Quyết định 30/2012/QĐ-UBND

Quyết định 30/2012/QĐ-UBND về Quy định vùng nuôi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Nội dung toàn văn Quyết định 30/2012/QĐ-UBND Quy định vùng nuôi thuỷ sản tỉnh Bến Tre


UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2012/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 22 tháng 10 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VÙNG NUÔI THUỶ SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Thuỷ sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 309/TTr-SNN ngày 04 tháng 10 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về vùng nuôi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 2373/QĐ-UB ngày 24 tháng 6 năm 2004 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý vùng nuôi thuỷ sản.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài Nguyên và Môi trường, Tài chính; Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ NN và PTNT;
- Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra VBQPPL – Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND (b/c);
- CT, PCT UBND tỉnh;
- TT UBMTTQ và các đoàn thể;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Sở Tư pháp (tự kiểm tra);
- TT HĐND và UBND huyện, thành phố;
- Báo Đồng Khởi; Đài PT và TH tỉnh;
- Website tỉnh Bến Tre;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Chánh VP, các Phó Chánh VP;
- Phòng NC, TD, TH, KTN;
- Lưu: VT.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Hiếu

 

QUY ĐỊNH

VỀ VÙNG NUÔI THUỶ SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số 30/2012/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

1. Quy định này quy định về tổ chức và hoạt động vùng nuôi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

2. Quy định này áp dụng đối với các thành viên Ban Quản lý vùng nuôi thuỷ sản (sau đây gọi chung là Ban Quản lý), các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình nuôi thuỷ sản (sau đây gọi chung là người nuôi thuỷ sản) trong vùng nuôi thuỷ sản.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Vùng nuôi thuỷ sản là khu vực nuôi có từ 01 (một) hoặc nhiều cơ sở nuôi, có vị trí địa lý tương đồng, cùng sử dụng nguồn nước cấp, hệ thống thoát nước.

2. Nuôi thuỷ sản là hoạt động nuôi các đối tượng như: nuôi tôm biển, tôm càng xanh, cá tra và nuôi các đối tượng ngọt, lợ, mặn khác.

3. Ban Quản lý vùng nuôi thuỷ sản là tổ chức tự nguyện quản lý cộng đồng do những cá nhân và tổ chức nuôi thuỷ sản trong vùng bầu ra và được Uỷ ban nhân dân cấp xã công nhận.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động của vùng nuôi thuỷ sản và Ban Quản lý

1. Nguyên tắc hoạt động của vùng nuôi thuỷ sản

a) Tự nguyện: mọi người nuôi thuỷ sản trong cùng một khu vực và tán thành Điều lệ tổ chức và hoạt động của vùng nuôi thuỷ sản do Ban Quản lý vùng nuôi thuỷ sản ban hành (sau đây gọi chung là Điều lệ vùng nuôi) đều có quyền gia nhập vùng nuôi tại địa bàn;

b) Dân chủ, bình đẳng và công khai: Tất cả người nuôi thuỷ sản có quyền tham gia ứng cử, đề cử, bầu cử các chức danh trong Ban Quản lý; kiểm tra, giám sát hoạt động của Ban Quản lý theo quy định của Điều lệ vùng nuôi thuỷ sản;

c) Hợp tác và phát triển cộng đồng: Tất cả người nuôi thuỷ sản phải có ý thức phát huy tinh thần xây dựng tập thể và hợp tác với nhau trong nuôi trồng thuỷ sản, bảo vệ môi trường nuôi, ngăn ngừa, phòng, chống dịch bệnh và khắc phục hậu quả dịch bệnh.

2. Nguyên tắc hoạt động của Ban Quản lý

a) Tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi: Ban Quản lý hoạt động theo nguyên tắc tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động nhằm đạt được mục tiêu chung do hội nghị người nuôi thuỷ sản trong vùng (sau đây gọi chung là hội nghị vùng nuôi) quyết định;

b) Làm việc theo nguyên tắc tập thể: Những nội dung quan trọng liên quan đến hoạt động của vùng nuôi thuỷ sản phải được thông qua hội nghị vùng nuôi; những vấn đề đề xuất, kiến nghị của vùng nuôi thuỷ sản đối với cơ quan có thẩm quyền phải được bàn bạc, thống nhất trong tập thể lãnh đạo Ban Quản lý.

Chương II

TỔ CHỨC BỘ MÁY, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA BAN QUẢN LÝ

Điều 4. Tổ chức bộ máy Ban Quản lý

1. Lãnh đạo Ban Quản lý bao gồm: Trưởng ban và không quá 02 Phó Trưởng ban và các Uỷ viên là những người nuôi thuỷ sản trong vùng do hội nghị vùng nuôi bầu ra.

2. Mỗi Ban Quản lý, quản lý không quá 50 cơ sở nuôi.

3. Nhiệm kỳ của Ban Quản lý là 02 năm.

4. Trưởng ban và các Phó Trưởng ban được hỗ trợ kinh phí hoạt động từ ngân sách của tỉnh, mức hỗ trợ hàng năm theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 5. Nhiệm vụ của Ban Quản lý

1. Tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nuôi thuỷ sản, bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh thuỷ sản.

2. Tổ chức các hoạt động cộng đồng người nuôi, tổ chức hội nghị vùng nuôi nhằm tăng cường ý thức cộng đồng của người nuôi trong việc bảo vệ quyền lợi lẫn nhau, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình nuôi.

3. Trực tiếp tổ chức thực hiện các công việc:

a) Tổ chức các cuộc họp định kỳ của Ban Quản lý để bàn bạc và thống nhất các biện pháp tổ chức thực hiện nghị quyết do hội nghị vùng nuôi và những vấn đề liên quan đến người nuôi trong vùng;

b) Thông tin kịp thời đến người nuôi thuỷ sản về kết quả quan trắc môi trường, tình hình dịch bệnh, các khuyến cáo của ngành và những thông tin khác có liên quan;

c) Tuyên truyền, vận động, phát động phong trào nuôi an toàn, bảo vệ môi trường nuôi;

d) Trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi thuỷ sản, giới thiệu các mô hình nuôi thuỷ sản chất lượng, năng suất và hiệu quả cao;

đ) Hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong giải quyết những khó khăn của người nuôi trong vùng nuôi thuỷ sản; hỗ trợ vốn từ quỹ hỗ trợ rủi ro cho người nuôi thuỷ sản để khôi phục sản xuất;

e) Tổ chức cho người nuôi trong vùng ký cam kết không vi phạm về quy hoạch nuôi thuỷ sản, lịch thời vụ, xả nước thải, bùn thải và thải mầm bệnh chưa qua xử lý ra môi trường; không vi phạm về thu gom, xử lý rác thải và mùi hôi;

g) Phối hợp với chính quyền địa phương, các sở, ban ngành tỉnh có liên quan kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định về: Quản lý lịch thời vụ; dịch bệnh; xả nước thải, bùn thải; xả mầm bệnh ra môi trường; việc sử dụng thuốc thú y, hoá chất; xử lý bao bì đựng thuốc thú y, hoá chất dùng trong nuôi trồng thuỷ sản sau khi sử dụng hoặc thuốc thú y, hoá chất dùng trong nuôi trồng thuỷ sản đã hết hạn sử dụng;

h) Phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ an ninh, trật tự trong vùng nuôi.

4. Tham gia với chính quyền địa phương và ngành chức năng thực hiện các công việc:

a) Hướng dẫn các quy định của Nhà nước về quản lý quy hoạch, lịch thời vụ, quản lý chất lượng giống, thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản, quản lý môi trường vùng nuôi, các quy định khác của pháp luật;

b) Hướng dẫn các kỹ thuật nuôi thuỷ sản theo hướng an toàn, bền vững;

c) Áp dụng các biện pháp phát hiện sớm, ngăn chặn, khoanh vùng dập dịch kịp thời không để lây lan dịch bệnh trong vùng nuôi thuỷ sản;

d) Tham gia tổ xử lý dịch bệnh (hoặc tổ chống dịch) tại địa bàn với tư cách là thành viên;

đ) Giải quyết các tranh chấp, khiếu nại trong vùng nuôi thuỷ sản và người nuôi trong vùng nuôi thuỷ sản với bên ngoài.

Điều 6. Quyền hạn của Ban Quản lý

1. Tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển nuôi thuỷ sản; tham gia đóng góp ý kiến hoặc đề xuất đầu tư xây dựng hoặc cải tạo hệ thống cấp và thoát nước trong vùng nuôi thuỷ sản.

2. Đề xuất ngành chức năng tổ chức tập huấn về kỹ thuật nuôi, quản lý môi trường, phòng chống dịch bệnh thuỷ sản và bồi dưỡng kiến thức về quản lý vùng nuôi thuỷ sản cho người nuôi thuỷ sản trong vùng.

3. Kiểm tra phát hiện và báo cáo về Uỷ ban nhân dân xã các trường hợp vi phạm về quy hoạch, lịch thời vụ, chất lượng giống, xả nước thải, bùn thải và mầm bệnh ra môi trường, sử dụng chất cấm dùng trong nuôi trồng thuỷ sản.

4. Kiến nghị, đề xuất đến Uỷ ban nhân dân xã và các cơ quan quản lý chuyên ngành hỗ trợ, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình nuôi của vùng.

Chương III

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA NGƯỜI NUÔI THUỶ SẢN

Điều 7. Nhiệm vụ của người nuôi thuỷ sản

1. Chấp hành các quy định của pháp luật về nuôi thuỷ sản, về bảo vệ môi trường nuôi thuỷ sản; người nuôi thuỷ sản phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường theo quy định; đầu tư xây dựng các công trình thu gom, lưu giữ, bảo quản, xử lý chất thải (nước thải, rác thải, bùn thải, mùi hôi) cho cơ sở nuôi, đảm bảo chất thải được xử lý đạt các quy chuẩn Việt Nam về môi trường trước khi thải ra bên ngoài.

2. Tham dự đầy đủ các cuộc họp và các buổi sinh hoạt do Ban Quản lý triệu tập; tích cực tham gia các hoạt động của Ban Quản lý, đóng góp ý kiến về các chủ trương, biện pháp quản lý của Nhà nước trong việc phát triển nuôi thuỷ sản.

3. Chấp hành Điều lệ vùng nuôi thuỷ sản, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết hội nghị thường kỳ hoặc đột xuất của vùng nuôi thuỷ sản. Có nghĩa vụ đóng góp gây quỹ để duy trì hoạt động quản lý vùng nuôi thuỷ sản.

4. Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh thuỷ sản, mùa vụ nuôi, các quy định khác của pháp luật. Đồng thời phát hiện các hành vi vi phạm về quản lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh thuỷ sản, mùa vụ nuôi, các quy định khác của pháp luật trong quản lý nuôi thuỷ sản; báo cáo kịp thời cho Ban Quản lý để có biện pháp xử lý.

5. Giám sát hoạt động của Ban Quản lý trong việc thực hiện Điều lệ vùng nuôi, nghị quyết hội nghị vùng nuôi thuỷ sản; phản ánh kịp thời về Uỷ ban nhân dân xã những vấn đề bất cập trong hoạt động quản lý của Ban Quản lý để có sự chỉ đạo.

6. Hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong việc bảo vệ môi trường nuôi, bảo vệ an ninh trật tự tại địa bàn và tham gia giải quyết những mâu thuẩn phát sinh giữa những người nuôi thuỷ sản trong vùng.

7. Kịp thời báo cáo về Uỷ ban nhân dân xã các trường hợp vi phạm về quản lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh thuỷ sản, mùa vụ nuôi, các quy định khác của pháp luật trong vùng nuôi.

8. Những người nuôi thuỷ sản trong vùng nuôi nhưng không phải là thành viên vùng nuôi thuỷ sản phải thực hiện các quy định về quản lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh thuỷ sản, mùa vụ nuôi, các quy định khác của Nhà nước và của vùng nuôi thuỷ sản.

Điều 8. Quyền hạn của người nuôi thuỷ sản

1. Chất vấn, kiến nghị với Ban Quản lý về thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của các thành viên Ban Quản lý.

2. Ứng cử, đề cử và bầu cử vào các chức danh Trưởng ban, Phó Trưởng ban và Uỷ viên Ban Quản lý. Thảo luận và biểu quyết các vấn đề quan trọng trong hội nghị vùng nuôi.

3. Được tiếp nhận đầy đủ thông tin có liên quan đến hoạt động của Ban Quản lý và những thông tin cần thiết phục vụ cho nuôi thuỷ sản.

4. Được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị vùng nuôi và các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất trong vùng nuôi.

5. Được hỗ trợ chính sách ưu đãi của Nhà nước về nuôi thuỷ sản.

6. Được tham gia liên kết tổ chức sản xuất (về con giống, thức ăn, thuốc hoá chất, tiêu thụ sản phẩm) nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM, PHẠM VI GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC CỦA THÀNH VIÊN BAN QUẢN LÝ

Điều 9. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Trưởng ban

1. Điều hành mọi hoạt động của Ban Quản lý và chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân xã về công tác quản lý vùng nuôi, bao gồm: Quản lý mùa vụ, quản lý giống, quản lý xả nước thải, bùn thải và mầm bệnh ra môi trường.

2. Triệu tập và chủ trì các cuộc hội nghị vùng nuôi, họp Ban Quản lý và họp người nuôi thuỷ sản trong vùng.

3. Chủ trì xây dựng chương trình, kế hoạch để thông qua hội nghị vùng nuôi thuỷ sản và tổ chức triển khai các công việc được hội nghị thống nhất.

4. Phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban Quản lý.

5. Kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của Ban Quản lý liên quan đến quản lý nuôi thuỷ sản trong vùng; báo cáo hoạt động của Ban và tình hình vùng nuôi thuỷ sản theo quy định.

6. Tham dự hoặc cử đại diện của Ban tham dự các cuộc họp, hội thảo có liên quan đến nuôi thuỷ sản do chính quyền địa phương hay ngành chức năng tổ chức.

7. Kịp thời báo cáo về Uỷ ban nhân dân xã các trường hợp vi phạm về quy hoạch, lịch thời vụ, chất lượng giống, xả nước thải, bùn thải và mầm bệnh ra môi trường, sử dụng chất cấm dùng trong nuôi trồng thuỷ sản.

8. Được quyền quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý trên nguyên tắc tập trung dân chủ; đại diện cho Ban Quản lý ký các văn bản của Ban gửi các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

9. Được quyền ký xác nhận hoặc từ chối ký xác nhận để làm cơ sở cho Uỷ ban nhân dân xã đề xuất cho người nuôi thuỷ sản trong vùng hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước về nuôi thuỷ sản như hỗ trợ xử lý dịch bệnh, bảo hiểm nông nghiệp, nguồn gốc sản phẩm thuỷ sản nuôi và các chính sách khác theo quy định khi người nuôi thuỷ sản vi phạm pháp luật về nuôi thuỷ sản hoặc không tuân thủ các quy định của vùng nuôi.

10. Quản lý tài chính của Ban theo quy chế chi tiêu tài chính được thông qua hội nghị vùng nuôi.

Điều 10. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Phó Trưởng ban

1. Thực hiện nhiệm vụ do Trưởng ban phân công, thay thế Trưởng ban điều hành hoạt động của Ban Quản lý theo uỷ quyền của Trưởng ban khi Trưởng ban vắng mặt.

2. Tham gia xây dựng chương trình, nội dung cho các cuộc hội nghị vùng nuôi, họp Ban Quản lý và họp người nuôi trong vùng theo phân công của Trưởng ban.

3. Giúp Trưởng ban theo dõi tiến độ thực hiện công việc chung của Ban; báo cáo kết quả trên lĩnh vực được phân công cho Trưởng ban; hỗ trợ các Uỷ viên của Ban trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được phân công.

4. Kịp thời báo cáo về Uỷ ban nhân dân xã các trường hợp vi phạm về quy hoạch, lịch thời vụ, chất lượng giống, xả nước thải, bùn thải và mầm bệnh ra môi trường, sử dụng chất cấm dùng trong nuôi trồng thuỷ sản.

5. Tham gia các khoá tập huấn, bồi dưỡng, hội thảo, phổ biến thông tin cho người nuôi trong vùng theo sự phân công của Trưởng ban.

Điều 11. Trách nhiệm và phạm vi giải quyết công việc của các Uỷ viên Ban Quản lý

1. Thực hiện nhiệm vụ do Trưởng ban phân công.

2. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công; đồng thời nghiên cứu đề xuất, góp ý với Trưởng ban về những vấn đề thuộc phạm vi mình phụ trách.

3. Lập biên bản khi hội nghị vùng nuôi, họp Ban Quản lý và họp người nuôi trong vùng theo phân công, viết báo cáo (đối với Uỷ viên thư ký).

4. Phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng tổ chức các cuộc họp, tập huấn, phổ biến thông tin cho người nuôi trong vùng.

5. Kịp thời báo cáo về Uỷ ban nhân dân xã các trường hợp vi phạm về quy hoạch, lịch thời vụ, chất lượng giống, xả nước thải, bùn thải và mầm bệnh ra môi trường, sử dụng chất cấm dùng trong nuôi trồng thuỷ sản.

6. Tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng, hội thảo, phổ biến thông tin cho người nuôi trong vùng theo sự phân công của Trưởng ban.

Chương V

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA BAN QUẢN LÝ

Điều 12. Chế độ làm việc của Ban Quản lý

1. Ban Quản lý họp định kỳ 01 lần/tháng để đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch, tình hình thực hiện các quy định về nuôi thuỷ sản trong vùng, trao đổi thống nhất kế hoạch trong thời gian tới và biện pháp giải quyết các vấn đề phát sinh; kiến nghị đề xuất với chính quyền và các ngành chức năng. Ngoài ra, khi có yêu cầu cấp thiết thì Trưởng ban sẽ triệu tập họp đột xuất, thời gian và nội dung họp do Trưởng ban quyết định.

2. Họp người nuôi thuỷ sản trong vùng được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần để cung cấp, phổ biến thông tin đến người nuôi thuỷ sản; trao đổi, thống nhất chương trình, kế hoạch của vùng nuôi thuỷ sản trong thời gian tới; thu thập tổng hợp ý kiến đề xuất của người nuôi gửi chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ, giải quyết. Trưởng ban chủ trì và chịu trách nhiệm chuẩn bị nội dung báo cáo và những vấn đề cần đưa ra thảo luận tại cuộc họp. Ngoài ra khi có yêu cầu cấp thiết thì Trưởng ban sẽ triệu tập cuộc họp đột xuất.

3. Trong các cuộc hội nghị vùng nuôi, cuộc họp của Ban Quản lý và họp người nuôi thuỷ sản trong vùng, Trưởng ban mời chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có liên quan đến tham dự để tham khảo ý kiến. Khi được mời dự họp, Uỷ ban nhân dân xã và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải cử cán bộ đến dự (được quy định tại Quy định Phân cấp quản lý hoạt động thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Bến Tre).

4. Trưởng ban có trách nhiệm thông báo triệu tập đầy đủ người nuôi trong vùng tham dự và thông báo những kết luận của cuộc họp đến các người vắng mặt.

Người nuôi thuỷ sản trong vùng không tham gia cuộc họp quá 02 (hai) lần liên tiếp mà không có lý do chính đáng, Ban Quản lý có quyền từ chối ký xác nhận cho người nuôi thuỷ sản trong vùng hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước về nuôi thuỷ sản như hỗ trợ xử lý dịch bệnh, bảo hiểm nông nghiệp, nguồn gốc sản phẩm thuỷ sản nuôi và các chính sách khác theo quy định.

5. Trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Ban Quản lý có trách nhiệm tổ chức hội nghị vùng nuôi để tổng kết, đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động trong nhiệm kỳ tới và bầu lại Ban Quản lý.

Điều 13. Phương thức hoạt động của Ban Quản lý

1. Trước mỗi mùa vụ nuôi, Ban Quản lý có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động và thống nhất trong cuộc họp người nuôi thuỷ sản trong vùng về:

a) Hướng dẫn, phổ biến cho người nuôi trong vùng các thông tin, kỹ thuật về nuôi an toàn, kỹ thuật chọn giống, sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro trong nuôi thuỷ sản;

b) Thống nhất thời gian và diện tích thả nuôi trong vùng;

c) Các biện pháp kiểm tra, giám sát sớm phát hiện dịch bệnh, biện pháp khắc phục khi có dịch bệnh xảy ra; biện pháp ngăn chặn tình trạng xả nước thải, bùn thải, mầm bệnh chưa qua xử lý ra môi trường; tổ chức cho người nuôi làm cam kết không xả nước thải, bùn thải và mầm bệnh chưa qua xử lý ra môi trường;

d) Dự kiến kinh phí cần thiết cho Quỹ hoạt động của Ban Quản lý và Quỹ hỗ trợ rủi ro; thống nhất kế hoạch vận động gây quỹ.

2. Chủ động phối hợp với Uỷ ban nhân dân xã, các tổ chức đoàn thể và ngành chức năng để tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đã được hội nghị vùng nuôi thống nhất thông qua.

Điều 14. Mối quan hệ công tác giữa Ban Quản lý với Uỷ ban nhân dân xã và cơ quan chức năng

1. Ban Quản lý được Uỷ ban nhân dân xã ra quyết định công nhận sau khi hội nghị vùng nuôi chính thức thông qua và chịu sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân xã về hoạt động của Ban Quản lý.

2. Ban Quản lý báo cáo với Uỷ ban nhân dân xã và các cơ quan chức năng về chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban Quản lý và báo cáo định kỳ tình hình nuôi thuỷ sản trong vùng theo quy định.

3. Mời Uỷ ban nhân dân xã, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan tham dự hội nghị vùng nuôi, họp Ban Quản lý và họp người nuôi thuỷ sản trong vùng.

4. Ban Quản lý tham gia các cuộc họp giao ban về các vấn đề liên quan đến quản lý vùng nuôi thuỷ sản do Uỷ ban nhân dân xã tổ chức.

5. Phối hợp với Uỷ ban nhân dân xã trong các hoạt động thanh, kiểm tra về quản lý quy hoạch, lịch thời vụ, chất lượng giống, xả nước thải, bùn thải và mầm bệnh ra môi trường, sử dụng chất cấm dùng trong nuôi trồng thuỷ sản.

Điều 15. Mối quan hệ công tác giữa Ban Quản lý với các tổ chức đoàn thể địa phương

1. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người nuôi trong vùng về những nội dung liên quan đến quản lý nuôi thuỷ sản bền vững và ý thức cộng đồng nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng bảo vệ lợi ích thiết thực của người nuôi thuỷ sản trong vùng.

2. Tham dự các hoạt động xã hội do các tổ chức đoàn thể địa phương phát động nhằm tạo sự gắn bó trách nhiệm, quyền lợi giữa cộng đồng với trách nhiệm và quyền lợi của người nuôi trong vùng.

Chương VI

CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH CỦA BAN QUẢN LÝ

Điều 16. Các khoản thu

1. Kinh phí do người nuôi thuỷ sản trong vùng đóng góp. Định mức đóng góp kinh phí cụ thể do hội nghị vùng nuôi quyết định. Cơ sở để tính mức đóng góp dựa trên diện tích mặt nước nuôi thuỷ sản, có xem xét đến hoàn cảnh thực tế của từng cơ sở nuôi, từng vùng nuôi thuỷ sản.

2. Các nguồn thu khác do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho hoạt động của Ban Quản lý.

Điều 17. Các khoản chi

1. Tổ chức họp thường kỳ của Ban, hội nghị vùng nuôi và họp người nuôi thuỷ sản trong vùng; tham dự hội nghị có liên quan do chính quyền địa phương hoặc ngành chuyên môn tổ chức.

2. Chi phí cho hoạt động thường xuyên của Ban Quản lý gồm: Chi phí văn phòng phẩm, in ấn, phô tô tài liệu để phục vụ cho hoạt động của Ban; chi phụ cấp cho các thành viên Ban Quản lý.

3. Chi hỗ trợ hoá chất tiêu huỷ bệnh đốm trắng, taura và các bệnh nguy hiểm khác (trường hợp trong thời gian Nhà nước không có hỗ trợ hoặc hỗ trợ một phần); chi hỗ trợ người nuôi thuỷ sản trong vùng gặp khó khăn khi có ao nuôi bị thiệt hại nặng.

4. Chi thưởng cho Ban Quản lý, người nuôi thuỷ sản có thành tích xuất sắc trong năm về thực hiện nhiệm vụ của Ban. Hỗ trợ cho các thành viên Ban Quản lý trong khi thực hiện nhiệm vụ bị ốm đau hoặc tai nạn.

Điều 18. Nguyên tắc quản lý tài chính

1. Quy chế thu, chi tài chính của Ban Quản lý phải được thông qua tại hội nghị vùng nuôi.

2. Các khoản thu, chi tài chính phải được công khai tại cuộc họp người nuôi thuỷ sản trong vùng và quyết toán vào cuối năm.

3. Trong quá trình hoạt động mà nguồn quỹ không đủ, Ban Quản lý sẽ đề xuất hội nghị vùng nuôi thống nhất về mức đóng góp kinh phí bổ sung.

4. Cuối năm, số tiền quỹ còn tồn lại sẽ được chuyển sang năm tiếp theo.

Chương VII

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 19. Khen thưởng

Các thành viên Ban Quản lý, người nuôi thuỷ sản trong vùng có nhiều thành tích trong công tác của Ban và các hoạt động nhằm thực hiện tốt công tác quản lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh thuỷ sản, mùa vụ nuôi, các quy định khác của pháp luật sẽ được Ban Quản lý xem xét khen thưởng hoặc đề nghị chính quyền địa phương và ngành chức năng khen thưởng theo quy định.

Điều 20. Xử lý vi phạm

Các thành viên Ban Quản lý, người nuôi thuỷ sản trong vùng vi phạm Quy định này và nghị quyết của vùng nuôi, làm ảnh hưởng đến tổ chức và hoạt động của Ban, gây thiêt hại đến lợi ích của người nuôi thuỷ sản trong vùng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà Ban Quản lý có hình thức xử lý phù hợp hoặc chuyển đến chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng xem xét xử lý theo quy định.

Chương VIII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 21. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố hướng dẫn triển khai việc thực hiện Quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có những vấn đề phát sinh, vướng mắc, các sở, ban ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện báo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 30/2012/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu30/2012/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành22/10/2012
Ngày hiệu lực01/11/2012
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật12 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 30/2012/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 30/2012/QĐ-UBND Quy định vùng nuôi thuỷ sản tỉnh Bến Tre


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 30/2012/QĐ-UBND Quy định vùng nuôi thuỷ sản tỉnh Bến Tre
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu30/2012/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Bến Tre
                Người kýNguyễn Văn Hiếu
                Ngày ban hành22/10/2012
                Ngày hiệu lực01/11/2012
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật12 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản gốc Quyết định 30/2012/QĐ-UBND Quy định vùng nuôi thuỷ sản tỉnh Bến Tre

                      Lịch sử hiệu lực Quyết định 30/2012/QĐ-UBND Quy định vùng nuôi thuỷ sản tỉnh Bến Tre

                      • 22/10/2012

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 01/11/2012

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực