Nội dung toàn văn Quyết định 3155/QĐ-UBND Tái cơ cấu ngành thủy lợi Bình Thuận 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3155/QĐ-UBND | Bình Thuận, ngày 06 tháng 10 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TÁI CƠ CẤU NGÀNH THỦY LỢI” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”;
Căn cứ Quyết định số 794/QĐ-BNN-TCTL ngày 21 tháng 4 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành Thủy lợi”;
Căn cứ Quyết định số 802/QĐ-BNN-TCTL ngày 22 tháng 4 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Thủy lợi”;
Căn cứ Công văn số 1638/BNN-TCTL ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Thủy lợi”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 2405/SNN-KHTC ngày 14 tháng 10 năm 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định 794/QĐ-BNN-TCTL ngày 24 tháng 4 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành Thủy lợi” trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các đơn vị, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TÁI CƠ CẤU NGÀNH THỦY LỢI”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3155/QĐ-UBND ngày 06 tháng 10 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)
I. MỤC TIÊU.
Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Thủy lợi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 794/QĐ-BNN-TCTL ngày 24 tháng 4 năm 2014 (sau đây gọi tắt là Đề án) trong điều kiện cụ thể của địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020 của tỉnh và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU.
1. Tuyên truyền, phổ biến và quán triệt nội dung Đề án.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức phổ biến, quán triệt và triển khai nội dung Đề án, Chương trình hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức các Chi cục, phòng, ban và đơn vị trực thuộc;
- Các cơ quan, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trong từng lĩnh vực cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
2. Nâng cao chất lượng quy hoạch thủy lợi; tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với quy hoạch.
- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy hoạch thủy lợi đã được phê duyệt;
- Xây dựng và rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch thủy lợi phục vụ các mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp:
+ Rà soát toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi, công trình cấp nước sạch nông thôn, bao gồm: Cơ sở hạ tầng, tổ chức quản lý, khai thác và cơ chế vận hành;
+ Rà soát quy hoạch thủy lợi phục vụ phát triển cây trồng lợi thế (thanh long, cao su, vv.), tưới tiên tiến, tiết kiệm nước;
+ Rà soát quy hoạch thủy lợi phục vụ vùng nuôi thủy sản nước ngọt tập trung (Đức Linh, Tánh Linh, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc); khai thác mặt nước hồ thủy lợi, thủy điện nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao;
+ Rà soát các hồ đập có nguy cơ mất an toàn và đề xuất biện pháp để đảm bảo an toàn hồ đập và vùng hạ du.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về quy hoạch: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch và đình chỉ các hành vi vi phạm quy hoạch được duyệt; xóa bỏ quy hoạch treo, minh bạch hóa quy hoạch.
3. Hoàn thiện thể chế, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn.
- Triển khai kịp thời hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ tái cơ cấu ngành: Luật Thủy lợi; Nghị định và các văn bản hướng dẫn về quản lý an toàn đập; Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống thiên tai;
- Hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hệ thống định mức kinh tế-kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng, quản lý khai thác công trình thủy lợi; đảm bảo an toàn đập;
- Triển khai thực hiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hình thức hợp tác công - tư trong lĩnh vực thủy lợi, nước sạch nông thôn;
- Tổ chức thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thuỷ lợi” và các cơ chế, chính sách liên quan;
- Thực hiện đổi mới cơ chế, chính sách theo hướng thị trường trong quản lý khai thác công trình thủy lợi;
- Triển khai thực hiện cơ chế, chính sách để củng cố, phát triển tổ chức thủy nông cơ sở (hợp tác xã, tổ hợp tác dùng nước).
4. Điều chỉnh cơ cấu đầu tư công và tiếp tục thực hiện các Chương trình.
a) Rà soát sắp xếp, điều chỉnh dự án đầu tư:
Rà soát các quy hoạch thủy lợi đã được duyệt để lựa chọn danh mục dự án đầu tư ưu tiên đến năm 2020 phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Cụ thể như sau:
- Ưu tiên đầu tư cho các công trình thủy lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cung cấp nước cho dân sinh, công nghiệp; phục vụ nuôi trồng thủy sản;
- Tập trung vốn đầu tư cho các công trình thuỷ lợi đầu mối, công trình trọng điểm; ưu tiên đầu tư hệ thống đê, kè, các dự án an toàn hồ chứa; ưu tiên cho nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư; củng cố hệ thống thủy lợi nội đồng để đáp ứng phương thức canh tác tiên tiến; xây dựng kênh nối mạng chuyển nước lưu vực đưa nước đến các khu vực bị ảnh hưởng hạn hán, phát triển thủy lợi nhỏ kết hợp với thủy điện ở khu vực miền núi.
b) Triển khai thực hiện các cơ chế chính sách mới về đầu tư thủy lợi, thu hút nguồn vốn đầu tư cho phát triển thủy lợi:
- Triển khai kịp thời cơ chế thu hút các nguồn lực xã hội (vốn tư nhân, PPP) đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình thủy lợi, nước sạch nông thôn;
- Rà soát, phân loại và lập danh mục các dự án thủy lợi, dự án nước sạch nông thôn có khả năng thực hiện cơ chế công tư kết hợp PPP (Public - Private Partner).
c) Tăng cường công tác quản lý đầu tư:
Nâng cao chất lượng lựa chọn các dự án đầu tư, lấy hiệu quả kinh tế-xã hội-môi trường làm tiêu chí cơ bản để quyết định lựa chọn dự án đầu tư; công khai, minh bạch trong đầu tư; tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư; bố trí vốn tập trung, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán và không đồng bộ; phân bổ, quản lý và giám sát sử dụng vốn đầu tư theo quy hoạch và kế hoạch trung hạn.
d) Tiếp tục thực hiện các Chương trình, Đề án:
- Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn;
- Tiếp tục thực hiện Chương trình an toàn hồ chứa nước;
- Tiếp tục thực hiện Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển;
- Triển khai thực hiện Đề án kiên cố kênh nội đồng các xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2015 ÷ 2020.
5. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.
- Nghiên cứu ứng dụng, phát triển trên diện rộng các giải pháp công nghệ để đẩy mạnh thực hiện tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng lợi thế (thanh long, cao su, vv);
- Nghiên cứu ứng dụng, phát triển trên diện rộng các giải pháp công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý tưới cho lúa nhằm tiết kiệm nước; các hướng dẫn thiết kế hệ thống thủy lợi nội đồng gắn với xây dựng giao thông nội đồng để áp dụng phương thức canh tác nông nghiệp tiên tiến;
- Nghiên cứu ứng dụng, phát triển trên diện rộng các giải pháp công nghệ để phát triển hệ thống công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung;
- Tiếp nhận chuyển giao công nghệ cấp nước, lọc nước, xử lý nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, trước mắt là những vùng nuôi tôm nước lợ;
- Tiếp nhận chuyển giao công nghệ và triển khai trên diện rộng các công nghệ tiên tiến như: Công nghệ ảnh vệ tinh, công nghệ thông tin, vật liệu mới để nâng cao năng lực dự báo trong phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn đập và phòng chống lũ cho hạ lưu, quản lý khai thác công trình thủy lợi.
6. Củng cố bộ máy quản lý Nhà nước.
- Thành lập, củng cố tổ chức bộ máy phòng chống thiên tai các cấp từ tỉnh đến huyện, xã;
- Có chính sách, chế độ đãi ngộ, thu hút cán bộ khoa học kỹ thuật về lĩnh vực thủy lợi để tạo sự chuyển biến trong phát triển nguồn lực khoa học của địa phương.
7. Công tác đào tạo.
- Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thủy lợi, trọng tâm là cán bộ cấp huyện, cấp xã;
- Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho các đội ngũ quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi, đặc biệt là đội ngũ quản lý hồ, đập, quản lý thủy nông cơ sở.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương và cơ quan liên quan để theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch hành động; Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng Kế hoạch triển khai trên địa bàn huyện; theo dõi, tổng hợp tình hình, định kỳ báo cáo gởi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan liên quan có trách nhiệm triển khai Kế hoạch hành động này, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, phù hợp tình hình thực tế (Danh mục nhiệm vụ và phân công thực hiện như Phụ lục kèm theo).
3. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bình Thuận và các cơ quan thông tin truyền thông xây dựng nội dung tuyên truyền Đề án Tái cơ cấu ngành thủy lợi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 794/QĐ-BNN-TCTL Kế hoạch hành động thực hiện của Ủy ban nhân dân tỉnh; thông tin, phản ánh kịp thời các mô hình, điển hình về tái cơ cấu ngành thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
4. Định kỳ 6 tháng và hàng năm, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan liên quan tiến hành đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện, trong đó nêu rõ việc đã hoàn thành, việc chưa hoàn thành, nguyên nhân và đề xuất giải pháp, gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
5. Trong quá trình thực hiện, nếu cần phải sửa đổi, điều chỉnh bổ sung Kế hoạch hành động, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan liên quan chủ động báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.