Nội dung toàn văn Quyết định 3262/QĐ-UBND 2015 Đề án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ Hà Tĩnh 2015 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3262/QĐ-UBND | Hà Tĩnh, ngày 18 tháng 08 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ TỈNH HÀ TĨNH, GIAI ĐOẠN 2015-2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18/6/2013;
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29/11/2005, được sửa đổi bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19/6/2009;
Căn cứ Nghị quyết số 141/2015/NQ-HĐND ngày 17/7/2015 của HĐND tỉnh Khóa XVI về việc thông qua Đề án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2015-2020;
Xét đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ tại Văn bản số 838/SKHCN-SHTT ngày 11/8/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2015-2020 (có Đề án kèm theo).
Điều 2. Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện Đề án.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA TỈNH HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2015 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3262/QĐ-UBND ngày 18/8/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh)
Phần mở đầu
SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. SỰ CẦN THIẾT
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, khi nền kinh tế thế giới chuyển sang thời kỳ phát triển mới - thay đổi về chất dựa trên nền tri thức, thì bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trở thành vấn đề then chốt trong quan hệ kinh tế - xã hội và thương mại của mỗi quốc gia, mỗi vùng và mỗi doanh nghiệp. Điều này được khẳng định:
- Thông qua các sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ để nắm giữ và phát triển các công nghệ mới, sản phẩm mới có tính năng vượt trội, từ đó có thể phát triển thành một sản phẩm mới, một doanh nghiệp mới với sức cạnh tranh cao.
- Thông qua bảo hộ kiểu dáng công nghiệp các sản phẩm được tối ưu hóa về kiểu dáng thiết kế, tiết kiệm vật liệu và hấp dẫn người tiêu dùng;
- Thông qua bảo hộ nhãn hiệu (thường được gọi là thương hiệu) để chiếm lĩnh thị trường, khẳng định vị thế, quảng bá uy tín và nâng cao giá trị doanh nghiệp, sản phẩm, là một điều kiện cam kết về chất lượng đối với người tiêu dùng;
- Ngoài ra, các đối tượng khác của sở hữu trí tuệ cũng góp phần quyết định đến khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững của mỗi sản phẩm, doanh nghiệp.
Với ý nghĩa quan trọng đó, các doanh nghiệp của các nước có nền kinh tế phát triển đã và đang sử dụng sở hữu trí tuệ như một công cụ đắc lực để khẳng định sức mạnh cạnh tranh, vị thế trên thương trường. Theo nghiên cứu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) giá trị tài sản trí tuệ của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới chiếm một tỷ lệ rất cao so với tổng tài sản sở hữu (Yahoo: tài sản trí tuệ chiếm 98,9%; Microsoft: tài sản trí tuệ chiếm 97,8%; Johnson và Jonhson: tài sản trí tuệ chiếm 97,9%; Walt Disney: tài sản trí tuệ chiếm 70,9%...). Ngoài ra, các nước phát triển và đang phát triển rất chú trọng xây dựng các chiến lược phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ nhằm mục đích nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, sử dụng sở hữu trí tuệ như một công cụ để giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế bằng các thương hiệu quốc gia có uy tín, các sáng chế có vai trò quyết định đến trình độ công nghệ và bí quyết công nghệ, như các thương hiệu quốc gia: made in USA, made in Japan, made in China; các sáng chế về công nghệ, các sáng chế về thuốc, vắc-xin chữa bệnh, vi điện tử... Việc sử dụng các công cụ sở hữu trí tuệ với mục đích trên đã đem lại những hiệu quả thiết thực trong hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá du lịch thúc đẩy phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng của các quốc gia.
Từ thực tế trên cho thấy nền kinh tế với hàm lượng trí tuệ ngày càng cao đã trở thành yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ của nền kinh tế. Sự phát triển này phụ thuộc chủ yếu vào việc bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ và do vậy, mục tiêu hội nhập và hướng tới của nền kinh tế nước ta chỉ trở thành hiện thực khi có cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ hữu hiệu và nhận thức đúng đắn của toàn thể xã hội về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động sở hữu trí tuệ.
Những năm gần đây kinh tế của Hà Tĩnh đã có sự phát triển mạnh mẽ và năng động, với những điểm nổi bật như: thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, ứng dụng KHCN trong phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, phát triển thương mại-dịch vụ... Giá trị thương mại sản phẩm của tỉnh không ngừng tăng lên qua các năm; Đặc biệt, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, nhiều ngành hàng mới trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn đã và đang được xây dựng, phát triển nhằm khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Bên cạnh đó, công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản đã có những chuyển biến nhất định, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đa dạng hàng hóa sản xuất trong tỉnh. Vì vậy tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, ngành hàng chủ yếu của tỉnh là việc làm hết sức cần thiết nhằm chủ động mở rộng thị trường, xây dựng, quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy vậy, nhìn chung hoạt động tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm, phát triển đúng mức với tốc độ và xu thế hội nhập kinh tế của tỉnh; nhận thức của các cấp, các ngành về sở hữu trí tuệ còn hạn chế, chưa thực sự xem và sử dụng sở hữu trí tuệ là một công cụ để phát triển bền vững; hoạt động đăng ký bảo hộ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ còn ít; hoạt động khai thác các giá trị của sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm; các thương hiệu sản phẩm, ngành hàng chủ lực của tỉnh chưa được xây dựng và phát triển; một số thương hiệu sản phẩm, ngành hàng truyền thống đang bị mai một;...v.v. Vì vậy, việc triển khai một cách có hệ thống và đồng bộ hoạt động phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, ngành hàng chủ yếu của tỉnh nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa, góp phần mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người sản xuất và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đảm bảo sự chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Hà Tĩnh là yêu cầu cấp bách hiện nay. Với những lý do trên, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2015-2020” nhằm mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, ngành hàng của tỉnh, nâng cao chuỗi giá trị; quảng bá hình ảnh tỉnh Hà Tĩnh năng động gắn với các sản phẩm chủ yếu, sản phẩm đặc sản; đảm bảo chủ động trong hội nhập kinh tế với khu vực và quốc tế.
II. CĂN CỨ PHÁP LÝ
Văn bản của Trung ương.
- Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29/11/2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19/6/2009;
- Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
- Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ về việc Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
- Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền sở hữu công nghiệp; Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31/12/2010 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ;
- Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
- Quyết định số 2204/QĐ-TTg ngày 6/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015;
- Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia đến năm 2020;
- Quyết định số 1786/QĐ-TTg ngày 27/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050;
Văn bản của tỉnh
- Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 19/5/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020;
- Nghị quyết số 53/2013/NQ-HĐND ngày 13/7/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển thương mại nông thôn gắn với nông thôn mới năm 2020;
- Nghị quyết số 90/2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.
- Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 03/02/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
- Quyết định số 853/QĐ-UBND ngày 27/3/2012 về việc phê duyệt Danh mục sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020;
- Quyết định số 1310/QĐ-UBND ngày 07/5/2012 của UBND tỉnh về việc quy hoạch vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2012-2020;
- Quyết định số 26/2012/QĐ-UBND ngày 11/6/2012 của UBND tỉnh ban hành quy định tạm thời một số quy định về hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh;
- Quyết định số 1744/QĐ-UBND ngày 18/6/2012 về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản và ngành nghề nông thôn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020;
- Quyết định 37/2013/QĐ-UBND ngày 27/8/2013 của UBND tỉnh ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển thương mại nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh;
- Quyết định 3578/QĐ-UBND ngày 14/11/2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chủ yếu của tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Quyết định số 86/QĐ-UBND ngày 07/01/2014 của UBND tỉnh phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Quyết định số 26/2014/QĐ-UBND ngày 23/6/2014 của UBND ban hành quy định một số chính sách khuyến khích phát triển bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chủ yếu tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020.
III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG CỦA ĐỀ ÁN
1. Phạm vi đề án: Đề án chủ yếu tập trung vào một số nội dung sau:
- Nhận thức về sở hữu trí tuệ.
- Các nội dung khuyến khích, hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ của tỉnh.
- Các hoạt động sáng tạo, tăng cường bảo hộ và ứng dụng các kết quả nghiên cứu, sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
- Quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (công tác tuyên truyền, tư vấn hướng dẫn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, thực hiện chính sách về sở hữu trí tuệ, thực thi quyền…).
2. Đối tượng của đề án:
- Các cơ quan quản lý nhà nước; các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan tới lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
- Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia tạo lập, xây dựng hệ thống quản lý, phát triển thương hiệu và triển khai các hoạt động nhằm khai thác giá trị của quyền sở hữu trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Phần thứ nhất
THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ
I. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ TỈNH HÀ TĨNH
1. Công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ
Trong những năm qua, hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh được quan tâm, đẩy mạnh. Hình thức và nội dung tuyên truyền thường xuyên được thay đổi, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, nên đã góp phần nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ đối của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Từ năm 2010 đến tháng 12/2014, đã tổ chức được 22 cuộc hội thảo, tập huấn kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ cho 2793 lượt người. Tổ chức xây dựng và phát sóng 54 số Chương trình “Sở hữu trí tuệ và Cuộc sống” trên Đài Phát thành - Truyền hình tỉnh. Tổ chức 01 Lễ Công bố thương hiệu tỉnh Hà Tĩnh cho 28 thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền. Biên soạn, in ấn và phát hành 1000 cuốn sách Cẩm nang Sở hữu công nghiệp dành cho doanh nghiệp và 2900 cuốn Sổ tay Hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu. Công tác tuyên truyền còn được tập trung, chú trọng thông qua các bài viết đăng trên báo, tạp chí KHCN và website; các hoạt động chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 hàng năm: Diễu hành, mittinh, Hội thảo...
Thông qua các hoạt động, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng và dễ hiểu nhận thức về sở hữu trí tuệ và bảo hộ sở hữu công nghiệp trong công chúng, doanh nghiệp đã được nâng lên, góp phần thúc đẩy các hoạt động đăng ký bảo hộ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ.
2. Hoạt động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các doanh nghiệp và sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê đến tháng 6/2015, Hà Tĩnh có 4.530 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh (với cơ cấu ngành nghề như sau: xây dựng-vận tải: 24,58%, nông - lâm - ngư nghiệp: 10,4%, công nghiệp, TTCN - khai khoáng, điện: 17,45%, thương mại - dịch vụ tổng hợp 47,57%); 820 Hợp tác xã và 55.560 hộ kinh doanh (trong đó: 38.703 hộ kinh doanh ổn định, 16.857 hộ kinh doanh nhỏ lẻ, thời vụ). Các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn ngày càng tăng và đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng của tỉnh. Song, do hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực chưa cao, đa số sản phẩm của tỉnh có sức cạnh tranh thấp, chưa có chỗ đứng trên thị trường trong nước cũng như ở nước ngoài; nhận thức của các tổ chức, cá nhân về hoạt động sở hữu trí tuệ còn hạn chế nên hoạt động đăng ký bảo hộ các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm đẩy mạnh.
Đến tháng 6/2015, Hà Tĩnh có 353 đơn đăng ký bảo hộ quyền SHCN được nộp (trong đó: 336 nhãn hiệu, 11 Sáng chế/GPHI, 4 KDCN, 1 CDĐL và 01 nhãn hiệu đăng ký quốc tế) và đã được cấp 247 Văn bằng bảo hộ (240 Nhãn hiệu, 2 Sáng chế, 3 KDCN, 1 CDĐL, 1 Văn bằng bảo hộ quốc tế), số đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và VBBH đã được cấp ở Hà Tĩnh thể hiện ở các nhóm ngành như sau: lĩnh vực Nông - lâm - thủy sản: 30 nhãn hiệu (chiếm 8,9%); lĩnh vực Công nghiệp, TTCN: 48 nhãn hiệu (chiếm 14,3%); lĩnh vực Thương mại - dịch vụ: 41 nhãn hiệu (chiếm 12,2%); lĩnh vực Xây dựng: 10 nhãn hiệu (chiếm 2,9%); lĩnh vực Dược phẩm: 188 nhãn hiệu (chiếm 55,9%); còn lại là các lĩnh vực khác: 19 nhãn hiệu (chiếm 5,8%).
Qua số liệu cho thấy tỷ lệ nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của các nhóm lĩnh vực trên địa bàn tỉnh còn rất thấp (ngoại trừ lĩnh vực dược phẩm). Ngoài ra, các đối tượng đăng ký của tỉnh chủ yếu tập trung đăng ký nhãn hiệu (chiếm 95,2%), số đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và các đối tượng khác rất ít.
3. Hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ yếu, làng nghề truyền thống của tỉnh.
Hà Tĩnh là một tỉnh có lợi thế về sản xuất nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ yếu và làng nghề truyền thống đã có danh tiếng từ lâu đời, như: Bưởi Phúc Trạch, Cu đơ Hà Tĩnh, Cam Khe Mây, Cam Bù Hương Sơn, Nhung hươu Hương Sơn, Hồng vuông Thạch Đài, Mộc Thái Yên, nước mắm Cẩm Nhượng... Mặt khác với xu thế phát triển nền kinh tế hàng hóa, nhiều sản phẩm, ngành hàng mới của tỉnh đang được xây dựng và phát triển, góp phần khai thác tối đa những tiềm năng lợi thế của tỉnh nhà.
Theo thống kê, tỉnh Hà Tĩnh có khoảng trên 30 sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực và làng nghề truyền thống, đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết việc làm và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên hiện nay, mới chỉ có 04 sản phẩm đặc sản được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, gồm: Bưởi Phúc Trạch (bảo hộ chỉ dẫn địa lý); Cam Bù Hương Sơn (bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận); Nhung hươu Hương Sơn, Mật ong Vũ Quang (bảo hộ nhãn hiệu tập thể). Trong 04 sản phẩm trên, mới chỉ có 02 sản phẩm (Bưởi Phúc Trạch và Cam Bù Hương Sơn) đang được hỗ trợ xây dựng mô hình quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.
4. Hoạt động quản lý và tư vấn hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu, hướng dẫn nghiệp vụ, tra cứu và cung cấp thông tin phục vụ đăng ký xác lập, bảo vệ và phát triển quyền sở hữu công nghiệp.
Trong những năm qua, hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh từng bước được quan tâm. Hằng năm, Sở KHCN thực hiện hỗ trợ nghiệp vụ, hướng dẫn, tra cứu cung cấp thông tin về sở hữu trí tuệ cho 40-50 lượt tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phục vụ công tác đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp.
Ngoài ra để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận, khai thác thông tin sở hữu trí tuệ, Sở KHCN đã xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp gồm: 150 sáng chế, giải pháp hữu ích; 329 nhãn hiệu; đã tiến hành kết nối với nguồn cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ để phục vụ công tác cung cấp thông tin, khai thác, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, góp phần hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân thuận lợi trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm và doanh nghiệp của tỉnh.
5. Hoạt động sáng kiến, lao động sáng tạo.
Hoạt động sáng kiến của tỉnh trong những năm qua tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Nhiều giải pháp đã mang lại hiệu quả thiết thực cho đơn vị áp dụng và góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh.
Bình quân mỗi năm có trên 300 đề tài cấp ngành, 200 đề tài cấp cơ sở được triển khai. Trong đó một số ngành có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng, thực hiện như: Ngành giáo dục có khoảng 300 sáng kiến kinh nghiệm; Ngành y tế có từ 35-40 sáng kiến cải tiến; Bộ chỉ huy quân sự có trên 10-15 sáng kiến cải tiến kỹ thuật; Ngành nông nghiệp có khoảng 20-30 sáng kiến kinh nghiệm; Ngành Công thương có trên 30 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất;...
Việc tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật, Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật thanh thiếu niên nhi đồng hàng năm đã trở thành phong trào sâu rộng, khuyến khích quần chúng Nhân dân phát huy sáng tạo trong sản xuất và đời sống. Hội thi sáng tạo kỹ thuật được tổ chức 02 năm 01 lần, giai đoạn 2011 - 2013 đã có 141 giải pháp dự thi: 50 giải pháp đạt giải cấp tỉnh, 2 giải pháp đạt giải quốc gia (so với giai đoạn 2006 - 2010 có 76 giải pháp tham dự, 37 giải pháp đạt giải cấp tỉnh, 3 giải pháp đạt giải quốc gia); Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật thanh thiếu niên nhi đồng được tổ chức từ năm 2010, đến nay đã có 199 giải pháp dự thi: 73 giải pháp đạt giải cấp tỉnh, 37 giải pháp đạt giải quốc gia.
TT | Năm | Số giải pháp dự thi | Số giải pháp đạt giải cấp tỉnh | Số giải pháp đạt giải quốc gia (*) | Số giải pháp đạt giải quốc tế | Ghi chú |
1. Hội thi Sáng tạo kỹ thuật | 141 | 50 | 2 | 0 | 02 năm tổ chức 01 lần | |
1 | 2010-2011 | 85 | 24 | 1 | 0 | |
2 | 2012-2013 | 56 | 26 | 1 | 0 | |
2. Cuộc thi thanh thiếu niên nhi đồng | 199 | 73 | 31 | 0 | Được tổ chức từ năm 2010 | |
1 | 2010 | 18 | 6 | 2 | 0 | |
2 | 2011 | 54 | 15 | 8 | 0 | |
3 | 2012 | 76 | 24 | 8 | 0 | |
4 | 2013 | 51 | 28 | 13 | 0 |
(* Nguồn Sở KHCN, Liên hiệp các Hội KHKT)
Tuy nhiên, việc hỗ trợ phát triển, ứng dụng, nhân rộng các sáng kiến hiệu quả chưa cao; việc tôn vinh, động viên các nhà sáng tạo chưa thường xuyên; hoạt động sáng kiến còn thiếu các phần mềm quản lý.
6. Công tác thực thi quyền về sở hữu trí tuệ.
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, chức năng thực thi quyền về sở hữu công nghiệp được phân cấp cho các cơ quan sau: Thanh tra KHCN, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an. Do có nhiều cơ quan thực hiện chức năng trên nên công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, Sở KHCN đã chủ động tham mưu, xây dựng Chương trình hành động liên ngành số 148/CTHĐ/SKHCN-SCT-SVHTTDL-SNN&PTNT-CA-STC về phối hợp phòng và chống xâm phạm quyền về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Từ đó góp phần đẩy mạnh hoạt động phối hợp, trao đổi thông tin trong thực thi quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Năm Đối tượng | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | |
Sáng chế/GPHI (vụ) |
|
|
|
| |
KDCN (vụ) |
|
| 02 | 11 | |
Nhãn hiệu (vụ) | 98 | 72 | 18 | 20 | |
Tên thương mại (vụ) | 02 | 01 | 03 |
| |
Cạnh tranh không lành mạnh (vụ) |
|
|
|
| |
Tổng | Số tiền phạt (triệu đồng) | 12,284 | 23,000 | 39,450 | 62,700 |
Số sản phẩm vi phạm | 1.546 | 2.165 | 34.484 | 23.304 |
(* Nguồn Sở KHCN và Chi cục Quản lý Thị trường)
Hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã được quan tâm đẩy mạnh góp phần hạn chế hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh. Theo thống kê cho thấy, số vụ vi phạm về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây tuy có giảm về số vụ, tuy nhiên quy mô các vụ vi phạm thì lại tăng dần.
II. NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ
1. Nhận thức của các cấp, các ngành và doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ còn hạn chế:
- Trong xu thế hội nhập hiện nay, kiến thức về sở hữu trí tuệ phải được phổ cập và trở thành kiến thức cơ bản của các nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên nhận thức của các cấp, các ngành và doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ trong hội nhập kinh tế còn rất hạn chế, chưa thực sự xem và sử dụng sở hữu trí tuệ là một công cụ đắc lực để phát triển.
- Hoạt động tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa được triển khai thường xuyên, liên tục; một số ngành, địa phương chưa quan tâm đào tạo, tuyên truyền kiến thức về sở hữu trí tuệ cho cán bộ quản lý và doanh nghiệp của địa phương. Điều này dẫn đến năng lực cạnh tranh và tiếp cận thị trường của các sản phẩm, doanh nghiệp của tỉnh còn yếu.
2. Thực trạng đăng ký và phát triển tài sản trí tuệ chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập và chưa tương xứng với lĩnh vực, ngành nghề sản xuất:
- Hoạt động xác lập, bảo hộ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh tuy có sự chuyển biến nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của phát triển và hội nhập. Nhiều sản phẩm, dịch vụ của tỉnh chưa được bảo hộ thương hiệu, chưa có bao bì nhãn mác, dẫn đến việc quảng bá, phát triển thị trường và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm còn hạn chế; nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã mạnh dạn đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm của doanh nghiệp mình nhưng chưa quan tâm đến việc đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các đối tượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp mình.
- Mặt khác, những sản phẩm cần đăng ký, xây dựng hệ thống quản lý và phát triển sở hữu trí tuệ như: sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc sản, làng nghề thì lại chưa được quan tâm thực hiện, hiện nay một số sản phẩm đặc sản, làng nghề truyền thống đang bị mai một, không có thương hiệu, bao bì nhãn mác còn đơn giản, chưa đáp ứng yêu cầu quảng bá và thu hút người tiêu dùng.
3. Công tác hỗ trợ đăng ký, phát triển tài sản trí tuệ chưa được quan tâm, đẩy mạnh.
Công tác hỗ trợ đăng ký, phát triển tài sản trí tuệ tuy đã được quan tâm, triển khai nhưng chưa đáp ứng nhu cầu. Một số chính sách hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ được lồng ghép vào các chính sách theo các Quyết định (Quyết định 07, 26) nhưng mức hỗ trợ còn thấp, thủ tục hỗ trợ chưa cụ thể và có tính khả thi.
Nhiều huyện, thành phố, thị xã chưa xây dựng được chính sách hỗ trợ đăng ký, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc sản và làng nghề truyền thống của địa phương.
4. Hoạt động khai thác quyền sở hữu trí tuệ phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh chưa được quan tâm thực hiện.
Hiện Cục Sở hữu trí tuệ có khoảng 9 triệu cơ sở dữ liệu về sáng chế, giải pháp hữu ích liên quan đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề sản xuất và được cung cấp miễn phí để phục vụ hoạt động ứng dụng, chuyển giao bí quyết khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, chưa có tổ chức, cá nhân nào được biết, tiếp cận, khai thác và ứng dụng để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển khoa học công nghệ.
5. Hoạt động hỗ trợ phát triển các sáng kiến có hiệu quả thành sản phẩm và nhân rộng kết quả sáng kiến chưa được khuyến khích
Trong những năm qua, tuy phong trào lao động sáng tạo trên địa bàn tỉnh được phát động mạnh mẽ, nhiều sáng kiến có hiệu quả, đạt giải thưởng cao trong và ngoài nước. Tuy nhiên, chưa có chính sách, giải pháp hỗ trợ các tác giả sáng kiến ứng dụng, hoàn thiện và phát triển các sáng kiến, giải pháp sáng tạo thành sản phẩm phục vụ đời sống, phát triển kinh tế - xã hội.
6. Tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái có chiều hướng gia tăng, phức tạp làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh và quyền lợi người tiêu dùng.
Hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ được triển khai mạnh mẽ, tuy nhiên tình trạng sản phẩm, dịch vụ vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn diễn ra phổ biến do người dân tiêu dùng thiếu kiến thức về sở hữu trí tuệ, các sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thường có giá rẻ nên được người tiêu dùng lựa chọn...; Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ chưa được thường xuyên, liên tục.
III. NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ
1. Nguyên nhân khách quan.
- Sở hữu trí tuệ là lĩnh vực mới, trừu tượng, vai trò của sở hữu trí tuệ chỉ được thể hiện rõ trong nền kinh tế quy mô hàng hóa và các quan hệ thương mại lớn, bền vững; lợi ích mang lại của bảo hộ và phát triển sở hữu trí tuệ không thể hiện trực tiếp và nhanh chóng.
- Xuất phát điểm thấp, lạc hậu, manh mún, chủ yếu tự cung tự cấp.
- Hình thức, quy mô sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đa số là nhỏ lẻ, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là sản phẩm thô nên các hoạt động về đăng ký, phát triển quyền sở hữu trí tuệ chưa quan tâm.
2. Nguyên nhân chủ quan.
- Nhận thức chưa đúng, chưa đủ và chưa thống nhất của các cấp, các ngành, doanh nghiệp về vị trí, vai trò và tiềm năng của sở hữu trí tuệ trong hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp một cách bền vững.
- Mặc dù các cơ chế, chính sách khuyến khích đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đã có nhưng chưa đồng bộ; chính sách riêng về hỗ trợ phát triển, khai thác tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ yếu, sản phẩm đặc sản, làng nghề chưa có.
- Thủ tục đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định còn phức tạp và mất nhiều thời gian.
- Sự quan tâm, đầu tư của nhà nước và doanh nghiệp cho hoạt động sở hữu trí tuệ vẫn còn hạn chế.
- Công tác quản lý, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ mới dừng ở phạm vi cấp tỉnh, chưa triển khai được nhiều ở cơ sở.
- Phong trào sáng kiến tuy phát triển, nhưng chưa có cơ chế hỗ trợ các sáng kiến có hiệu quả được ứng dụng và phát triển thành sản phẩm.
Phần thứ hai
QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
I. QUAN ĐIỂM
1. Phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ của Hà Tĩnh tuân thủ theo các quy định quốc gia và thông lệ quốc tế. Các nội dung hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ phải bám sát Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050 tại Quyết định số 1786/QĐ-TTg ngày 27/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ và các quy hoạch ngành đã được phê duyệt.
2. Bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ là nội dung và công cụ đắc lực nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm, phải được tiến hành đồng bộ gắn với nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phù hợp với từng nhóm sản phẩm và ngành hàng của từng vùng; trước hết tập trung ưu tiên cho các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu, sản phẩm đặc sản và làng nghề của tỉnh.
3. Phát triển tài sản trí tuệ nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên và con người Hà Tĩnh, thông qua công cụ sở hữu trí tuệ để quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm của tỉnh, nâng tầm hình ảnh của Hà Tĩnh trong thời kỳ hội nhập; thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động đầu tư, khai thác quyền sở hữu trí tuệ của các sản phẩm chủ yếu, sản phẩm đặc sản và làng nghề của tỉnh.
4. Việc đầu tư, khai thác quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm chủ yếu, sản phẩm đặc sản, làng nghề do cá nhân, tổ chức thuộc các thành phần kinh tế thực hiện. Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ xác lập quyền và quản lý các nội dung khai thác, hỗ trợ chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thuận lợi trong hoạt động khai thác quyền sở hữu trí tuệ để mang lại lợi ích cho bà con sản xuất.
5. Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ nhằm khuyến khích, đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
II. MỤC TIÊU
2.1. Mục tiêu chung.
- Tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân về tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
- Nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của tỉnh thông qua việc hỗ trợ tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ; trong đó ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc sản, làng nghề, sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu và dịch vụ gắn với quảng bá hình ảnh quê hương Hà Tĩnh.
- Phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, phong trào lao động sáng tạo, hỗ trợ các sáng kiến có hiệu quả được ứng dụng vào sản xuất và đời sống nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động.
- Hình thành hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hoạt động có hiệu quả nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và thu hút đầu tư.
- Xây dựng và phát triển một số thương hiệu mạnh của tỉnh nhằm nâng cao vị thế và sức cạnh tranh cho các sản phẩm của tỉnh nhà.
2.2. Mục tiêu cụ thể.
- Đáp ứng 100% tập thể, cá nhân có nhu cầu được tuyên truyền, tập huấn kiến thức về tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ.
- Đảm bảo tất cả các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của tỉnh đều được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
- Đáp ứng 80% các sản phẩm chủ yếu, sản phẩm đặc sản và sản phẩm làng nghề, sản phẩm xuất khẩu được đăng ký bảo hộ thương hiệu và hình thành hệ thống quản lý, phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu để quảng bá, xúc tiến thương mại.
- Đáp ứng 70% yêu cầu hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân về khai thác các sáng chế, giải pháp hữu ích; phát triển, ứng dụng nhân rộng các sáng kiến, có hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
- Đến năm 2020, có khoảng 2000 các đối tượng sở hữu công nghiệp được đăng ký bảo hộ, trong đó: ít nhất có 50 sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý.
III. NHIỆM VỤ
1. Phổ cập, nâng cao kiến thức, năng lực về sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên đài phát thanh - truyền hình, website hướng dẫn về xây dựng, quản lý, phát triển và quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc sản, làng nghề của địa phương.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng khai thác quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, nhà sáng chế và đội ngũ quản lý thông qua nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng.
2. Hỗ trợ xác lập, quản lý, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm, dịch vụ chủ yếu, sản phẩm đặc sản, làng nghề của tỉnh:
- Rà soát, xây dựng danh mục các sản phẩm, dịch vụ chủ yếu, sản phẩm đặc sản và làng nghề để có kế hoạch, lộ trình hỗ trợ đăng ký bảo hộ và phát triển thương hiệu.
- Các nội dung hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm dưới dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, gồm: Điều tra, khảo sát hiện trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm sẽ đăng ký; Xác định phạm vi, đối tượng, hình thức bảo hộ; Phân tích các chỉ tiêu chất lượng đặc thù và xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; Xác định mối liên hệ giữa đặc thù của chất lượng với các điều kiện tự nhiên, con người vùng sản phẩm; Xây dựng cơ sở khoa học và các tài liệu, hồ sơ cần thiết phục vụ việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ; Đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước.
- Các nội dung hỗ trợ phát triển, khai thác tài sản trí tuệ cho các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, gồm: Xây dựng, hình thành các mô hình liên kết (hợp tác xã, hiệp hội làng nghề...) để quản lý và sử dụng thương hiệu; Thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu; Xây dựng các văn bản, quy trình, công cụ quảng bá, nhận diện phục vụ công tác quản lý và phát triển thương hiệu, chất lượng sản phẩm; Áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng - chuyển giao công nghệ, chuẩn hóa các quy trình quản lý, quy trình sản xuất tiên tiến (VietGAP, GlobalGAP, ISO...); Tổ chức vận hành thử nghiệm các mô hình quản lý có hiệu quả.
- Tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức nông dân, các địa phương trong việc xây dựng và vận hành tổ chức quản lý, khai thác, phát triển giá trị của các tài sản trí tuệ đã được xác lập bảo hộ.
- Hỗ trợ phân tích, nghiên cứu và phát triển thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, dịch vụ chủ yếu, sản phẩm đặc sản, làng nghề của tỉnh.
- Hỗ trợ thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm có nhu cầu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường.
- Hỗ trợ tham gia các hội chợ thương mại, chợ công nghệ thiết bị nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm của tỉnh. Hình thành các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm.
3. Hỗ trợ hoạt động ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và sáng kiến nhằm phát triển sản phẩm mới và nâng cao khả năng cạnh tranh:
- Hỗ trợ áp dụng các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ khoa học, các sáng chế, giải pháp hữu ích phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của Hà Tĩnh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm.
- Hỗ trợ mua bản quyền các sáng chế, giống cây trồng nhằm phát triển sản phẩm mới.
- Hỗ trợ ứng dụng, phát triển các sáng kiến có hiệu quả thành sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
4. Hỗ trợ khai thác thông tin khoa học - công nghệ và sở hữu trí tuệ phục vụ nghiên cứu, triển khai, sản xuất và kinh doanh:
- Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về sáng chế, giải pháp hữu ích, thông tin khoa học công nghệ phục vụ hoạt động nghiên cứu, triển khai, sản xuất và kinh doanh.
- Hướng dẫn tra cứu, khai thác các nguồn thông tin về sở hữu trí tuệ. Tổ chức cung cấp thông tin về sở hữu trí tuệ, khoa học - công nghệ theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
5. Tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý, thực thi quyền sở hữu trí tuệ và hợp tác về sở hữu trí tuệ:
- Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; theo chức năng quản lý được phân cấp, các ngành, các huyện bố trí cán bộ phụ trách về sở hữu trí tuệ nhằm đẩy mạnh công tác tham mưu, triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ.
- Thường xuyên đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ cho các cán bộ quản lý cấp ngành, cấp huyện.
- Đẩy mạnh công tác phối hợp trong phòng và chống xâm phạm quyền về sở hữu trí tuệ góp phần bảo vệ người tiêu dùng, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức các hoạt động khảo sát, trao đổi kinh nghiệm quản lý, phát triển tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước.
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Giải pháp về đào tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức.
- Hàng năm, tổ chức các khóa đào tạo nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp: kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ; đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp; quản lý và phát triển tài sản sở hữu trí tuệ; quản trị về sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp; khai thác, phát triển và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm thông qua công cụ sở hữu trí tuệ; khai thác thông tin sở hữu trí tuệ phục vụ sản xuất, kinh doanh...
- Hàng năm, phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức các khóa đào tạo nâng cao về kiến thức sở hữu trí tuệ cho các cán bộ quản lý thuộc các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các cán bộ phụ trách khoa học công nghệ thuộc các huyện, thành phố, thị xã.
- Triển khai các chương trình tuyên truyền về sở hữu trí tuệ phát trên sóng phát thanh và truyền hình tỉnh, truyền thanh, truyền hình các địa phương nhằm nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho công chúng.
- Tiếp tục biên tập, xuất bản và phát hành các ấn phẩm phục vụ công tác tuyên truyền về sở hữu trí tuệ: Cẩm nang về sở hữu công nghiệp, Sổ tay hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp...
- Định kỳ 02 năm, tổ chức xét chọn và công bố thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu trên địa bàn toàn tỉnh.
- Tổ chức cuộc thi thiết kế logo, nhãn mác, kiểu dáng bao bì, túi đựng cho các sản phẩm thuộc danh mục các sản phẩm ưu tiên hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ.
2. Giải pháp về quản lý, triển khai thực hiện.
Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án của tỉnh; Quản lý và triển khai thực hiện đề án thông qua việc tổ chức thực hiện theo nhóm các nội dung hỗ trợ trực tiếp và nhóm các dự án, bao gồm:
- Nhóm các nội dung hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (đăng ký nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích) và hỗ trợ hoạt động sáng kiến, lao động sáng tạo...: Được thực hiện theo hình thức hỗ trợ trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp theo quy định cấp ngân sách hiện hành.
- Nhóm các nội dung đào tạo, tuyên truyền kiến thức về sở hữu trí tuệ: Hằng năm, Sở KHCN tổng hợp nhu cầu, xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyên truyền, biên soạn tài liệu (cẩm nang về sở hữu công nghiệp, sổ tay hướng dẫn,..); kế hoạch công bố thương hiệu sản phẩm, thi thiết kế logo, nhãn mác kèm theo dự toán kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Nhóm hỗ trợ dự án tuyên truyền; dự án xác lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ yếu, sản phẩm đặc sản và làng nghề truyền thống: Được thực hiện thông qua các dự án, mỗi đối tượng được lập thành một dự án riêng để tổ chức quản lý và triển khai thực hiện. Việc quản lý dự án căn cứ vào hợp đồng giữa Sở Khoa học và Công nghệ với đơn vị chủ trì thực hiện dự án theo nội dung đã được phê duyệt.
Hoạt động quản lý các dự án tuyên truyền; dự án tạo lập và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ yếu, sản phẩm đặc sản và sản phẩm làng nghề, bao gồm: Các hoạt động liên quan đến việc đề xuất xây dựng dự án; xét duyệt, tuyển chọn đơn vị chủ trì thực hiện; thẩm định phê duyệt; kiểm tra, giám sát việc thực hiện, quản lý kinh phí; nghiệm thu, báo cáo kết quả được thực hiện theo các quy định hiện hành về quản lý đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh.
3. Giải pháp về chính sách.
3.1. Kinh phí hỗ trợ cho các nội dung cụ thể:
a) Hỗ trợ kinh phí đào tạo tập huấn tuyên truyền:
Ngân sách cấp 100% kinh phí đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, gồm: kinh phí biên soạn tài liệu, kinh phí cho giảng viên, kinh phí tổ chức lớp; Kinh phí xây dựng, triển khai dự án tuyên truyền trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các địa phương; Kinh phí thực hiện việc biên tập, xuất bản và phát hành các ấn phẩm phục vụ công tác tuyên truyền về sở hữu trí tuệ; kinh phí tổ chức xét chọn và công bố thương hiệu cho các sản phẩm, kinh phí tổ chức cuộc thi thiết kế logo, nhãn mác... (kinh phí được cấp qua Sở Khoa học và Công nghệ để tổ chức thực hiện theo kế hoạch dự toán chi tiết hằng năm).
b) Hỗ trợ thiết kế và xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong nước:
- Đối với nhãn hiệu:
+ Mỗi doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở được hỗ trợ kinh phí xác lập quyền sở hữu công nghiệp tối đa 05 nhãn hiệu. Mỗi nhãn hiệu được hỗ trợ tối đa 02 nhóm sản phẩm/dịch vụ.
+ Định mức hỗ trợ: 10.000.000 đồng/01 nhãn hiệu có 1 nhóm bảo hộ; 12.000.000 đồng/1 nhãn hiệu có 2 nhóm bảo hộ.
- Đối với kiểu dáng công nghiệp: Được hỗ trợ: 10.000.000 đồng/kiểu dáng công nghiệp.
- Đối với sáng chế/giải pháp hữu ích: được hỗ trợ 15.000.000/01 sáng chế/ giải pháp hữu ích.
c) Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp ở nước ngoài:
Mỗi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được hỗ trợ 100% phí, lệ phí và chi phí thuê đại diện sở hữu công nghiệp để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hoặc kiểu dáng công nghiệp ở quốc gia nơi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm/dịch vụ, nhưng tối đa không quá 500 triệu đồng/một đơn vị.
d) Hỗ trợ ứng dụng các sáng chế, giải pháp hữu ích, sáng kiến:
- Đối với hỗ trợ ứng dụng các sáng chế, giải pháp hữu ích, sáng kiến vào phục vụ sản xuất, phát triển sản phẩm: Được hỗ trợ tối đa không quá 50% chi phí, tổng mức hỗ trợ không quá 01 tỷ đồng cho một lần hỗ trợ, bao gồm:
+ Chi phí chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, chi phí tiếp nhận và làm chủ sáng chế, sáng kiến;
+ Chi phí hoàn thiện sáng kiến và tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới.
- Hỗ trợ mua bản quyền sáng chế, giải pháp hữu ích và giống cây trồng: Căn cứ vào yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đề xuất của Sở Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh sẽ xem xét và quyết định mua bản quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng nhằm giải quyết vấn đề có tính cấp bách hoặc có vai trò ảnh hưởng lớn, quyết định đến sự phát triển của một lĩnh vực, ngành, nghề của tỉnh.
e) Hỗ trợ xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ yếu, sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề dưới dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý
Được hỗ trợ thông qua hình thức dự án, mỗi dự án xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ yếu, sản phẩm làng nghề được hỗ trợ tối đa 70% kinh phí để thực hiện (kinh phí được cấp và quyết toán theo tiến độ triển khai dự án, giao Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn, phê duyệt, quản lý và nghiệm thu theo quy định).
- Các nội dung hỗ trợ của cấp tỉnh sẽ được Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Tài chính xem xét, quyết định trên cơ sở nội dung của thuyết minh dự án, đề xuất của Hội đồng xét duyệt và tỷ lệ kinh phí đối ứng thực hiện dự án.
- Các nội dung đối ứng của cấp huyện, thành phố, thị xã, bao gồm: Chi phí đề xuất, phê duyệt nhiệm vụ cấp cơ sở, chi phí đối ứng hỗ trợ các nội dung vận hành mô hình quản lý nhãn hiệu; công lao động trực tiếp; hỗ trợ một phần kinh phí in ấn hệ thống tem nhãn, nhận diện thương hiệu, công theo dõi, giám sát, kinh phí tự đánh giá hiệu quả dự án trước khi nghiệm thu chính thức. Các nội dung đối ứng sẽ được cấp huyện, thành phố, thị xã thẩm định trên cơ sở đảm bảo tỷ lệ kinh phí đối ứng và hướng dẫn lập dự toán của Sở Khoa học và Công nghệ cho mỗi loại hình dự án.
3.2. Nguồn kinh phí hỗ trợ
3.2.1. Phân bổ kinh phí hàng năm:
Tổng kinh phí thực hiện Đề án: 114.375,0 triệu đồng, Trong đó:
Nguồn ngân sách Trung ương: 10.000,0 triệu đồng
Nguồn ngân sách tỉnh: 74.900,0 triệu đồng
Nguồn ngân sách huyện: 19.500,0 triệu đồng
Nguồn khác: 9.975,0 triệu đồng
Phân bổ theo từng năm như sau:
- Năm 2015: 4.500,0 triệu đồng
Nguồn ngân sách Trung ương: Không
Nguồn ngân sách tỉnh: 3.000,0 triệu đồng
Nguồn ngân sách huyện: 1.000,0 triệu đồng
Nguồn khác: 500,0 triệu đồng
- Năm 2016: 24.400,0 triệu đồng.
Nguồn ngân sách Trung ương: 2.000,0 triệu đồng
Nguồn ngân sách tỉnh: 16.500,0 triệu đồng
Nguồn ngân sách huyện: 3.900,0 triệu đồng
Nguồn khác: 2.000,0 triệu đồng
- Năm 2017: 25.375,0 triệu đồng.
Nguồn ngân sách Trung ương: 2.000,0 triệu đồng
Nguồn ngân sách tỉnh: 16.975,0 triệu đồng
Nguồn ngân sách huyện: 3.900,0 triệu đồng
Nguồn khác: 2.500,0 triệu đồng
- Giai đoạn: 2018-2020: 60.100,0 triệu đồng.
Nguồn ngân sách Trung ương: 6.000,0 triệu đồng
Nguồn ngân sách tỉnh: 38.425,0 triệu đồng
Nguồn ngân sách huyện: 10.700,0 triệu đồng
Nguồn khác: 4.975,0 triệu đồng
3.2.2. Giải trình các nội dung chi:
a) Chi cho hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ:
+ Đào tạo, tập huấn phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ;
+ Biên tập, xuất bản và phát hành các ấn phẩm phục vụ công tác tuyên truyền về sở hữu trí tuệ;
+ Xây dựng, triển khai dự án tuyên truyền trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và của các địa phương;
+ Tổ chức công bố thương hiệu cho các sản phẩm; thi thiết kế logo, nhãn mác...
Kinh phí: Dự kiến 1 tỷ đồng/năm.
b) Chi hỗ trợ xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ yếu, sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề của tỉnh:
Chi theo dự án, mỗi đối tượng được lập thành một dự án riêng để tổ chức quản lý và triển khai thực hiện (có danh mục các dự án ưu tiên kèm theo), dự kiến mỗi năm triển khai thực hiện 10 dự án.
Kinh phí: Dự kiến 15 tỷ đồng/năm.
c) Chi hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước:
Chi hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp
Kinh phí: Dự kiến 5,7 tỷ đồng/năm.
d) Chi hỗ trợ ứng dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, sáng kiến vào phát triển sản xuất kinh doanh:
Chi hỗ trợ theo hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích và hợp đồng ứng dụng sáng kiến tạo ra sản phẩm;
Chi hỗ trợ ứng dụng và hoàn thiện sáng chế, giải pháp hữu ích, sáng kiến để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Kinh phí: Dự kiến 1 tỷ/năm.
e) Chi cho hoạt động quản lý, chỉ đạo và triển khai đề án:
- Nội dung chi:
+ Phụ cấp cho Ban Chỉ đạo triển khai đề án;
+ Thuê chuyên gia tư vấn, hướng dẫn triển khai các nội dung đề án;
+ Quản lý đề án;
+ Kiểm tra tiến độ, hội thảo, sơ kết, tổng kết đề án;
+ Văn phòng phẩm và các chi khác phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện đề án;
Kinh phí: Dự kiến 200 triệu/năm.
Phần thứ ba
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của các sở, ngành liên quan:
a. Sở Khoa học và Công nghệ:
- Tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án.
- Khảo sát, tư vấn, đánh giá xây dựng danh mục các sản phẩm chủ yếu, sản phẩm đặc sản, làng nghề có lợi thế để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo hộ, quảng bá và phát triển thương hiệu.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức phổ biến, hướng dẫn các thủ tục xin hỗ trợ, lập dự án; thẩm định, phê duyệt và thống nhất nội dung, mức hỗ trợ.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan theo dõi, quản lý và thanh quyết toán các nội dung hỗ trợ theo chính sách của Đề án.
- Tổ chức tuyên tuyền, truyền thông nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; Hướng dẫn và giúp đỡ các tổ chức, cá nhân thủ tục đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp.
- Đẩy mạnh công tác quản lý về sở hữu trí tuệ; tăng cường công tác phối hợp, thực thi quyền về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá hiệu quả đề án. Tổ chức sơ kết, tổng kết, cập nhật tình hình thực hiện báo cáo UBND tỉnh thường xuyên và định kỳ.
b. Sở Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành liên quan tham mưu bố trí nguồn kinh phí thực hiện Đề án.
- Hướng dẫn, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã; UBND các xã phường, thị trấn chủ động bố trí nguồn kinh phí thực hiện Đề án trong dự toán ngân sách hàng năm của ngân sách cấp huyện.
- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các ngành liên quan thẩm định nội dung và mức hỗ trợ; hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề án.
c. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiến hành đăng ký bảo hộ thương hiệu theo quy định của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
d. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề; có kế hoạch lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả,
- Từng bước chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung nhằm phát huy giá trị, lợi thế của sản phẩm và điều kiện tự nhiên của vùng làm cơ sở cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu bền vững.
- Trên cơ sở các sản phẩm được bảo hộ thương hiệu, chỉ đạo hình thành mô hình, tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ nhằm tạo điều kiện gắn kết trong sản xuất, tạo ra sản phẩm có mẫu mã, chất lượng đồng đều, phát triển bền vững.
- Tổ chức ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, hướng dẫn xây dựng và áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất, chế biến phục vụ việc hoàn thiện hồ sơ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm nông nghiệp; hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn thực hành sản xuất tiên tiến (VietGAP, Global GAP...) cho từng loại sản phẩm nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm nông sản sẽ xây dựng thương hiệu.
e. Sở Công thương:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn; bố trí lồng ghép kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Đề án có hiệu quả.
- Lồng ghép nguồn vốn từ quỹ khuyến công khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng các mô hình liên kết tiêu thụ các sản phẩm đã được bảo hộ thương hiệu.
- Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm chủ yếu của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ đưa các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn vào siêu thị và tiến tới xuất khẩu, mở rộng thị trường.
- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sở hữu trí tuệ cho cộng đồng thông qua các Ban quản lý chợ.
- Đẩy mạnh công tác phối hợp, thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
f. Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới:
- Chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã lồng ghép nguồn kinh phí thực hiện chương trình nông thôn mới thực hiện các nội dung của Đề án có hiệu quả.
- Xây dựng và phát động phong trào “Mỗi làng, xã một thương hiệu sản phẩm”. Đưa nội dung Đề án lồng ghép vào các hoạt động của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
g. Các tổ chức liên quan khác: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án đảm bảo có hiệu quả.
2. UBND các huyện, thành phố, thị xã
- Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án của huyện và gửi danh sách về Ban Chỉ đạo của tỉnh (qua Sở Khoa học và Công nghệ) để theo dõi, phối hợp triển khai đề án có hiệu quả.
- Hằng năm, chủ động đề xuất các nội dung hỗ trợ của địa phương để đưa vào kế hoạch hàng năm theo lộ trình của Đề án.
- Trên cơ sở hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ, xây dựng hồ sơ các dự án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ của địa phương, chủ động bố trí kinh phí đối ứng và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án trên địa bàn quản lý.
- Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo tình hình thực hiện trên địa bàn gửi Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp. Bố trí kinh phí, biên chế chuyên trách, phương tiện làm việc để bộ phận chuyên môn làm tốt vai trò tham mưu giúp UBND thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động sở hữu trí tuệ.
- Tiếp tục triển khai thực hiện công tác quy hoạch, tái cơ cấu ngành nông nghiệp tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, cung ứng vùng nguyên liệu ổn định cho các sản phẩm đã được bảo hộ thương hiệu.
Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, nếu có khó khăn, vướng mắc cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.
PHỤ LỤC I:
DỰ KIẾN KINH PHÍ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH CỦA ĐỀ ÁN TRONG MỘT NĂM
TT | Nội dung cần hỗ trợ kinh phí | Dự kiến số kinh phí/năm (triệu đồng) | Ghi chú |
I | Hỗ trợ kinh phí đào tạo tập huấn, tuyên truyền | 1.000 |
|
- | Tổ chức các khóa đào tạo kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ: 10 lớp/năm x 20.000.000 đ/lớp | 200 |
|
- | Tổ chức 02 lớp nâng cao kiến thức về sở hữu trí tuệ: 2 lớp/năm x 30.000.000 đ/Iớp | 60 |
|
- | Biên soạn, phát hành các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tuyên truyền về sở hữu trí tuệ | 100 |
|
- | Tổ chức Lễ công bố thương hiệu | 200 | Được tổ chức xen kẽ, 2 năm/lần |
- | Tổ chức Cuộc thi thiết kế logo, nhãn mác cho các sản phẩm của các xã nông thôn mới, sản phẩm chủ yếu, sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề | 200 | |
- | Tổ chức cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham quan các mô hình quản lý và phát triển tài sản trí tuệ | 40 |
|
- | Triển khai dự án tuyên truyền kiến thức về sở hữu trí tuệ trên Đài Phát thanh - Truyền hình (mỗi năm triển khai 1 dự án) | 400 | tần suất phát sóng: 01 số/tháng |
II | Hỗ trợ xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ yếu, sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề của tỉnh | 15.000 |
|
| Mỗi năm lựa chọn 10 sản phẩm có tiềm năng để xây dựng dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt: (10 dự án x 1,5 tỷ/dự án). | 15.000 | Trong đó: - Trung ương: 2.000 - Tỉnh: 9.100 (70%) - Huyện: 3.900 (30%) |
III | Chi hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước: | 5.675 |
|
| - Hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu: 400 nhãn/năm | 4000 |
|
| - Hỗ trợ đăng ký KDCN: 10 KDCN/năm | 100 |
|
| - Hỗ trợ đăng ký sáng chế/GPHI: 05 sáng chế/GPHI/năm. | 75 |
|
| - Hỗ trợ đăng ký quốc tế: 05 nhãn hiệu/năm | 1500 |
|
IV | Hỗ trợ ứng dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, sáng kiến vào phát triển sản xuất kinh doanh | 1.000 |
|
V | Chi cho hoạt động quản lý, chỉ đạo và triển khai đề án | 200 |
|
| Cộng | 22.875 |
|
PHỤ LỤC II
DANH MỤC CÁC SẢN PHẨM, DỊCH VỤ ƯU TIÊN XÁC LẬP VÀ PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ GIAI ĐOẠN 2015-2020
STT | Tên sản phẩm | Loại hình phát triển quyền sở hữu trí tuệ | Địa phương/Vùng |
I | Sản phẩm đã được cấp Văn bằng bảo hộ |
| |
1 | Bưởi Phúc Trạch | Chỉ dẫn địa lý | huyện Hương Khê |
2 | Cam Bù Hương Sơn | Nhãn hiệu chứng nhận | huyện Hương Sơn |
3 | Nhung hươu Hương Sơn | Nhãn hiệu tập thể (Chưa xây dựng hệ thống phát triển TSTT) | huyện Hương Sơn |
4 | Mật ong Vũ Quang | Nhãn hiệu tập thể (Chưa xây dựng hệ thống phát triển TSTT) | huyện Vũ Quang |
II | Sản phẩm chưa được đăng ký bảo hộ |
| |
1 | Kẹo cu đơ Hà Tĩnh | Chỉ dẫn địa lý | thành phố Hà Tĩnh |
2 | Hành tăm Hà Tĩnh | Chỉ dẫn địa lý | huyện Can Lộc |
3 | Cam Khe Mây | Chỉ dẫn địa lý | huyện Hương Khê |
4 | Mực nhảy Vũng Áng | Nhãn hiệu chứng nhận/ Chỉ dẫn địa lý | thị xã Kỳ Anh |
5 | Cam Thượng Lộc | Nhãn hiệu chứng nhận/ Chỉ dẫn địa lý | huyện Can Lộc |
6 | Rượu nếp Can Lộc | Nhãn hiệu chứng nhận/ Chỉ dẫn địa lý | huyện Can Lộc |
7 | Rượu nếp Đức Thọ | Nhãn hiệu chứng nhận/ Chỉ dẫn địa lý | huyện Đức Thọ |
8 | Nước mắm cáy Nghi Xuân | Nhãn hiệu chứng nhận/ Chỉ dẫn địa lý | huyện Nghi Xuân |
9 | Cá mú Hà Tĩnh | Nhãn hiệu chứng nhận/ Chỉ dẫn địa lý | tỉnh Hà Tĩnh |
10 | Tôm Hà Tĩnh | Nhãn hiệu chứng nhận/ Chỉ dẫn địa lý | tỉnh Hà Tĩnh |
11 | Làng nghề Thạch Đồng | Nhãn hiệu tập thể | thành phố Hà Tĩnh |
12 | Bánh đa nem Thạch Trung | Nhãn hiệu tập thể | thành phố Hà Tĩnh |
13 | Làng nghề rèn Trung Lương | Nhãn hiệu tập thể | thị xã Hồng Lĩnh |
14 | Ruốc cáy Trung Lương | Nhãn hiệu tập thể | thị xã Hồng Lĩnh |
15 | Nấm Hà Tĩnh | Nhãn hiệu tập thể | huyện Thạch Hà |
16 | Rau sạch Thạch Văn | Nhãn hiệu tập thể | huyện Thạch Hà |
17 | Hồng vuông Thạch Đài | Nhãn hiệu tập thể | huyện Thạch Hà |
18 | Nước mắm Cẩm Nhượng | Nhãn hiệu tập thể | huyện Cẩm Xuyên |
19 | Gạo Cẩm Xuyên | Nhãn hiệu tập thể | huyện Cẩm Xuyên |
20 | Mực một nắng Thiên Cầm | Nhãn hiệu tập thể | huyện Cẩm Xuyên |
21 | Nước mắm Kỳ Ninh | Nhãn hiệu tập thể | thị xã Kỳ Anh |
22 | Nước mắm Kỳ Xuân | Nhãn hiệu tập thể | huyện Kỳ Anh |
23 | Nước mắm Kỳ Phú | Nhãn hiệu tập thể | huyện Kỳ Anh |
24 | Quýt Kỳ Thượng | Nhãn hiệu tập thể | huyện Kỳ Anh |
25 | Bưởi Kỳ Trung | Nhãn hiệu tập thể | huyện Kỳ Anh |
26 | Cam Vũ Quang | Nhãn hiệu tập thể | huyện Vũ Quang |
27 | Chè Vũ Quang | Nhãn hiệu tập thể | huyện Vũ Quang |
28 | Chanh leo Vũ Quang | Nhãn hiệu tập thể | huyện Vũ Quang |
29 | Mộc Thái Yên | Nhãn hiệu tập thể | huyện Đức Thọ |
30 | Bánh gai Đức Thọ | Nhãn hiệu tập thể | huyện Đức Thọ |
31 | Bún Đức Thọ | Nhãn hiệu tập thể | huyện Đức Thọ |
32 | Hến Đức Thọ | Nhãn hiệu tập thể | huyện Đức Thọ |
33 | Gạo Đức Thọ | Nhãn hiệu tập thể | huyện Đức Thọ |
34 | Lạc Đức Thọ | Nhãn hiệu tập thể | huyện Đức Thọ |
35 | Làng mộc mỹ nghệ Thanh Lộc | Nhãn hiệu tập thể | huyện Can Lộc |
36 | Làng mộc Yên Huy | Nhãn hiệu tập thể | huyện Can Lộc |
37 | Rau Thiên Lộc | Nhãn hiệu tập thể | huyện Can Lộc |
38 | Gạo Can Lộc | Nhãn hiệu tập thể | huyện Can Lộc |
39 | Nghêu Lộc Hà | Nhãn hiệu tập thể | huyện Lộc Hà |
40 | Nước mắm Cửa Sót | Nhãn hiệu tập thể | huyện Lộc Hà |
41 | Lạc Thạch Châu | Nhãn hiệu tập thể | huyện Lộc Hà |
42 | Muối Hộ Độ | Nhãn hiệu tập thể | huyện Lộc Hà |
43 | Thủy sản Hộ Độ | Nhãn hiệu tập thể | huyện Lộc Hà |
44 | Mực khô Cửa Sót | Nhãn hiệu tập thể | huyện Lộc Hà |
45 | Bánh đa Gia phố | Nhãn hiệu tập thể | huyện Hương Khê |
PHỤ LỤC III
GIẢI TRÌNH MỘT SỐ NỘI DUNG HỖ TRỢ
Chính sách đã ban hành (Quyết định số 26/2014/QĐ-UBND ngày 23/6/2014) | Chính sách mới đề xuất | Giải trình |
Hỗ trợ kinh phí xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ: 4 triệu đồng/nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ. | Hỗ trợ thiết kế, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu: + Mỗi doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở được hỗ trợ kinh phí xác lập quyền sở hữu công nghiệp tối đa 05 nhãn hiệu. Mỗi nhãn hiệu được hỗ trợ tối đa 02 nhóm sản phẩm/dịch vụ. + Định mức hỗ trợ: 10.000.000 đồng/01 nhãn hiệu có 1 nhóm bảo hộ; 12.000.000 đồng/1 nhãn hiệu có 2 nhóm bảo hộ. | Nội dung hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu theo Quyết định 26 không có kinh phí hỗ trợ thiết kế logo, tra cứu khả năng bảo hộ nhãn hiệu. |
Hỗ trợ kinh phí xác lập quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp: 6 triệu đồng/kiểu dáng. | Đối với kiểu dáng công nghiệp: Được hỗ trợ: 10.000.000 đồng/kiểu dáng công nghiệp. | - Mức hỗ trợ đề xuất theo thực tế bao gồm: Chi phí tra cứu khả năng bảo hộ, chi phí xây dựng hồ sơ đăng ký, chi phí nộp đơn đăng ký, chi phí thẩm định hình thức và thẩm định nội dung đơn đăng ký, chi phí công bố đơn, chi phí đi lại để nộp và theo đuổi đơn. - Mức hỗ trợ theo Quyết định 26 chỉ bao gồm: Chi phí nộp đơn và chi phí thẩm định nội dung đơn đăng ký. Mức hỗ trợ này chưa đủ mạnh để khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng hồ sơ xin hỗ trợ. |
Xác lập quyền sở hữu công nghiệp ở nước ngoài: Mỗi Doanh nghiệp được hỗ trợ không quá 02 đối tượng sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu hàng hóa hoặc kiểu dáng công nghiệp) ở một quốc gia nơi doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, hàng hóa và không quá 5 quốc gia cho một doanh nghiệp. Mức hỗ trợ 50% phí và lệ phí đăng ký bảo hộ tại nước chỉ định đăng ký bảo hộ, nhưng không quá 50 triệu đồng/đối tượng/quốc gia. | Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp ở nước ngoài Mỗi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được hỗ trợ 100% phí, lệ phí và chi phí thuê đại diện sở hữu công nghiệp ở nước ngoài để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hoặc kiểu dáng công nghiệp ở quốc gia nơi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm/dịch vụ, nhưng tối đa không quá 500 triệu đồng/một đơn vị. | - Mức hỗ trợ theo quyết định 26 chỉ bao gồm: 50% phí và lệ phí đăng ký bảo hộ tại nước chỉ định và không quá 50 triệu đồng/đối tượng/quốc gia. Với mức hỗ trợ này còn chưa đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp, trong khi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài là rất tốn kém. |