Quyết định 3230/QĐ-BGTVT 2014 tạm thời trách nhiệm bảo hành xây dựng công trình giao thông đường bộ đã được thay thế bởi Quyết định 2920/QĐ-BGTVT 2015 bảo hành dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và được áp dụng kể từ ngày 13/08/2015.
Nội dung toàn văn Quyết định 3230/QĐ-BGTVT 2014 tạm thời trách nhiệm bảo hành xây dựng công trình giao thông đường bộ
BỘ GIAO THÔNG
VẬN TẢI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3230/QĐ-BGTVT |
Hà Nội, ngày 25 tháng 08 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM BẢO HÀNH ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ DO BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 ngày 19/6/2009;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07/5/2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng; Nghị định số 207/2013/NĐ-CP ngày 11/12/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2010/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 15/2013/NĐ-CP quản lý chất lượng công trình">10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 52/2013/TT-BGTVT ngày 12/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định về trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo hành công trình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với các dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) quyết định đầu tư.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Quyết định này áp dụng đối với các Chủ đầu tư, Nhà đầu tư, Tổng công ty được giao làm chủ đầu tư (Tổng công ty), Ban Quản lý dự án (Ban QLDA), Nhà thầu, đơn vị quản lý, khai thác, sử dụng công trình và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan tới việc thực hiện nghĩa vụ bảo hành đối với các dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Bộ GTVT quyết định đầu tư (sau đây gọi tắt là công trình).
2. Các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, nguồn vốn vay ưu đãi, vay thương mại của các Nhà tài trợ hoặc bên cho vay mà hiệp định, thỏa thuận hoặc hợp đồng vay ký kết có quy định khác với các quy định tại Quyết định này thì áp dụng hiệp định, thỏa thuận hoặc hợp đồng vay đã ký kết.
Điều 3. Thời hạn bảo hành và mức bảo hành công trình
Thời hạn bảo hành công trình kể từ ngày các bên ký biên bản nghiệm thu đưa công trình, hạng mục công trình vào sử dụng hoặc căn cứ theo quy định của hợp đồng xây dựng. Thời hạn và mức bảo hành công trình phải tuân theo quy định sau:
- Công trình cấp đặc biệt và cấp I: Thời hạn bảo hành là 48 tháng, mức bảo hành là 3% giá trị hợp đồng.
- Công trình cấp II: Thời hạn bảo hành là 42 tháng, mức bảo hành là 3% giá trị hợp đồng.
- Công trình các cấp còn lại: Thời hạn bảo hành là 24 tháng, mức bảo hành là 5% giá trị hợp đồng.
- Đối với các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và các dự án đường Hồ Chí Minh khu vực Tây Nguyên: Thời hạn bảo hành là 48 tháng, mức bảo hành là 3% giá trị hợp đồng.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Nhà thầu thi công xây dựng công trình và các Nhà thầu khác có liên quan thực hiện các nội dung sau:
a) Trong thời hạn bảo hành công trình, Nhà thầu thi công xây dựng công trình có trách nhiệm khẩn trương sửa chữa, khắc phục triệt để các khiếm khuyết, hư hỏng của công trình (nếu có) do lỗi của mình gây ra trong vòng hai mốt (21) ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Chủ đầu tư, Ban QLDA và phải chịu mọi chi phí khắc phục; trong khoảng thời gian này, nếu Nhà thầu không tiến hành bảo hành hoặc chậm trễ trong việc thực hiện bảo hành thì Chủ đầu tư, Ban QLDA có quyền sử dụng tiền bảo hành để ký hợp đồng với các đơn vị khác thực hiện khắc phục, sửa chữa.
b) Trong thời hạn bảo hành công trình, Nhà thầu thi công xây dựng công trình có quyền từ chối bảo hành đối với các khiếm khuyết, hư hỏng của công trình không phải do lỗi của mình gây ra hoặc các khiếm khuyết, hư hỏng do nguyên nhân bất khả kháng được quy định trong hợp đồng.
c) Sau khi kết thúc thời hạn bảo hành, nếu xảy ra hư hỏng, khiếm khuyết về chất lượng do lỗi của mình gây ra, Nhà thầu thi công xây dựng công trình và các Nhà thầu khác có liên quan vẫn phải chịu trách nhiệm về chất lượng công trình và khắc phục các khiếm khuyết, hư hỏng của công trình tương ứng với phần công việc do mình thực hiện theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, tùy theo mức độ vi phạm, các Nhà thầu sẽ bị xử lý theo quy định.
2. Chủ đầu tư, Ban QLDA xây dựng công trình thực hiện các nội dung sau:
a) Đưa các điều khoản bảo hành công trình theo các nội dung được quy định tại Quyết định này vào hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng và ký kết hợp đồng để triển khai thực hiện.
b) Thực hiện giữ lại kinh phí bảo đảm bảo hành công trình bằng hình thức bảo lãnh vô điều kiện tại ngân hàng được Chủ đầu tư, Ban QLDA chấp thuận hoặc bằng tiền trong quá trình thanh toán.
c) Trong thời hạn bảo hành công trình, phối hợp với đơn vị quản lý khai thác, sử dụng công trình tổ chức kiểm tra thường xuyên, phát hiện các khiếm khuyết, hư hỏng của công trình (nếu có) để yêu cầu Nhà thầu thi công sửa chữa, khắc phục triệt để. Trong khoảng thời gian hai mốt (21) ngày kể từ ngày thông báo cho Nhà thầu thực hiện bảo hành công trình, nếu Nhà thầu không tiến hành bảo hành hoặc chậm trễ trong việc thực hiện bảo hành thì có quyền sử dụng tiền bảo hành để ký hợp đồng với các đơn vị khác thực hiện sửa chữa, khắc phục kịp thời đảm bảo các điều kiện khai thác và đảm bảo an toàn giao thông.
d) Giám sát chặt chẽ và tổ chức nghiệm thu các công việc sửa chữa, khắc phục trong thời hạn bảo hành công trình đảm bảo chất lượng công trình, đồng thời phải lấy ý kiến thỏa thuận của đơn vị quản lý, khai thác trước khi xác nhận hoàn thành bảo hành công trình.
đ) Sau khi ký xác nhận hoàn thành bảo hành công trình, Chủ đầu tư, Ban QLDA tiến hành giải phóng bảo lãnh bảo đảm bảo hành hoặc hoàn trả lại tiền bảo đảm bảo hành cho Nhà thầu theo quy định.
e) Sau khi kết thúc thời hạn bảo hành, nếu để xảy ra các tồn tại, khiếm khuyết về chất lượng công trình thì người đứng đầu Chủ đầu tư, Ban QLDA và các cán bộ trực tiếp theo dõi dự án phải chịu trách nhiệm trực tiếp (nếu có liên quan), tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.
3. Nhà đầu tư các dự án xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng BOT thực hiện các nội dung sau:
a) Bộ GTVT khuyến khích các Nhà đầu tư đưa các điều khoản bảo hành công trình theo các nội dung được quy định tại Quyết định này vào hợp đồng thi công xây dựng để triển khai thực hiện.
b) Vận hành, bảo trì công trình theo nội dung hợp đồng BOT đã ký kết.
c) Trong thời gian khai thác kinh doanh để hoàn vốn đầu tư, Nhà đầu tư có trách nhiệm khẩn trương sửa chữa, khắc phục triệt để các khiếm khuyết, hư hỏng của công trình (nếu có) trong vòng hai mốt (21) ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, Tổng cục Đường bộ Việt Nam; trong khoảng thời gian này, nếu Nhà đầu tư chậm trễ trong việc tiến hành sửa chữa, khắc phục thì sẽ bị dừng thu phí cho đến khi hoàn thành sửa chữa, khắc phục và không được gia hạn thời gian thu phí trong hợp đồng BOT.
4. Tổng công ty được giao làm Chủ đầu tư các dự án xây dựng công trình thực hiện các nội dung sau:
a) Đưa các điều khoản bảo hành công trình theo các nội dung được quy định tại Quyết định này vào hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng và ký kết hợp đồng triển khai thực hiện.
b) Trong thời gian quản lý, khai thác công trình, Tổng công ty có trách nhiệm khẩn trương sửa chữa, khắc phục triệt để các khiếm khuyết, hư hỏng của công trình (nếu có) trong vòng hai mốt (21) ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam; trong khoảng thời gian này, nếu Tổng công ty chậm trễ trong việc tiến hành sửa chữa, khắc phục thì người đứng đầu Tổng công ty sẽ bị xử lý trách nhiệm theo quy định.
5. Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện các nội dung sau:
a) Giao các Cục Quản lý đường bộ, các Sở Giao thông vận tải được ủy thác quản lý quốc lộ: Nhận bàn giao công trình ngay sau khi công trình hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng; thực hiện ngay công tác quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ theo quy định tại Thông tư số 52/2013/TT-BGTVT ngày 12/12/2013.
b) Tổ chức đảm bảo giao thông thông suốt, đảm bảo an toàn giao thông và kịp thời xử lý khi xảy ra tai nạn giao thông, xảy ra các khiếm khuyết, hư hỏng công trình, bộ phận công trình gây ảnh hưởng tới an toàn khai thác hoặc xảy ra sự cố công trình trong thời hạn bảo hành.
c) Tổ chức kiểm tra thường xuyên, phát hiện các khiếm khuyết, hư hỏng của công trình (nếu có) để yêu cầu các Chủ đầu tư, Nhà đầu tư, Tổng công ty, Ban QLDA sửa chữa, khắc phục kịp thời.
d) Trước khi hết thời hạn bảo hành ba (03) tháng, thực hiện kiểm tra chất lượng công trình và yêu cầu các Chủ đầu tư, Ban QLDA sửa chữa khắc phục triệt để các khiếm khuyết, hư hỏng của công trình (nếu có) trước khi xác nhận hoàn thành bảo hành công trình. Sau khi hết thời hạn bảo hành, nếu xảy ra hư hỏng, khiếm khuyết về chất lượng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải chịu trách nhiệm liên đới với các Chủ đầu tư, Ban QLDA theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều này.
6. Xử lý tranh chấp về chất lượng công trình trong thời gian bảo hành:
a) Trong quá trình thực hiện, các Chủ đầu tư, Nhà đầu tư, Tổng công ty, Ban QLDA kịp thời báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT các tranh chấp về chất lượng công trình trong thời gian bảo hành (nếu có) để xử lý theo quy định.
b) Tổng cục Đường bộ Việt Nam giải quyết các tranh chấp về chất lượng công trình trong thời gian bảo hành thuộc thẩm quyền.
c) Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông chủ trì tham mưu giải quyết các tranh chấp về chất lượng công trình trong thời gian bảo hành thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT.
Điều 5. Hiệu lực thi hành và xử lý chuyển tiếp
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
2. Trong quá trình thực hiện, ngoài việc tuân thủ các quy định tại Quyết định này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan; báo cáo kịp thời các khó khăn, vướng mắc để Bộ GTVT xem xét, xử lý.
3. Xử lý chuyển tiếp:
a) Các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và các dự án đường Hồ Chí Minh khu vực Tây Nguyên sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã ký kết hợp đồng trước khi Quyết định này có hiệu lực: Chủ đầu tư, Ban QLDA rà soát hợp đồng xây lắp đã ký kết, thương thảo với Nhà thầu điều chỉnh, bổ sung điều khoản bảo hành công trình theo các nội dung được quy định tại Quyết định này để triển khai thực hiện.
b) Các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và các dự án đường Hồ Chí Minh khu vực Tây Nguyên thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT đã ký kết hợp đồng BOT trước khi Quyết định này có hiệu lực: Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư chủ trì, phối hợp với các Ban QLDA rà soát hợp đồng BOT đã ký kết, thương thảo với Nhà đầu tư để điều chỉnh, bổ sung điều khoản về trách nhiệm của Nhà đầu tư về vận hành, bảo trì công trình trong thời gian khai thác kinh doanh để hoàn vốn đầu tư theo nội dung được quy định tại Quyết định này.
c) Các dự án khác đã tổ chức đấu thầu hoặc ký kết hợp đồng trước khi Quyết định này có hiệu lực: Các bên liên quan tiếp tục thực hiện các quyền và trách nhiệm về bảo hành công trình quy định trong hồ sơ mời thầu hoặc điều khoản hợp đồng đã ký kết.
4. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị: Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, các Vụ trực thuộc Bộ, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục Quản lý chuyên ngành, Sở Giao thông vận tải, Chủ đầu tư, Nhà đầu tư, Tổng công ty, Ban Quản lý dự án được giao quản lý dự án xây dựng công trình và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |