Nội dung toàn văn Quyết định 3329/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển cá sấu
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3329/QĐ-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 7 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÁ SẤU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;
Căn cứ Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm;
Căn cứ Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X;
Căn cứ Quyết định số 03/2011/QĐ-UBND ngày 12 tháng 01 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố năm 2011;
Căn cứ Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 863/TTr-SNN-KHTC ngày 16 tháng 6 năm 2011 về phê duyệt chương trình phát triển cá sấu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Chương trình phát triển cá sấu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Sở - ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để triển khai Chương trình phát triển cá sấu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định phê duyệt, đồng thời nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận 9, 12, Thủ Đức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm, Chi Cục trưởng Chi Cục Lâm nghiệp và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
CHƯƠNG TRÌNH
PHÁT TRIỂN CÁ SẤU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3329/QĐ-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố)
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÁ SẤU GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
Trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng có sự phát triển nhanh, đời sống xã hội được nâng cao. Cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm thành phố, nghề nuôi cá sấu đã mang lại lợi ích kinh tế ngày càng rõ rệt. Hoạt động gây nuôi kinh doanh cá sấu đã cung ứng nguyên liệu cho ngành thuộc da, làm thực phẩm và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu cũng như khuyến khích gây nuôi sinh sản một cách khoa học hợp lý vì mục tiêu bảo tồn để giảm thiểu tác động của con người đến tài nguyên động vật hoang dã; đồng thời góp phần phát triển chăn nuôi, tạo nguồn thu nhập, cơ hội việc làm cho nông dân.
1. Kết quả đạt được:
- Hầu hết chỉ tiêu của Chương trình phát triển đàn cá sấu giai đoạn 2006 -2010 đã đạt và vượt so với chương trình, tổng đàn cá sấu đến cuối giai đoạn đã tăng lên 187.000 con, đạt 187% so với chỉ tiêu, gồm 170.000 con trong bốn trại nuôi có quota xuất khẩu và 16.000 con trong các trại nuôi gia công. Trong đó, cá sấu bố mẹ là 7.999 con (2.175 con đực và 5.824 con cái) đạt 199% so với mục tiêu đề ra.
- Cá sấu là loài dễ nuôi, hoàn toàn sinh sản và nuôi lớn lên từ trong trại nuôi, nguồn thức ăn chủ yếu là cá biển có giá thành thấp, sản phẩm da, thịt và các phụ phẩm khác có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng, có thể kết hợp kinh doanh du lịch - ăn uống giải trí. Chương trình đã phát triển đa dạng được các loại hình sản phẩm chế biến từ cá sấu phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
- Thực hiện Quyết định số 105/2006/QĐ-UBND ngày 17 tháng 7 năm 2006 và Quyết định số 15/2009/QĐ-UBND ngày 10 tháng 02 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trên địa bàn quận 12, huyện Bình Chánh và Củ Chi đã có dự án vay vốn phát triển gây nuôi cá sấu với tổng vốn vay là 59.095 triệu đồng.
- Chương trình mục tiêu phát triển cá sấu đến năm 2010 đã góp phần tích cực thực hiện Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2006 - 2010.
- Quản lý chặt chẽ hoạt động gây nuôi và tạo điều kiện phát triển nghề gây nuôi cá sấu trên địa bàn thành phố có ý nghĩa quan trọng góp phần việc bảo vệ động vật hoang dã, đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Công tác quản lý và phát triển đàn cá sấu trên địa bàn thành phố đã thực hiện theo đúng nhiệm vụ chương trình đề ra.
2. Mặt hạn chế:
- Thị trường tiêu thụ cá sấu chưa ổn định, nhất là thị trường xuất khẩu do chất lượng cá sấu và sản phẩm từ cá sấu của thành phố vẫn còn kém về mẫu mã và chất lượng so với các nước trong khu vực và yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Trong những năm gần đây, việc nuôi và tiêu thụ cá sấu gặp nhiều khó khăn, do đầu ra phải cạnh tranh với các nước trong khu vực để xuất vào Trung Quốc, đây là thị trường tiêu thụ mạnh và duy nhất đối với cá sấu sống. Hoạt động kinh doanh cá sấu nội địa vừa qua xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các trại nuôi cá sấu gây thiệt hại trước mắt và lâu dài đối với người gây nuôi cá sấu.
- Thời gian qua, việc nuôi phát triển cá sấu có nhiều biến động, mặc dù tốc độ nuôi cá sấu của các trại phát triển nhanh nhưng đa phần kỹ thuật gây nuôi chủ yếu theo phương pháp truyền thống, các cơ sở nuôi cá sấu ít có sự liên kết với nhau để chia sẻ kinh nghiệm.
Hầu hết các trại nuôi chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc có hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường. Số lượng cá sấu nước ngọt trong các trại tăng nhanh nhưng ngành công nghiệp chế biến chưa phát triển đồng bộ.
- Qua 5 năm phát triển, số hộ và các tổ chức gây nuôi cá sấu có xu hướng giảm, diện tích gây nuôi cá sấu cũng giảm dần để tập trung nâng cao chất lượng da, giảm chi phí nuôi.
- Chưa thành lập được Hiệp hội cá sấu, các doanh nghiệp cá sấu vẫn chưa có tiếng nói chung, vẫn còn tình trạng tranh mua, tranh bán.
II. CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÁ SẤU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
1. Mục tiêu:
1.1. Mục tiêu tổng quát:
Quản lý chặt chẽ việc gây nuôi kinh doanh cá sấu theo quy định của pháp luật, theo đúng quy trình quy phạm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định số 4110/QĐ-BNN-KHCN ngày 31 tháng 12 năm 2006; đảm bảo an toàn và đảm bảo chọn giống thuần chủng, nâng cao chất lượng đàn, nâng cao chất lượng nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế; nâng cao kỹ thuật thuộc da và xúc tiến thương mại cho sản phẩm từ cá sấu.
1.2. Mục tiêu cụ thể:
a) Về số lượng: đến năm 2015, tổng đàn cá sấu gây nuôi sinh sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trên địa bàn thành phố là 190.000 con, trong đó cá sấu bố mẹ và hậu bị là 20.000 con, cá sấu thương phẩm đạt 100.000 con, cá sấu non đạt 70.000 con.
b) Về kỹ thuật:
- Đảm bảo 100% đàn cá trong các trại nuôi là giống thuần chủng cá sấu nước ngọt Crocodylus siamensis.
- Xây dựng hoàn chỉnh các quy chuẩn về chuồng trại an toàn, bảo đảm vệ sinh môi trường, 100% các trại gây nuôi áp dụng quy trình xử lý nước thải.
- Nâng cao công nghệ chế biến sản phẩm, nhất là công nghệ thuộc da, đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn phù hợp với yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.
- Nghiên cứu xây dựng mô hình thuộc da tiên tiến.
c) Về thị trường:
- Đảm bảo tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu: 50% xuất khẩu theo đơn đặt hàng, 50% tiêu thụ nội địa. Trong xuất khẩu phấn đấu 70% là xuất khẩu chính ngạch.
- Mở rộng và đa dạng hóa nguồn tiêu thụ sản phẩm, bao gồm cá sấu sống và sản phẩm cá sấu đã chế biến.
d) Về quản lý nhà nước:
- Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các trại nuôi đúng quy định của pháp luật.
- 100% trại nuôi (ngoài 04 trại đã được cấp quota) đăng ký khai báo với cơ quan Kiểm lâm để được hướng dẫn, đăng ký với cơ quan quản lý Cites.
2. Nhiệm vụ:
- Quản lý và phát triển đàn cá sấu, kể cả cá sấu giống và thương phẩm, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh theo đúng quy trình, quy phạm, quy định của nhà nước và tiêu chuẩn Cites.
- Phát triển các loại sản phẩm chế biến từ cá sấu phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
3. Các giải pháp chủ yếu:
3.1. Về kỹ thuật chăn nuôi - chế biến:
- Xây dựng các tiêu chí cụ thể về việc xác định loài lai và đánh giá số lượng loài lai hiện có, thực hiện các biện pháp để giảm thiểu, loại bỏ hoàn toàn các loài lai để tăng phẩm chất đàn nuôi, phấn đấu 100% cá thể trong tổng đàn là cá sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis).
- Nghiên cứu, áp dụng quy trình gây nuôi, chú trọng tăng chất lượng da, hạn chế số lượng trong chuồng nuôi để nâng cao phẩm chất da xuất khẩu, tăng tính cạnh tranh với các nước trong khu vực.
- Nâng cao khả năng sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm ngay trên thị trường nội địa để giảm giá thành, giải quyết được công ăn việc làm, tránh được việc nuôi nhốt đàn cá sấu quá lứa.
3.2. Về xúc tiến thương mại:
- Tổ chức các đoàn khảo sát thị trường, học tập kinh nghiệm sản xuất, thuộc da ở nước ngoài, từ đó nâng cao kỹ thuật nuôi trồng, chế biến, cũng như đa dạng hóa các nguồn tiêu thụ sản phẩm.
- Xây dựng website chung cho ngành cá sấu thành phố Hồ Chí Minh. Mở rộng thị trường, liên kết sản xuất và tiêu thụ. Tham gia các hội chợ, giới thiệu sản phảm, quảng bá thương hiệu.
- Thành lập Hiệp hội gây nuôi động vật hoang dã (trong đó có cá sấu) Việt Nam nhằm đẩy mạnh liên kết thống nhất giữa các trại nuôi trong kinh doanh, chế biến cùng tiếp cận thị trường, tạo một chiến lược phát triển thị trường tiêu thụ cá sấu bền vững.
3.3. Về công tác quản lý:
- Quán triệt hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đăng ký trại nuôi; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong việc quản lý gây nuôi, vận chuyển, nhập, xuất con giống nuôi…; thống kê chi tiết, đầy đủ số lượng trại nuôi, số lượng con giống cá sấu nuôi trên địa bàn. Trên cơ sở đó lập hồ sơ quản lý chặt chẽ, cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh sản, sinh trưởng theo quy định của pháp luật; đảm bảo an toàn cho con người, môi trường.
- Nghiên cứu, cập nhật thông tin về thị trường tiêu thụ, giá cả, kỹ thuật nuôi và các mô hình nuôi hiệu quả…; tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết nhằm định hướng việc gây nuôi cá sấu trên địa bàn thành phố.
- Tăng cường mối liên hệ và trao đổi thông tin giữa tất cả các bên có liên quan về bảo tồn, quản lý và sử dụng bền vững cá sấu tại Việt Nam.
- Khuyến khích xây dựng các hệ thống quản lý ISO và HACCAP.
- Tăng cường công tác quản lý, nâng cao giáo dục cộng đồng về mối liên hệ giữa bảo tồn và buôn bán cá sấu.
III. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU
1. Xây dựng mô hình cơ sở nuôi cá sấu lấy da, quy mô 10.000 - 15.000 con:
- Mục tiêu: Xây dựng và nhân rộng mô hình gây nuôi cá sấu nhằm phát triển đàn cá sấu thương phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
- Nhiệm vụ: Xây dựng mô hình, áp dụng quy trình gây nuôi cá sấu từ chọn giống, kỹ thuật thiết kế chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc nhằm nâng cao chất lượng da cá sấu; tạo ra số lượng đàn cá sấu ổn định, có chất lượng và tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy định.
- Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Tổ chức thực hiện: Các doanh nghiệp
2. Xây dựng dự án xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm từ cá sấu thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015:
- Mục tiêu: Tăng cường công tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm từ cá sấu nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất và tiêu thụ cá sấu.
- Nhiệm vụ: Xúc tiến việc tiêu thụ sản phẩm các loại từ cá sấu trong và ngoài nước; xây dựng các chương trình tiếp thị, website, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm từ cá sấu, đảm bảo sản phẩm đủ sức cạnh tranh, tiêu thụ kịp thời.
- Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố, Sở Công Thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Tổ chức thực hiện: Các doanh nghiệp.
3. Xây dựng hệ thống quản lý ISO 9001 và HACCAP cho các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi có nhu cầu:
- Mục tiêu: Nâng cao năng lực quản lý và đảm bảo chất lượng sản phẩm cho các doanh nghiệp.
- Nhiệm vụ: Nâng cao hiệu quả quản lý trong chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cá sấu, đạt tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
- Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ.
- Tổ chức thực hiện: Các doanh nghiệp, trại nuôi.
4. Nghiên cứu thực hiện một số dự án, đề tài về nuôi, chế biến sản phẩm từ cá sấu:
- Mục tiêu: Nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ về nuôi, chế biến sản phẩm từ cá sấu.
- Nhiệm vụ:
+ Nuôi dưỡng, thuần dưỡng, nâng cao chất lượng giống cá sấu.
+ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm từ cá sấu.
+ Cải tiến quy trình thuộc da và chế biến sản phẩm đạt chuẩn quốc tế.
- Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ.
- Tổ chức thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các cơ sở chăn nuôi tổ chức nghiên cứu, triển khai chương trình, dự án chế biến sản phẩm cá sấu.
5. Phát triển làng nghề cá sấu:
- Mục tiêu: Phát triển mô hình làng nghề đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hợp tác hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở địa phương.
- Nhiệm vụ: Quản lý con giống, hỗ trợ xây dựng chuồng trại, chăm sóc và nuôi dưỡng cá sấu kết hợp sản xuất, chế biến sản phẩm từ cá sấu.
- Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Tổ chức thực hiện: Ủy ban nhân dân quận 12, huyện Củ Chi, Bình Chánh.
6. Kinh phí thực hiện:
Tổng vốn đầu tư của chương trình dự kiến: 23,15 tỷ (Hai mươi ba tỷ, một trăm năm mươi triệu) đồng, trong đó:
- Vốn do doanh nghiệp tự có và vay ngân hàng là: 20,7 tỷ (Hai mươi tỷ bảy trăm triệu) đồng.
- Vốn do ngân sách cấp: 2,45 tỷ (Hai tỷ, bốn trăm năm mươi triệu) đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp; trong đó: Chi Cục Kiểm lâm 1.060 triệu đồng, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp 1.040 triệu đồng, Trung tâm Khuyến nông 200 triệu đồng, Chi Cục Phát triển nông thôn 150 triệu đồng. (Phân kỳ kinh phí cho từng hạng mục chi tiết trong biểu 1 kèm theo).
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thời gian thực hiện từ năm 2011 đến năm 2015.
2. Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển cá sấu trên địa thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực.
3. Một số nhiệm vụ cụ thể:
3.1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì phối hợp với các Sở - ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để triển khai Chương trình phát triển cá sấu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định phê duyệt, đồng thời nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định.
b) Chỉ đạo Chi Cục Kiểm lâm:
- Tổ chức quản lý gây nuôi, phát triển cá sấu theo đúng các quy định tại Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004; Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về quản lý động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm và Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng, cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
- Cung cấp tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu về kỹ thuật nhân giống, gây nuôi phát triển cá sấu trong môi trường có kiểm soát.
- Hướng dẫn việc kinh doanh, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến cá sấu có nguồn gốc gây nuôi phải có đầy đủ hồ sơ, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường.
- Rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung và đề xuất xây dựng các văn bản pháp luật quản lý gây nuôi cá sấu phù hợp với điều kiện thành phố.
3.2. Giao Sở Công Thương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc:
- Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cá sấu và các sản phẩm chế biến từ cá sấu theo quy định.
3.3. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính thẩm định các dự án đầu tư, cân đối kinh phí để thực hiện chương trình.
3.4. Giao Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các quy chuẩn về chuồng trại, kỹ thuật nuôi và kỹ thuật chế biến da cá sấu.
3.5. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo, đài của thành phố có các chuyên trang, chuyên mục, các tiểu phẩm văn nghệ… với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp để tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân thành phố về chủ trương phát triển cá sấu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015.
3.6. Giao Hội Nông dân phối hợp tuyên truyền cho nông dân về kỹ thuật gây nuôi kinh doanh động vật hoang dã có nguồn gốc hợp pháp.
3.7. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phối hợp với Sở - ngành chuyên môn của thành phố thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với trại nuôi cá sấu đúng quy định pháp luật.
- Thực hiện công tác quản lý nhà nước theo sự phân công, phân cấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền không để xảy ra tình trạng gây nuôi, mua bán trái phép cá sấu diễn ra trên địa bàn quận, huyện quản lý;
3.8. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn thành phố phải tuân thủ các quy định của nhà nước về gây nuôi, kinh doanh hợp pháp; tham gia thực hiện các chương trình, dự án do thành phố ban hành./.