 252/2005/QĐ-TTG | Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ BẢO TỒN, TÔN TẠO VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ KHU DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA THỜI TRẦN TẠI TỈNH NAM ĐỊNH ĐẾN NĂM 2015
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Di sản văn hoá ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định (Công văn số 209/VP5 ngày 17 tháng 6 năm 2005) và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Công văn số 5548/BKH-LĐVX ngày 16 tháng 8 năm 2005),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử - văn hoá thời Trần tại tỉnh Nam Định” với những nội dung chủ yếu sau:
1. Tên Quy hoạch: “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử - văn hoá thời Trần tại tỉnh Nam Định đến năm 2015”.
2. Mục tiêu:
a) Xác định các căn cứ có tính pháp lý trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị quần thể di tích lịch sử - văn hoá thời Trần tại tỉnh Nam Định theo Luật Di sản văn hoá.
b) Bảo vệ, phát hiện, làm sáng tỏ và phong phú thêm các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của khu vực di tích, tạo tiền đề đề nghị công nhận quần thể di tích lịch sử - văn hoá thời Trần tại tỉnh Nam Định là di sản văn hoá thế giới.
c) Làm căn cứ cho việc lập các quy hoạch chi tiết, các dự án, các chương trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy hợp lý, có hiệu quả giá trị của khu di tích; làm cơ sở tiến hành lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư và lập kế hoạch thực hiện, kêu gọi đầu tư, huy động các nguồn vốn.
d) Bảo tồn, tôn tạo, và phát huy giá trị các di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái vùng Quy hoạch phát triển của khu di tích lịch sử văn hoá thời Trần tại tỉnh Nam Định.
đ) Phối hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh, đảm bảo sự phát triển bền vững của khu vực.
3. Phạm vi quy hoạch và phân vùng:
Khu di tích lịch sử - văn hoá thời Trần ở Nam Định gồm khu di tích và vùng đệm thuộc các xã Lộc Vượng, Mỹ Trung, Mỹ Phúc huyện Mỹ Lộc, thành phố Nam Định, tổng diện tích tự nhiên khoảng 1.984 ha.
4. Phân khu chức năng:
a) Vùng bảo tồn đặc biệt có diện tích 669 ha gồm :
- Các di tích lịch sử: Đền Trần, Chùa Phổ Minh, Đền Hậu Bồi, Đền Lộc Quý, Đền Bảo Lộc, Đền Lựu Phố, Phế tích Đền Trần Thừa, Đền Đệ Tứ, Đền Đệ Nhất, Đền Đệ Nhị, Đền Đệ Tam.
Một số di tích liên quan khác: Chùa Côi Sơn, Đền Khổng Tử, Đình Liễu Nha, Đền Văn Hưng, Đình và làng Tức Mạc, Chùa Đàm Thanh.
- Cảnh quan bảo vệ khu di tích và các công trình phục vụ lễ hội: Công viên văn hoá Trần; Quảng trường Đông A phục vụ lễ hội; tuyến đường lễ hội và cảnh quan nối từ khu trung tâm đến các di tích; vườn hoa Tao Đàn; nạo vét đoạn sông Vĩnh Giang, phục hồi mô phỏng Ao Bến và Hồ Bến Đình; đào nối các sông Vĩnh Giang, Hồ Bến Đình, Ao Bến xung quanh khu vực cung điện; vườn Danh Nhân; khu dịch vụ công phục vụ lễ hội, du lịch.
b) Vùng bảo tồn riêng biệt có diện tích 1.315 ha gồm:
- Các di tích lịch sử: Đền Lan Hoa, Đình Phương Bông, Chùa Mai Hương, Chùa Hóp, Chùa La, Chùa Cả, Tượng đài Trần Hưng Đạo, Vọng Cung, Cột Cờ Nam Định, Hồ Truyền Thống.
- Quy hoạch bảo tồn và khai thác các di tích lịch sử thuộc vùng bảo tồn riêng biệt: mở rộng đất đai của từng di tích để làm hành lang bảo vệ; trùng tu, tôn tạo các di tích; xây dựng các công trình tiện ích trong khu vực di tích; nâng cấp và làm mới những tuyến giao thông đến các di tích trong vùng và nối với các tuyến giao thông trong vùng bảo tồn đặc biệt.
5. Các nhóm dự án, gồm:
a) Nhóm Dự án bảo tồn tôn tạo quần thể di tích lịch sử văn hoá thời Trần ở Nam Định.
b) Nhóm Dự án xây dựng cảnh quan bảo vệ khu di tích và các công trình phục vụ lễ hội quy định tại điểm a khoản 4 Quyết định này.
c) Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật (bao gồm cả dự án cải tạo, nâng cấp) và xây dựng mới các tuyến đường giao thông, bãi đỗ xe, nạo vét sông.
6. Đối tượng bảo tồn:
Đối tượng bảo tồn chủ yếu của quy hoạch là “khu di tích lịch sử - văn hoá Trần” bao gồm đền, chùa, các công trình kiến trúc cổ, văn hoá, văn nghệ dân gian, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống.
7. Nguồn vốn đầu tư:
a) Vốn từ ngân sách trung ương bố trí theo kế hoạch hàng năm;
b) Vốn từ ngân sách địa phương;
c) Vốn huy động từ sự đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;
d) Các nguồn vốn hợp pháp khác.
8. Phân kỳ đầu tư:
a) Giai đoạn I: 2006 - 2010;
b) Giai đoạn II: 2011 - 2015.
Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin và các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ:
1. Tiếp tục triển khai nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, khai quật khảo cổ để xác định, bổ sung các căn cứ khoa học làm sáng tỏ hơn việc xếp hạng các di tích, khoanh vùng bảo vệ các di tích, đánh giá đúng giá trị của các di tích và các công trình khác có liên quan tới di tích. Cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động vi phạm tới các di tích đã được xếp hạng và cảnh quan thiên nhiên thuộc vùng bảo tồn.
2. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể được duyệt, nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết các vùng bảo tồn, trong đó thể hiện rõ mối quan hệ giữa các hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích với phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo vệ di tích, phát huy giá trị di tích, đồng thời bảo đảm ổn định sản xuất, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Trước mắt ưu tiên đối với vùng bảo tồn đặc biệt, vùng đệm và các di tích có liên quan đã được xếp hạng.
3. Tiến hành xây dựng dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử và các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng bảo tồn đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
4. Căn cứ vào quy hoạch tổng thể đã được duyệt tiến hành lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án thành phần theo quy định hiện hành.
Đối với mỗi dự án thành phần cần lưu ý xác định nguồn vốn cho hợp lý, ngân sách nhà nước chủ yếu tập trung đầu tư cho các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng bảo tồn đặc biệt, vùng đệm và các di tích có liên quan trực tiếp đến Đền Trần; có các biện pháp huy động sự đóng góp của nhân dân trong việc giữ gìn, bảo vệ, đầu tư và phát huy giá trị khu di tích.
5. Nghiên cứu ban hành điều lệ, quy chế quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng, các hoạt động kinh tế - văn hoá - xã hội trên toàn địa bàn khu di tích và trong từng vùng cụ thể.
Điều 3. Trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan:
1. Bộ Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch đảm bảo đúng mục tiêu đã đề ra; chịu trách nhiệm thẩm định về chuyên môn đối với các dự án thành phần có liên quan, các hạng mục bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử - văn hoá.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình xem xét cân đối phần vốn thuộc ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư được phê duyệt trong phạm vi Quy hoạch này.
3. Tổng cục Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kết nối các tua du lịch trong cả nước và phát huy giá trị của khu di tích lịch sử này.
4. Các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp, theo dõi, giám sát, tạo điều kiện giúp đỡ để việc triển khai thực hiện quy hoạch bảo đảm phù hợp với quy hoạch ngành trên địa bàn thuộc phạm vi di tích văn hoá thời Trần tại tỉnh Nam Định.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hoá - Thông tin, Xây dựng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| THỦ TƯỚNG |