Quyết định 2750/QĐ-BNN-HTQT

Quyết định 2750/QĐ-BNN-HTQT năm 2011 Phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nghiên cứu dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với lưu vực sông Hồng và Hỗ trợ thể chế cho nâng cao hiệu quả tưới tại một khu vực thí điểm Gia Bình của hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải” do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 2750/QĐ-BNN-HTQT Nghiên cứu dự báo tác động của biến đổi khí hậu


BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2750/QĐ-BNN-HTQT

Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT DỰ ÁN HỖ TRỢ KỸ THUẬT “NGHIÊN CỨU DỰ BÁO TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐỐI VỚI LƯU VỰC SÔNG HỒNG VÀ HỖ TRỢ THỂ CHẾ CHO NÂNG CAO HIỆU QUẢ TƯỚI TẠI MỘT KHU VỰC THÍ ĐIỂM GIA BÌNH CỦA HỆ THỐNG THỦY NÔNG BẮC HƯNG HẢI”

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 và Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 sửa đổi Điều 3, Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 131/2006/NĐ-CP ngày 09/11/2006 ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);

Căn cứ Thông tư số 04/2007/TT-BKH ngày 30/7/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;

Căn cứ Thông tư số 03/2007/TT-BKH ngày 12/3/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý chương trình, dự án ODA;

Căn cứ Văn bản số 1447/TTg-QHQT ngày 13/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh mục dự án sử dụng viện trợ không hoàn lại của AFD;

Căn cứ Quyết định số 2452/BNN-HTQT ngày 14/9/2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ Chủ dự án “Nghiên cứu dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với lưu vực sông Hồng và Hỗ trợ thể chế cho nâng cao hiệu quả tưới tại một khu vực thí điểm Gia Bình của hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải”;

Xét Tờ trình số 778 ĐHTL/HTQT ngày 16/9/2011 của Trường Đại học Thủy lợi xin phê duyệt văn kiện dự án “Nghiên cứu dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với lưu vực sông Hồng và Hỗ trợ thể chế cho nâng cao hiệu quả tưới tại một khu vực thí điểm Gia Bình của hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải”;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế kèm theo Biên bản thẩm định dự án ngày 03/10/2011, ý kiến bằng văn bản của Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Văn bản số 416/KHCN ngày 04/10/2011) và ý kiến của Tổng cục Thủy lợi (Văn bản số 178/KH-TL ngày 20/10/2011),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt nội dung văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nghiên cứu dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với lưu vực sông Hồng và Hỗ trợ thể chế cho nâng cao hiệu quả tưới tại một khu vực thí điểm Gia Bình của hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải” (tài liệu kèm theo) sử dụng viện trợ không hoàn lại của Cơ quan Pháp (AFD), cụ thể như sau:

1. Tên dự án: “Nghiên cứu dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với lưu vực sông Hồng và Hỗ trợ thể chế cho nâng cao hiệu quả tưới tại một khu vực thí điểm Gia Bình của hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải”.

2. Tên nhà tài trợ: Cơ quan Phát triển Pháp.

3. Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Chủ dự án: Trường Đại học Thủy lợi.

5. Địa điểm thực hiện dự án: Lưu vực sông Hồng, tập trung ở các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình và Nam Định.

6. Thời gian thực hiện: 2011 - 2016.

7. Mục tiêu và kết quả chủ yếu của dự án.

a. Mục tiêu dài hạn.

+ Hợp phần 1:

- Nâng cao nhận thức và kiến thức về biến đổi khí hậu và thủy văn có ảnh hưởng đến các điều kiện kinh tế - xã hội trong khu vực dự án, đưa ra cơ sở tin cậy phục vụ việc ra quyết định phát triển vùng và địa phương.

- Đề xuất giải pháp khắc phục những hậu quả của biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Hồng và đánh giá chi phí cho những giải pháp này.

+ Hợp phần 2:

Tăng hiệu quả của công trình thủy lợi và tác động kinh tế đối với sản xuất nông nghiệp của huyện Gia Bình thông qua việc quản lý và đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi bằng phương pháp tiếp cận có sự tham gia của các bên liên quan.

b. Mục tiêu ngắn hạn

+ Hợp phần 1:

- Nghiên cứu, tổng kết hiện tượng thủy văn và khí hậu trực tiếp ảnh hưởng đến lưu vực sông Hồng, bao gồm hệ thống Bắc Hưng Hải trong thời gian hiện tại và tương lai.

- Phân tích và đánh giá các kịch bản tác động của biến đổi khí hậu (tích cực, trung lập và tiêu cực) ở lưu vực sông Hồng trọng tâm tập trung vào mực nước.

- Đánh giá những tác động của biến đổi khí hậu đối với điều kiện kinh tế - xã hội và môi trường (chủ yếu ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng thủy lợi và sản xuất lúa).

- Đề xuất các giải pháp thích hợp và cụ thể về kỹ thuật dựa trên kinh nghiệm hiện có tại các vùng và quốc gia khác đồng thời tham khảo các đề xuất của đội ngũ chuyên gia tư vấn về biến đổi khí hậu.

- Đề xuất chiến lược sơ bộ hoặc/và kế hoạch hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu và thủy văn đối với mỗi kịch bản.

- Đánh giá chi phí cho từng giải pháp và kế hoạch hành động đã đề xuất nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong vùng.

+ Hợp phần 2:

- Thành lập và thử nghiệm các Ban quản lý nước.

- Thông qua hai Ban quản lý nước sẽ góp phần (i) Tăng cường năng lực của các bên liên quan trong quản lý nước ở Gia Bình, đặc biệt với tổ chức yếu nhất là các hợp tác xã nông nghiệp (APC), và (ii) Cải thiện việc quản lý nước thông qua việc sử dụng hiệu quả quỹ phát triển cơ sở hạ tầng địa phương (LIDF) có sự tham gia.

8. Các kết quả chủ yếu của dự án

a) Kết quả chủ yếu của hợp phần 1.

a.1) Xác định các điều kiện khí hậu ở khu vực đồng bằng sông Hồng trong tương lai.

- Mô hình hóa tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai theo ba kịch bản đã đề cập ở trên trong các giai đoạn cố định. Các hoạt động mô hình hóa sẽ được thực hiện ban đầu ở cấp lưu vực với nhiều mô hình chi tiết được tiến hành cho các mục tiêu tại các vùng và địa phương.

- Số liệu về khí hậu quốc tế và trong nước sẽ được xem xét và sử dụng phù hợp.

- Khảo sát các nguy cơ liên quan đến tình trạng mực nước biển dâng cao, bão, thay đổi nhiệt độ, độ tinh khiết của nước, thay đổi lượng mưa (bao gồm cả tần suất hạn hán) và độ nhiễm mặn, qua đó đưa ra mô tả về đặc điểm khí tượng thủy văn trong tương lai (như lũ lụt, mực nước biển/thủy triều, độ mặn, dòng chảy, …) cho đồng bằng sông Hồng.

a.2) Kết quả đánh giá về tác động của các kịch bản khí hậu trong tương lai về tự nhiên, xã hội và hệ thống kinh tế nông nghiệp ở khu vực đồng bằng sông Hồng.

- Những ảnh hưởng của các kịch bản biến đổi khí hậu trong tương lai về tự nhiên (tài nguyên và chất lượng nước, loại đất, …) xã hội (dân số, tình trạng đói nghèo, tổ chức xã hội, …) và kinh tế (sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là gạo) sẽ được đánh giá bằng cách sử dụng phương pháp đánh giá tác động rủi ro.

- GIS và Đánh giá không gian dựa trên phân bố cộng đồng dân cư được áp dụng để xác định các điểm nóng khu vực và địa phương nhạy cảm với biến đổi khí hậu và các nghiên cứu sẽ minh họa những tác động của biến đổi khí hậu trong các thiết lập sử dụng đất nông thôn. Việc đánh giá tác động sẽ được thực hiện cả ở cấp độ khu vực và chi tiết hơn, được địa phương hóa để phù hợp với các mục tiêu vùng và khu vực.

a.3) Xác định các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu thích hợp cho các mục tiêu tỉnh và chương trình từng vùng.

- Dựa trên việc xác định các giải pháp tiềm năng, các hỗ trợ kỹ thuật sẽ bao gồm việc đánh giá toàn diện về hiệu quả của khung quy hoạch hiện trước những thách thức của biến đổi khí hậu trong tương lai.

- Chính quyền địa phương sẽ tham gia vào quá trình xác định các quy hoạch, chính sách, chương trình và/hoặc dự án có hiệu quả và liên quan nhiều nhất trong tương lai để được coi như điểm khởi đầu cho các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Danh sách các tùy chọn tích hợp thích ứng với biến đổi khí hậu trong các chương trình, quy hoạch, dự án, chính sách tại các tỉnh và vùng được lựa chọn sau đó sẽ được xác định với sự tham gia của chính quyền tại các tỉnh, và các vùng.

- Các tùy chọn thích ứng sẽ được xác định và sẽ được đánh giá về mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Các hỗ trợ kỹ thuật sẽ hỗ trợ chính quyền trong việc định mức ưu tiên cho một danh sách ngắn các lựa chọn thích ứng khả thi và thiết thực (cả cấu trúc và phi cấu trúc) để tích hợp vào các chương trình, kế hoạch, dự án và/hoặc chính sách được lựa chọn. Các nhà quản lý cũng sẽ được hỗ trợ để xác định các lựa chọn tài chính để thực hiện các hành động liên quan đến khả năng phục hồi được thông qua bởi các chương trình, kế hoạch, dự án và/hoặc chính sách.

b) Kết quả chủ yếu của hợp phần 2.

Kết quả của hợp phần này sẽ góp phần cho việc khởi động các hoạt động dự án thí điểm, gồm có hoạt động thử nghiệm thể chế, điều này được đánh giá thông qua:

- Thành lập Văn phòng quản lý hợp phần, thuê nhân viên và đào tạo về các thủ tục và các yêu cầu cần thiết thực hiện dự án.

- Thành lập các Ban quản lý nước cấp huyện, xã; và làm rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các liên quan bao gồm cả quản lý, giám sát đầu tư, duy tu và bảo dưỡng hệ thống công trình thủy lợi.

- Cơ sở hạ tầng phát triển địa phương sử dụng nguồn tài chính từ Quỹ LIDF do địa phương đề xuất được xác định và các đầu tư ban đầu có sự giám sát của cộng đồng được thực hiện.

- Đào tạo nâng cao năng lực theo phương pháp cùng học cùng làm cho cán bộ huyện, xí nghiệp khai thác và hợp tác xã nông nghiệp được thực hiện trong toàn bộ thời gian của dự án.

9. Kinh phí: Phê duyệt 723.648 Euro cho nội dung thực hiện giai đoạn 1, trong tổng dự toán 840.000 Euro của dự án. Trong đó:

- Vốn viện trợ: 683.648 Euro

- Vốn đối ứng: 40.000 Euro

Cơ chế tài chính: Cấp phát.

Điều 2. Chủ dự án là Trường Đại học Thủy lợi có trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án theo đúng các quy định hiện hành về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA đối với dự án hỗ trợ kỹ thuật.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng các Vụ: Hợp tác quốc tế, Kế hoạch, Khoa học công nghệ và Môi trường, Tài chính, Tổ chức cán bộ; Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Bộ: KH&ĐT, TC, NG và TP;
- NHNNVN;
- Tổng cục TL;
- ĐHTL, CPIM;
- Trung tâm PIM;
- Ban CPO thủy lợi;
- Lưu VT, HTQT (NTĐ).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đào Xuân Học

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 2750/QĐ-BNN-HTQT

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu2750/QĐ-BNN-HTQT
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành10/11/2011
Ngày hiệu lực10/11/2011
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật13 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 2750/QĐ-BNN-HTQT

Lược đồ Quyết định 2750/QĐ-BNN-HTQT Nghiên cứu dự báo tác động của biến đổi khí hậu


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 2750/QĐ-BNN-HTQT Nghiên cứu dự báo tác động của biến đổi khí hậu
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu2750/QĐ-BNN-HTQT
                Cơ quan ban hànhBộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
                Người kýĐào Xuân Học
                Ngày ban hành10/11/2011
                Ngày hiệu lực10/11/2011
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật13 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản gốc Quyết định 2750/QĐ-BNN-HTQT Nghiên cứu dự báo tác động của biến đổi khí hậu

                        Lịch sử hiệu lực Quyết định 2750/QĐ-BNN-HTQT Nghiên cứu dự báo tác động của biến đổi khí hậu

                        • 10/11/2011

                          Văn bản được ban hành

                          Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                        • 10/11/2011

                          Văn bản có hiệu lực

                          Trạng thái: Có hiệu lực