Nội dung toàn văn Quyết định 33/2010/QĐ-TTg Quy chế tổ chức Ngày Việt Nam ở nước ngoài
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/2010/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 02 tháng 04 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC NGÀY VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức Ngày Việt Nam ở nước ngoài.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 5 năm 2010.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC NGÀY VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2010/QĐ-TTg ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy chế này quy định việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hoạt động trong năm, tháng, tuần hoặc ngày Việt Nam ở nước ngoài (sau đây được gọi chung là Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài) ở cấp quốc gia nhân dịp các sự kiện quan trọng sau:
a) Kỷ niệm năm chẵn, năm tròn ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước;
b) Chuyến thăm chính thức của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam;
c) Chào mừng các sự kiện quốc tế quan trọng có sự tham gia, đóng góp của Việt Nam;
d) Các sự kiện khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
2. Quy chế này không điều chỉnh các hoạt động giao lưu và xúc tiến chuyên ngành về đầu tư, thương mại, văn hóa, du lịch, dịch vụ và các hoạt động tương tự khác trên phương diện hợp tác song phương và đa phương của Việt Nam với các nước hoặc trong khuôn khổ hoạt động của các tổ chức, hiệp hội quốc tế.
Điều 2. Mục đích của việc xây dựng và thực hiện Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài
Việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài nhằm:
1. Quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
2. Góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, bền vững và tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, giữa nhân dân các nước với Việt Nam.
3. Vận động thu hút đầu tư nước ngoài, khách du lịch quốc tế, trao đổi thương mại, tạo điều kiện mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa, thương mại, tài chính, ngân hàng và dịch vụ khác.
Điều 3. Nguyên tắc xây dựng và thực hiện Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài
1. Thực hiện đúng đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
2. Thực hiện thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại và kết hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại giữa các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức trực thuộc Trung ương có liên quan.
3. Phù hợp với pháp luật, chính sách đối ngoại và phong tục, tập quán của nước sở tại.
4. Đồng bộ, tránh chồng chéo, hiệu quả và tiết kiệm.
5. Đa dạng hóa hình thức tổ chức theo hướng mở rộng từng bước công tác xã hội hóa tại một số địa bàn có điều kiện thuận lợi.
Điều 4. Nội dung Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài
1. Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài là tổng hợp các hoạt động về chính trị, kinh tế và văn hóa được thực hiện tại một quốc gia khác trong một khoảng thời gian nhất định nhằm góp phần triển khai chính sách đối ngoại của Việt Nam.
2. Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài gồm 4 nội dung chính như sau:
a) Các hoạt động ngoại giao chính trị của Việt Nam: gặp gỡ, hội đàm;
b) Giới thiệu cơ hội hợp tác về đầu tư, thương mại, du lịch và dịch vụ với Việt Nam được tổ chức dưới một số hình thức như: diễn đàn, hội thảo, tọa đàm doanh nghiệp, triển lãm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;
c) Giới thiệu văn hóa Việt Nam thông qua một số hoạt động như: trưng bày, triển lãm văn hóa phẩm, tác phẩm nghệ thuật, biểu diễn nghệ thuật; chiếu phim; hội thảo, tọa đàm về văn hóa Việt, giới thiệu thời trang Việt Nam, giới thiệu ẩm thực Việt Nam;
d) Các hoạt động giao lưu nhân dân, các hoạt động truyền thông và một số hoạt động cụ thể khác để tuyên truyền, giới thiệu về sự kiện này.
Chương 2.
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TỔ CHỨC
Điều 5. Kế hoạch tổ chức
1. Hàng năm, trên cơ sở nhu cầu thúc đẩy quan hệ chính trị đối ngoại, kinh tế, văn hóa của Việt Nam với các nước và kế hoạch các chuyến thăm chính thức của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan hữu quan xây dựng kế hoạch tổ chức Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài cho năm tiếp theo.
2. Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài gồm có:
a) Chương trình hoạt động trong một năm gọi là “Năm Việt Nam” ở nước ngoài;
b) Chương trình hoạt động trong một tháng gọi là “Tháng Việt Nam” ở nước ngoài;
c) Chương trình hoạt động trong một tuần gọi là “Tuần Việt Nam” ở nước ngoài;
d) Chương trình hoạt động từ 1 đến 3 ngày gọi là “Những Ngày Việt Nam” ở nước ngoài.
3. Thủ tục xây dựng Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài:
a) Trước ngày 15 tháng 4 hàng năm, Bộ Ngoại giao gửi công văn tới các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan thông báo danh sách các địa điểm và thời gian dự kiến sẽ tổ chức Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài trong năm tiếp theo kèm theo. Trước ngày 15 tháng 5, các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan gửi Bộ Ngoại giao danh mục đề án phối hợp tổ chức. Đề án phải nêu cụ thể về mục đích, yêu cầu, thời gian và địa điểm, nội dung, thành phần tham dự, phân công công việc của các Bộ, ngành có liên quan và dự toán kinh phí thực hiện của từng Bộ, ngành tham gia. Dự toán kinh phí này phải xác định rõ nội dung công việc do ngân sách nhà nước bảo đảm và nội dung công việc bảo đảm từ nguồn đóng góp, tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài;
b) Trên cơ sở báo cáo và danh mục đề án phối hợp tổ chức Ngày Việt Nam ở nước ngoài trong năm tiếp theo do các Bộ, ngành gửi, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm tổng hợp xây dựng báo cáo Chương trình tổng thể Ngày Việt Nam ở nước ngoài trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước ngày 01 tháng 6 hàng năm;
c) Trường hợp muốn thay đổi yêu cầu, nội dung của đề án hoặc thời hạn thực hiện đề án, Bộ, ngành chủ trì đề án phải gửi cho Bộ Ngoại giao yêu cầu thay đổi để Bộ Ngoại giao tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Điều 6. Kinh phí tổ chức
Kinh phí tổ chức Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện từ các nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành; nguồn đóng góp, tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Phân công trách nhiệm
1. Bộ Ngoại giao: là cơ quan đầu mối giúp Thủ tướng Chính phủ điều phối việc tổ chức các hoạt động Ngày Việt Nam ở nước ngoài; chịu trách nhiệm về nội dung chính trị; chủ trì, phối hợp với cơ quan đại diện tại nước tiếp nhận và các cơ quan có liên quan để xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động trên; đồng thời thực hiện công tác định hướng và gắn kết các hoạt động quảng bá hình ảnh quốc gia Việt Nam ở nước ngoài.
2. Bộ Công an: đảm bảo an ninh, chính trị cho việc tổ chức Ngày Việt Nam ở nước ngoài.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam: phối hợp tham gia Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài và chịu trách nhiệm về các hoạt động thuộc chức năng, quyền hạn của mình.
4. Bộ Tài chính: căn cứ dự toán của các Bộ, ngành tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định và giao dự toán cho các Bộ, ngành để tổ chức Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài theo quy định.
5. Bộ Giao thông vận tải: phối hợp tham gia các hoạt động Ngày Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi về mức giá vé máy bay, cước hàng hóa đối với các đơn vị trực tiếp tham gia hoạt động Ngày Việt Nam ở nước ngoài.
6. Các phương tiện thông tin đại chúng: phối hợp tuyên truyền, quảng bá các hoạt động Ngày Việt Nam ở nước ngoài trên các phương tiện thông tin đại chúng.
7. Các Bộ, ngành, cơ quan và địa phương khác: trên cơ sở tính chất cần thiết và theo đề nghị của Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan khác nghiên cứu, phối hợp tham gia các hoạt động của Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài.
8. Các địa phương: có trách nhiệm đảm bảo kinh phí đối với các hoạt động, sự kiện của địa phương mình tham gia từ nguồn ngân sách của địa phương mình.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Chế độ báo cáo
1. Các Bộ, ngành, địa phương phải có báo cáo kết quả tổ chức thực hiện gửi Bộ Ngoại giao chậm nhất sau 15 ngày tổ chức các hoạt động Ngày Việt Nam ở nước ngoài.
2. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm tổng hợp, đánh giá và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác tổ chức và hiệu quả đạt được của các hoạt động Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài.
Điều 9. Hướng dẫn thực hiện
1. Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối chủ trì, hướng dẫn thực hiện Quy chế này.
2. Các Bộ, ngành có trách nhiệm xây dựng, tổ chức và tham gia Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có vướng mắc, các Bộ, ngành và địa phương thông báo cho Bộ Ngoại giao để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.