Quyết định 26/QĐ-UBND

Quyết định 26/QĐ-UBND năm 2010 ban hành Quy định xử lý nợ rủi ro các chương trình cho vay bằng nguồn vốn địa phương của Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Kiên Giang

Nội dung toàn văn Quyết định 26/QĐ-UBND năm 2010 xử lý nợ cho vay Ngân hàng chính sách xã hội Kiên Giang


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/QĐ-UBND

Rạch Giá, ngày 05 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH XỬ LÝ NỢ RỦI RO CÁC CHƯƠNG TRÌNH CHO VAY BẰNG NGUỒN VỐN ĐỊA PHƯƠNG CỦA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI CHI NHÁNH TỈNH KIÊN GIANG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Hướng dẫn số 226/NHCS-KH ngày 14 tháng 4 năm 2003 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội về hướng dẫn nghiệp vụ nhận ủy thác cho vay ưu đãi hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở địa phương;

Căn cứ Quyết định số 69/2005/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế xử lý nợ bị rủi ro của Ngân hàng Chính sách xã hội;

Căn cứ Quyết định số 2649/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc ban hành chính sách hỗ trợ cho vay đối với người lao động tỉnh Kiên Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Xét đề nghị của Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Kiên Giang tại Tờ trình số 487/TTr-NHCS ngày 07/12/2009 về việc đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định ban hành Quy định xử lý nợ rủi ro các chương trình cho vay bằng nguồn vốn địa phương của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định xử lý nợ rủi ro các chương trình cho vay bằng nguồn vốn ngân sách địa phương của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh”.

Điều 2. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chịu trách nhiệm thẩm định, kiểm tra, tổng hợp các trường hợp đề nghị xử lý nợ rủi ro trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính; Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Văn Hà Phong

 

QUY ĐỊNH

XỬ LÝ NỢ RỦI RO CÁC CHƯƠNG TRÌNH CHO VAY BẰNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG CỦA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TỈNH KIÊN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 05 tháng 01 năm 2010 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích của việc xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh

1. Tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh; tạo nguồn thu nhập trả được nợ Ngân hàng.

2. Tạo điều kiện xử lý các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan và nâng cao năng lực tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

- Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang.

- Khách hàng vay vốn tại Ngân hàng CSXH tỉnh theo quy định tại các quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, chương trình dự án, phương án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hiện còn nợ vay từ nguồn vốn Ngân sách địa phương tại Ngân hàng CSXH gồm: các khoản nợ nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kho bạc Nhà nước tỉnh và Ngân hàng CSXH tỉnh cho vay gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, dẫn đến khó khăn về tài chính được xem xét xử lý nợ theo Quy định này, cụ thể:

1. Hộ nghèo được vay bằng nguồn vốn nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số vay bằng nguồn vốn nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước tỉnh; hộ nghèo vay vốn do Ngân hàng CSXH tỉnh cho vay.

2. Hộ nghèo và các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài;

3. Các đối tượng vay vốn hoàn chỉnh vách, cửa, nền nhà ở các cụm tuyến dân cư vùng lũ;

4. Các đối tượng vay vốn đi lao động ngoài tỉnh;

5. Các đối tượng khác khi có quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Phạm vi xử lý rủi ro

1. Quy định này thực hiện việc xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan thuộc các đối tượng vay vốn Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tại Điều 2 nêu trên.

2. Các khoản nợ bị rủi ro trong cho vay tại Điều 2 Quy định này do nguyên nhân chủ quan của tổ chức, cá nhân thì tổ chức, cá nhân gây ra tổn thất phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Nguyên tắc xử lý nợ bị rủi ro

1. Việc xem xét, xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:

a) Khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng vay vốn theo quy định tại Điều 2 nêu trên đã sử dụng vốn vay đúng mục đích;

b) Khách hàng bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan bị mất một phần hoặc toàn bộ vốn, tài sản;

c) Khách hàng gặp khó khăn về tài chính dẫn đến chưa có khả năng trả nợ hoặc thật sự không có khả năng trả được nợ ngân hàng;

d) Các khoản nợ quá hạn từ 181 đến 360 ngày (nợ nghi ngờ) và các khoản nợ quá hạn trên 360 ngày (nợ có khả năng mất vốn).

2. Việc xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng được xem xét từng trường hợp cụ thể căn cứ vào nguyên nhân dẫn đến rủi ro, mức độ rủi ro và khả năng trả nợ của khách hàng, đảm bảo đầy đủ hồ sơ pháp lý, đúng trình tự, khách quan, công khai và công bằng giữa các đối tượng vay vốn.

Điều 5. Các nguyên nhân khách quan làm thiệt hại trực tiếp đến vốn và tài sản khách hàng

1. Các nguyên nhân khách quan làm thiệt hại trực tiếp đến vốn và tài sản của khách hàng được xem xét miễn, giảm lãi tiền vay:

a) Thiên tai bao gồm: bão, lũ lụt, lũ quét, hạn hán, mất mùa, sét đánh, mưa đá, sạt lở đất, lốc xoáy;

b) Hỏa hoạn, cháy rừng;

c) Các dịch bệnh liên quan đến con người, gia súc, gia cầm, thủy hải sản, động vật nuôi khác và cây trồng;

d) Nhà nước điều chỉnh chính sách làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng như: không còn nguồn cung cấp nguyên vật liệu; mặt hàng sản xuất kinh doanh bị cấm, bị hạn chế theo quy định của pháp luật hoặc khách hàng phải thực hiện việc chuyển đổi sản xuất, kinh doanh theo quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Do biến động chính trị, kinh tế - xã hội ở khu vực, quốc tế và nước nhận lao động của Việt Nam làm ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài như: doanh nghiệp tiếp nhận lao động bị phá sản, giải thể; người lao động đơn phương bị chấm dứt hợp đồng lao động mất việc làm; người lao động bị tai nạn nghề nghiệp trong quá trình lao động ở nước ngoài; về nước trước thời hạn vì lý do sức khỏe;

e) Khách hàng vay vốn để đi lao động ngoài tỉnh do mất việc làm.

2. Các nguyên nhân khách quan làm thiệt hại trực tiếp đến vốn và tài sản của khách hàng được xem xét xóa nợ gồm:

Khách hàng là cá nhân vay vốn bị mất năng lực hành vi dân sự, người vay ốm đau thường xuyên phải điều trị dài ngày mất khả năng lao động từ 61% trở lên, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không nơi nương tựa, trốn, chết, mất tích hoặc bị tuyên bố là chết, mất tích mà không còn tài sản để trả nợ không có người thừa kế hoặc có người thừa kế thật sự không có khả năng trả nợ thay cho khách hàng; hộ vay nghèo không có khả năng trả nợ.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6. Các biện pháp xử lý nợ rủi ro

1. Miễn lãi tiền vay

a) Điều kiện miễn lãi tiền vay:

- Khách hàng vay vốn bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, gặp khó khăn về tài chính dẫn đến chưa trả được nợ cho Ngân hàng nhưng vẫn còn khả năng trả nợ;

- Mức độ thiệt hại về vốn và tài sản của khách hàng được quy định cụ thể như sau:

+ Đối với khách hàng là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng vay vốn để làm vách, cửa, nền nhà ở các cụm tuyến dân cư: mức độ thiệt hại về vốn và tài sản của khách hàng do các nguyên nhân quy định tại tiết a đến tiết d điểm 1 Điều 5 từ 80% trở lên so với tổng số vốn thực hiện của dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng;

+ Đối với khách hàng vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, đi lao động ngoài tỉnh: mức độ thiệt hại về thu nhập của người lao động do nguyên nhân quy định tại tiết đ và tiết e điểm 1 Điều 5 từ 80% trở lên so với tổng thu nhập dự kiến của người lao động theo hợp đồng của người lao động.

b) Số tiền miễn lãi của mỗi khách hàng được thực hiện như sau:

Khách hàng có số nợ lãi tại Ngân hàng đến ngày đề nghị xử lý rủi ro thì được miễn toàn bộ số tiền còn nợ lãi tại Ngân hàng CSXH.

2. Giảm lãi tiền vay

a) Điều kiện giảm lãi tiền vay:

- Khách hàng vay vốn bị rủi ro do các nguyên nhân khách quan, gặp khó khăn về tài chính dẫn đến chưa trả được nợ cho Ngân hàng nhưng vẫn còn khả năng trả nợ;

- Mức độ thiệt hại về vốn và tài sản của khách hàng được quy định cụ thể như sau:

+ Đối với khách hàng vay vốn là hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, các đối tượng vay làm vách, cửa, nền nhà ở các cụm tuyến dân cư: mức độ thiệt hại về vốn và tài sản do nguyên nhân quy định tại tiết a đến tiết d điểm 1 Điều 5 từ 40% đến dưới 80% so với tổng số vốn thực hiện của dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng;

+ Đối với khách hàng vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, đi lao động ngoài tỉnh: mức độ thiệt hại về thu nhập của người lao động do nguyên nhân quy định tại tiết đ và tiết e điểm 1 Điều 5 từ 40% đến dưới 80% so với tổng thu nhập dự kiến của người lao động theo hợp đồng lao động.

b) Số tiền giảm lãi cho mỗi khách hàng được thực hiện tối đa không vượt quá 50% số lãi tiền vay khách hàng còn nợ lãi Ngân hàng đến ngày đề nghị xử lý rủi ro.

3. Xóa nợ (gốc, lãi)

- Việc xóa nợ cho khách hàng chỉ được áp dụng trong trường hợp khách hàng vay vốn gặp rủi ro do nguyên nhân nêu tại điểm 2 Điều 5 Quy định này;

- Chi nhánh Ngân hàng CSXH có trách nhiệm áp dụng mọi biện pháp tận thu đối với khách hàng trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định xóa nợ;

- Số tiền xóa nợ cho khách hàng bằng số tiền khách hàng còn phải trả cho Ngân hàng (cả gốc và lãi), sau khi đã áp dụng các biện pháp tận thu.

Điều 7. Hồ sơ pháp lý để xem xét xử lý nợ bị rủi ro

1. Đối với miễn, giảm lãi tiền vay.

a) Đơn đề nghị xử lý nợ của khách hàng (mẫu số 01/NRR-NS).

b) Biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản do Ngân hàng CSXH nơi cho vay vốn và khách hàng lập có xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền, cụ thể:

- Đối với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số: biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản đối với hộ nghèo (mẫu số 02A/NRR-NS), đối với hộ dân tộc thiểu số (mẫu 02B/NRR-NS) có xác nhận của:

+ Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn;

+ Hội đoàn thể cấp xã nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số;

+ Ủy ban nhân dân cấp xã nơi khách hàng cư trú;

+ Xác nhận của cơ quan chuyên ngành cấp xã (nếu có) như: cơ quan thú y, cơ quan khuyến nông, cơ quan phòng chống lụt bão.

Trường hợp ở những nơi không có cơ quan chuyên ngành thì Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận ghi rõ không có cơ quan chuyên ngành.

- Đối với cho vay làm vách, cửa, nền nhà các cụm tuyến dân cư: biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản (mẫu 02C/NRR-NS) có xác nhận của:

+ Ủy ban nhân dân cấp xã nơi khách hàng cư trú;

+ Ban quản lý dự án các cụm tuyến dân cư cấp huyện.

- Đối với cho vay đi lao động có thời hạn ở nước ngoài: biên bản xác định mức độ thiệt hại về thu nhập (mẫu số 02D/NRR-NS) có xác nhận của:

+ Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn;

+ Hội đoàn thể cấp xã nhận ủy thác cho vay xuất khẩu lao động;

+ Ủy ban nhân dân cấp xã nơi khách hàng cư trú;

+ Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền xác nhận đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài như: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện xác nhận;

+ Các giấy tờ liên quan đến việc người đi lao động nước ngoài gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan nêu tại tiết d điểm 1 Điều 5 Quy định này (nếu có).

- Đối với cho vay đi lao động ngoài tỉnh: biên bản xác định mức độ thiệt hại về thu nhập (mẫu 02E/NRR-NS) có xác nhận của:

+ Ủy ban nhân dân cấp xã nơi khách hàng cư trú;

+ Xác nhận của Phòng Lao động Thương binh và Xã hội cấp huyện.

c) Bản sao Hợp đồng tín dụng, Khế ước vay vốn hoặc Sổ Tiết kiệm và Vay vốn có rút số dư (nợ gốc và lãi) đến ngày đề nghị xử lý (Giám đốc Ngân hàng CSXH nơi cho vay ký xác nhận và đóng dấu).

2. Đối với xóa nợ:

a) Đơn đề nghị xử lý nợ của khách hàng (mẫu số 01/NRR), trong đó khách hàng hoặc người được ủy quyền đại diện theo quy định của pháp luật nêu rõ nguyên nhân gây thiệt hại về vốn và tài sản; mức độ thiệt hại về vốn và tài sản, khả năng trả nợ, số tiền vay còn phải trả Ngân hàng; số tiền gốc và lãi xin xóa nợ.

Trường hợp người vay, trốn, chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có người thừa kế theo pháp luật: đối với cho vay theo Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thì tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn viết đơn đề nghị xử lý; trường hợp cho vay không theo Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thì không cần có đơn đề nghị xử lý nợ.

b) Biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản do Ngân hàng CSXH nơi cho vay vốn và khách hàng hoặc người được ủy quyền đại diện theo quy định của pháp luật lập có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi khách hàng cư trú (theo mẫu số 02A/NRR-NS đến mẫu 02E/NRR-NS theo từng chương trình).

Trường hợp người vay chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có người thừa kế theo pháp luật thì biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản do Ngân hàng CSXH nơi cho vay và Tổ Tiết kiệm và Vay vốn lập đối với các trường hợp cho vay theo Tổ Tiết kiệm và Vay vốn hoặc do Ngân hàng CSXH phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã lập đối với trường hợp cho vay không theo Tổ Tiết kiệm và Vay vốn.

c. Các giấy tờ liên quan khác:

- Trường hợp người vay bị mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau thường xuyên phải điều trị dài ngày mất khả năng lao động từ 61% trở lên phải có giám định của Hội đồng y khoa hoặc xác nhận cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên (nơi khách hàng cư trú) bản chính hoặc bản photo có công chứng;

- Trường hợp người vay trốn, mất tích phải có chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Trường hợp người vay chết thì phải có giấy chứng tử (bản photo có công chứng) hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Trường hợp người vay có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không nơi nương tựa, nghèo thật sự không còn khả năng trả nợ phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã trên biên bản xác nhận nợ vay Ngân hàng CSXH bị rủi ro do nguyên nhân khách quan.

d. Bản sao hợp đồng tín dụng, khế ước vay vốn hoặc sổ tiết kiệm và vay vốn có rút số dư (nợ gốc, nợ lãi) đến ngày đề nghị xử lý (Giám đốc Ngân hàng CSXH nơi cho vay ký xác nhận và đóng dấu).

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trình tự thực hiện xử lý nợ rủi ro

1. Khi có các khoản nợ bị rủi ro, khách hàng hoặc người được ủy quyền đại diện có trách nhiệm lập 03 liên Đơn đề nghị xử lý nợ theo mẫu số 01/NRR-NS và các giấy tờ liên quan theo quy định tại Điều 7 nêu trên và gửi đến Ngân hàng CSXH nơi vay vốn. Ngân hàng CSXH nơi cho vay kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ; phối hợp với khách hàng lập 03 liên Biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản (theo mẫu quy định 02A(B,C,D,E)/NRR-NS của từng chương trình), có sự tham gia xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 7 nêu trên.

2. Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay

2.1. Đối với miễn, giảm lãi tiền vay:

a) Căn cứ vào Biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản, Ngân hàng CSXH nơi cho vay lập 03 Biểu tổng hợp đề nghị miễn, giảm lãi tiền vay theo từng chương trình cụ thể:

- Chương trình hộ nghèo thuộc nguồn vốn nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh: lập theo mẫu số 03A/NRR-NS;

- Chương trình hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số thuộc nguồn vốn nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước tỉnh: lập theo mẫu số 03B/NRR-NS;

- Chương trình cho vay làm vách, cửa, nền nhà ở cụm tuyến dân cư: lập theo mẫu 03C/NRR-NS;

- Chương trình cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài: lập theo mẫu số 03D/NRR-NS;

- Chương trình cho vay đi lao động ngoài tỉnh: lập theo mẫu 03E/NRR-NS.

b) Lập 03 liên biểu tổng hợp đề nghị miễn, giảm lãi tiền vay chung cho các chương trình cho vay theo mẫu số 03/NRR-NS.

c) Sắp xếp và đóng hồ sơ thành tập theo địa bàn (ấp, xã, huyện) đóng riêng theo từng chương trình cho vay phù hợp với từng biểu tổng hợp theo mẫu số 03A (B,C,D,E)/NRR-NS. Hồ sơ đề nghị xử lý nợ được đóng thành 03 bộ: Ngân hàng CSXH nơi cho vay giữ 01 bộ, gửi Ngân hàng CSXH tỉnh 02 bộ.

d) Hồ sơ gửi Ngân hàng CSXH tỉnh gồm:

- 02 liên Biểu tổng hợp theo từng chương trình cho vay theo mẫu số 03A (B,C,D,E)/NRR-NS;

- 02 liên Biểu tổng hợp mẫu số 03/NRR-NS;

- 02 bộ hồ sơ chi tiết;

- Truyền file số liệu của các biểu tổng hợp mẫu số 03A (B,C,D,E)/NRR-NS; mẫu số 03/NRR-NS theo font chữ Times New Roman về Ngân hàng CSXH tỉnh.

2.2. Đối với xóa nợ:

a) Căn cứ vào Biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản Ngân hàng CSXH nơi cho vay lập 03 Biểu tổng hợp đề nghị xóa nợ theo từng chương trình cụ thể:

- Chương trình cho vay hộ nghèo thuộc nguồn vốn nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh: lập theo mẫu số 05A/NRR-NS;

- Chương trình cho vay hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số thuộc nguồn vốn nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước tỉnh: lập theo mẫu số 05B/NRR-NS;

- Chương trình cho vay làm vách, cửa, nền nhà ở cụm tuyến dân cư: lập theo mẫu 05C/NRR-NS;

- Chương trình cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài: lập theo mẫu số 05D/NRR-NS;

- Chương trình cho vay đi lao động ngoài tỉnh: lập theo mẫu 05E/NRR-NS.

b) Lập 03 liên Biểu tổng hợp đề nghị xóa nợ chung cho tất cả các chương trình cho vay theo mẫu số 05/NRR-NS.

c) Sắp xếp và đóng hồ sơ thành tập theo địa bàn (ấp, xã, huyện) đóng riêng theo từng chương trình. Trong mỗi tập, hồ sơ của từng hộ sắp xếp theo đúng thứ tự của các hộ đã được liệt kê trên mẫu số 05A (B,C,D,E)/NRR-NS. Hồ sơ đề nghị xử lý nợ được lập thành 03 bộ: Ngân hàng CSXH nơi cho vay giữ 01 bộ, gửi Ngân hàng CSXH tỉnh 02 bộ.

d) Ngân hàng CSXH nơi cho vay gửi về Ngân hàng CSXH tỉnh hồ sơ gồm:

- 02 liên Biểu tổng hợp theo từng chương trình cho vay mẫu số 05A (B,C,D,E)/NRR-NS;

- 02 liên Biểu tổng hợp mẫu số 05/NRR-NS;

- 02 bộ hồ sơ chi tiết;

- Truyền file số liệu của Biểu tổng hợp mẫu số 05A (B,C,D,E)/NRR-NS; mẫu số 05/NRR-NS theo font chữ Time New Roman về Ngân hàng CSXH tỉnh.

e) Thời gian gửi hồ sơ: Ngân hàng CSXH nơi cho vay gửi hồ sơ đề nghị miễn, giảm lãi và hồ sơ đề nghị xóa nợ về Ngân hàng CSXH tỉnh một năm 02 đợt: đợt một vào ngày 15/5 và đợt hai vào này 15/11 hàng năm. Ngoài hồ sơ đề nghị xử lý nói trên Ngân hàng CSXH nơi cho vay có văn bản gửi Chi nhánh tỉnh về đề nghị xử lý nợ rủi ro của khách hàng và Tờ trình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét xử lý.

3. Tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh:

3.1. Kiểm tra lại hồ sơ đề nghị xử lý đảm bảo hợp lệ, hợp pháp, đầy đủ các giấy tờ theo Quy định này, do Ngân hàng CSXH nơi cho vay gửi lên.

3.2. Tổng hợp các khoản nợ rủi ro đề nghị xử lý, cụ thể

a) Đối với miễn, giảm lãi tiền vay:

- Lập 02 liên Biểu tổng hợp đến cấp huyện theo từng chương trình cho vay:

+ Chương trình cho vay hộ nghèo thuộc nguồn vốn nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh: lập theo mẫu số 04A/NRR-NS;

+ Chương trình cho vay hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số thuộc nguồn vốn nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước tỉnh: lập theo mẫu số 04B/NRR-NS;

+ Chương trình cho vay làm vách, cửa, nền nhà ở cụm tuyến dân cư: lập theo mẫu 04C/NRR-NS;

+ Chương trình cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài: lập theo mẫu số 04D/NRR-NS;

+ Chương trình cho vay đi lao động ngoài tỉnh: lập theo mẫu 04E/NRR-NS.

- Lập 03 liên Biểu tổng hợp đề nghị miễn, giảm lãi chung cho tất cả các chương trình cho vay mẫu 04/NRR-NS;

- Sắp xếp Biểu tổng hợp mẫu số 03A (B,C,D,E)/NRR-NS của các huyện theo từng chương trình cho vay, phù hợp với thứ tự trên Biểu tổng hợp đến huyện theo mẫu số 04A (B,C,D,E)/NRR-NS.

b) Đối với xóa nợ:

- Lập 03 liên Biểu tổng hợp theo mẫu số 06A (B,C,D,E)/NRR-NS theo từng chương trình cho vay của từng huyện.

- Lập 03 liên Biểu tổng hợp chung các chương trình theo mẫu số 06/NRR-NS.

- Sắp xếp Biểu tổng hợp mẫu số 05A (B,C,D,E)/NRR-NS của các huyện theo từng chương trình cho vay phù hợp với thứ tự trên Biểu tổng hợp đến huyện theo mẫu số 06A(B,C,D,E)/NRR-NS

3.3. Ngân hàng CSXH tỉnh gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính bộ hồ sơ gồm:

- Đối với miễn, giảm lãi:

+ 01 liên Biểu tổng hợp mẫu số 03A(B,C,D,E)/NRR-NS được sắp theo từng chương trình;

+ 01 liên Biểu tổng hợp theo từng chương trình cho vay mẫu số 04A (B,C,D,E)/NRR-NS;

+ 01 liên Biểu tổng hợp mẫu số 04/NRR-NS;

+ 01 bộ hồ sơ chi tiết gửi Sở Tài chính.

- Đối với xóa nợ:

+ 01 liên Biểu tổng hợp mẫu số 05A (B,C,D,E)/NRR-NS của từng huyện đã được sắp xếp theo từng chương trình cho vay;

+ 01 liên Biểu tổng hợp theo từng chương trình cho vay mẫu số 06A (B,C,D,E)/NRR-NS;

+ 01 liên Biểu tổng hợp mẫu số 06/NRR-NS;

+ 01 bộ hồ sơ chi tiết gửi Sở Tài chính.

4. Sau khi nhận được bộ hồ sơ do Ngân hàng CSXH tỉnh tổng hợp từ các huyện, thị, thành phố; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Sở Tài chính, Ngân hàng CSXH tỉnh thẩm định kiểm tra, tổng hợp các trường hợp đề nghị xử lý miễn, giảm lãi tiền vay và xóa nợ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định. Định kỳ một năm hai đợt: đợt một vào tháng 6 và đợt hai vào tháng 12 hàng năm.

Điều 9. Nguồn vốn để xử lý rủi ro

Nguồn vốn để xử lý nợ cho khách hàng vay vốn Ngân hàng CSXH tỉnh bị rủi ro do nguyên nhân khách quan được sử dụng từ nguồn quỹ dự phòng rủi ro hình thành từ chương trình cho vay hộ nghèo vốn ngân sách tỉnh. Trường hợp quỹ dự phòng rủi ro không đủ bù đắp thì Sở Tài chính cấp cho Ngân hàng CSXH tỉnh hoặc giảm trừ vào nguồn vốn đã chuyển sang Ngân hàng CSXH tỉnh cho vay để xử lý các khoản nợ bị rủi ro theo Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 10. Mọi sửa đổi, bổ sung Quy định này do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 26/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu26/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành05/01/2010
Ngày hiệu lực05/01/2010
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcTài chính nhà nước, Tiền tệ - Ngân hàng
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật14 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 26/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 26/QĐ-UBND năm 2010 xử lý nợ cho vay Ngân hàng chính sách xã hội Kiên Giang


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 26/QĐ-UBND năm 2010 xử lý nợ cho vay Ngân hàng chính sách xã hội Kiên Giang
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu26/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Kiên Giang
                Người kýVăn Hà Phong
                Ngày ban hành05/01/2010
                Ngày hiệu lực05/01/2010
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcTài chính nhà nước, Tiền tệ - Ngân hàng
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật14 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản gốc Quyết định 26/QĐ-UBND năm 2010 xử lý nợ cho vay Ngân hàng chính sách xã hội Kiên Giang

                        Lịch sử hiệu lực Quyết định 26/QĐ-UBND năm 2010 xử lý nợ cho vay Ngân hàng chính sách xã hội Kiên Giang

                        • 05/01/2010

                          Văn bản được ban hành

                          Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                        • 05/01/2010

                          Văn bản có hiệu lực

                          Trạng thái: Có hiệu lực