Nội dung toàn văn Quyết định 292-CT lập chứng từ mua, bán hàng và cung ứng dịch vụ thu tiền
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 292-CT | Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 1988 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC LẬP CHỨNG TỪ MUA, BÁN HÀNG VÀ CUNG ỨNG DỊCH VỤ THU TIỀN
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Để thi hành Pháp lệnh kế toán và thống kê ngày 10-5-1988;
Nhằm tăng cường quản lý kinh tế - tài chính, bảo vệ tải sản xã hội chủ nghĩa, bảo hộ các hoạt động kinh doanh và hợp pháp và lợi ích của người tiêu dùng, chống những hành vi kinh doanh phi pháp;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Tất cả các tổ chức kinh tế của Nhà nước của tập thể, các đơn vị lực lượng vũ trang, các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân và các hộ tư nhân hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ mỗi khi mua, bán hàng, cung ứng dịch vụ hoặc thực hiện chức năng thu tiền cho ngân sách Nhà nước đều phải lập chứng từ hợp lệ và giao cho khách hàng.
Khách hàng có quyền đòi chứng từ hợp lệ khi trả tiền.
Các tổ chức kinh tế quốc doanh phải chấn chỉnh tổ chức và cải tiến nghiệp vụ, từng bước trang bị các phương tiện tính giá, thu tiền để việc lập chứng từ thu tiền được nhanh chóng, tránh làm mất thì giờ của khách hàng.
Điều 2. Các chứng từ nói ở điều 1 do Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê quy định phù hợp với các hoạt động kinh doanh, dịch vụ và các trường hợp thu tiền cho ngân sách Nhà nước:
Các chứng từ đó là:
a) Biên lai thu tiền,
b) Vé thu tiền,
c) Hoá đơn,
d) Hoá đơn kiêm phiếu xuất kho hoặc kiêm phiếu vận chuyển vật tư, hàng hoá,
Chứng từ do các tổ chức kinh tế tự in phải được đăng ký tại cơ quan thuế trước khi sử dụng.
Điều 3. Theo sự hướng dẫn của Bộ Tài chính, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương quy định các trường hợp có thể không phải lập chứng từ như:
a) Bán những mặt hàng lặt vặt.
b) Cung ứng những dịch vụ lặt vặt.
c) Nông dân và kinh tế gia đình ở thành thị trực tiếp bán lẻ hàng của mình sản xuất cho người tiêu dùng.
Các tổ chức kinh tế quốc doanh, tập thể, cá thể được phép không phải lập chứng từ trong các trường hợp a và b nói trên phải ghi chép cập nhật doanh số bán hàng, cung ứng dịch vụ của mình vào sổ sách hợp lệ; và nếu có yêu cầu của khách hàng thì phải lập chứng từ.
Điều 4. Việc lập, ghi chép, quản lý, sử dụng, bảo quản, lưu trữ chứng từ phải theo đúng Pháp lệnh kế toán và thống kê.
Tất cả hàng hoá thuộc diện phải lập chứng từ khi vận chuyển trên đường không có chứng từ kèm theo thì coi là vi phạm pháp luật và bị xử lý theo pháp luật.
Điều 5. Các trường hợp phải lập chứng từ mà không lập, hoặc lập chứng từ không hợp lệ, hoặc vi phạm chế độ quản lý, sử dụng, bảo quản, lưu trữ chứng từ đều phải xử lý theo pháp luật.
Điều 6. Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê hướng dẫn thi hành Quyết định này.
Điều 7. Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ tướng, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Điều 8. Quyết định này thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 1989.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký) |