Nội dung toàn văn Quyết định 33/2006/QĐ-TTg Đề án Dạy nghề cho lao động đi làm việc nước ngoài đến 2015
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/2006/QĐ-TTG | Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN DẠY NGHỀ CHO LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI ĐẾN NĂM 2015
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày 23 tháng 06 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ Luật Lao động về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh xã hội.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt đề án Dạy nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài đến năm 2015 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung:
Phát triển nguồn lao động đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề cho thị trường lao động nước ngoài, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người lao động.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Hình thành một số trường dạy nghề nòng cốt để dạy nghề, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm đạt mục tiêu hàng năm đưa lên 10 vạn lao động đã được đào tạo nghề đi làm việc ở nước ngoài;
- Đến năm 2010, tỷ trọng lao động đi làm việc ở nước ngoài có nghề đạt 70%; trong đó, lao động lành nghề và trình độ cao trở lên đạt 30%. Đến năm 2015, 100% lao động đi làm việc ở nước ngoài có nghề, trong đó có 40% có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao;
- Lao động đi làm việc ở nước ngoài được đào tạo đạt chuẩn về ngoại ngữ, giáo dục định hướng.
2. Nhiệm vụ:
a) Giao nhiệm vụ cho các cơ sở dạy nghề có đủ điều kiện cần thiết để đào tạo, chuẩn bị nguồn lao động kỹ thuật cho xuất khẩu lao động;
b) Chuẩn hóa chương trình, giáo trình dạy nghề, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho lao động đi làm việc ở nước ngoài;
c) Bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ gvu, cán bộ quản lý tham gia dạy nghề, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho lao động đi làm việc ở nước ngoài;
d) Từng bước thực hiện kiểm định chất lượng dạy nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài;
đ) Xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động ở nước ngoài cung cấp cho các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp xuất khẩu lao động, cơ quan quản lý nhà nước và người lao động.
3. Các giải pháp chủ yếu
a) Phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài:
- Khuyến khích các cơ sở dạy nghề, trong đó có các cơ sở dạy nghề của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, thuộc các thành phần kinh tế đầu tư đào tạo nhân lực kỹ thuật các nghề mà thị trường lao động ngoài nước có nhu cầu;
- Lựa chọn 10 trường dạy nghề trong số các trường dạy nghề trọng điểm đã được Nhà nước đầu tư lớn bằng các nguồn vốn trong và ngoài nước làm nòng cốt trong việc tạo nguồn, đào tạo lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho lao động đi làm việc ở nước ngoài.
b) Nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài:
- Xây dựng, ban hành chương trình, giáo trình dạy nghề theo modul, linh hoạt, thích ứng với từng hợp đồng lao động; tăng thời lượng dạy ngoại ngữ và rèn luyện ý thức chấp hành kỷ luật lao động, tác phong công nghệp trong giáo dục định hướng;
- Đổi mới phương pháp dạy nghề, ứng dụng công nghệ dạy học tiên tến, gắn liền đào tạo trong nhà trường với các cơ sở sản xuất trong nước để tương thích với yêu cầu của thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam;
- Tạo điều kiện để đội ngũ gvu tham gia dạy nghề, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho lao động đi làm việc ở nước ngoài được thực tập, khảo sát thực tiễn ở các nước tiếp nhận lao động.
c) Chính sách, cơ chế:
- Khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho lao động của doanh nghiệp mình, góp phần cung ứng lao động kỹ thuật cho nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước và nhận họ trở lại làm việc tại doanh nghiệp sau khi hoàn thành hợp đồng trở về nước;
- Các cơ sở dạy nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài được hưởng chính sách ưu đãi về thuế sử dụng đất, ưu đãi về tín dụng theo quy định của pháp luật và được thu học phí theo quy định của cấp có thẩm quyền;
- Trên cơ sở chỉ tiêu và dự toán ngân sách được bố trí hàng năm cho dạy nghề. Nhà nước giành một số chỉ tiêu để thí điểm dạy nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài, chủ động tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động nước ngoài;
- Doanh nghiệp xuất khẩu lao động được liên kết đào tạo với các cơ sở dạy nghề trong và ngoài nước hoặc tự đào tạo nguồn lao động có nghề đáp ứng yêu cầu các hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
d) Xây dựng mạng lưới thông tin về thị trường lao động ở nước ngoài.
Mạng lưới thông tin về thị trường lao động ở nước ngoài có đầu mối đặt tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, kết nối với 10 trường dạy nghề nòng cốt; các doanh nghiệp xuất khẩu lao động; các cơ quan ngoại giao, các văn phòng đại diện quản lý lao động của Việt Nam ở nước ngoài… Mạng lưới thông tin này có nhiệm vụ cập nhật và cung cấp thông tin liên quan tới cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp xuất khẩu lao động, người lao động về cầu của thị trường lao động ngoài nước; khả năng cung ứng lao động; các thông tin về cơ sở dạy nghề, nội dung chương trình dạy nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài.
đ) Hợp tác quốc tế:
- Mở rộng quan hệ hợp tác nước ngoài, các tổ chức quốc tế trong làm việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo dục tham gia đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Điều 2. Tiến độ thực hiện
1. Giai đoạn từ nay đến năm 2010:
- Lựa chọn 10 trường dạy nghề làm nòng cột trong việc xây dựng mô hình, phương pháp và chương trình, nội dung dạy nghề, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho lao động đi làm việc ở nước ngoài;
- Xây dựng quy chế kiểm định chất lượng dạy nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài;
- Xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng; tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài;
- Xây dựng mạng lưới thông tin về thị trường lao động ngoài nước.
2. Giai đoạn từ 2011 đến 2015:
- Hoàn thiện mô hình dạy nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài tại 10 trường nòng cốt và triển khai nhân rộng cho hệ thống các trường dạy nghề.
- Đổi mới nội dung chương trình, tập huấn nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch phân bổ kinh phí và huy động các nguồn lực khác để triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.
2. Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thu thập à cung cấp thông tin về thị trường lao động ở nước ngoài.
3. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng và thẩm quyền có trách nhiệm cụ thể hóa cơ chế, chính sách, xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện dạy nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài; chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, các cơ sở dạy nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc phạm vi phụ trách thực hiện đề án.
4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Hướng dẫn xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện đề án;
- Tổ chức kiểm tra, giám sát và tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.
Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. THỦ TƯỚNG |