Nội dung toàn văn Quyết định 2892/2008/QĐ-UBND phân bổ vốn đầu tư chương trình 135 Quảng Ninh
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2892/2008/QĐ-BND | Hạ Long, ngày 05 tháng 9 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CÁC TIÊU CHÍ LÀM CĂN CỨ XÁC ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ CHO CÁC XÃ, THÔN, BẢN ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH 135 GIAI ĐOẠN II (2006 - 2010) TỈNH QUẢNG NINH THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 11/2008/NQ-HĐND NGÀY 15/7/2008 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II);
Căn cứ Thông tư Liên tịch số: 676/2006/TTLT-UBDT-KHĐT-TC-XD-NNPTNT ngày 08/8/2006 của Uỷ ban Dân tộc - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài Chính - Bộ Xây dựng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010;
Căn cứ Nghị quyết số 11/2008/NQ-HĐND ngày 15/7/2008 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc ban hành các tiêu chí làm căn cứ xác định mức phân bổ vốn đầu tư cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn II (2006 - 2010) tỉnh Quảng Ninh;
Xét đề nghị của Ban Dân tộc tỉnh tại Tờ trình số 96/TTr-DT ngày 25/8/2008 về việc ban hành các tiêu chí làm căn cứ xác định mức phân bổ vốn đầu tư cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn II (2006 - 2010) tỉnh Quảng Ninh và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại báo cáo số 82/BC-STP-KTVB ngày 19/8/2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành các tiêu chí làm căn cứ xác định mức phân bổ vốn đầu tư cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010) tỉnh Quảng Ninh theo Nghị quyết số 11/2008/NQ-HĐND ngày 15/7/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh cụ thể như sau:
1. Về tiêu chí phân bổ vốn:
1.1. Đối với các xã đặc biệt khó khăn gồm 4 tiêu chí:
- Tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo (áp dụng theo chuẩn nghèo hiện hành do Thủ tướng Chính phủ quy định).
- Tiêu chí về dân số.
- Tiêu chí về đất đai (diện tích tự nhiên).
- Tiêu chí về khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển của các xã.
1.2. Đối với thôn, bản đặc biệt khó khăn gồm 3 tiêu chí:
- Tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo (áp dụng theo chuẩn nghèo hiện hành do Thủ tướng Chính phủ quy định).
- Tiêu chí về dân số của thôn, bản.
- Tiêu chí về khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển của các thôn, bản.
2. Xác định thang điểm và cách tính điểm cho mỗi tiêu chí:
2.1. Thang điểm:
a) Nguyên tắc chung: lấy số trung bình của các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo từng tiêu chí làm chuẩn và quy ước bằng số điểm chuẩn tương ứng (trừ tiêu chí khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển của các xã, thôn, bản). Trong trường hợp xã, thôn, bản có số liệu thấp hơn mức chuẩn, mỗi 20% thấp hơn tính trừ 1 điểm đối với tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo, 0,5 điểm đối với các tiêu chí còn lại trong điểm chuẩn; xã, thôn, bản có số liệu trên mức chuẩn, mỗi 20% tăng thêm tính cộng 1 điểm đối với tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo, 0,5 điểm đối với các tiêu chí còn lại vào điểm chuẩn.
b) Số điểm chuẩn quy ước theo thứ tự các tiêu chí như sau:
STT | Tiêu chí | Điểm chuẩn |
I | Đối với các xã đặc biệt khó khăn: |
|
1 | Tỷ lệ hộ nghèo | 10 |
2 | Dân số | 5 |
3 | Đất đai (diện tích tự nhiên) | 5 |
4 | Tiêu chí về khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển: - Xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, hải đảo - Xã đặc biệt khó khăn thuộc khu vực III - Xã đặc biệt khó khăn thuộc khu vực II |
5 3 |
II | Đối với thôn, bản đặc biệt khó khăn: |
|
1 | Tỷ lệ hộ nghèo | 10 |
2 | Dân số | 5 |
3 | Tiêu chí về khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển: - Thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II. - Thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II vùng biên giới. | 5 6
|
2.2. Cách tính điểm cho mỗi tiêu chí:
a) Đối với xã đặc biệt khó khăn:
- Tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo: lấy tỷ lệ hộ nghèo bình quân năm 2006 của các xã đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II làm chuẩn (Tỷ lệ hộ nghèo theo số liệu do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội công bố thông qua kết quả điều tra, rà soát, thống kê hộ nghèo năm 2006).
Tỷ lệ hộ nghèo bình quân năm 2006 của các xã đặc biệt khó khăn là 60% =10 điểm: cách tính điểm đối với các xã thực hiện theo nguyên tắc chung quy định tại mục 2.1, điểm 2 nêu trên.
- Tiêu chí về dân số: lấy số liệu dân số bình quân của các xã theo kết quả điều tra, thống kê năm 2006 của Cục Thống kê tỉnh làm chuẩn.
Dân số bình quân năm 2006 của các xã đặc biệt khó khăn là 2.200 người/xã = 5 điểm: cách tính điểm đối với các xã thực hiện theo nguyên tắc chung quy định tại mục 2.1, điểm 2 nêu trên.
- Tiêu chí về đất đai (diện tích tự nhiên): lấy số liệu diện tích đất tự nhiên theo địa giới hành chính bình quân của các xã đặc biệt khó khăn theo kết quả tổng điều tra về đất đai của tỉnh Quảng Ninh năm 2005 làm chuẩn.
Diện tích đất tự nhiên theo địa giới hành chính bình quân năm 2005 của các xã đặc biệt khó khăn là 7.300 ha/xã = 5 điểm: cách tính điểm đối với các xã thực hiện theo nguyên tắc chung quy định tại mục 2.1, điểm 2 nêu trên.
- Tiêu chí về khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển: các xã được tính điểm theo quy định tại mục 2.1, điểm 2 nêu trên.
b) Đối với thôn, bản đặc biệt khó khăn:
- Tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo: lấy tỷ lệ hộ nghèo bình quân của các thôn, bản đặc biệt khó khăn theo báo cáo kết quả rà soát phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển năm 2006 của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã làm chuẩn.
Tỷ lệ hộ nghèo bình quân năm 2006 của các thôn, bản đặc biệt khó khăn là 80%= 10 điểm: cách tính điểm đối với các thôn, bản thực hiện theo nguyên tắc chung quy định tại mục 2.1, điểm 2 nêu trên.
- Tiêu chí về dân số: lấy dân số bình quân theo báo cáo kết quả rà soát phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển năm 2006 của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã làm chuẩn.
Dân số bình quân năm 2006 của các thôn, bản đặc biệt khó khăn là 250 người/thôn, bản = 5 điểm: cách tính điểm đối với các thôn, bản thực hiện theo nguyên tắc chung quy định tại mục 2.1, điểm 2 nêu trên.
- Tiêu chí về khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển: các thôn, bản đặc biệt khó khăn được tính điểm theo quy định tại mục 2.1, điểm 2 nêu trên.
3. Phương pháp tính vốn đầu tư, cơ cấu phân bổ vốn:
3.1. Đối với xã đặc biệt khó khăn:
- Phương pháp tính vốn đầu tư cho một xã:
Tổng vốn đầu tư cho các xã thuộc CT 135
Vốn đầu tư cho một xã = [ ] x [Số điểm của 1 xã đạt được]
Tổng số điểm của các xã thuộc CT 135
- Cơ cấu phân bổ vốn:
+ Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: 75% tổng vốn;
+ Hỗ trợ phát triển sản xuất: 18% tổng vốn;
+ Đào tạo nâng cao năng lực cán bộ và cộng đồng: 7 % tổng vốn, trong đó vốn đào tạo cán bộ do cơ quan cấp tỉnh thực hiện =2%, vốn đào tạo cán bộ do cấp huyện thực hiện = 5%.
3.2. Đối với thôn, bản đặc biệt khó khăn:
- Phương pháp tính vốn đầu tư cho một thôn, bản:
Tổng vốn đầu tư cho các thôn, bản thuộc CT 135
Vốn đầu tư cho một thôn bản = [ ] x [ Số điểm của 1 thôn bản ]
Tổng số điểm của các thôn bản thuộc CT 135
- Cơ cấu phân bổ vốn:
+ Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: 75% tổng vốn;
+ Hỗ trợ phát triển sản xuất: 18% tổng vốn;
+ Đào tạo nâng cao năng lực cán bộ và cộng đồng: 7 % tổng vốn.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Việc phân bổ vốn đầu tư cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn II của tỉnh theo tiêu chí quy định tại Điều 1, Quyết định này được thực hiện từ năm 2008.
2. Giao Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các Sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động -Thương binh và Xã hội, Uỷ ban nhân các địa phương thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II tổng hợp các số liệu theo từng tiêu chí cụ thể, đánh giá chấm điểm cho từng xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn để làm cơ sở phân bổ vốn đầu tư hàng năm.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4.Các ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |