Nội dung toàn văn Quyết định 35/2019/QĐ-UBND chính sách khuyến khích đầu tư sản phẩm nông nghiệp Quảng Ninh
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 35/2019/QĐ-UBND | Quảng Ninh, ngày 11 tháng 11 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 194/2019/NQ-HĐND NGÀY 30/7/2019 CỦA HĐND TỈNH QUẢNG NINH VỀ BAN HÀNH CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ, LIÊN KẾT TRONG SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN VÀ TIÊU THỤ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ;
Căn cứ Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND ngày 30 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 4254/TTr-NN&PTNT ngày 25/10/2019; Báo cáo thẩm định số 242/BC- STP ngày 21/10/2019 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Quyết định kèm theo Quy định triển khai thực hiện Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2019.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 194/2019/NQ-HĐND NGÀY 30/7/2019 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ, LIÊN KẾT TRONG SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN VÀ TIÊU THỤ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 35/2019/QĐ-UBND ngày 11/11/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực, danh mục sản phẩm lợi thế cấp tỉnh; các ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; điều kiện về quy mô tối thiểu thực hiện chính sách liên kết sản xuất, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ; điều kiện về quy mô công suất giết mổ gia súc, gia cầm tối thiểu thuộc dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phân cấp thẩm quyền phê duyệt hỗ trợ chính sách liên kết, phát triển nông nghiệp hữu cơ và quy định cụ thể tổ chức thực hiện chính sách.
2. Đối tượng áp dụng
Áp dụng cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thuộc đối tượng hưởng chính sách (không phân biệt địa chỉ trụ sở, hộ khẩu thường trú) và các cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan trong việc thực hiện chính sách theo Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Điều 2. Danh mục sản phẩm và điều kiện áp dụng
1. Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh; danh mục các sản phẩm, lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế của tỉnh; các ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm được quy định cụ thể như sau:
1.1. Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh ban hành kèm theo Phụ lục 01 quy định này.
1.2. Danh mục các sản phẩm, lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế của tỉnh ban hành kèm theo Phụ lục 02 quy định này.
1.3. Các ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm (đối tượng thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) theo khoản 2, mục a, Điều 1 Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh) bao gồm các sản phẩm tại Phụ lục 01, Phụ lục 02 ban hành kèm theo quy định này và các sản phẩm nông sản lợi thế cấp huyện.
2. Điều kiện áp dụng thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
2.1. Đối tượng được hưởng chính sách phải thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục đề nghị hỗ trợ thực hiện Chính sách, Dự án hỗ trợ phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt (theo phân cấp).
2.2. Dự án phải phù hợp với quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc được chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không gây ô nhiễm môi trường.
2.3. Người sản xuất phải có cam kết nếu không thực hiện dự án sản xuất đúng mục đích, nội dung và tiến độ sẽ phải hoàn trả toàn bộ phần kinh phí ngân sách đã hỗ trợ. Trường hợp không thực hiện dự án sản xuất đúng mục đích, nội dung và tiến độ do nguyên nhân khách quan (thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn và các nguyên nhân khách quan khác) giao cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án xem xét quyết định cụ thể và báo cáo kết quả với cơ quan có thẩm quyền cấp trên trực tiếp.
2.4. Dự án sản xuất phải đáp ứng quy mô tối thiểu trên địa bàn một huyện như sau:
a) Quy mô hoặc giá trị sản phẩm tối thiểu áp dụng đối với dự án liên kết thực hiện theo quy định tại Phụ lục 03 (trừ các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP thực hiện theo tiết d, khoản 2, điểm 2.1 quy định này; các sản phẩm có lợi thế cấp huyện do Hội đồng Nhân dân cấp huyện phê duyệt).
b) Quy mô tối thiểu áp dụng đối với dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ thực hiện theo quy định tại Phụ lục 04.
c) Quy mô công suất giết mổ gia súc, gia cầm tối thiểu thực hiện dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thực hiện theo quy định tại Phụ lục 05.
d) Đối với các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP: Được hưởng hỗ trợ theo chính sách theo Dự án liên kết được cấp có thẩm quyền phê duyệt sau khi được UBND tỉnh phê duyệt kết quả xếp hạng sản phẩm OCOP từ ba sao (3*) trở lên (hỗ trợ sau đầu tư).
đ) Đối với các đối tượng tham gia liên kết đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông, lâm sản chỉ được hỗ trợ chính sách khi sử dụng nguyên liệu, hàng hóa nông sản trong tỉnh thông qua liên kết đạt trên 50% tổng công suất chế biến, tiêu thụ nông sản của cơ sở đó trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Phân cấp thẩm quyền phê duyệt hỗ trợ dự án liên kết, phát triển nông nghiệp hữu cơ
1. Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hỗ trợ đối với dự án liên kết theo chuỗi giá trị, dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ có phạm vi hoạt động sản xuất trên địa bàn từ 02 (hai) huyện trở lên và các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Căn cứ Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, giao Sở Tài chính cấp bổ sung có mục tiêu từ ngân sách tỉnh cho các địa phương để thực hiện hỗ trợ theo quy định.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt hỗ trợ đối với dự án liên kết theo chuỗi giá trị, dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ có phạm vi hoạt động sản xuất trên địa bàn huyện.
Điều 4. Ngoài các nội dung quy định tại Quyết định này, các nội dung khác thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh và các Nghị định: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Tổ chức triển khai thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh theo quy định.
b) Tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ dự án liên kết, phát triển nông nghiệp hữu cơ thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh (trừ các sản phẩm thuộc chương trình OCOP); chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương hỗ trợ và thành lập hội đồng thẩm định, tổ chức thẩm định hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
c) Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành có liên quan hướng dẫn liên ngành về hồ sơ, trình tự thực hiện hỗ trợ chính sách theo quy định hiện hành; Hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách trong phạm vi chuyên môn được giao, tổng hợp các vấn đề phát sinh liên quan đến chính sách báo cáo UBND tỉnh trong trường hợp vượt thẩm quyền; tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện hằng năm trên địa bàn tỉnh gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để thẩm định, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, cân đối bố trí kinh phí thực hiện.
d) Thông tin, tuyên truyền về chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến các đối tượng thụ hưởng biết và triển khai thực hiện.
đ) Phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra tình hình thực hiện chính sách; đồng thời tổng hợp và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo định kỳ hằng năm về kết quả triển khai thực hiện chính sách theo quy định.
2. Ban Xây dựng Nông thôn mới tỉnh
a) Tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ dự án liên kết đối với sản phẩm OCOP thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh. Chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương hỗ trợ đầu tư dự án liên kết đối với sản phẩm OCOP và thành lập hội đồng thẩm định, tổ chức thẩm định hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt các dự án hỗ trợ liên kết.
b) Chủ trì hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách trong phạm vi chuyên môn được giao; Xây dựng nội dung hướng dẫn gửi Sở Nông nghiệp và PTNT về chính sách đối với các sản phẩm OCOP để xây dựng hướng dẫn liên ngành thực hiện chính sách; Tổng hợp nhu cầu kinh phí hằng năm thực hiện dự án thuộc Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để thẩm định, tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, cân đối bố trí kinh phí thực hiện.
c) Phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra tình hình thực hiện chính sách.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư để thực hiện chính sách.
b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan thẩm tra ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, có văn bản cam kết hỗ trợ doanh nghiệp.
c) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan kiểm tra tình hình thực hiện chính sách tại các địa phương.
4. Sở Tài chính
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện chính sách.
b) Phối hợp Sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định hồ sơ dự án theo quy định.
c) Chủ trì hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách trong phạm vi chuyên môn được giao; Xây dựng nội dung gửi Sở Nông nghiệp và PTNT về hồ sơ thanh quyết toán kinh phí để xây dựng hướng dẫn liên ngành thực hiện chính sách.
d) Phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra tình hình thực hiện chính sách tại các địa phương.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Chủ trì hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách trong phạm vi chuyên môn được giao; Xây dựng nội dung gửi Sở Nông nghiệp và PTNT về quy trình, thủ tục thực hiện nội dung hỗ trợ tích tụ đất đai, dồn điền đổi thửa để xây dựng hướng dẫn liên ngành thực hiện chính sách.
b) Phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra tình hình thực hiện chính sách tại các địa phương.
6. Sở Công Thương
a) Chủ trì hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách trong phạm vi chuyên môn được giao; Xây dựng nội dung gửi Sở Nông nghiệp và PTNT về quy trình, thủ tục thực hiện nội dung xúc tiến thương mại để xây dựng hướng dẫn liên ngành thực hiện chính sách.
b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lồng ghép nguồn vốn xúc tiến thương mại hằng năm của tỉnh; tăng cường công tác xúc tiến thương mại để hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển thị trường trong nước và ngoài nước.
c) Phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra tình hình thực hiện chính sách tại các địa phương.
7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Chủ trì hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách trong phạm vi chuyên môn được giao; Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lồng ghép nguồn vốn đào tạo nghề cho lao động nông thôn hằng năm để hỗ trợ các đối tượng tham gia liên kết theo quy định.
b) Phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra tình hình thực hiện chính sách tại các địa phương.
8. Sở Khoa học và Công nghệ
a) Chủ trì hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách trong phạm vi chuyên môn được giao; Xây dựng nội dung gửi Sở Nông nghiệp và PTNT về chính sách hỗ trợ về dự án ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ; xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, hệ thống tiêu chuẩn tiên tiến; xây dựng nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận để xây dựng hướng dẫn liên ngành thực hiện chính sách.
b) Phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra tình hình thực hiện chính sách tại các địa phương.
9. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì phối hợp, hướng dẫn Trung tâm Truyền thông tỉnh, các cơ quan báo chí hợp tác truyền thông với tỉnh, phóng viên các văn phòng đại diện, thường trú, chuyên trách trên địa bàn tỉnh và hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền về chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân và nông dân tham gia đầu tư, liên kết.
b) Chủ trì hướng dẫn, giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp có giải pháp ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp với các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ, chế biến trên địa bàn tỉnh.
10. Các Sở, ban, ngành liên quan
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định này trong phạm vi quản lý nhà nước của ngành; chủ động tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện theo thẩm quyền.
11. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai và tính hiệu quả thực hiện dự án hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
b) Thành lập Hội đồng thẩm định cấp huyện hoặc giao phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (phòng Kinh tế) cấp huyện thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ theo quy định và tham mưu trình UBND cấp huyện phê duyệt dự án và quyết định nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ cụ thể không được vượt quá quy định tại Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh; chỉ đạo các phòng chuyên môn cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và các đối tượng liên quan triển khai thực hiện việc hỗ trợ các bên tham gia liên kết theo quy định.
c) Đối với sản phẩm lợi thế của địa phương (không thuộc danh mục sản phẩm chủ lực, lợi thế cấp tỉnh) và hỗ trợ tổ chức dồn điền, đổi thửa, Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua danh mục sản phẩm, quy định điều kiện tối thiểu thực hiện dự án liên kết và quy định quy mô diện tích tối thiểu dồn điền, đổi thửa để thực hiện dự án liên kết. Ủy ban nhân dân cấp huyện được sử dụng không quá 30% (riêng huyện Cô Tô được sử dụng không quá 50%) tổng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới thuộc ngân sách tỉnh để hỗ trợ phát triển sản phẩm lợi thế địa phương hoặc cân đối từ nguồn ngân sách của địa phương hàng năm để triển khai thực hiện chính sách.
d) Hằng năm tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách tại địa phương gửi Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp; có trách nhiệm cân đối kinh phí thực hiện chính sách theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.
đ) Kiểm tra, báo cáo định kỳ hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu về kết quả triển khai thực hiện việc hỗ trợ chính sách gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo theo quy định.
e) Tuyên truyền phổ biến kịp thời nội dung chính sách cho người sản xuất trên địa bàn biết, thực hiện công khai, minh bạch về chính sách hỗ trợ, mức hỗ trợ cho người sản xuất.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có nội dung chưa phù hợp hoặc vướng mắc phát sinh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân cấp huyện, các đơn vị có liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để nghiên cứu, xem xét giải quyết, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
PHỤ LỤC 01
DANH MỤC SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC CẤP TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 35/2019/QĐ-UBND ngày 11/11/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)
Số TT | Tên sản phẩm (*) | Địa điểm |
I | Trồng trọt |
|
1 | Lúa | Đông Triều, Quảng Yên, Đầm Hà |
2 | Rau | Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, Hải Hà, Hoành Bồ, Tiên Yên |
3 | Chè | Hải Hà, Đầm Hà, Ba Chẽ, Đông Triều |
4 | Cây ăn quả (na, vải thiều, vải chín sớm, cam, bưởi, ổi) | Đông Triều, Uông Bí, Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn, Hoành Bồ |
5 | Dong riềng | Tiên Yên, Bình Liêu |
6 | Hoa (lan, ly) | Hoành Bồ, Quảng Yên, Đông Triều |
II | Chăn nuôi |
|
1 | Lợn Móng Cái | Móng Cái, Tiên Yên, Ba Chẽ, Vân Đồn, Ba Chẽ, Hải Hà, Bình Liêu, Đầm Hà, Hoành Bồ, Đông Triều, Quảng Yên |
2 | Bò thịt | |
3 | Bò sữa | |
4 | Gà Tiên Yên | |
III | Thủy sản |
|
1 | Tôm (Tôm thẻ chân trắng, Tôm sú) | Quảng Yên, Uông Bí, Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái, Hải Hà, Cẩm Phả |
2 | Nhuyễn thể (Ngao/Nghêu, Hàu, Tu hài) | Quảng Yên, Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái, Hải Hà, Vân Đồn, Cẩm Phả |
3 | Cá (cá song, cá giò, vược, chim vây vàng) | Quảng Yên, Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái, Hải Hà, Vân Đồn, Cẩm Phả |
4 | Cá Rô phi | Quảng Yên, Đông Triều, Uông Bí |
5 | Mực | Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà, Móng Cái |
IV | Lâm nghiệp |
|
1 | Cây gỗ lớn (đường kính D1,3 > 20 cm đối với cây sinh trưởng nhanh, đường kính D1,3 > 30 cm đối với cây sinh trưởng chậm ở tuổi khai thác chính) | Đông Triều, Uông Bí, Hoành Bồ, Vân Đồn, Móng Cái, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà, Bình Liêu, Tiên Yên, Cẩm Phả |
2 | Cây gỗ nguyên liệu (Keo lai, Keo Tai tượng) | Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên (thông nhựa), Hoành Bồ, Vân Đồn, Móng Cái, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà, Bình Liêu, Tiên Yên, Cẩm Phả |
3 | Cây lâm sản ngoài gỗ (Thông nhựa, Hồi, Quế, Sở) | |
4 | Cây dược liệu (Ba kích, Nghệ, Trà hoa vàng) và các loài khác theo quy định của Bộ Y tế và Quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của thủ tướng Chính phủ. | Đông Triều, Uông Bí, Hoành Bồ, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Hải Hà, Vân Đồn, Cẩm Phả, Cô Tô |
(*) Bao gồm các khâu trong quá trình: Sản xuất ban đầu (sản xuất giống và thương phẩm), sơ chế - chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.
PHỤ LỤC 02
DANH MỤC CÁC SẢN PHẨM, LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP CÓ LỢI THẾ CỦA TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 35/2019/QĐ-UBND ngày 11/11/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)
Số TT | Ngành hàng, sản phẩm quan trọng thuộc lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế và sản phẩm OCOP của tỉnh (*) | Yêu cầu |
I | Trồng trọt |
|
1 | Cây ăn quả và các sản phẩm từ cây ăn quả; Rau, củ và các sản phẩm từ rau, củ | Phát triển trồng trọt các cây trồng có lợi thế của tỉnh phải đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo hướng hàng hóa. |
2 | Lúa chất lượng cao; Gạo nếp cái hoa vàng Các loại hoa | |
3 | Chè, Trà hoa vàng và các sản phẩm từ Chè, Trà hoa vàng | |
4 | Cây dược liệu và các sản phẩm từ cây dược liệu | |
5 | Nấm dược liệu và các sản phẩm từ nấm dược liệu | |
II | Chăn nuôi | Tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất chăn nuôi thực hiện liên kết và tiêu thụ sản phẩm phải đáp ứng các điều kiện quy định của pháp luật về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; chất lượng sản phẩm phải đảm bảo theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã được công bố và ban hành, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và sản xuất theo hướng hàng hóa. |
1 | Trâu thịt, Bò sữa, bò thịt và các sản phẩm từ thịt Trâu, Bò, sữa Bò | |
2 | Lợn ngoại, lợn bản địa và các sản phẩm từ thịt lợn | |
3 | Dê và các sản phẩm từ thịt Dê | |
4 | Gà Ri, gà bản địa và các sản phẩm từ Gà | |
5 | Vịt biển và các sản phẩm từ Vịt | |
6 | Ong mật và các sản phẩm từ mật ong | |
III | Thủy sản | |
1 | Tôm, cua, ghẹ, cá biển và các sản phẩm từ Tôm, cua, ghẹ, cá biển | |
2 | Nhuyễn thể trên biển và các sản phẩm từ nhuyễn thể | |
3 | Mực và các sản phẩm từ mực | |
6 | Nước mắm | |
IV | Đánh bắt hoặc hoạt động hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản tại vùng khơi |
|
1 | Dịch vụ hậu cần hoặc khai thác nguồn lợi thủy sản tại vùng khơi | Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản |
V | Các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh | Gồm các sản phẩm được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận tham gia chu trình OCOP |
(*) Bao gồm các khâu trong quá trình: Sản xuất ban đầu (sản xuất giống và thương phẩm), sơ chế - chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.
PHỤ LỤC 03
QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN TỐI THIỂU VỀ QUY MÔ HOẶC GIÁ TRỊ SẢN PHẨM THỰC HIỆN DỰ ÁN LIÊN KẾT ĐỐI VỚI CÁC SẢN PHẨM NÔNG SẢN CHỦ LỰC, CÓ LỢI THẾ CẤP TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 35/2019/QĐ-UBND ngày 11/11/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)
Số TT | Loại hình liên kết | Đối với địa bàn, xã đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn, xã biên giới, xã thuộc vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số ≥ 50% | Đối với các địa bàn còn lại | ||
Tổng giá trị sản phẩm hàng hóa (VNĐ) | Hoặc điều kiện quy mô liên kết tối thiểu của dự án | Giá trị sản phẩm hàng hóa (VNĐ) | Hoặc điều kiện quy mô liên kết tối thiểu của dự án | ||
I | Theo Khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6, Điều 4 của Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 | ||||
1 | Chăn nuôi | >500 triệu đồng/năm | Chăn nuôi lợn thịt ≥200 con/năm; lợn nái sinh sản ≥ 30 con/dự án; gia cầm, thủy cầm sinh sản ≥ 1.000 con/năm; gia cầm, thủy cầm thương phẩm ≥5.000 con/năm; trâu, bò thịt 25 con/năm; bò sữa ≥20 con; dê ≥200 con/năm; Ong mật ≥500 đàn/dự án. | >1 tỷ đồng/năm | Chăn nuôi lợn thịt 400 con/năm; lợn nái sinh sản ≥60 con/dự án ; gia cầm, thủy cầm sinh sản ≥ 2.000 con/năm; gia cầm, thủy cầm thương phẩm ≥10.000 con/năm; trâu, bò thịt ≥50 con/năm; bò sữa ≥40 con; dê ≥400 con/năm; Ong mật ≥1.000 đàn/dự án. |
2 | Trồng trọt | >250 triệu đồng/năm | Diện tích Lúa 5,0 ha; dong riềng 5,0 ha; cây chè 5,0 ha; trà hoa vàng 5,0 ha; rau, củ, quả 3,0 ha; cây ăn quả 3,0 ha; cây hoa 1,0 ha; cây dược liệu 2,0 ha; nấm dược liệu (trồng trên giá thể 50.000 bịch). | >500 triệu đồng/năm | Diện tích Lúa 10 ha; dong riềng 10 ha; cây chè 10 ha; trà hoa vàng 10 ha; rau, củ, quả 6,0 ha; cây ăn quả 5,0 ha; cây hoa 1,5 ha; cây dược liệu 5,0 ha; nấm dược liệu (trồng trên giá thể 100.000 bịch). |
3 | Lâm nghiệp | >500 triệu đồng/năm | Diện tích trồng cây gỗ lớn, gỗ nguyên liệu 50 ha; cây lâm sản ngoài gồ 30 ha. | >1 tỷ đồng/năm | Diện tích trồng cây gỗ lớn, gỗ nguyên liệu 100 ha; cây lâm sản ngoài gỗ 60 ha. |
4 | Thủy sản |
|
|
|
|
4.1 | Nuôi tôm thẻ chân trắng | > 10,0 tỷ đồng/năm | Nuôi tôm Thẻ chân trắng ao/đầm diện tích được giao tối thiểu 10,0 ha (có quy mô mặt nước sản xuất tối thiểu 5,0 ha); sản lượng tối thiểu đạt 100,0 tấn/năm. | > 30,0 tỷ đồng/năm | Nuôi tôm Thẻ chân trắng ao/đầm diện tích được giao tối thiểu 30,0 ha (có quy mô mặt nước sản xuất tối thiểu 15,0 ha); sản lượng đạt 300,0 tấn/năm. |
4.2 | Nuôi cá biển | > 10,0 tỷ đồng/năm | Nuôi cá biển ao/đầm diện tích được giao tối thiểu 10,0 ha (có quy mô mặt nước sản xuất tối thiểu 5,0 ha) hoặc nuôi lồng bè diện tích được giao tối thiểu 5,0 ha (có quy mô thể tích lồng nuôi tối thiểu 10.000 m3 lồng); sản lượng nuôi tối thiểu đạt 100,0 tấn/năm. | 20,0 tỷ đồng/năm | Nuôi cá biển ao/đầm diện tích được giao tối thiểu 30,0 ha (có quy mô mặt nước sản xuất tối thiểu 10,0 ha) hoặc nuôi lồng bè diện tích mặt nước được giao tối thiểu 15,0 ha (có quy mô thể tích lồng nuôi tối thiểu 30.000m3 lồng); sản lượng tối nuôi thiểu đạt 200,0 tấn/năm. |
4.3 | Nuôi nhuyễn thể | > 5,0 tỷ đồng/năm | Nuôi Ngao, Tu hài trong lồng diện tích được giao tối thiểu 5,0 ha (có quy mô sản xuất tối thiểu 100.000 khay/lồng nuôi); sản lượng nuôi tối thiểu đạt 150,0 tấn/năm. | > 10,0 tỷ đồng/năm | Nuôi Ngao, Tu hài trong lồng diện tích được giao tối thiểu 15,0 ha (có quy mô sản xuất tối thiểu 100.000 khay/lồng nuôi); sản lượng nuôi tối thiểu đạt 300,0 tấn/năm. |
> 5,0 tỷ đồng/năm | Nuôi Hầu bằng dàn bè nổi diện tích được giao tối thiểu 10,0 ha (có quy mô sản xuất tối thiểu 100 dàn bè nuôi); sản lượng nuôi tối thiểu 1.000,0 tấn/năm. | > 15,0 tỷ đồng/năm | Nuôi Hầu bằng dàn bè nổi diện tích được giao tối thiểu 30,0 ha (có quy mô sản xuất tối thiểu 300 dàn bè nuôi); sản lượng nuôi tối thiểu 3.000,0 tấn/năm. | ||
> 10,0 tỷ đồng/năm | Nuôi Hầu bằng dàn dây gắn phao nổi diện tích được giao tối thiểu 10,0 ha (có quy mô sản xuất tối thiểu 1.000 dây giàn phao nổi); sản lượng nuôi tối thiểu đạt 1.000,0 tấn/năm. | > 30,0 tỷ đồng/năm | Nuôi Hầu bằng dàn dây gắn phao nổi diện tích được giao tối thiểu 30,0 ha (có quy mô sản xuất tối thiểu 3.000 dây giàn phao nổi); sản lượng nuôi tối thiểu đạt 3.000,0 tấn/năm. | ||
> 2,0 tỷ đồng/năm | Nuôi Nghêu bãi triều diện tích được giao để sản xuất tối thiểu 10,0 ha; sản lượng nuôi tối thiểu đạt 200,0 tấn/năm. | > 4,0 tỷ đồng/năm | Nuôi Nghêu bãi triều diện tích được giao để sản xuất tối thiểu 20,0ha; sản lượng nuôi tối thiểu 400,0 tấn/năm. | ||
4.4 | Nuôi cá Rô phi | > 650 triệu đồng/năm | Nuôi cá Rô phi ao/đầm diện tích được giao tối thiểu 5,0ha (có quy mô mặt nước sản xuất tối thiểu 2,5ha); sản lượng nuôi tối thiểu đạt 25,0 tấn/năm. | > 1,5 tỷ đồng/năm | Nuôi cá Rô phi ao/đầm diện tích được giao tối thiểu 10,0 ha (có quy mô mặt nước sản xuất tối thiểu 5,0 ha); sản lượng nuôi tối thiểu đạt 50,0 tấn/năm. |
4.5 | Nuôi tôm Sú | > 2,5 tỷ đồng/năm | Nuôi tôm Sú ao/đầm diện tích được giao tối thiểu 10,0 ha (có quy mô mặt nước sản xuất tối thiểu 5,0 ha; sản lượng nuôi tối thiểu đạt 10,0 tấn/năm. | > 7,5 tỷ đồng/năm | Nuôi tôm Sú ao/ao đầm diện tích được giao tối thiểu 30,0 ha (có quy mô mặt nước sản xuất 15,0ha); sản lượng nuôi tối thiểu đạt 30,0 tấn/năm. |
4.6 | Đánh bắt hoặc hoạt động hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản tại vùng khơi |
|
|
| Liên kết ít nhất 03 tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản có chiều dài từ 24 mét trở lên với cơ sở chế biến, hoặc với 01 tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản. Liên kết ít nhất 5 tàu có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m với cơ sở chế biến hoặc với 01 tàu dịch vụ cung cấp dịch vụ hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản. |
II | Theo Khoản 7 Điều 4 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 | ||||
1 | Chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp | > 1 tỷ đồng/năm | Sản phẩm từ thịt chăn nuôi > 10.000 kg/dự án/năm; sản phẩm thủy sản 5.000 kg/dự án; sản phẩm lâm nghiệp 500.000 kg/dự án. | >2 tỷ đồng/năm | Sản phẩm từ thịt chăn nuôi: > 20.000 kg/dự án/năm; sản phẩm thủy sản 10.000 kg/dự án; sản phẩm lâm nghiệp 1.000.000 kg/dự án. |
2 | Trồng trọt | > 700 triệu đồng/năm | Sản phẩm trồng trọt 10.000 kg/dự án. | >1,5 tỷ đồng/năm | Sản phẩm trồng trọt 20.000 kg/dự án. |
Ghi chú: Đối với điều kiện quy mô diện tích liên kết tối thiểu của dự án: diện tích có thể tách rời nhiều khoảnh, ô, vùng, thửa; Đối với dự án có nhiều thành viên liên kết: không quy định diện tích tối thiểu của 01 thành viên.
PHỤ LỤC 04
ĐIỀU KIỆN QUY MÔ TỐI THIỂU ĐƯỢC HƯỞNG HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ
(Kèm theo Quyết định số 35/2019/QĐ-UBND ngày 11/11/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)
Số TT | Lĩnh vực dự án | ĐVT | Điều kiện quy mô tối thiểu vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ | Điều kiện quy mô tối thiểu của người sản xuất (Đối với những hộ, nhóm hộ) sản xuất độc lập | ||
Khu vực các xã đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn, xã biên giới, xã thuộc vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số ≥ 50% | Khu vực còn lại | Khu vực các xã đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn, xã biên giới, xã thuộc vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số ≥ 50% | Khu vực còn lại | |||
I | Sản xuất hữu cơ các sản phẩm trồng trọt | |||||
1 | Cây hằng năm | m2 | 20.000 | 50.000 | 300 | 500 |
2 | Cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm | m2 | 50.000 | 100.000 | 1.000 | 2.000 |
II | Sản xuất hữu cơ các sản phẩm chăn nuôi | |||||
1 | Khu chăn nuôi gia cầm | m2 | ≥ 10.000 | ≥ 30.000 | ≥ 2.000 | ≥ 3.000 |
2 | Khu chăn nuôi gia súc | m2 | ≥ 30.000 | ≥ 50.000 | ≥ 5.000 | ≥ 10.000 |
III | Sản xuất hữu cơ các sản phẩm thủy sản | |||||
1 | Vùng nuôi rươi | m2 | 30.000 | 50.000 | 500 | 1.000 |
2 | Nuôi thủy sản trong rừng ngập mặn (cá, tôm, cua, nhuyễn thể) | m2 | 50.000 | 100.000 | 5.000 | 10.000 |
IV | Sản xuất hữu cơ các sản phẩm lâm nghiệp và lâm sản ngoài gỗ | |||||
1 | Cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ | m2 | 50.000 | 100.000 | 1.000 | 2.000 |
Ghi chú: Người sản xuất phải đáp ứng đồng thời quy mô diện tích tối thiểu và nằm trong vùng đáp ứng điều kiện quy mô tối thiểu.
PHỤ LỤC 05
QUY ĐỊNH VỀ QUY MÔ CÔNG SUẤT GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM TỐI THIỂU ĐƯỢC HƯỞNG HỖ TRỢ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 35/2019/QĐ-UBND ngày 11/11/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)
Nội dung | Cơ sở giết mổ loại I | Cơ sở giết mổ loại II | Cơ sở giết mổ gom nhỏ lẻ (Áp dụng tại các địa phương khi nhu cầu giết mổ để tiêu thụ tại cho thấp hơn công suất cơ sở giết mổ loại II, được UBND tỉnh chấp thuận, phê duyệt) | Ghi chú |
Đầu tư mới | ≥ 200 con gia súc/ngày, đêm hoặc ≥ 2.000 con gia cầm/ngày, đêm hoặc ≥ 100 con gia súc và ≥ 1.000 con gia cầm/ngày, đêm | ≥ 100 con gia súc/ngày, đêm hoặc ≥ 1.000 con gia cầm/ngày, đêm hoặc ≥ 50 con gia súc và ≥ 500 con gia cầm/ngày, đêm | ≥ 20 con gia súc và ≥ 250 con gia cầm/ngày, đêm | Tổng công suất cơ sở giết mổ gom nhỏ lẻ không vượt quá quy mô của cơ sở giết mổ loại II; quy mô cơ sở giết mổ loại II không vượt quá quy mô của cơ sở giết mổ loại I |
Đầu tư mở rộng (công suất áp dụng đối với phần mở rộng) | ≥ 100 con gia súc/ngày, đêm hoặc ≥ 1.000 con gia cầm/ngày, đêm hoặc ≥ 50 con gia súc và ≥ 500 con gia cầm/ngày, đêm | ≥ 50 con gia súc/ngày, đêm hoặc ≥ 500 con gia cầm/ngày, đêm hoặc ≥ 25 con gia súc và ≥ 250 con gia cầm/ngày, đêm | ≥ 10 con gia súc và ≥ 125 con gia cầm/ngày, đêm | Tổng công suất sau đầu tư mở rộng phải đáp ứng được quy mô tối thiểu đối với dự án đầu tư mới; quy mô cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không vượt quá quy mô của cơ sở giết mổ loại II; quy mô cơ sở giết mổ loại II không vượt quá quy mô của cơ sở giết mổ loại I |
Ghi chú: Gia súc bao gồm: trâu, bò, ngựa, lợn, dê; gia cầm bao gồm: gà, vịt, ngan, ngỗng |