Quyết định 3510/QĐ-UBND

Quyết định 3510/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Chương trình giải quyết việc làm thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 3510/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình giải quyết việc làm


ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 3510/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 16 tháng 07 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2011 – 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 3602/QĐ-UBND ngày 16/7/2009 của UBND Thành phố Hà Nội về việc “Phê duyệt đề án phát triển thị trường lao động Thành phố Hà Nội đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”;
Xét đề nghị của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 583/TT-LĐTBXH ngày 27 tháng 4 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình việc làm Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc các Sở, Ban, ngành Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- TT Thành ủy, TT HĐND TP;
- Đ/c Chủ tịch UBND TP;
- Các đ/c PCT UBND TP;
- Như Điều 3;
- VPUB: Đ/c CVP, các đ/c PVP;
- Phòng LĐCSXH(Tuệ), TH;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Văn Bình

 

CHƯƠNG TRÌNH

GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3510/QĐ-UBND ngày 16/7/2010 của UBND Thành phố Hà Nội)

Phần 1.

TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2006-2010

I. THỰC TRẠNG LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN HÀ NỘI

1. Tình hình lao động Thành phố Hà Nội:

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội có dân số trên 6,4 triệu người, số người trong độ tuổi lao động: 4,3 triệu, gần 3,5 triệu người tham gia hoạt động kinh tế, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, điểm công nghiệp phát triển, thu hút các ngành nghề sản xuất ở khu vực doanh nghiệp, làng nghề thủ công truyền thống, trang trại … đã tạo ra cầu lao động phong phú, việc làm đa dạng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu tạo việc làm của người lao động. Hà Nội là nơi tập trung nhiều trường Đại học, Cao đẳng, các Viện, Trung tâm nghiên cứu lớn của cả nước, bên cạnh đó chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đã huy động, khai thác tiềm năng to lớn của xã hội đầu tư cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Dân số và lao động của Hà Nội tuy lớn song sự mất cân đối giữa cung – cầu lao động khá rõ nét, đặc biệt sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Theo khảo sát, chất lượng cung lao động qua đào tạo giảm so với trước chỉ còn 31,2%, (số liệu điều tra dân số nhà ở tháng 4/2009). Việc chuyển dịch cơ cấu lao động dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp theo sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế với số lượng lớn song tốc độ chuyển dịch còn chậm. Cơ cấu lao động một số ngành còn bất hợp lý, năng suất lao động trong một số ngành còn thấp (như nông nghiệp, làng nghề …). Lao động nông nghiệp tuy chiếm tỷ trọng lớn nhưng sự chuyển dịch trong nội bộ ngành nông nghiệp sang ngành khác còn chậm). Suy giảm kinh tế thế giới năm 2008 và đầu năm 2009 đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, tập trung ở các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu hoặc các doanh nghiệp phụ thuộc nguồn nguyên liệu nước ngoài, điển hình là các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt, may, da, giày, do thị trường bị thu hẹp, giảm số lượng các đơn đặt hàng, buộc doanh nghiệp phải cơ cấu lại. Nhiều doanh nghiệp áp dụng các biện pháp linh hoạt để hạn chế cắt giảm lao động (bố trí nghỉ luân phiên, làm việc không trọn tuần, trọn tháng) nhằm giữ lại lao động có chuyên môn tay nghề cao, (năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2009, số lao động mất việc, thiếu việc làm tại các doanh nghiệp, làng nghề, lao động đi xuất khẩu phải về nước trước thời hạn lên đến gần 30.000 lao động), số lao động mất việc do chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp khoảng 40.000 người.

- Đến tháng 12/2009, toàn Thành phố có 93.503 doanh nghiệp, trong đó có 627 doanh nghiệp nhà nước, 1585 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trên 91.000 doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp nhà nước đang được sắp xếp lại theo luật doanh nghiệp nhiều lao động làm cho công tác quản lý lao động, giải quyết việc làm ở Hà Nội đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mới. Các yếu tố của thị trường lao động đang được tạo lập, một số cơ chế điều tiết sự phát triển của thị trường, giải quyết quan hệ cung – cầu lao động chưa hình thành đồng bộ, thiếu bền vững, tình trạng tự phát trong di chuyển lao động từ nông thôn ra đô thị tìm việc làm, dịch chuyển lao động từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, lao động có chuyên môn giỏi của khu vực nhà nước chuyển sang làm ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực tư nhân gia tăng … đặt ra nhiều vấn đề mới trong quản lý, sử dụng lao động, đặc biệt là vai trò quản lý nhà nước, vai trò hướng dẫn, định hướng, giám sát, kiểm tra của các ngành chức năng, sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp trong công tác giải quyết việc làm trước yêu cầu tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội của Thủ đô.

2. Chất lượng lao động:

Trong những năm qua, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được Thành phố quan tâm chỉ đạo, triển khai với nhiều chương trình, giải pháp bước đầu có hiệu quả, tạo ra sự chuyển biến tích cực. Quy mô và chất lượng dạy nghề từng bước đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực công nhân kỹ thuật cho sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.

Thực hiện xã hội hóa công tác dạy nghề, tính đến hết năm 2009, toàn Thành phố có 250 cơ sở dạy nghề với đa dạng sở hữu và cấp độ đào tạo, trong đó có 104 cơ sở dạy nghề công lập, 146 cơ sở ngoài công lập, năm 2009 đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 134.735 người, đạt 107% kế hoạch năm, tăng 15% so với năm 2008.

Nguồn lực đầu tư cho dạy nghề ngày một tăng, trong đó chủ yếu đầu tư cho tăng cường trang thiết bị dạy và học nghề, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, xây dựng, đổi mới giáo trình, chương trình giảng dạy nghề cho học sinh. Tăng cường đầu tư kinh phí cho dạy nghề ngắn hạn nông thôn, người nghèo, người tàn tật, người sau cai nghiện ma túy. Xây dựng và vận hành quỹ hỗ trợ ổn định đời sống lao động chuyển đổi mục đích sử dụng đất với nguồn vốn ban đầu là 50 tỷ đồng nhằm tập trung nguồn lực dạy nghề cho lao động mất việc làm do chuyển đổi mục đích sử dụng đất đất nông nghiệp.

Chất lượng đào tạo nghề được nâng cao, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt trên 95%, tỷ lệ học sinh có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 70%, nhiều trường dạy nghề đạt 100% số học sinh ra trường có việc làm. Theo đánh giá của người sử dụng lao động, kỹ năng nghề của lao động Thủ đô qua đào tạo nghề trên 30% đạt khá giỏi, gần 59% đạt loại trung bình.

II. KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM GIAI ĐOẠN 2006 – 2010:

1. Những kết quả đạt được:

1.1. Công tác chỉ đạo:

Công tác giải quyết việc làm đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành quan tâm, coi đây là một trong những vấn đề xã hội bức xúc của Thành phố:

Ngày 14/11/2006, UBND Thành phố có quyết định số 5117/QĐ-UBND phê duyệt chương trình giải quyết việc làm Thành phố Hà Nội giai đoạn 2006 – 2010, trong đó đã giao cho Sở Lao động TBXH triển khai:

- Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề đến năm 2010;

- Quy hoạch, củng cố, nâng cao chất lượng các trung tâm giới thiệu việc làm; rà soát các doanh nghiệp có chức năng giới thiệu việc làm;

- Quy hoạch, xây dựng phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp và làng nghề.

- Kế hoạch xã hội hóa trong lĩnh vực dạy nghề …

- Xây dựng và thực hiện đề án thí điểm “Chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn”, nâng cao chất lượng lao động nông thôn;

Thành phố đã phê duyệt chương trình thí điểm đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại 5 huyện ngoại thành giai đoạn 2005-2006, HĐND Thành phố đã phê duyệt Đề án hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2008-2010, UBND Thành phố đã ban hành quyết định số 2383/QĐ-UBND phê duyệt đề án, đồng thời quyết định thành lập Quỹ “Hỗ trợ ổn định đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm cho lao động chuyển đổi mục đích sử dụng đất”; Xây dựng Đề án quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện; Chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố; Chính sách phát triển dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao; Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô. Trên cơ sở các Kế hoạch, đề án, chỉ tiêu của Thành phố các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã xây dựng, cụ thể hóa thành các kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung trên địa bàn đạt nhiều kết quả tốt.

- Thành phố đã thực hiện lồng ghép chương trình giải quyết việc làm với các chương trình kinh tế - xã hội khác như: chương trình giảm nghèo, chương trình hỗ trợ nông dân và người nghèo phát triển kinh tế …

- Đẩy mạnh sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước, khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư theo chiều sâu, hiện đại hóa thiết bị, công nghệ tạo ra môi trường cạnh tranh nhằm phát triển sản xuất, thu hút lao động và đổi mới chất lượng lao động cho các doanh nghiệp.

- Xây dựng các chính sách ưu đãi về đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để khuyến khích thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Hà Nội nhằm tạo nguồn xuất khẩu lao động tại chỗ, đồng thời mở rộng và phát triển thị trường lao động nước ngoài đặc biệt là các thị trường phù hợp với đặc điểm của lao động Hà Nội.

1.2. Kết quả giải quyết việc làm 2006 – 2010

Trong 4 năm (2006 – 2009), toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 485.083 người (bình quân 121.270 người/năm), đạt 104,49% kế hoạch. Trong đó, các chương trình phát triển kinh tế xã hội đã tạo việc làm mới cho 75,3% tổng số lao động được giải quyết việc làm hàng năm, chương trình cho vay vốn quỹ quốc gia, xuất khẩu lao động giải quyết việc làm cho 24,7% lao động.

Năm 2010, dự kiến giải quyết việc làm cho 135.000 lao động.

Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm từ 6,2% năm 2005 xuống dưới 5% năm 2010);

Đạt được kết quả trên là do Thành phố đã thực hiện một số giải pháp sau:

a. Tạo việc làm thông qua hình thức cho vay vốn quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm

Trong 4 năm (2006-2009), nguồn vốn vay quỹ Quốc gia giải quyết việc làm đã được Trung ương và Thành phố bổ sung với nguồn vốn luân chuyển đến năm 2009 là 659,9 tỷ đồng để cho vay theo các dự án hỗ trợ việc làm. Kết quả 4 năm (2006-2009) Thành phố đã xét duyệt: 8742 dự án, cho vay: 698,724 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho: 84.455 lao động (bình quân mỗi năm tạo việc làm từ nguồn vốn vay quỹ Quốc gia: 21.000 người), chiếm 22,7% tổng số lao động được giải quyết việc làm hàng năm của Thành phố.

Năm 2010, dự kiến cho vay 2500 dự án, 180 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 30.000 lao động.

b. Tạo việc làm thông qua hoạt động xuất khẩu lao động:

Trong 4 năm (2006-2009) Thành phố đã đưa được 15.368 người đi xuất khẩu lao động, bình quân mỗi năm Hà Nội có 3.117 người được giải quyết việc làm qua xuất khẩu lao động, chiếm trên 2% tổng số lao động được giải quyết việc làm hàng năm của thành phố.

Năm 2010, dự kiến toàn Thành phố đưa được 4000 người đi xuất khẩu lao động.

c. Tạo việc làm thông qua quy hoạch, xây dựng phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp và làng nghề:

- Tổng diện tích khu, cụm, điểm công nghiệp đã và đang triển khai thực hiện 6.484 ha (bao gồm 12 KCN – 3.424 ha, 44 cụm công nghiệp – 2.565 ha và 49 điểm công nghiệp – 470 ha); trong đó 3.650 ha bằng 56% diện tích thực hiện đã xây dựng HTKT đủ điều kiện giao đất cho các dự án đầu tư thứ phát.

- Tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khu, cụm, điểm công nghiệp đết hết năm 2009: 9.300 tỷ đồng, trong đó vốn doanh nghiệp 6.700 tỷ đồng, vốn ngân sách và có nguồn gốc ngân sách 2.600 tỷ đồng.

- Tổng diện tích đất tại các khu, cụm, điểm công nghiệp đã cấp phép đầu tư cho các dự án trong nước và ngoài nước: 2.700 ha, đạt 80% diện tích đất đã xây dựng hạ tầng. Tổng số dự án đầu tư đã cấp phép vào các khu, cụm công nghiệp 1.715 dự án, trong đó gần 300 dự án đầu tư nước ngoài chủ yếu tại các KCN tập trung; hơn 40% số dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, thu hút hơn 100.000 lao động.

d. Hỗ trợ việc làm thông qua hoạt động dịch vụ việc làm:

Thành phố đã rà soát, quy hoạch, củng cố lại hệ thống giới thiệu việc làm, đến tháng 12/2009, toàn Thành phố có 25 đơn vị có chức năng giới thiệu việc làm, trong đó (Các Trung tâm giới thiệu việc làm: 13 đơn vị; Các doanh nghiệp có chức năng giới thiệu việc làm: 12 doanh nghiệp).

Năm 2009, các Trung tâm GTVL, các doanh nghiệp có chức năng GTVL đã tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho trên 82.000 người, thông tin thị trường lao động cho gần 70.000 lượt lao động.

- Tổ chức thử nghiệm và đưa vào hoạt động hiệu quả tổng đài 1080-5-3 nhằm tư vấn việc làm, học nghề và tư vấn quan hệ lao động cho người lao động và người sử dụng lao động.

- Tính đến 31/12/2009, Thành phố đã tổ chức được 41 phiên giao dịch việc làm với 4.388 doanh nghiệp tham gia. Lao động được tuyển dụng qua sàn giao dịch việc làm: 40.082 người. Để tăng cường thông tin thị trường lao động, từ năm 2006, Thành phố đã đưa vào hoạt động Website vieclamhanoi.net, đến hết năm 2009 đã có trên 200.000 lượt người truy cập, trong đó có gần 20.000 lao động tìm được việc làm qua Website.

Dự kiến hết năm 2010, các Trung tâm giới thiệu việc làm sẽ tổ chức 36 phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ, thông tin việc làm cho lao động và cung ứng 40.000 lao động cho các doanh nghiệp.

2. Những khó khăn, tồn tại trong công tác giải quyết việc làm

2.1. Tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới (năm 2008 và đầu năm 2009) ảnh hưởng lớn đến việc làm và đời sống người lao động, kể cả lao động làm việc ở các doanh nghiệp trong nước và lao động đi xuất khẩu lao động phải về nước trước hạn. Bên cạnh đó, do tốc độ đô thị hóa nhanh, số lao động nông nghiệp bị mất việc làm do chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp lớn … làm tăng thêm sức ép về giải quyết việc làm

- Thị trường lao động Thủ đô sau hợp nhất có nhiều bất cập, các yếu tố của thị trường mới được tạo lập, một số cơ chế điều tiết sự phát triển của thị trường, giải quyết quan hệ cung - cầu lao động chưa hình thành đồng bộ, thiếu bền vững, tốc độ tăng dân số cơ học đã gây áp lực lớn về lao động việc làm cho Thành phố, làm cho tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm ở Hà Nội bức xúc hơn.

- Công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, nhiều doanh nghiệp thiếu mặt bằng sản xuất, dẫn đến hạn chế việc tạo chỗ làm việc mới, thu hút lao động, giải quyết việc làm.

2.2. Kết quả xuất khẩu lao động đạt thấp, nguyên nhân chủ yếu là:

- Tâm lý kén chọn việc làm, có thu nhập cao của lao động Hà Nội rất phổ biến, ngại làm những công việc giản đơn, nặng nhọc và không đi những nước có thu nhập thấp.

- Các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động của Hà Nội chưa đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn lực cho hoạt động xuất khẩu lao động.

- Công tác quản lý Nhà nước về xuất khẩu lao động chưa được quan tâm đúng mức, việc kiểm tra, giám sát hoạt động xuất khẩu lao động của cơ quan quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp chưa thường xuyên và kịp thời, nên đã xảy ra một số hiện tượng môi giới trong hoạt động xuất khẩu lao động làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và tác động xấu đến hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

2.3. Hoạt động của hệ thống giới thiệu việc làm còn nhiều bất cập:

Hệ thống các Trung tâm giới thiệu việc làm và các doanh nghiệp hoạt động giới thiệu việc làm, thiếu sự gắn kết trong quá trình hoạt động, đặc biệt là trong lĩnh vực trao đổi, cung cấp thông tin về thị trường lao động, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác giới thiệu việc làm còn nhiều hạn chế, trang thiết bị và cơ sở vật chất dành cho thông tin thị trường lao động còn nghèo nàn, lạc hậu chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

2.4. Hệ thống thông tin thị trường lao động còn yếu kém

Chưa thiết lập được hệ thống thông tin đồng bộ về thị trường lao động từ thành phố tới các quận, huyện, phường, xã; đặc biệt công tác thống kê số lượng, chất lượng nguồn lao động và kiểm soát kết quả giải quyết việc làm còn nhiều khó khăn. Việc cập nhật thông tin, báo cáo về lao động việc làm ở cấp cơ sở, không thường xuyên, thiếu chính xác, dẫn đến việc đánh giá kết quả giải quyết việc làm hằng năm và dự báo về thị trường lao động chưa liên tục và kịp thời, không đủ cơ sở dữ liệu.

Phần 2.

MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM GIAI ĐOẠN 2011 – 2015

I. DỰ BÁO TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG VIỆC LÀM 5 NĂM TỚI (PHỤ LỤC 1)

Dự báo số người trong độ tuổi lao động năm 2011: khoảng 4,338 triệu, đến 2015 là 4,667 triệu người, bình quân tăng hàng năm khoảng 90.000 người.

- Bình quân mỗi năm Thành phố có khoảng 180.000 – 200.000 lao động chưa có việc làm.

- Cầu lao động hàng năm dao động khoảng 175.000 – 280.000 người.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

- Ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động, chất lượng việc làm và giá trị lao động, đảm bảo phát triển thị trường lao động khách quan, lành mạnh, ổn định, tạo ra nhiều việc làm, khuyến khích các hình thức tạo việc làm tại chỗ, đẩy mạnh xuất khẩu lao động.

- Mở rộng quy mô, chất lượng công tác đào tạo nghề đảm bảo hợp lý về cơ cấu, ngành nghề và phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

- Chuyển đổi cơ cấu lao động phù hợp và đáp ứng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

2. Chỉ tiêu cụ thể giai đoạn 2011- 2015: (Phụ lục 2)

III. CÁC HÌNH THỨC TẠO VIỆC LÀM

1. Tổ chức thi, xét tuyển công chức, viên chức hàng năm vào các cơ quan hành chính, sự nghiệp;

2. Tuyển lao động làm việc tại các doanh nghiệp dịch vụ, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp;

3. Tạo việc làm trong nông lâm nghiệp, thủy sản.

4. Tạo việc làm thông qua các dự án vay vốn từ quỹ giải quyết việc làm Thành phố và các địa phương.

6. Tạo việc làm thông qua hình thức xuất khẩu lao động;

7. Tạo việc làm thông qua phát triển làng nghề, dịch vụ.

8. Lao động tự tạo việc làm.

9. Các hình thức tạo việc làm khác.

IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp đầu tư phát triển sản xuất tạo việc làm cho người lao động

1.1. Đối với ngành Dịch vụ:

- Thực hiện đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ, chú trọng phát triển các dịch vụ trình độ cao. Trong quy hoạch sử dụng đất cần bố trí các khu thương mại dịch vụ để tạo việc làm cho lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là đối tượng lao động từ 35 tuổi trở lên không có khả năng đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp.

- Nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của Thủ đô.

1.2. Đối với ngành Công nghiệp, Xây dựng:

- Tiếp tục phát triển các khu/cụm công nghiệp phù hợp với quy hoạch để giải quyết mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp, thực hiện các dự án di chuyển cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành.

- Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới phát triển nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, phát triển có chọn lọc các ngành hàng, nhóm sản phẩm có giá trị cao, sử dụng công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường.

- Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, tăng cường xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thương mại nội địa, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khai thác thị trường nội địa, coi trọng thị trường nông thôn.

1.3. Đối với ngành Nông nghiệp:

- Quy hoạch ổn định các vùng sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở xây dựng nông thôn mới, phối hợp đồng bộ vấn đề giải quyết việc làm, giảm nghèo, khuyến nông, khuyến công …

- Đẩy mạnh phổ biến kiến thức kinh doanh, phương thức làm ăn mới cho người lao động, phát triển nông nghiệp sạch với công nghệ cao, đặc biệt hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường (sản xuất rau sạch, thực phẩm sạch).

- Phát triển bền vững các làng nghề truyền thống, ưu tiên cho các đối tượng lao động phải chuyển đổi nghề do chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp.

2. Giải pháp phát triển bền vững thị trường lao động, hoàn thiện hệ thống giao dịch chính thức trên thị trường.

Nâng cao chất lượng và tăng cường số lượng các phiên giao dịch việc làm của Thành phố, phát triển Website vieclamhanoi.net, tăng cường tư vấn, đầu tư hiện đại hóa Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội theo đề án đã phê duyệt, đầu tư 05 sàn giao dịch việc làm vệ tinh và sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm giới thiệu việc làm số 2 Hà Nội theo đề án tiếp tục phát triển thị trường lao động đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

3. Giải pháp về xuất khẩu lao động

Mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu lao động theo hướng mở rộng và duy trì các thị trường truyền thống phù hợp với đặc điểm của lao động Hà Nội như Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan, …, khai thác và tạo mở một số thị trường mới có nhiều tiềm năng.

- Đa dạng hóa các hình thức xuất khẩu lao động, nghiên cứu thí điểm hình thức hợp tác xuất khẩu lao động giữa Hà Nội với một số vùng, Thủ đô của các nước thông qua việc gắn kết hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư với xúc tiến xuất khẩu lao động.

- Xây dựng chính sách hỗ trợ đối tượng chính sách và lao động nghèo đi xuất khẩu lao động khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trên địa bàn tuyển chọn lao động Hà Nội.

- Tăng cường chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động xuất khẩu lao động, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra giám sát hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trên địa bàn thành phố.

4. Giải pháp về đào tạo nghề

- Thực hiện tốt Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1956/2009/QĐ-TTg trên địa bàn.

- Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực dạy nghề. Tập trung xây dựng các trường nghề chất lượng cao phù hợp với nhu cầu đòi hỏi của lao động Thủ Đô thông qua một số giải pháp, nâng cao chất lượng cung cầu lao động cho thị trường theo đề án tiếp tục phát triển thị trường lao động Thành phố Hà Nội đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã phê duyệt.

5. Giải pháp giải quyết việc làm cho lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp

- Đầu tư phát triển sản xuất tạo việc làm cho lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thu hút lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp vào làm việc, hỗ trợ các doanh nghiệp có khả năng thu hút nhiều lao động được vay vốn phát triển sản xuất từ nguồn Quỹ hỗ trợ việc làm địa phương.

- Phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển các làng nghề mới trên cơ sở giành Quỹ hỗ trợ việc làm địa phương, ưu tiên cho đối tượng ở những vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp vay vốn để chuyển nghề và tự tạo việc làm mới. Phát huy hiệu quả Quỹ đào tạo nghề để hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp.

6. Giải quyết tuyên truyền, quản lý nhà nước về lao động việc làm, thông tin về thị trường lao động và cải cách hành chính:

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, tạo điều kiện cho người lao động tiếp thu chính sách pháp luật lao động hiện hành, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện phẩm chất người lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa …, tuyên truyền các phiên giao dịch việc làm … nhằm làm cho mọi người dân, người lao động hiểu rõ các Trung tâm giới thiệu việc làm là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo trên địa bàn.

- Thiết lập hệ thống thông tin, thống kê thị trường lao động thống nhất từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường theo hướng dẫn tại Thông tư số 25/2009/TT-BLĐTBXH ngày 14/7/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về hướng dẫn thu thập và xử lý thông tin cung – cầu lao động. Tổ chức điều tra cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật lao động, xây dựng mối quan hệ hài hòa ổn định trong doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Phần 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để triển khai có hiệu quả và đạt được các mục tiêu đã đề ra trong Chương trình giải quyết việc làm Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015, UBND Thành phố phân công trách nhiệm cụ thể như sau:

1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

- Là cơ quan thường trực, đầu mối, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành phố có liên quan, UBND các quận, huyện tổ chức thực hiện chương trình giải quyết việc làm thành phố Hà Nội giai đoạn 2011- 2015.

- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố) quản lý, sử dụng và điều hành nguồn vốn vay quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm có hiệu quả.

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tham mưu cho UBND thành phố đề xuất cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, quy hoạch, củng cố, nâng cao chất lượng giới thiệu việc làm.

- Xây dựng kế hoạch và chính sách khuyến khích xuất khẩu lao động thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015 trên cơ sở chủ động phối hợp với các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động đóng trên địa bàn để có biện pháp, cơ chế, chính sách thu hút lao động Hà Nội đi xuất khẩu lao động.

- Chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan duy trì cập nhật thông tin thị trường lao động: cung lao động từ các xã, phường, cầu lao động từ các quận huyện, thị xã và các doanh nghiệp.

- Báo cáo UBND thành phố kế hoạch bổ sung kinh phí hằng năm cho Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm địa phương và lập dự toán kinh phí thực hiện chương trình giải quyết việc làm hàng năm đảm bảo mục tiêu đã được phê duyệt.

- Định kỳ hàng năm chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan đánh giá kết quả thực hiện chương trình báo cáo UBND Thành phố.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất kế hoạch bố trí nguồn vốn bổ sung cho quỹ Quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm của Thành phố hàng năm và bổ sung nguồn vốn ngân sách giao kế hoạch hàng năm để thực hiện chương trình giải quyết việc làm của Thành phố.

- Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Cục Thống kê thành phố và các ngành có liên quan dự báo nhu cầu đào tạo, giải quyết việc làm trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố hàng năm và từng thời kỳ.

- Căn cứ quy hoạch, kế hoạch phát triển KTXH của Thành phố, khuyến khích đầu tư, cải cách hành chính, thẩm định nhanh đúng quy định các dự án đầu tư, trình UBND Thành phố cấp phép các dự án đầu tư vào Thành phố.

3. Sở Tài chính

- Phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cho vay từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm và cơ chế khuyến khích xã hội hóa.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối vốn hàng năm trình HĐND Thành phố quyết định.

4. Sở Nội vụ

- Xây dựng kế hoạch hàng năm tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức trên địa bàn Thành phố.

- Chủ trì phối hợp với Sở Lao động TBXH nghiên cứu, đề xuất chính sách tuyển dụng, thu hút giáo viên dạy nghề giỏi của thành phố nhằm nâng chất lượng đào tạo nhân lực cung ứng lao động có chất lượng phù hợp yêu cầu của người sử dụng lao động.

5. Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Thành phố, các sở, ngành sản xuất, kinh doanh dịch vụ và các Tổng công ty

- Hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý nghiên cứu thị trường, tiếp tục đầu tư chiều sâu, đổi mới trang thiết bị, đổi mới công nghệ, định hướng đúng hoạt động của doanh nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các sản phẩm, tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao năng suất lao động và tăng thu nhập cho người lao động.

- Khuyến khích các doanh nghiệp tạo việc làm và ưu tiên tuyển dụng lao động Hà Nội đặc biệt là lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp vào làm việc.

- Hướng dẫn chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý xây dựng và thực hiện cơ chế ưu tiên tuyển dụng lao động Hà Nội.

6. Sở Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành có liên quan: Căn cứ chức năng nhiệm vụ của Sở, ngành tích cực phát triển ngành nghề, lao động sản xuất, tạo nhiều việc làm trên địa bàn Thành phố.

7. UBND các quận, huyện, thị xã và cơ sở:

- Chỉ đạo các phòng, ban chức năng có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lao động trên địa bàn (bao gồm thống kê lao động việc làm, phát triển nguồn nhân lực, quản lý lao động việc làm, tiền lương, tiền công, an toàn vệ sinh lao động, thanh kiểm tra thực hiện pháp luật lao động …).

- Có kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác lao động việc làm cấp quận và cơ sở.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giải quyết việc làm hằng năm của quận, huyện, thị xã phù hợp với mục tiêu, kế hoạch Chương trình giải quyết việc làm của Thành phố giai đoạn 2011 – 2015.

- Triển khai tốt và có hiệu quả kế hoạch giải quyết việc làm và kế hoạch vay vốn quỹ Quốc gia giải quyết việc làm hàng năm trên địa bàn.

- Tuyên truyền các chủ trương, chính sách của nhà nước và thành phố về xuất khẩu lao động để người lao động hiểu rõ và sẵn sàng tham gia chương trình xuất khẩu lao động của thành phố, tạo điều kiện giải quyết các thủ tục hành chính kịp thời, nhanh chóng cho người đi xuất khẩu lao động, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp làm tốt công tác tuyển chọn lao động xuất khẩu tại địa phương.

Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các sở, ban ngành đơn vị có liên quan, UBND quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình này, định kỳ tổng hợp kết quả báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để tổng hợp).

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Văn Bình

 

PHỤ LỤC 1

DỰ BÁO DÂN SỐ LAO ĐỘNG TP HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2015

Đơn vị tính: Nghìn người

Số TT

Chỉ tiêu

Năm

1/4/2009

2010

2011

2015

1

Tổng dân số

6.449

6.600

6.725

7.269

2

Số người từ 15 tuổi trở lên

- Số có làm việc

- Số thất nghiệp

4.968

3.228

108

5.085

3.356

109

5.185

3.474

111

5.626

3.994

118

3

Số người trong độ tuổi lao động

Số có làm việc

Số thất nghiệp

4.116

3.081

97

4.264

3.277

98

4.338

3.262

98

4.667

3.640

103

 

PHỤ LỤC 2

KẾ HOẠCH GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
(Kèm theo Chương trình giải quyết việc làm TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015)

Số TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Năm

Tổng số

2011

2012

2013

2014

2015

1

2

3

4

5

6

7

8

9

1

Tổng số

Người

137.000

139.000

141.000

143.000

145.000

705.000

2

Giải quyết VL trong nước

Người

132.800

134.600

136.400

138.200

140.000

682.000

 

Chia theo nhóm ngành kinh tế về GQVL:

Người

 

 

 

 

 

 

 

- Công nghiệp – xây dựng

Người

57.000

58.500

60.500

63.000

65.000

304.000

 

- Cơ cấu

%

42,92

43,46

44,36

45,59

46,43

44,57

 

- Thương mại, Dịch vụ

Người

18.000

20.000

22.000

23.500

25.000

108.500

 

Cơ cấu

%

13,55

14,86

16,13

17,00

17,86

15,91

 

- Nông – lâm nghiệp

Người

57.800

56.100

53.900

51.700

50.000

269.500

 

Cơ cấu

%

43,53

41,68

39,51

37,41

35,71

39,52

3

Đi Xuất khẩu lao động

Người

4.200

4.400

4.600

4.800

5.000

23.000

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 3510/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu3510/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành16/07/2010
Ngày hiệu lực16/07/2010
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcLao động - Tiền lương
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật14 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 3510/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 3510/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình giải quyết việc làm


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 3510/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình giải quyết việc làm
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu3510/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhThành phố Hà Nội
                Người kýĐào Văn Bình
                Ngày ban hành16/07/2010
                Ngày hiệu lực16/07/2010
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcLao động - Tiền lương
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật14 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản gốc Quyết định 3510/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình giải quyết việc làm

                      Lịch sử hiệu lực Quyết định 3510/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình giải quyết việc làm

                      • 16/07/2010

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 16/07/2010

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực