Nội dung toàn văn Quyết định 2623/QĐ-TTg năm 2013 phát triển đô thị Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu 2013 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2623/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "PHÁT TRIỂN CÁC ĐÔ THỊ VIỆT NAM ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GIAI ĐOẠN 2013 - 2020"
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;
Căn cứ Quyết định số 1183/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu;
Căn cứ Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2020 với các nội dung chủ yếu như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong cải tạo nâng cấp và phát triển đô thị; rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị trong bối cảnh gia tăng nguy cơ rủi ro từ biến đổi khí hậu; nâng cao nhận thức, tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong điều hành, quản lý phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu.
2. Mục tiêu cụ thể:
Cụ thể hóa các yêu cầu nhiệm vụ của Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Kịch bản biến đổi khí hậu quốc gia trong phát triển hệ thống đô thị quốc gia giai đoạn 2012 -2020.
Xây dựng chương trình, kế hoạch điều tra, đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến hệ thống đô thị được cảnh báo có nguy cơ rủi ro cao.
Xây dựng khung nhiệm vụ và giải pháp ứng phó thích nghi với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hạn chế, giảm thiểu rủi ro trong xây dựng, phát triển đô thị Việt Nam.
Đề xuất các chương trình, dự án, dự kiến kinh phí và phân công các Bộ, ngành và địa phương phối hợp tổ chức thực hiện.
II. PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Phạm vi thực hiện đề án: Hệ thống đô thị trên phạm vi toàn quốc (63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), tập trung vào các tỉnh và các đô thị chịu ảnh hưởng mạnh từ biến đổi khí hậu. Phân theo 02 khu vực chịu tác động:
- Hệ thống đô thị ven biển, ven sông, các khu vực đô thị đồng bằng có nguy cơ ngập lụt, nước biển dâng, triều cường, mất đất, nhiễm mặn nguồn nước.
- Hệ thống đô thị miền núi, cao nguyên chịu ảnh hưởng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, suy giảm nguồn nước ngầm.
2. Thời gian thực hiện:
Đề án được lập cho giai đoạn từ nay đến 2020, tầm nhìn sau năm 2020. Cụ thể:
- Giai đoạn I (từ 2013 - 2015) thực hiện tại 6 đô thị gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng và tỉnh Cà Mau.
- Giai đoạn II (từ 2016 - 2020) thực hiện cho 35 đô thị trong đó có 24 đô thị thuộc 15 tỉnh vùng duyên hải Bắc bộ, duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long; 11 đô thị thuộc 10 tỉnh vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
- Giai đoạn sau 2020: Thực hiện trên hệ thống đô thị ven biển, đồng bằng có nguy cơ ngập lụt và hệ thống các đô thị có nguy cơ cao chịu tác động của lũ quét, sạt lở đất tại các vùng miền núi phía Bắc, duyên hải ven biển miền Trung, Đông Nam bộ và Tây Nguyên.
(Danh mục các tỉnh và đô thị giai đoạn 2013 - 2020 tại Phụ lục I kèm theo Quyết định).
III. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
Đề án đề xuất tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như sau:
1. Điều tra, đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển hệ thống đô thị hiện có và đô thị dự kiến hình thành mới trong giai đoạn 2013 - 2020; khoanh vùng khu vực có nguy cơ chịu tác động cao của biến đổi khí hậu; tính toán khả năng và mức độ tự thích nghi, đề xuất giải pháp ứng phó; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống Bản đồ cảnh báo rủi ro biến đổi khí hậu tại đô thị (gọi tắt là Atlas Đô thị và Khí hậu).
2. Tích hợp nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch và chương trình, kế hoạch phát triển đô thị; cảnh báo các rủi ro tại các khu vực phát triển đô thị có khả năng chịu tác động từ biến đổi khí hậu.
3. Chỉnh sửa, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật, khung chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định liên quan đến phân loại đô thị, quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật.
4. Hình thành hệ thống kiểm soát, hạn chế lũ, lụt, ngập úng trong đô thị. Hình thành hồ chứa điều tiết ngập lụt, khai thông, nạo vét, cải tạo, gia cố, nắn dòng cho các đường thoát nước đô thị. Xây dựng đê, kè, tường chắn lũ, phân dòng lũ, công trình chứa nước ngầm hiện đại quy mô lớn. Khoanh vùng bảo vệ và có giải pháp tái định cư và di dời dân trong vùng cảnh báo rủi ro. Phát triển nhà ở vượt lũ, nhà ở có khả năng chống chịu cao với gió bão.
5. Nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn các cấp về quản lý, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông tin truyền thông về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới người dân, tăng cường phối hợp cộng đồng và các bên liên quan trong triển khai thực hiện.
6. Thực hiện các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, thực hiện các dự án thí điểm phát triển đô thị xanh, kiến trúc xanh; xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, tái sử dụng, tái chế.
(Danh mục Chương trình, dự án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2020 tại Phụ lục II kèm theo Quyết định).
IV. SẢN PHẨM CỦA ĐỀ ÁN
Đề án có 06 sản phẩm chính gồm:
1. Hình thành cơ sở dữ liệu cảnh báo rủi ro đô thị; Atlas Đô thị và Khí hậu lại các địa phương.
2. Ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến quy hoạch và phát triển đô thị; thực hiện lồng ghép các hướng dẫn và nội dung quản lý rủi ro, ngập úng trong phát triển đô thị.
3. Các định hướng, quy hoạch (quy hoạch xây dựng vùng, vùng tỉnh và quy hoạch đô thị), chương trình phát triển đô thị đã được điều chỉnh, bổ sung nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu và có giải pháp kiểm soát phát triển đô thị.
4. Các kế hoạch hành động của các đô thị đồng bằng, ven biển chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu; các chỉ tiêu xác định các khu vực ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo tại các đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu làm cơ sở đầu tư xây dựng hiệu quả.
5. Bổ sung hệ thống các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng và phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị, thiết kế kiến trúc công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu; cập nhật, vận hành và đánh giá rủi ro trên nền dữ liệu Atlas Đô thị và Khí hậu; các tài liệu giảng dạy nâng cao năng lực quản lý rủi ro, ứng phó thích nghi với biến đổi khí hậu.
6. Hợp tác quốc tế nghiên cứu khoa học - công nghệ, thực hiện thí điểm một số đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị xanh, kiến trúc xanh tại các vùng có nguy cơ rủi ro cao; nghiên cứu dự án phát triển đô thị sinh thái tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng thành phố Hồ Chí Minh (theo chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản); phát triển thành phố Hồ Chí Minh hướng biển và quản lý nguồn nước cho thành phố và vùng đồng bằng sông Cửu Long (theo chương trình hợp tác Việt Nam - Hà Lan); các dự án hạn chế lụt lội tại các thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau; thực hiện Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Căn cứ mục tiêu nhiệm vụ đề án và Danh mục chương trình, dự án tại Phụ lục II kèm theo, Bộ Xây dựng lập dự toán kinh phí hàng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính bố trí vốn vào dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Xây dựng trình Chính phủ phê duyệt.
2. Khuyến khích huy động nguồn vốn từ hợp tác quốc tế, vốn ODA để thực hiện các chương trình, dự án thí điểm.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020 chủ trì, đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo, thực hiện Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2020; hàng năm tổ chức đánh giá việc thực hiện Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
2. Bộ Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Triển khai thực hiện Đề án theo quy định hiện hành; đánh giá nghiệm thu kết quả giai đoạn I làm cơ sở quyết định việc triển khai giai đoạn tiếp theo đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của Đề án.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp kế hoạch vốn, sắp xếp, phân kỳ tài chính hàng năm cho các Chương trình, Dự án.
- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành liên quan tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, năng lực, nghiệp vụ tư vấn, quản lý phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Tổ chức chuyển giao cho các địa phương liên quan các kết quả, hướng dẫn kỹ thuật và các quy định pháp luật về phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu; hình thành đầu mối quản lý phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính
Cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện Đề án theo quy định hiện hành, bảo đảm hiệu quả, đúng tiến độ và kế hoạch; phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ
Tư vấn, cung cấp thông tin, dữ liệu, bản đồ, kịch bản biến đổi khí hậu quốc gia; lồng ghép các chương trình của Đề án vào chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu quốc gia; bổ sung danh mục các nghiên cứu khoa học - công nghệ cấp nhà nước hỗ trợ phục vụ Đề án; phối hợp với Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các nhiệm vụ, chương trình Đề án.
5. Các Bộ, ngành liên quan khác
Tham gia thực hiện các dự án thuộc Đề án được phân công; tư vấn, cung cấp thông tin, dữ liệu và lồng ghép các nhiệm vụ, hoạt động liên quan của Bộ, ngành mình vào các hoạt động của Đề án.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Chủ động rà soát quy hoạch và thực tế phát triển đô thị và điểm dân cư, xác định vị trí, mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
- Phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu và Atlas Đô thị và Khí hậu.
