Nội dung toàn văn Quyết định 3326/QĐ-UBND ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3326/QĐ-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 6 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ PHÊ DUYỆT “ CHƯƠNG TRÌNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG NGÀNH GIÁO DỤC ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2013 - 2015”
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020;
Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đưa Việt Nam sớm mạnh về công nghệ thông tin và Truyền thông”;
Căn cứ Quyết định số 27/2012/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc phê duyệt Chương trình phát triển Công nghệ Thông tin - Truyền thông giai đoạn 2011 - 2015;
Xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 13/TTr-STTTT ngày 14 tháng 6 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục đào tạo thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 - 2015”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Nội vụ; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
CHƯƠNG TRÌNH
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG NGÀNH GIÁO DỤC ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2013 - 2015
(Ban hành kèm Quyết định số 3326/QĐ-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố)
I. Mục tiêu chung
Xây dựng Hệ thống thông tin giáo dục cho toàn thành phố, cho phép các cơ sở giáo dục các cấp kết nối và chuyển tải các thông tin giáo dục một cách thống nhất và toàn diện, từ Sở Giáo dục và Đào tạo đến phòng giáo dục các quận - huyện và trường học các cấp (mầm non, cấp 1, 2 và 3); sử dụng phương tiện công nghệ thông tin để thực hiện công tác quản lý ngành và phục vụ quá trình dạy và học của giáo viên và học sinh; góp phần hình thành cơ sở dữ liệu quản lý nguồn nhân lực của thành phố.
II. Mục tiêu cụ thể
- Xây dựng các quy chế và quy định làm cơ sở pháp lý cho việc vận hành và khai thác các thông tin cho Hệ thống thông tin giáo dục thành phố;
- Xây dựng được một trung tâm dữ liệu giáo dục thống nhất làm cơ sở hạ tầng cho việc xây dựng các mạng thông tin quản lý ngành giáo dục, mạng thông tin giáo dục học đường, mạng thông tin giáo dục cộng đồng;
- Tất cả các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng giáo dục các quận - huyện và trường học các cấp được trang bị hệ thống mạng LAN, đường truyền Internet và các thiết bị phục vụ cho việc kết nối với Hệ thống thông tin giáo dục thành phố;
- Tất cả các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, trường học các cấp sử dụng phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc trong quá trình chỉ đạo điều hành và báo cáo kết quả thực hiện công việc cho lãnh đạo các cấp;
- 100% cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục thành phố được quản lý trên phần mềm quản lý cán bộ công nhân viên chức nhằm quản lý đầy đủ, chi tiết quá trình công tác của từng đối tượng;
- Tất cả các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, trường học các cấp kết nối với Hệ thống thông tin giáo dục thành phố thông qua các mạng thông tin giáo dục học đường;
- 100% các trường học và Sở Giáo dục và Đào tạo có hệ thống thông tin giáo dục và kết nối với Hệ thống thông tin giáo dục thành phố thông qua mạng thông tin giáo dục học đường;
- 70% phụ huynh học sinh tương tác với nhà trường và các cơ sở giáo dục thông qua các phương tiện truyền thông điện tử như mạng máy tính, các thiết bị di động (điện thoại di động, máy tính bảng...);
- Xây dựng cổng thông tin tích hợp về giáo dục cộng đồng bao gồm hệ thống đào tạo từ xa và học trực tuyến (e-learning), hệ thống thư viện điện tử, hệ thống bài giảng điện tử phục vụ người dân.
III. Nội dung thực hiện
1. Xây dựng kiến trúc tổng thể ngành giáo dục - đào tạo và quy chế vận hành và khai thác Hệ thống thông tin giáo dục thành phố
a) Nội dung thực hiện:
- Xây dựng kiến trúc tổng thể ngành giáo dục - đào tạo: kiến trúc, các chuẩn, tiêu chí cho việc liên thông kết nối và tích hợp;
- Xây dựng quy chế vận hành và khai thác thông tin trên Hệ thống thông tin Giáo dục thành phố, bao gồm các quy định kết nối và cung cấp thông tin, phân quyền quản lý và tổng hợp thông tin, chia sẻ và chuyển tải thông tin, truy xuất và kết xuất thông tin… trên cơ sở một hệ thống phân cấp vai trò và quyền hạn trong việc vận hành và khai thác Hệ thống thông tin Giáo dục thành phố.
b) Tổ chức thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông
- Cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo
c) Thời gian thực hiện: Năm 2013 - 2015
2. Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin ngành giáo dục
a) Nội dung thực hiện:
Xây dựng hạ tầng phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin cho ngành giáo dục thành phố bao gồm hoàn chỉnh hạ tầng công nghệ thông tin tại Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng giáo dục các quận - huyện và trường học các cấp theo mô hình hình thành hệ thống hạ tầng dùng chung trong ngành: máy chủ, máy trạm, thiết bị đầu cuối,.. và đảm bảo tất cả trường học các cấp có máy tính phục vụ cho công tác quản lý, dạy và học.
b) Tổ chức thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo
- Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, các phòng giáo dục quận - huyện và trường học các cấp
c) Thời gian thực hiện: Năm 2013 - 2015
3. Xây dựng trung tâm dữ liệu giáo dục
a) Nội dung thực hiện:
Thiết kế và xây dựng một trung tâm dữ liệu giáo dục thống nhất chứa đựng các thông tin tích hợp từ tất cả các thông tin quản lý giáo dục và các thông tin dạy và học đã được tổng hợp, trích lọc và tích hợp từ các thông tin trên các mạng thông tin quản lý giáo dục, mạng thông tin giáo dục dạy và học. Trung tâm dữ liệu giáo dục này trở thành một cơ sở dữ liệu tổng hợp để:
- Các mạng thông tin giáo dục có thể trao đổi thông tin với nhau một cách thống nhất và đồng bộ;
- Cung cấp đầy đủ và chính xác các loại thông tin giáo dục phục vụ cho công tác đánh giá, tổng kết, dự báo, hoạch định cho ngành giáo dục và các ngành có liên quan như văn hóa, y tế, kinh tế, dân cư…
b) Tổ chức thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo
- Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, các phòng ban và cơ quan trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng giáo dục quận - huyện và trường học các cấp
c) Thời gian thực hiện: Năm 2013 - 2015
4. Triển khai các phần mềm dùng chung
a) Nội dung thực hiện:
Triển khai cho Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng giáo dục quận - huyện và trường học các cấp hệ thống phần mềm dùng chung cho các sở ban ngành của thành phố: Hệ thống thư điện tử; Hệ thống quản lý hồ sơ công việc - chỉ đạo điều hành; Hệ thống quản lý cán bộ công chức - viên chức; Hệ thống quản lý tài sản công; Hệ thống quản lý khiếu nại - khiếu tố; Hệ thống quản lý thi đua - khen thưởng.
b) Tổ chức thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo
- Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, các phòng ban thuộc cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng giáo dục quận - huyện và trường học các cấp
c) Thời gian thực hiện: Năm 2013 - 2015
5. Triển khai mạng thông tin quản lý giáo dục
a) Nội dung thực hiện:
Với nền tảng là trung tâm dữ liệu giáo dục và các chuẩn trao đổi thông tin giáo dục đã được quy chuẩn hóa, xây dựng và triển khai một mạng thông tin quản lý giáo dục thống nhất với đầu mối tại Sở Giáo dục và Đào tạo, phục vụ cho công tác quản lý thông tin giáo dục và đào tạo ở các phòng ban chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng giáo dục quận - huyện và các cơ quan trực thuộc, bao gồm các phần mềm quản lý chuyên ngành: phần mềm quản lý nhà trường, phần mềm quản lý đào tạo, phần mềm tổng hợp số liệu thống kê và báo cáo về tình hình giáo dục và đào tạo tại thành phố;… và các hệ thống phục vụ quản lý: hệ thống họp trực tuyến; thẻ học sinh điện tử…
b) Tổ chức thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo
- Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, các phòng giáo dục quận - huyện và trường học các cấp
c) Thời gian thực hiện: Năm 2013 - 2015
6. Triển khai Mạng thông tin giáo dục học đường
a) Nội dung thực hiện:
Trong năm 2013, tập trung xây dựng và triển khai các hệ thống phục vụ cho công tác dạy và học sau:
Cổng thông tin điện tử tích hợp dành cho các đối tượng giáo viên, học sinh và phụ huynh phục vụ cho công tác dạy và học;
Hệ thống bài giảng điện tử, sách giáo khoa điện tử dành cho các đối tượng giáo viên và học sinh;
Kênh giao tiếp giữa nhà trường với giáo viên, học sinh và phụ huynh thông qua cổng thông tin, hệ thống thư điện tử và hệ thống tin nhắn trên các thiết bị di động (điện thoại, máy tính bảng).
b) Tổ chức thực hiện:
Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo
Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, trường học các cấp
c) Thời gian thực hiện: Năm 2013 - 2015
7. Triển khai Mạng thông tin giáo dục cộng đồng
a) Nội dung thực hiện:
Xây dựng các cổng thông tin tích hợp giáo dục cộng đồng của các tổ chức đoàn thể như:
Hệ thống đào tạo trực tuyến của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố;
Mạng xã hội Mực tím trực tuyến (MTO) của Thành đoàn;
Cổng thông tin của Trung tâm khuyến nông…
b) Tổ chức thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Các tổ chức đoàn thể
- Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo
c) Thời gian thực hiện: Năm 2013 - 2015
Các nội dung từ 4 đến 7 được ưu tiên phát triển trên nền tảng công nghệ nguồn mở theo chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông và của thành phố.
IV. Tổ chức thực hiện
1. Ban Chỉ đạo phát triển công nghệ thông tin - truyền thông thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục đào tạo thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 - 2015.
2. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:
- Chủ trì tổ chức triển khai và thực hiện chương trình;
- Tổ chức cung cấp thông tin, dự báo, theo dõi cập nhật, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố định kỳ 6 tháng và đề xuất các cơ chế chính sách cần thiết để thúc đẩy thực hiện Chương trình;
- Tổ chức sơ kết hàng năm thực hiện Chương trình để rút kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình thực hiện.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan tham mưu, bố trí kinh phí kịp thời để triển khai thực hiện Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục đào tạo thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 - 2015 theo đúng chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.
4. Các Sở - ban - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện có trách nhiệm phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện các nội dung thuộc Chương trình./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