Quyết định 32/2010/QĐ-UBND

Quyết định 32/2010/QĐ-UBND về Quy định thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Tư pháp do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành

Quyết định 32/2010/QĐ-UBND thực hiện theo cơ chế một cửa,liên thông đã được thay thế bởi Quyết định 40/2013/QĐ-UBND thủ tục hành chính cơ chế một cửa liên thông Sở Tư pháp An Giang và được áp dụng kể từ ngày 14/11/2013.

Nội dung toàn văn Quyết định 32/2010/QĐ-UBND thực hiện theo cơ chế một cửa,liên thông


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2010/QĐ-UBND

Long Xuyên, ngày 13 tháng 8 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH THỰC HIỆN THEO CƠ CHẾ MỘT CỬA, MỘT CỬA LIÊN THÔNG TRONG GIẢI QUYẾT CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC THẨM QUYỀN CỦA SỞ TƯ PHÁP

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp và Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Tư pháp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2206/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc ban hành danh mục công việc và thủ tục hành chính giải quyết theo cơ chế một cửa tại Sở Tư pháp.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các Sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
-Như Điều 3;
-Website Chinh phủ;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Nội vụ;
- Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;
- Chủ tịch; Các PCT. UBND tỉnh;
- TT. Công báo, Tổ Đề án 30 tỉnh;
- Lưu: VT, P.TH, XDCB, KT, VHXH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Bình Thạnh

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC THỰC HIỆN THEO CƠ CHẾ MỘT CỬA, MỘT CỬA LIÊN THÔNG TRONG GIẢI QUYẾT CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC THẨM QUYỀN CỦA SỞ TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 32/2010/QĐ-UBND ngày 13 tháng 8 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy định này quy định việc thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Tư pháp, như sau:

1. Các thủ tục giải quyết theo cơ chế một cửa tại Sở Tư pháp, bao gồm:

a) Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài;

b) Đăng ký khai tử có yếu tố nước ngoài;

c) Đăng ký khai giám hộ có yếu tố nước ngoài;

d) Đăng ký chấm dứt, thay đổi giám hộ có yếu tố nước ngoài;

đ) Ghi vào sổ hộ tịch các việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài;

e) Đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài;

g) Cấp bản sao các loại giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch;

h) Cấp lại bản chính giấy khai sinh có yếu tố nước ngoài;

i) Thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch có yếu tố nước ngoài.

2. Các thủ tục giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông tại Sở Tư pháp, bao gồm:

a) Cấp phiếu lý lịch tư pháp;

b) Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài;

c) Đăng ký việc nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài;

d) Đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài;

đ) Nhập quốc tịch Việt Nam;

e) Thôi quốc tịch Việt Nam;

g) Trở lại quốc tịch Việt Nam.

3. Quy chế này quy định về quy trình tiếp nhận, xử lý và trả kết quả của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; quy định trách nhiệm phối hợp của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông quy định tại khoản 1 và 2.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cán bộ, công chức trong giải quyết các thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông quy định tại Điều 1.

2. Cá nhân, tổ chức được quy định cụ thể trong khoản 1 của các Điều tại Chương II và Chương III và khoản 2 Điều 10, Điều 16.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện.

1. Thủ tục hành chính đơn giản, rõ ràng, đảm bảo công việc giải quyết nhanh chóng, thuận tiện, đúng quy định pháp luật.

2. Các quy định về hồ sơ, thủ tục, quy trình, thời gian thực hiện được niêm yết công khai tại bộ phận một cửa của Sở Tư pháp.

3. Các nội dung phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính trong một cửa liên thông giữa Sở Tư pháp, Công an tỉnh và các cơ quan khác được đề nghị phối hợp xác minh được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của từng cơ quan, đảm bảo tính đồng bộ, chặt chẽ để giải quyết công việc kịp thời, chính xác, đúng pháp luật.

4. Sở Tư pháp là cơ quan đầu mối tiếp nhận và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân; chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký và chuyển hồ sơ đến các cơ quan có liên quan để phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính trong một cửa liên thông thuộc thẩm quyền của Sở Tư pháp.

Chương II

THỰC HIỆN CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THEO CƠ CHẾ MỘT CỬA

Điều 4. Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài

1. Đối tượng áp dụng:

a) Trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha và mẹ là người nước ngoài;

b) Trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha hoặc mẹ là người nước ngoài còn người kia là công dân Việt Nam ở nước ngoài;

c) Trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, còn người kia là công dân Việt Nam đang cư trú tại Việt Nam;

d) Trẻ em sinh ra ở nước ngoài có cha hoặc mẹ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và trẻ em sinh ra ở nước ngoài có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài.

2. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Sở Tư pháp là cơ quan có thẩm quyền quyết định và trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính.

3. Hồ sơ:

Cá nhân phải nộp 01 bộ hồ sơ, gồm các loại giấy tờ sau đây:

a) Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin để đăng ký khai sinh;

b) Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay giấy chứng sinh: văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thật;

c) Xuất trình Hộ chiếu, giấy Chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ trẻ (nếu có). Nếu kết hôn ở nước ngoài thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch sang tiếng Việt Nam;

d) Giấy thỏa thuận chọn quốc tịch cho con (trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì giấy thoả thuận của cha và mẹ về việc chọn quốc tịch đó phải có xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của nước mà người nước ngoài là công dân về việc chọn quốc tịch cho con là phù hợp với pháp luật của nước đó) phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch sang tiếng Việt Nam.

4. Trình tự thực hiện:

a) Cá nhân nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp;

b) Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ hợp lệ và cấp giấy biên nhận hồ sơ cho cá nhân.

5. Thời gian giải quyết:

Trong thời hạn 4 (bốn) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp phải cấp Giấy khai sinh cho cá nhân. Trong trường hợp phức tạp sẽ kéo dài thêm thời gian giải quyết là 4 (bốn) ngày.

6. Lệ phí:

Mức thu lệ phí đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài phải nộp: thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 5. Đăng ký khai tử có yếu tố nước ngoài

1. Đối tượng áp dụng:

a) Người nước ngoài;

b) Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài chết tại Việt Nam.

2. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Sở Tư pháp là cơ quan có thẩm quyền quyết định và trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính.

3. Hồ sơ:

Cá nhân phải nộp 01 bộ hồ sơ, gồm các loại giấy tờ sau đây:

a) Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin để đăng ký khai tử;

b) Bản chính giấy báo tử;

c) Hộ chiếu và visa của người chết (bản sao có chứng thực, hoặc bản sao không có chứng thực nhưng phải xuất trình bản chính để đối chiếu);

d) Sổ hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đi khai tử (bản sao có chứng thực, hoặc bản sao không có chứng thực nhưng phải xuất trình bản chính để đối chiếu);

đ) Giấy xác nhận tạm trú hoặc sổ tạm trú của người chết (bản sao có chứng thực, hoặc bản sao không có chứng thực nhưng phải xuất trình bản chính để đối chiếu);

e) Văn bản ủy quyền hợp lệ (dùng trong trường hợp ủy quyền).

4. Trình tự thực hiện:

a) Cá nhân nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp;

b) Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ hợp lệ và cấp giấy biên nhận hồ sơ cho cá nhân.

5. Thời gian giải quyết:

Trong thời hạn 4 (bốn) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp phải cấp Giấy khai tử cho cá nhân. Trong trường hợp phức tạp sẽ kéo dài thêm thời gian giải quyết là 4 (bốn) ngày.

6. Lệ phí:

Mức thu lệ phí đăng ký khai tử có yếu tố nước ngoài phải nộp: thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 6. Đăng ký Giám hộ có yếu tố nước ngoài

1. Đối tượng áp dụng:

a) Công dân Việt Nam;

b) Người nước ngoài cùng cư trú tại Việt Nam.

2. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Sở Tư pháp là cơ quan có thẩm quyền quyết định và trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính.

3. Hồ sơ:

Cá nhân phải nộp 01 bộ hồ sơ, gồm các loại giấy tờ sau đây:

a) Giấy cử người giám hộ (theo mẫu): Giấy cử giám hộ do người cử giám hộ lập; nếu có nhiều người cùng cử một người làm giám hộ thì tất cả phải cùng ký vào Giấy cử giám hộ;

b) Phiếu lý lịch tư pháp của người được cử giám hộ;

c) Trường hợp người được giám hộ có tài sản riêng, thì người cử giám hộ phải lập danh mục tài sản (03 bản) và ghi rõ tình trạng của tài sản đó, có chữ ký của người cử giám hộ và người được cử giám hộ;

d) Giấy Chứng minh nhân dân và sổ Hộ khẩu của người cử giám hộ (công dân Việt Nam) (bản sao có chứng thực, hoặc bản sao không có chứng thực nhưng phải xuất trình bản chính để đối chiếu);

đ) Giấy Chứng minh nhân dân và sổ Hộ khẩu của người được giám hộ (nếu có) (bản sao có chứng thực, hoặc bản sao không có chứng thực nhưng phải xuất trình bản chính để đối chiếu);

e) Hộ chiếu, visa và giấy xác nhận cư trú của người được cử giám hộ (người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài) (bản sao có chứng thực, hoặc bản sao không có chứng thực nhưng phải xuất trình bản chính để đối chiếu).

4. Trình tự thực hiện:

a) Cá nhân nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp;

b) Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ hợp lệ và cấp giấy biên nhận hồ sơ cho cá nhân.

5. Thời gian giải quyết:

Trong thời hạn 4 (bốn) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp phải cấp Giấy giám hộ cho cá nhân. Trong trường hợp phức tạp cần xác minh về nhân thân, tài sản, mối quan hệ giữa người được giám hộ và người giám hộ sẽ kéo dài thêm thời gian giải quyết là 4 (bốn) ngày.

6. Lệ phí:

Mức thu lệ phí đăng ký giám hộ có yếu tố nước ngoài phải nộp: thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 7. Đăng ký chấm dứt, thay đổi giám hộ có yếu tố nước ngoài

1. Đối tượng áp dụng:

Giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài cùng cư trú tại Việt Nam.

2. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Sở Tư pháp là cơ quan có thẩm quyền quyết định và trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính.

3. Hồ sơ:

Cá nhân phải nộp 01 bộ hồ sơ, gồm các loại giấy tờ sau đây:

a) Tờ khai đăng ký chấm dứt việc giám hộ (theo mẫu);

b) Quyết định công nhận việc giám hộ trước đây (bản sao có chứng thực, hoặc bản sao không có chứng thực nhưng phải xuất trình bản chính để đối chiếu);

c) Các giấy tờ cần thiết cần thiết chứng minh đủ điều kiện chấm dứt việc giám hộ theo quy định (bản sao có chứng thực, hoặc bản sao không có chứng thực nhưng phải xuất trình bản chính để đối chiếu);

d) Trường hợp người được giám hộ có tài sản riêng, đã được lập thành danh mục khi đăng ký giám hộ, thì người yêu cầu chấm dứt việc giám hộ phải nộp danh mục tài sản đó và danh mục tài sản hiện tại của người được giám hộ;

đ) Hộ chiếu, visa và giấy xác nhận cư trú (nếu người yêu cầu chấm dứt việc giám hộ là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài) (bản sao có chứng thực, hoặc bản sao không có chứng thực nhưng phải xuất trình bản chính để đối chiếu);

e) Giấy Chứng minh nhân dân và sổ Hộ khẩu (nếu người yêu cầu chấm dứt việc giám hộ là công dân Việt Nam trong nước) (bản sao có chứng thực, hoặc bản sao không có chứng thực nhưng phải xuất trình bản chính để đối chiếu).

4. Trình tự thực hiện:

a) Cá nhân nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp;

b) Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ hợp lệ và cấp giấy biên nhận hồ sơ cho cá nhân.

5. Thời gian giải quyết:

Trong thời hạn 4 (bốn) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp phải cấp Giấy khai tử cho cá nhân. Trong trường hợp phức tạp cần phải xác minh sẽ kéo dài thêm thời gian giải quyết là 4 (bốn) ngày.

6. Lệ phí:

Mức thu lệ phí đăng ký chấm dứt, thay đổi giám hộ có yếu tố nước ngoài phải nộp: thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 8. Ghi vào sổ hộ tịch các việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài

1. Đối tượng áp dụng:

a) Công dân Việt Nam đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài các việc: khai sinh; kết hôn; nhận cha, mẹ, con; nuôi con nuôi;

b) Công nhận việc kết hôn; nuôi con nuôi; nhận cha, mẹ, con đã đăng ký trước cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

2. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Sở Tư pháp là cơ quan có thẩm quyền quyết định và trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính.

3. Hồ sơ:

Cá nhân phải xuất trình bản chính hoặc bản sao giấy tờ hộ tịch cần ghi.

4. Trình tự thực hiện:

a) Cá nhân nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp;

b) Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ hợp lệ và cấp giấy biên nhận cho cá nhân.

5. Thời gian giải quyết:

Trong thời hạn 4 (bốn) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp phải ghi vào sổ hộ tịch các việc hộ tịch của công dân Việt Nam.

6. Lệ phí:

Mức thu lệ phí ghi vào sổ hộ tịch các việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài phải nộp: thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 9. Đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài

1. Đối tượng áp dụng:

a) Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

b) Người nước ngoài đã đăng ký tại Việt Nam, nhưng bản chính giấy tờ hộ tịch và sổ đăng ký hộ tịch bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được thì được đăng ký lại.

2. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Sở Tư pháp là cơ quan có thẩm quyền quyết định và trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính.

3. Hồ sơ

Cá nhân phải nộp 01 bộ hồ sơ, gồm các loại giấy tờ sau đây:

Tờ khai (theo mẫu). Trường hợp việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi trước đây đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi về việc đã đăng ký; trừ trường hợp đương sự xuất trình bản sao giấy tờ hộ tịch đã cấp hợp lệ trước đây.

4. Trình tự thực hiện:

a) Cá nhân nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp;

b) Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ hợp lệ và cấp giấy biên nhận cho cá nhân.

5. Thời gian giải quyết:

Trong thời hạn 4 (bốn) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp phải cấp giấy đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài cho cá nhân. Trong trường hợp phức tạp cần xác minh thì kéo dài thêm thời gian giải quyết là 4 (bốn) ngày.

6. Lệ phí:

Mức thu lệ phí đối với việc đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài phải nộp: thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 10. Cấp bản sao các loại giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch

1. Phạm vi điều chỉnh:

Cấp bản sao từ sổ hộ tịch quyết định thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính;

Cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch (quyết định công nhận cha, mẹ, con);

Cấp bản sao giấy tờ Hộ tịch từ sổ hộ tịch ( khai tử);

Cấp bản sao giấy tờ Hộ tịch từ sổ hộ tịch (khai sinh);

 đ) Cấp bản sao giấy tờ Hộ tịch từ sổ hộ tịch (giấy chứng nhận kết hôn).

2. Đối tượng áp dụng:

a) Công dân Việt Nam;

b) Người nước ngoài.

3. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Sở Tư pháp là cơ quan có thẩm quyền quyết định và trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính.

4. Hồ sơ

Cá nhân phải nộp 01 bộ hồ sơ, bao gồm các loại giấy tờ sau đây:

a) Cấp bản sao từ sổ hộ tịch quyết định thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, gồm:

- Bản Photocopy quyết định thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính cần sao lục, nếu không có thì ghi thông tin vào tờ giấy;

- Giấy ủy quyền sao lục quyết định thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính trong trường hợp đương sự không trực tiếp đến Sở nộp hồ sơ sao lục quyết định thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính.

b) Cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch quyết định công nhận cha, mẹ, con, gồm:

- Bản Photocopy Quyết định công nhận Cha, Mẹ, Con cần sao lục;

- Nếu không có Quyết định công nhận Cha, Mẹ, Con thì ghi thông tin vào giấy để yêu cầu;

- Giấy ủy quyền sao lục quyết định công nhận Cha, Mẹ, Con trong trường hợp đương sự không trực tiếp đến Sở nộp hồ sơ sao lục quyết định công nhận Cha, Mẹ, Con.

c) Cấp bản sao giấy tờ Hộ tịch từ sổ hộ tịch giấy khai tử, gồm:

- Bản Photocopy giấy chứng tử cần sao lục, nếu không giấy chứng tử có thì ghi thông tin vào Giấy đề nghị trích lục Giấy chứng tử (theo mẫu);

- Giấy ủy quyền sao lục giấy chứng tử trong trường hợp đương sự không trực tiếp đến Sở nộp hồ sơ sao lục giấy chứng tử.

d) Cấp bản sao giấy tờ Hộ tịch từ sổ hộ tịch giấy khai sinh, gồm:

- Bản Photocopy Giấy khai sinh cần sao lục, nếu không có thì ghi thông tin vào Giấy đề nghị trích lục khai sinh;

- Giấy ủy quyền sao lục giấy khai sinh trong trường hợp đương sự không trực tiếp đến Sở nộp hồ sơ sao lục khai sinh.

đ) Cấp bản sao giấy tờ Hộ tịch từ sổ hộ tịch giấy chứng nhận kết hôn;

- Bản Photocopy giấy chứng nhận kết hôn cần sao lục, nếu không có thì ghi thông tin vào Giấy đề nghị trích lục Giấy chứng nhận kết hôn;

- Giấy ủy quyền sao lục giấy chứng nhận kết hôn trong trường hợp đương sự không trực tiếp đến Sở nộp hồ sơ sao lục giấy chứng nhận kết hôn.

5. Trình tự thực hiện:

a) Cá nhân nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp;

b) Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ hợp lệ và cấp giấy biên nhận cho cá nhân.

6. Thời gian giải quyết:

Trong thời hạn 2 (hai) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp phải cấp bản sao các loại giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch cho cá nhân.

7. Lệ phí:

Mức thu lệ phí cấp bản sao các loại giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch phải nộp: thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 11. Cấp lại bản chính giấy khai sinh có yếu tố nước ngoài

1. Đối tượng áp dụng:

a) Công dân Việt Nam;

b) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

2. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Sở Tư pháp là cơ quan có thẩm quyền quyết định và trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính.

3. Hồ sơ:

Cá nhân phải nộp 01 bộ hồ sơ, bao gồm các loại giấy tờ sau đây:

a) Tờ khai (theo mẫu) và bản chính giấy khai sinh cũ (nếu có);

b) Giấy Chứng minh nhân dân, sổ Hộ khẩu đối với công dân Việt Nam hoặc hộ chiếu (người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài) (bản sao có chứng thực, hoặc bản sao không có chứng thực nhưng kèm bản chính để đối chiếu).

4. Trình tự thực hiện:

a) Cá nhân nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp;

b) Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ hợp lệ và cấp giấy biên nhận cho cá nhân.

5. Thời gian giải quyết:

Trong thời hạn 4 (bốn) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp phải cấp lại bản chính giấy khai sinh có yếu tố nước ngoài cho cá nhân.

6. Lệ phí:

Mức thu lệ phí Cấp lại bản chính giấy khai sinh có yếu tố nước ngoài phải nộp: thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 12. Thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch có yếu tố nước ngoài

1. Đối tượng áp dụng:

a) Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

b) Người nước ngoài mà trước đây đã đăng ký hộ tịch tại Việt Nam (trừ trường hợp đã đăng ký hộ tịch tại Ủy ban nhân dân cấp xã).

2. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Sở Tư pháp là cơ quan có thẩm quyền quyết định và trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính.

3. Hồ sơ:

Cá nhân phải nộp 01 bộ hồ sơ, bao gồm các loại giấy tờ sau đây:

a) Tờ khai (theo mẫu);

b) Xuất trình bản chính Giấy khai sinh của người cần thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bồ sung hộ tịch; và các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch;

c) Các giấy tờ cần thiết liên quan khác để làm căn cứ cho việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch;

d) Giấy ủy quyền trong trường hợp uỷ quyền cho người khác thực hiện việc cần thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch;

đ) Văn bản kết luận của tổ chức y tế đã tiến hành can thiệp để xác định lại giới tính đối với trường hợp xác định lại giới tính.

4. Yêu cầu, điều kiện:

a) Trường hợp người chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự được thực hiện theo yêu cầu của cha, mẹ hoặc người giám hộ;

b) Trường hợp thay đổi họ tên cho người từ đủ 9 tuổi trở lên và xác định lại dân tộc cho người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi trở lên thì phải có sự đồng ý của người đó.

5. Trình tự thực hiện:

a) Cá nhân nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp;

b) Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ hợp lệ và cấp giấy biên nhận cho cá nhân.

6. Thời gian giải quyết:

Trong thời hạn 4 (bốn) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp phải thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch có yếu tố nước ngoài cho cá nhân. Trong trường hợp phức tạp thì kéo dài thêm thời gian giải quyết là 3 (ba) ngày.

7. Lệ phí:

Mức thu lệ phí thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch có yếu tố nước ngoài phải nộp: thực hiện theo quy định hiện hành.

Chương III

THỰC HIỆN CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THEO CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG

Điều 13. Cấp phiếu lý lịch tư pháp

1. Đối tượng áp dụng:

a) Công dân Việt Nam;

b) Người Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài;

c) Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.

2. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Sở Tư pháp là cơ quan có thẩm quyền quyết định và trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính. Cơ quan phối hợp: Công an tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.

3. Hồ sơ:

Cá nhân phải nộp 02 bộ hồ sơ, mỗi bộ gồm các loại giấy tờ sau đây:

a) Đơn yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp (theo mẫu);

b) Bản sao giấy Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu gia đình có chứng thực hoặc bản sao không có chứng thực nhưng kèm bản chính để đối chiếu khi nộp hồ sơ hoặc các giấy tờ hợp pháp khác chứng minh nơi thường trú của đương sự;

c) Đối với người nước ngoài thì nộp bản sao Hộ chiếu và bản sao giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam;

d) Trường hợp ủy quyền làm thủ tục thì phải có văn bản ủy quyền hợp pháp.

4. Trình tự thực hiện:

a) Cá nhận nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp;

b) Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ hợp lệ và cấp giấy biên nhận cho cá nhân trong thời hạn 01 (một) ngày;

c) Tùy từng trường hợp cụ thể, Sở Tư pháp chuyển hồ sơ sang một hay các cơ quan sau đây để xác minh: Công an tỉnh, Thi hành án dân sự, Tòa án tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trong thời hạn 01 ngày;

d) Công an tỉnh hoặc Thi hành án dân sự hoặc Tòa án tỉnh hoặc Viện Kiểm sát nhân dân xác minh, trả lời kết quả cho Sở Tư pháp trong thời hạn 7 (bảy) ngày. Trong trường hợp phức tạp thì kéo dài thêm thời gian giải quyết không quá 10 ngày;

đ) Sở Tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp trong thời hạn 01 (một) ngày.

5. Thời gian giải quyết:

Trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp phải cấp phiếu lý lịch tư pháp cho cá nhân. Trong trường hợp phức tạp sẽ kéo dài thêm thời gian giải quyết là 10 (mười) ngày.

6. Lệ phí:

Mức thu lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp phải nộp: thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 14. Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài nước

1. Đối tượng áp dụng:

a) Công dân Việt Nam với người nước ngoài;

b) Giữa công dân Việt Nam với người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

c) Giữa người nước ngoài thường trú tại Việt Nam kết hôn với nhau.

2. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Ủy ban nhân dân tỉnh là cơ quan có thẩm quyền quyết định, Sở Tư pháp là cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính. Cơ quan phối hợp: Công an tỉnh và các cơ quan khác được đề nghị phối hợp xác minh.

3. Hồ sơ:

Cá nhân phải nộp 02 bộ hồ sơ, mỗi bộ gồm các loại giấy tờ sau đây:

a) Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu);

b) Giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân của mỗi bên, do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người xin kết hôn là công dân cấp chưa quá 6 (sáu) tháng tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại đương sự là người không có vợ hoặc không có chồng.

Trong trường hợp pháp luật của nước mà người xin kết hôn là công dân không quy định cấp giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân thì có thể thay giấy xác nhận mà người xin kết hôn là công dân bằng giấy xác nhận lời tuyên thệ của đương sự hiện tại là người không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật của nước đó;

c) Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 6 (sáu) tháng tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;

d) Bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy chứng minh nhân dân (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế như Giấy thông hành hoặc thẻ cư trú (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài);

đ) Bản sao có công chứng hoặc chứng thực sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể hoặc giấy xác nhận đăng ký tạm trú có thời hạn (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), thẻ thường trú hoặc tạm trú hoặc giấy xác nhận tạm trú (đối với người nước ngoài ở Việt Nam).

Trường hợp công dân Việt Nam là người đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang hoặc đang làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật Nhà nước thì phải nộp giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý ngành cấp trung ương hoặc cấp tỉnh, xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không ảnh hưởng đến việc bảo vệ bí mật Nhà nước hoặc không trái với quy định của ngành đó.

4. Yêu cầu, điều kiện:

Tất cả giấy tờ bằng tiếng nước ngoài phải được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và được dịch ra tiếng Việt có chứng thực hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam (tùy từng trường hợp cụ thể).

5. Trình tự thực hiện:

a) Trường hợp không chuyển Công an tỉnh xác minh (24 ngày):

- Cá nhân nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp;

- Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ hợp lệ và cấp giấy biên nhận cho cá nhân;

- Sở Tư pháp chuyển công văn niêm yết việc kết hôn tại UBND xã: 15 (mười lăm) ngày;

- Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, phê duyệt và trình Ủy ban nhân dân tỉnh trong thời hạn 3 (ba) ngày;

- Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết và chuyển kết quả cho Sở Tư pháp trong thời hạn 5 (năm) ngày;

- Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp tổ chức lễ trao Giấy chứng nhận để Giám đốc Sở trao cho cá nhân trong thời hạn 01 (một) ngày.

b) Trường hợp nếu có nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo thì cần Công an tỉnh xác minh (37 ngày):

- Cá nhân nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp;

- Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ hợp lệ và cấp giấy biên nhân cho cá nhân;

- Sở Tư pháp chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh xác minh và chuyển công văn niêm yết việc kết hôn tại Uỷ ban nhân dân xã: 15 (mười lăm) ngày. Trường hợp này, Công an tỉnh xác minh và trả kết quả về Sở Tư pháp kéo dài thêm thời gian là 15 (mười lăm) ngày;

- Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, phê duyệt và trình Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết trong thời hạn 01 (một) ngày;

- Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết và chuyển kết quả cho Sở Tư pháp trong thời hạn 5 (năm) ngày;

- Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp tổ chức lễ trao Giấy chứng nhận để Giám đốc Sở trao cho cá nhân trong thời hạn 01 (một) ngày.

6. Thời gian giải quyết:

Trong thời hạn 24 (hai mươi bốn) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp phải tổ chức lễ trao Giấy chứng nhận cho cá nhân. Trong trường hợp phức tạp cần cơ quan xác minh thì kéo dài thêm thời gian giải quyết không quá 13 (mười ba) ngày.

7. Lệ phí:

Mức thu lệ phí đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài nước phải nộp: thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 15. Đăng ký việc nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài

1. Đối tượng áp dụng:

a) Người nước ngoài;

b) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

2. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Ủy ban nhân dân tỉnh là cơ quan có thẩm quyền quyết định, Sở Tư pháp là cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính.

3. Hồ sơ:

Cá nhân phải nộp 01 (một) bộ hồ sơ, gồm các loại giấy tờ sau đây:

a) Đơn đề nghị nhận cha, mẹ, con (theo mẫu);

b) Bản sao giấy Chứng minh nhân dân (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam ở nước ngoài) của người nhận và người được nhận là cha, mẹ, con;

c) Bản sao giấy khai sinh của người được nhận là con trong trường hợp xin nhận con; của người nhận cha, mẹ trong trường hợp xin nhận cha, mẹ;

d) Giấy tờ, tài liệu hoặc chứng cứ (nếu có) để chứng minh giữa người nhận và người được nhận có quan hệ cha, mẹ, con;

đ) Bản sao sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể (đối với công dân Việt Nam thường trú ở trong nước); thẻ thường trú (đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam) của người được nhận là cha, mẹ, con;

e) Văn bản thỏa thuận quốc tịch của cha, mẹ (trường hợp người con chưa đăng ký khai sinh).

4. Trình tự thực hiện:

 a) Cá nhân nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp;

b) Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ hợp lệ và cấp giấy biên nhân cho cá nhân;

c) Giám đốc Sở Tư pháp thông báo niêm yết tại trụ sở Sở Tư pháp và chuyển thông báo niêm yết việc nhận cha, mẹ, con về UBND xã: 20 (hai mươi) ngày. Trường hợp phức tạp cần phải thẩm tra, xác minh, thì thời gian thẩm tra, xác minh kéo dài thêm không quá 10 (mười) ngày.

d) Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, phê duyệt và trình Ủy ban nhân dân tỉnh: 1 (một) ngày;

đ) Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết và chuyển kết quả cho Sở Tư pháp: 5 (năm) ngày;

e) Sở Tư pháp cấp giấy cho cá nhân trong thời hạn 01 (một) ngày.

5. Thời gian giải quyết:

Trong thời hạn 27 (hai mươi bảy) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp phải cấp Giấy chứng nhận cha, mẹ, con cho cá nhân. Trong trường hợp phức tạp thì kéo dài thêm thời gian giải quyết là 10 (mười) ngày.

6. Lệ phí:

Mức thu lệ phí đăng ký việc nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài phải nộp: thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 16. Đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài

1. Phạm vi áp dụng:

Giải quyết cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài theo thủ tục xin không đích danh (chưa xác định được trẻ em);

Giải quyết cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài theo thủ tục xin đích danh (đã xác định được trẻ em).

2. Đối tượng áp dụng:

a) Người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi;

b) Công dân Việt Nam xin nhận trẻ em là người nước ngoài thường trú tại Việt Nam làm con nuôi.

3. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Ủy ban nhân dân tỉnh là cơ quan có thẩm quyền quyết định, Sở Tư pháp là cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính, cơ quan phối hợp là Công an tỉnh và các cơ quan khác được đề nghị phối hợp xác minh.

4. Hồ sơ:

a) Hồ sơ của người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi là 02 (hai) bộ, gồm các loại giấy tờ sau đây:

- Đơn đề nghị nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi (theo mẫu quy định);

- Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế như giấy thông hành hoặc thẻ cư trú;

- Giấy phép còn giá trị do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú cấp, cho phép người đó nhận con nuôi. Nếu nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú không cấp loại giấy này thì thay thế bằng giấy tờ có giá trị tương ứng hoặc giấy xác nhận có đủ điều kiện nuôi con nuôi theo pháp luật của nước đó;

- Bản điều tra về tâm lý, gia đình, xã hội của người xin nhận con nuôi do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú cấp;

- Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú hoặc tổ chức y tế của Việt Nam từ cấp tỉnh trở lên cấp chưa quá 6 (sáu) tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó có đủ sức khoẻ, không mắc bệnh tâm thần, hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, không mắc bệnh truyền nhiễm;

- Giấy tờ xác nhận về tình hình thu nhập của người xin nhận con nuôi, chứng minh người đó đảm bảo việc nuôi con nuôi;

- Phiếu lý lịch tư pháp của người xin nhận con nuôi do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người đó thường trú cấp chưa quá 12 (mười hai) tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ;

- Bản sao giấy chứng nhận kết hôn đối với người xin nhận con nuôi, trong trường hợp người xin nhận con nuôi là vợ chồng đang trong thời kỳ hôn nhân.

Trường hợp người xin nhận con nuôi mà có thời gian công tác học tập, làm việc tại Việt Nam từ 6 (sáu) tháng trở lên; có vợ, chồng, cha, mẹ là công dân Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam; có quan hệ họ hàng, thân thích với trẻ em được xin nhận làm con nuôi hoặc đang có con nuôi là anh, chị, em ruột của trẻ em được xin nhận làm con nuôi thì hồ sơ xin nhận con nuôi phải do cơ quan, tổ chức hữu quan có thẩm quyền của nước ngoài hữu quan nộp cho cơ quan con nuôi quốc tế.

b) Hồ sơ trẻ em được cho làm con nuôi là 03 (ba) bộ, gồm các loại giấy tờ sau đây:

b1. Trẻ em được cho làm con nuôi phải có các giấy tờ sau đây:

- Bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy khai sinh của trẻ em.

- Giấy đồng ý cho trẻ làm con nuôi có chữ ký của những người sau đây:

+ Người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp tại Việt Nam tự nguyện đồng ý cho trẻ em đang sống ở cơ sở nuôi dưỡng làm con nuôi. Trong trường hợp trẻ em còn cha đẻ, mẹ đẻ thì phải có giấy tự nguyện của cha đẻ, mẹ đẻ cho làm con nuôi.

+ Cha đẻ, mẹ đẻ tự nguyện đồng ý cho con đang sống tại gia đình làm con nuôi. Nếu cha hoặc mẹ đẻ của trẻ em đã chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì chỉ cần sự đồng ý của người kia. Trong trường hợp cả cha và mẹ đẻ của trẻ em đã chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì phải có giấy tự nguyện đồng ý của người giám hộ của trẻ em đó.

- Giấy đồng ý làm con nuôi của trẻ em đó đối với trẻ em từ đủ 9 tuổi trở lên.

- Giấy xác nhận của tổ chức y tế từ cấp huyện trở lên, xác nhận về tình trạng sức khoẻ của trẻ em.

- Hai ảnh màu của trẻ em chụp toàn thân cỡ 10x15cm hoặc 9x12cm.

b2. Trường hợp trẻ em đang sống tại cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp, ngoài các giấy tờ quy định tại điểm b1 khoản này, hồ sơ của trẻ em được cho làm con nuôi còn phải có quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiếp nhận trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng và giấy tờ tương ứng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Đối với trẻ em bị bỏ rơi, phải có bản tường trình sự việc của người phát hiện trẻ em bị bỏ rơi; biên bản về việc trẻ em bị bỏ rơi (có xác nhận của cơ quan Công an hoặc chính quyền địa phương); giấy tờ chứng minh đã thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng (từ cấp tỉnh trở lên) về việc trẻ em bị bỏ rơi sau 30 (ba mươi) ngày mà không có thân nhân đến nhận;

- Đối với trẻ em mồ côi, phải có bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy chứng tử của cha, mẹ đẻ của trẻ em đó đã chết hoặc bị tuyên bố đã chết;

- Đối với trẻ em có cha, mẹ là người mất năng lực hành vi dân sự, phải có bản sao được công chứng quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án tuyên bố cha, mẹ đẻ của trẻ em đó mất năng lực hành vi dân sự;

b3. Trường hợp trẻ em đang sống tại gia đình, được xin đích danh làm con nuôi, ngoài các giấy tờ quy định tại điểm b1 khoản này, còn phải có bản sao được công chứng hoặc chứng thực Sổ hộ khẩu hoặc giấy đăng ký tạm trú có thời hạn của cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ đang nuôi dưỡng trẻ em;

b4. Trường hợp trẻ em khuyết tật, tàn tật, nạn nhân của chất độc hoá học, nhiễm HIV/AIDS, mắc bệnh hiểm nghèo khác thì phải có giấy xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định của Bộ Y tế và các quy định pháp luật khác có liên quan. Đối với trẻ em mất năng lực hành vi dân sự thì phải có bản sao công chứng quyết định có hiệu lực của Toà án tuyên bố trẻ em đó mất năng lực hành vi dân sự.

5. Yêu cầu, điều kiện:

Các giấy tờ bằng tiếng nước ngoài phải được hợp pháp hoá theo quy định của pháp luật Việt Nam và được dịch ra tiếng Việt có chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

6. Trình tự thực hiện:

a) Cá nhân nộp 02 bộ hồ sơ tại cơ quan Con nuôi quốc tế, cơ quan Con nuôi quốc tế kiểm tra xem xét gửi công văn cho Sở Tư pháp để hướng dẫn cơ sở nuôi dưỡng hoặc cha mẹ đẻ, người giám hộ của trẻ em làm hồ sơ (nếu xin đích danh), gửi công văn, kèm theo bản chụp đơn để Sở Tư pháp tiến hành thủ tục giới thiệu (trong trường hợp chưa xác định được trẻ em cần xin làm con nuôi);

b) Sở Tư pháp kiểm tra, lập hồ sơ trẻ em và chuyển cho Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi trong thời hạn 1 (một) ngày;

c) Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi thông báo cho Sở Tư pháp về trẻ em được nhận làm con nuôi trong thời hạn 9 (chín) ngày;

d) Sở Tư pháp kiểm tra hồ sơ trẻ em gồm (thẩm tra hồ sơ, xác minh nguồn gốc trẻ, soạn thảo văn bản báo cáo, chuyển hồ sơ xin ý kiến của Bộ Tư pháp): 1 (một) ngày;

đ) Bộ Tư pháp có ý kiến đồng ý việc cho con nuôi gửi Sở Tư pháp: 20 (hai mươi) ngày;

e) Sở Tư pháp tiếp nhận và xử lý trong thời hạn 01 (một) ngày;

g) Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi hoàn chỉnh hồ sơ gửi về Sở Tư pháp trong thời hạn 9 (chín) ngày;

h) Sở Tư pháp tiếp nhận và xử lý trong thời hạn 01 (một) ngày. Trường hợp phức tạp phải chuyển Công an tỉnh xác minh là 30 (ba mươi) ngày;

i) Sở Tư pháp xem xét hồ sơ và gửi cho Bộ Tư pháp thẩm định trong thời hạn 02 (hai) ngày;

k) Bộ Tư pháp có ý kiến đồng ý việc cho trẻ gửi về Sở Tư pháp: 20 (hai mươi) ngày;

l) Sở Tư pháp hoàn chỉnh hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh và thông báo cho người nhận nuôi con nuôi hoàn tất thủ tục trong thời hạn 01 (một) ngày;

m) Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết và chuyển kết quả cho Sở Tư pháp trong thời hạn 5 (năm) ngày;

n) Sở Tư pháp tiếp nhận hồ sơ và trao quyết định nhận nuôi con nuôi cho cá nhân.

7. Thời gian giải quyết:

Trong thời hạn 100 (một trăm) ngày kể từ ngày nhận được công văn của cơ quan Con nuôi quốc tế.

8. Lệ phí:

Mức thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài phải nộp: thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 17. Nhập Quốc tịch Việt Nam

1. Đối tượng áp dụng:

a) Người nước ngoài;

b) Người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam.

2. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Chủ tịch nước có thẩm quyền quyết định, Sở Tư pháp là cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính, cơ quan phối hợp thực hiện là Công an tỉnh.

3. Hồ sơ:

Cá nhân phải nộp 03 bộ hồ sơ, bao gồm các loại giấy tờ sau đây:

a) Thành phần hồ sơ chung gồm các loại giấy tờ sau:

 - Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam;

 - Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;

 - Bản khai lý lịch;

 - Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;

 - Giấy tờ chứng minh trình độ Tiếng Việt người xin nhập quốc tịch Việt Nam là một trong các giấy tờ: Bản sao bằng tốt nghiệp sau đại học, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông hoặc trung học cơ sở của Việt Nam; bản sao văn bằng hoặc chứng chỉ chứng nhận trình độ tiếng Việt do cơ sở đào tạo tiếng Việt của Việt Nam cấp.

 Trong trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam khai báo biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam nhưng không có giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Việt, thì Sở Tư pháp tổ chức phỏng vấn trực tiếp để kiểm tra trình độ tiếng Việt;

 - Thẻ thường trú ở Việt Nam do cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp (thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp thẻ thường trú và thời gian này là 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam)

- Giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam gồm một trong số các giấy tờ như: Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản; giấy xác nhận mức lương hoặc thu nhập do cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc cấp; giấy xác nhận của cơ quan thuế về thu nhập chịu thuế; giấy tờ chứng minh được sự bảo lãnh của tổ chức cá nhân tại Việt Nam; giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú của người xin nhập quốc tịch Việt Nam về khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người đó;

b) Ngoài các loại giấy tờ quy định chung, trong trường hợp đặc biệt cá nhân còn phải nộp thêm các loại giấy tờ sau đây:

- Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có con chưa thành niên cùng nhập quốc tịch Việt Nam thì nộp bản sao Giấy khai sinh của người con. Trường hợp chỉ cha hoặc mẹ nhập quốc tịch Việt Nam mà người con chưa thành niên nhập quốc tịch Việt Nam cùng thì còn phải nộp văn bản thỏa thuận của cha mẹ về việc nhập Quốc tịch Việt Nam cho con;

- Người xin nhập quốc tịch Việt Nam được miễn một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam thì phải nộp giấy tờ tương ứng chứng minh điều kiện được miễn, cụ thể là:

- Người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam thì nộp bản sao giấy chứng nhận kết hôn chứng nhận quan hệ hôn nhân;

- Người là cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam thì nộp bản sao giấy khai sinh hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con;

- Người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thì nộp bản sao Huân chương, Huy chương, giấy chứng nhận danh hiệu cao quý khác hoặc giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam;

- Người mà việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ có lợi cho Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì nộp giấy chứng nhận của cơ quan tổ chức nơi người đó làm việc, được cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận về việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ sẽ đóng góp cho sự phát triển của một trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao.

4. Yêu cầu, điều kiện:

 Giấy tờ có trong hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự, nếu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch sang tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

5. Trình tự thực hiện:

a) Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp kiểm tra hồ sơ hợp lệ thì chuyển ngay cho Phòng Hành chính - Tư pháp;

b) Phòng Hành chính - Tư pháp xử lý nghiệp vụ như thẩm tra hồ sơ, soạn thảo công văn trình Giám đốc cho ý kiến: 01 ngày;

c) Giám đốc Sở ký công văn đề nghị Công an tỉnh xác minh: 01 ngày;

d) Sở Tư pháp chuyển Công an tỉnh đề nghị thẩm tra, xác minh và giao kết quả cho Sở Tư pháp tối đa không quá: 30 (ba mươi) ngày;

đ) Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết: 02 ngày;

e) Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Tư pháp trình Chủ tịch Nước, kết luận và gởi kết quả về Sở Tư pháp: 70 (bảy mươi) ngày.

g) Kể từ khi nhận kết quả, Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đăng ký vào sổ và trình Giám đốc Sở Tư pháp trao kết quả cho đương sự: 1 (một) ngày (kể từ ngày nhận quyết định của Chủ tịch Nước).

6. Thời gian giải quyết, kết quả thực hiện:

Trong thời hạn 105 (một trăm lẻ năm) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp tổ chức trao quyết định của Chủ tịch nước cho cá nhân.

7. Lệ phí:

Mức thu lệ phí nhập Quốc tịch Việt Nam phải nộp: thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 18. Thôi Quốc tịch Việt Nam

1. Đối tượng áp dụng: công dân Việt Nam.

2. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Chủ tịch nước có thẩm quyền quyết định, Sở Tư pháp là cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính, cơ quan phối hợp thực hiện là Công an tỉnh, Bộ Tư pháp và cơ quan có thẩm quyền quyết định thủ tục hành chính.

3. Hồ sơ:

Cá nhân phải nộp 03 bộ hồ sơ, bao gồm các loại giấy tờ sau đây:

a) Thành phần hồ sơ chung:

- Đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam (theo mẫu);

- Bản khai lý lịch (theo mẫu);

- Bản sao Hộ chiếu Việt Nam, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ khác như Giấy khai sinh(trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ) hoặc Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi;

- Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;

 - Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận hoặc bảo đảm người xin thôi quốc tịch Việt Nam được nhập quốc tịch nước ngoài trừ trường hợp pháp luật nước đó không quy định về việc cấp giấy này. Trường hợp người xin thôi quốc tịch Việt Nam đã có quốc tịch nước ngoài thì nộp bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp để chứng minh người đó đang có quốc tịch nước ngoài;

- Giấy xác nhận không nợ thuế do Cục Thuế nơi người xin thôi quốc tịch Việt Nam cư trú cấp;

- Đối với người trước đây là cán bộ, công chức hoặc phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân đã nghỉ hưu, thôi việc, bị miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc giải ngũ, phục viên chưa quá 05 năm thì cần phải nộp giấy do thủ trưởng cơ quan, đơn vị đã ra quyết định cho nghỉ hưu, thôi việc, miễn nhiệm, cách chức, giải ngũ hoặc phục viên căn cứ vào quy chế của ngành để xác nhận việc thôi quốc tịch Việt Nam của người đó không ảnh hưởng đến việc bảo vệ bí mật quốc gia hoặc không trái với quy định của ngành đó.

b) Ngoài các loại giấy tờ quy định chung, trong trường hợp đặc biệt cá nhân còn phải nộp thêm các loại giấy tờ sau đây:

- Trường hợp công dân Việt Nam không thường trú ở trong nước thì không phải nộp các giấy tờ nêu tại 1.4, 1.6, và 1.7;

- Giấy tờ có trong hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự, nếu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch sang tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam;

- Trường hợp nộp hồ sơ ở trong nước, người xin thôi quốc tịch Việt Nam xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền.

4. Trình tự thực hiện:

a) Cá nhân nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp;

b) Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ hợp lệ và cấp giấy biên nhận cho cá nhân 1 (một) ngày;

c) Sở Tư pháp chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh để thẩm tra: 1 (một) ngày;

d) Công an tỉnh thẩm tra và giao kết quả cho Sở Tư pháp trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày;

đ) Sở Tư pháp xem xét hồ sơ và trình Ủy ban nhân dân tỉnh: 2 (hai) ngày;

e) Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Tư pháp trình Chủ tịch nước xem xét giải quyết và gửi kết quả về Sở Tư pháp: 45 ngày;

g) Sở Tư pháp trao kết quả cho cá nhân trong thời hạn 01 (một) ngày kể từ ngày nhận quyết định của Chủ tịch Nước.

5. Thời gian giải quyết, kết quả thực hiện:

Trong thời hạn 70 (bảy mươi) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp tổ chức trao quyết định của Chủ tịch nước cho cá nhân.

6. Lệ phí:

Mức thu lệ phí Thôi Quốc tịch Việt Nam phải nộp: thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 19. Trở lại Quốc tịch Việt Nam

1. Đối tượng áp dụng:

Người đã mất quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 26 Luật Quốc tịch Việt Nam ngày 13 tháng 11 năm 2008.

2. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Chủ tịch nước có thẩm quyền quyết định, Sở Tư pháp là cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính, cơ quan phối hợp thực hiện là Công an tỉnh, Bộ Tư pháp và cơ quan có thẩm quyền quyết định thủ tục hành chính.

3. Hồ sơ:

Cá nhân phải nộp 03 bộ hồ sơ, bao gồm các loại giấy tờ sau đây:

a) Thành phần hồ sơ chung:

- Đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam (theo mẫu);

- Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;

- Bản khai lý lịch (theo mẫu);

- Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;

- Giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam là một trong các giấy tờ như: bản sao Giấy khai sinh; bản sao Quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam; Giấy tờ khác có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam trước đây của người đó;

- Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam là giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đang làm thủ tục xin hồi hương về Việt Nam hoặc bản sao giấy tờ chứng nhận việc đầu tư tại Việt Nam hoặc những giấy tờ cụ thể sau:

+ Người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam phải nộp bản sao Giấy chứng nhận kết hôn chứng minh quan hệ hôn nhân;

+ Người là cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam phải nộp bản sao Giấy khai sinh hoặc giấy tờ hợp lệ chứng minh quan hệ cha con, mẹ con;

+ Người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phải nộp bản sao Huân chương, Huy chương, giấy chứng nhận danh hiệu cao quý khác hoặc giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam;

+ Người mà việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải nộp giấy chứng nhận của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, được cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ hoặc UBND tỉnh xác nhận về việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ sẽ đóng góp cho sự phát triển trên các lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao.

b) Ngoài các loại giấy tờ quy định chung, trong trường hợp đặc biệt cá nhân còn phải nộp thêm các loại giấy tờ sau đây:

- Nếu như con chưa thành niên cùng trở lại quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ thì phải nộp bản sao Giấy khai sinh của người con hoặc giấy tờ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con. Trường hợp chỉ cha hoặc mẹ trở lại quốc tịch Việt Nam mà con chưa thành niên sống cùng người đó cùng trở lại quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha mẹ về việc trở lại quốc tịch Việt Nam của con;

 - Giấy tờ có trong hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự, nếu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch sang tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

4. Trình tự thực hiện:

a) Cá nhân nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp;

b) Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tư pháp kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ hợp lệ và cấp giấy biên nhận cho cá nhân;

c) Sở Tư pháp chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh xác minh trong thời hạn 01 ngày;

d) Công an tỉnh thẩm tra và trả lời kết quả trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày;

đ) Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân tỉnh trong thời hạn 02 (hai) ngày;

e) Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Tư pháp trình Chủ tịch Nước xem xét giải quyết và chuyển kết quả về Sở Tư pháp: 55 (năm mươi lăm) ngày;

g) Sở Tư pháp trao kết quả cho đương sự trong thời hạn 01 (một) ngày.

5. Thời gian giải quyết, kết quả thực hiện:

Trong thời hạn 75 (bảy mươi lăm) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp tổ chức trao quyết định của Chủ tịch nước cho cá nhân.

6. Lệ phí:

Mức thu lệ phí trở lại Quốc tịch Việt Nam phải nộp: thực hiện theo quy định hiện hành.

Chương IV

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 20. Giải quyết các trường hợp khiếu nại, tố cáo

Người khiếu nại lần đầu phải khiếu nại với người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có cán bộ, công chức có hành vi hành chính mà người khiếu nại có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định.

Điều 21. Tổ chức thực hiện

1. Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo trách nhiệm của mình triển khai thực hiện Quy định này tại ngành, đơn vị, địa phương mình quản lý.

2. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm:

a) Bố trí cán bộ, công chức đúng chuyên môn, nghiệp vụ làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp;

b) Ban hành quy chế quy định quy trình tiếp nhận, chuyển hồ sơ, xử lý, trình ký, trả lại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để trả cho tổ chức, cá nhân; trách nhiệm của các bộ phận liên quan trong giải quyết các công việc theo cơ chế một cửa nêu ở Khoản 1 Điều 1 Quy định này; trách nhiệm của cán bộ, công chức làm việc ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp;

c) Niêm yết công khai các quy định, thủ tục hành chính, giấy tờ, hồ sơ, mức thu phí, lệ phí (nếu có), thời gian giải quyết các công việc nêu ở Điều 1 Quyết định này tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp;

d) Tập huấn về nghiệp vụ và cách giao tiếp với tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết công việc đối với đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp;

đ) Thông tin, tuyên truyền để tổ chức, cá nhân biết về hoạt động của cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại Sở Tư pháp.

3. Trong quá trình thực hiện, có khó khăn, vướng mắc phát sinh, Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh để bổ sung, sửa đổi Quy định cho phù hợp tình hình thực tế ở địa phương./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 32/2010/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu32/2010/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành13/08/2010
Ngày hiệu lực23/08/2010
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBộ máy hành chính
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 14/11/2013
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 32/2010/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 32/2010/QĐ-UBND thực hiện theo cơ chế một cửa,liên thông


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản hiện thời

              Quyết định 32/2010/QĐ-UBND thực hiện theo cơ chế một cửa,liên thông
              Loại văn bảnQuyết định
              Số hiệu32/2010/QĐ-UBND
              Cơ quan ban hànhTỉnh An Giang
              Người kýVương Bình Thạnh
              Ngày ban hành13/08/2010
              Ngày hiệu lực23/08/2010
              Ngày công báo...
              Số công báo
              Lĩnh vựcBộ máy hành chính
              Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 14/11/2013
              Cập nhật7 năm trước

              Văn bản được dẫn chiếu

                Văn bản hướng dẫn

                  Văn bản được hợp nhất

                    Văn bản gốc Quyết định 32/2010/QĐ-UBND thực hiện theo cơ chế một cửa,liên thông

                    Lịch sử hiệu lực Quyết định 32/2010/QĐ-UBND thực hiện theo cơ chế một cửa,liên thông