Quyết định 31/2008/QĐ-UBND

Quyết định 31/2008/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch ngành Điều tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006 - 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 31/2008/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch ngành Điều tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006 - 2020


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 31/2008/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 08 tháng 7 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH NGÀNH ĐIỀU TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2006 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 92/2006/NĐ-CP">01/2007/TT-BKH ngày 07/02/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 1381/QĐ-UBND ngày 11/8/2006 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh Đề cương và dự toán quy hoạch ngành Điều tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006 - 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 87/TTr-SNN ngày 19/5/2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch ngành Điều tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006 - 2020 với các nội dung sau:

1. Tên báo cáo quy hoạch: Quy hoạch ngành Điều tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006 - 2020.

Đơn vị tư vấn: Công ty Cổ phần Đất Việt - TP. Hồ Chí Minh.

2. Chủ đầu tư: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước.

3. Quan điểm, định hướng phát triển, mục tiêu quy hoạch.

3.1. Quan điểm quy hoạch.

- Xác định vùng sản xuất Điều tập trung nhằm đảm bảo cung cấp đủ và ổn định nguồn nguyên liệu có chất lượng cao cung cấp cho các nhà máy chế biến hạt Điều đóng trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo tiền đề cho các dự án đầu tư về giống, cải tạo vườn Điều đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để chuyển giao khoa học kỹ thuật, vốn sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân trồng Điều.

- Xây dựng phương án sản xuất tiên tiến mang lại hiệu quả cao cho người dân trồng Điều trong vùng quy hoạch, tạo môi trường thuận lợi cho người dân đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.

- Phát triển ngành Điều bền vững, trên cơ sở phát huy đầy đủ hiệu quả mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất - thu mua - chế biến và tiêu thụ.

- Phát triển công nghiệp chế biến Điều theo hướng công nghiệp hiện đại với bước đi phù hợp, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến đồng thời với nâng cao chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của thị trường xuất khẩu nhân điều và tiêu thụ trong nước.

3.2. Định hướng phát triển.

- Phát huy tối đa các lợi thế phát triển theo hướng tập trung, chuyển đổi mạnh từ trồng trọt và chế biến phân tán, quy mô nhỏ sang sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp trên cơ sở có quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Phát triển ngành Điều gắn kết chặt chẽ và đồng bộ từ khâu sản xuất - thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ, đồng thời với ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, quy trình công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

- Tiến hành xây dựng vùng nguyên liệu kết hợp với xây dựng vùng chế biến (kể cả các sản phẩm phụ) để tạo ra ngày một nhiều sản phẩm có chất lượng cao, khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

- Tạo môi trường thuận lợi cho ngành điều phát triển ổn định và bền vững với cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ vốn xây dựng trang trại các cơ sở chế biến tập trung, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu khoa học kỹ thuật, sản xuất giống chất lượng cao, xây dựng cơ sở chế biến,… Đồng thời, tăng cường hệ thống quản lý nhà nước và hệ thống giám định sản phẩm để các văn bản pháp luật và chính sách được thực thi có kết quả.

3.3. Mục tiêu quy hoạch.

3.3.1. Mục tiêu chung:

- Tạo bước đột phá về sản xuất - thu mua - chế biến và tiêu thụ; nâng cao hiệu quả và tăng giá trị sản xuất điều từ 23% năm 2006 lên khoảng 33% trong tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp vào năm 2010.

- Chủ động kiểm soát sản lượng, chất lượng khắc phục tình trạng gian lận thương mại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đảm bảo thương hiệu điều Bình Phước trên thị trường trong và ngoài nước.

- Xây dựng các vùng sản xuất tập trung, sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng cao, giá thành hợp lý (thấp), có khả năng cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Khai thác triệt để các lợi thế đất đai, lao động, giống để nâng cao, giữ vững tốc độ phát triển ngành Điều.

- Phát triển sản xuất, chế biến Điều trong thời gian tới phải đảm bảo khai thác tốt nhất cả 3 lợi ích: kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, phù hợp với quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp của cả nước.

- Áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, hình thành các vùng trồng Điều tập trung gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.

- Phát triển công nghiệp chế biến theo hướng công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến với bước đi phù hợp, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo năng lực cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.

3.3.2. Mục tiêu cụ thể:

a) Mục tiêu ngắn hạn (đến năm 2010):

+ Về sản xuất:

- Giảm diện tích từ 171.723 ha năm 2007 xuống 165.000 ha năm 2010.

- Tăng năng suất từ 1,28 tấn/ha năm 2007 lên 1,53 tấn/ha năm 2010.

- Sản lượng hạt tăng từ 155.620 tấn năm 2007 lên 240.852 tấn năm 2010.

+ Chế biến: Giữ nguyên công suất hiện trạng năm 2006 (130.100 tấn/năm).

+ Giá trị sản xuất điều tăng từ 23% (660,3 tỷ đồng) năm 2006 lên khoảng 33% (1.431,5 tỷ đồng) trong tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp vào năm 2010.

b) Mục tiêu dài hạn đến năm 2015 và năm 2020:

b.1) Mục tiêu đến năm 2015:

+ Về sản xuất.

- Diện tích tổng số: 149.000 ha (Diện tích cho thu hoạch là: 136.786 ha).

- Năng suất điều trung bình đạt: 1,88 tấn/ha.

- Sản lượng hạt điều đạt: 257.312 tấn.

+ Chế biến: Giữ nguyên công suất hiện trạng năm 2006 (130.100 tấn/năm).

+ Giá trị sản xuất điều đạt: 1.544 tỷ đồng (tính theo giá cố định năm 1994). Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành điều đạt 260 triệu USD.

b.2) Mục tiêu đến năm 2020:

+ Về sản xuất.

- Diện tích tổng số: 137.700 ha (Diện tích cho thu hoạch là: 130.817 ha).

- Năng suất điều trung bình đạt: 2,21 tấn/ha.

- Sản lượng hạt điều đạt: 288.764 tấn.

+ Chế biến: Giữ nguyên công suất hiện trạng năm 2006 (130.100 tấn/năm).

+ Giá trị sản xuất điều đạt: 1.733 tỷ đồng (tính theo giá cố định năm 1994). Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành điều đạt 292 triệu USD.

4. Quy hoạch phát triển

4.1. Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2010

- Diện tích Điều toàn tỉnh: 165.092 ha; diện tích thu hoạch: 159.598 ha.

- Năng suất bình quân: 1,53 tấn/ha.

- Sản lượng hạt Điều thô: 240.852 tấn.

- Tổng công suất chế biến: Giữ nguyên tổng công suất chế biến như hiện nay là 130.100 tấn hạt thô/năm.

- Sản lượng nhân điều: 52.987 tấn.

- Sản lượng dầu điều: 24.567 tấn.

- Kim ngạch xuất khẩu: 244 triệu USD.

4.2. Chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020.

- Diện tích trồng Điều toàn tỉnh: 137.700 ha; diện tích thu hoạch: 130.817 ha.

- Năng suất bình quân: 2,21 tấn/ha.

- Sản lượng hạt Điều thô: 288.764 tấn.

- Tổng công suất chế biến: Giữ nguyên tổng công suất chế biến như hiện nay là 130.100 tấn hạt thô/năm.

- Sản lượng nhân điều: 63.543 tấn.

- Sản lượng dầu điều: 29.454 tấn.

- Kim ngạch xuất khẩu: 292 triệu USD.

4.3. Các sản phẩm chế biến định hướng

4.3.1. Chế biến hạt điều:

Khuyến cáo các nhà đầu tư và cơ quan chức năng tại địa phương là không nên thành lập mới cơ sở chế biến hạt điều mà cần liên kết, sáp nhập các cơ sở chế biến nhỏ lẻ thành những doanh nghiệp có công suất chế biến lớn từ 5.000 tấn hạt/năm trở lên. Các doanh nghiệp nhỏ cần tập trung đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ kết hợp xây dựng mô hình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế: ISO, HACCP và GMP, nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa, nhất là nhân điều xuất khẩu.

4.3.2. Chế biến sau nhân điều (chế biến nhân điều thành thực phẩm ăn liền).

Khuyến khích đầu tư một số cơ sở chế biến có công suất vừa (³ 1.000 tấn sản phẩm/năm) với dây chuyền thiết bị - công nghệ hiện đại, tổ chức quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn ISO, HACCP và GMP thúc đẩy đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa theo thị hiếu của thị trường.

4.3.3. Chế biến dầu vỏ hạt điều.

Đầu tư xây dựng cơ sở chế biến dầu vỏ hạt điều với thiết bị đồng bộ, hiện đại tại các địa phương trong tỉnh có nguồn vỏ hạt điều đạt tổng công suất thiết kế hàng năm trên 200 ngàn tấn sản phẩm; từng bước cải tạo, nâng cấp các cơ sở chế biến dầu vỏ hạt điều đã có, nhằm hoạt động có hiệu quả cao hơn. Đồng thời tạo điều kiện khuyến khích các nhà máy chế biến hạt điều xây dựng thêm dây chuyền chế biến dầu vỏ hạt điều.

4.3.4. Chế biến nước ép và rượu, cồn từ quả điều.

Tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ đề tài nghiên cứu chế biến bảo quản nông sản và đề tài KC 06-04 NN; chọn xây dựng mô hình thí điểm tại các vùng sản xuất điều tập trung với quy mô sản xuất nhỏ, phù hợp với trang trại.

4.3.5. Chế biến ván ép từ gỗ và bã ép vỏ dầu điều.

Xây dựng thí điểm một số phân xưởng chế biến ván ép song hành với dây chuyền thiết bị ép dầu điều tại các cơ sở chế biến; khuyến khích các cơ sở mở rộng thêm dây chuyền sản xuất ván ép để tận dụng các nguồn như bả sau khi ép dầu.

4.3.6. Chế biến các sản phẩm khác.

Bột Masát, sơn vecni cao cấp cách điện, cách nhiệt,… phục vụ cho công nghiệp điện, ôtô, dầu khí, đóng tàu,…

4.4. Định hướng quy hoạch nhà máy chế biến.

Trước mắt khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gây ô nhiễm tại khu vực trung tâm huyện Phước Long chuyển đến cụm công nghiệp Bình Tân. Mặt khác, triển khai mở rộng các cụm công nghiệp chuyên chế biến điều tại các khu vực khác như huyện Bù Đăng, Đồng Phú, Đồng Xoài, Chơn Thành… để định hướng cho các doanh nghiệp chế biến vào các cụm công nghiệp (căn cứ quy hoạch công nghiệp của tỉnh đến năm 2020 để xác định vị trí cụ thể). Nhu cầu về diện tích hoạt động của các nhà máy chế biến điều (kể cả các sản phẩm phụ) của tỉnh đến năm 2020 khoảng 325 ha, mỗi cụm công nghiệp khoảng 30 - 50 ha.

5. Danh mục các Dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2020.

5.1. Dự án Đẩy mạnh chương trình thuộc dự án giống điều của tỉnh.

Hoạt động chính của dự án: Tạo vườn đầu dòng có chất lượng cao, kế thừa các thành tựu của dự án giống điều của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thực hiện để phát triển giống điều của tỉnh.

5.2. Dự án đầu tư cải tạo và thâm canh tăng năng suất, chất lượng điều.

Hoạt động chính của dự án: Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật tạo cành, tỉa tán, bón phân và phòng trừ dịch bệnh, môi trường khí hậu thời tiết ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Đây là dự án rất quan trọng cần ưu tiên thực hiện, vì cây điều là cây rất nhạy cảm với điều kiện môi trường, khí hậu thời tiết, mặt khác nếu thực hiện tốt biện pháp chăm sóc thì cây điều cho năng suất cao là yếu tố góp phần quyết định đến việc thành công mục tiêu đề ra về năng suất, sản lượng của quy hoạch.

5.3. Dự án nghiên cứu và chuyển giao phương pháp tưới cho vùng điều chuyên canh.

Hoạt động chính của dự án: Giải quyết vấn đề tưới cho từng vùng, phù hợp với phương pháp tưới hộ gia đình, trang trại.

5.4. Dự án nghiên cứu biện pháp tổng thể về bảo vệ thực vật cho cây điều.

Hoạt động chính của dự án: Đưa ra giải pháp về hạn chế sâu bệnh và các biện pháp phòng trừ tổng hợp.

5.5. Dự án xây dựng vùng điều an toàn sinh học theo hướng GAP.

Hoạt động chính của dự án: Đưa mô hình sản xuất mới theo hướng GAP vào sản xuất điều.

5.6. Các dự án đầu tư đổi mới và hoàn thiện dây chuyền thiết bị - công nghệ chế biến hạt điều theo hướng hiện đại hóa.

Hoạt động chính của dự án: Nâng cao năng lực chế biến của các cơ sở; tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật và đào tạo nhân lực.

5.7. Các dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất nước ép, rượu từ trái điều.

Hoạt động chính của dự án: Chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực chế biến của các cơ sở; tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật và đào tạo nhân lực. Bước đầu sản xuất thử nghiệm với công suất nhỏ.

5.8 Các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm sau nhân điều, vỏ điều (bột masát, sơn vecni cao cấp cách điện, cách nhiệt,…).

Hoạt động chính của dự án: Chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực chế biến của các cơ sở; tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật và đào tạo nhân lực. Hướng tập trung mở rộng vào các Khu, cụm công nghiệp của tỉnh.

5.9. Dự án đầu tư sản xuất ván ép từ gỗ và vỏ điều. Hướng tập trung mở rộng vào các Khu, cụm công nghiệp của tỉnh.

Hoạt động chính của dự án: Chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực chế biến của các cơ sở; tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật và đào tạo nhân lực.

6. Các giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch.

6.1. Đổi mới nhận thức và thống nhất quan điểm phát triển ngành điều.

Những nhận thức chưa đúng về vị trí, vai trò của cây điều. Từ trước đến nay chúng ta xem cây điều như là một cây xóa đói giảm nghèo đây là vấn đề làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của ngành điều. Trước hết, điều là cây công nghiệp lâu năm, sản phẩm thu từ điều có giá trị kinh tế cao, nhất là hạt điều làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thực phẩm; là nông sản xuất khẩu chủ lực của nông nghiệp Việt Nam nói chung và nông nghiệp của tỉnh nói riêng, có lợi thế cạnh tranh cao trên thị trường thế giới. Từ nhận thức về điều nói trên, các sở, ngành của tỉnh và địa phương cũng như người nông dân trồng điều mới đầu tư đúng mức cho cây điều và ngành điều.

6.2. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phát triển điều.

Tiến hành đánh giá kết quả đã đạt được, nhất là đối với các giống điều đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép khu vực hóa: PN1 , CH1, LG1, MH5/4, MH4/5 và TL2/11,… cần khảo nghiệm, chọn lọc để xác định giống điều thích hợp cho tỉnh, nhưng có năng suất cao (≥ 2,0 tấn/ha); kích thước và trọng lượng hạt lớn, nhân đạt tỷ lệ cao (28 - 30%)

Xây dựng mô hình trình diễn trồng điều năng suất cao và điều hữu cơ phối hợp với các Viện, Trường đơn vị có đủ chức năng xây dựng các mô hình trình diễn áp dụng các kỹ thuật thâm canh.

Chú ý áp dụng công nghệ cao vào sản xuất điều theo tiêu chuẩn GAP đây là vấn đề chiến lược cần được triển khai khảo nghiệm để đưa ra sản xuất trên diện rộng. Hiện nay thị trường thế giới đang cần sản phẩm hữu cơ, chính vì vậy chúng ta cần mạnh dạn thực hiện một chương trình này, và quan trọng hơn hết là chúng ta đã gia nhập WTO nên yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm là rào cản lớn nhất của mặt hàng nông sản Việt Nam nói chung và sản phẩm điều của tỉnh Bình Phước nói riêng.

Tập trung nghiên cứu vào việc sản xuất thiết bị và quy trình công nghệ chế biến điều theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, giảm lao động thủ công trong các khâu chế biến điều (cạo vỏ lụa, tách hạt… ).

6.3. Giải pháp thu mua và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa chế biến từ điều.

6.3.1. Giải pháp thu mua hạt điều trong nước.

Các địa phương, các doanh nghiệp thu mua cần xem xét tổ chức lại hoạt động thu mua hạt điều. Tăng cường kiểm soát giá thu mua hạt điều từng thời điểm trong mùa vụ cũng như kiểm tra chặt chẽ chất lượng hạt điều, phát hiện và xử phạt theo quy định hiện hành về làm hàng giả hoặc gian lận thương mại.

6.3.2. Giải pháp tiêu thụ sản phẩm hàng hóa chế biến từ điều.

a) Giải pháp xuất khẩu sản phẩm hàng hóa.

Xây dựng và quảng bá thương hiệu điều Bình Phước tại các Hội chợ triển lãm quốc tế; tham gia các hội chợ trong nước, tiến hành hội nghị khách hàng thường niên; xây dựng Website thông tin đầy đủ về ngành điều, trong đó dành phần thông tin đáng kể quảng bá về hoạt động xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa chế biến từ điều.

Hiệp hội và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần có sự chuẩn bị để đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá có thể xảy ra. Doanh nghiệp cần hoàn thiện và đạt các tiêu chuẩn quốc tế như: ISO, HACCP, GMP,… nhằm tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.

b) Giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa chế biến từ điều ở thị trường trong nước.

Liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp chế biến điều nhân thô với các cơ sở chế biến nhân điều thực phẩm và các doanh nghiệp chế biến bánh kẹo nổi tiếng để đảm bảo sản phẩm chế biến từ điều có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

6.4. Giải pháp cơ chế - chính sách.

6.4.1. Chính sách tín dụng.

Ngân hàng, quỹ tín dụng cần xem xét các đối tượng là nông hộ, trang trại trồng điều được vay vốn trung hạn, ngắn hạn đầu tư sản xuất điều theo dự toán suất đầu tư và chi phí sản xuất điều, bởi cây điều cũng là cây công nghiệp lâu năm như cao su, tiêu và cà phê. Đồng thời, Ngân hàng nên xem xét cho doanh nghiệp vay vốn cao hơn hạn mức quy định để mua hạt điều dự trữ phục vụ chế biến và khi cần được thế chấp bằng số lượng hạt và nhân điều có trong kho.

6.4.2. Các hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Hỗ trợ kinh phí (phù hợp với thông lệ quốc tế) để ngành điều có điều kiện thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm điều ở trong nước và thế giới. Tăng cường đầu tư từ nguồn vốn ngân sách cho các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học về điều và dự án giống cây điều ghép có năng suất và chất lượng cao, dự án sản xuất điều hữu cơ; chương trình khuyến nông, khuyến công phát triển ngành điều.

6.4.3. Chính sách thuế.

Ngoài các cam kết theo thông lệ quốc tế, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế doanh thu đối với các doanh nghiệp chế biến điều sử dụng công nghệ tiên tiến mang tính tiên phong trong quá trình phát triển hoặc di chuyển các cơ sở chế biến từ khu đô thị về các vùng nông thôn trồng điều tập trung.

6.4.4. Chính sách đất đai.

Những vùng đất canh tác điều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cần tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài theo đúng quy định hiện hành cho người dân trong vùng quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc vay vốn ngân hàng đầu tư cho sản xuất.

6.4.5. Chính sách hỗ trợ giá cây giống điều ghép.

Tiếp tục lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách áp dụng đối với xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc, khu kinh tế quốc phòng nằm trong quy hoạch hoặc dự án điều của tỉnh, huyện; hỗ trợ giá giống điều ghép, được giao đúng số lượng theo đăng ký của chủ hộ với chủ dự án và có xác nhận của UBND xã. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp trích lợi nhuận hỗ trợ sản xuất điều ghép cho vùng điều nguyên liệu của cơ sở thu mua hạt điều.

6.4.6. Xây dựng thương hiệu hàng hóa cho ngành điều.

Sản phẩm nhân hạt điều Bình Phước có chất lượng hàng đầu cả nước và có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, hạt điều Bình Phước khi xuất khẩu còn phụ thuộc vào các thương hiệu khác. Do đó, việc xây dựng thương hiệu điều Bình Phước là cấp thiết hướng sản phẩm ra thị trường quốc tế dễ dàng hơn, trực tiếp hơn nhằm nâng cao giá trị lợi nhuận cho nông dân cũng như doanh nghiệp sản xuất từ sản phẩm điều.

6.4.7. Về nguồn nhân lực.

Trước tiên các doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ mới để giảm bớt sự lạm dụng lao động phổ thông trong chế biến. Xây dựng chương trình thu hút nguồn lao động như hỗ trợ, đầu tư khu nhà ở cho công nhân, chính sách cho người có thâm niên và cả vấn đề thu nhập cho người lao động. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động.

6.4.8. Giải pháp về hệ thống thu mua hạt điều.

Cần nhanh chóng xây dựng tiêu chuẩn cho ngành điều tỉnh Bình Phước để có cơ sở trong quá trình quản lý của các cơ quan chức năng đối với quá trình hoạt động của ngành điều.

Từ tiêu chuẩn ngành, các cơ quan chức năng cần xây dựng các văn bản pháp lý để kiểm soát hệ thống thu mua, giúp ngành điều phát triển một cách bền vững, đồng thời bảo vệ quyền lợi của những người hoạt động kinh doanh trung thực.

6.4.9. Khuyến khích kêu gọi đầu tư vào chế biến các sản phẩm phụ.

Quy hoạch các cụm công nghiệp chế biến điều và các sản phẩm phụ từ điều. Đồng thời xây dựng cơ chế chính sách cụ thể về tín dụng, đất đai và thuế thu nhập doanh nghiệp để kêu gọi đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm phụ nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho ngành điều như: Chế biến vỏ dầu điều, quả điều, thân điều,…

6.5. Tăng cường vai trò điều hành, quản lý của Nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu điều Bình Phước.

Xây dựng dự án đầu tư phát triển ngành điều và tổ chức thẩm định phê duyệt dự án điều theo các quy định của Nhà nước. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành, UBND địa phương tổ chức thực hiện quy hoạch, dự án phát triển sản xuất và chế biến điều; tiến hành giám sát trong quá trình thực hiện dự án theo các nội dung được duyệt.

Hỗ trợ và chỉ đạo doanh nghiệp xây dựng lộ trình quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP và giám sát thực hiện các tiêu chí đã đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa.

Tạo sự đồng thuận cao giữa các hội viên trong việc tổ chức thu mua, nhập khẩu hạt điều, tăng cường thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động, dự báo thị trường và xúc tiến thương mại, hội thảo khoa học ứng dụng công nghệ và kỹ thuật mới vào chế biến, tổ chức hội thi tay nghề cho nông dân sản xuất và công nhân chế biến điều,…

6.6. Về đào tạo nguồn nhân lực.

Ngành điều của tỉnh đã và đang thiếu cán bộ đầu đàn về nghiên cứu sản xuất và chế biến điều, cán bộ khoa học - kỹ thuật chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều, công nhân chế biến điều và lao động nông dân trồng điều. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu trước tình hình mới.

Điều 2. Sau khi Quy hoạch ngành điều tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006 - 2020 được phê duyệt, chủ đầu tư có trách nhiệm triển khai thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước, tổ chức thực hiện theo các nội dung đã nêu tại Điều 1 Quyết định này.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành Kế hoạch và đầu tư, Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Thiệu

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 31/2008/QĐ-UBND

Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 31/2008/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành 08/07/2008
Ngày hiệu lực 18/07/2008
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Doanh nghiệp
Tình trạng hiệu lực Còn hiệu lực
Cập nhật 15 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 31/2008/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 31/2008/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch ngành Điều tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006 - 2020


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

Văn bản liên quan ngôn ngữ

Văn bản sửa đổi, bổ sung

Văn bản bị đính chính

Văn bản được hướng dẫn

Văn bản đính chính

Văn bản bị thay thế

Văn bản hiện thời

Quyết định 31/2008/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch ngành Điều tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006 - 2020
Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 31/2008/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Phước
Người ký Trương Tấn Thiệu
Ngày ban hành 08/07/2008
Ngày hiệu lực 18/07/2008
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Doanh nghiệp
Tình trạng hiệu lực Còn hiệu lực
Cập nhật 15 năm trước

Văn bản thay thế

Văn bản được dẫn chiếu

Văn bản hướng dẫn

Văn bản được hợp nhất

Văn bản gốc Quyết định 31/2008/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch ngành Điều tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006 - 2020

Lịch sử hiệu lực Quyết định 31/2008/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch ngành Điều tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006 - 2020

  • 08/07/2008

    Văn bản được ban hành

    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

  • 18/07/2008

    Văn bản có hiệu lực

    Trạng thái: Có hiệu lực