Nội dung toàn văn Quyết định 2896/QĐ-UBND 2018 phát triển kinh tế thủy sản bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nam Định
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2896/QĐ-UBND | Nam Định, ngày 19 tháng 12 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ THỦY SẢN VÀ BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN TỈNH NAM ĐỊNH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Thông tư số 01/2012/TT-BKHĐT ngày 09/02/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu; Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
Căn cứ Quyết định số 490/QĐ-UBND ngày 09/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí lập Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Công văn số 3346/TCTS-KHTC ngày 27/9/2016 của Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tham gia ý kiến đối với Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 08/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định thông qua Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của: Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 433/TTr-SKH&ĐT ngày 28/11/2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 323/TTr-SNN ngày 19/11/2018 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với nội dung chủ yếu sau:
1. Tên quy hoạch: Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
2. Quan điểm, định hướng phát triển
2.1. Quan điểm phát triển
- Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch vùng của các huyện, thành phố; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020; Kế hoạch sử dụng đất của tỉnh và các huyện, thành phố.
- Phát triển kinh tế thủy sản đảm bảo tính bền vững, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng; Khai thác, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích lợi thế, tiềm năng về đất đai, mặt nước; Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong ngành nông nghiệp gắn với việc tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dựa trên cơ sở áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
2.2. Định hướng phát triển
2.2.1. Về nuôi trồng thủy sản
- Đa dạng hóa các đối tượng nuôi trên cơ sở lựa chọn các đối tượng có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của tỉnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, trong đó tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực, đặc biệt nuôi tôm và ngao.
- Tổ chức sản xuất theo hướng liên doanh liên kết, doanh nghiệp, Hợp tác xã, hiệp hội, sản xuất theo chuỗi giá trị; Áp dụng các công nghệ, mô hình nuôi tiên tiến đáp ứng nuôi trồng thủy sản bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc các tiêu chuẩn tương đương, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
- Phát triển nuôi trồng thủy sản đồng bộ cả khu vực mặn lợ và nước ngọt, từng bước chuyển các diện tích nuôi quảng canh sang nuôi bán thâm canh, thâm canh. Phát triển nuôi lồng bè trên các sông đảm bảo tuân thủ các quy định về giao thông đường thủy nội địa; Khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của vùng bãi ngập triều ven biển cho phát triển các loài nhuyễn thể; Hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung từ việc rà soát các vùng nuôi đã có và bổ sung mới trên cơ sở kế hoạch sử dụng đất của tỉnh thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng lúa tại các vùng úng trũng năng suất thấp, các vùng trồng lúa bị nhiễm mặn sang nuôi trồng thủy sản. Diện tích chuyển đổi mỗi vùng phải đảm bảo 10 ha trở lên, có hệ thống thủy lợi tưới tiêu riêng biệt, đáp ứng yêu cầu sản xuất tập trung.
- Đầu tư về hạ tầng và kỹ thuật cho hoạt động sản xuất giống thủy sản, đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Tiếp nhận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất giống nhằm tạo ra con giống sạch bệnh, tiến tới chủ động sản xuất tại chỗ các loại giống đủ phục vụ cho nuôi trồng thủy sản.
2.2.2. Về khai thác thủy sản
- Cơ cấu lại đội tàu khai thác trên biển theo hướng giảm dần số lượng tàu khai thác gần bờ và giảm mạnh nghề lưới kéo; Xây dựng cơ chế chính sách chuyển đổi nghề nghiệp đối với cộng đồng ngư dân vùng ven biển.
- Tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết như tổ đội, nghiệp đoàn, Hợp tác xã,... nhằm nâng cao năng lực khai thác xa bờ, tìm kiếm ngư trường trên các vùng biển xa tiến tới khai thác vùng viễn dương. Ưu tiên các nghề khai thác có tính chọn lọc, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khai thác và bảo quản sản phẩm nhằm giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch.
- Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản, cập nhật và phổ biến thông tin dự báo ngư trường đảm bảo khai thác phải gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chủ quyền biển đảo. Nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý; Đầu tư hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo giám sát hoạt động của tàu cá, đáp ứng yêu cầu theo pháp luật Việt Nam và các quy ước Quốc tế.
2.2.3. Về bảo vệ nguồn lợi thủy sản
- Nâng cao năng lực giám sát, kiểm soát nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là ở các khu bảo tồn, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Thực hiện đồng quản lý trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
- Tăng cường các hoạt động tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý và cộng đồng. Phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức tôn giáo nhằm nhân rộng và từng bước xã hội hóa hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.
- Bảo tồn và khôi phục các loài thủy sản bản địa quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
2.2.4. Về chế biến và thương mại thủy sản
- Kêu gọi và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đầu tư thu mua, chế biến các nhóm sản phẩm có lợi thế của tỉnh như: sứa biển, nước mắm truyền thống, bột cá, các sản phẩm từ nhuyễn thể hai mảnh vỏ,...
- Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị gắn nuôi trồng, khai thác với chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản; Khôi phục và phát triển các làng nghề chế biến truyền thống theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo sản xuất gắn với chỉ dẫn địa lý và thương hiệu đặc trưng của từng địa phương.
- Tăng cường kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm thủy sản sau thu hoạch; Thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường xuất khẩu các sản phẩm thủy sản theo đường chính ngạch.
2.2.5. Về dịch vụ hậu cần nghề cá
- Đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi đảm bảo phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy mô lớn và bền vững. Tăng cường quản lý giám sát các cơ sở kinh doanh vật tư đầu vào phục vụ nuôi trồng thủy sản đảm bảo cung ứng đủ về số lượng và chất lượng cho nhu cầu sản xuất.
- Phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản theo mô hình tổ đội, hình thành các liên kết cung ứng vật tư nhu yếu phẩm và thu mua hải sản giúp ngư dân vươn khơi bám biển, giảm chi phí sản xuất và giảm tổn thất sau thu hoạch.
- Nâng cao năng lực của cảng cá Ninh Cơ và các khu neo đậu tránh trú bão; Huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện các công trình đang xây dựng và bổ sung xây dựng các công trình đã được Chính phủ phê duyệt. Rà soát và tổ chức lại hoạt động của các bến cá để công bố mở cảng cá theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017.
3. Mục tiêu phát triển
3.1. Mục tiêu chung: Phát triển ngành thủy sản toàn diện các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần thủy sản theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế; Chuyển dịch cơ cấu sản xuất, kinh doanh thủy sản từ nhỏ lẻ, phân tán lên sản xuất theo chuỗi hàng hóa lớn, gắn liền với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường và góp phần bảo vệ quốc phòng an ninh biển đảo.
3.2. Mục tiêu cụ thể
3.2.1. Đến năm 2025
- Về nuôi trồng thủy sản: Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản từ 17.814 ha trở lên; Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 124.900 tấn; Tổng số lượng con giống thủy sản 17,7 tỷ con. Phấn đấu có từ 60-70% diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng các biện pháp nuôi an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có từ 200 ha nuôi trồng thủy sản trở lên được chứng nhận VietGAP hoặc các chứng nhận tương đương.
- Về khai thác thủy sản: Tổng số tàu cá 2.050 chiếc (trong đó số tàu đánh cá xa bờ khoảng 700 chiếc); Sản lượng khai thác 54.400 tấn; Giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch từ 25% năm 2017 xuống dưới 15% năm 2025.
- Về dịch vụ hậu cần nghề cá: Gồm 09 cảng cá (01 cảng cá loại I, 03 cảng cá loại II và 05 cảng cá loại III); 04 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão (01 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cấp vùng; 03 Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cấp tỉnh).
- Về bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Khai thác hợp lý và có kiểm soát nguồn lợi thủy sản xa bờ; bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ và trong khu bảo tồn thiên nhiên vùng đất ngập nước (RAMSAR) Vườn Quốc gia Xuân Thủy, gắn kết phát triển thủy sản với phát triển du lịch sinh thái. Đến năm 2025 có 01 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, 03 tổ chức quản lý cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- Về chế biến thủy sản: Phấn đấu tỷ lệ sản phẩm được xây dựng theo chuỗi sản xuất (gắn kết sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm) đạt từ 25% trở lên, tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng đạt khoảng 30% trở lên.
- Về tỷ trọng kinh tế thủy sản so với toàn ngành nông nghiệp đạt từ 25%-27%.
3.2.2. Đến năm 2030
- Về nuôi trồng thủy sản: Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 19.799 ha; Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 150.700 tấn; Tổng số lượng con giống thủy sản 21,7 tỷ con. Phấn đấu có từ 70-90% diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng các biện pháp nuôi an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có từ 300 ha nuôi trồng thủy sản trở lên được chứng nhận VietGAP hoặc các chứng nhận tương đương.
- Về khai thác thủy sản: Tổng số tàu cá 1.950 chiếc (trong đó số tàu đánh cá xa bờ khoảng 900 chiếc); Sản lượng khai thác 59.400 tấn; Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch giảm xuống dưới 10%; Chuyển khoảng 40% tàu làm nghề lưới kéo sang nghề chọn lọc khác thân thiện với môi trường như nghề lưới rê, lưới vây, lưới chụp.
- Về dịch vụ hậu cần nghề cá: Giữ nguyên 09 cảng cá (01 cảng cá loại I, 03 cảng cá loại II và 05 cảng cá loại III); 05 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão (01 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cấp vùng; 04 Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cấp tỉnh).
- Về bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Đến năm 2030 có 02 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, 04 tổ chức quản lý cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tăng cường thực thi pháp luật, ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi; Xây dựng các mô hình quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản phù hợp với Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Về chế biến thủy sản: Phấn đấu tỷ lệ sản phẩm được xây dựng theo chuỗi sản xuất (gắn kết sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm) và tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng khoảng 50% trở lên.
- Về tỷ trọng kinh tế thủy sản so với toàn ngành nông nghiệp đạt từ 27%-30%.
4. Nội dung chủ yếu Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
4.1. Quy hoạch về nuôi trồng thủy sản
4.1.1. Quy hoạch diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản: Đến năm 2025 đạt từ 17.814 ha trở lên, tăng bình quân 1,7%/năm; Sản lượng 124.900 tấn, tăng bình quân 4,2%/năm (giai đoạn 2018-2025). Đến năm 2030 diện tích nuôi trồng thủy sản 19.799 ha, tăng bình quân 2,1%/ năm; Sản lượng 150.700 tấn, tăng bình quân 3,8%/năm (giai đoạn 2026-2030).
Diện tích quy hoạch tăng thêm được chuyển đổi từ các vùng đất trồng lúa kém hiệu quả và các vùng đất khác sang nuôi trồng thủy sản. Trong đó giai đoạn 2018-2025 chuyển đổi khoảng 2.705 ha; Giai đoạn 2025-2030 chuyển đổi khoảng 2.669 ha.
4.1.2. Quy hoạch nuôi tôm nước lợ: Phát triển nuôi tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) theo hướng phát triển bền vững VietGAP và phát triển theo mô hình sản xuất hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đến năm 2025, diện tích nuôi tôm nước lợ 4.175 ha; Sản lượng 9.700 tấn. Đến năm 2030, diện tích giảm còn 3.680 ha (do vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại huyện Nghĩa Hưng được chuyển đổi sang đất công nghiệp, dịch vụ thương mại và du lịch Rạng Đông); Sản lượng 11.250 tấn.
4.1.3. Quy hoạch nuôi cá biển: Phát triển nuôi cá biển theo hướng phát triển bền vững và theo quy mô sản xuất hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tập trung chủ yếu tại 3 huyện ven biển là huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy và một phần diện tích ở huyện Xuân Trường. Đến năm 2025, diện tích nuôi cá biển 214 ha; Sản lượng 1.965 tấn. Đến năm 2030, diện tích giảm còn 184 ha; Sản lượng 1.760 tấn.
4.1.4. Quy hoạch nuôi Ngao: Phát triển nuôi Ngao theo hướng đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt tiêu chuẩn vùng nuôi an toàn thực phẩm cấp độ B do Liên minh Châu Âu (EU) công nhận, phát triển theo quy mô sản xuất hàng hóa để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đến năm 2025, diện tích nuôi Ngao 1.930 ha; Sản lượng 39.050 tấn. Đến năm 2030, diện tích giảm còn 1.855 ha; Sản lượng 39.750 tấn.
4.1.5. Quy hoạch nuôi cá ao, hồ nước ngọt: Phát triển nuôi cá nước ngọt ao, hồ theo hướng phát triển bền vững và định hướng phát triển theo quy mô sản xuất hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đến năm 2025, diện tích nuôi cá nước ngọt 11.390 ha; Sản lượng 70.520 tấn. Đến năm 2030, diện tích 14.009 ha; Sản lượng 94.900 tấn.
4.1.6 Quy hoạch sản xuất giống thủy sản các loại: Phát triển sản xuất giống thủy sản theo hướng tập trung nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất giống nhằm đảm bảo cung ứng đủ số lượng và chất lượng con giống cho người nuôi. Khuyến khích các cơ sở sản xuất giống áp dụng các tiến bộ khoa học, tiếp nhận công nghệ sản xuất tiên tiến trong sản xuất giống nhằm cung cấp cho thị trường đàn giống đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh, nhất là đối với một số đối tượng nuôi chưa sản xuất được tại địa phương như giống tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược, cá diêu hồng,... Đến năm 2025, có 105 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đáp ứng đủ điều kiện sản xuất; Sản lượng giống thủy sản 17.726 triệu con. Đến năm 2030, tiếp tục duy trì 105 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; Sản lượng giống thủy sản 21.700 triệu con.
4.1.7. Quy hoạch phương thức nuôi thủy sản: Tăng diện tích nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh ở những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, kiểm soát được các yếu tố môi trường, phát triển nuôi theo hướng an toàn sinh học và giảm diện tích nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến. Đến năm 2025, diện tích nuôi trồng thủy sản thâm canh 2.883 ha, nuôi bán thâm canh 4.191 ha, nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến 10.740 ha; Đến năm 2030, diện tích nuôi trồng thủy sản thâm canh 3.730 ha, nuôi bán thâm canh 7.040 ha, nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến 9.029 ha.
4.1.8. Phương án hệ thống thủy lợi về kênh cấp, thoát nước cho vùng nuôi trồng thủy sản tập trung nước mặn, lợ thuộc 4 huyện trọng điểm: huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Xuân Trường (phương án quy hoạch cụ thể cho từng vùng nuôi trồng thủy sản trong quy hoạch chi tiết).
4.2. Quy hoạch về khai thác thủy sản
4.2.1. Dự kiến sản lượng khai thác thủy sản: Tập trung phát triển khai thác thủy sản biển trên cơ sở từng bước nâng cao sản lượng và năng suất, đánh bắt có chọn lọc các đối tượng có giá trị kinh tế cao, sản lượng khai thác chủ yếu từ khai khác xa bờ để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ và tăng hiệu quả kinh tế. Đến năm 2025, tổng sản lượng khai thác thủy sản 54.400 tấn, tăng bình quân 1,5%/năm (giai đoạn 2018- 2025), trong đó sản lượng khai thác thủy sản biển 52.490 tấn. Đến năm 2030 là 59.400 tấn, tăng bình quân 1,8%/năm (giai đoạn 2026 - 2030), trong đó sản lượng khai thác thủy sản biển 58.050 tấn.
4.2.2. Quy hoạch về tàu thuyền khai thác thủy sản: Tập trung nâng số lượng các tàu cá có công suất lớn, có khả năng vươn khơi xa đánh bắt ở nước ngoài và hướng tới giảm số tàu thuyền nhỏ đánh bắt ven bờ để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đến năm 2025 tổng số tàu thuyền 2.050 chiếc, giảm bình quân 0,12%/năm, trong đó tàu cá khai thác vùng khơi (loại tàu có chiều dài Lmax ≥15m) là 700 chiếc tăng bình quân 8,3%/năm (giai đoạn 2018-2025). Đến năm 2030 tổng số tàu giảm còn 1.950 chiếc, giảm bình quân 1%/năm, trong đó tàu cá khai thác vùng khơi (loại tàu có chiều dài Lmax ≥15m) là 900 chiếc tăng bình quân 5,15%/năm (giai đoạn 2025-2030).
4.2.3. Cơ cấu nghề khai thác thủy sản: Cơ cấu nghề khai thác thủy sản được phát triển theo hướng giảm dần hoặc loại bỏ các nghề khai thác gây tác động xấu đến nguồn lợi thủy sản và môi trường biển, duy trì và phát triển nghề khai thác đem lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường. Tập trung phát triển các nghề khai thác có tính chọn lọc cao như nghề lưới rê xa bờ và nghề chụp mực; giảm dần các nghề khai thác ở vùng lộng đánh bắt tôm, cá nhỏ chưa trưởng thành như nghề lưới kéo; phát triển thêm các nghề mới như nghề lưới vây, nghề câu xa bờ và xóa bỏ các nghề khai thác ven bờ mang tính hủy diệt, sử dụng xung điện, vật liệu nổ. Đến năm 2025, cơ cấu nghề lưới kéo chiếm 16%, nghề lưới rê chiếm 73%, nghề lưới chụp chiếm 3% và các nghề khai thác khác chiếm 8%; Đến năm 2030 cơ cấu nghề lưới kéo chiếm 12%, nghề lưới rê chiếm 71%, nghề lưới chụp chiếm 5% và các nghề khai thác khác chiếm 12% tổng số đơn vị nghề khai thác thủy sản toàn tỉnh.
4.2.4. Phân vùng và phân tuyến khai thác thủy sản
a) Phân vùng hoạt động khai thác thủy sản
- Tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi và vùng biển quốc tế, không được khai thác thủy sản tại vùng ven bờ và vùng lộng.
- Tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m khai thác thủy sản tại vùng lộng và không được khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển ven bờ và vùng biển quốc tế.
- Tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 12m khai thác thủy sản trong vùng ven bờ, không được khai thác thủy sản tại vùng lộng, vùng khơi và vùng biển quốc tế.
- Tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 6m hoặc không lắp máy đăng ký thì chỉ được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ của tỉnh. Trừ trường hợp Ủy ban nhân dân của hai tỉnh có biển liền kề có thỏa thuận riêng về việc cho phép tàu cá tỉnh bạn vào khai thác thủy sản trong vùng biển ven bờ của tỉnh mình.
- Các nghề và loại tàu khai thác thủy sản bị cấm hoạt động trong một số vùng khai thác theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017.
b) Phân tuyến hoạt động khai thác thủy sản
- Tuyến bờ tỉnh Nam Định được giới hạn bởi đoạn thẳng nối liền 2 điểm: từ điểm 03 tọa độ 20° 36' 52" vĩ độ Bắc, 107° 12' 25" kinh độ Đông đến điểm 04 tọa độ 19° 20' 51" vĩ độ Bắc, 105° 56' 02" kinh độ Đông.
- Tuyến lộng tỉnh Nam Định được giới hạn bởi đoạn thẳng nối liền 2 điểm: từ điểm 02’ tọa độ 20° 0' 0" vĩ độ Bắc, 107° 07' 41" kinh độ Đông đến điểm 03’ tọa độ 19° 33' 07" vĩ độ Bắc, 106° 37' 17" kinh độ Đông.
4.2.5. Quy hoạch dịch vụ hậu cần nghề cá cho khai thác thủy sản
a) Cảng cá, Khu neo đậu tàu cá: Đến năm 2025, quy hoạch 09 cảng cá (trong đó 01 cảng cá loại I, 03 cảng cá loại II và 05 cảng cá loại III); 04 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão (trong đó 01 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cấp vùng, 03 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cấp tỉnh). Đến năm 2030, duy trì 09 cảng cá; 05 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão (trong đó 01 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cấp vùng, 04 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cấp tỉnh).
b) Cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền nghề cá: Đến năm 2025 có 20 cơ sở; đến năm 2030 là 22 cơ sở.
c) Đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển: Phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển của tỉnh đến năm 2025 có khoảng 10 chiếc (mỗi chiếc công suất trên 850 CV, chiều dài từ 15m trở lên, tải trọng trên 500 tấn); đến năm 2030 có khoảng 12 chiếc.
4.2.6. Tổ chức sản xuất trong khai thác thủy sản
- Tổ chức rà soát số lượng tàu thuyền khai thác hải sản làm cơ sở xây dựng định hướng phát triển các loại nghề phù hợp với trữ lượng và khả năng cho phép của vùng biển; điều tra nguồn lợi thủy sản; tổ chức công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh.
- Tổ chức lựa chọn và xây dựng các mô hình đồng quản lý nghề cá tại các vùng biển ven bờ. Xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề, tạo sinh kế thay thế cho các nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường, nhất là vùng ven biển, nhằm từng bước tạo việc làm ổn định, nâng cao mức sống ngư dân và bảo vệ môi trường sinh thái vùng ven biển.
- Xây dựng, phát triển các mô hình liên kết, liên doanh gắn với các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với các nghề cá của địa phương.
- Củng cố, xây dựng các làng nghề truyền thống, gắn với xây dựng nông thôn mới ở vùng ven biển.
- Củng cố, phát triển các mô hình sản xuất khai thác thủy sản ở vùng biển khơi theo nhóm nghề, đối tượng khai thác dựa trên quy hoạch chung của cả ngành.
- Tổ chức xây dựng và thực hiện phát triển các mô hình tổ chức sản xuất như hợp tác xã, tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển; mô hình liên kết giữa ngư dân với các tổ chức, doanh nghiệp thu mua, chế biến tiêu thụ sản phẩm.
4.3. Quy hoạch về bảo vệ nguồn lợi thủy sản
4.3.1. Quy hoạch khu bảo tồn và khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Giữ nguyên khu bảo tồn thiên nhiên vùng đất ngập nước thuộc Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Đến năm 2025, thành lập khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển huyện Giao Thủy. Đến năm 2030, thành lập khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển huyện Nghĩa Hưng.
4.3.2. Quản lý nguồn lợi và tái tạo nguồn lợi thủy sản: Đến năm 2025, thành lập 03 tổ chức quản lý cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Đến năm 2030 thành lập 04 tổ chức quản lý cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Khoanh vùng bảo vệ bãi sinh sản, bãi giống thủy sản tự nhiên; bảo vệ các loài thủy sản bản địa, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như ngao dầu, trùng trục, móng tay, sò huyết, giá biển, cá bống bớp, cua rèm. Nghiên cứu sinh sản nhân tạo thành công một số đối tượng thủy sản bản địa quý hiếm như con phi, ngao dầu,.... phục vụ công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Hàng năm duy trì hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản vào các vùng nước tự nhiên.
4.4. Quy hoạch về chế biến và thương mại thủy sản
4.4.1. Nguồn nguyên liệu sản xuất: Nguồn nguyên liệu cung cấp cho ngành chế biến và thương mại thủy sản của tỉnh được duy trì ổn định, chủ yếu từ nguồn nguyên liệu nuôi trồng và khai thác thủy sản trong tỉnh. Dự tính đến năm 2025 lượng nguyên liệu có thể đưa vào chế biến chiếm khoảng 20%; đến năm 2030 là 30% tổng sản lượng sản xuất thủy sản của toàn tỉnh.
4.4.2. Sản phẩm chế biến và thương mại thủy sản
Sản phẩm cho chế biến và thương mại thủy sản của tỉnh được đa dạng hóa và nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Quy hoạch phát triển theo từng nhóm ngành hàng sau:
(1) Nhóm sản phẩm tươi sống: Là mặt hàng được sản xuất và tiêu thụ nhiều nhất của tỉnh với tổng sản lượng khoảng 100.790 tấn vào năm 2025 và 107.730 tấn vào năm 2030.
(2) Nhóm sản phẩm tươi, ướp nước đá: Là các sản phẩm khai thác vùng khơi, có giá trị cao và có khả năng xuất khẩu. Đến năm 2025, sản lượng khoảng 42.785 tấn; đến năm 2030 là 49.510 tấn.
(3) Nhóm sản phẩm đông lạnh: Giai đoạn 2018-2025, duy trì sản lượng mỗi năm sản xuất từ 3.000 đến 4.000 tấn; đến năm 2030 tăng lên 15.000 tấn. Các sản phẩm này chủ yếu hướng đến thị trường xuất khẩu nên cần được kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm chặt chẽ.
(4) Nhóm sản phẩm khô: Đến năm 2025, sản lượng khoảng 7.000 tấn; đến năm 2030 tăng lên 10.000 tấn. Cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng moi khô, tôm biển khô, cá mai khô, gắn với thương hiệu của tỉnh.
(5) Nhóm sản phẩm dạng mắm: Nâng sản lượng lên khoảng 6 triệu lít vào năm 2025 và 7 triệu lít vào năm 2030. Sản phẩm nước nắm cần được nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu để có thể cạnh tranh với các thương hiệu nước mắm nổi tiếng khác.
4.4.3. Định hướng phát triển các cơ sở chế biến thủy sản
- Để đảm bảo khả năng chế biến nguồn cung nguyên liệu thủy sản, đến năm 2025 dự kiến sẽ nâng số lượng cơ sở kinh doanh, thu mua, sơ chế và chế biến thủy sản từ 153 cơ sở như hiện nay lên 165 cơ sở (trong đó có 15 cơ sở quy mô công nghiệp); Đến năm 2030 là 175 cơ sở (trong đó có 25 cơ sở quy mô công nghiệp). Tạo điều kiện cho từ 15 đến 25 cơ sở được chứng nhận HACCP và ít nhất 02 cơ sở có khả năng xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường yêu cầu khắt khe về chất lượng là EU, Mỹ và Nhật.
- Khuyến khích tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến thủy sản; ưu tiên bố trí mặt bằng cho việc xây dựng các cơ sở kinh doanh, thu mua, sơ chế và chế biến ở các địa phương có lợi thế nguồn nguyên liệu như huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Giao Thủy, nhằm gắn kết chặt chẽ các cơ sở chế biến với vùng sản xuất nguyên liệu, người nuôi trồng, ngư dân và các cơ sở dịch vụ hậu cần (các cảng cá), hướng tới hình thành chuỗi liên kết giá trị sản xuất, quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm theo hệ thống và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
- Khuyến khích các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, dây chuyền sản xuất và công nghệ bảo quản; góp phần nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm và không gây ô nhiễm môi trường.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại các sản phẩm thủy sản của tỉnh, tập trung vào các đối tượng chủ lực, các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của tỉnh như ngao, sứa, nước nắm,...
4.4.4. Định hướng phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm
- Thị trường xuất khẩu chủ lực vẫn là Trung Quốc và EU với các mặt hàng truyền thống như ngao, cá bống bớp, cua, mực tươi sống hoặc cấp đông; hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước là Hàn Quốc, Mỹ, Nhật và các nước ASEAN.
- Thị trường nội địa được phát triển theo hướng gắn với ngành du lịch và dịch vụ của tỉnh, với các sản phẩm chế biến được tiêu thụ nhiều như chả cá, sứa, nước mắm, thủy sản tươi sống, đông lạnh, hàng khô.
5. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư: Trong phạm vi Quy hoạch đề xuất 08 nhóm với 25 dự án ưu tiên đầu tư. Dự kiến tổng số vốn là 3.611 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 2.051 tỷ đồng; nguồn vốn kêu gọi đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác 1.560 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2018-2025 là 1.147 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 948 tỷ đồng; ngân sách địa phương 199 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2025-2030 là 2.464 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 650 tỷ đồng; ngân sách địa phương 254 tỷ đồng; nguồn vốn kêu gọi đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác 1.560 tỷ đồng.
(Chi tiết danh mục các dự án ưu tiên đầu tư theo Phụ lục trong quy hoạch).
6. Các giải pháp thực hiện quy hoạch
6.1. Về cơ chế chính sách
- Chính sách về tài chính đầu tư: Tạo cơ chế và thủ tục đơn giản để các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thủy sản dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển sản xuất; tăng cường thu hút đầu tư, cải tiến công nghệ, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực thủy sản để huy động nguồn lực xã hội cho phát triển thủy sản, giảm dần tỷ lệ và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
- Chính sách về đất đai: Tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích tích tụ đất đai để phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa lớn; Sử dụng đất đai, diện tích mặt nước theo quy hoạch.
- Chính sách về đào tạo nguồn nhân lực: Có chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sản xuất thủy sản; Xây dựng chiến lược đào tạo dài hạn và đào tạo lại để có được một lực lượng lao động và cán bộ quản lý có trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành. Chú trọng hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo trong việc đào tạo nguồn nhân lực thủy sản theo từng giai đoạn phát triển.
6.2. Về tổ chức sản xuất: Thực hiện tái cơ cấu trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản. Đa dạng hóa mô hình tổ chức sản xuất, khuyến khích các mô hình liên kết, liên doanh giữa người sản xuất nguyên liệu, với các nhà chế biến, thương nhân, các nhà đầu tư, tín dụng... theo chuỗi giá trị của sản phẩm, với sự tham gia quản lý, tổ chức của cộng đồng, của các Hội, Hiệp hội.
6.3. Về khoa học công nghệ và khuyến ngư
- Nghiên cứu các đề tài ứng dụng gắn liền với sản xuất chế biến tiêu thụ theo chuỗi sản xuất và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến (công nghệ sinh học, công nghệ cao, công nghệ sản xuất giống sạch bệnh,...). Chủ động, tích cực hợp tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ với các tổ chức nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học trong và ngoài nước.
- Chuyển giao, ứng dụng công nghệ sản xuất mới trong lĩnh vực sản xuất giống cá biển và một số loài có giá trị kinh tế cao. Ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong khai thác, bảo quản, chế biến thủy sản, từng bước phát triển nghề khai thác thủy sản theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.
- Xây dựng, tổng kết và nhân rộng các mô hình: nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, mô hình nuôi thủy sản áp dụng thực hành sản xuất tốt (VietGAP,...), nuôi thủy sản có chứng chỉ, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và theo tiêu chuẩn quốc tế; mô hình sản xuất giống sạch bệnh.
- Tăng cường hướng dẫn kỹ thuật, mùa vụ, mật độ phù hợp theo đối tượng nuôi và vùng sinh thái; tuyên truyền, phổ biến trao đổi kinh nghiệm rộng rãi cho nông, ngư dân, các tổ chức tham gia nuôi trồng thủy sản.
6.4. Về thích ứng với biến đổi khí hậu
- Tích cực phối hợp với cơ quan quản lý, nghiên cứu về tài nguyên và môi trường trong việc dự báo các kịch bản biến đổi khí hậu cụ thể ở các vùng cửa sông, ven biển; dự báo các công trình phục vụ thủy sản bị đe dọa do nước biển dâng: cảng cá, khu neo đậu, các ao đầm vùng cửa sông, ven biển,... để quản lý đầu tư xây dựng các công trình thủy sản cho phù hợp. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền giúp ngư dân nhận thức rõ về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đời sống và sản xuất thủy sản. Xây dựng cơ sở dữ liệu (bản đồ, số liệu, ảnh vệ tinh phục vụ cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng).
- Nghiên cứu các giống thủy sản có khả năng thích ứng tốt với tác động của môi trường, thời tiết khí hậu diễn biến bất thường; Ưu tiên thực hiện các dự án xây dựng đê kè biển ở những khu vực xung yếu, đang chịu tác động xâm thực hoặc có nguy cơ cao về xâm thực.
6.5. Về hợp tác quốc tế và phát triển thị trường tiêu thụ
- Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp nhận công nghệ tiên tiến trong phát triển kinh tế thủy sản, chuyển giao công nghệ sản xuất thủy sản mới; hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực thủy sản cho tỉnh.
- Thúc đẩy phát triển và mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; Đổi mới phương thức thực hiện xúc tiến thương mại và phát triển thị trường phù hợp với chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu, theo hướng các doanh nghiệp, cơ sở nhà máy chế biến là chủ thể tổ chức thực hiện. Tập trung xây dựng các thương hiệu và có chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thủy sản của tỉnh. Cung cấp thông tin thị trường kịp thời cho các cơ sở, doanh nghiệp để định hướng sản xuất nguyên liệu, chế biến sản phẩm theo dự báo và nhu cầu của thị trường.
- Tăng cường hợp tác quốc tế, nắm bắt kịp thời thông tin; tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về vốn, khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia có điều kiện tương đồng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương công bố, tuyên truyền và triển khai thực hiện nội dung của quy hoạch; Xây dựng và triển khai các kế hoạch, chương trình, để án và dự án cụ thể,... để thực hiện nội dung quy hoạch; Quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện quy hoạch trên phạm vi toàn tỉnh; Kịp thời đề xuất các giải pháp nâng cao tính khả thi, hiệu quả của quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách của Trung ương và của tỉnh hỗ trợ phát triển kinh tế thủy sản. Phối hợp với các Sở, ngành và địa phương kêu gọi các nhà đầu tư tham gia triển khai thực hiện các dự án trọng điểm về phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành liên quan thẩm định, tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt các chương trình, dự án về phát triển kinh tế thủy sản có sử dụng nguồn vốn đầu tư công theo các chương trình, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh; tham mưu về nội dung bố trí vốn trung hạn và hàng năm cho các chương trình, dự án theo khả năng cân đối các nguồn vốn, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và đảm bảo đúng với quy định hiện hành.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường: Tổng hợp nhu cầu sử dụng đất các công trình, dự án phát triển thủy sản vào Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất của tỉnh. Tăng cường hướng dẫn, giám sát việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường các dự án thủy sản. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc tăng cường các điểm quan trắc chất lượng môi trường nước tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.
4. Các Sở, ngành: Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Công thương và các Sở, ngành có liên quan,... theo chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các công việc liên quan để thực hiện quy hoạch này.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Căn cứ Quy hoạch này, xây dựng đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ quy hoạch. Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ngành liên quan kiểm tra, hướng dẫn, giám sát các tổ chức, cá nhân đầu tư, mở rộng phát triển thủy sản đảm bảo theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Lồng ghép nội dung quy hoạch phát triển thủy sản của tỉnh phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thành phố. Xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển thủy sản trên địa bàn đảm bảo hiệu quả, đúng quy định. Có trách nhiệm hướng dẫn và phối hợp cùng chủ dự án tổ chức triển khai thực hiện đề án, dự án đầu tư đã được phê duyệt đảm bảo đúng tiến độ, đúng nội dung và có hiệu quả. Phối hợp với các Sở, ngành liên quan kêu gọi các nhà đầu tư triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển thủy sản trên địa bàn. Bổ sung nhu cầu sử dụng đất thủy sản theo quy hoạch trên địa bàn vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phát triển sản xuất thủy sản tại cơ sở, xử lý nghiêm minh, đúng quy định các vi phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm tại địa phương.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Công thương và các Sở, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Nam Định; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |