Nội dung toàn văn Quyết định 321/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tăng cường biên chế, trang thiết bị cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 321/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 05 tháng 03 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG BIÊN CHẾ, TRANG THIẾT BỊ CHO LỰC LƯỢNG THANH TRA GIAO THÔNG VẬN TẢI”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;
Căn cứ Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông Quốc gia đến năm 2010;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại tờ trình số 4117/TTr-BGTVT ngày 19 tháng 6 năm 2009 và số 8505/TTr-BGTVT ngày 02 tháng 12 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tăng cường biên chế, trang thiết bị cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải” của Bộ Giao thông vận tải bao gồm các nội dung sau:
1. Tên Đề án: Tăng cường biên chế, trang thiết bị cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải.
2. Mục tiêu chủ yếu của Đề án
Tăng cường biên chế, trang thiết bị nhằm củng cố tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không từ trung ương đến địa phương nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, góp phần tăng cường quản lý nhà nước về giao thông vận tải và bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
3. Nội dung của Đề án:
Đề án bao gồm các nội dung chính như sau:
a) Tăng cường biên chế, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành:
- Xác định cơ sở, phương pháp tính toán định biên tối thiểu cho các tổ chức thanh tra giao thông trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật và Đề án được duyệt.
- Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Thanh tra Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chương trình đào tạo nghiệp vụ thanh tra cơ bản chuyên ngành giao thông vận tải; tiến hành nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải nâng cao; Tổ chức các lớp đào tạo lại, tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho Thanh tra giao thông vận tải toàn quốc.
b) Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị:
- Đầu tư tăng cường trang thiết bị chuyên dùng phục vụ cho hoạt động thanh tra giao thông vận tải, bao gồm: xe ô tô chuyên dùng các loại, tàu, ca nô, công cụ đo đạc, ghi chứng cứ và các trang thiết bị đặc thù khác; đầu tư hệ thống thông tin - truyền thông phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong hệ thống Thanh tra giao thông vận tải.
- Cho phép Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cải thiện về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của Thanh tra giao thông vận tải, như trụ sở làm việc, trang thiết bị chuyên dùng khác chưa được đầu tư, đặc biệt là các đơn vị mới được thành lập.
Nội dung trên đây của Đề án được xây dựng thành ba (03) dự án thành phần sau:
- Dự án số 1 (ký hiệu DA.1): đầu tư trang thiết bị chuyên dùng; kinh phí đầu tư khoảng 451 tỷ đồng. DA.1 được chia thành các tiểu dự án để giao cho Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện.
- Dự án số 2 (ký hiệu DA.2): đầu tư hệ thống thông tin - truyền thông kinh phí đầu tư khoảng 29 tỷ đồng.
- Dự án số 3 (ký hiệu DA.3): tăng cường biên chế, đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải; kinh phí đầu tư khoảng 34 tỷ đồng.
4. Tổng mức đầu tư và kinh phí thực hiện cho Đề án: 514 tỷ đồng (năm trăm mười bốn tỷ đồng).
5. Thời gian thực hiện Đề án: từ năm 2010 đến hết năm 2014.
6. Nguồn vốn: ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác như kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính … Bộ Giao thông vận tải thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xác định cụ thể vốn cho từng dự án.
7. Cơ quan chủ quản Đề án và chủ đầu tư các dự án thành phần:
a) Cơ quan chủ quản Đề án và các Dự án thành phần: DA.1 (phần đầu tư cho Thanh tra giao thông vận tải ở trung ương), DA.2 và DA.3: Bộ Giao thông vận tải; Chủ đầu tư các Dự án thành phần: Thanh tra Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.
b) Cơ quan chủ quản Dự án thành phần DA.1 (phần đầu tư cho Thanh tra giao thông vận tải địa phương): Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ đầu tư các Dự án thành phần Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư dự án.
Điều 2. Tổ chức triển khai thực hiện.
1. Bộ Giao thông vận tải:
- Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chủ quản Đề án, chỉ đạo xây dựng và phê duyệt các Dự án thành phần: DA.1 (phần đầu tư cho Thanh tra giao thông vận tải ở Trung ương), DA.2 và DA.3 theo quy định hiện hành. Trong quá trình triển khai Đề án và các dự án thành phần của Đề án, xét thấy cần phải điều chỉnh vốn giữa các dự án: giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định, nhưng không vượt tổng mức đầu tư đã được duyệt cho Đề án; nếu có vướng mắc, vượt thẩm quyền, Bộ Giao thông vận tải, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án và các dự án thành phần bảo đảm mục tiêu đề ra theo đúng quy định của pháp luật.
- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Dự án thành phần DA.1 (phần đầu tư cho Thanh tra giao thông vận tải ở địa phương) nhằm đầu tư trang thiết bị bảo đảm thống nhất trong toàn lực lượng theo mục tiêu của Đề án.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chủ quản Dự án thành phần DA.1 (phần đầu tư cho Thanh tra giao thông vận tải địa phương), chỉ đạo Chủ đầu tư Dự án thành phần (Sở Giao thông vận tải) tiến hành rà soát, xây dựng dự án bảo đảm đúng quy định của pháp luật; phê duyệt dự án theo quy định hiện hành, thực hiện bảo đảm mục tiêu của Đề án.
3. Trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan:
a) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải rà soát, tính toán cụ thể định biên cho Tổ chức Thanh tra giao thông vận tải các cấp để giao biên chế theo Đề án được duyệt.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải bố trí vốn đầu tư phát triển để bảo đảm triển khai Dự án DA.1 (vốn đầu tư cho Thanh tra giao thông vận tải ở Trung ương và Địa phương) và Dự án DA.2 đúng tiến độ, đạt hiệu quả nhằm tăng cường năng lực hoạt động cho Thanh tra giao thông vận tải các cấp, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
c) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải:
- Bố trí kinh phí sự nghiệp và các nguồn kinh phí khác để triển khai thực hiện Dự án DA.3 theo mục tiêu của Đề án.
- Trường hợp các chương trình, dự án có đủ điều kiện triển khai thực hiện, giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ liên quan ứng vốn thực hiện trước và bố trí hoàn ứng vốn cho chương trình, dự án theo quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký
Điều 4. Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |