Nội dung toàn văn Quyết định 3110/QĐ-UBND năm 2007 Quy hoạch bố trí dân cư Phú Thọ 2006 2010 định hướng 2015
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3110/QĐ-UBND | Việt Trì, ngày 22 tháng 11 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BỐ TRÍ DÂN CƯ VÙNG THIÊN TAI, ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN, VÙNG QUẢN LÝ NGHIÊM NGẶT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2015
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015;
Căn cứ Thông tư số 21/2007/TT-BNN ngày 27/3/2007 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 và các Quy hoạch chuyên ngành đã được phê duyệt;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 101/TTr-SNN ngày 24/10/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bố trí dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, vùng quản lý nghiêm ngặt trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015, với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm:
- Các điểm dân cư được bố trí, sắp xếp trong quy hoạch phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, các Quy hoạch chuyên ngành đã được tỉnh phê duyệt và phù hợp với Quy hoạch bố trí sắp xếp dân cư chung của Chính phủ.
- Bố trí sắp xếp dân cư ưu tiên cho các vùng có nguy cơ phải di chuyển cao. Tận dụng, khai thác triệt để các cơ sở hiện có, lồng ghép các nguồn lực để bố trí, sắp xếp xen ghép trong từng địa phương là chủ yếu, kết hợp xây dựng các khu định cư tập trung.
- Giải quyết ổn định dân cư một cách đồng bộ, toàn diện, lâu dài, đảm bảo các khu tái định cư phải có điều kiện bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, phù hợp với phong tục tập quán của từng dân tộc, từng địa phương.
- Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư thực hiện chủ yếu trên địa bàn trong xã, trường hợp thật cần thiết mới sắp xếp từ xã nọ đến xã kia trong địa bàn một huyện.
2. Mục tiêu:
2.1. Mục tiêu chung:
- Đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân; ổn định và nâng cao đời sống người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; hạn chế việc di cư tự do.
- Giải quyết việc làm ổn định, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái, củng cố an ninh quốc phòng.
- Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2006 - 2010 và những năm tiếp theo.
2.1. Mục tiêu cụ thể:
- Bố trí, sắp xếp dân cư:
+ Giai đoạn 2006 - 2010: Di chuyển 5.182 hộ, bao gồm: vùng ảnh hưởng sạt lở ven sông: 924 hộ; vùng nguy cơ sạt lở núi, đất: 349 hộ; vùng thường xuyên xảy ra lũ quét: 1.810 hộ; khu vực khó khăn về đời sống: 1.538 hộ; khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, vùng lõi của rừng đặc dụng: 390 hộ; vùng xung yếu của rừng phòng hộ: 171 hộ.
+ Giai đoạn 2011 - 2015: Di chuyển 1.849 hộ, bao gồm: vùng thường xuyên bị ngập úng: 347 hộ; khu vực khó khăn về đời sống: 1.502 hộ.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng:
+ Làm 18,5 km đường cấp IV và 215,5 km đường cấp V miền núi; 327,9km đường giao thông nông thôn loại A; 44 km đường bê tông loại B.
+ Cải tạo, nâng cấp 118 hồ, đập và 30 phai; xây dựng 27 trạm bơm tưới, tiêu; xây dựng 18 km kênh tưới, 2 cống; tu bổ 91 km đê.
+ Xây dựng 78 hệ thống nước sạch.
+ Xây dựng mới 60 nhà văn hóa, 21 lớp học mầm non. Cải tạo, nâng cấp 25 lớp học mầm non, 22 trường tiểu học, 7 trường trung học cơ sở hiện có.
+ Cải tạo, nâng cấp 60 trạm y tế cấp xã.
+ Xây dựng 1 trạm biến áp 250KVA, 156 trạm biến áp 180KVA, 1 trạm biến áp 160KVA, 17 trạm biến áp 100KVA. Nâng cấp, làm mới 369,5 km đường điện.
+ Xây dựng 13 chợ nông thôn.
3. Nội dung Quy hoạch bố trí dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, vùng quản lý nghiêm ngặt trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015
3.1. Bố trí, sắp xếp dân cư: Theo hình thức xen ghép là chính, kết hợp xây dựng các khu định cư tập trung ở những nơi có điều kiện. Bố trí xen ghép tại 181 điểm dân cư đã có trên địa bàn 115 xã; xây dựng 60 khu định cư tập trung trên địa bàn 46 xã. Đảm bảo mỗi hộ có 200m2 đất ở (vùng đồng bằng), 300m2 đất ở (vùng trung du), 400m2 đất ở (vùng miền núi và 0,4 ha đất sản xuất nông nghiệp. Cụ thể:
+ Vùng dân cư bị ảnh hưởng sạt lở đất ven sông: Tổng số 924 hộ của 57 xã, thuộc 10 huyện. Hướng bố trí là điểm dân cư mới và xen ghép phải nằm trong khu vực có đê bảo vệ.
Bố trí 46 điểm xen ghép tại chỗ (bố trí từ 7 - 15 hộ/điểm) và xây dựng 16 điểm dân cư mới (bố trí 20 - 40 hộ/điểm).
+ Với các điểm dân cư nằm trong vùng nguy cơ sạt lở núi, đất: Tổng số 349 hộ của 27 xã, thuộc 7 huyện. Hướng bố trí là ổn định nội xã, nội huyện.
Bố trí vào 4 điểm dân cư mới và xen ghép với 24 điểm dân cư đã có.
+ Với các điểm dân cư nằm trong vùng thường xuyên xảy ra lũ quét: Tổng số 1.810 hộ của 35 xã, thuộc 8 huyện. Hướng bố trí là ổn định nội xã, nội huyện.
Bố trí vào 25 điểm dân cư mới và xen ghép với 33 điểm dân cư đã có.
+ Với các điểm nằm trong vùng thường xuyên bị ngập úng: Tổng số 347 hộ của 16 xã, thuộc 7 huyện. Hướng bố trí là ổn định nội xã, nội huyện.
Bố trí vào 10 điểm dân cư mới và xen ghép với 11 điểm dân cư đã có.
+ Với các điểm dân cư nằm trong vùng khó khăn về đời sống: Tổng số 3.040 hộ của 103 xã, thuộc 13 huyện, thành, thị. Hướng bố trí là ổn định nội xã, nội huyện. Chú ý khi di chuyển các hộ gia đình ở vùng núi cao, vùng sâu, cách biệt với cộng đồng cần gắn với định canh, định cư, quan tâm đến phong tục tập quán của các dân tộc ít người.
Bố trí 31 điểm dân cư mới và xen ghép với 81 điểm dân cư đã có.
+ Với các điểm dân cư nằm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, vùng lõi của rừng đặc dụng : Tổng số 390 hộ của 5 xã, thuộc 3 huyện, thành phố. Hướng bố trí là ổn định nội xã, nội huyện.
Bố trí vào 6 điểm dân cư mới và xen ghép với 1 điểm dân cư đã có.
+ Với các điểm dân cư trong vùng xung yếu của rừng phòng hộ: Tổng số 171 hộ của 2 xã thuộc 2 huyện. Hướng bố trí là ổn định nội xã, nội huyện.
Bố trí vào 1 điểm dân cư mới và xen ghép với 1 điểm dân cư đã có.
3.2. Xây dựng cơ sở hạ tầng: Như đã nêu ở phần mục tiêu cụ thể.
4. Kinh phí thực hiện, nguồn vốn và phân kỳ đầu tư:
4.1. Kinh phí thực hiện: 2.722,097 tỷ đồng, trong đó: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: 2.261,053 tỷ đồng; hỗ trợ di dân: 347,992 tỷ đồng; quản lý dự án: 113,053 tỷ đồng.
4.2. Nguồn vốn đầu tư: Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước: 2.041,57 tỷ đồng, vốn đầu tư từ các ngành (Điện lực, Giáo dục, Y tế): 155,15 tỷ đồng, nhân dân đóng góp: 136,1 tỷ đồng, lồng ghép các chương trình: 389,26 tỷ đồng.
4.3. Phân kỳ đầu tư:
- Giai đoạn 2006 - 2010: 2.181,610 tỷ đồng, trong đó: Xây dựng cơ sở hạ tầng: 1.833,434 tỷ đồng, hỗ trợ di dân và phát triển sản xuất: 256,505 tỷ đồng, quản lý dự án: 91,672 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2011 - 2015; 540,487 tỷ đồng, trong đó: Xây dựng cơ sở hạ tầng: 427,619 tỷ đồng, hỗ trợ di dân và phát triển sản xuất: 91,487 tỷ đồng, quản lý dự án: 21,381 tỷ đồng.
5. Các giải pháp chủ yếu:
5.1. Giải pháp về huy động nguồn vốn:
- Huy động tổng hợp các nguồn vốn để thực hiện quy hoạch. Tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong việc bố trí vốn hàng năm cho Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng và các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho các chương trình mục tiêu khác.
- Nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ có mục tiêu, vốn ODA, trái phiếu Chính phủ bố trí vào các dự án, công trình lớn. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng tập trung các hộ vay để sản xuất.
Ngoài các nguồn vốn trên, cần huy động vốn các thành phần kinh tế khác, viện trợ của các tổ chức quốc tế,… Đẩy mạnh xã hội hóa, vận động nhân dân tham gia đầu tư hạ tầng, y tế, giáo dục theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”
5.2. Giải pháp về bố trí đất ở:
- Đối với hộ xen ghép: Sử dụng tối đa quỹ đất còn dư để bố trí cho các hộ; chuyển mục đích sử dụng từ đất lâm nghiệp, nông nghiệp sản xuất không hiệu quả sang đất ở.
- Đối với các hộ tập trung: Sử dụng tối đa diện tích đất chưa sử dụng có vị trí thuận tiện để xây dựng hạ tầng và các khu tái định cư. Thu hồi diện tích đất của các doanh nghiệp đã thuê đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả để xây dựng các khu tái định cư tập trung.
5.3. Giải pháp về hỗ trợ sản xuất:
- Hỗ trợ công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công: Hỗ trợ nông dân về giống, vật tư; xây dựng các mô hình sản xuất; khuyến khích phát triển, khôi phục các làng nghề truyền thống; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
- Tạo điều kiện thuận lợi và có chế độ vay vốn ưu đãi để sản xuất đối với các hộ phải di chuyển.
- Phát triển dịch vụ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm: Mở rộng các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất ở nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi để cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản; có chính sách trợ giá nông sản cho các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; quy hoạch, bố trí lại hệ thống chợ nông thôn. Tăng cường cung cấp thông tin thị trường cho nông dân.
- Hỗ trợ khắc phục rủi ro, hậu quả thiên tai cho nhân dân các vùng bị ảnh hưởng.
5.4. Giải pháp về tăng cường cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực: Tăng cường đào tạo, dạy nghề cho lao động ở nông thôn. Củng cố đội ngũ cán bộ, thực hiện đầy đủ chính sách đối với cán bộ làm công tác di dân và phát triển kinh tế mới. Tăng cường đội ngũ cán bộ chỉ đạo kỹ thuật sản xuất nông, lâm nghiệp đối với các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Ưu đãi đối với các nghệ nhân truyền nghề, dạy nghề và miễn giảm học phí cho các đối tượng vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp.
5.5. Tăng cường quản lý Nhà nước: Nâng cao chất lượng công tác điều tra, cảnh báo, dự báo thiên tai. Tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất, tổ chức định cư. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành, nhất là đối với cấp xã.
5.6. Giải pháp tuyên truyền vận động: Thông qua các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để người dân nắm được và tích cực cùng chính quyền các cấp thực hiện tốt việc bố trí dân cư theo quy hoạch, kế hoạch.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
- Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành, thị thực hiện công bố công khai Quy hoạch bố trí dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, vùng quản lý nghiêm ngặt trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015 theo quy định.
- Chủ tịch UBND tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị như sau:
+ Sở Nông nghiệp và PTNT: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch, các chương trình, dự án về bố trí dân cư hàng năm và 5 năm trên địa bàn toàn tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt làm căn cứ để chỉ đạo thực hiện và đề nghị với các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí.
Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, các chương trình, dự án về bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh, tổng hợp báo cáo các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh theo quy định.
+ Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT và các sở, ngành liên quan căn cứ Quy hoạch bố trí dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, vùng quản lý nghiêm ngặt trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015 đã được phê duyệt, tính toán, cân đối nguồn lực tài chính, tiến hành lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án khác trên địa bàn với chương trình bố trí dân cư để bố trí nguồn vốn thực hiện quy hoạch, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
+ Sở Tài chính: Căn cứ nguồn vốn được bố trí hàng năm về thực hiện Quy hoạch bố trí dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, vùng quản lý nghiêm ngặt trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015, xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định; đồng thời hướng dẫn và kiểm tra việc sử dụng kinh phí đã cấp cho thực hiện quy định theo đúng quy định.
+ Sở Tài nguyên và Môi trường: Có trách nhiệm kiểm tra, rà soát lại quỹ đất đai trên địa bàn tỉnh và căn cứ vào quy định của Luật Đất đai hiện hành, đề xuất với UBND tỉnh để có biện pháp thu hồi diện tích đất đai chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả đã cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp, các nông, lâm trường để giao cho hộ gia đình thuộc đối tượng của dự án bố trí, sắp xếp lại dân cư; đồng thời tham mưu chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch và quy hoạch của Luật Đất đai để phục vụ việc bố trí dân cư tại địa phương.
+ Các sở, ban, ngành quản lý chương trình mục tiêu: Khi xây dựng kế hoạch các chương trình mục tiêu hàng năm, cần thống nhất với UBND các huyện, thành, thị đưa nội dung bố trí, sắp xếp dân cư vào chương trình.
+ Các sở, ban, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT để chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung trong quy hoạch.
+ UBND các huyện, thành, thị: Có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành có liên quan để tổ chức triển khai quy hoạch, các chương trình, dự án về bố trí, sắp xếp dân cư trên địa bàn quản lý theo đúng quy định.
+ UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với chính quyền cùng cấp vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia các kế hoạch, chương trình về bố trí, sắp xếp dân cư trên địa bàn.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục - Đào tạo, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Lao động Thương binh và Xã hội, Giao thông - Vận tải, Công nghiệp, Ban Dân tộc và Tôn giáo; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và các sở, ban, ngành có liên quan căn cứ Quyết định thực hiện.
| KT. CHỦ TỊCH |