Nội dung toàn văn Quyết định 27/2001/QĐ-BTCCBCP phê duyệt bản Điều lệ của Hội Nghề cá Việt Nam
BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/2001/QĐ-BTCCBCP | Hà Nội, ngày 22 tháng 05 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT BẢN ĐIỀU LỆ CỦA HỘI NGHỀ CÁ VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG BAN BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
Căn cứ Sắc lệnh số 102/SL-L004 ngày 20/5/1957 quy định về quyền lập Hội,
Căn cứ Nghị định 181/CP ngày 9/11/1994 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,
Căn cứ Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 02/03/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc ủy nhiệm Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ cho phép thành lập Hội,
Xét đề nghị của Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam và của Vụ trưởng Vụ tổ chức phi Chính phủ;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Phê duyệt bản Điều lệ của Hội Nghề cá Việt Nam đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ I ngày 31 tháng 3 năm 2001 thông qua.
Điều 2: Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Vụ trưởng Tổ chức phi chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG BAN |
ĐIỀU LỆ
HỘI NGHỀ CÁ VIỆT NAM
Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của ngành Thủy sản trong công cuộc đổi mới của đất nước; căn cứ thực trạng tổ chức và hoạt động của hai Hội; thể theo nguyện vọng của ngư dân làm nghề nuôi trồng, khai thác và hậu cần, dịch vụ nghề cá, … Hội Nuôi Thủy sản Việt Nam và Hội Nghề cá Việt Nam tán thành hợp nhất hai Hội thành một Hội mới, lấy tên là Hội nghề cá Việt Nam.
Chương 1.
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 1. Hội Nghề cá Việt Nam là tổ chức quần chúng có tính chất nghề nghiệp của những công dân tổ chức pháp nhân của Việt Nam làm nghề nuôi trồng, khai thác, chế biến và hậu cần, dịch vụ nghề cá … Hội có tên tiếng Anh là Vietnam Fisheries Society, viết tắt là: VINAFIS.
Mục đích của Hội: Tập hợp những cá nhân và tổ chức thuộc các thành phần kinh tế hoạt động trong các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến và hậu cần dịch vụ nghề cá để hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kinh tế, kỹ thuật trong sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa; phòng tránh thiên tai, ngăn ngừa dịch bệnh; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường; đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên; góp phần phát triển nghề cá cả nước nói chung, của từng địa phương, cơ sở nói riêng, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người làm nghề cá.
Điều 2. Hội có tư cách pháp nhân hoạt động trên phạm vi toàn quốc, có con dấu và tài khoản riêng, trụ sở chính đặt tại Thủ đô Hà Nội và có văn phòng đại diện ở Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Điều 3. Hội hoạt động theo pháp luật nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được sự hướng dẫn, bảo trợ và chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Thủy sản. Hội ở tỉnh được sự hướng dẫn, bảo trợ và chịu sự quản lý Nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chương 2.
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn.
1. Tuyên truyền giáo dục hội viên hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển nghề cá trong các thành phần kinh tế; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; bảo hộ an toàn lao động; bảo vệ an ninh quốc phòng miền biển.
2. Hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kinh tế - kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh dịch vụ nghề cá, trao đổi kinh nghiệm, phổ biến và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới; đoàn kết giúp nhau phòng chống thiên tai, dịch bệnh, khó khăn trong đời sống.
3. Hội tổ chức các cơ sở dịch vụ, hậu cần, tư vấn về nghề cá phục vụ cho hội viên và người làm nghề cá; liên doanh liên kết để sản xuất - kinh doanh theo đúng các quy định của Nhà nước nhằm phát triển nghề cá, tạo kinh phí cho hoạt động của Hội.
4. Hội tổ chức khuyến ngư tự nguyện, phối hợp với tổ chức khuyến ngư của ngành phổ biến những tiến bộ kỹ thuật, những công nghệ mới, những điển hình sản xuất giỏi; nâng cao tay nghề, bồi dưỡng trình độ quản lý kinh tế cho hội viên; cung cấp thông tin, thị trường, giá cả để hội viên bố trí lại sản xuất - kinh doanh ổn định, đạt hiệu quả kinh tế cao, từ đó củng cố và phát triển Hội.
Hội tự tổ chức hoặc tham gia tích cực vào các dự án đào tạo, huấn luyện ngư dân, dự án tạo việc làm, chương trình xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên.
5. Hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể trong việc phát triển kinh tế. Kiến nghị góp ý với các tổ chức Đảng và Nhà nước về những chủ trương, luật pháp, chính sách, biện pháp khuyến khích, giúp đỡ phát triển nghề cá, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.
6. Xây dựng và phát triển các mối quan hệ quốc tế của Hội với các Hội nghề cá khu vực Đông Nam Á và các nước; với Hội Nuôi Thủy sản thế giới, với các cá nhân, tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật.
Chương 3.
HỘI VIÊN
Điều 5. Hội viên
Hội viên chính thức: Những công dân (hội viên cá nhân) và tổ chức pháp nhân (hội viên tập thể) của Việt Nam trực tiếp làm nghề nuôi trồng, khai thác, chế biến, hậu cần, dịch vụ nghề cá; những người làm công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, đào tạo và quản lý nghề cá hoặc công tác có liên quan đến nghề cá … tán thành điều lệ của Hội, tự nguyện làm đơn xin gia nhập Hội, đóng tiền nhập Hội và hội phí đều được công nhân là hội viên chính thức của Hội.
2. Hội viên danh dự: Những công dân và tổ chức pháp nhân của Việt Nam, có công lao đối với sự nghiệp phát triển nghề cá Việt Nam nói chung và Hội nghề cá Việt Nam nói riêng được Hội mời làm hội viên danh dự.
Điều 6. Nhiệm vụ của hội viên.
1. Nghiêm chỉnh thực hiện mọi đường lối; chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về nghề cá, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường.
2. Tích cực tham gia lao động sản xuất và công tác, nâng cao trình độ hiểu biết và ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nghề cá đạt hiệu quả kinh tế cao.
3. Tham gia đều đặn các hoạt động và sinh hoạt của Chi Hội, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ của hội viên, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
4. Nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ, các Nghị quyết của Hội, tuyên truyền phát triển hội viên mới, xây dựng, củng cố Chi Hội, vận động quần chúng hưởng ứng hoạt động của Hội.
5. Đóng hội phí đầy đủ.
Điều 7. Quyền lợi của hội viên
1. Được Hội phổ biến kinh nghiệm sản xuất, bồi dưỡng nghề nghiệp, nâng cao tay nghề và trình độ khoa học - kỹ thuật bằng các hình thức: cung cấp thông tin, tài liệu, dự hội thảo, các lớp đào tạo, huấn luyện, trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tham quan, khảo sát ở trong và ngoài nước.
2. Được Hội bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; được Hội giúp đỡ, đỡ đầu trong các công trình nghiên cứu, thử nghiệm, sáng kiến phát minh trong nghề cá theo đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước.
3. Được Hội giúp đỡ, giới thiệu với các cơ sở trong và ngoài nước để hợp đồng sản xuất, cung cấp con giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh, trang thiết bị, dụng cụ sản xuất; di chuyển ngư trường, tiêu thụ sản phẩm hoặc làm chuyên gia tư vấn kỹ thuật. Được Hội đứng ra tín chấp cho hội viên nghèo vay vốn ngân hàng để sản xuất, được Hội giúp đỡ khi gia đình khó khăn trong sản xuất và đời sống.
4. Được thảo luận, biểu quyết, chất vấn, phê bình mọi công việc của Hội; được ứng cử, đề cử vào Ban Chấp hành của Hội.
5. Được quyền ra khỏi Hội theo nguyện vọng của cá nhân.
Chương 4.
TỔ CHỨC CỦA HỘI
Điều 8. Hội tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, trên cơ sở tự nguyện, tự quản, tự trang trải về tài chính.
Tổ chức của Hội gồm:
- Ở Trung ương có Hội nghề cá Việt Nam
- Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) nếu có nhu cầu thì thành lập Hội nghề cá tỉnh.
Việc thành lập Hội nghề cá tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Hội nghề cá tỉnh nếu tán thành điều lệ của Hội nghề cá Việt Nam, xin gia nhập Hội thì được công nhận là thành viên chính thức của Hội nghề cá Việt Nam.
Các Hội thành viên hoạt động theo điều lệ của mình tuân thủ theo điều lệ của Trung ương Hội và chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Trung ương Hội.
- Ở cơ sở có Chi hội nghề cá (hoặc Chi hội chuyên ngành nuôi trồng, đánh bắt…). Ở các cơ sở nếu có từ 5 hội viên trở lên thì có thể thành lập Chi hội.
Điều 9. Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội nghề cá Việt Nam
1. Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nghề cá Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Hội. Đại hội được tổ chức 5 năm một lần.
2. Nhiệm vụ chính của Đại hội.
- Thông qua báo cáo tình hình phong trào; tình hình công tác Hội và báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương Hội.
- Quyết định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, biện pháp công tác của Hội nhằm phục vụ phát triển phong trào.
- Phê duyệt quyết toán tài chính và thông qua kế hoạch tài khóa mới.
- Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều lệ hoặc các quy định của Hội.
- Bầu cử Ban Chấp hành Trung ương Hội.
3. Ban Chấp hành Trung ương Hội có thể triệu tập Đại hội bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách của Hội theo đề nghị của 2/3 ủy viên Ban Chấp hành, hoặc trên 50% số hội viên yêu cầu.
4. Các Nghị quyết của Đại hội được thông qua theo nguyên tắc đa số.
Điều 10. Ban Chấp hành Trung ương Hội.
1. Ban Chấp hành Trung ương Hội là cơ quan lãnh đạo của Hội giữa 2 kỳ đại hội. Số lượng ủy viên Ban chấp hành do Đại hội quyết định.
2. Ban Chấp hành Trung ương Hội họp thường kỳ mỗi năm 1 lần và có thể họp bất thường khi có quá 1/2 số ủy viên Ban Chấp hành hoặc Ban Thường vụ yêu cầu.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp hành Trung ương Hội.
- Điều hành hoạt động của Hội theo nghị quyết và phương hướng nhiệm vụ Đại hội đã thông qua.
- Quyết định chương trình, kế hoạch và chỉ đạo thực hiện công tác hằng năm và thông báo kết quả hoạt động của Ban Chấp hành cho các cấp Hội.
- Phê duyệt kế hoạch và quyết toán tài chính hằng năm.
- Xây dựng các quy chế hoạt động của Hội.
- Quy định tổ chức và hoạt động các Ban chuyên môn, Văn phòng TW Hội, Văn phòng đại diện Hội tại các khu vực; quy định các nguyên tắc, chế độ, sử dụng và quản lý tài sản, tài chính của Hội.
- Bầu Ban thường vụ và các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch, Tổng thư ký, Phó tổng thư ký. Bầu bổ sung và miễn nhiệm ủy viên Ban chấp hành. Số lượng ủy viên được bầu bổ sung hoặc miễn nhiệm không quá 1/3 tổng số ủy viên Ban chấp hành đã được Đại hội bầu ra.
- Cử các trưởng ban chuyên môn, Văn phòng đại diện, thành lập các trung tâm hoặc công tác dịch vụ, tư vấn, thương mại …
- Chuẩn bị nội dung, chương trình nghị sự và tài liệu trình Đại hội.
- Quyết định triệu tập Đại hội nghiệm kỳ hoặc Đại hội bất thường, hội nghị đại biểu hằng năm (nếu cần).
Điều 11. Ban Thường vụ:
1. Ban Thường vụ do Ban Chấp hành bầu, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và một số ủy viên. Số lượng Ban Thường vụ do Ban Chấp hành quyết định.
2. Ban Thường vụ thay mặt Ban Chấp hành điều hành hoạt động của Hội giữa 2 kỳ họp và phải báo cáo kiểm điểm công tác trong các kỳ họp của Ban Chấp hành.
3. Ban Thường vụ hoạt động theo quy chế được Ban chấp hành thông qua.
4. Ban Thường vụ 6 tháng họp một lần.
Điều 12. Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội.
1. Chủ tịch Hội có quyền hạn và trách nhiệm:
- Đại diện pháp nhân của Hội trước pháp luật.
- Tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đại hội, của Hội nghị đại biểu và các quyết định của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ.
- Triệu tập và chủ trì cuộc họp của Ban Chấp hành Hội.
- Bổ nhiệm nhân sự Văn phòng Hội và các tổ chức khác do Hội thành lập.
- Chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành và toàn thể hội viên về các hoạt động của Hội.
2. Các Phó Chủ tịch Hội là người giúp việc cho Chủ tịch, được Chủ tịch phân công phụ trách từng lĩnh vực và được ủy quyền điều hành công việc của Ban Chấp hành khi Chủ tịch vắng mặt. Giúp việc Chủ tịch có một Phó Chủ tịch thường trực, một Phó Chủ tịch phụ trách về nuôi trồng; một Phó Chủ tịch phụ trách về khai thác thủy sản.
3. Tổng Thư ký Hội điều hành hoạt động của Văn phòng Hội.
Điều 13. Văn phòng Trung ương Hội, các ban và các tổ chức trực thuộc Hội:
- Văn phòng Trung ương Hội, các ban và các tổ chức trực thuộc Trung ương Hội do Ban Thường vụ Trung ương Hội quyết định.
- Các tổ chức của Hội hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu đào tạo, dịch vụ khoa học kỹ thuật và kinh doanh (Trung tâm, Công ty ...) được tổ chức và hoạt động theo pháp luật hiện hành, tuân thủ các quy chế của Hội ban hành theo từng lĩnh vực, thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước và nghĩa vụ đóng góp cho quỹ của Trung ương Hội.
- Văn phòng Trung ương Hội có nhiệm vụ điều phối các hoạt động của Hội, của các ban và các tổ chức khác của Hội dưới sự chỉ đạo của thường trực trung ương Hội.
Điều 14. Ban Kiểm tra
1. Ban Kiểm tra do Ban Chấp hành Trung ương Hội trực tiếp bầu ra. Số lượng ủy viên Ban Kiểm tra do Ban Chấp hành Hội quyết định, Ban kiểm tra gồm một số ủy viên là ủy viên ban chấp hành, một số là hội viên.
2. Ban Kiểm tra hoạt động theo quy chế do Ban Chấp hành quy định.
Điều 15. Văn phòng đại diện Hội ở miền Trung và miền Nam thay mặt Ban Thường vụ thực thi các công việc của Hội ở từng khu vực. Văn phòng đại diện ở khu vực hoạt động theo quy chế của Ban chấp hành TW Hội.
Chương 5.
TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN CỦA HỘI
Điều 16. Nguồn thu của Hội
- Tiền nhập Hội và hội phí của hội viên.
- Các khoản thu từ các hoạt động sản xuất, dịch vụ, tư vấn, hội chợ, triển lãm, quảng cáo của Hội …
- Tài trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.
Điều 17. Quản lý, sử dụng tài chính và tài sản.
1. Ban Chấp hành Trung ương Hội quy định việc quản lý, sử dụng tài chính và tài sản của Hội phù hợp với quy định của Nhà nước và điều kiện cụ thể của Hội.
2. Ban Kiểm tra có trách nhiệm kiểm tra và báo cáo tài chính, tài sản công khai trong các kỳ đại hội hoặc hội nghị Ban Chấp hành.
Chương 6.
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 18. Khen thưởng
Hội viên, cán bộ các cấp Hội có nhiều thành tích trong lao động sản xuất, trong sự nghiệp phát triển nghề cá nói chung, cũng như trong xây dựng Hội Nghề cá nói riêng, được Hội xét khen thưởng hoặc đề nghị Nhà nước khen thưởng.
Điều 19. Kỷ luật
Hội viên, cán bộ các cấp Hội vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Hội, làm ảnh hưởng lớn đến thể diện và uy tín của Hội, bỏ sinh hoạt nhiều lần không có lý do chính đáng, không đóng hội phí 1 năm, sẽ tùy theo mức độ vi phạm mà phê bình, khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ ra khỏi Hội. Hội viên bị tòa án tước quyền công dân thì đương nhiên xóa tên trong danh sách hội viên.
Chương 7.
GIẢI THỂ HỘI
Điều 20. Hội tự nguyện giải thể khi có Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội hoặc khi có quyết định giải thể Hội của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Chương 8.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 21. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ phải được Đại hội đại biểu toàn quốc Hội nghề cá Việt Nam nhất trí kiến nghị và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mới có giá trị thực hiện.
Điều 22. Bản Điều lệ này đã được Đại hội đại biểu hợp nhất Hội Nuôi Thủy sản Việt Nam và Hội Nghề cá Việt Nam thành Hội Nghề cá Việt Nam họp tại Thủ đô Hà Nội ngày 31 tháng 3 năm 2001 thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.