Quyết định 2786/QĐ-UBND

Quyết định 2786/QĐ-UBND năm 2016 về Đề án phát triển công nghệ thông tin đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 2786/QĐ-UBND đề án phát triển công nghệ thông tin Phú Thọ 2020 2030 2016


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2786/QĐ-UBND

Phú Thọ, ngày 28 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương số ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29/6/2006;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005;

Căn cứ Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13 ngày 19/11/2015;

Căn cứ Nghị định 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử;

Căn cứ Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020;

Xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 34/TTr-STTTT ngày 10 tháng 10 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Đề án phát triển công nghệ thông tin tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Điều 2. Giao Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành, thị tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- CT, PCT ( Ô San);
- CVP, PVP ( Ô Anh);
- Báo Phú Thọ, Đài PT&TH tỉnh,
 Cổng GTĐT;
- Trung tâm CB&TH;
- Lưu: VT, VX4(70b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hà Kế San

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

(Ban hành kèm Quyết định số..../QĐ-UBND ngày..../10/2016 của UBND tỉnh Phú Thọ)

Mở đầu

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Trong xu hướng hội nhập và phát triển hiện nay, Công nghệ thông tin (CNTT) đã trở thành công cụ không thể thiếu trong công việc hàng ngày của cán bộ, công chức tại các cơ quan nhà nước, nhằm giúp công tác quản lý, điều hành thuận lợi, hiệu quả, tiết kiệm chi phí, thúc đẩy cải cách hành chính.

Những năm gần đây, Công nghệ thông tin tỉnh Phú Thọ có bước phát triển rõ rệt, ứng dụng CNTT trong các cơ quan Đảng, cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò quan trọng, trở thành công cụ không thể thiếu trong công việc hàng ngày của cán bộ, công chức trong tỉnh; hệ thống chỉ đạo, điều hành, trao đổi thông tin thông suốt, kịp thời, làm công cụ hữu ích cho cải cách hành chính, phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp; Ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp được chú trọng, thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Nhận thức của nhân dân trong việc ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin và truyền thông được nâng lên rõ rệt.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế: Việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, chưa khẳng định CNTT là công cụ tạo lập phương thức phát triển mới đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới, nhất là đối với các cơ quan nhà nước chuyển đổi từ ứng dụng CNTT sang xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử.

Vì cậy việc xây dựng “Đề án phát triển CNTT tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” là rất quan trọng và cần thiết, nhằm ứng dụng rộng rãi, thiết thực, hiệu quả CNTT, góp phần phát triển kinh tế tri thức, xã hội thông tin, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29/6/2006;

- Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005;

- Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13 ngày 19/11/2015;

- Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng Nghị quyết số 36- NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (khóa XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế;

- Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36 - NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế;

- Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông;

- Quyết định số 99/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020;

- Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử;

- Quyết định 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020;

- Kế hoạch số 2390/KH-UBND ngày 22/6/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ về Cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Phú Thọ giai đoạn 2015 - 2020;

- Kế hoạch hành động 3065/KH-UBND ngày 28/7/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ về thực hiện Nghị Quyết 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế;

- Kế hoạch số 1406/KH-UBND ngày 15/4/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ về Ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước và đảm bảo an toàn thông tin mạng tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2020;

Phần thứ I

HIỆN TRẠNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TỈNH PHÚ THỌ

I. HIỆN TRẠNG ỨNG DỤNG CNTT TỈNH PHÚ THỌ

1. Môi trường pháp lý.

Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành và thực hiện hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách về lĩnh vực CNTT nhằm đẩy mạnh hoạt động ứng dụng và phát triển ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh hướng tới mục tiêu xây dựng thành công Chính quyền điện tử ở địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính tỉnh Phú Thọ.

Ban Chỉ đạo CNTT của tỉnh được thành lập và kiện toàn tổ chức, hoạt động đi vào nề nếp góp phần tham mưu, đôn đốc, thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng và phát triển CNTT trong các cơ quan nhà nước.

Công tác kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, tính cấp thiết triển khai ứng dụng CNTT được chú trọng. Bước đầu thúc đẩy công tác cải cách hành chính và đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

2. Ứng dụng CNTT

2.1. Ứng dụng CNTT trong cơ quan Đảng

Ứng dụng CNTT được triển khai đồng bộ từ Văn phòng Tỉnh ủy, các ban của Tỉnh ủy đến các văn phòng huyện, thị, thành ủy, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của các cấp ủy. Triển khai cài đặt và sử dụng thống nhất phần mềm quản lý tài chính IMAS 8.0 ở tất cả các cơ quan Đảng trong tỉnh; sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý đại biểu dự đại hội và phần mềm kiểm phiếu bầu cử phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp tại 172 đơn vị cấp xã trong 11/13 huyện, thị, thành ủy trong tỉnh, với thời gian kiểm phiếu rút ngắn, đảm bảo độ chính xác cao.

Triển khai xây dựng phòng họp trực tuyến tại trụ sở Tỉnh ủy theo đúng chuẩn và hướng dẫn của Trung ương, đáp ứng nhu cầu họp trực tuyến giữa các cơ quan Trung ương và địa phương.

Một số Đảng ủy cấp xã và cơ quan đoàn thể đã quan tâm đầu tư triển khai ứng dụng CNTT vào các công tác chuyên môn. Trong đó, 79% đơn vị cấp xã và 81% đơn vị đoàn thể triển khai ứng dụng các phần mềm, cơ sở dữ liệu. Đã tiếp nhận CSDL quản lý Đảng viên và đã cập nhật, khai thác có hiệu quả.

2.2. Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước

a) Ứng dụng dùng chung phục vụ quản lý và điều hành

- Hệ thống thư điện tử công vụ (***@phutho.gov.vn): Được triển khai tập trung, đồng bộ từ năm 2010; đến nay, 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện được cấp hộp thư điện tử, 78% cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử. Tỷ lệ văn bản điện tử được gửi nhận qua hệ thống thư điện tử là 73%.

- Phần mềm quản lý văn bản và điều hành: Được triển khai đồng bộ tại 25/39 đơn vị sở, ban, ngành và UBND huyện; mức độ khai thác, sử dụng phần mềm nhìn chung còn hạn chế; phần lớn các đơn vị triển khai sử dụng phần mềm để quản lý văn bản đi, đến; lập lịch công tác; chưa khai thác tốt các chức năng quản lý và điều hành.

- Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến: được đưa vào sử dụng và duy trì hoạt động tốt tại Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông và 13 UBND cấp huyện phục vụ các cuộc họp trực tuyến giữa tỉnh với Trung ương; giữa cấp tỉnh với cấp huyện.

b) Ứng dụng tác nghiệp chuyên ngành: được ứng dụng rộng rãi, hiệu quả ở các đơn vị trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động quản lý và điều hành.

2.3. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp

- Cổng giao tiếp điện tử tỉnh và 37 trang thành phần của các cơ quan sở, ban, ngành, UBND cấp huyện; tích hợp, cung cấp các tin bài về hoạt động của các cơ quan nhà nước; cung cấp 1.967 dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 1 và mức độ 2. Trong đó, cấp sở, ban, ngành cung cấp 1.513 dịch vụ công trực tuyến; cấp huyện cung cấp 243 dịch vụ công trực tuyến; cấp xã cung cấp 211 dịch vụ công trực tuyến.

- Hệ thống một cửa điện tử tích hợp cổng dịch vụ công trực tuyến: Được triển khai đồng bộ tại các cơ quan hành chính cấp tỉnh và huyện cung cấp thông tin hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đến nay, hệ thống đã cung cấp 1.584 dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 2 và 484 dịch vụ hành chính công mức độ 3.

2.4. Ứng dụng CNTT trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ

Các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, hóa chất, xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư cho ứng dụng CNTT vào quản lý sản xuất kinh doanh và đạt kết quả tốt.

Hầu hết các doanh nghiệp ứng dụng CNTT phục vụ sản xuất kinh doanh chủ yếu là tin học văn phòng, quản lý tài chính, quản lý vật tư và sử dụng thư điện tử.

3. Hạ tầng kỹ thuật CNTT

3.1. Hạ tầng viễn thông

Trong thời gian qua, mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh, đáp ứng tốt sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, nhu cầu thông tin của người dân, doanh nghiệp; góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

3.2. Hạ tầng kỹ thuật CNTT trong các cơ quan Đảng và cơ quan hành chính Nhà nước

Hạ tầng kỹ thuật CNTT của các cơ quan Đảng và Nhà nước cấp tỉnh, huyện được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tin học hóa hoạt động của các cơ quan: 100% các cơ quan có mạng nội bộ, 97% cán bộ, công chức chuyên môn, nghiệp vụ được trang bị máy tính phục vụ công tác, các trang thiết bị phụ trợ như máy quét, máy in, máy foto, thiết bị mạng,…được trang bị đáp ứng yêu cầu công tác.

Đối với cấp xã: Hơn 60% cán bộ công chức được trang bị máy tính, mạng nội bộ hầu hết chưa có, các thiết bị phụ trợ được trang bị tối thiểu đáp ứng yêu cầu công tác.

100% cơ quan Đảng và Nhà nước các cấp và các cơ quan đoàn thể đều đã kết nối Internet, với 85% máy tính được kết nối Internet.

Trung tâm dữ liệu số tỉnh: Đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông và hoạt động 24/24; cho phép cài đặt, chia sẻ thông tin giữa các CSDL, hệ thống phần mềm dùng chung, phần mềm chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị.

3.3. Hạ tầng kỹ thuật CNTT tại các doanh nghiệp: Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật CNTT phục vụ quản lý, sản xuất kinh doanh. Hầu hết các doanh nghiệp đã trang bị máy tính. 70% doanh nghiệp trang bị máy chủ; 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT kết nối mạng LAN và Internet; 69% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác kết nối mạng LAN và Internet.

4. An toàn, an ninh thông tin

Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được thực hiện tốt. Các giải pháp được triển khai đồng bộ, ngăn chặn nhanh chóng và khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố.

Hầu hết các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT trên địa bàn tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư hệ thống đảm bảo an toàn an ninh thông tin trên môi trường mạng như phần mềm quét virus, lọc thư rác, hệ thống lưu trữ an toàn dữ liệu và các thiết bị bảo mật an ninh mạng.

5. Công nghiệp CNTT

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 186 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp CNTT (chiếm 3,8% doanh nghiệp của tỉnh). Tổng giá trị sản xuất công nghiệp CNTT giai đoạn 2011 - 2015 đạt 8.245,47 tỷ đồng.

5.1. Công nghiệp phần cứng

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có 7 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử 100% vốn nước ngoài, với tổng số vốn 0,31 tỷ USD chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho điện thoại thông minh, máy tính, ti vi và các thiết bị khác. Đến năm 2015, tỉnh đã thu hút được 7 dự án đầu tư trong lĩnh vực điện tử.

5.2. Công nghiệp phần mềm và nội dung số

Công nghiệp phần mềm và nội dung số của tỉnh chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và tốc độ phát triển so với ngành công nghiệp của tỉnh. Chưa thu hút được các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Hiện nay, chỉ có 5 doanh nghiệp gia công, sản xuất sản phẩm phần mềm, quy mô còn nhỏ, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu một số đơn vị trong tỉnh; 9 doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực nội dung số, chủ yếu trong lĩnh vực truyền hình trả tiền.

5.3. Dịch vụ CNTT

Đa số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực buôn bán, sửa chữa các sản phẩm CNTT và thiết bị điện tử viễn thông (chiếm 89%, bao gồm các sản phẩm như màn hình máy tính, ổ đĩa cứng, bàn phím máy tính, máy in, điện thoại…), với quy mô còn nhỏ lẻ, sản phẩm chủ yếu được bán trong tỉnh.

6. Nguồn nhân lực CNTT

Tại các cơ quan Đảng các cấp và các cơ quan đoàn thể: 93% cán bộ, công chức sử dụng thành thạo máy tính phục vụ công tác; Tại các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, huyện: 98% cán bộ, công chức sử dụng thành thạo máy tính trong công việc; Tại các cơ quan cấp xã: 90% cán bộ, công chức, viên chức biết sử dụng máy tính trong công việc.

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, hiện có 8 trường đại học, cao đẳng đào tạo về CNTT. Tại các trường THPT, THCS, Tiểu học đều có giáo viên giảng dạy về tin học

Đến nay, cơ bản nguồn nhân lực tại các đơn vị đã đáp ứng được nhu cầu, tuy nhiên vẫn còn thiếu cán bộ CNTT có trình độ cao.

(Các số liệu cụ thể về hiện trạng ứng dụng và phát triển CNTT tại Phụ lục 1: Từ bảng 01 đến bảng 08).

7. Đầu tư cho CNTT

Nguồn vốn dành cho hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2010-215 cụ thể như sau:

7.1. Ngân sách nhà nước

Tổng số chi ngân sách nhà nước đầu tư phát triển CNTT giai đoạn 2010 - 2015 của tỉnh Phú Thọ là 382,247 tỷ đồng. Trong đó:

- Nguồn vốn ngân sách Trung ương: 36,845 tỷ đồng (chiếm 9,6%).

- Nguồn vốn ngân sách Địa phương: 345,402 tỷ đồng (chiếm 90,4%).

+ Cấp tỉnh: 132,959 tỷ đồng.

+ Cấp huyện: 165,828 tỷ đồng.

+ Cấp xã: 46,613 tỷ đồng.

7.2. Vốn của doanh nghiệp

Tổng vốn đầu tư phát triển CNTT tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015: 7.117,938 tỷ đồng.

- Vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp phần cứng, linh kiện điện tử, CNTT vào các khu công nghiệp: 6.820 tỷ đồng.

- Vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước phát triển CNTT: 297,938 tỷ đồng.

+ Triển khai các ứng dụng CNTT: 71,51 tỷ đồng (chiếm 24%).

+ Đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT và an toàn an ninh thông tin mạng: 210,544 tỷ đồng (chiếm 71%).

+ Đào tạo tập huấn CNTT: 15,884 tỷ đồng (chiếm 5%).

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Ưu điểm

Trong thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã quan tâm, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong các ngành và lĩnh vực, đặc biệt là ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước. Tích cực triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển CNTT tỉnh Phú Thọ đến 2010 và định hướng đến 2020, thúc đẩy cải cách hành chính, minh bạch các thông tin chỉ đạo, điều hành, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước được triển khai từng bước, có hiệu quả đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, hỗ trợ đắc lực công tác chuyên môn nghiệp vụ, góp phần tích cực trong cải cách hành chính. 100% cơ quan cấp tỉnh và huyện đã có trang thông tin điện tử, công tác gửi, nhận văn bản điện tử được thực hiện từ tỉnh đến huyện và từng bước đến cấp xã, 25/39 các sở, ngành và UBND cấp huyện đã cài đặt và sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành qua mạng.

Hệ thống một cửa điện tử tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã được xây dựng và đi vào hoạt động cung cấp các dịch vụ hành chính công phục vụ người dân và doanh nghiệp; 100% sở, ngành, huyện, thành, thị triển khai một cửa điện tử; cung cấp 484 dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Hạ tầng kỹ thuật CNTT tại các cơ quan Đảng và Nhà nước cấp tỉnh và huyện được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng CNTT. Trung tâm dữ liệu số của tỉnh đảm bảo lưu trữ, kết nối các hệ thống thông tin chung của tỉnh và đảm bảo an toàn thông tin mạng. Hạ tầng kỹ thuật CNTT tại các bệnh viện và trường học được đầu tư đáp ứng nhu cầu khám và chữa bệnh, dạy và học tin học.

Nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan Đảng, nhà nước được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu ứng dụng, phát triển CNTT. 100% các cơ quan Đảng, nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện có cán bộ phụ trách CNTT.

Các doanh nghiệp chủ động ứng dụng CNTT trong sản xuất, kinh doanh và quảng bá sản phẩm; từng bước tham gia giao dịch điện tử, thương mại điện tử bước đầu có kết quả tốt.

Công nghiệp CNTT có bước phát triển, đã thu hút được một số dự án vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thiết bị điện tử, CNTT; bước đầu hình thành các sản phẩm cạnh tranh, thu hút lao động và đóng góp cho ngân sách tỉnh.

2. Tồn tại, hạn chế

Hệ thống thông tin của tỉnh chưa đồng bộ, chưa kết nối liên thông giữa các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và chưa kết nối liên thông từ tỉnh với Trung ương.

Việc triển khai ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước còn hạn chế, nhất là các ứng dụng dùng chung như: Hệ thống thư điện tử; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống một cửa điện tử tích hợp các dịch vụ hành chính công trực tuyến; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến giữa tỉnh với huyện. Ứng dụng CNTT tại một số ngành, huyện, thành, thị, xã, phường, thị trấn; tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn yếu.

Hạ tầng kỹ thuật CNTT của tỉnh được trang bị ở mức tối thiểu, chưa đồng bộ, chưa hiện đại, mạng diện rộng (WAN ) của tỉnh chưa hình thành, mạng nội bộ của nhiều cơ quan chưa đạt chuẩn, trang thiết bị CNTT của một số cơ quan còn lạc hậu.

Công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, chưa xây dựng được các hệ thống an ninh mạng tổng thể. Các hệ thống thông tin quan trọng của tỉnh chưa đầu tư hạ tầng với hệ thống bảo mật có độ tin cậy cao, còn tồn tại lỗ hổng bảo mật.

Nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, trong các doanh nghiệp còn thiếu đội ngũ có trình độ cao, chuyên gia CNTT.

Công nghiệp CNTT còn nhỏ lẻ, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và tốc độ phát triển của lĩnh vực CNTT. Chưa thu hút được các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số.

Phần thứ II

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

Ứng dụng, phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, Nghị Quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; xây dựng Chính quyền điện tử.

Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT là một công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới; là một trong những động lực quan trọng của sự phát triển kinh tế tri thức, xã hội thông tin, góp phần quan trọng vào thực hiện phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Đầu tư ứng dụng CNTT trong tất cả các ngành, lĩnh vực và có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo đồng bộ với kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Phát huy lợi thế vùng thủ đô, trung tâm vùng Tây-Bắc, tập trung phát triển công nghiệp CNTT cùng với các ngành công nghiệp khác sớm đưa Phú Thọ trở thành tỉnh công nghiệp.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Đến năm 2020, ứng dụng CNTT sâu rộng trong hoạt động của các cơ quan Đảng và Nhà nước, từng bước xây dựng Chính quyền điện tử, hiện đại hóa công tác hành chính nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Tập trung ứng dụng CNTT trong các ngành, lĩnh vực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch; đổi mới và tạo bước chuyển mạnh về chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo, y tế, giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị và phát triển văn hóa, con người. Quan tâm và từng bước phát triển công dân điện tử; triển khai giáo dục điện tử, y tế điện tử, doanh nghiệp điện tử, giao dịch và thương mại điện tử.

Hoàn thiện hạ tầng CNTT, phát triển nguồn nhân lực CNTT đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT trong tình hình mới. Phát triển công nghiệp CNTT cả công nghiệp phần cứng, phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT; giải quyết việc làm, tăng thu cho ngân sách tỉnh, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội, nâng cao năng lực CNTT của tỉnh.

Đến năm 2030 Phú Thọ trở thành một trong những tỉnh, thành phố phát triển về Chính quyền điện tử; ứng dụng và phát triển CNTT mạnh trong các ngành, lĩnh vực. Đưa năng lực nghiên cứu, ứng dụng, phát triển sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ CNTT của tỉnh đạt mức độ khá trong toàn quốc.

2. Mục tiêu cụ thể năm 2020

2.1. Ứng dụng CNTT:

100% cơ quan, đơn vị nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành, đảm bảo kết nối liên thông 4 cấp. Trên 85% văn bản, tài liệu thông thường trình UBND tỉnh của các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử; trên 80% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử ( gửi song song cùng văn bản giấy); trên 60% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước ứng dụng chữ ký số.

Phát triển và hoàn thiện hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến các đơn vị cấp xã, phấn đấu trên 50% các cuộc họp của UBND tỉnh với UBND cấp huyện và giữa các cơ quan cấp sở, ban, ngành với cấp huyện và các đơn vị cấp xã được thực hiện trực tuyến trên môi trường mạng.

Hệ thống thư điện tử tỉnh được nâng cấp đạt chuẩn kỹ thuật, đảm bảo cung cấp hộp thư điện tử cho 100% cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước tỉnh, huyện, xã. 95% cán bộ, công chức cơ quan nhà nước sử dụng hộp thư điện tử của tỉnh trong trao đổi công vụ.

Hệ thống một cửa điện tử tích hợp cổng dịch vụ công của tỉnh cung cấp các dịch công trực tuyến của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; cung cấp 50% dịch vụ công cơ bản mức độ 3 và 30% dịch vụ công cơ bản mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hầu hết các CSDL dùng chung được triển khai tại Trung tâm dữ liệu số của tỉnh.

Trên 50% doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ; trên 40% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ chữ ký số khi tham gia giao dịch điện tử.

100% hồ sơ kê khai thuế của doanh nghiệp được thực hiện qua mạng.

Trên 90% cơ quan, tổ chức thực hiện giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội.

Trên 40% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, trên 30% số lượng gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng.

Tỷ lệ cấp đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt 20%; tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng đạt 10%.

Trên 70% dân số sử dụng Internet.

2.2. Hạ tầng CNTT và an toàn thông tin mạng:

100% cán bộ công chức chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan nhà nước được trang bị máy tính phục vụ công tác; 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã được kết nối cáp quang băng rộng, tốc độ cao và kết nối vào mạng diện rộng của tỉnh.

Dưới 50% các sự cố mất an toàn thông tin mạng xảy ra do nhận thức yếu kém, chủ quan, bất cẩn của con người.

2.3. Công nghiệp CNTT

Tổng giá trị sản xuất công nghiệp CNTT đến năm 2020 đạt 17.800 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 22%/năm. Đóng góp 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

2.4. Phát triển nguồn nhân lực CNTT:

100% các các cơ quan nhà nước cấp tỉnh và huyện có lãnh đạo phụ trách CNTT, 100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh và huyện có cán bộ phụ trách CNTT có trình độ cao đẳng hoặc tương đương trở lên; trong đó có 20% cán bộ được đào tạo tập huấn chuyên sâu về quản trị mạng, bảo mật hệ thống, bảo mật và an toàn thông tin mạng.

100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng thành thạo máy tính và các ứng dụng CNTT trong công tác.

Trên 85% các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT và trên 60% các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác có cán bộ phụ trách CNTT và cán bộ lãnh đạo CNTT.

Trên 80% nhân viên tại các doanh nghiệp biết sử dụng máy tính và các ứng dụng CNTT trong công việc.

Phần thứ III

NỘI DUNG, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

I. NỘI DUNG ĐỀ ÁN

1. Ứng dụng CNTT

1.1. Ứng dụng CNTT trong cơ quan Đảng

Hoàn thành việc xây dựng và đưa vào sử dụng các hệ thống thông tin điện tử của các cơ quan Đảng và đoàn thể tỉnh Phú Thọ trên cơ sở ứng dụng CNTT và truyền thông hiện đại đảm bảo an toàn, an ninh thông tin nhằm góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Tỉnh ủy, các Đảng bộ trực thuộc và các cơ quan đoàn thể. Đến năm 2020, hầu hết các giao dịch tại các cơ quan Đảng và đoàn thể được thực hiện trên môi trường mạng máy tính. Trên 90% văn bản, tài liệu chính thức (theo quy định, trừ các văn bản, tài liệu mật) trao đổi giữa các cơ quan Đảng ở Văn phòng Tỉnh ủy và các đơn vị trực thuộc được gửi/nhận dưới dạng văn bản điện tử và được xác thực điện tử.

Hoàn thiện và mở rộng các hệ thống thông tin đẩy mạnh triển khai ứng dụng sâu rộng đến các Đảng bộ cấp xã.

Xây dựng và triển khai các hệ thống thông tin trọng điểm:

- Xây dựng hệ thống thông tin quản lý tài liệu lưu trữ điện tử.

- Tiếp nhận và triển khai các hệ thống thông tin chuyên ngành Tổ chức - Xây dựng Đảng; hệ thống thông tin chuyên ngành Tuyên giáo; hệ thống thông tin chuyên ngành Dân vận; hệ thống thông tin chuyên ngành Nội chính do các cơ quan Trung ương chuyển giao.

- Xây dựng hệ thống thông tin chuyên ngành Tài chính, tài sản Đảng.

Mở rộng, nâng cấp các CSDL trọng điểm: Văn kiện Đảng; Mục lục hồ sơ lưu trữ; Đảng viên. Xây dựng CSDL, kho lưu trữ điện tử tại Trung tâm CNTT - Văn phòng Tỉnh ủy; đầu tư hệ thống nhận dạng và số hóa dữ liệu.

Phát triển các phần mềm quản lý nội bộ trong cơ quan Đảng: Nâng cấp phần mềm quản lý cán bộ, công chức; Xây dựng phần mềm quản lý nhà khách, nhà nghỉ; phần mềm quản lý xe ô tô; phần mềm quản lý khách ra, vào cơ quan; phần mềm quản lý tư liệu, thư viện điện tử.

Kinh phí dự án ứng dụng CNTT trong các cơ quan Đảng giai đoạn 2016-2020 nguồn vốn Trung ương: 22.480 triệu đồng

1.2. Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước

Đẩy mạnh, tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã. Nâng cấp cổng dịch vụ công, nâng cấp, hoàn thiện và phát triển cổng giao tiếp điện tử của tỉnh, các trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, huyện, thành, thị; đảm bảo đến năm 2020 cung cấp 50% dịch vụ công trực tuyến cơ bản mức độ 3 và 30% dịch vụ công trực tuyến cơ bản mức độ 4 liên quan nhiều đến người dân và doanh nghiệp.

Từng bước triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; Xây dựng hệ thống thông tin điện tử thông suốt, kết nối và liên thông văn bản và dữ liệu điện tử từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện và xã.

Từng bước xây dựng chính quyền điện tử các cấp, đáp ứng tối đa các nhu cầu giao dịch trao đổi thông tin trong mọi hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội của người dân, doanh nghiệp với chính quyền.

Để hoàn thành các nhiệm vụ trên, triển khai thực hiện các dự án sau đây:

1.2.1. Duy trì, nâng cấp các ứng dụng dùng chung; triển khai các dự án sau đây:

a) Giai đoạn 2017-2018: Xây dựng và triển khai dự án: Nâng cấp hệ thống thư điện tử của tỉnh Phú Thọ

b) Giai đoạn 2018-2020: Xây dựng và triển khai các dự án:

Dự án 1: Nâng cấp, triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành: Mục tiêu đến năm 2018: Đầu tư triển khai, nâng cấp hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành theo hướng kết nối, liên thông từ Trung ương đến tỉnh, huyện và 277 đơn vị UBND cấp xã. Giai đoạn 2019 - 2020: Tiếp tục duy trì hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành tại các cơ quan, đơn vị các cấp và có thể tích hợp, chia sẻ với hệ thống Quản lý văn bản tích hợp trong toàn quốc, phấn đấu trên 90% văn bản luân chuyển giữa các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã dưới dạng văn bản điện tử có ứng dụng chữ ký số. Khái toán kinh phí: 5.669 triệu đồng (Năm tỷ sáu trăm sáu mươi chín triệu đồng).

Dự án 2. Nâng cấp, mở rộng hệ thống hội nghị trực tuyến tỉnh Phú Thọ

Đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống hội nghị trực tuyến đồng bộ, hoàn chỉnh, hoạt động hiệu quả trên phạm vi toàn tỉnh, phục vụ hiệu quả việc tổ chức các cuộc họp theo hình thức trực tuyến nhằm xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử. Khái toán kinh phí: 7.301 triệu đồng (Bảy tỷ ba trăm linh một triệu đồng).

1.2.2. Xây dựng và triển khai các ứng dụng chuyên ngành

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, mỗi đơn vị cấp tỉnh, sở, ban, ngành, huyện cần tăng cường tiến hành triển khai tin học hóa các quy trình tác nghiệp trong nội bộ đơn vị và quy trình tác nghiệp liên thông với đơn vị có liên quan. Đồng thời, triển khai xây dựng mới, nâng cấp và hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ các hoạt động tác nghiệp chuyên ngành và cung cấp dịch vụ công đảm bảo các yêu cầu nghiệp vụ và kết nối, liên thông. Tối ưu hóa các chức năng phục vụ, quy trình tác nghiệp G2G (giao dịch trong nội bộ và giữa các cơ quan nhà nước) và G2C (giao dịch giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp); giao diện dễ dàng cho người sử dụng; bảo đảm an toàn dữ liệu và an ninh toàn hệ thống.

Ưu tiên xây dựng và triển khai đồng bộ các hệ thống thông tin chuyên ngành có liên quan nhiều đến người dân, doanh nghiệp, trọng tâm là hệ thống thông tin các ngành, lĩnh vực: giáo dục và đào tạo, y tế, giao thông, xây dựng, nông nghiệp, văn hóa - du lịch, tài nguyên - môi trường, công thương, khoa học - công nghệ, thông tin truyền thông, tư pháp, kế hoạch và đầu tư.

Triển khai các dự án trọng điểm sau đây:

a) Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Tài nguyên và Môi trường

Kinh phí các dự án đã được phê duyệt: 26.031 triệu đồng (Hai mươi sáu tỷ, không trăm ba mươi mốt triệu đồng).

b) Đầu tư hệ thống ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và đăng ký hộ tịch: Thời gian thực hiện 2016-2018, tại Sở Tư pháp, 13 huyện, thành, thị và 277 xã, phường, thị trấn

Dự toán kinh phí: 3.519.000.000 đ (Ba tỷ năm trăm chín mươi mốt triệu đồng). Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 1624/QĐ-UBND ngày 4/7/2016.

1.2.3. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp

Tiếp tục duy trì và nâng cấp Cổng giao tiếp điện tử tỉnh, các trang thông tin của các sở, ban, ngành, các huyện thành, thị đảm bảo đáp ứng đầy đủ các nội dung của Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13/06/2011 của Chính phủ, phù hợp với công nghệ giai đoạn 2019 - 2020 và đảm bảo an toàn thông tin mạng.

Duy trì, hoàn thiện hệ thống một cửa điện tử tích hợp các dịch vụ hành chính công trực tuyến, từng bước cung cấp các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức 3,4 cho người dân và doanh nghiệp.

Giai đoạn 2019 - 2020: Xây dựng và triển khai dự án: Nâng cấp cổng giao tiếp điện tử tỉnh Phú Thọ.

Khái toán: 2.500 triệu đồng (Hai tỷ năm trăm triệu đồng).

1.2.4. Ứng dụng CNTT cho phát triển kinh tế - xã hội: Tập trung đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong Thương mại, dịch vụ, Văn hóa, du lịch, Nông nghiệp, Giáo dục và đào tạo, Y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Khoa học và công nghệ, Ứng dụng CNTT trong giao thông, Ứng dụng CNTT trong hạ tầng kỹ thuật đô thị…

2. Hạ tầng kỹ thuật CNTT

Nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CNTT trong các cơ quan Đảng và Nhà nước cấp tỉnh, huyện đến cấp xã; bao gồm: Máy tính, trang thiết bị phụ trợ, mạng nội bộ, thiết bị mạng,…. đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT.

Kết nối mạng diện rộng (WAN) của tỉnh qua mạng truyền số liệu chuyên dùng tại các cơ quan Đảng và Nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác, đảm bảo an toàn thông tin mạng.

Nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đạt chuẩn của trung tâm dữ liệu số; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT. Ưu tiên đầu tư các trang thiết bị đo kiểm, thiết bị đánh giá mức độ an ninh bảo mật cho Trung tâm Tích hợp dữ liệu và các hệ thống thông tin của tỉnh.

Triển khai hệ thống chữ ký số và chứng thư số tại các cơ quan, đơn vị cấp sở, ban, ngành, UBND cấp huyện; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao và có lượng giao dịch lớn.

Phát triển hạ tầng kỹ thuật trong các ngành giáo dục và y tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dạy và học tin học trong các trường phổ thông và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Giai đoạn 2016 - 2018: Xây dựng và triển khai dự án:Xây dựng mạng diện rộng và nâng cấp Trung tâm dữ liệu số tỉnh Phú Thọ.

Dự toán kinh phí: 45.771 triệu đồng (Bốn mươi lăm tỷ, bảy trăm bảy mươi mốt triệu đồng).

Nguồn vốn đầu tư: Vốn trung hạn Trung ương cấp giai đoạn 2016 - 2020.

3. Đảm bảo an toàn thông tin mạng

Các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng của các thiết bị kỹ thuật CNTT: Máy tính, thiết bị lưu trữ, cung cấp và truyền tải thông tin; xây dựng và triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng. Trang bị giải pháp hiệu quả chống lại tấn công gây mất an toàn thông tin mạng và có phương án dự phòng khắc phục sự cố đảm bảo hoạt động liên tục phục công tác. Kiểm tra định kỳ, đánh giá, kiểm định hàng năm về mức độ đảm bảo an toàn thông tin theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin.

Đối với các hệ thống CNTT quan trọng của tỉnh cần sử dụng các giải pháp, thiết bị bảo mật có độ tin cậy cao. Đầu tư, nâng cấp các thiết bị, các giải pháp đảm bảo an toàn an ninh thông tin theo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng tiêu chuẩn Hệ thống quản lý An ninh thông tin (ISMS) ISO/IEC 27001:2005 trong quản lý vận hành Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh. Bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quản lý có đủ khả năng, trình độ kỹ thuật phù hợp chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin.

Triển khai sử dụng các hệ thống chữ ký số, chứng thư số và hạ tầng mã khóa công khai trong các cơ quan nhà nước các cấp và các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

4. Phát triển công nghiệp CNTT

Trong giai đoạn đến năm 2020, cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp CNTT, đưa công nghiệp CNTT của tỉnh trở thành một ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh trong các ngành kinh tế - kỹ thuật và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP của tỉnh, góp phần đưa tỉnh Phú Thọ trở thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ.

Thu hút được các dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phần cứng: Sản xuất, lắp ráp vi mạch, linh kiện điện tử với nguồn vốn đầu tư ít nhất là 0,5 tỷ USD.

 Phát triển được các sản phẩm trong lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT; phát triển các loại hình cung cấp dịch vụ CNTT chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu của các cơ quan nhà nước.

Phấn đấu đến năm 2020: Tổng giá trị sản xuất công nghiệp CNTT đạt 17.800 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 22%/năm; đóng góp 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

5. Phát triển nguồn nhân lực CNTT

Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT và an toàn thông tin mạng cho cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhu cầu ứng dụng phát triển CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Nâng cao chất lượng nhân lực quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật CNTT: Cổng giao tiếp điện tử của tỉnh và các cổng thành phần, trung tâm tích hợp dữ liệu; cán bộ phụ trách CNTT trong các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và huyện.

Xây dựng cơ chế ưu đãi nhằm thu hút các nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia CNTT và an ninh mạng làm việc trong các cơ quan nhà nước.

Nâng cao chất lượng đào tạo CNTT trong các trường đại học, cao đẳng, các trường phổ thông; nâng cao năng lực nghiên cứu, tư vấn, chuyển giao kỹ thuật của các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm CNTT đáp ứng nguồn nhân lực cho yêu cầu ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, phổ cập tin học cho người dân, nhằm phổ biến kiến thức, đào tạo các ứng dụng CNTT cho người dân, đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn.

6. Xây dựng, triển khai kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Phú Thọ

- Giai đoạn đến 2020: Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng CNTT theo hướng hiện đại, đồng bộ, đảm bảo khả năng kết nối liên thông giữa các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng yêu cầu cung cấp, trao đổi thông tin của xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thiện nền tảng tích hợp ngang, dọc trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ đắc lực công tác cải cách hành chính, cung cấp 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

Xây dựng và triển khai dự án thành phần Xây dựng Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Phú Thọ: Dự toán kinh phí: 15.000 triệu đồng (Mười lăm tỷ đồng).

- Giai đoạn từ năm 2021-2030: Từng bước hoàn thiện kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh, xây dựng các hệ thống đảm bảo thực hiện các nội dung: Chỉ đạo điều hành qua mạng, gửi nhận văn bản điện tử, giao dịch, thanh toán điện tử. Đẩy mạnh thương mại điện tử, doanh nghiệp điện tử, công dân điện tử.

7. Tổng hợp nhu cầu kinh phí triển khai các dự án CNTT đến năm 2020

Đơn vị tính: triệu đồng

STT

Tên nhiệm vụ, dự án

Phân bổ nguồn vốn đầu tư

Tổng kinh phí

Ngân sách TW

Ngân sách tỉnh

1

Triển khai ứng dụng CNTT khối Đảng

22.480

-

22.480

2

Nâng cấp Hệ thống thư điện tử tỉnh Phú Thọ

-

5.797

5.797

3

Nâng cấp triển khai hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành tích hợp chữ ký số

-

5.669

5.669

4

Nâng cấp mở rộng hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh Phú Thọ

-

7.301

7.301

5

Triển khai ứng dụng CNTT ngành Tài Nguyên và Môi trường

26.031

-

26.031

6

Nâng cấp Cổng giao tiếp điện tử tỉnh

-

2.500

2.500

7

Xây dựng mạng diện rộng WAN và Nâng cấp Trung tâm dữ liệu số tỉnh Phú Thọ

45.771

-

45.771

8

Dự án thành phần Xây dựng Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Phú Thọ

-

15.000

15.000

9

Đầu tư hệ thống ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và đăng ký hộ tịch

-

3.519

3.519

Tổng cộng

94.282

39.785

134.067

Tổng hợp nhu cầu kinh phí đảm bảo thực hiện Đề án: 134.067 triệu đồng (Một trăm ba mươi tư tỷ, không trăm sáu mươi bảy triệu đồng).

Trong đó:

- Nguồn kinh phí từ Ngân sách Trung ương là 94.282 triệu đồng (Chín mươi tư tỷ, hai trăm tám mươi hai triệu đồng).

- Nguồn kinh phí từ Ngân sách tỉnh là 39.785 triệu đồng (Ba mươi chín tỷ, bảy trăm tám mươi lăm triệu đồng).

(Kinh phí này chưa bao gồm: Kinh phí chi thường xuyên, kinh phí của các bộ, ngành triển khai ứng dụng CNTT theo ngành dọc).

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CNTT ĐẾN NĂM 2030

1. Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Phú Thọ

Đảm bảo kết nối, liên thông các hệ thống thông tin trong các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước các cấp.

Thực hiện việc chỉ đạo, điều hành trong hoạt động của các cơ quan nhà nước qua mạng.

Các dịch vụ công, dịch vụ hành chính công cơ bản thực hiện giao dịch với người dân qua mạng.

2. Phát triển doanh nghiệp điện tử, công dân điện tử

Các doanh nghiệp ứng dụng CNTT trong sản xuất,quản lý, điều hành để hiện đại hóa quá trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tham gia thương mại điện tử, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Người dân ứng dụng mạnh mẽ CNTT phục vụ cuộc sống, sinh hoạt, trong giao tiếp với chính quyền.

3. Ứng dụng CNTT

3.1. Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước

Hoàn thiện và nâng cao mô hình Chính quyền điện tử tỉnh Phú Thọ. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại tất cả các ngành, lĩnh vực. Chú trọng việc ứng dụng CNTT tại các ngành điện, thủy lợi, lao động, thương binh và xã hội, tư pháp….

Các ứng dụng, tác nghiệp dùng chung, hệ thống thông tin thông tin chuyên ngành và các CSDL tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện. Tăng cường chuẩn hóa, tích hợp các hệ thống thông tin và CSDL chuyên ngành quy mô quốc gia, triển khai các hệ thống thông tin liên thông từ Chính phủ đến cấp tỉnh, huyện, xã. Cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao của tất cả các các ngành, lĩnh vực tích hợp lên cổng dịch vụ công của tỉnh phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đảm bảo đến năm 2030, cung cấp 100% dịch vụ công mức độ 3 và 60% dịch vụ công mức độ 4.

3.2. Ứng dụng CNTT phục vụ phát triển kinh tế xã: tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong Thương mại, dịch vụ, Văn hóa, du lịch, Nông nghiệp, Giáo dục và đào tạo, Y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Khoa học và công nghệ, Ứng dụng CNTT trong giao thông, Ứng dụng CNTT trong hạ tầng kỹ thuật đô thị…

4. Hạ tầng kỹ thuật CNTT

Xây dựng hạ tầng kỹ thuật CNTT theo hướng hiện đại, tốc độ cao, băng thông rộng, kết nối liên thông với Chính phủ và các Bộ, ngành.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng cho toàn tỉnh, ứng dụng hiệu quả công nghệ điện toán đám mây. Tăng cường quản lý thông tin trên Internet, nâng cao nhận thức về đảm bảo an toàn thông tin mạng.

5. Công nghiệp CNTT

Tăng cường các nguồn vốn đầu tư cho công nghiệp CNTT; ưu tiên bố trí kinh phí trong chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực CNTT và truyền thông. Nâng cao năng lực nghiên cứu sáng tạo, đào tạo nhân lực bậc cao có kỹ năng sử dụng CNTT trong các ngành công nghiệp. Xây dựng khu CNTT tập trung thu hút các doanh nghiệp phần mềm và nội dung số, các trung tâm cung cấp dịch vụ CNTT cho thị trường trong và ngoài tỉnh; chủ yếu phát triển tại thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ.

Rà soát, xây dựng các chính sách, quy định phát triển công nghiệp CNTT tại khu và các phân khu CNTT tập trung phù hợp với đặc thù phát triển kinh tế của tỉnh về trình tự thủ tục quản lý các hoạt động xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ phần mềm và nội dung số, đặc biệt là các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua mạng, chính sách về ưu đãi tín dụng, thuế và đầu tư theo hướng áp dụng mức ưu đãi cao nhất cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất và cung cấp sản phẩm, dịch vụ CNTT nhằm thu hút tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thuận lợi, minh bạch, công khai, bình đẳng; đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh các hệ thống thông tin trọng yếu của quốc gia, của tỉnh.

6. Phát triển nguồn nhân lực CNTT

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả của hệ thống đào tạo nhân lực CNTT.

Thúc đẩy các quan hệ hợp tác quốc tế về đào tạo CNTT, hình thành các cơ sở đào tạo CNTT đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Tăng cường thu hút cán bộ trẻ, có năng lực để đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ chuyên gia CNTT có đủ năng lực quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn cho hệ thống thông tin của tỉnh.

Tăng cường tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cập nhật kiến thức về CNTT cho trên 95% cán bộ, công chức, viên chức. Bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức về CNTT và quản lý CNTT cho đội ngũ cán bộ phụ trách CNTT.

Tổ chức các chương trình tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT ở trong nước hoặc các nước có CNTT phát triển cho cán bộ lãnh đạo thông tin.

Hình thành đội ngũ cán bộ lãnh đạo CNTT và cán bộ phụ trách CNTT tại hầu hết các trường học các cấp và các cơ sở y tế cấp tỉnh, huyện nhằm đáp ứng tốt việc tổ chức, quản lý, ứng dụng và phát triển CNTT.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ giáo viên dạy tin học cho các cơ sở giáo dục phổ thông. Nâng cao chất lượng và tăng số lượng giảng viên, giáo viên CNTT, điện tử, viễn thông ở các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề.

Tăng cường cơ sở pháp lý cho xã hội hóa đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tổ chức các loại cơ sở đào tạo CNTT 100% vốn nước ngoài.

Đảm bảo đủ nhân lực đáp ứng sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT trên địa bàn tỉnh. Không ngừng nâng cao nhận thức, phổ cập kiến thức và kỹ năng sử dụng các ứng dụng và dịch vụ CNTT cho người dân.

III. GIẢI PHÁP

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ứng dụng và phát triển CNTT

Tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung của Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng và Nghị Quyết 26/NQ-CP của Chính phủ tới các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, các tổ chức chính trị, doanh nghiệp và toàn thể người dân trên địa bàn tỉnh về vị trí, vai trò của CNTT; về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển CNTT trong quá trình phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.

Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về CNTT trong xã hội, bảo đảm CNTT là một trong các nội dung trọng tâm, thường xuyên trong các chương trình truyền thông của các cơ quan thông tin đại chúng các cấp.

Xây dựng các chương trình truyền hình, phát thanh của tỉnh nhằm tuyên truyền, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức và kiến thức CNTT đến rộng rãi các tầng lớp nhân dân.

Nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý nhà nước đối với công tác ứng dụng, phát triển CNTT. Nâng cao nhận thức về vai trò động lực CNTT trong cộng đồng doanh nghiệp và trong mọi tầng lớp xã hội nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Cụ thể:

- Tổ chức các hội thảo chuyên đề về Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, tình hình và các xu thế phát triển CNTT ở Việt Nam và thế giới.

- Tổ chức các lớp tập huấn giới thiệu về vai trò và tác động của CNTT.

- Tổ chức hội thảo hoặc diễn đàn trao đổi kinh nghiệm về ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh.

- Tổ chức cho cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp, các ngành, đoàn thể tham quan khảo sát một số địa phương trong nước và nước ngoài để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về việc quản lý ứng dụng CNTT và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

2. Tổ chức quản lý về CNTT

Xây dựng, ban hành các văn bản, các cơ chế, chính sách kịp thời, phù hợp với điều kiện của tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực CNTT nhằm nắm vững tình hình thực tế, đưa ra các chủ trương, giải pháp thúc đẩy ứng dụng, phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo về CNTT của tỉnh nhằm tham mưu triển khai thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng, phát triển CNTT trên địa bàn, đặc biệt là trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Kiện toàn, thành lập và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ đạo CNTT các cấp.

Triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước cần theo thứ tự ưu tiên, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi khi triển khai.

Tăng cường công tác cải tiến quy trình làm việc, chuẩn hóa quy trình, nghiệp vụ để có thể ứng dụng CNTT một cách đồng bộ, thống nhất.

Tăng cường quản lý an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng CNTT; tập trung tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng.

Tăng cường quản lý và tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác quốc tế về CNTT.

Tổ chức đánh giá định kỳ và công bố báo cáo hàng năm về đánh giá, xếp hạng ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước và năng lực đảm bảo an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin quan trọng của tỉnh.

3. Phát triển nguồn nhân lực CNTT

Phát triển nguồn nhân lực CNTT là giải pháp đột phá có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện các mục tiêu ứng dụng và phát triển CNTT. Trọng tâm là tuyển dụng nhân lực CNTT chất lượng cao, kết hợp với đào tạo, cập nhật kiến thức cho các cán bộ, công chức và cán bộ phụ trách CNTT hiện có, theo hình thức ngắn hạn tại các trường đại học, cao đẳng và các cơ sở có đào tạo CNTT trên địa bàn tỉnh. Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng theo hướng đổi mới nội dung chương trình, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực CNTT đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Phát triển các hình thức liên kết đào tạo nhằm đáp ứng tốt nhu cầu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT. Chú trọng đào tạo chuyên sâu về kỹ năng ứng dụng, sử dụng và khai thác có hiệu quả hệ thống CNTT. Thu hút nguồn nhân lực CNTT trong và ngoài nước.

- Đào tạo cán bộ công chức: Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phổ cập thường xuyên cho cán bộ công chức trong toàn tỉnh về kiến thức và kỹ năng ứng dụng CNTT, an toàn an ninh thông tin để có thể thực hiện các quy trình tin học hóa về nghiệp vụ và tác nghiệp. Đồng thời, tiến hành đào tạo, tập huấn cho các cán bộ, công chức tuyển dụng mới về kỹ năng sử dụng, khai thác các hệ thống thông tin dùng chung, chuyên ngành theo đúng quy định.

- Đào tạo cán bộ phụ trách CNTT: Triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về xây dựng, quản lý và giám sát các dự án ứng dụng CNTT, an toàn, an ninh thông tin; đào tạo chuyên sâu theo chuyên đề cho các cán bộ phụ trách CNTT.

- Phổ cập tin học cho toàn xã hội:

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhân lực CNTT dưới nhiều hình thức.

Bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng sử dụng CNTT, khai thác tài nguyên mạng, sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho cộng đồng, xã hội và người dân, tạo nền tảng phát triển công dân điện tử.

Tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức, phát huy năng lực của thanh niên, lực lượng nòng cốt đi đầu để đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT; tạo môi trường thuận lợi cho thanh thiếu niên trong các hoạt động nghiên cứu, học tập và ứng dụng CNTT, từng bước xây dựng thế hệ thanh niên điện tử là nền tảng phát triển Chính quyền điện tử, công dân điện tử và xã hội thông tin.

Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai hoạt động thương mại điện tử, phát triển hoạt động kinh doanh trên mạng.

4. Tăng cường ứng dụng CNTT

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng Chính quyền điện tử. Duy trì và tiếp tục hoàn thiện các ứng dụng dùng chung và ứng dụng chuyên ngành đã triển khai.

Quán triệt nghiêm túc việc thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo việc triển khai chữ ký số đến tất cả các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, từng bước mở rộng áp dụng tới người dân và doanh nghiệp; tăng cường sử dụng, trao đổi văn bản điện tử, thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước và mở rộng trao đổi văn bản với các tỉnh và cơ quan Trung ương.

Tăng cường trao đổi, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng CSDL để quản lý nguồn nhân lực, lao động, trong thực hiện các chính sách xã hội đối với người có công, xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; quản lý, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai và bảo trợ xã hội.

5. Huy động vốn đầu tư

Để đảm bảo nguồn vốn đáp ứng cho việc ứng dụng và phát triển CNTT cần huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Huy động, sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và doanh nghiệp để thực hiện các dự án ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh.

a) Vốn ngân sách:

Tích cực tranh thủ vốn từ ngân sách Trung ương đầu tư cho dự án CNTT trọng điểm mục tiêu Quốc gia, dự án trung hạn.

Vốn từ ngân sách địa phương chủ yếu đầu tư cho các dự án ứng dụng, tác nghiệp dùng chung; các CSDL quan trọng; đảm bảo an toàn thông tin mạng; đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong các cơ quan nhà nước các cấp nhằm nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ về CNTT và việc thuê dịch vụ CNTT.

b) Vốn xã hội hóa:

Vốn huy động từ xã hội, doanh nghiệp chủ yếu đầu tư cho hạ tầng viễn thông, phát triển công nghiệp CNTT và phát triển thương mại điện tử. Đây là nguồn vốn được huy động từ các nhà đầu tư, các tổ chức trong và ngoài nước quan tâm đến lĩnh vực đầu tư CNTT trên địa bàn tỉnh. Các chính sách ưu đãi nhằm huy động vốn đầu tư, sự quan tâm đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng với tốc độ phát triển nhanh, hiện đại của CNTT là cơ sở đảm bảo thu hút được nguồn vốn xã hội hóa.

Triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Public Private Partner - PPP) đối với các dự án ứng dụng phát triển Chính quyền điện tử, công dân điện tử và doanh nghiệp điện tử, phát triển CNTT phục vụ phát triển kinh tế xã hội; các dự án cung cấp các dịch vụ có thu phí….

6. Phát triển khoa học, công nghệ

Ưu tiên đầu tư cho các dự án nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ về phần mềm phù hợp với các định hướng phát triển của quốc gia và đồng bộ về công nghệ; đầu tư nghiên cứu, phát triển một số sản phẩm phần mềm nguồn mở có hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn về ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh sử dụng công nghệ điện toán đám mây trong ứng dụng và phát triển CNTT..

Khuyến khích mọi hình thức hợp tác khoa học công nghệ với các tổ chức, công ty nước ngoài trong việc chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến trong lĩnh vực CNTT.

7. Các giải pháp khác

7.1. Hợp tác quốc tế và liên doanh liên kết:

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về CNTT gắn với các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao đáp ứng yêu cầu phát triển CNTT của tỉnh.

Tăng cường việc liên doanh, liên kết về CNTT giữa các trường Đại học, Cao đẳng, các doanh nghiệp với các trường Đại học lớn, các Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để đẩy nhanh ứng dụng và phát triển CNTT.

7.2. Phát triển thương mại điện tử:

Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng về thương mại điện tử nhằm từng bước thay đổi tập quán, tâm lý của người tiêu dùng với phương thức mua sắm qua mạng.

Xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh để người dân và doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử dễ dàng và hiệu quả.

Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hệ thống trang tin điện tử nhằm quảng bá hình ảnh, sản phẩm của doanh nghiệp và của địa phương phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

7.3. Xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường:

Khảo sát, nghiên cứu, xây dựng các báo cáo nghiên cứu thị trường, thông tin thương mại, đầu tư, biên soạn, in và phát hành các ấn phẩm về CNTT bằng nhiều thứ tiếng; tổ chức các triển lãm, hội nghị, hội thảo về phát triển công nghiệp, dịch vụ và nhân lực CNTT; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về sản phẩm, dịch vụ và các doanh nghiệp CNTT tiêu biểu của tỉnh.

Tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư cho công nghiệp CNTT trong Chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh, chú trọng thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

7.4. Phát triển công nghiệp CNTT

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp CNTT: Thu hút các doanh nghiệp phần cứng: Chế tạo, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, vi mạch đầu tư vào các cụm, khu công nghiệp của tỉnh. Ưu tiên các doanh nghiệp phần mềm, nội dung số đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại tỉnh. Tăng cường năng lực cung cấp sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp dịch vụ CNTT.

Phần thứ IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

Tham mưu UBND tỉnh kế hoạch, chương trình, dự án CNTT đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống CNTT của tỉnh, kết nối với Trung ương theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Thông tin và truyền thông, thực hiện thành công đề án.

Đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh xem xét, quyết định để hướng dẫn và tổ chức thực hiện; sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện chương trình, kế hoạch hàng năm theo yêu cầu. Là đầu mối chủ trì, phối hợp giữa các cơ quan ngành dọc, các doanh nghiệp nhà nước trong việc triển khai ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp các dự án CNTT hàng năm và giai đoạn, bố trí và huy động các nguồn vốn để triển khai thực hiện, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho các dự án, chương trình và kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh; tổ chức triển khai các biện pháp nhằm tập trung các nguồn lực, thu hút mạnh mẽ đầu tư trong và ngoài nước để đầu tư, phát triển công nghiệp CNTT.

Duy trì, xây dựng các Dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 và các hệ thống thông tin và CSDL chuyên ngành.

3. Sở Tài chính

Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách của địa phương, tổng hợp trình UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Duy trì, xây dựng các Dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 và các hệ thống thông tin và CSDL chuyên ngành.

4. Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước liên quan đẩy mạnh chương trình cải cách hành chính, nhất là việc hiện đại hóa hành chính nhà nước, ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong công tác quản lý hành chính nhà nước.

Chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đối với cán bộ, công chức có trình độ cao trong lĩnh vực CNTT;

Duy trì, xây dựng các Dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 và các hệ thống thông tin và CSDL chuyên ngành.

5. Sở Công thương

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng và chỉ đạo triển khai công tác xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm CNTT của tỉnh, hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT tham gia thị trường trong nước và quốc tế. Chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thực hiện các đề án, dự án phát triển thương mại điện tử, công tơ điện thông minh.

Duy trì, xây dựng các Dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 và các hệ thống thông tin và CSDL chuyên ngành.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT ngành giáo dục - đào tạo, đảm bảo các chỉ tiêu phổ cập tin học trong nhà trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của đề án này.

Duy trì, xây dựng các Dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 và các hệ thống thông tin và CSDL chuyên ngành.

7. Các sở, ban, ngành khác

Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị chuyên môn thực hiện xây dựng các hệ thống thông tin và CSDL chuyên ngành, hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đảm bảo đầu tư và thực hiện các dự án đầu tư đã được các cấp có thẩm quyền quyết định theo đúng tiến độ.

Triển khai các hoạt động về ứng dụng và phát triển CNTT theo chỉ đạo của ngành dọc, của tỉnh và kế hoạch của đơn vị.

8. UBND các huyện, thành, thị

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ban, ngành liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn, đảm bảo tính thống nhất giữa ngành với địa phương và của tỉnh.

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện ứng dụng và phát triển CNTT ở cơ sở đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, liên thông và đạt hiệu quả cao.

9. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT

Xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với đề án, định hướng phát triển của ngành và chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, vừa bảo đảm mục tiêu kinh doanh của đơn vị, vừa góp phần thiết thực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội nói chung và phát triển CNTT nói riêng. Thực hiện đầy đủ chế độ thống kê theo quy định của pháp luật về thống kê; định kỳ báo cáo đầy đủ các thông tin về Cục Thống kê và Sở Thông tin và Truyền thông để theo dõi, tổng hợp, quản lý.

10. Các tổ chức đoàn thể, hiệp hội

Phối hợp với các sở, ban, ngành; UBND các huyện liên quan vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT trong toàn xã hội; đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại cơ quan, đơn vị.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Bùi Minh Châu

 

PHỤ LỤC I

HIỆN TRẠNG ỨNG DỤNG CNTT TỈNH PHÚ THỌ
(Kèm theo Đề án Phát triển CNTT tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030)

Bảng 1. Hiện trạng hạ tầng kỹ thuật CNTT tại các cơ quan Đảng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

TT

Số liệu tổng hợp

Văn phòng Tỉnh ủy

Văn phòng huyện, thị, thành ủy

Văn phòng Đảng ủy xã/phường

Tỷ lệ trung bình

1

Tỷ lệ đơn vị - có máy tính cá nhân

100,00

100,00

100,00

100,00

2

Số máy tính bình quân 1 đơn vị

81,00

38,00

3,25

5,07

3

Số máy tính bình quân 1 người

1,00

0,95

0,65

0,74

4

Tỷ lệ đơn vị - có trang bị máy chủ

100,00

84,62

0,00

4,12

5

Tỷ lệ đơn vị - có nối mạng Internet

100,00

100,00

100,00

100,00

6

Tỷ lệ máy tính kết nối mạng Internet

96,30

92,91

80,00

85,22

7

Tỷ lệ đơn vị - có nối mạng LAN

100,00

100,00

98,92

98,97

8

Tỷ lệ đơn vị - có nối mạng WAN

100,00

100,00

79,78

80,76

Nguồn: Số liệu điều tra khảo sát năm 2015

 

Bảng 2. Hiện trạng hạ tầng kỹ thuật CNTT tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

TT

Số liệu tổng hợp

Cấp tỉnh, sở, ngành

Cấp huyện, thị xã, thành phố

Cấp xã

Tỷ lệ trung bình

1

Tỷ lệ đơn vị - có máy tính cá nhân (%)

100,00

100,00

100,00

100,00

2

Số máy tính bình quân 1 đơn vị

61,75

84,23

12,60

19,32

3

Số máy tính bình quân 1 người

0,95

0,98

0,60

0,71

4

Tỷ lệ đơn vị - có trang bị máy chủ (%)

91,67

84,62

6,50

16,24

5

Số máy chủ bình quân 1 đơn vị

2,50

1,27

1,00

1,71

6

Tỷ lệ đơn vị - có nối mạng Internet (%)

100,00

100,00

100,00

100,00

7

Tỷ lệ máy tính kết nối mạng Internet (%)

92,98

90,23

80,00

85,02

8

Tỷ lệ đơn vị - có nối mạng LAN (%)

100,00

100,00

98,92

99,04

9

Tỷ lệ đơn vị - có nối mạng WAN (%)

100,00

100,00

31,05

39,17

Nguồn: Số liệu điều tra khảo sát năm 2015

 

Bảng 3. Hiện trạng hạ tầng kỹ thuật CNTT tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

TT

Số liệu tổng hợp

Khối THPT

Khối THCS

Khối Tiểu học

Tỷ lệ trung bình

1

Tỷ lệ trường - có máy tính cá nhân (%)

100,00

100,00

100,00

100,00

2

Tỷ lệ trường - có phòng máy tính (%)

100,00

90,27

77,74

84,74

3

Số lượng phòng máy tính bình quân 1 trường

2,00

1,50

1,00

1,32

4

Số máy tính bình quân/phòng

30,00

20,00

12,00

26,00

5

Tỷ lệ trường - có nối mạng Internet (%)

100,00

100,00

100,00

100,00

6

Tỷ lệ trường - có nối mạng LAN (%)

100,00

100,00

96,01

98,01

Nguồn: Số liệu điều tra khảo sát tháng 3 năm 2016

 

Bảng 4. Hiện trạng hạ tầng kỹ thuật CNTT tại các đơn vị Y tế trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

TT

Số liệu tổng hợp

Khối Bệnh viện

Khối trạm y tế xã/phường

Tỷ lệ trung bình

1

Tỷ lệ đơn vị - có máy tính cá nhân (%)

100,00

100,00

100,00

2

Số máy tính bình quân 1 đơn vị

53,00

1,50

4,48

3

Tỷ lệ đơn vị - có trang bị máy chủ (%)

100,00

0,00

5,78

4

Số máy chủ bình quân 1 đơn vị

1,12

0,00

1,12

5

Tỷ lệ đơn vị - có nối mạng Internet (%)

100,00

80,87

81,97

6

Tỷ lệ đơn vị - có nối mạng LAN (%)

100,00

54,87

57,48

Nguồn: Số liệu điều tra khảo sát tháng 3 năm 2016

 

Bảng 5. Hiện trạng nguồn nhân lực CNTT tại các cơ quan Đảng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

TT

Số liệu tổng hợp

Văn phòng Tỉnh ủy

Văn phòng huyện, thị, thành ủy

Tỷ lệ trung bình

1

Tổng số đơn vị

1

13

 

2

Tỷ lệ đơn vị - có cán bộ chuyên trách CNTT (%)

100,00

83,33

85,71

3

Số lượng cán bộ chuyên trách CNTT bình quân 1 đơn vị

1,00

1,00

1,00

4

Tỷ lệ đơn vị - có cán bộ lãnh đạo CNTT (%)

100,00

33,33

42,86

5

Tỷ lệ đơn vị - có cán bộ biết sử dụng CNTT (%)

100,00

100,00

100,00

6

Tỷ lệ cán bộ biết sử dụng CNTT (%)

92,59

92,88

92,85

Nguồn: Số liệu điều tra khảo sát năm 2015

 

Bảng 6. Hiện trạng nguồn nhân lực CNTT tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

TT

Số liệu tổng hợp

Cấp sở, ban, ngành

Cấp huyện, thị xã, thành phố

Tỷ lệ trung bình

1

Tổng số đơn vị

24

13

 

2

Tỷ lệ đơn vị - có cán bộ chuyên trách CNTT (%)

100,00

100,00

100,00

3

Số lượng cán bộ chuyên trách CNTT bình quân 1 đơn vị

1,21

1,23

1,22

4

Tỷ lệ đơn vị - có cán bộ lãnh đạo CNTT (%)

41,67

15,38

32,43

5

Tỷ lệ đơn vị - có cán bộ biết sử dụng CNTT (%)

100,00

100,00

100,00

6

Tỷ lệ cán bộ biết sử dụng CNTT (%)

96,99

98,93

97,80

Nguồn: Số liệu điều tra khảo sát năm 2015

 

Bảng 7. Xếp hạng mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT năm 2015 của các tỉnh trong khu vực

TT

Trung du và miền núi phía Bắc

Chỉ số HTKT

Chỉ số HTNL

Chỉ số ứng dụng

Chỉ số sản xuất, kinh doanh

Chỉ số MT TCCS

ICT Index

Xếp hạng cả nước năm 2015

Xếp hạng cả nước năm 2014

Xếp hạng cả nước năm 2013

1

Thái Nguyên

0,52

0,79

0,49

0,21

0,97

0,57

6

9

9

2

Lào Cai

0,46

0,69

0,61

0,17

1,00

0,56

9

7

5

3

Bắc Giang

0,34

0,71

0,52

0,11

0,93

0,49

20

25

28

4

Hà Giang

0,37

0,64

0,55

0,06

0,94

0,49

23

29

31

5

Phú Thọ

0,36

0,70

0,38

0,04

0,92

0,45

32

31

26

6

Lạng Sơn

0,29

0,50

0,36

0,24

0,52

0,37

47

55

57

7

Hòa Bình

0,25

0,50

0,37

0,01

0,75

0,35

49

54

48

8

Bắc Kạn

0,26

0,30

0,28

0,11

0,80

0,31

54

48

47

9

Yên Bái

0,25

0,35

0,22

0,01

0,62

0,26

57

60

60

10

Tuyên Quang

0,16

0,40

0,19

0,02

0,66

0,25

58

56

54

11

Sơn La

0,19

0,43

0,21

0,00

0,39

0,23

60

62

62

12

Lai Châu

0,11

0,43

0,29

0,01

0,36

0,23

61

63

63

13

Cao Bằng

0,17

0,27

0,24

0,01

0,48

0,21

62

57

50

14

Điện Biên

0,21

0,39

0,22

0,02

0,17

0,20

63

61

59

Nguồn: Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT “Báo cáo Việt Nam ICT Index 2015”

 

Bảng 8. Kết quả thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin tỉnh Phú Thọ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020

TT

Nội dung

Chỉ tiêu tại Quyết định 3549/QĐ-UBND

Kết quả thực hiện

I

Ứng dụng CNTT

1

Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước

1.1

Gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị

50-60%

73%

1.2

Xử lý công việc được thực hiện trên máy tính

50-60%

80%

1.3

Tỷ lệ văn bản, hồ sơ, dữ liệu được lưu trữ trên mạng máy tính

50-60%

70%

1.4

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp

3 - 5 DVC

DVC mức 1, 2: 1.104; mức 3: 480

1.5

Xây dựng cơ sở dữ liệu

2 - 3 CSDL về dân cư, địa lý, thống kê kinh tế xã hội

Đã xây dựng và đi vào hoạt động

2

Ứng dụng CNTT trong sản xuất kinh doanh

2.1

Tỷ lệ doanh nghiệp lớn có website riêng

100%

100%

2.2

Tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ kết nối Internet và thư điện tử

80%

70,3%

2.3

Tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng máy tính trong hoạt động sản xuất kinh doanh

60-70%

100%

2.4

Hình thành sàn giao dịch điện tử của tỉnh

- Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch

- Tỷ lệ doanh nghiệp truy nhập sàn giao dịch điện tử để tìm kiếm thông tin

Thành lập

50%

 

70%

Chưa xây dựng

3

Ứng dụng CNTT trong đời sống xã hội

3.1

Tỷ lệ các trường THCS, THPT kết nối Internet

100%

100%

3.2

Tỷ lệ các trường tiểu học kết nối Internet

50%

96%

3.3

Tỷ lệ các trường THPT xây dựng phòng máy tính phục vụ giảng dạy tin học

100%

100%

3.4

Tỷ lệ các trường THCS xây dựng phòng máy tính

50-60%

90%

3.5

Tỷ lệ các trường THPT triển khai giáo án điện tử hỗ trợ giảng dạy

100%

100%

3.6

Tỷ lệ các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện có mạng LAN và kết nối Internet

100%

100%

3.7

Tỷ lệ hộ gia đình mua sắm qua mạng

8-10%

30%

II

Hạ tầng CNTT

1

Tỷ lệ các cơ quan nhà nước cấp sở, ban, ngành, huyện kết nối Internet và mạng LAN

100%

100%

2

Tỷ lệ cấp sở, ban, ngành, huyện kết nối mạng WAN, với đường truyền tốc độ cao

100%

100%

III

Công nghiệp CNTT

1

Tỷ trọng công nghiệp CNTT đóng góp vào GRDP của tỉnh

2%

1,90%

2

Công nghiệp phần cứng

Thu hút 1 dự án 1,7% GRDP (5 triệu USD)

7 công ty
1,6% GRDP
(310 triệu USD)

3

Công nghiệp phần mềm

0,3% GRDP (1 triệu USD)

0,3% GRDP
(1 triệu USD)

IV

Nguồn nhân lực CNTT

1

Lực lượng CNTT toàn tỉnh
Tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng

2500 người
50%

6000 người
60%

2

Phổ cập tin học cho học sinh trường dạy nghề

100%

100%

3

Tỷ lệ cán bộ, công chức biết sử dụng máy tính và truy cập Internet

90-100%

98%

4

Tỷ lệ giáo viên biết sử dụng máy tính và truy cập Internet

100%

95%

5

Tỷ lệ thanh niên biết sử dụng máy tính và truy cập Internet

50-60%

90%

6

Số lượng cán bộ được tập huấn về quản lý thông tin và CNTT

80 - 100 cán bộ

500 cán bộ

 

PHỤ LỤC II

KHÁI TOÁN CÁC DỰ ÁN PHÁT TRIỂN CNTT TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Đề án Phát triển CNTT tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030)

Bảng 9. Triển khai ứng dụng CNTT khối Đảng1

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Tên nhiệm vụ, dự án triển khai

Kinh phí

1

Bổ sung trang thiết bị CNTT khối Đảng

10.679

2

Xây dựng phòng họp trực tuyến Tỉnh ủy

1.724

3

Xây dựng Trung tâm dữ liệu số Tỉnh ủy

7.294

4

Xây dựng hệ thống thông tin tổng thể

2.047

5

Xây dựng Trang thông tin Tỉnh ủy

390

6

Xây dựng phần mềm quản lý văn bản và điều hành Tỉnh ủy

346

Tổng cộng

22.480

 

Bảng 10. Nâng cấp Hệ thống thư điện tử tỉnh Phú Thọ

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

Nội dung chi

Ký hiệu

Giá trị trước thuế

Thuế VAT

Thành tiền

I. Chi phí thiết bị

Gtb

 

 

5.330

1

Đầu tư hệ thống

 

 

 

 

1.1

Nâng cấp lên phiên bản mới có kiến trúc phân cấp theo chức năng và bảo mật

 

1.000

 

1.000

1.2

Nâng cấp phần mềm hệ điều hành máy chủ để đảm bảo yêu cầu quản lý và bảo mật;

 

700

 

700

1.3

Nâng cấp hệ thống máy chủ đảm bảo hoạt động 24/24

 

900

90

990

1.4

Đầu tư thiết bị lưu trữ để lưu trữ dữ liệu điện tử và CSDL người dùng

 

500

50

550

1.5

Đầu tư thiết bị đảm bảo an toàn thông tin chuyên dùng cho hệ thống thư điện tử

 

800

80

880

2

Đầu tư hạ tầng đảm bảo hoạt động và lưu trữ hệ thống

 

 

 

 

2.1

Trang bị thiết bị chuyển mạch chính có thông lượng lớn làm thiết bị chuyển mạch cho các máy chủ và thiết bị kết nối; thiết bị chuyển mạch truy nhập cho các thiết bị và hệ thống giám sát, quản trị.

 

200

20

220

2.2

Nâng cấp, trang bị hệ thống tưởng lửa bảo vệ hệ thống thư

 

400

40

440

2.3

Trang bị thiết bị cân bằng tải để cân bằng và chia tải ít nhất 02 kết nối Internet đảm bảo phân tải và dự phòng cho các dịch vụ khi kết nối Internet

 

500

50

550

II. Chi phí quản lý dự án

Gqlda

 

 

91

III.Chi phí tư vấn

Gtv

 

 

100

IV. Chi phí dự phòng

 

 

 

276

Tổng cộng

 

 

 

5.797

 

Bảng 11. Nâng cấp triển khai hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành tích hợp chữ ký số

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

NỘI DUNG CHI PHÍ

KÝ HIỆU

GIÁ TRỊ TRƯỚC THUẾ

THUẾ VAT

THÀNH TIỀN

I

CHI PHÍ XÂY LẮP

 

 

 

0

II

CHI PHÍ THIẾT BỊ

Gtb

5.000

350

5.350

1

Chi phí thuê dịch vụ thuê phần mềm

 

1.500

 

1.500

2

Đầu tư trang thiết bị triển khai hệ thống phần mềm

 

1.000

100

1.100

3

Chi phí triển khai 277 xã, phường, thị, trấn thị (Cài đặt, chuyển giao, đào tạo sử dụng...)

 

2.500

250

2.750

III

CHI PHÍ QL DỰ ÁN

Gqlda

107

11

117

IV

CHI PHÍ TƯ VẤN

Gtv

181

18

200

1

Chi phí lập đề cương và dự toán chi tiết

 

179

18

197

2

Chi phí thẩm tra dự toán

 

2

0

2

V

CHI PHÍ KHÁC

Gk

2

0

2

1

Đăng báo mời thầu

 

2

0

2

TỔNG CỘNG

5.669

 

Bảng 12. Nâng cấp mở rộng hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh Phú Thọ

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

Tên thiết bị

Đơn vị tính

Số lượng

Đơn vị triển khai

Đơn giá (đã bao gồm VAT)

Thành tiền

I. Chi phí thiết bị

Gtb

6.788

1. Thiết bị phòng họp

 

 

 

 

 

1

Thiết bị đầu cuối phòng hop

bộ

1

25

134

3.350

2

Màn hình Tivi hiển thị:

chiếc

1

25

16

400

3

Âm thanh phòng họp:

cái

1

25

12

300

4

Phụ kiện (cáp kết nối):

bộ

 

25

5

125

2. Thiết bị và phụ kiện kết nối mạng

 

 

25

 

 

1

Layer 2 Swicth phòng họp

bộ

1

25

14

350

2

Tủ mạng các thiết bị phụ trợ

bộ

1

25

6

138

3

Lưu điện: bảo vệ nguồn điện cho các thiết bị HNTT trong các phòng họp

bộ

1

25

8

200

3. Lắp đặt

 

1

25

5

125

4. Nâng cấp hệ thống phần mềm hệ thống

 

 

 

1.800

1.800

II.Chi phí quản lý dự án

Gqlda = 1.7% Gtb

115

III. Chi phí tư vấn

Gtv

50

IV. Chi phí dự phòng

5% x (GTB+GQLDA+GTV)

348

Tổng cộng

7.301

 

Bảng 13. Triển khai ứng dụng CNTT ngành Tài Nguyên và Môi trường2

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

Tên dự án

Chủ đầu tư

Kinh Phí

1

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường tỉnh Phú Thọ

Sở Tài nguyên và Môi trường

12.547

2

Xây dựng hệ thống mạng thông tin ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ

Sở Tài nguyên và Môi trường

13.484

Tổng cộng

26.031

 

Bảng 14. Nâng cấp Cổng giao tiếp điện tử tỉnh

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

NỘI DUNG CHI PHÍ

KÝ HIỆU

GIÁ TRỊ TRƯỚC THUẾ

THUẾ VAT

THÀNH TIỀN

I

CHI PHÍ XÂY LẮP

 

 

 

0

II

CHI PHÍ THIẾT BỊ

Gtb

2.262

91

2.353

1

Nâng cấp phần mềm

 

1.350

 

1.350

2

Đầu tư trang thiết bị triển khai hệ thống phần mềm

 

912

91

1.003

III

CHI PHÍ QUẢN LÝ DỰ ÁN

Gqlda

48

5

53

IV

CHI PHÍ TƯ VẤN

Gtv

83

8

91

1

Chi phí lập đề cương và dự toán chi tiết

 

81

8

89

2

Chi phí thẩm tra dự toán

 

2

0

2

V

CHI PHÍ KHÁC

Gk

2

0

2

1

Đăng báo mời thầu

 

2

0

2

TỔNG CỘNG

2.500

 

Bảng 15. Xây dựng mạng diện rộng WAN và Nâng cấp Trung tâm dữ liệu số tỉnh Phú Thọ

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

Nội dung chi

Ký hiệu

Giá trị trước thuế

Thuế VAT

Thành tiền

I. Chi phí xây lắp

Gxl

0

0

0

II. Chi phí thiết bị

Gtb

37.554

3.228

40.782

2.1

Chi phí mua thiết bị phần cứng

 

31.918

3.192

35.110

2.2

Chi phí mua phần mềm

 

5.272

 

5.272

2.3

Chi phí lắp đặt thiết bị

 

364

36

400

III. Chi phí quản lý dự án

Gqlda

436

 

436

IV. Chi phí tư vấn

Gtv

1.205

121

1.326

4.1

Chi phí khảo sát

 

33

3

36

4.2

Lập báo cáo nghiên cứu khả thi

 

185

19

204

4.3

Chi phí lập thiết kế thi công và tổng dự toán

 

229

23

252

4.4

Chi phí thẩm tra tính hiệu quả và tính khả thi của dự án đầu tư

 

186

19

205

4.5

Chi phí thẩm tra thiết kế thi công

 

36

4

40

4.6

Chi phí thẩm tra dự toán

 

35

4

39

4.7

Chi phí lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu xây lắp và thiết bị

 

47

5

52

4.8

Chi phí giám sát thi công xây lắp và lắp đặt thiết bị

 

454

45

499

V. Chi phí khác

Gk

928

93

1.021

5.1

Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi

 

12

1

13

5.2

Kiểm toán

 

472

47

519

5.3

Thẩm tra phê duyệt quyết toán

 

146

15

161

5.4

Chi phí thẩm định giá

 

122

12

134

5.5

Chi phí bảo hiểm công trình

 

176

18

194

VI. Chi phí dự phòng

 

2.006

201

2.207

Tổng cộng

45.771

 

Bảng 16. Dự án thành phần Xây dựng Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Phú Thọ

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

NỘI DUNG CHI PHÍ

KÝ HIỆU

GIÁ TRỊ TRƯỚC THUẾ

THUẾ VAT

THÀNH TIỀN

A. Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành kết nối liên thông các cơ quan, đơn vị

13.989

I

CHI PHÍ XÂY LẮP

 

 

 

0

II

CHI PHÍ THIẾT BỊ

Gtb

12.000

750

12.750

1

Chi phí thuê dịch vụ thuê phần mềm

 

4.500

 

4.500

2

Đầu tư trang thiết bị hệ thống phần mềm trong cơ quan, đơn vị

 

5.000

500

5.500

3

Chi phí Cài đặt, chuyển giao, đào tạo sử dụng...

 

2.500

250

2.750

III

CHI PHÍ QUẢN LÝ DỰ ÁN

Gqlda

256

26

281

IV

CHI PHÍ TƯ VẤN

Gtv

441

44

485

1

Chi phí lập đề cương và dự toán chi tiết

 

431

43

474

2

Chi phí thẩm tra dự toán

 

11

1

12

V

CHI PHÍ DỰ PHÒNG

Gdp

430

43

473

B. Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành kết nối liên thông các cơ quan, đơn vị

1.011

I

CHI PHÍ XÂY LẮP

 

 

 

0

II

CHI PHÍ THIẾT BỊ

Gtb

850

50

900

1

Chi phí xây dựng hỗ trợ, chính sách đảm bảo an toàn an ninh thông tin

 

350

 

350

2

Đánh giá, vic tăng cường bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin của tỉnh

 

200

20

220

3

Đào tạo, nâng cao năng lực đảm bảo an toàn thông tin mạng

 

300

30

330

III

CHI PHÍ QUẢN LÝ DỰ ÁN

Gqlda

18

2

20

IV

CHI PHÍ TƯ VẤN

Gtv

32

3

36

1

Chi phí lập đề cương và dự toán chi tiết

 

30

3

34

2

Chi phí thẩm tra dự toán

 

2

0

2

V

CHI PHÍ DỰ PHÒNG

Gdp

50

5

55

Tổng cộng

15.000

 



1 Đề án ứng dụng CNTT khối Đảng tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt

2 Hai dự án trên của ngành Tài nguyên và Môi trường nguồn vốn Trung ương, đã được phê duyệt

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 2786/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu2786/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành28/10/2016
Ngày hiệu lực28/10/2016
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcCông nghệ thông tin
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 2786/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 2786/QĐ-UBND đề án phát triển công nghệ thông tin Phú Thọ 2020 2030 2016


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 2786/QĐ-UBND đề án phát triển công nghệ thông tin Phú Thọ 2020 2030 2016
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu2786/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Phú Thọ
                Người kýHà Kế San
                Ngày ban hành28/10/2016
                Ngày hiệu lực28/10/2016
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcCông nghệ thông tin
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Quyết định 2786/QĐ-UBND đề án phát triển công nghệ thông tin Phú Thọ 2020 2030 2016

                  Lịch sử hiệu lực Quyết định 2786/QĐ-UBND đề án phát triển công nghệ thông tin Phú Thọ 2020 2030 2016

                  • 28/10/2016

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 28/10/2016

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực