Nội dung toàn văn Quyết định 2813/QĐ-UBND nâng cao hoạt động điểm bưu điện văn hóa xã xây dựng nông thôn mới Đồng Nai 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2813/QĐ-UBND | Đồng Nai, ngày 18 tháng 9 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐIỂM BƯU ĐIỆN VĂN HÓA XÃ PHỤC VỤ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI, GIAI ĐOẠN 2015 - 2020”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 491/2009/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới;
Căn cứ Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp giữa các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân;
Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 119/QĐ-TTg ngày 18/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Phát triển thông tin, truyền thông nông thôn giai đoạn 2011 - 2020;
Căn cứ Thông tư số 17/2013/TT-BTTTT ngày 02/8/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về hoạt động của điểm Bưu điện văn hóa xã;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 1101/TTr-STTTT ngày 27/8/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động điểm Bưu điện văn hóa xã phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2015 - 2020” với các nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Bưu chính, viễn thông là ngành kinh tế thuộc kết cấu hạ tầng của nền kinh tế quốc dân, là công cụ đắc lực phục vụ sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước, phục vụ nhu cầu của quần chúng Nhân dân.
2. Việc phát triển các điểm Bưu điện văn hóa xã góp phần nâng cao dân trí và đời sống tinh thần của người dân ở vùng nông thôn, miền núi.
3. Xây dựng điểm Bưu điện văn hóa xã trở thành một thiết chế văn hóa đặc biệt ở nông thôn, góp phần đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình hiện nay.
4. Điểm Bưu điện văn hóa xã cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông là một trong những tiêu chí quan trọng để xét duyệt xã đạt chuẩn nông thôn mới.
5. Nâng cao hiệu quả hoạt động điểm Bưu điện văn hóa xã cần thực hiện tập trung, thống nhất, đồng bộ và lồng ghép với các đề án, chương trình và dự án khác có liên quan phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới để đạt được các mục tiêu đề ra với hiệu quả cao.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm Bưu điện văn hóa xã; cụ thể hóa Tiêu chí 8 tại Quyết định số 491/2009/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới; tiếp tục thúc đẩy phát triển và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ bưu chính, viễn thông và internet công cộng tại vùng nông thôn, miền núi góp phần nâng cao đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Nâng tổng số đầu sách phục vụ bình quân/điểm lên 500 quyển; nâng tổng số người đọc sách, báo bình quân tại mỗi điểm Bưu điện văn hóa xã trong một ngày gấp 02 đến 04 lần so với hiện tại (từ 10 lượt người trở lên); hàng năm, nhân dịp ngày Sách Việt Nam (21/4) tổ chức tuyên truyền, vận động việc đọc sách báo tại ít nhất 05 điểm Bưu điện văn hóa xã.
b) Phấn đấu 05 điểm Bưu điện văn hóa xã có đường truyền được kết nối internet và được trang bị 02 bộ máy vi tính để bàn/điểm truy cập internet.
c) Trên 95% điểm Bưu điện văn hóa xã tham gia chi trả lương hưu và trợ cấp xã hội.
d) Nâng tổng doanh thu trung bình một điểm Bưu điện văn hóa xã lên từ 3.000.000 đồng/tháng đến 10.000.000 đồng/tháng.
đ) Nâng cao mức thù lao bình quân của nhân viên làm việc tại điểm Bưu điện văn hóa xã lên khoảng từ 1.150.000 đến 2.000.000 đồng người/điểm/tháng.
e) 65 điểm Bưu điện văn hóa xã được hỗ trợ cấp phát báo Đồng Nai.
III. ĐỊA BÀN TRIỂN KHAI:
Danh sách các xã được chọn thực hiện đề án giai đoạn 2015 - 2020: 65 xã (phụ lục kèm theo).
IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất đảm bảo phát triển, duy trì và đa dạng hóa hoạt động các điểm Bưu điện văn hóa xã.
a) Phát triển thêm các điểm Bưu điện văn hóa xã phục vụ nhu cầu cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông góp phần nâng cao đời sống Nhân dân tại các xã trên địa bàn các huyện: Nhơn Trạch, Định Quán, Vĩnh Cửu, Thống Nhất; thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa.
b) Trên cơ sở hạ tầng hệ thống điểm Bưu điện văn hóa xã hiện có, hàng năm lập kế hoạch sửa chữa, duy tu bảo dưỡng định kỳ, đảm bảo cơ sở hạ tầng điểm Bưu điện văn hóa xã đạt các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng điểm cung ứng dịch vụ bưu chính và điểm cung ứng dịch vụ viễn thông theo tiêu chí nông thôn mới về thông tin và truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông.
c) Rà soát để lựa chọn và xây dựng lộ trình, kế hoạch đầu tư trang bị máy tính, đường truyền internet băng thông rộng tại 05 điểm Bưu điện văn hóa xã vùng sâu, vùng xa chưa có hoặc ít điểm truy nhập internet công cộng nhằm tạo điều kiện cho người dân trong việc sử dụng dịch vụ internet phục vụ cho đời sống và hoạt động sản xuất, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
2. Thực hiện đa dạng hóa việc cung cấp dịch vụ tại điểm Bưu điện văn hóa xã
a) Ngoài việc tổ chức đọc sách, báo miễn phí và cung ứng các dịch vụ bưu chính cơ bản như: Dịch vụ thư cơ bản có khối lượng đến 02 kg và dịch vụ phát hành báo chí công ích; nghiên cứu đưa thêm các dịch vụ khác vào phục vụ tại điểm Bưu điện văn hóa xã như:
- Tổ chức thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội, bảo hiểm xã hội.
- Tổ chức thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện và kinh doanh các dịch vụ bảo hiểm khác.
- Kinh doanh các dịch vụ bảo hiểm.
- Làm điểm đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước.
- Dịch vụ thu hộ (thu hộ tiền điện, nước, điện thoại…).
- Tổ chức triển khai các chương trình, dự án phát triển thông tin và truyền thông nông thôn và các chương trình, dự án khác của Nhà nước về nông thôn phù hợp quy định về hoạt động tại điểm Bưu điện văn hóa xã.
- Các dịch vụ về bưu chính công ích khác theo yêu cầu của Nhà nước.
b) Điểm Bưu điện văn hóa xã duy trì thời gian mở cửa theo Thông tư số 17/2015/TT-BTTTT ngày 30/6/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí tại các điểm giao dịch tối thiểu là 4 giờ/ngày làm việc. Riêng các điểm Bưu điện văn hóa xã thuộc các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới thời gian mở cửa giao dịch là 5 giờ/ngày làm việc.
c) Tổ chức ngày Sách Việt Nam 21/4 hàng năm tại một số điểm Bưu điện văn hóa xã có điều kiện nhằm tuyên truyền, duy trì và phát triển văn hóa đọc, đặc biệt là đối với các em học sinh và tầng lớp thanh thiếu niên.
3. Đào tạo, tuyển chọn nhân lực
a) Tiếp tục thực hiện chủ trương tuyển chọn nhân viên ở tại địa phương đáp ứng các điều kiện cơ bản như có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên. Riêng miền núi, vùng sâu, vùng xa tối thiểu phải có trình độ tốt nghiệp trung học cơ sở.
b) Tổ chức đào tạo cơ bản cho nhân viên điểm Bưu điện văn hóa xã về các nghiệp vụ bưu chính và tổ chức phục vụ đọc sách, báo. Bên cạnh đó, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin, kiến thức pháp luật, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng, kỹ năng giao tiếp…
4. Xây dựng điểm Bưu điện văn hóa xã thành điểm thiết chế văn hóa
a) Tổ chức các phong trào quyên góp sách trang bị cho điểm Bưu điện văn hóa xã nhằm tăng số lượng đầu sách phục vụ bạn đọc. Đồng thời, thực hiện luân chuyển sách giữa điểm Bưu điện văn hóa xã và Thư viện xã, giữa điểm Bưu điện văn hóa xã và Tủ sách pháp luật xã và ngược lại tối thiểu 06 tháng một lần.
b) Đảm bảo thời gian tối thiểu phục vụ nhu cầu đọc sách, báo của Nhân dân tương ứng với thời gian mở cửa theo quy định về Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về dịch vụ bưu chính công ích do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành theo từng thời kỳ.
c) Thực hiện cấp phát báo Đồng Nai cho 65 điểm Bưu điện văn hóa xã vùng sâu, vùng xa để phục vụ Nhân dân đọc sách, báo miễn phí nhằm đưa thông tin kịp thời đến người dân vùng nông thôn.
5. Nâng cao thu nhập cho lao động tại Bưu điện văn hóa xã
a) Áp dụng cơ chế chi trả mới để ổn định tư tưởng người lao động, tạo động lực phục vụ và phát triển kinh doanh. Bưu điện tỉnh Đồng Nai thực hiện tốt chế độ chi trả cho lao động tại điểm Bưu điện văn hóa xã theo quy định hiện hành. Xây dựng cơ chế khuyến khích tăng trưởng doanh thu, giao chỉ tiêu kế hoạch sản lượng, doanh thu. Xem xét đưa các dịch vụ phù hợp với đặc điểm của từng địa phương vào các điểm Bưu điện văn hóa xã và quy định mức chi hoa hồng một số dịch vụ ngoài các dịch vụ bắt buộc.
b) Đề xuất hỗ trợ từ nguồn kinh phí ngân sách đối với các điểm Bưu điện văn hóa xã có thu nhập hàng tháng thấp hơn mức lương cơ bản lên bằng mức lương cơ bản theo quy định hiện hành nhằm động viên tinh thần nhân viên các điểm Bưu điện văn hóa xã yên tâm công tác và phục vụ hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của người dân.
6. Công tác phối hợp với các ngành trong tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động điểm Bưu điện văn hóa xã:
a) Xác định rõ điểm Bưu điện văn hóa xã vẫn sẽ là thành phần của mạng bưu chính công cộng, đảm bảo nhiệm vụ cung cấp dịch vụ bưu chính công ích, nên cần sự ưu tiên hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, của các tổ chức để điểm Bưu điện văn hóa xã là điểm tựa triển khai các đề án phát triển thông tin truyền thông nông thôn, là nơi nhận xuất bản phẩm theo Chương trình mục tiêu Quốc gia “Đưa thông tin về cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa”, các đề án và dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
b) Xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai phong trào quyên góp sách thiếu nhi cho trẻ em nông thôn đọc tại Bưu điện văn hóa xã.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí do Bưu điện tỉnh Đồng Nai thực hiện.
2. Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh.
3. Huy động từ nguồn vốn khác: Huy động nguồn vốn hỗ trợ từ các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì quản lý, triển khai thực hiện đề án. Hàng năm phối hợp với Bưu điện tỉnh, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa xây dựng kế hoạch thực hiện đề án.
b) Phối hợp cùng Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Đồng Nai, Bưu điện tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các điểm Bưu điện văn hóa xã phối hợp với Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại địa phương trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân theo Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
c) Phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ, UBND cấp huyện, xã và các sở, ban, ngành có liên quan cung cấp thông tin về khoa học công nghệ khi người dân có nhu cầu.
d) Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong xây dựng kế hoạch, triển khai cụ thể hóa chương trình phối hợp số 430/CTr-BVHTTDL-BTTTT ngày 04/2/2013 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện văn hóa xã giai đoạn 2013 - 2020.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu bố trí nguồn lực để thực hiện đề án; tham mưu lồng ghép kinh phí của các Chương trình mục tiêu Quốc gia để triển khai các nội dung của đề án.
3. Sở Tài chính: Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí trong dự toán kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện đề án theo quy định của pháp luật; đồng thời, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện hồ sơ, thủ tục và thanh quyết toán theo đúng quy định.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong công tác xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình phối hợp số 430/CTr-BVHTTDL-BTTTT ngày 04/2/2013 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện văn hóa xã giai đoạn 2013 - 2020.
b) Chỉ đạo Thư viện tỉnh xây dựng kế hoạch luân chuyển sách, báo tại các điểm thư viện đến điểm Bưu điện văn hóa xã. Xây dựng kế hoạch cấp, tặng một số sách, báo, tạp chí cho các điểm Bưu điện văn hóa xã. Tổ chức các khóa đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ thư viện, văn hóa thông tin cơ sở cho nhân viên Bưu điện văn hóa xã.
5. Sở Tư pháp
a) Đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện xây dựng Tủ sách pháp luật của xã tại các điểm Bưu điện văn hóa xã để phục vụ Nhân dân theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật.
b) Phối hợp với Bưu điện tỉnh Đồng Nai trong việc xây dựng chương trình phổ biến kiến thức pháp luật cho nhân viên điểm Bưu điện văn hóa xã.
6. Hội Nông dân tỉnh
a) Chủ trì, phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các điểm Bưu điện văn hóa xã phối hợp với Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại địa phương trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân theo Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
b) Tổ chức tuyên truyền, vận động người nông dân đến điểm Bưu điện văn hóa xã để đọc sách.
7. Tỉnh đoàn Đồng Nai: Chỉ đạo các huyện đoàn, các tổ chức, đội thanh niên tình nguyện phối hợp với Bưu điện tỉnh Đồng Nai phát động phong trào quyên góp sách ủng hộ thiếu niên, nhi đồng cho vùng nông thôn, vận động các cháu thiếu nhi nông thôn đến điểm Bưu điện văn hóa xã để đọc sách, tra cứu thông tin qua internet.
8. UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa
a) Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để duy trì hoạt động của các điểm Bưu điện văn hóa xã. Hỗ trợ về đảm bảo an ninh, con người phục vụ tại điểm Bưu điện văn hóa xã. Tạo điều kiện thuận lợi các thủ tục về đất đai.
b) Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện các nội dung của đề án nhằm thực hiện có hiệu quả Tiêu chí 8 của ngành thông tin và truyền thông về xây dựng nông thôn mới.
9. Bưu điện tỉnh Đồng Nai
a) Nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh cơ chế, mức thù lao hợp lý và chế độ hoa hồng năng động, đặc thù cho các sản phẩm hàng hóa dịch vụ từ việc kinh doanh các dịch vụ bưu chính, viễn thông và các chế độ cho người làm việc tại điểm Bưu điện văn hóa xã nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động như chế độ trang bị bảo hộ lao động, chế độ chăm sóc sức khỏe, chế độ khen thưởng...; đổi mới cách thức phục vụ, loại hình dịch vụ bưu chính, viễn thông thu hút được người dân đến với điểm Bưu điện văn hóa xã; nghiên cứu mở thêm các dịch vụ mới có chất lượng tại các điểm Bưu điện văn hóa xã có điều kiện, khả năng cung cấp, kết hợp cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và các dịch vụ khác nhằm tạo thêm doanh thu.
b) Phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác tổ chức nhân sự, việc quản lý và vận hành các hoạt động tại điểm Bưu điện văn hóa xã như tổ chức, sản xuất, kinh doanh, quản lý cơ sở vật chất, thiết bị, an ninh, văn hóa, quan hệ hợp tác, xem xét việc đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên điểm Bưu điện văn hóa xã; chỉ đạo các Bưu điện huyện, thành phố duy trì và phát triển các hoạt động tại các điểm Bưu điện văn hóa xã nhằm thực hiện tốt việc cung ứng dịch vụ thông tin và truyền thông công ích tại các điểm Bưu điện văn hóa xã.
c) Nâng cấp, sửa đổi thiết kế công trình đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế và mở rộng hoạt động kinh doanh. Đầu tư thêm các thiết bị mới, các trang thiết bị cần thiết cho các loại hình dịch vụ gia tăng, dịch vụ ngoài ngành.
d) Thực hiện tốt công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên phục vụ tại các điểm Bưu điện văn hóa xã; xây dựng cơ chế chính sách đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của nhân viên Bưu điện văn hóa xã, phối hợp với chính quyền xã để hỗ trợ các chính sách về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho nhân viên điểm Bưu điện văn hóa xã; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các điểm Bưu điện văn hóa xã; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, các tổ chức, đoàn thể, các hiệp hội… để bổ sung nguồn đầu tư cơ sở vật chất và các chương trình phối hợp tại các điểm Bưu điện văn hóa xã.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa; Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Đồng Nai, Tỉnh đoàn Đồng Nai; Bưu điện tỉnh Đồng Nai và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC
DANH SÁCH CÁC XÃ ĐƯỢC CHỌN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN GIAI ĐOẠN 2015 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2813/QĐ-UBND ngày 18/9/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)
STT | Huyện, thị xã | Số điểm | Tên điểm Bưu điện văn hóa xã |
1 | Thị xã Long Khánh | 02 | Hàng Gòn, Xuân Lập |
2 | Xuân Lộc | 02 | Xuân Phú, Lang Minh |
3 | Cẩm Mỹ | 05 | Xuân Đông, Xuân Quế, Xuân Tây, Lâm San, Thừa Đức |
4 | Long Thành | 11 | Bàu Cạn, Bình An, Phước Bình, Tân Hiệp, Long An, Lộc An, Suối Trầu, Cẩm Đường, An Phước, Long Đức, Tam An |
5 | Nhơn Trạch | 05 | Phước Khánh, Long Thọ, Phú Đông, Phú Thạnh, Long Tân |
6 | Trảng Bom | 12 | Quảng Tiến, Giang Điền, Sông Trầu, Cây Gáo, Thanh Bình, Tây Hòa, Trung Hòa, Sông Thao, Bàu Hàm, An Viễn, Đồi 61, Bình Minh |
7 | Thống Nhất | 06 | Xuân Thạnh, Quang Trung 1, Dốc Mơ, Lộ 25, Hưng Lộc, Xuân Thiện |
8 | Vĩnh Cửu | 06 | Mã Đà, Hiếu Liêm, Trị An, Bình Hòa, Tân Bình, Bình Lợi |
9 | Định Quán | 06 | Gia Canh, Phú Lợi, Phú Tân, Phú Vinh, Suối Nho, Thanh Sơn |
10 | Tân Phú | 10 | Đắk Lua, Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Phú An, Phú Điền, Phú Lộc, Phú Sơn, Phú Thanh, Phú Thịnh, Tà Lài |
| Tổng cộng | 65 |
|