Quyết định 3727/QĐ-UBND

Quyết định 3727/QĐ-UBND năm 2008 về phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2008 - 2015 và định hướng đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 3727/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3727/QĐ-UBND

Việt Trì, ngày 11 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2008 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 24/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo;
Căn cứ Quyết định số 3055/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2006 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ về việc phê duyệt. Đề cương nhiệm vụ Quy hoạch phát triển quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2007 - 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2008 - 2015 và định hướng đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU

1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong các hoạt động quảng cáo theo Pháp lệnh Quảng cáo và các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực hoạt động quảng cáo trên địa bàn tỉnh.

2. Tạo căn cứ để triển khai thực hiện các loại quảng cáo ngoài trời nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu sản phẩm; thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân.

3. Định hướng các hoạt động tuyên truyền, cổ động, quảng cáo trên địa bàn toàn tỉnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

4. Đảm bảo mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, trật tự công cộng; bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, danh lam, thắng cảnh và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Phạm vi thực hiện quy hoạch.

Các khu tập trung dân cư: thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ; trung tâm thị trấn, thị tứ của các huyện; các khu, cụm công nghiệp; các khu di tích lịch sử văn hóa, khu du lịch, dịch vụ; dọc theo các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh và dọc theo các tuyến tỉnh lộ chính nối liền các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh.

2. Phương án bố trí địa điểm và tổ chức không gian quảng cáo.

- Vị trí đặt biển quảng cáo tấm lớn phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng của khu vực;

- Địa điểm đặt biển quảng cáo phải đảm bảo tầm nhìn thuận lợi và tuân thủ các quy định hành lang an toàn giao thông đường bộ (dọc những tuyến đường giao thông chính, trung tâm thành phố, thị xã, huyện lỵ vv…);

- Điểm đặt biển quảng cáo tấm lớn phải đảm bảo các yêu cầu về khoảng cách cách ly với các công trình theo quy định (chỉ giới đường đỏ giao thông, đường điện quốc gia, hành lang đê, sông vv...)

- Điểm đặt biển quảng cáo, tuyên truyền tại các trục giao thông trong đô thị phải tuân thủ các quy định về quản lý đô thị.

3. Các loại hình quảng cáo.

- Loại hình quảng cáo cố định và lâu dài: biển, bảng, pa nô, áp phích, màn hình điện tử, nhà chờ xe buýt, ca bin điện thoại công cộng và các loại hình tương tự;

- Loại hình quảng cáo cơ động mang tính thời vụ: băng rôn, cờ phướn, các phương tiện giao thông, các vật thể trên không, vật thể dưới nước, tờ gấp, rao vặt và các loại hình tương tự.

4. Định hướng khu vực được phép thực hiện quảng cáo, khu vực hạn chế quảng cáo và khu vực cấm quảng cáo.

4.1. Khu vực cấm quảng cáo: khu vực trung tâm hành chính các cấp; khu vực trụ sở các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, khu vực quốc phòng, an ninh và vùng quản lý nghiêm ngặt; doanh trại quân đội, công an; khu vực bảo tồn nghiêm ngặt các di tích lịch sử văn hóa, tôn giáo quan trọng;

4.2. Khu vực hạn chế quảng cáo: khu vực quản lý nghiêm ngặt về kiến trúc và văn hóa; trong phạm vi đảm bảo hành lang an toàn giao thông; khu vực quản lý nghiêm ngặt về nội dung quảng cáo (các công trình phúc lợi công cộng như trường học, bệnh viện, vv…).

4.3. Khu vực được phép thực hiện quảng cáo trong đô thị:

- Quảng cáo trên các dải phân cách giao thông, gồm: bảng, biển điện tử, hộp đèn; biển treo trên hệ khung đỡ và đèn đặt trực tiếp trên dải phân cách; treo cờ cổ động trên dải phân cách;

- Quảng cáo dọc các trục đường giao thông và tại các nút giao cắt các tuyến giao thông chính, gồm: biển, bảng pa nô có diện tích dưới 40m2; biển, bảng, màn hình điện tử (kết cấu dạng một cột trụ đỡ) có diện tích dưới 30m2; băng rôn quảng cáo các hội nghị, hội thảo, triễn lãm, hội chợ, biểu diễn nghệ thuật, thể dục - thể thao, vui chơi giải trí vv…;

- Quảng cáo trên các cột đèn chiếu sáng đô thị, gồm: biển hộp đèn và băng rôn;

- Quảng cáo tại các khu trung tâm thương mại, dịch vụ, gồm: biển, bảng điện tử (kết cấu dạng một cột trụ đỡ) có diện tích dưới 40m2, băng rôn, biển đèn neon, bạt thả hoặc sơn vẽ trực tiếp tại các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà cao tầng (diện tích tối đa không quá 40 m2);

- Quảng cáo tại các nhà chờ xe buýt, cabin điện thoại công cộng và các hình thức tương tự: diện tích quảng cáo không quá 06 m2;

- Đặt biển hiệu tại trụ sở, địa điểm kinh doanh của các tổ chức, cá nhân.

4.4. Khu vực được phép thực hiện quảng cáo ngoài đô thị (sử dụng các biển, bảng quảng cáo có diện tích từ 40 m2 trở lên):

- Các tuyến giao thông chính (quốc lộ, tỉnh lộ, đường cao tốc vv…);

- Các khu vực giáp ranh giữa tỉnh Phú Thọ và các tỉnh lân cận;

- Khu vực giáp ranh giữa các huyện, thị, thành trong tỉnh.

5. Quy hoạch quảng cáo tại các khu vực cụ thể.

5.1. Quy hoạch quảng cáo tại các khu vực đô thị:

5.1.1. Tại thành phố Việt Trì:

a) Khu vực cấm quảng cáo:

- Trụ sở Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và các khu vực trụ sở cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố;

- Trụ sở tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh trại quân đội, công an;

- Khu vực vùng 1 (bảo vệ nghiêm ngặt) và vùng 2 (vùng bảo vệ cảnh quan) của Khu di tích lịch sử Đền Hùng;

- Khu vực khuôn viên các di tích lịch sử, văn hóa và tôn giáo quan trọng khác.

b) Khu vực hạn chế quảng cáo:

- Các khu vực quản lý nghiêm ngặt về kiến trúc và văn hóa: khu vực thuộc vành đất đai ngoài Khu di tích lịch sử Đền Hùng; khuôn viên các công trình văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố;

- Khu vực quản lý nghiêm ngặt về nội dung quảng cáo; các công trình phúc lợi công cộng (trường học, bệnh viện, vv…).

c) Hình thức và các khu vực được phép thực hiện quảng cáo:

- Tuyên truyền bằng băng rôn phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh (treo qua đường, khoảng cách giữa hai điểm treo băng rôn liên tiếp từ 60 m đến 80 m): dọc đường Hùng Vương từ đầu cầu Việt Trì đến khu vực cổng đền Hùng (bố trí 50 điểm cả hai chiều đường); đường Trần Phú: bố trí 12 điểm; đường Hòa Phong: bố trí 06 điểm; đường Châu Phong: bố trí 06 điểm; đường Âu Cơ: bố trí 04 điểm;

- Quảng cáo bằng biển, bảng, pa nô (diện tích biển dưới 40m2): đường Nguyễn Du: bố trí 20 biển; khu vực bãi đỗ xe công viên Văn Lang, đường Trần Phú (từ ngã ba giao cắt với đường Hùng Vương đến ngã tư giao cắt với đường Nguyễn Tất Thành): bố trí 10 biển;

- Quảng cáo bằng băng rôn phục vụ các hoạt động thương mại, dịch vụ, thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật (không được phép treo ngang qua đường):

+ Khu vực ngã ba giao cắt giữa đường Nguyễn Tất Thành và đường Hùng Vương (địa phận phường Thanh Miếu): bố trí 03 điểm;

+ Khu vực ngã tư Thanh Miếu: bố trí 04 điểm;

+ Khu vực ngã tư Long Châu Sa (phường Thọ Sơn): bố trí 03 điểm;

+ Khu vực ngã ba giao cắt đường Trần Phú và đường Hùng Vương: bố trí 02 điểm;

+ Khu vực ngã tư giao cắt giữa đường Trần Phú và đường Nguyễn Tất Thành (phía vườn tượng): bố trí 02 điểm;

+ Khu vực ngã ba đường vào Khu công nghiệp Thụy Vân: bố trí 02 điểm;

+ Khu vực ngã ba giao cắt đường Hòa Phong và đường Hùng Vương: bố trí 04 điểm;

+ Khu vực ngã ba giao cắt đường Châu Phong và đường Hùng Vương: bố trí 02 điểm;

+ Khu vực ngã tư giao cắt đường Châu Phong và đường Nguyễn Tất Thành (phía trước Bệnh viện Đa khoa tỉnh): bố trí 04 điểm;

- Quảng cáo, tuyên truyền trên dải phân cách các tuyến đường chính trong thành phố: thực hiện quảng cáo dạng hộp đèn đặt trên dải phân cách các tuyến đường: Hùng Vương: 100 điểm, Nguyễn Tất Thành: 150 điểm, Trần Phú (đoạn từ đường Hùng Vương đến đường Nguyễn Tất Thành): 10 điểm, Hòa Phong: 10 điểm.

- Quảng cáo tại các nhà chờ xe buýt, cabin điện thoại công cộng và các hình thức tương tự: bố trí khoảng 40 điểm quảng cáo tại các nhà chờ xe buýt dọc 2 tuyến đường: Hùng Vương và Nguyễn Tất Thành (từ 800m đến 1000m bố trí 01 điểm tại các nhà chờ).

- Quảng cáo bằng bảng, màn hình điện tử: áp dụng tại các khu trung tâm thương mại, công trình công cộng (bến xe, nhà ga, nhà hàng vv…):

+ Vị trí giao cắt giữa đường Hùng Vương và đường Nguyễn Tất Thành: bố trí 01 bảng điện tử dạng băng dài ngang qua đường;

+ Vị trí khu vực tổ chức hội chợ: bố trí 01 màn hình điện tử phục vụ quảng cáo thường xuyên cho các chương trình hội chợ, triển lãm;

+ Khu vực vườn hoa (đường lên Công ty TNHH Pangrim): đặt 01 màn hình điện tử;

+ Vị trí cửa ngõ phía Tây Bắc thành phố (khu vực cổng Đền Hùng) đặt bảng điện tử dạng băng dài ngang qua đường Hùng Vương.

- Các loại hình khác:

+ Bảng, biển chỉ dẫn trong đô thị (bao gồm: bản đồ, biển chỉ dẫn đường, bảng thông tin vv…) đặt tại các điểm giao cắt giao thông, được bố trí đảm bảo các yêu cầu về thẫm mỹ và tuân thủ các quy định về quản lý đô thị;

+ Dựng các đài kỷ niệm, bục, bệ mang tính chất tượng trưng phục vụ các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn và các nhiệm vụ chính trị của tỉnh ở các khu vực sau: ngã ba đường Trần Phú - đường Hùng Vương; ngã tư Đường Trần Phú - đường Nguyễn Tất Thành; khu vực vườn hoa ngã ba đường Nguyễn Du và đường Hùng Vương.

5.1.2. Tại thị xã Phú Thọ:

a) Khu vực cấm quảng cáo:

- Trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thị xã;

- Trụ sở tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh trại quân đội, công an;

- Các khu di tích lịch sử văn hóa, tôn giáo quan trọng;

b) Khu vực hạn chế quảng cáo:

- Các khu vực quản lý nghiêm ngặt về kiến trúc và văn hóa;

- Trong phạm vi hành lang an toàn giao thông;

- Khu vực quản lý nghiêm ngặt về nội dung quảng cáo: các công trình phúc lợi công cộng (trường học, bệnh viện, vv …).

c) Hình thức và các khu vực được thực hiện quảng cáo:

- Quảng cáo, tuyên truyền bằng băng rôn: các băng rôn tuyên truyền nhiệm vụ chính trị được phép căng ngang các trục đường chính trong thị xã; các băng rôn quảng cáo hoạt động thương mại bố trí ở các điểm nút giao cắt giao thông;

- Quảng cáo trên dải phân cách các tuyến đường chính trong thị xã; quảng cáo bằng biển đèn neon, bạt thả hoặc sơn vẽ tại các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà cao tầng; quảng cáo tại nhà chờ xe buýt, các ca bin điện thoại công cộng; quảng cáo bằng màn hình điện tử: bố trí tại các vị trí phù hợp theo quy định tại phần Định hướng khu vực được phép thực hiện quảng cáo trong đô thị.

5.1.3. Tại các thị trấn, thị tứ, trung tâm huyện lỵ:

Trước mắt, tại các thị trấn, thị tứ, các trung tâm huyện lỵ trên địa bàn tỉnh thực hiện quản lý quảng cáo theo định hướng xác định các vùng quảng cáo đã nêu tại mục 4, phần II, Quyết định này. Sau khi đã có quy hoạch đô thị chi tiết của các loại hình đô thị này, sẽ quy hoạch quảng cáo gắn với quy hoạch đô thị để đảm bảo cảnh quan, kiến trúc của đô thị.

5.2. Quy hoạch quảng cáo tại các khu vực ngoài đô thị:

Dọc các tuyến giao thông chính (các tuyến đường cao tốc, quốc lộ và tỉnh lộ quan trọng) ngoài đô thị, chỉ thực hiện hình thức quảng cáo trên các pa nô lớn (diện tích từ 40m2 đến 120m2), có kết cấu dạng một cột trụ và hai cột trụ đỡ. Quy hoạch chi tiết quảng cáo ngoài đô thị như sau:

5.2.1. Tại thành phố Việt Trì:

- Khu vực hành lang Quốc lộ 2 từ giáp tỉnh Vĩnh Phúc đến ngã ba giao nhau với đường Nguyễn Tất Thành: tại khu vực này đã có 07 biển quảng cáo tấm lớn; xây dựng bổ sung 12 biển quảng cáo tấm lớn;

- Khu vực đầu cầu đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai qua sông lô (từ huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc sang thành phố Việt Trì): bố trí từ 10 đến 20 biển;

- Khu vực dọc tuyến đường từ Thụy Vân đi cầu Phong Châu (hướng tuyến và chiều rộng mặt cắt tuyến đường này đã được phê duyệt): bố trí từ 5 đến 10 biển;

- Khu vực cửa ngõ phía Tây Bắc thành phố, trên Quốc lộ 2 tiếp giáp huyện Phù Ninh: đặt 01 áp phích với nội dung “Thành phố Việt Trì kính chào quý khách” để thay thế biển hiện nay.

5.2.2. Tại thị xã Phú Thọ:

- Dọc tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chạy qua thị xã: khu vực cánh đồng Bạch Thủy, thuộc xã Văn Lung và xã Hà Lộc: bố trí 10 biển; khu vực dọc tuyến đường từ phía Đông thị xã đến nút giao cắt với đường Hồ Chí Minh: bố trí 10 biển;

- Dọc tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua thị xã Phú Thọ: khu vực từ điểm nút giao cắt với Tỉnh lộ 315B đến điểm nút giao cắt với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai: bố trí 10 biển; khu vực đầu cầu Ngọc Tháp: bố trí 03 biển;

- Tuyến đường từ xã Phú Hộ vào trung tâm thị xã: bố trí 05 biển;

- Điểm nút giao cắt giữa Tỉnh lộ 315 và Tỉnh lộ 311: bố trí 02 biển.

5.2.3. Tại huyện Lâm Thao:

- Khu vực ngã ba Tiên Kiên (đường rẽ từ Quốc lộ 32C đi huyện Phù Ninh): bố trí 01 biển dạng tam giác một trụ đỡ;

- Khu vực đất ruộng gần chợ Cao Mại (ngã 3 đường rẽ vào thị trấn Lâm Thao và đường rẽ đi cầu Phong Châu): bố trí 03 biển;

- Khu vực ngã ba cây xăng Sơn Vi: bố trí 03 biển;

- Khu vực ngã ba Cao Xá: bố trí 01 biển;

- Dọc tuyến Quốc lộ 32C từ cầu Phong Châu về cây xăng: bố trí 07 biển.

5.2.4. Tại huyện Phù Ninh:

- Khu vực đất ruộng gần Cụm công nghiệp Đồng Lạng (giáp thành phố Việt Trì): bố trí 01 biển;

- Khu vực xã Phù Ninh: bố trí 02 biển;

- Khu vực ngã ba Then - thị trấn Phong Châu: bố trí 02 biển;

- Dọc Quốc lộ 2 đoạn từ km 91 đến km 92 (địa phận xã Trạm Thản): bố trí 05 biển.

5.2.5. Tại huyện Thanh Ba:

- Khu trung tâm chợ xã Khải Xuân: bố trí 01 biển;

- Khu trung tâm chợ xã Ninh Dân: bố trí 03 biển;

- Khu đất ruộng gần Bệnh viện Chè (đường đi Hạ Hòa): bố trí 01 biển;

- Dọc tuyến Tỉnh lộ 314 từ xã Đại An ra Quốc lộ 2: bố trí 05 biển.

5.2.6. Tại huyện Đoan Hùng:

- Khu vực ngã ba Quốc lộ 70 và đường đi Yên Bình - Yên Bái: bố trí 01 biển kiểu tam giác một cột trụ đỡ;

- Dọc tuyến Quốc lộ 2 khai thác một số điểm có tầm nhìn thuận lợi và có quỹ đất để thực hiện quảng cáo tấm lớn như sau: khu đất ruộng giáp Chi nhánh Điện Đoan Hùng: bố trí 02 biển; khu vực đầu cầu vào thị trấn: bố trí 01 biển; khu vực xã Yên Kiện đến Cụm công nghiệp Sóc Đăng (km105 đến km107): bố trí 03 biển; khu vực từ km 97 đến km 98 (xã Chân Mộng): bố trí 05 biển.

5.2.7. Tại huyện Hạ Hòa:

- Khu trung tâm cụm xã Hiền Lương: bố trí 01 biển tại đầu cầu giáp tỉnh Yên Bái;

- Dọc tuyến Quốc lộ 32C: bố trí 06 biển tại đầu cầu Ngòi Lao, xã Bằng Giã và đầu cầu Ngòi Giành, xã Minh Côi;

- Dọc tuyến Tỉnh lộ 314: bố trí 05 biển tại khu vực km23 qua xã Yên Kỳ, khu vực km25 qua xã Hương Xạ;

- Dọc tuyến Tỉnh lộ 314 E: bố trí 02 biển tại km2.

5.2.8. Tại huyện Cẩm Khê:

- Dọc tuyến Quốc lộ 32C: khu vực đầu cầu Tứ Mỹ, xã Đồng Lương: bố trí 03 biển; khu vực ngã ba Tỉnh lộ 313 giao với đường Quốc lộ 32C (địa bàn xã Phú Khê): bố trí 01 biển; khu vực giao cắt giữa Quốc lộ 32C và đường Cao tốc Hà Nội - Lào Cai: bố trí 03 biển; khu vực ngã ba Tỉnh lộ 323 giao với đường Quốc lộ 32C (địa bàn xã Phương Xá): bố trí 01 biển;

- Khu vực giao cắt Tỉnh lộ 329 và Tỉnh lộ 313 (xã Hương Lung): bố trí 01 biển.

5.2.9. Tại huyện Yên Lập:

- Dọc tuyến Tỉnh lộ 313 tại các vị trí tiếp giáp huyện Cẩm Khê và huyện Thanh Sơn: bố trí 02 biển;

- Đường tỉnh lộ 330 vào Chiến khu Minh Hòa: bố trí 01 biển;

- Ngã ba giao cắt giữa đường Tỉnh lộ 321 và tỉnh lộ 321B: bố trí 01 biển.

5.2.10. Tại huyện Tam Nông:

- Dọc Quốc lộ 32C từ đầu cầu Tứ Mỹ đến xã Văn Lương: bố trí 03 biển;

- Khu vực đầu cầu Phong Châu: bố trí 01 cụm panô tuyên truyền chính trị;

- Trên tuyến đường Hồ Chí Minh tại vị trí đầu cầu Ngọc Tháp: bố trí 02 biển;

- Dọc tuyến Quốc lộ 32A từ giáp Khu công nghiệp Trung Hà đến đầu cầu Trung Hà: bố trí 05 biển.

5.2.11. Tại huyện Thanh Thủy:

- Dọc tuyến Tỉnh lộ 316 bố trí các biển quảng cáo như sau: khu đất ruộng giáp cây xăng xã Thạch Đồng: bố trí 02 biển; khu đất ruộng gần Trường Tiểu học Đồng Luận: bố trí 01 biển; khu đất ruộng gần Trường Trung học Cơ sở Đoan Hạ: bố trí 02 biển; khu vực xã Trung Nghĩa: bố trí 01 biển;

- Dọc tuyến Tỉnh lộ 317 đi qua xã Đào Xá, tiếp giáp huyện Tam Nông: bố trí 03 biển;

- Dọc tuyến đường vào Khu du lịch nước khoáng nóng La Phù: bố trí 03 biển.

5.2.12. Tại huyện Thanh Sơn:

- Đầu cầu vào thị trấn Thanh Sơn trên Quốc lộ 32C: bố trí 01 biển;

- Khu vực hồ quặng thuộc xã Giáp Lai: dự kiến bố trí 02 biển.

5.2.13. Tại huyện Tân Sơn:

- Khu vực ngã ba xã Địch Quả trên Quốc lộ 32C: bố trí 01 biển dạng tam giác một trụ đỡ;

- Khu vực 2 đầu đoạn Quốc lộ 32C điều chỉnh tránh trung tâm huyện lỵ: bố trí 02 biển;

- Khu vực ngã ba Quốc lộ 32A, 32B và 32C: bố trí 01 biển.

5.3. Quy hoạch quảng cáo tại các điểm du lịch, vùng vành đai các khu di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh:

5.3.1. Tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng:

- Dọc Quốc lộ 32C (từ Quốc lộ 2 đến đường rẽ đi Lâm Thao): thực hiện các biển quảng cáo quy mô trung bình (diện tích dưới 40 m2); khoảng cách giữa hai biển đặt cạnh nhau từ 120m đến 150m: bố trí 10 biển;

- Trên đường vào cổng Khu di tích (từ Quốc lộ 2 vào đến tuyến đường số 1), thực hiện các biển quảng cáo quy mô trung bình (diện tích dưới 40m2); khoảng cách giữa hai biển đặt cạnh nhau từ 120 đến 150m: bố trí 05 biển.

5.3.2. Tại khu vực vành đai khu di tích lịch sử, cách mạng, khu du lịch khác:

- Hiện nay, tại hầu hết các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư. Do vậy, việc quy hoạch chi tiết quảng cáo ngoài trời tại các điểm du lịch sẽ được tiến hành sau khi có quy hoạch chi tiết xây dựng để các biển quảng cáo không làm ảnh hưởng đến cảnh quan chung khu vực;

- Trước mắt, khai thác vị trí quảng cáo nằm ngoài các khu di tích lịch sử, các điểm du lịch để đặt các biển quảng cáo cho phù hợp với kiến trúc xây dựng các công trình.

5.4. Quy hoạch quảng cáo tại các khu, cụm công nghiệp:

- Khi thực hiện quảng cáo trên những tuyến đường chính vào các khu, cụm công nghiệp phải đảm bảo các yêu cầu: biển quảng cáo có diện tích dưới 40m2 và thống nhất về chiều cao và kích thước của các biển trong từng khu, cụm công nghiệp.

- Đối với các tuyến đường có dải phân cách trong các khu, cụm công nghiệp: áp dụng hình thức biển quảng cáo dạng hộp đèn hoặc dạng biển một trụ đỡ quy mô nhỏ (diện tích mặt biển dưới 06m2); hình thức áp dụng tại mỗi khu, cụm công nghiệp thực hiện thống nhất để đảm bảo mỹ quan chung.

5.5. Quy hoạch quảng cáo tại các khu vực giáp ranh:

5.5.1. Khu vực giáp ranh giữa tỉnh Phú Thọ và các tỉnh lân cận:

Trên các tuyến giao thông liên tỉnh, tại các khu vực cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh, thành phố bố trí các biển quảng cáo tấm lớn (kích thước 120m2, kết cấu khung thép hai trụ đỡ) có nội dung chào đón, giới thiệu, quảng bá về truyền thống văn hóa, về thiên nhiên và con người tỉnh Phú Thọ như sau:

- Tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình: bố trí trên tuyến Tỉnh lộ 316 tại huyện Thanh Sơn;

- Tiếp giáp với tỉnh Tuyên Quang: bố trí trên tuyến Quốc lộ 2 tại huyện Đoan Hùng và Quốc lộ 70 tại huyện Hạ Hòa;

- Tiếp giáp với tỉnh Yên Bái: bố trí trên tuyến Quốc lộ 71, Quốc lộ 32C, Tỉnh lộ 314 tại huyện Hạ Hòa và Quốc lộ 32A tại huyện Tân Sơn;

- Tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Phúc: bố trí trên tuyến Quốc lộ 2 và đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai tại thành phố Việt Trì;

- Tiếp giáp với thành phố Hà Nội: bố trí trên tuyến Quốc lộ 32A tại huyện Tam Nông;

- Tiếp giáp với tỉnh Sơn La: bố trí trên tuyến Quốc lộ 32B tại huyện Tân Sơn;

- Tại cửa ngõ phía Đông Nam của tỉnh, tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Phúc tại thành phố Việt Trì, quy hoạch xây dựng công trình Cổng vào tỉnh Phú Thọ.

5.5.2. Tại các khu vực giáp ranh giữa các huyện, thị, thành của tỉnh: bố trí các biển quảng cáo tấm lớn có nội dung chào đón khách đến với địa phương.

6. Phân kỳ thực hiện quy hoạch.

6.1. Giai đoạn 1: từ năm 2008 đến năm 2010:

- Đối với quảng cáo trong đô thị: tập trung triển khai thực hiện các loại hình quảng cáo trong các đô thị - trọng điểm là thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ - theo định hướng quy hoạch, đặc biệt là các loại hình quảng cáo có tác động trực tiếp đến cảnh quan chung;

- Đối với quảng cáo ngoài đô thị: thực hiện các biển quảng cáo tấm lớn tại các vị trí có hiệu quả kinh tế cao: khu vực dọc hành lang tuyến Quốc lộ 2 từ giáp tỉnh Vĩnh Phúc đến ngã ba giao nhau với đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Việt Trì: tiếp tục xây dựng các biển quảng cáo tấm lớn tạo thành không gian quảng cáo tập trung tại cửa ngõ thành phố; khu vực từ đầu cầu Trung Hà đến Khu công nghiệp Trung Hà.

6.2. Giai đoạn 2: từ năm 2011 đến năm 2015:

- Tiến hành quảng cáo tại các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch;

- Tiếp tục đầu tư phát triển đa dạng các hình thức quảng cáo trong đô thị: nhà chờ xe buýt, cabin điện thoại công cộng vv…

6.3. Giai đoạn 3: từ năm 2016 đến 2020:

Triển khai thực hiện quy hoạch tại các khu vực còn lại trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và có thể nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

7. Kinh phí và nguồn vốn thực hiện quy hoạch.

7.1. Tổng kinh phí: 104,8 tỷ đồng.

7.2. Nguồn vốn thực hiện:

- Vốn ngân sách nhà nước: 13,5 tỷ đồng, sử dụng vào các nhiệm vụ: đầu tư cho công tác xây dựng quy hoạch quảng cáo; chuẩn bị hệ thống hạ tầng kỹ thuật (hệ thống điện, mặt bằng xây dựng); xây dựng các cụm áp phích cổ động, tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị.

- Vốn huy động xã hội hóa: 91,3 tỷ đồng, huy động từ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình quảng cáo theo quy hoạch để cho thuê quảng cáo, đồng thời thông qua tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao lớn của tỉnh, vận động các doanh nghiệp tài trợ kinh phí đầu tư xây dựng các công trình quảng cáo, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của tỉnh theo quy hoạch được duyệt.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức công bố Quy hoạch phát triển quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2008 - 2015 và định hướng đến năm 2020;

- Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân ban hành Quy chế quản lý các hoạt động quảng cáo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ để tổ chức thực hiện;

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động quảng cáo; triển khai việc cấp giấy phép thực hiện quảng cáo theo cơ chế “một cửa” trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường: chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Xây dựng hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp nghiên cứu, bố trí quy hoạch quỹ đất phục vụ cho các hoạt động quảng cáo; ưu tiên dành quỹ đất xây dựng các cụm pa nô, áp phích phục vụ tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị.

3. Sở Xây dựng: chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan xác định vị trí, địa điểm xây dựng biển, bảng quảng cáo tấm lớn thuộc phạm vi đô thị; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định các loại hình hoạt động quảng cáo liên quan đến công tác xây dựng.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cân đối, bố trí kế hoạch ngân sách hàng năm cho các hoạt động quảng cáo, tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực khác để thực hiện quy hoạch.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành thị:

- Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch, triển khai lập quy hoạch chi tiết các loại hình hoạt động quảng cáo ngoài trời phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bố trí quỹ đất hợp lý và ổn định để xây dựng các công trình quảng cáo ngoài trời theo quy hoạch được duyệt;

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo, xây dựng môi trường quảng cáo lành mạnh trên địa bàn.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành căn cứ quyết định thực hiện ./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch;
- Như Điều 2;
- CPVP, NCTH;
- Lưu: VT, VX1 (105b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Kim Hải

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 3727/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu3727/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành11/12/2008
Ngày hiệu lực11/12/2008
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcThương mại
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật16 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 3727/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 3727/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 3727/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu3727/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Phú Thọ
                Người kýNguyễn Thị Kim Hải
                Ngày ban hành11/12/2008
                Ngày hiệu lực11/12/2008
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcThương mại
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật16 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản gốc Quyết định 3727/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời

                        Lịch sử hiệu lực Quyết định 3727/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời

                        • 11/12/2008

                          Văn bản được ban hành

                          Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                        • 11/12/2008

                          Văn bản có hiệu lực

                          Trạng thái: Có hiệu lực