Nội dung toàn văn Quyết định 262/QĐ-UBND 2015 phê duyệt chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc nghèo tỉnh Gia Lai
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 262/QĐ-UBND | Gia Lai, ngày 05 tháng 05 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẤT Ở, ĐẤT SẢN XUẤT, NƯỚC SINH HOẠT CHO HỘ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ NGHÈO VÀ HỘ NGHÈO Ở XÃ, THÔN, LÀNG ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn;
Căn cứ Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Ủy ban Dân tộc, về công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 04/2013/TTLT-UBDT-BTC-BTNMT ngày 18 tháng 11 năm 2013, về Hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn;
Căn cứ Công văn số 266/UBDT-CSDT ngày 27/3/2015 của Ủy ban Dân tộc, về việc thẩm tra dự thảo Đề án theo Quyết định số 755/QĐ-TTg tỉnh Gia Lai;
Căn cứ Quyết định số 232/QĐ-UBND ngày 20/5/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, về việc quy định mức bình quân diện tích đất sản xuất tối thiểu cho mỗi hộ nghèo trên địa bàn tỉnh;
Xét đề nghị của Trưởng Ban Dân tộc tại Tờ trình số 117/TTr-BDT ngày 14 tháng 4 năm 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Gia Lai, cụ thể như sau:
1. Tên Đề án: Đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai.
2. Chủ đầu tư: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã An Khê, Ayun Pa và thành phố Pleiku.
3. Địa điểm thực hiện Đề án: 14 huyện, 02 thị xã An Khê, Ayun Pa và thành phố Pleiku.
4. Mục tiêu của Đề án:
- Phấn đấu đến hết năm 2015 giải quyết 70% số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất; cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn.
- Nhằm từng bước ổn định sản xuất, đời sống, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân để phát triển kinh tế -xã hội, gắn với giữ vững an ninh quốc phòng ở địa phương.
5. Đối tượng hưởng lợi:
Là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn theo tiêu chí hộ nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ. Hộ sống bằng nghề nông, lâm nghiệp chưa có hoặc chưa đủ đất sản xuất theo định mức quy định tại Quyết định số 232/QĐ-UBND ngày 20/5/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, về việc Quy định mức bình quân diện tích đất sản xuất tối thiểu cho mỗi hộ nghèo trên địa bàn tỉnh; có khó khăn về nước sinh hoạt; chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Thời điểm xác định đối tượng thụ hưởng chính sách cuối năm 2014.
6. Nội dung Đề án:
6.1. Hỗ trợ đất sản xuất:
6.1.1. Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất:
- Tổng số hộ cần hỗ trợ 1.338 hộ với diện tích 813,34 ha. Kinh phí hỗ trợ 33.490,11 triệu đồng:
- Định mức hỗ trợ đất sản xuất: Thực hiện theo Quyết định số 232/QĐ-UBND ngày 20/5/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai.
- Quỹ đất để giao cho các hộ, bao gồm:
+ Đất nhà nước thu hồi theo quy hoạch để hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo theo quy định tại Quyết định số 755/QĐ-TTg.
+ Đất thu hồi từ các nông, lâm trường và các doanh nghiệp.
+ Đất khai hoang phục hóa, đất được hiến tặng, chuyển nhượng tự nguyện.
6.1.2. Những hộ thiếu đất sản xuất, nhưng địa phương không còn khả năng tạo quỹ đất để cấp và hộ không có nhu cầu giải quyết đất sản xuất đề nghị được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề khác 3.654 hộ. Kinh phí hỗ trợ 74.807,5 triệu đồng, trong đó:
+ Hỗ trợ đào tạo nghề: 07 hộ (10 lao động). Kinh phí hỗ trợ 44 triệu đồng;
+ Hỗ trợ mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ 453 hộ. Kinh phí hỗ trợ 9.286,5 triệu đồng;
+ Hỗ trợ chăn nuôi 3.194 hộ. Kinh phí hỗ trợ 65.477 triệu đồng.
6.2. Hỗ trợ đất:
- Tổng số hộ cần hỗ trợ đất ở: 1.763 hộ với diện tích 33,4 ha.
- Định mức hỗ trợ: Bình quân mỗi hộ 200 m2/hộ. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tự cân đối quỹ đất và ngân sách để giao đất cho các hộ làm nhà ở.
6.3. Hỗ trợ nước sinh hoạt:
Tổng số hộ có nhu cầu hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 8.932 hộ. Kinh phí hỗ trợ 11.611,6 triệu đồng.
6.4. Duy tu bảo dưỡng các công trình nước sinh hoạt tập trung:
- Tổng số 260 công trình, phục vụ cho 13.897 hộ. Kinh phí đầu tư 25.989,67 triệu đồng:
Các công trình nước sinh hoạt tập trung đã được đầu tư xây dựng theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 và Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ, được bố trí từ nguồn vốn ngân sách địa phương và lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.
6.5. Kinh phí quản lý: Theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra hướng dẫn, sơ kết, tổng kết chính sách hàng năm của các địa phương được bố trí từ nguồn vốn ngân sách của địa phương: 729,5 triệu đồng.
7. Tổng kinh phí hỗ trợ Đề án:
Tổng số hộ cần hỗ trợ: 29.584 hộ, kinh phí hỗ trợ 146.628,38 triệu đồng, trong đó:
+ Ngân sách Trung ương hỗ trợ: | 40.925,54 triệu đồng; |
+ Vay từ Ngân hàng CSXH: | 74.775 triệu đồng; |
+ Ngân sách địa phương: | 30.927,84 triệu đồng. |
(có Đề án chi tiết kèm theo).
8. Thời gian thực hiện: Năm 2015 và những năm tiếp theo.
Điều 2. Giao Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Đề án đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng Ban Dân tộc; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Lao động - Thương binh và Xã hội; Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |