Quyết định 34/2005/QĐ-UBND

Quyết định 34/2005/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 tỉnh Quảng Bình

Quyết định 34/2005/QĐ-UBND thực hiện 39-NQ/TW phát triển kinh tế xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh Quảng Bình đã được thay thế bởi Quyết định 1221/QĐ-UBND năm 2011 danh mục văn bản hết hiệu lực Quảng Bình và được áp dụng kể từ ngày 30/05/2011.

Nội dung toàn văn Quyết định 34/2005/QĐ-UBND thực hiện 39-NQ/TW phát triển kinh tế xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh Quảng Bình


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/2005/QĐ-UBND

 Đồng Hới, ngày 07 tháng 7 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA UBND TỈNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 39/NQ-TW NGÀY 16/8/2004 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ ĐẢM BẢO QUỐC PHÒNG, AN NINH VÙNG BẮC TRUNG BỘ VÀ DUYÊN HẢI TRUNG BỘ ĐẾN NĂM 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 39/NQ-TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị và Quyết định số 113/2005/QĐ-TTg ngày 20/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của UBND tỉnh Quảng Bình về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng đến năm 2010 nhằm thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị.

Điều 2. Căn cứ Chương trình hành động của UBND tỉnh, các ngành, các cấp nhanh chóng triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện và các chương trình dự án, giải pháp, cơ chế chính sách được phân công, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, điều hành thực hiện các hoạt động đầu tư phát triển nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề ra.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Kế hoạch & Đầu tư;
- Chủ tịch, Phó CT UBND tỉnh;
- TT HĐND tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Lưu VT, KTTH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phan Lâm Phương

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 39/NQ-TW NGÀY 16/8/2004 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ ĐẢM BẢO QUỐC PHÒNG - AN NINH VÙNG BẮC TRUNG BỘ VÀ DUYÊN HẢI TRUNG BỘ ĐẾN NĂM 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 34/2005/QĐ-UBND ngày 07 tháng 7 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo và điều hành thực hiện các hoạt động đầu tư phát triển và quản lý phát triển làm căn cứ để các cấp, các ngành, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế định hướng các hoạt động của mình, đảm bảo đưa tỉnh Quảng Bình sớm tiến kịp với các tỉnh khác trong vùng, cải thiện cơ bản đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

A. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CỤ THỂ

I. RÀ SOÁT, ĐIỀU CHỈNH BỔ SUNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, GẮN QUY HOẠCH VỚI KẾ HOẠCH 5 NĂM 2006 - 2010, XÁC ĐỊNH RÕ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN BỔ SUNG ĐIỀU CHỈNH ĐỂ ĐẢM BẢO CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2010

Trên cơ sở các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện, thành phố, quy hoạch ngành đã có, các ngành, các huyện, thành phố cần tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thuộc lĩnh vực quản lý theo chức năng của mình và trình UBND tỉnh phê duyệt vào quý IV/2005.

Yêu cầu về rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phải đạt được là:

- Quán triệt và cụ thể hóa các nội dung theo tinh thần Nghị quyết số 39/NQ-TW cập nhật, bổ sung phù hợp với điều kiện mới.

- Xác định rõ trong quy hoạch về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội (giao thông, điện, thủy lợi, khu công nghiệp, khu du lịch, chợ, trường học, cơ sở khám chữa bệnh, các công trình văn hóa xã hội...) đối với các ngành sản xuất kinh doanh chỉ nêu định hướng và xác định lĩnh vực cần ưu tiên tập trung đầu tư phát triển, đề ra các chính sách để các thành phần kinh tế đầu tư phát triển.

- Xác định rõ các chương trình, dự án đầu tư trong 5 năm tới, nhu cầu về vốn và cơ cấu vốn đầu tư cho từng chương trình, dự án và các giải pháp, cơ chế chính sách huy động vốn đầu tư. Lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên thực hiện các đề án, dự án quan trọng để đưa vào kế hoạch 5 năm 2006 - 2010.

1. Đối với các sở, ngành:

1.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương bổ sung, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; chương trình hành động và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế đối ngoại của tỉnh trình UBND tỉnh cuối quý III/2005.

1.2. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương liên quan nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh, xây dựng mới quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển mạng lưới đô thị và các khu dân cư theo phân cấp trách nhiệm đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; quy hoạch quản lý chất thải rắn, quy hoạch mạng lưới cấp nước sinh hoạt ở thành phố, các thị trấn, thị tứ, các khu vực nông thôn và một số quy hoạch khác trình UBND tỉnh.

1.3. Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương nghiên cứu lập quy hoạch phát triển ngành công nghiệp; rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề...

1.4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì nghiên cứu phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển nông, lâm, thủy lợi, trong đó chú trọng tới việc chuyển giao khoa học công nghệ ngành nông nghiệp, phát triển hệ thống chế biến nông, lâm sản gắn với vùng nguyên liệu nhằm đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu, tập trung vào các cây công nghiệp ngắn ngày, cây cao su, hồ tiêu và lâm sản; quy hoạch phát triển thủy lợi đảm bảo phòng chống lũ, cấp nước và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái.

1.5. Sở Thủy sản phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển ngành thủy sản, quy hoạch khai thác, chế biến và nuôi trồng thủy sản, dịch vụ thủy sản của tỉnh gắn với cùng Bắc Trung bộ.

1.6. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương trong tỉnh nghiên cứu rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch ngành đã được duyệt; quy hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn liên quan nội tỉnh và ngoại tỉnh, tuyến hành lang biên giới của tỉnh đến năm 2010, quy hoạch hệ thống đường ven biển và các quy hoạch khác của ngành.

1.7. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương xây dựng trình UBND tỉnh về việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể các khu vực có liên quan đến mục tiêu quân sự, khu vực phòng thủ; xây dựng khu kinh tế quốc phòng, cùng với Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh xây dựng mạng lưới các đồn, trạm, biên phòng hai tuyến biên giới của tỉnh.

1.8. Sở Bưu chính viễn thông chủ trì nghiên cứu, xây dựng và trình UBND tỉnh về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng bưu chính, viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc theo hướng hiện đại gắn với vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.

1.9. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì cùng các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát lại quy hoạch khoa học - công nghệ đến năm 2010 và xây dựng đề án mạng lưới triển khai hoạt động các phòng thí nghiệm chuyên ngành đạt tiêu chuẩn, các hoạt động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh đặc biệt trong nông nghiệp, nông thôn.

1.10. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì nghiên cứu, xây dựng trình UBND tỉnh về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất của tỉnh đến năm 2010, quy hoạch khai thác, sử dụng tổng hợp và bảo vệ tài nguyên nước các sông lớn như sông Gianh, sông Nhật Lệ v.v...; chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển của tỉnh.

1.11. Sở Thương mại và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương trình UBND tỉnh trong quý III/2005 về rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới quy hoạch phát triển hạ tầng dịch vụ, hệ thống các khu du lịch hiện đại chất lượng cao; phát triển các khu vui chơi giải trí; chương trình xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu, đề án mở rộng hợp tác thương mại ngoại tỉnh. Đề án phát triển các điểm và các tour du lịch của tỉnh gắn với du lịch miền Trung, Tây nguyên và khu vực các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Công; chương trình xúc tiến quảng bá du lịch miền Trung.

1.12. Sở Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng và trình UBND tỉnh đề án rà soát, bổ sung và điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các cơ sở dạy nghề, quy hoạch cơ sở chữa trị, phục hồi người nghiện ma túy, mại dâm.

1.13. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương nghiên cứu, xây dựng trình UBND tỉnh về rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo; tham mưu cho UBND tỉnh trình Chính phủ bổ sung quy hoạch hệ thống các trường Đại học ở Quảng Bình và Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Quảng Bình vào quy hoạch mạng lưới cả nước; Đề án đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và nâng cao năng lực đào tạo cho các trường: Cao đẳng sư phạm, trường Trung học Kỹ thuật Công Nông nghiệp, trường Trung cấp Kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình kiên cố hóa trường học.

1.14. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở, đề án nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống một số bệnh truyền nhiễm, bệnh xã hội, dịch bệnh nguy hiểm và HIV/AIDS trong tỉnh. Nâng cấp cơ sở vật chất trường Trung cấp Y tế.

1.15. Sở Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương triển khai thực hiện đề án đầu tư tôn tạo các di tích văn hóa, di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến; bảo tồn gìn giữ và phát huy di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, thực hiện tốt đề án đầu tư xây dựng mạng lưới thiết chế văn hóa thông tin cấp xã, phường và thôn, bản; xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát triển văn hóa thông tin các dân tộc thiểu số trong tỉnh.

1.16. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng đề án mở rộng mạng phủ sóng phát thanh, truyền hình các kênh của tỉnh tới một số xã miền núi biên giới phía Tây.

1.17. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em chủ trì triển khai thực hiện đề án tăng cường chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHH gia đình và nâng cao chất lượng dân số, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tỉnh.

1.18. Ban Dân tộc miền núi chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương nghiên cứu, xây dựng và trình UBND tỉnh đề án phát triển kinh tế - xã hội khu vực các dân tộc thiểu số ít người; đề án định canh định cư đối với đồng bào dân tộc; đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với các xã vùng núi biên giới.

1.19. Các sở, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ của mình tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển của ngành mình quản lý.

2. Đối với các huyện, thành phố Đồng Hới

UBND các huyện, thành phố Đồng Hới chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tiến hành rà soát lại các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 30/NQ-TW; quy hoạch thị trấn, thị tứ các điểm dân cư đồng thời xây dựng kế hoạch đầu tư cụ thể của địa phương đến năm 2010; trong đó xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên, giải pháp về huy động và sử dụng vốn cho từng chương trình, dự án trình UBND tỉnh. Cập nhật các dự báo, xem xét lại các khả năng hiện thực, xác định lại cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo phát triển bền vững. Công khai hóa tất cả các quy hoạch: Đô thị, điểm du lịch, dịch vụ, khu dân cư, khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, các vùng sản xuất cây con.

II. XÂY DỰNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 CỦA NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG TRONG LĨNH VỰC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI

Tiếp tục đầu tư hoàn thành dứt điểm các dự án đang thực hiện đến năm 2010, đồng thời tiến hành các hoạt động chuẩn bị tiền đề cho đầu tư hạ tầng quan trọng sau năm 2010; cụ thể là:

1. Kết cấu hạ tầng kinh tế

Ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ, cảng biển, cảng cá, sân bay, các công trình thủy lợi đầu mối có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất, hạ tầng du lịch và các ngành kinh tế khác.

1.1. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, huy động các nguồn vốn, triển khai thực hiện giám sát và đôn đốc các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án lớn: Sân bay, Cảng biển Hòn La, cầu Quảng Hải, cầu Kiến Giang, Tỉnh lộ 12A, Tỉnh lộ 11, đường tránh thành phố Đồng Hới, nạo vét các điểm cạn trên sông Gianh phục vụ cho vận chuyển xi măng v.v...

Lập dự án các thủ tục cần thiết để tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, kêu gọi các nguồn vốn để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, khôi phục Tỉnh lộ 10, 20, 16, 22, đường ven biển, đường tuần tra biên giới, đường Mai Hóa - Ngư Hóa, Tỉnh lộ 3, các tuyến đường ngang nối Quốc lộ 1A với đường Hồ Chí Minh, đường vào các xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã. Nạo vét cửa sông Nhật Lệ, sông Gianh, sông Dinh, Lý Hòa, Roòn...

Chuẩn bị lập dự án để sau năm 2010 đầu tư các tuyến đường và cửa khẩu phụ sang Lào.

1.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tranh thủ các Bộ, ngành Trung ương phối hợp với các sở, ngành, địa phương huy động nguồn lực triển khai các dự án.

- Đẩy nhanh tiến độ các dự án sử dụng vốn ngân sách, vốn trái phiếu, ODA như: Dự án hồ Rào Đá, các dự án Thượng Mỹ Trung, dự án cụm thủy lợi nhỏ Tuyên Hóa v.v...

- Các dự án xây dựng mới huy động vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách Nhà nước như: Dự án Chỉnh trị sông Nhật Lệ và bảo vệ bờ biển Bàu Tró, dự án hồ Thác Chuối, dự án hồ chứa nước sông Thai, chuẩn bị đầu tư sau năm 2010 dự án hồ chứa nước Bang v.v...

- Các dự án chống xói lở sông biển: Xói lở sông Gianh, kè - đường chống xói lở phía Đông sông Nhật Lệ (Bảo Ninh), xói lở sông Kiến Giang, sông Trúc Ly, xói lở bờ biển Quảng Phúc, Cảnh Dương v.v...

1.3. Sở Thủy sản tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, phối hợp với các sở, ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tàu thuyền và dịch vụ hậu cần nghề cá Hòn La, chuẩn bị xây dựng dự án xây dựng âu thuyền tránh bão tại cửa Gianh và Nhật Lệ v.v...

1.4. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương đẩy nhanh tiến độ dự án vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới, dự án cấp nước sản xuất, sinh hoạt của dân cư trong đó phân rõ các kênh vốn Trung ương đầu tư hoặc huy động các nguồn lực khác để triển khai thực hiện: Dự án cấp nước Kiến Giang, Hoàn Lão, Ba Đồn, 2 khu công nghiệp v.v... và một số dự án khác.

1.5. Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan lập đề án xây dựng hệ thống điện cho các bản vùng sâu, vùng xa, cải tạo hệ thống điện nông thôn.

1.6. Sở Bưu chính viễn thông chủ trì đôn đốc thực hiện đề án phát triển hệ thống bưu chính, viễn thông đảm bảo truyền dẫn liên tỉnh, liên huyện thông suốt và dịch vụ Internet đến tất cả các trung tâm thành phố, thị trấn, đến năm 2010 đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc tới tất cả các xã, đảm bảo 100% xã có điện thoại.

1.7. Sở Thương mại và Du lịch tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, kêu gọi các nhà đầu tư triển khai xây dựng các khu du lịch, hạ tầng du lịch đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đến năm 2010.

Xác định thứ tự ưu tiên đầu tư, đôn đốc thực hiện để triển khai dự án ở các khu du lịch Phong Nhà - Kẻ Bàng, khu du lịch Mỹ Cảnh, khu du lịch Bang, Đá Nhảy, Vũng Chùa Đảo Yến v.v...

Xây dựng mới và nâng cấp hệ thống chợ. Đặc biệt tích cực chỉ đạo triển khai có hiệu quả hoạt động của chợ trung tâm khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo.

2. Kết cấu hạ tầng xã hội và bố trí dân cư

2.1. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các địa phương thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho trường Cao đẳng sư phạm, các trường Trung học Kinh tế, Kỹ thuật, xây dựng nhà ở cho giáo viên tại các xã đặc biệt khó khăn, xây dựng mạng lưới trường học, nhất là mạng lưới trường mầm non, trường dân tộc nội trú. Đẩy nhanh các thủ tục triển khai dự án trường Đại học Quảng Bình và lập đề án trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quảng Bình.

2.2. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng 5 trung tâm y tế huyện, thành phố của dự án Giảm nghèo tỉnh, hoàn thành nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị của Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, triển khai các thủ tục cần thiết của dự án nâng cấp cơ sở y tế 7 huyện, thành phố đã được Bộ Y tế phê duyệt, dự án nâng cấp cơ sở vật chất trường Trung cấp Y tế và các trạm y tế cấp xã.

2.3. Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành, địa phương có liên quan triển khai xây dựng dự án kết cấu hạ tầng, các tuyến đường liên xã, liên bản cho các xã dọc tuyến biên giới Việt - Lào, đường vào các đồn, trạm biên phòng, đường tuần tra biên giới nhằm đảm bảo ổn định các nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng và nhân dân gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng.

2.4. Sở Văn hóa - Thông tin chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương thực hiện đề án xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa - thông tin cơ sở, bảo tồn phát triển văn hóa thông tin vùng dân tộc thiểu số. Đẩy nhanh tiến độ dự án phục hồi tôn tạo hào thành Đồng Hới.

2.5. Sở Lao động Thương binh và Xã hội trình Chính phủ hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đầu tư dự án trường dạy nghề, hỗ trợ đầu tư cơ sở chữa trị, cai nghiện phục hồi cho tỉnh.

III. XÂY DỰNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 CỦA NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG TRONG LĨNH VỰC PHÁT TRIỂN CÁC SẢN PHẨM CHỦ YẾU

Cùng các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ chương trình đầu tư 5 năm (2006 - 2010) hướng vào mục tiêu đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu sản phẩm trong các ngành kinh tế, tập trung vào các sản phẩm vật liệu xây dựng, chế biến cao lanh tinh và các sản phẩm từ cao lanh, chế biến thủy tinh cao cấp, dịch vụ du lịch và các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp.

1. Sở Công nghiệp chủ trì phối hợp với các chủ đầu tư, các sở, ngành, địa phương có liên quan xây dựng các giải pháp, cơ chế, chính sách huy động vốn, đặc biệt là các nguồn vốn ngoài Nhà nước để các công trình dự án thời kỳ 2005 - 2010 triển khai theo tiến độ đề ra, trong đó chú trọng:

- Thực hiện các dự án đầu tư chuyển tiếp như: Nhà máy Bia Hà Nội - Quảng Bình, nhà máy chế biến cao lanh tinh, thủy điện Hố Hô, mở rộng thêm các dây chuyền của nhà máy may xuất khẩu...

- Các dự án khởi công mới: Xây dựng Nhà máy chế biến thủy tinh cao cấp ở Quảng Đông, nhà máy chế biến sau Colophan, nhà máy gỗ ván dăm, nhà máy sản xuất các sản phẩm sau cao lanh, nhà máy sản xuất sản phẩm bằng Composit. Triển khai khai thác vàng Xà Khía, Mangan, thủy điện Rào Trổ.

Tích cực tìm kiếm đối tác xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm kỹ thuật cao từ cao su, nhà máy đóng tàu và xà lan, công nghiệp sản xuất giày da xuất khẩu và một số lĩnh vực công nghệ cao khác như điện tử, điện gia dụng.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng dự án chuyển đổi cây vụ Đông, phát triển cây ngắn ngày như (lạc, ớt, tỏi, sắn v.v...), cây cao su, chăn nuôi bòn thịt, lợn nạc, phát triển khoanh nuôi đầu tư trồng rừng phòng hộ. Lập kế hoạch trồng rừng sản xuất và có chính sách huy động các thành phần kinh tế tham gia trồng và bảo vệ rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ, triển khai sắp xếp nông, lâm trường, dành đất cho dân sản xuất.

3. Sở Xây dựng chủ trì, tranh thủ Bộ, ngành Trung ương phối hợp với các ngành, đơn vị trong và ngoài tỉnh lập kế hoạch phát triển các nhà máy xi măng chất lượng cao, các dự án sản xuất sản phẩm cao lanh như: Sứ vệ sinh, bột tít và sơn tường, sứ cách điện...

Phối hợp với Tổng công ty xây dựng miền Trung tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ, ngành Trung ương và các sở, ngành có liên quan của tỉnh xây dựng các giải pháp, cơ chế chính sách huy động vốn đặc biệt là từ các nguồn vốn trong và ngoài nước để đầu tư mở rộng nhà máy xi măng sông Gianh giai đoạn 2, lập kế hoạch triển khai chuyển đổi các nhà máy xi măng lò đứng (Áng Sơn, Thanh Trường) sang công nghệ lò quay. Đầu tư thêm công nghệ mới nhằm nâng cao công suất, hiệu quả các nhà máy xi măng Áng Sơn, Thanh Trường, gạch Tuynen, gạch Ceramic, vỏ bao xi măng v.v...

4. Các sở, ngành xây dựng kế hoạch định hướng và giải pháp phát triển các sản phẩm dịch vụ theo chức năng quản lý của từng sở, ngành; tập trung vào các sản phẩm dịch vụ vận tải biển, vận tải bằng đường bộ, viễn thông, tài chính, ngân hàng, các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin và Internet, dịch vụ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, dịch vụ khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm và khuyến ngư.

IV. HOÀN THIỆN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH VỀ QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 39/NQ-TW

Để thống nhất chỉ đạo và điều hành có hiệu quả các hoạt động của chương trình hành động, điều cốt yếu quyết định thành công là hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý và điều hành thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-TW huy động đủ nguồn lực và xây dựng cho được hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành linh hoạt, có năng lực. Cụ thể UBND tỉnh giao nhiệm vụ như sau:

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố đề xuất các chính sách đặc thù cụ thể của tỉnh và các vùng kinh tế trọng điểm tham mưu cho UBND tỉnh trình Chính phủ trong quý IV/2005.

- Tính toán cân đối nguồn vốn và đề xuất với Chính phủ về cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ về nguồn vốn để thực hiện và đưa vào kế hoạch đầu tư thời kỳ 2006 - 2010. Cơ chế chính sách quản lý và phân bổ hợp lý nguồn ngân sách cho tỉnh để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 39/NQ-TW.

- Chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, vận động xúc tiến đầu tư vào 2 khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo, khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, khu du lịch Mỹ Cảnh - Bảo Ninh, Bang, Đá Nhảy, Vũng Chùa Đảo Yến.

- Cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực.

- Cơ chế, chính sách liên kết với các tỉnh trong vùng.

2. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính cho tỉnh đến năm 2010 trình Chính phủ trong quý IV/2005.

3. Ngân hàng Nhà nước tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu, tập trung vào rà soát, chỉnh sửa, tháo gỡ khó khăn trong đầu tư tín dụng đối với các doanh nghiệp và các khách hàng có liên quan.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, nghiên cứu đề xuất với UBND tỉnh vào quý IV/2005 các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao thích nghi với điều kiện sinh thái của tỉnh.

5. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư, các sở, ngành, địa phương có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh nghiên cứu đề xuất trình Chính phủ trong quý IV/2005.

Cơ chế đầu tư phát triển và hợp tác phối hợp sử dụng có hiệu quả cảng biển Hòn La, cảng Gianh, cảng Nhật Lệ.

6. Sở Thương mại và Du lịch chủ trì xây dựng, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách tham mưu cho UBND tỉnh trong quý IV/2005 về phát triển thị trường và đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ trong tỉnh.

7. Sở Y tế chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, đề xuất trình Chính phủ trong quý III/2005 về chính sách hỗ trợ đầu tư cho quỹ khám chữa bệnh người nghèo và tăng cường kết hợp quân - dân y trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tại các xã miền núi, biên giới phía Tây và các xã bãi ngang cồn bãi của tỉnh.

8. Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh trong việc nghiên cứu, đề xuất và trình Chính phủ trong quý IV/2005 về chính sách ưu tiên đặc biệt trong bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, công chức cơ sở ở các xã vùng cao, vùng biên giới, các xã đặc biệt khó khăn, cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các huyện, thành phố nghiên cứu rà soát bổ sung, xây dựng kế hoạch về kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan hành chính các cấp được quy định trong Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, từ nay đến năm 2010 theo tinh thần cải cách hành chính trong việc thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.

9. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các địa phương trong tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và tổ chức triển khai công tác đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2010, trình Chính phủ trong quý III/2005.

Tập trung xây dựng và triển khai công tác đảm bảo an ninh đối với một số lĩnh vực, địa bàn trọng điểm như: Các xã vùng biển, vùng biên giới giáp bạn Lào. Cơ chế phối hợp giữa Công an với các ngành, địa phương trong việc tìm chọn đối tác, thẩm định các đối tác nước ngoài tham gia đầu tư vào tỉnh. Chính sách và cơ chế quản lý và nâng cao hiệu quả công tác phòng và chống các tệ nạn ma túy, mại dâm, buôn bán tiền giả. Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, UBND các huyện, thành phố phối hợp lực lượng và củng cố chính quyền cơ sở để xử lý, ngăn chặn các hoạt động ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.

10. Sở Tư pháp rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật và cơ chế điều hành, chính sách ưu tiên phát triển vùng khó khăn trong các lĩnh vực đầu tư, phân bố và quản lý sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước, hỗ trợ về khoa học và công nghệ cho phát triển, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh quốc phòng trong tỉnh.

11. Sở Lao động Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND tỉnh nghiên cứu trình Chính phủ trong quý IV/2005 về cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển dạy nghề, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, an ninh xã hội và cai nghiện phục hồi trên địa bàn tỉnh.

12. Sở Văn hóa - Thông tin chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất bổ sung chính sách tổ chức hoạt động và hưởng thụ văn hóa thông tin của các vùng khó khăn, đồng bào dân tộc trong tỉnh trong quý III/2005.

13. Sở Thủy sản chủ trì đề xuất chính sách phát triển nguồn nhân lực, cơ chế chính sách quản lý cảng cá Nhật Lệ, sông Gianh, Hòn La, hệ thống thông tin nghề cá, nơi neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, cơ sở sản xuất giống, chính sách quản lý chất lượng sản phẩm thủy sản chế biến, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất thủy sản vùng bãi ngang, cồn bãi vào quý IV/2005.

V. THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN VỀ NGHỊ QUYẾT

Sở Văn hóa - Thông tin chủ trì tranh thủ ý kiến của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương tổ chức phổ biến rộng rãi về Nghị quyết số 39/NQ-TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, của tỉnh, các quy hoạch, kế hoạch, các chương trình trọng điểm cần triển khai trên địa bàn tỉnh tới các tổ chức, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với đội ngũ doanh nhân.

B. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

Căn cứ vào Chương trình hành động của tỉnh, các ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện thuộc trách nhiệm quản lý được giao trên cơ sở rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch đã có, xác định các dự án, đề án, chương trình ưu tiên, các nguồn lực cần huy động, những chính sách cần điều chỉnh hoặc ban hành bổ sung và kế hoạch đầu tư, thời gian thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ từ nay đến năm 2010.

1. Trên cơ sở tiếp tục cụ thể hóa về thực hiện những nội dung chủ yếu được nêu trong Chương trình hành động của tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực tiếp xây dựng kế hoạch triển khai của ngành, địa phương mình; thực hiện các đề án, dự án, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách và bộ máy theo sự phân công của UBND tỉnh.

2. Các sở, ngành, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ đã nêu trong Chương trình hành động, kịp thời đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp với tình hình cụ thể và hàng năm báo cáo với UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động này.

3. Các sở, ngành được phân công chủ trì thực hiện các chương trình, dự án, đề án, xây dựng chính sách chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan điều chỉnh, nghiên cứu, xây dựng và báo cáo kết quả theo tiến độ thời gian đã quy định tại các phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh.

4. Trên cơ sở quy hoạch của các ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Chính phủ các giải pháp cụ thể về cơ chế, chính sách, vốn đầu tư... để triển khai thực hiện trong kế hoạch 5 năm 2006 - 2010./.

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 34/2005/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu34/2005/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành07/07/2005
Ngày hiệu lực17/07/2005
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Văn hóa - Xã hội, Thương mại
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 30/05/2011
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 34/2005/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 34/2005/QĐ-UBND thực hiện 39-NQ/TW phát triển kinh tế xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh Quảng Bình


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 34/2005/QĐ-UBND thực hiện 39-NQ/TW phát triển kinh tế xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh Quảng Bình
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu34/2005/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Quảng Bình
                Người kýPhan Lâm Phương
                Ngày ban hành07/07/2005
                Ngày hiệu lực17/07/2005
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Văn hóa - Xã hội, Thương mại
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 30/05/2011
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản được dẫn chiếu

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản gốc Quyết định 34/2005/QĐ-UBND thực hiện 39-NQ/TW phát triển kinh tế xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh Quảng Bình

                      Lịch sử hiệu lực Quyết định 34/2005/QĐ-UBND thực hiện 39-NQ/TW phát triển kinh tế xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh Quảng Bình