Nội dung toàn văn Quyết định 3564/QĐ-UBND 2017 tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc bán thuốc kê đơn Thái Bình
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3564/QĐ-UBND | Thái Bình, ngày 29 tháng 12 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT KÊ ĐƠN VÀ BÁN THUỐC KÊ ĐƠN TỈNH THÁI BÌNH GIAI ĐOẠN 2017-2020.
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngày 23/11/2009;
Căn cứ Luật Dược ngày 06/4/2016;
Căn cứ Quyết định số 4041/QĐ-BYT ngày 07/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020;
Căn cứ Quyết định số 4448/QĐ-BYT ngày 03/10/2017 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 154/TTr-SYT ngày 19/12/2017 về việc phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017-2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017-2020 (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. Mục tiêu của Đề án.
1. Mục tiêu chung
Nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trọng tâm là kháng sinh qua đó góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Tăng tỷ lệ tuân thủ việc thực hiện đúng quy định của pháp luật về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú:
- Đến năm 2020, đạt 100% kê đơn thuốc đủ nội dung theo quy định của Bộ Y tế về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và đạt 80% đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác.
- Đến năm 2020, kê đơn thuốc tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng kháng sinh trong các bệnh lý nhiễm trùng đạt 90% đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và 70% đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác.
b). Tăng tỷ lệ thực hiện bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc:
Đến năm 2020, đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.
II. Phạm vi Đề án
1. Phạm vi: Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú và bán thuốc kê đơn trong đó tập trung kiểm soát kê đơn kháng sinh và bán thuốc kháng sinh trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
2. Thời gian và địa bàn triển khai
2.1 Giai đoạn 2017-2018
UBND tỉnh giao cho Sở Y tế thực hiện trên địa bàn thành phố Thái Bình, thống nhất sử dụng bộ công cụ khảo sát, kiểm tra về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn của Bộ Y tế.
2.2. Giai đoạn 2 (2018-2020):
Mở rộng Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trên toàn quốc trên toàn bộ địa bàn của tỉnh.
3. Đối tượng và cỡ mẫu nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
- Nhà thuốc, quầy thuốc: Nhà thuốc, quầy thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; nhà thuốc, quầy thuốc ngoài khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Cơ sở khám, chữa bệnh: Bệnh viện công lập và tư nhân, Phòng khám đa khoa tư nhân; phòng khám tư nhân chuyên khoa nội tổng hợp, chuyên khoa nhi, chuyên khoa tai mũi họng.
- Người bán lẻ thuốc tại nhà thuốc, quầy thuốc.
- Người bệnh khám bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh.
3.2. Tiêu chí lựa chọn mẫu
- Nhà thuốc/quầy thuốc: Cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc” còn hiệu lực.
- Người bán thuốc: Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược hoặc nhân viên bán thuốc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
- Người mua thuốc tại nhà thuốc/quầy thuốc: Người vừa mua thuốc tại nhà thuốc/quầy thuốc, độ tuổi từ 18 tuổi trở lên, tâm lý bình thường, đồng ý tham gia phỏng vấn.
- Cơ sở khám, chữa bệnh:
+ Bệnh viện đa khoa công lập
+ Bệnh viện chuyên khoa công lập: Ưu tiên chọn bệnh viện theo thứ tự chuyên khoa nhi, chuyên khoa tai mũi họng, chuyên khoa sản, chuyên khoa ngoại, chuyên khoa mắt...
+ Bệnh viện tư nhân: Ưu tiên chọn bệnh viện theo thứ tự bệnh viện đa khoa, chuyên khoa nhi, chuyên khoa tai mũi họng, chuyên khoa sản, chuyên khoa ngoại, chuyên khoa mắt...
- Đơn thuốc: Đơn thuốc cho bệnh nhân điều trị ngoại trú có kê kháng sinh
3.3. Cỡ mẫu
- Toàn bộ nhà thuốc/quầy thuốc của thành phố; nhà thuốc/quầy thuốc trong khuôn viên các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được khảo sát.
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: 01 bệnh viện đa khoa công lập, 01 bệnh viện chuyên khoa công lập, 01 bệnh viện tư nhân trên địa bàn thành phố và toàn bộ phòng khám đa khoa tư nhân và phòng khám tư nhân chuyên khoa nội tổng hợp, chuyên khoa nhi, chuyên khoa tai mũi họng của thành phố;
- Toàn bộ người bán thuốc của các cơ sở bán lẻ thuốc tại thời điểm được khảo sát (tối thiểu 01 người/ 01 cơ sở bán lẻ thuốc).
- 30 người mua thuốc tại nhà thuốc/quầy thuốc ngoài khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- 30 người kê đơn thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh:
+ 05 người kê đơn thuốc tại bệnh viện đa khoa công lập.
+ 05 người kê đơn thuốc tại bệnh viện chuyên khoa công lập.
+ 05 người kê đơn thuốc tại bệnh viện tư nhân.
+ 15 người kê đơn thuốc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân khác (mỗi cơ sở ít nhất 01 người).
- Đánh giá 300 đơn thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, 200 đơn thuốc tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân và 30 đơn thuốc tại các phòng khám chuyên khoa tư nhân có kê thuốc kháng sinh về việc tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về sử dụng kháng sinh trong các bệnh lý nhiễm trùng.
III. Các giải pháp thực hiện
1. Đánh giá thực trạng về hoạt động kê đơn và bán thuốc kê đơn
1.1. Xây dựng bộ công cụ khảo sát, kiểm tra về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn
- Phiếu khảo sát nhận thức của người kê đơn thuốc về các quy định của pháp luật liên quan đến kê đơn thuốc.
- Phiếu khảo sát nhận thức của người bán lẻ thuốc về quy định của pháp luật liên quan đến bán thuốc kê đơn.
- Phiếu khảo sát nhận thức của người mua thuốc tại các nhà thuốc/quầy thuốc ngoài khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc khám bệnh, mua và sử dụng thuốc.
- Biên bản kiểm tra đánh giá hoạt động kê đơn thuốc ngoại trú tại cơ sở khám, chữa bệnh.
- Biên bản kiểm tra đánh giá hoạt động bán thuốc kê đơn tại các cơ sở bán lẻ thuốc.
1.2. Khảo sát, kiểm tra đánh giá về hoạt động kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn
a) Đối với cơ sở khám, chữa bệnh
- Khảo sát nhận thức của người kê đơn thuốc về các quy định của pháp luật liên quan đến kê đơn thuốc.
- Kiểm tra đánh giá hoạt động kê đơn thuốc ngoại trú tại cơ sở khám, chữa bệnh.
b) Đối với nhà thuốc/quầy thuốc
- Khảo sát nhận thức của người mua thuốc về việc mua thuốc và sử dụng thuốc.
- Khảo sát nhận thức của người bán lẻ thuốc về quy định của pháp luật liên quan đến bán thuốc kê đơn.
- Kiểm tra đánh giá hoạt động bán thuốc kê đơn tại các nhà thuốc.
2. Thông tin truyền thông
2.1. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ y tế và người dân về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, trọng tâm là kháng sinh và kháng thuốc kháng sinh.
2.2. Tổ chức truyền thông cho cộng đồng về tác hại của việc tự ý sử dụng thuốc kê đơn, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, hậu quả của kháng kháng sinh; và các lợi ích mang lại khi khám bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh cho cộng đồng.
2.3. Hình thức truyền thông: Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, phóng sự, tin tức...
3. Tập huấn, đào tạo
3.1. Người kê đơn thuốc
- Tập huấn cho người kê đơn các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định liên quan đến việc kê đơn thuốc.
- Tập huấn cho người kê đơn về hướng dẫn sử dụng kháng sinh.
3.2. Người bán lẻ thuốc
Tập huấn cho người bán lẻ thuốc các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định liên quan đến việc bán thuốc kê đơn; việc cần thiết thuyết phục bệnh nhân khi mua thuốc phải mua đủ đơn thuốc, dùng thuốc đủ liều và tuân thủ dùng đủ liều điều trị đặc biệt là kháng sinh.
4. Kiểm tra đánh giá hoạt động kê đơn và bán thuốc kê đơn sau khi có giải pháp can thiệp
4.1. Đối với cơ sở khám, chữa bệnh
- Khảo sát nhận thức của người kê đơn thuốc về các quy định của pháp luật liên quan đến kê đơn thuốc.
- Kiểm tra đánh giá hoạt động kê đơn thuốc ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
4.2. Đối với nhà thuốc/quầy thuốc
- Khảo sát nhận thức của người mua thuốc về việc mua thuốc và sử dụng thuốc.
- Khảo sát nhận thức của người bán lẻ thuốc về quy định của pháp luật liên quan đến bán thuốc kê đơn.
- Kiểm tra đánh giá hoạt động bán thuốc kê đơn tại các nhà thuốc;
* Nguyên tắc chung xử lý sau kiểm tra:
- Đối với các trường hợp vi phạm quy định về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn của các cơ sở trước khi có giải pháp can thiệp, áp dụng hình thức nhắc nhở.
- Đối với các trường hợp vi phạm quy định về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn của các cơ sở sau khi có giải pháp can thiệp kiểm tra lần 1, áp dụng hình thức phạt tiền ở mức phạt tiền cao nhất theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
- Đối với các trường hợp vi phạm quy định về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn của các cơ sở sau khi có giải pháp can thiệp kiểm tra từ lần 2 trở đi, ngoài việc áp dụng hình thức phạt tiền ở mức phạt tiền cao nhất, cơ sở có các vi phạm khác trong việc thực hiện quy định của pháp luật trong hoạt động kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc sẽ bị áp dụng mức phạt cao nhất đối với các hành vi vi phạm khác.
5. Tăng cường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý kháng sinh
- Chia sẻ dữ liệu về kháng kháng sinh với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Chia sẻ kết quả quản lý sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh thông qua các báo cáo chung giữa ngành y tế và thú y.
6. Nghiên cứu và đánh giá kết quả thực hiện Đề án
- Triển khai nghiên cứu đánh giá hiệu quả thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn.
- Đề xuất mô hình/phương thức phù hợp đối với hoạt động kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn triển khai trên toàn quốc.
IV. Kinh phí thực hiện Đề án
1. Kinh phí thực hiện Đề án gồm các hạng mục:
1.1. Kinh phí truyền thông.
1.2. Kinh phí đào tạo, tập huấn.
1.3. Kinh phí hoạt động khảo sát, kiểm tra hoạt động kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trước và sau khi có giải pháp can thiệp.
1.4. Kinh phí nghiên cứu và đánh giá kết quả thực hiện Đề án.
1.5. Kinh phí xây dựng, hoàn thiện văn bản quy định.
1.6. Kinh phí để triển khai các hoạt động khác nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu.
2. Nguồn kinh phí
Ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
V. Tổ chức thực hiện
1. Thành lập ban chỉ đạo, thành phần gồm:
- Trưởng ban: Giám đốc Sở Y tế.
- Các Phó Trưởng ban: Các Phó Giám đốc Sở Y tế, đại diện lãnh đạo: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Thông tin Truyền thông.
- Các ủy viên: Các phòng ban chuyên môn của Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Thông tin truyền thông.
- Các thư ký: Các phòng ban chuyên môn của Sở Y tế.
2. Phân công trách nhiệm thực hiện
2.1. Sở Y tế
- Là đơn vị thường trực giúp UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức, thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn.
- Làm đầu mối, phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Đề án, báo cáo UBND tỉnh xem xét, phê duyệt và tổ chức thực hiện các hoạt động sau khi được phê duyệt theo chức năng nhiệm vụ được giao; tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện Đề án, định kỳ báo cáo 6 tháng, hằng năm và báo cáo đột xuất với Bộ Y tế, UBND tỉnh để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án.
2.2. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tổng hợp, bố trí kinh phí, hướng dẫn hoạt động tài chính của Đề án.
2.3. Sở Thông tin và Truyền thông
- Phối hợp với Sở Y tế xây dựng, sản xuất các tài liệu truyền thông để tuyên truyền cho người dân về tác hại của việc sử dụng thuốc không theo đơn, hậu quả của kháng kháng sinh, lợi ích mang lại khi khám bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung truyền thông trong đó chú trọng trên Báo Thái Bình, Đài phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Đài phát thanh huyện, thành phố.
2.4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Phối hợp với Sở Y tế trong việc quản lý sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh thông qua các báo cáo chung giữa ngành y tế và thú y
2.5. Trường Đại học Y Dược Thái Bình, Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình
Phối hợp với Sở Y tế trong việc triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn” trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ phù hợp.
2.6. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Giám đốc bệnh viện:
+ Có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc điều trị ngoại trú và bán thuốc kê đơn tại đơn vị.
+ Thực hiện sự chỉ đạo Sở Y tế trong việc triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn”.
- Người kê đơn thuốc:
+ Thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và chịu trách nhiệm về đơn thuốc do mình kê cho người bệnh.
- Tham gia thực hiện Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn” của tỉnh.
Giao Sở Y tế chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Đề án này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; các Giám đốc Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |