Nội dung toàn văn Quyết định 33/2006/QĐ-UBND tổ chức chợ việc làm định kỳ thành phố Đà Nẵng
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/2006/QĐ-UBND | Đà Nẵng, ngày 12 tháng 4 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH ĐỀ ÁN TỔ CHỨC CHỢ VIỆC LÀM ĐỊNH KỲ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm;
Căn cứ Nghị quyết số 28/2005/NQ-HĐND ngày 28 tháng 12 năm 2005 của Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ năm 2006;
Căn cứ Đề án giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động của thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 142/2005/QĐ-UBND ngày 03 tháng 10 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án tổ chức Chợ việc làm định kỳ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 2. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện Đề án nêu trên.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
TỔ CHỨC CHỢ VIỆC LÀM ĐỊNH KỲ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33 /2006/QĐ-UB ngày 12 tháng 4 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)
Phần mở đầu
Quá trình cải cách kinh tế đã mang lại những thay đổi nhất định, trong đó có những thay đổi liên quan đến việc phân bổ và sử dụng lực lượng lao động theo hướng nhu cầu của thị trường. Thị trường lao động cũng như các thị trường khác, bước đầu đã hình thành giao dịch việc làm giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, cần có những hoạt động thúc đẩy thị trường lao động phát triển, việc tổ chức Chợ việc làm định kỳ là một trong những hoạt động đó.
Tổ chức Chợ việc làm định kỳ là một hoạt động quan trọng để xúc tiến việc làm cho người lao động. Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế, đô thị hoá tăng nhanh, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế rõ rệt của thành phố đã tạo ra nhiều việc làm mới, thu hút nhiều lao động đến làm việc. Các chính sách hỗ trợ việc làm trực tiếp như hoạt động giới thiệu việc làm, tổ chức Hội chợ việc làm đã góp phần gắn kết cung-cầu lao động, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần làm ổn định xã hội và phát triển thành phố.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường lao động thành phố, việc xây dựng đề án tổ chức Chợ việc làm định kỳ của thành phố là một bước phát triển mới trong cách thức giải quyết việc làm, nhằm thực hiện mục tiêu “có việc làm” trong Chương trình xây dựng “Thành phố 3 có”.
Cơ sở xây dựng đề án
- Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm;
- Nghị quyết số 28/2005/NQ-HĐND ngày 28 tháng 12 năm 2005 của Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ năm 2006;
- Đề án giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động của thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 142/2005/QĐ-UBND ngày 03 tháng 10 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố.
Phần I
SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Khái quát về hoạt động giới thiệu việc làm và tổ chức Hội chợ việc làm giai đoạn 2001-2005
Giai đoạn 2001-2005, toàn thành phố giải quyết việc làm cho trên 115.000 lao động, bình quân hàng năm có khoảng 23.000 lao động được giải quyết việc làm, trong đó thông qua hoạt động giới thiệu việc làm tại các trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn thành phố và các lần tổ chức Hội chợ việc làm đã hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động chiếm 33,1% so với tổng số lao động được giải quyết việc làm trong năm. Cụ thể: Năm 2001, tuyển dụng lao động thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm gần 4.800 lao động, năm 2005 là 7.800 lao động; qua các lần tổ chức Hội chợ việc làm năm 2000 tuyển dụng gần 1.400 lao động, năm 2004 tuyển dụng hơn 2.500 lao động.
2. Sự cần thiết ban hành đề án
- Hoạt động giới thiệu việc làm trong những năm qua đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, các trung tâm giới thiệu việc làm hoạt động còn phân tán, năng lực còn hạn chế, thông tin thị trường lao động chưa được tập trung. Việc thu thập, phân tích, chia sẻ thông tin để cung cấp cho người lao động, người sử dụng lao động cũng như các đối tượng có nhu cầu chưa thành hệ thống, chưa đáp ứng được yêu cầu. Số lao động được gắn kết việc làm từ hoạt động giới thiệu việc làm còn chiếm tỷ lệ thấp, đạt 33,1% tổng số giải quyết việc làm hàng năm.
- Thành phố đã tổ chức 4 lần Hội chợ việc làm và đã đạt được một số kết quả nhất định, song chưa được tổ chức thường xuyên, các hoạt động diễn ra trong Hội chợ việc làm chưa phong phú, thông tin thị trường lao động cung cấp trong hội chợ còn thiếu, thời gian gặp gỡ, trao đổi, phỏng vấn tuyển dụng diễn ra ngắn, nên số lượng người lao động đến với hội chợ đông, nhưng số người gặp gỡ, phỏng vấn chiếm tỷ lệ thấp, chưa tạo được thói quen tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ việc làm, vẫn còn những hạn chế nhất định trong việc tạo điều kiện để người lao động tìm được việc làm phù hợp.
Do vậy, việc tổ chức Chợ việc làm định kỳ hàng tháng, với các hoạt động thiết thực để giúp người lao động tìm được việc làm phù hợp là cần thiết.
Phần II
NỘI DUNG ĐỀ ÁN
Tổ chức Chợ việc làm nêu trong đề án này là tổng hợp các hoạt động gặp gỡ, trao đổi, tư vấn, sơ tuyển, phỏng vấn, tuyển dụng lao động, tuyển sinh; cung cấp, xử lý thông tin thị trường lao động của các đối tượng tham gia Chợ việc làm, được cơ quan nhà nước của thành phố đứng ra tổ chức định kỳ, với cách thức tổ chức có hệ thống, diễn ra tại một địa điểm nhất định trong thành phố.
I. Mục tiêu
- Từ năm 2006, nâng tỷ lệ hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động thông qua hoạt động giới thiệu việc làm từ 33,1% hiện nay lên 40-50% tổng số lao động được giải quyết việc làm. Cụ thể: Bình quân hàng năm, số lao động tìm được việc làm thông qua Chợ việc làm khoảng 14.000 đến 16.000 lao động, góp phần thực hiện mục tiêu của Đề án giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động của thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 142/2005/QĐ-UBND ngày 03 tháng 10 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố.
- Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động đáp ứng nhu cầu của các đối tượng tham gia.
II. Đối tượng tham gia
- Người lao động có nhu cầu tìm việc làm và học nghề;
- Các tổ chức, đơn vị, cá nhân có nhu cầu tuyển dụng lao động và cung ứng lao động;
- Các đơn vị xuất khẩu lao động;
- Các trường, các cơ sở đào tạo nghề;
- Các trung tâm giới thiệu việc làm;
- Các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn.
III. Thời gian, địa điểm tổ chức
1. Thời gian
Chợ việc làm định kỳ được tổ chức vào các ngày thứ bảy, chủ nhật của tuần đầu tháng. Phiên đầu tiên được tổ chức vào tháng 5 năm 2006.
2. Địa điểm
- Trước mắt, Chợ việc làm được tổ chức tại Trung tâm Văn hoá - Thông tin thành phố Đà Nẵng (số 84, đường Hùng Vương, thành phố Đà Nẵng).
- Về lâu dài, bố trí địa điểm tổ chức Chợ việc làm tại Trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế.
IV. Các hoạt động chủ yếu tại Chợ việc làm
1. Tổ chức các hoạt động gặp gỡ, trao đổi, sơ tuyển, phỏng vấn, tuyển dụng lao động; đăng ký tìm việc làm, đăng ký tuyển dụng, đăng ký xuất khẩu lao động, đăng ký học nghề.
2. Giữa các phiên Chợ việc làm, tổ chức các hoạt động đăng ký tìm việc làm, đăng ký tuyển dụng; thu thập, phân tích, cung cấp thông tin thị trường lao động, bao gồm các thông tin về cung, cầu lao động, về chế độ, chính sách lao động, việc làm, tiền lương, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động;
V. Các giải pháp thực hiện
1. Giao thêm nhiệm vụ; bổ sung biên chế, cơ sở vật chất cho Trung tâm Giới thiệu việc làm thành phố Đà Nẵng
1.1. Giao thêm nhiệm vụ
- Hàng tháng, mở phiên Chợ việc làm;
- Hàng ngày, tổ chức các hoạt động thu thập, phân tích, xử lý, cung cấp thông tin thị trường lao động cho các đối tượng có nhu cầu; tư vấn chính sách lao động-việc làm, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động; tiếp nhận đăng ký tìm việc làm, học nghề và tuyển dụng lao động;
- Tổ chức tuyên truyền về các hoạt động của Chợ việc làm;
- Tổng hợp, báo cáo kết quả tổ chức Chợ việc làm và hoạt động thông tin thị trường lao động phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn;
- Tổ chức các hoạt động khác khi có yêu cầu.
1.2. Tổ chức bộ máy
Bổ sung 7 cán bộ hợp đồng cho Trung tâm Giới thiệu việc làm thành phố để thực hiện các nhiệm vụ nói trên.
1.3. Cơ sở vật chất
Chợ việc làm được đầu tư, trang bị ban đầu, gồm:
- Các phòng làm việc, phỏng vấn;
- Trang bị các máy vi tính nối mạng internet;
- Hệ thống máy móc, thiết bị và các trang bị cần thiết khác.
2. Công tác tuyên truyền
Tổ chức các hình thức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương và trong quần chúng nhân dân thành phố cũng như các địa phương lân cận về tổ chức và hoạt động của Chợ việc làm, qua đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp và thu hút sự quan tâm, ủng hộ, tham gia tích cực của người sử dụng lao động và người lao động.
3. Tổ chức các hoạt động thông tin thị trường lao động
- Tổ chức thu thập thông tin thị trường lao động từ các nguồn:
+ Các cuộc điều tra định kỳ và chuyên đề về lao động-việc làm;
+ Các báo cáo thống kê của các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị;
+ Kết quả đăng ký tìm việc, tuyển dụng lao động;
+ Kết quả đăng ký qua mạng internet tại website “Người tìm việc - việc tìm người”, địa chỉ http://www.vieclamdanang.net và trên các website, báo điện tử khác;
+ Hệ thống các trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn;
+ Các doanh nghiệp, đơn vị xuất khẩu lao động;
+ Các trường, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn.
- Tổng hợp, phân tích thông tin thị trường lao động bao gồm: Thông tin về lao động-việc làm, tiền lương, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, cơ hội tìm việc, các chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm...
- Cung cấp thông tin thị trường lao động qua mạng internet, các phương tiện thông tin, báo cáo, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin.
VI. Kinh phí triển khai đề án
1. Kinh phí mua sắm, sửa chữa, trang bị ban đầu : 264,5 triệu đồng
2. Kinh phí hoạt động 8 tháng năm 2006 : 165,5 triệu đồng
(Có phụ lục dự toán nhu cầu kinh phí kèm theo)
3. Kinh phí hàng năm, từ năm 2007 trở đi: Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở
Lao động-Thương binh và Xã hội bố trí trong dự toán kinh phí hàng năm.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. Phân công trách nhiệm
1. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội
Là cơ quan thường trực đề án, có trách nhiệm:
- Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức các phiên Chợ việc làm và tổ chức hoạt động thông tin thị trường lao động theo nội dung đề án được phê duyệt;
- Chỉ đạo Trung tâm Giới thiệu việc làm thành phố củng cố, nâng cao năng lực để tổ chức thành công Chợ việc làm của thành phố;
- Xây dựng Quy chế điều hành phiên Chợ việc làm.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất kế hoạch bố trí nguồn vốn đầu tư ban đầu và kinh phí hoạt động hàng năm bảo đảm cho hoạt động của Chợ việc làm;
- Cung cấp nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp cho Chợ việc làm thông qua việc đăng ký kinh doanh, hoạt động đầu tư.
3. Sở Tài chính
Thẩm định, bố trí và đảm bảo kinh phí kịp thời để thực hiện Đề án.
4. Sở Nội vụ
Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố bổ sung biên chế cho Trung tâm Giới thiệu việc làm thành phố để thực hiện Đề án.
5. Sở Văn hóa-Thông tin
Chỉ đạo Trung tâm Văn hóa-Thông tin thành phố bố trí, bàn giao mặt bằng để tổ chức Chợ việc làm; tổ chức thông tin, tuyên truyền về Chợ việc làm.
6. Các Sở Công nghiệp, Thuỷ sản - Nông - Lâm, Thương mại, Du lịch, Xây dựng, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, Liên minh Hợp tác xã, Trung tâm xúc tiến đầu tư
- Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển của ngành, dự báo nhu cầu sử dụng lao động, kịp thời cung cấp thông tin cho Chợ việc làm;
- Vận động các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động tham gia
Chợ việc làm.
7. Đề nghị các tổ chức hội, đoàn thể
Tuyên truyền chủ trương và vận động hội viên, đoàn viên tham gia Chợ việc làm, tạo thói quen tìm việc làm tại Chợ việc làm.
8. Các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động
- Chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng, tuyển dụng lao động theo quy định của pháp luật lao động;
- Cung cấp thông tin về nhu cầu lao động, điều kiện làm việc, chính sách đối với người lao động và tham gia tuyển dụng lao động tại Chợ việc làm.
9. Các Trung tâm giới thiệu việc làm
- Tổ chức đăng ký tìm việc, đăng ký tuyển dụng lao động và tham gia Chợ việc làm;
- Tổng hợp, báo cáo tình hình giới thiệu việc làm và thường xuyên cung cấp thông tin cho Chợ việc làm.
10. Các đơn vị xuất khẩu lao động; các trường, cơ sở đào tạo nghề
Chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ; cung cấp thông tin có liên quan và tham gia Chợ việc làm.
11. UBND các quận, huyện
- Phổ biến chủ trương và chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện các hoạt động, cung cấp thông tin về lao động-việc làm;
- Tuyên truyền, vận động người lao động trên địa bàn tham gia các phiên Chợ việc làm.
12. Các cơ quan thông tấn, báo chí, Đài phát thanh truyền hình
Đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương tích cực hỗ trợ thông tin tuyên truyền về Chợ việc làm.
II. Chế độ báo cáo
- Các sở, ban, ngành; Uỷ ban nhân dân các quận, huyện; các hội, đoàn thể; các cơ sở đào tạo nghề; các trung tâm giới thiệu việc làm; các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tham gia thực hiện đề án này và tổng hợp báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm cho Uỷ ban nhân dân thành phố (thông qua Sở Lao động-Thương binh và Xã hội).
- Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm cho Uỷ ban nhân dân thành phố về tình hình thực hiện Đề án này.
Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, nếu có vướng mắc, phát sinh, các sở, ban, ngành, địa phương, các hội, đoàn thể kịp thời báo cáo UBND thành phố (thông qua Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
PHỤ LỤC
DỰ TOÁN NHU CẦU KINH PHÍ
ĐVT: Triệu đồng
STT | Danh mục | Số lượng | Đơn giá | Thành tiền |
I | Đầu tư, mua sắm ban đầu |
|
| 264,5 |
1 | Sửa chữa mặt bằng nơi làm việc, mua sắm bàn ghế, hệ thống điện, nước (tại 84, Hùng Vương). |
| (Có dự toán chi tiết đính kèm) | 199,6 |
2 | Mua máy vi tính (bộ) | 07 | 8,5 | 59,5 |
3 | Mua router speed touch (01 tại Trung tâm GTVL TP; 01 tại 84 Hùng Vương) | 02 | 2,7 | 5,4 |
II | Kinh phí hoạt động thường xuyên 8 tháng, năm 2006 |
|
| 165,5 |
1 | Chi phí tiền lương, tiền công, chi khác cho 7 cán bộ (8 tháng × 1,6 triệu đ/tháng/người) | 07 | 12,8 | 89,6 |
2 | Kinh phí thuê 3 đường truyền ADSL tại Trung tâm GTVL TP; Chi nhánh Trung tâm GTVL Liên Chiểu và tại 84 Hùng Vương (8 tháng x 0,91 triệu đ/tháng/đường truyền) | 03 | 7,3 | 21,9 |
3 | In phiếu đăng ký tìm việc |
|
| 8,0 |
4 | Tuyên truyền |
|
| 30,0 |
5 | Phục vụ trực tiếp 8 phiên chợ | 08 | 2,0 | 16,0 |