Quyết định 37/2007/QĐ-UBND

Quyết định 37/2007/QĐ-UBND Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

Quyết định 37/2007/QĐ-UBND nếp sống văn minh trong việc cưới tang lễ hội Kiên Giang đã được thay thế bởi Quyết định 01/2012/QĐ-UBND thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang và được áp dụng kể từ ngày 23/01/2012.

Nội dung toàn văn Quyết định 37/2007/QĐ-UBND nếp sống văn minh trong việc cưới tang lễ hội Kiên Giang


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2007/QĐ-UBND

Rạch Giá, ngày 31 tháng 10 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG VÀ LỄ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội;

Căn cứ Công văn số 3083/BVHTT-VHTTCS ngày 28 tháng 7 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin về việc triển khai và đẩy mạnh thực hiện Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội của Thủ tướng Chính phủ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tại Tờ trình số 416/TTr-SVHTT ngày 07 tháng 6 năm 2007 về việc ban hành Quyết định và Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Kiên Giang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn và nhân dân chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Bùi Ngọc Sương

 

QUY ĐỊNH

THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG VÀ LỄ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 37/2007/QĐ-UBND ngày 31/10/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Quy định này quy định cụ thể về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Kiên Giang;

2. Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, công ty của nhà nước; tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang (quân đội nhân dân và công an nhân dân) trong tỉnh Kiên Giang phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm vận động gia đình, cộng đồng dân cư thực hiện Quy định này;

3. Mọi gia đình công dân có trách nhiệm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Mê tín: tin vào những điều mơ hồ, huyền bí không có thật, trái với tự nhiên, dẫn tới hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình, cộng đồng về sức khỏe, thời gian, tài sản, tính mạng…những hành vi sau đây được xem là mê tín: làm bùa, xin xăm, bói toán, cầu cơ, lên đồng, gọi hồn, chữa bệnh bằng phù phép…;

2. Dị đoan: những điều kỳ lạ khác thường không đúng với sự thật mà con người đặt lòng tin vào nhưng không có căn cứ;

3. Công quỹ: quỹ ngân sách, quỹ Công đoàn, quỹ phúc lợi tập thể;

4. Đánh bạc gồm: chơi tài xỉu, lô tô, bầu cua, các loại bài và các hành vi khác thắng thua bằng tiền hoặc hiện vật dưới mọi hình thức;

5. Tiệc đãi ăn chính: là tiệc đãi khách mời đến chúc mừng cô dâu, chú rể; không kể những bữa ăn gia đình, thân tộc đến giúp trước và sau lễ cưới.

Điều 3. Tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội phải đảm bảo

1. Không trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc; không được thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan như xem số, xem bói, xóc thẻ, yểm bùa, trừ tà và các hình thức mê tín dị đoan khác;

2. Không gây mất trật tự, an ninh xã hội; không lợi dụng để truyền đạo trái pháp luật và có các hoạt động chia rẽ đoàn kết dân tộc;

3. Không làm cản trở giao thông và các hoạt động công cộng;

4. Không tổ chức hoặc tham gia đánh bạc ăn tiền hoặc hiện vật dưới mọi hình thức;

5. Giữ gìn sự yên tĩnh, hạn chế gây tiếng ồn nhất là vào thời điểm nghỉ ngơi (buổi trưa từ 11g30-13g, buổi tối từ 22g-5g sáng);

6. Các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 của Quy định này không mời, không dự tiệc cưới trong giờ làm việc; không sử dụng thời gian làm việc, công quỹ và phương tiện của cơ quan, đơn vị, tổ chức để đi dự lễ hội khi không có nhiệm vụ;

7. Không lợi dụng việc cưới, việc tang để nhận quà biếu nhằm trục lợi cá nhân; không sử dụng công quỹ của cơ quan, đơn vị, tổ chức để làm quà mừng cưới, viếng đám tang phục vụ cho mục đích cá nhân.

Chương II

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. TỔ CHỨC VIỆC CƯỚI

Điều 4. Yêu cầu về tổ chức việc cưới

1. Việc cưới cần được tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và phải thực hiện đúng Luật Hôn nhân và Gia đình đã được Quốc hội thông qua ngày 09/6/2000;

2. Lễ đăng ký kết hôn và trao giấy chứng nhận kết hôn phải được tiến hành nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình;

3. Các thủ tục có tính phong tục, tập quán như chạm ngõ (đám giáp lời), lễ hỏi (đính hôn) cần được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ;

4. Trang trí lễ cưới và trang phục cô dâu, chú rể phải văn minh lịch sự, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc;

5. Trường hợp tổ chức ăn uống cần tiết kiệm, tiệc nhóm họ, tiệc cưới không kéo dài quá 2 ngày và phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Điều 5. Khuyến khích thực hiện các hình thức sau đây trong việc cưới:

1. Báo hỷ thay cho mời dự lễ cưới, tiệc cưới;

2. Tổ chức tiệc trà thay cho tổ chức tiệc mặn tại gia đình, hội trường cơ quan, trung tâm văn hóa thể thao, trong phạm vi nội tộc, láng giềng và bạn bè thân thích… tổ chức đám cưới không hút thuốc lá;

3. Cơ quan, tổ chức hoặc đoàn thể xã hội đứng ra tổ chức lễ cưới, nhất là đối với những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn;

4. Địa phương, đơn vị, cơ quan, gia đình có điều kiện nên tổ chức cho đôi tân hôn đặt hoa hoặc dâng hương ở đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ hoặc trồng cây lưu niệm ở vườn cây hạnh phúc, khu di tích lịch sử, nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại địa phương trong ngày cưới;

5. Các cơ quan, đơn vị, đoàn thể nên tổ chức lễ cưới tập thể theo nếp sống văn minh.

Điều 6. Tổ chức cưới và đưa đón dâu phải tuân thủ quy định pháp luật về an toàn giao thông và trật tự an toàn công cộng.

Mục 2. TỔ CHỨC VIỆC TANG

Điều 7. Yêu cầu về tổ chức việc tang

1. Việc tang là nghi thức bày tỏ lòng thương tiếc, tưởng nhớ chân thành của người đang sống đối với người đã chết, vì vậy cần được tổ chức chu đáo trang nghiêm, khoa học, tránh lãng phí, phiền nhiễu;

2. Khi có người thân qua đời, gia đình hoặc thân nhân phải đến chính quyền địa phương báo tử theo quy định quản lý về hộ tịch;

3. Để điều hành các công việc tang lễ, tùy theo chức nghiệp của người từ trần mà có thể lập Ban Tổ chức tang lễ, Ban Tổ chức tang lễ có nhiệm vụ điều hành lễ tang và vận động tang chủ thực hiện trên tinh thần trang trọng, tiến bộ, tương trợ, đoàn kết cộng đồng, văn minh và tiết kiệm;

4. Việc tang cần được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, khoa học, gọn nhẹ, tiết kiệm; hạn chế tổ chức đãi tiệc trong lễ tang nếu có phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm;

5. Khi đưa tang phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn giao thông và trật tự an toàn công cộng; hạn chế tối đa việc rắc vàng mã, tiền âm phủ trên đường; không rắc tiền giấy hoặc tiền xu trên đường; không đốt đồ mã; thực hiện những quy định trong hương ước, quy ước của địa phương về việc tang;

6. Việc quàn, chôn cất, hỏa táng, điện táng, bốc mộ và di chuyển thi hài, hài cốt phải thực hiện theo quy định tại Điều lệ Vệ sinh ban hành kèm theo Nghị định số 23/HĐBT ngày 24/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ): người chết vì nguyên nhân thông thường phải nhập quan từ trước 10 giờ sau khi tắt thở và chôn cất trước 72 giờ kể từ khi chết (trường hợp chết vì dịch bệnh hoặc bệnh truyền nhiễm phải khâm liệm tử thi đúng theo hướng dẫn của cơ quan y tế, sau đó phải chôn ngay, không quá 24 giờ kể từ khi chết);

7. Tang phục có thể dùng màu trắng hoặc màu đen, được cắt may gọn gàng, sử dụng cờ và treo cờ tang theo phong tục truyền thống của địa phương, dân tộc, tôn giáo;

8. Nếu người qua đời không có gia đình hoặc không có người thân đứng ra lo liệu thì chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn) có trách nhiệm phối hợp với các đoàn thể quần chúng tổ chức đám tang chu đáo.

Điều 8. Khuyến khích thực hiện các hình thức sau đây trong việc tang

1. Nhạc tang nên sử dụng trống chầu làm hiệu, sử dụng băng, đĩa nhạc tang thay cho mời các ban nhạc tang; không dùng nhạc hành khúc, nhạc hội trong lễ, sử dụng nhạc tang phải đúng nội dung. Đồng bào theo đạo hoặc dân tộc thiểu số được dùng nhạc tang của tôn giáo hoặc nhạc tang của dân tộc thiểu số, nhưng phải đảm bảo không ồn ào, không được sử dụng sau 22 giờ đêm và trước 5 giờ sáng;

2. Hạn chế viếng vòng hoa, bức trướng; nên dùng bó hoa nhỏ có thắt băng tang thay cho vòng hoa;

3. Các hình thức hỏa táng, điện táng;

4. Các tuần tiết trong việc tang như lễ cúng 03 ngày, 07 ngày, 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu và cải táng nên tổ chức trong nội bộ gia đình, họ tộc, bạn thân;

5. Việc tổ chức tang lễ đối với cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo quy định tại Quy chế tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước khi từ trần (ban hành kèm theo Nghị định số 62/2001/NĐ-CP ngày 12/9/2001 của Chính phủ).

Điều 9. Chính quyền địa phương các cấp phải có quy hoạch, kế hoạch và đầu tư kinh phí, từng bước xây dựng nghĩa trang thành công trình văn hóa tưởng niệm của địa phương. Tránh phô trương, lãng phí trong việc xây mộ.

Điều 10. Việc chôn, cải táng, xây mộ phải nằm trong quy hoạch nghĩa trang. Những nơi chưa quy hoạch xây dựng được nghĩa trang thì khu vực đất chôn, cải táng, xây mộ phải được chính quyền địa phương cho phép. Xây mộ phải phù hợp với quỹ đất, phong tục, tập quán của địa phương.

Mục 3. LỄ HỘI

Điều 11. Khi có tổ chức lễ hội, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa và Quy chế tổ chức lễ hội do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch).

Điều 12. Chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải có biện pháp quản lý chặt chẽ, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi: vi phạm di tích, danh lam thắng cảnh; lừa đảo, trộm cắp của du khách; thương mại hóa và các hoạt động mê tín dị đoan như: xem bói, gọi hồn, cầu cơ, sấm truyền… tàng trữ, vận chuyển, buôn bán và sử dụng các loại ấn phẩm thuộc loại cấm lưu hành trong lễ hội theo phạm vi và thẩm quyền của mình khi tổ chức lễ hội.

Điều 13. Tổ chức lễ đón nhận Huân chương, danh hiệu cao quý và các ngày lễ kỷ niệm, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 154/2004/NĐ-CP ngày 09/8/2004 của Chính phủ về nghi thức Nhà nước trong tổ chức mít tinh, lễ kỷ niệm, trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Chương III

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật;

2. Các đối tượng quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 1 Quy định này có hành vi vi phạm hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Tổ chức thực hiện

1. Thủ trưởng cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, công ty của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang có trách nhiệm phổ biến, giáo dục, động viên và quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của mình thực hiện Quy định này;

2. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố, xã, phường, thị trấn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp, các đoàn thể xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tới toàn thể nhân dân ở địa phương;

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố có kế hoạch phát huy các nguồn lực để xây dựng nhà văn hóa, vườn cây hạnh phúc, nghĩa trang nhân dân, nhà tang lễ, trang bị xe tang của địa phương, góp phần thực hiện tốt việc cưới, việc tang cho nhân dân. Sở Xây dựng chủ trì phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Ban Dân tộc hướng dẫn việc quy hoạch nghĩa trang nhân dân trong tỉnh, xây dựng nghĩa trang vừa là nơi an nghỉ cuối cùng vừa là nơi tưởng niệm của người thân như một công trình văn hóa, quy hoạch xây dựng lò thiêu ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer;

4. Sở Văn hóa - Thông tin, Báo Kiên Giang, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, các tạp chí, tờ tin, Đài Truyền thanh các huyện, thị, thành phố có trách nhiệm thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức và tổ chức thực hiện nhằm phát hiện, cổ vũ, động viên những mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong việc thực hiện Quy định; phê phán các biểu hiện tiêu cực, hành vi vi phạm Quy định này./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 37/2007/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu37/2007/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành31/10/2007
Ngày hiệu lực10/11/2007
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 23/01/2012
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 37/2007/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 37/2007/QĐ-UBND nếp sống văn minh trong việc cưới tang lễ hội Kiên Giang


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 37/2007/QĐ-UBND nếp sống văn minh trong việc cưới tang lễ hội Kiên Giang
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu37/2007/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Kiên Giang
                Người kýBùi Ngọc Sương
                Ngày ban hành31/10/2007
                Ngày hiệu lực10/11/2007
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 23/01/2012
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản gốc Quyết định 37/2007/QĐ-UBND nếp sống văn minh trong việc cưới tang lễ hội Kiên Giang

                Lịch sử hiệu lực Quyết định 37/2007/QĐ-UBND nếp sống văn minh trong việc cưới tang lễ hội Kiên Giang