Quyết định 362/TTg

Quyết định 362/TTg năm 1996 phê duyệt phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ của hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 5 năm 1996-2000 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 362/TTg phê duyệt phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 5 năm 1996-2000


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 362/TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 5 năm 1996

 

QUYẾT ĐỊNH

 PHÊ DUYỆT PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ CỦA HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAI ĐOẠN 5 NĂM 1996 -2000

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tại Tờ trình số: 744/KHTC ngày 12 tháng 4 năm 1996,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ của hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 5 năm 1996 - 2000 đính kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí các nhiệm vụ khoa học công nghệ nói trên vào kế hoạch 5 năm và hàng năm của Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố, tổ chức, phân công và phối hợp các lực lượng tham gia thực hiện.

Điều 3. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn các Bộ, Tổng cục, Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên theo đúng tinh thần Quyết định số 419/TTg ngày 21 tháng 7 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ, thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ được triển khai ở các Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Trung tâm khoa học quốc gia, Giám đốc các Đại học quốc gia, và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)


PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ CỦA HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAI ĐOẠN 5 NĂM 1996 - 2000.
(Kèm theo Quyết định số 362/TTg ngày 30-5-1996 của Thủ tướng Chính phủ)

I. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẾN NĂM 2000.

- Đẩy mạnh nghiên cứu về Khoa học Xã hội và Nhân văn phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá, xây dựng con người mới, nền văn hoá mới mang bản sắc dân tộc Việt Nam;

- Đổi mới công nghệ trong các lĩnh vực sản xuất chủ yếu;

- Phát triển các công nghệ cao (công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, tự động hoá);

- Áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học và công nghệ để thúc đẩy phát triển nông thôn và miền núi;

- Sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, điều tra nghiên cứu biển;

- Xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ;

- Nâng cao chất lượng sản phẩm;

- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng an ninh.

II. MỤC TIÊU CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẾN NĂM 2000.

1. Phát triển năng lực khoa học và công nghệ nội sinh, coi đó là một nhân tố quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất nhằm:

- Cung cấp luận cứ khoa học vững chắc cho các định hướng phát triển đất nước, các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước.

- Nắm bắt được thành tựu mới của khoa học công nghệ thế giới, lựa chọn và làm chủ công nghệ chuyển giao vào Việt Nam.

- Xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ đủ mạnh trong một số lĩnh vực chủ chốt, như công nghệ điện tử - tin học, công nghệ sinh học vật liệu, cơ khí chế tạo và tự động hoá, nông nghiệp, Y học...

2. Đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong các ngành sản xuất, đặc biệt chú ý chất lượng công nghệ, tạo ra một bước phát triển về công nghệ. Chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp dựa vào công nghệ cao như điện tử, tin học, viễn thông, vật liệu mới, công nghệ sinh học v. v... để khoa học và công nghệ thực sự có đóng góp quan trọng vào việc nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

III. NHIỆM VỤ CỦA HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAI ĐOẠN 1996 - 2000.

A. khoa học xã hội và nhân văn.

Xác định rõ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam hiện nay. Lý giải được các vấn đề của thời đại, đề xuất cơ sở và luận cứ khoa học cho việc hình thành các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trọng tâm cần tiến hành nghiên cứu là những vấn đề sau:

1. Luận giải rõ những vấn đề thuộc lý luận cơ bản của Học thuyết Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

2. Nghiên cứu những vấn đề lý luận về phát triển trong thời kỳ mới:

+ Làm rõ bản chất của nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần và cơ chế vận động của nó trong quá trình phát triển;

+ Xây dựng các phương án cho tiến trình thực hiện công nghiệp hoá và hiện đại hoá;

+ Xác định hệ thống các chính sách xã hội trong giai đoạn công nghiệp hoá và hiện đại hoá.

3. Xây dựng các mục tiêu chiến lược phát triển toàn diện con người Việt Nam, các giải pháp thuộc từng lĩnh vực phục vụ cho những mục tiêu đó. Coi việc xây dựng con người Việt Nam là nhiện vụ trọng tâm tạo ra nguồn nhân lực quyết định sự thành công của quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá, phát triển giáo dục và đào tạo.

4. Xác định các giải pháp tổ chức quản lý xã hội theo yêu cầu phát triển toàn diện và bảo đảm xã hội công bằng, văn minh; xây dựng nền văn hoá văn minh, có bản sắc dân tộc và hiện đại trong quá trình phát triển.

5. Nghiên cứu, dự báo xu hướng phát triển của thế giới và quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới.

6. Nghiên cứu, dự báo và đề xuất chiến lược an nhinh và quốc phòng.

B. khoa học tự nhiên:

Nghiên cứu một số vấn đề lý thuyết mũi nhọn và ứng dụng có chọn lọc các thành tựu khoa học hiện đại nhằm tiếp cận được với trình độ thế giới trong một số lĩnh vực:

1. Về toán học, điều khiển học và khoa học tính toán: trọng tâm là nghiên cứu những ngành toán học cơ bản (lý thuyết tối ưu, xác suất và thống kê toán học, giải tích toán học, một số vấn đề chọn lọc trong đại số, lý thuyết số và hình học topo); nghiên cứu ứng dụng những thành quả tin học của thế giới (trí tuệ nhân tạo, các vấn đề cơ bản của công nghệ phần mềm...) làm cơ sở phát triển tin học, các khoa học hệ thống và điều khiển học.

2. Về vật lý: trọng tâm là vật lý chất rắn, quang học và quang phổ, vật lý laser, vật lý hạt nhân, vật lý lý thuyết.

3. Về cơ học: tập trung vào cơ học các vật liệu mới, cơ học các kết cấu công trình trên biển và đảo, các phương pháp hiện đại trong thực nghiệm cơ học; động lực học các hệ, thuỷ khí động học, phương pháp số trong cơ học.

4. Về hoá học: tập trung vào các hướng tổng hợp và cơ chế phản ứng hữu cơ, hấp thụ và xúc tác, hoá phân tích phục vụ công nghiệp hoá dầu.

5. Về sinh học: tập trung nghiên cứu phương pháp phân loại hiện đại, biến động các nhóm sinh vật học nhiệt đới, đặc tính sinh lý sinh thái, các hệ sinh thái nhiệt đới tiêu biểu. Kỹ thuật tế bào, công nghệ gen, công nghệ sinh học phân tử. Sinh học biển và vùng ven biển, dải ven bờ.

6. Về các khoa học trái đất:

+ Địa chất: tập trung vào nghiên cứu các tai biến địa chất như cấu trúc đứt gãy đới sông Hồng; hoá thạch đặc trưng của địa tầng trọng yếu Paleozoi ở Bắc và trung bộ; cấu trúc địa chất và đặc điểm địa động lực Việt Nam và các vùng lân cận.

+ Vật lý địa cầu: các trường vật lý trên lãnh thổ Việt Nam phục vụ đánh giá môi trường và dự báo thiên tai.

+ Địa lý: điều tra, đánh giá tổng hợp điều kiện địa lý lãnh thổ Việt Nam phục vụ tổ chức lãnh thổ; nghiên cứu biến đổi khí hậu và tác động của chúng đến các hoạt động kinh tế và môi trường ở Việt Nam; đánh giá và dự báo các quá trình tai biến thiên nhiên và môi trường các vùng trọng điểm miền núi bắc Việt Nam.

+ Nghiên cứu biển, thềm lục địa (Hải dương học). Xây dựng cơ sở dữ liệu về biển và thềm lục địa phục vụ quy hoạch và khai thác các dự án, công trình biển thềm lục địa.

+ Nghiên cứu sử dụng không gian vũ trụ.