- Chủ động huy động nguồn vốn đầu tư hợp pháp vào các nghiên cứu khoa học, các dự án thí điểm tại địa phương trong phạm vi của Đề án. Tổ chức triển khai và báo cáo định kỳ với Bộ Xây dựng.
- Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác trong vùng thực hiện các dự án mang tính liên vùng, liên đô thị.
7. Đề nghị các tổ đoàn thể chủ động tham gia và huy động sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
PHỤ LỤC I
DANH MỤC CÁC TỈNH, ĐÔ THỊ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2623/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ)
I. GIAI ĐOẠN (2013 - 2015): Thực hiện tại 6 đô thị trọng điểm gồm:
1. Thành phố Hồ Chí Minh;
2. Thành phố Hà Nội;
3. Thành phố Cần Thơ;
4. Thành phố Hải Phòng;
5. Thành phố Đà Nẵng;
6. Thành phố Cà Mau.
II. GIAI ĐOẠN II (2016 - 2020): Hệ thống đô thị 25 tỉnh
A. Hệ thống đô thị ven biển, ven sông, các vùng đồng bằng có nguy cơ ngập, lụt, suy giảm nguồn nước do xâm thực mặn
Một số đô thị các tỉnh duyên hải Bắc bộ
1. Tỉnh Thái Bình (thành phố Thái Bình);
2. Tỉnh Nam Định (thành phố Nam Định);
3. Tỉnh Quảng Ninh (thành phố Uông Bí, Thị xã Quảng Yên).
Một số đô thị thuộc các tỉnh duyên hải miền Trung
4. Tỉnh Thanh Hóa (thành phố Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn);
5. Tỉnh Hà Tĩnh (thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, thị trấn Thiên Cầm);
6. Tỉnh Quảng Nam (thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An);
7. Tỉnh Thừa Thiên Huế (thành phố Huế, thị xã Hương Thủy);
8. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (thành phố Vũng Tàu, thành phố Bà Rịa).
Một số đô thị thuộc các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long
9. Tỉnh Kiên Giang (thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên);
10. Tỉnh Hậu Giang (thành phố Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy);
11. Tỉnh Sóc Trăng (thành phố Sóc Trăng);
12. Tỉnh Bến Tre (thành phố Bến Tre);
13. Tỉnh An Giang (thành phố Long Xuyên);
14. Tỉnh Tiền Giang (thị xã Gò Công);
15. Tỉnh Bạc Liêu (thành phố Bạc Liêu).
B. Hệ thống đô thị miền núi, cao nguyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, lũ quét, sạt lở đất, suy giảm nguồn nước ngầm.
1. Tỉnh Điện Biên (thị xã Mường Lay);
2. Tỉnh Bắc Kạn (thị xã Bắc Kạn);
3. Tỉnh Lào Cai (thành phố Lào Cai);
4. Tỉnh Yên Bái (thành phố Yên Bái);
5. Tỉnh Cao Bằng (thành phố Cao Bằng);
6. Tỉnh Hà Giang (thành phố Hà Giang);
7. Tỉnh Hòa Bình (thành phố Hòa Bình);
8. Tỉnh Sơn La (thành phố Sơn La);
9. Tỉnh Đắk Lắk (thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ);
10. Tỉnh Đắk Nông (thị xã Gia Nghĩa).
PHỤ LỤC II
DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VIỆT NAM ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐẾN 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2623/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ)
TT | Danh mục chương trình trọng tâm | Cơ quan chịu trách nhiệm | Cơ quan phối hợp | Giai đoạn thực hiện |
I | Chương trình 1: Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro đô thị (Atlas Đô thị và Khí hậu) |
| ||
1 | Điều tra, đánh giá mức độ tác động của BĐKH đến hệ thống đô thị có nguy cơ chịu tác động (đô thị hiện có và đô thị dự kiến hình thành mới trong giai đoạn 2013 - 2020) | Bộ Xây dựng | Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh/thành phố có liên quan | 2013-2015 |
2 | Xây dựng Atlas Đô thị và Khí hậu cho 6 đô thị trọng điểm: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng và tỉnh Cà Mau | Bộ Xây dựng | Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh/thành phố có liên quan | 2013 -2015 |
3 | Xây dựng AtLas Đô thị và Khí hậu cho 35 đô thị thuộc 25 tỉnh có nguy cơ chịu tác động mạnh | Bộ Xây dựng | Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính, UBND các tỉnh/thành phố có liên quan | 2016 - 2020 |
4 | Chuyển giao quản lý và khai thác Atlas Đô thị và Khí hậu tại các địa phương | Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường | Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các địa phương có liên quan | 2018 - 2020 |
II | Chương trình 2: Hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan đến quy hoạch, phát triển đô thị có lồng ghép với BĐKH |
| ||
5 | Rà soát các Luật xây dựng, Luật quy hoạch đô thị và các văn bản quản lý việc hình thành các khu vực phát triển đô thị và đô thị mới | Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường | Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các địa phương có liên quan | 2013 -2015 |
6 | Lồng ghép yêu cầu ứng phó BĐKH trong các văn bản quy phạm pháp luật hình thành mới về phát triển đô thị | Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường | Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các địa phương có liên quan | 2016 - 2020 |
III | Chương trình 3: Bổ sung lồng ghép nội dung BĐKH vào Quy hoạch xây dựng vùng, tỉnh và quy hoạch đô thị |
| ||
7 | Rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung ứng phó BĐKH cho quy hoạch chung 6 đô thị trọng điểm: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng và tỉnh Cà Mau | Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường | Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các địa phương có liên quan | 2013-2015 |
8 | Rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung ứng phó BĐKH cho quy hoạch chung xây dựng đối với 25 tỉnh có nguy cơ chịu tác động rất mạnh (15 tỉnh thuộc các vùng duyên hải Bắc bộ, duyên hải miền Trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long và 10 tỉnh thuộc các vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên) | Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường | Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các địa phương có liên quan | 2016-2020 |
IV | Chương trình 4: Xây dựng kế hoạch hành động và tài liệu hướng dẫn kỹ thuật ứng phó với BĐKH |
| ||
9 | Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của các đô thị trong vùng, tỉnh thuộc đồng bằng ven biển chịu tác động mạnh của BĐKH | Bộ Xây dựng | Bộ Tài nguyện và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ | 2013-2015 |
10 | Xây dựng tài liệu hướng dẫn quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị, thiết kế công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng | Bộ Xây dựng | Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ | 2013 -2015 |
11 | Xây dựng tài liệu hướng dẫn cập nhật, vận hành và đánh giá rủi ro trên nền dữ liệu Atlas Đô thị và Khí hậu | Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường | Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ | 2013-2015 |
12 | Hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng các công trình đô thị tại các khu vực được cảnh báo rủi ro | Bộ Xây dựng | Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ | 2013 -2015 |
13 | Tổng hợp các mô hình dự án đô thị lồng ghép ứng phó BĐKH được triển khai thực hiện tại Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020 | Bộ Xây dựng | Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ | 2016 - 2020 |
14 | Hình thành tài liệu giảng dạy bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý rủi ro, ứng phó với BĐKH tại khu vực đô thị | Bộ Xây dựng | Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ | 2016 - 2020 |
V | Chương trình 5: Phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện nghiên cứu khoa học về phát triển đô thị ứng phó với BĐKH, triển khai thí điểm các dự án phát triển đô thị sinh thái, đô thị xanh ở Việt Nam |
| ||
15 | Nghiên cứu, thực hiện thí điểm một số dự án quy hoạch, chương trình ưu tiên trọng điểm phát triển đô thị xanh, sinh thái, kiến trúc xanh thích ứng BĐKH | Bộ Xây dựng | Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh thuộc Vùng cảnh báo rủi ro | 2013-2020 |
16 | Phát triển mô hình đô thị sinh thái tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng thành phố Hồ Chí Minh. Phối hợp với Nhật Bản và các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm phát triển và nhân rộng mô hình phát triển đô thị sinh thái tại Việt Nam | UBND các tỉnh có liên quan | Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh thuộc vùng thành phố Hồ Chí Minh và vùng Thủ đô Hà Nội (ưu tiên TP.Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Vĩnh Phúc) | 2013-2020 |
17 | Hợp tác phân ban trong Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan trong phát triển thành phố Hồ Chí Minh hướng biển và quản lý nguồn nước cho vùng ĐBSCL và thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt quan tâm nghiên cứu hạn chế lụt lội tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ | Bộ Tài nguyên và Môi trường | UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có liên quan | 2013 -2020 |
18 | Thực hiện các dự án nâng cấp và phát triển đô thị tại các đô thị được cảnh báo rủi ro cao bởi tác động BĐKH | Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh có liên quan | Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính | 2013-2020 |