Nội dung toàn văn Quyết định 281-CT giải quyết một số vấn đề cấp bách trong sản xuất kinh doanh của ngành giao thông vận tải
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 281-CT | Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 1988 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH TRONG SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ đề nghị của Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng ngày 8-9-1988 về những biện pháp cấp bách nhằm giải quyết những khó khăn hiện nay của ngành giao thông vận tải;
Căn cứ ý kiến của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Vật giá Nhà nước và Bộ Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
1- Để tạo điều kiện cho ngành sản xuất kinh doanh giao thông vận tải khắc phục tình trạng lỗ kéo dài, cơ sở vật chất kỹ thuật sa sút, quản lý còn yếu kém trên nhiều mặt, vươn lên hoạt động có hiệu quả và phát triển thuận lợi, cần phải đẩy mạnh việc chuyển hoạt động của ngành giao thông vận tải sang hạch toán kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thực hiện việc giao quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh cho cơ sở, mở rộng việc khoán theo định mức.
Đối với giá cước vận tải phải thực hiện nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí cho sản xuất. Trong điều kiện cơ sở vật chất của ngành cũ, nát, lại không đồng bộ, cần được đầu tư để đưa công suất và năng suất lên dần theo định mức. Việc tính cước vận tải trước hết phải căn cứ tài sản cố định đang hoạt động, căn cứ công suất hợp lý của từng loại phương tiện để tính ra sản lượng; phải tổ chức lại các dây chuyền sản xuất một cách khoa học, tổ chức lại lao động, sắp xếp việc làm cho lực lượng quá dôi thừa hiện nay; xây dựng và thực hiện các định mức kinh tế kỹ thuật, giảm tiêu hao vật chất, lập lại kỷ cương nền nếp trong hoạt động giao thông vận tải, chống các biểu hiện tiêu cực, củng cố kỷ luật lao động... từ đó mà tính giá thành, giá cước vận tải đúng, đủ, bù lại chi phí sản xuất, duy trì cơ sở vật chất, tiến tới từng bước mở rộng sản xuất.
2- Bộ Giao thông vận tải tiến hành ngay việc tính toán, sửa lại giá cước vận tải hành khách và trao đổi với Uỷ ban Vật giá Nhà nước trước khi cho công bố thực hiện. Riêng đối tượng như thương binh, bộ đội, học sinh, sinh viên, cán bộ về hưu v.v... Bộ Giao thông vận tải bàn cụ thể với các ngành liên quan để quy định cho từng đối tượng.
Uỷ ban Vật giá Nhà nước và Bộ Giao thông vận tải tính toán xây dựng lại giá cước vận tải hàng hoá theo tinh thần nói trên, và báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cùng với báo cáo về đổi mới quản lý của ngành giao thông vận tải để Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định.
Bộ Giao thông vận tải làm việc với các cơ quan thông tin, báo chí tuyên truyền giải thích để cho mọi thành phần kinh tế và mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ giá cước của ta trước đây tính quá thấp, thu không đủ để chi cho quản lý sản xuất, quản lý và sửa chữa phương tiện, đường sá, nên cơ sở vật chất kỹ thuật trong giao thông vận tải xuống cấp nghiêm trọng. Việc nâng giá cước là phù hợp với tinh thần đổi mới, chống bao cấp, giá cước hợp lý sẽ góp phần bảo đảm cho các hoạt động xã hội ổn định.
3- Phí giao thông cần được tính đủ, thu đủ và phải có sự thay đổi kịp thời phù hợp với tình hình biến động của giá cả. Cách thu, hình thức quản lý và sử dụng phải có sự quy định thống nhất cho cả nước. Về việc này giao Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính thống nhất giải quyết và ban hành cụ thể.
Trong quý IV năm 1988, Bộ Tài chính cần tìm biện pháp bổ sung thêm vốn cho Bộ Giao thông vận tải để sửa chữa các đoạn cầu, đường bộ bị hư hỏng quá nặng, đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự đi lại của nhân dân và việc vận chuyển hàng hoá.
4- Để khắc phục một phần về vốn hiện nay, cho phép Bộ Giao thông vận tải bàn với Bộ Tài chính để huy động vật tư, thiết bị có sẵn, đã nhập về nhưng ngành giao thông vận tải không đủ vốn thanh toán, được đưa vào sử dụng trong xây dựng, trung, đại tu, Bộ Tài chính ghi thu, ghi chi đúng thủ tục, nhưng không chờ có vốn mới huy động.
5- Cho phép ngành giao thông vận tải được quyền tạm sử dụng số ngoại tệ do dịch vụ của ngành làm ra. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kinh tế đối ngoại, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các ngành liên quan bàn với bạn để được chuyển đối số ngoại tệ do dịch vụ của ngành giao thông vận tải, làm ra thành ngoại tệ mậu dịch để ngành giao thông vận tải dùng mua sắm vật tư, thiết bị phục vụ cho các nhu cầu sản xuất kinh doanh của ngành. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ còn nợ cước vận tải bằng ngoại tệ cần thanh toán sòng phẳng để trả nợ cho nước ngoài.
6- Các chủ hàng cần vận tải trong nước, xuất, nhập khẩu theo kế hoạch và ngoài kế hoạch đều phải ký hợp đồng vận tải với chủ vận tải, không phải qua khâu trung gian, theo đúng các định mức, luật lệ của Nhà nước và các quy định quốc tế.
- Các thuỷ thủ tàu viễn dương có thể được nhận đại lý mua, bán hàng phi mậu dịch, kết hợp sử dụng tải trọng thừa cho phép của tàu.
- Hàng hoá do thuỷ thủ mua bằng ngoại tệ tiết kiệm trong định mức sử dụng hàng ngày được miễn thuế Hàng hoá tính thuế phải căn cứ vào hoá đơn.
7- Việc củng cố và mở mang các cơ sở hạ tầng về giao thông vận tải cần ưu tiên tập trung cho việc xây dựng hoàn thiện, đồng bộ các công trình, nâng cao năng suất và an toàn giao thông; được ưu tiên sử dụng vốn vay dài hạn của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, cùng như vốn vay lãi suất thấp của các công ty tư bản nước ngoài. Bộ Giao thông vận tải cần tích cực tìm kiếm nguồn vay vốn và hợp doanh với nước ngoài để phát triển giao thông vận tải.
8- Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm khẩn trương tổ chức để từng bước lập lại trật tự, an toàn, an ninh cho hành khách, hàng hoá, phương tiện trên các tuyến giao thông. Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, các địa phương, thống nhất các biện pháp khẩn trương và kiên quyết nhằm ngăn chặn những hành động vi phạm pháp luật, xâm phạm tài sản của ngành giao thông vận tải, vi phạm trật tự, an toàn, an ninh trên các tuyến giao thông vận tải, đặc biệt là trên các tuyến đường sắt.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký) |