C. khoa học công nghệ.

Tập trung nghiên cứu, lựa chọn những công nghệ nhập có hiệu quả, đi thẳng vào hiện đại ở những loại và khâu công nghệ cần thiết; cần nắm vững được những công nghệ nhập, áp dụng và cải tiến cho phù hợp với điều kiện Việt Nam. Nghiên cứu lựa chọn và chuyển giao những công nghệ thích hợp cho nông thôn và miền núi, tiến tới sự sáng tạo ra công nghệ đặc thù của Việt Nam.

1. Phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Bảo vệ có hiệu quả và sử dụng hết diện tích đất có thể trồng trọt hiện có, phát triển và sử dụng những vùng có tiềm năng lớn nhưng chưa được khai thác như vùng đồi gò, đồng cỏ, mặt nước, vùng nước nông, để nâng cao sản lượng, năng suất lao động, sử dụng hợp lý và phát huy tiềm năng lao động, đất đai, tài nguyên, phát triển nhiều ngành nghề ở nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá. Hướng nghiên cứu khoa học công nghệ tập trung vào:

a. Làm chủ công nghệ sản xuất giống lúa lai, ngô lai, tạo các giống lúa mới có năng suất trên 10 tấn/ha vụ, tạo được các giống chống chịu được sâu bệnh và phù hợp với các điều kiện sinh thái khó khăn, góp phần nâng sản lượng lương thực lên 30 - 32 triệu tấn/năm vào năm 2000.

b. Phát triển các công nghệ về chế biến, bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao tỷ lệ hàng hoá nông sản qua chế biến.

c. Từng bước thực hiện cơ giới hoá các khâu canh tác, tập trung vào khâu cơ giới hoá trồng trọt, thu hoạch và chế biến, cơ giới hoá chăn nuôi.

d. Khảo nghiệm các giống cây rừng có năng suất cao trên 20 m3/ha/năm làm nguyên liệu giấy, gỗ. Nghiên cứu chính sách tổ chức bảo vệ rừng.

đ. Điều tra nghiên cứu nguồn lợi và môi trường biển làm cơ sở khoa học cho phát triển nghề cá. Đổi mới công nghệ trong lĩnh vực bảo quản, chế biến thuỷ sản. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong việc lai tạo và chọn giống thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, sản xuất thức ăn và phòng trừ bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản.

e. Xây dựng mô hình chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật phù hợp với điều kiện nông thôn và miền núi. Nghiên cứu bố trí dân cư ở nông thôn, hình thành các cụm dân cư, các thị tứ, xây dựng các mô hình làng sinh thái, giải quyết nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới văn minh.

2. Công nghiệp.

a. Cơ khí chế tạo máy: Làm chủ các công nghệ cơ bản ở trình độ tiên tiến như công nghệ đúc, công nghệ gia công biến dạng dẻo, công nghệ hàn, công nghệ gia công có phôi, công nghệ nhiệt luyện, công nghệ xử lý bề mặt, công nghệ gia công chính xác (công nghệ sử dụng tia laze). Nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới trong công nghiệp luyện kim, công nghiệp hoá chất.

Đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ CAD/CAM trong thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí nặng của sản xuất xi măng lò quay, xi măng lò đứng; chế tạo bơm nước đến 36.000 m3/giờ cho các công trình thuỷ lợi; chế tạo thiết bị dây chuyền chế biến nông, lâm, hải sản; đổi mới công nghệ, sử dụng các công nghệ mới nhất trong sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm.

b. Trọng tâm của khoa học và công nghệ cơ điện tử là tiến hành nghiên cứu và triển khai các công nghệ cơ bản về thiết kế, chế tạo và thử nghiệm các bộ phận cơ bản của một số máy chuyên dùng, các phần tử điện tử thế hệ mới trên cơ sở linh kiện nhập.

c. Nâng cao trình độ công nghệ đúc nhằm giảm tỷ lệ đúc hỏng xuống dưới 15%, giảm suất tiêu thụ năng lượng còn 60% đến 70% mức hiện nay; áp dụng rộng rãi công nghệ tiên tiến về cắt, hàn, phun, phủ và chế tạo khuôn.

d. Tiến hành đổi mới công nghệ trong các ngành công nghiệp chủ chốt bằng cách sử dụng khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ vi điện tử và các công cụ tự động hoá. Cải tiến việc tổ chức sản xuất trong nước một số lượng lớn các phụ tùng và một số thiết bị thông thường.

e. Dầu khí và hoá dầu: Tập trung nghiên cứu và áp dụng các công nghệ cơ bản phục vụ ngành công nghiệp hoá dầu, kết cấu công trình, an toàn và ô nhiễm môi trường.

3. Công nghệ cao.

a. Điện tử - Tin học - Viễn thông.

Tạo nền tảng công nghệ và cơ sở khoa học cho việc thiết lập mạng máy tính toàn quốc, tham gia vào siêu lộ thông tin quốc tế và sử dụng rộng rãi trong các ngành kinh tế quốc dân. Xây dựng cơ sở công nghiệp về công nghệ thông tin, nhất là công nghệ phần mềm. Tiến tới có vệ tinh viễn thông riêng của Việt Nam .

- Nghiên cứu công nghệ thông tin trong xử lý tiếng nói tự nhiên, các vấn đề liên quan đến trí khôn nhân tạo multimedia, hệ thống thông tin địa lý (GIS)...

- Làm chủ các công nghệ mạng (truyền số liệu, nối ghép đa phương, triển khai thử nghiệm nối mạng Internet các vùng để sử dụng nhiều hệ thông tin).

b. Công nghệ sinh học.

- Làm chủ công nghệ tế bào, kỹ thuật gen, công nghệ vi sinh trong sản xuất các loại enzim, vácxin, kháng sinh... để tạo và nhân nhanh được nhiều giống cây, con có giá trị, có năng suất và chất lượng cao.

- Nghiên cứu công nghệ sản xuất các loại phân vi sinh, chế phẩm sinh học cho chăm sóc và bảo vệ vật nuôi, cây trồng.

- Phát triển các công nghệ sinh học dùng trong bảo quản và chế biến nông - lâm - thuỷ sản nhằm duy trì và nâng cao giá trị các nông - lâm - thuỷ sản tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

- Nghiên cứu công nghệ sản xuất các chế phẩm chẩn đoán nhanh và chính xác các bệnh, vacxin và kháng huyết thanh mới phòng chống các bệnh nhiệt đới nguy hiểm.

- Nghiên cứu các công nghệ hoặc tổ hợp công nghệ xử lý các chất thải đô thị (rác và nước thải) và các loại chất thải của công nghiệp chế biến nông - lâm - thuỷ sản.

c. Công nghệ vật liệu.

Làm chủ và ứng dụng rộng rãi vật liệu tổ hợp (composit), tự sản xuất trong nước 90% nhu cầu gạch chịu lửa và vật liệu bảo ôn. Thay thế khoảng 10 - 20% vật liệu truyền thống bằng các vật liệu mới, nâng cao rõ rệt hiệu quả sử dụng vật liệu.

- Đổi mới công nghệ sản xuất các loại vật liệu truyền thống, đồng thời phát triển một số công nghệ vật liệu mới, hiện đại có khả năng áp dụng nhanh chóng vào thực tế;

- Phát triển các công nghệ chế tạo vật liệu cao phân tử, vật liệu composit; vật liệu gốc cao su, chất dẻo dùng trong công nghiệp và dân dụng;

- Phát triển các công nghệ chế tạo vật liệu kim loại có tính năng đặc biệt theo các công nghệ và phương pháp hiện đại; phát triển công nghệ chế tạo các vật liệu siêu cứng và dụng cụ cắt;

- Nghiên cứu công nghệ sản xuất các vật liệu gốm dùng để lọc nước, lọc thực phẩm và các loại gốm, xital kỹ thuật; gạch chịu lửa chịu nhiệt độ cao.

- Chế tạo vật liệu điện tử như vật liệu từ cứng, từ mềm, sử dụng các vật liệu quang điện tử và quang tử, bước đầu chế tạo một số sensor (cảm biến) điện, từ và sinh học.

- Tăng cường nghiên cứu các phương pháp phun phủ và công nghệ chế tạo các vật liệu, phương pháp bảo vệ chống ăn mòn trong môi trường biển.

d. Tự động hoá:

Để đẩy mạnh quá trình tự động hoá các khâu then chốt trong hoạt động sản xuất và dịch vụ:

- Phát triển thiết kế có sự trợ giúp của máy tính (CAD). Hình thành một số Trung tâm thiết kế sử dụng AutoCAD mạnh đủ sức tham gia trong các dự án có đấu thầu quốc tế.

- Triển khai áp dụng rộng rãi các công nghệ điều khiển số bằng máy tính (CNC), điều khiển số trực tiếp (DDC), điều khiển logic theo chương trình (PLC) trong việc tiếp thu, nắm vững và cải tạo một số thiết bị, dây chuyền thiết bị trong một số ngành công nghiệp có nhu cầu phát triển tốt.

- Nghiên cứu chế tạo một số hệ SCADA sử dụng trong dầu khí, môi trường, thuỷ lợi...

- Xây dựng một số trung tâm gia công và các trung tâm CAM/CIM/PLC/CNC đủ mạnh hỗ trợ việc đào tạo và triển khai trong công nghiệp.

- Nghiên cứu chế thử tay máy sử dụng trong một số công đoạn sản xuất nguy hiểm có độ ô nhiễm môi trường cao.

4. Năng lượng.

a. Lập cân bằng tổng thể các dạng nhiên liệu, năng lượng cho nhu cầu đến năm 2020.

b. Nghiên cứu luận cứ và chuẩn bị các tiền đề khoa học công nghệ cho việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử sau năm 2000.

c. Xây dựng các phương án cung cấp năng lượng cho khu vực nông thôn, miền núi.

d. Làm chủ các công nghệ mới nhất trong xây dựng thuỷ điện, nhiệt điện. Tạo khả năng thiết kế, thi công và lắp đặt các đường dây tải điện trên 220 KV.

e. Nghiên cứu các giải pháp công nghệ, thiết bị, làm cơ sở cho việc thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng; nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm tổn thất điện năng.

f. Đồng bộ hoá việc đổi mới công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu tăng sản lượng các mỏ than hầm lò giai đoạn 1996 - 2000.

5. Giao thông vận tải:

Tập trung phát triển khoa học và công nghệ giao thông vận tải phục vụ chiến lược và quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2020; nghiên cứu cơ chế quản lý giao thông vận tải nhằm góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng cơ sở hạ tầng, hiện đại hoá công nghệ của những lĩnh vực hàng không, hàng hải, đường sắt, đường cao tốc; nghiên cứu tổ chức vận tải container, vận tải hàng lỏng, hàng rời với khối lượng lớn.

Nghiên cứu chọn lựa phương án phát triển giao thông vận tải đô thị (đặc biệt là giao thông ở Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), giao thông vận tải vùng đồng bằng sông Cửu Long. Xây dựng các đường trục giao thông, sân bay, bến cảng theo tiêu chuẩn quốc tế, công nghệ tiên tiến.

6. Xây dựng:

Đổi mới công nghệ sản xuất các vật liệu xây dựng chủ yếu đạt trình độ trung bình tiên tiến của thế giới vào năm 2000; tăng mức độ cơ giới hoá thi công trong xây dựng công trình, ứng dụng mạnh tin học và tự động hoá để tăng năng suất lao động, năng suất thiết kế.

Nghiên cứu quá trình đô thị hoá và quản lý đô thị, các biện pháp phân bố hợp lý lực lượng lao động trong các khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ... Xây dựng tổng sơ đồ phân bổ dân cư trên lãnh thổ đến năm 2020 trên cơ sở dịch chuyển cơ cấu kinh tế nhằm thực hiện chủ trương công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Nghiên cứu quy hoạch các khu công nghiệp tập trung.

7. Bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cộng đồng.

Nghiên cứu các vấn đề y sinh cơ bản, môi trường và sức khoẻ. Nghiên cứu ảnh hưởng của hoá chất dùng trong sản xuất, chất độc hoá học (đặc biệt là chất độc Dioxin) đến môi trường và sức khoẻ.

Nghiên cứu ứng dụng và công nghệ sinh học trong sản xuất thuốc (dược phẩm), kỹ thuật miễn dịch trong nghiên cứu phác đồ điều trị HIV; nghiên cứu một số mô hình bệnh thường gặp ở một nước công nghiệp và đang xuất hiện ở nước ta; nghiên cứu nguyên liệu làm thuốc để sản xuất thuốc chống sốt rét, bướu cổ, thuốc điều trị viêm nhiễm v.v... Nghiên cứu sản xuất trang thiết bị y tế hiện đại.

D. sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng tài nguyên thiên nhiên và điều kiện tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái bao gồm:

1. Xây dựng hệ thống kiểm soát môi trường (bao gồm mạng quan trắc tự động, mạng thông tin môi trường, trung tâm viễn thám); ứng dụng những công nghệ mới trong điều tra tài nguyên, dự báo khí tượng thuỷ văn, thiên tai, kiểm soát ô nhiễm môi trường; ứng dụng các công nghệ mới nhằm giảm ô nhiễm bụi than, hoá chất, chất thải công nghiệp, đặc biệt trong việc bảo vệ nguồn nước mặt và nước ngầm. Các phương pháp và công cụ xử lý dữ liệu....

2. Nghiên cứu những giải pháp kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường cho các cơ sở sản xuất công nghiệp ở các thành phố và khu công nghiệp tập trung.

3. Tiếp tục nghiên cứu, điều tra tổng hợp các vùng lãnh thổ phục vụ cho việc xây dựng chiến lược phát triển vùng; xây dựng cơ sở khoa học cho việc phân vùng tổ chức lãnh thổ, bố trí hợp lý không gian lãnh thổ, vấn đề di chuyển dân cư... trong quá trình công nghiệp hoá trên quan điểm bảo vệ môi trường sinh thái.

4. Nghiên cứu đa dạng sinh học ở các vùng có các hệ sinh thái đặc thù.

E. an ninh quốc phòng.

Ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất, sửa chữa, bảo trì các loại vũ khí, quân trang, quân dụng; Kết hợp lực lượng trong và ngoài quốc phòng trong điều tra, nghiên cứu nhằm thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 362/TTg

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu362/TTg
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành30/05/1996
Ngày hiệu lực30/05/1996
Ngày công báo30/09/1996
Số công báoSố 18
Lĩnh vựcCông nghệ thông tin
Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
Cập nhật18 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Lược đồ Quyết định 362/TTg phê duyệt phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 5 năm 1996-2000


Văn bản bị đính chính

    Văn bản được hướng dẫn

      Văn bản đính chính

        Văn bản bị thay thế

          Văn bản hiện thời

          Quyết định 362/TTg phê duyệt phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 5 năm 1996-2000
          Loại văn bảnQuyết định
          Số hiệu362/TTg
          Cơ quan ban hànhThủ tướng Chính phủ
          Người kýVõ Văn Kiệt
          Ngày ban hành30/05/1996
          Ngày hiệu lực30/05/1996
          Ngày công báo30/09/1996
          Số công báoSố 18
          Lĩnh vựcCông nghệ thông tin
          Tình trạng hiệu lựcKhông còn phù hợp
          Cập nhật18 năm trước

          Văn bản thay thế

            Văn bản hướng dẫn

              Văn bản được hợp nhất

                Văn bản được căn cứ

                Văn bản hợp nhất

                  Văn bản gốc Quyết định 362/TTg phê duyệt phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 5 năm 1996-2000

                  Lịch sử hiệu lực Quyết định 362/TTg phê duyệt phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 5 năm 1996-2000

                  • 30/05/1996

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 30/09/1996

                    Văn bản được đăng công báo

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 30/05/1996

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực