Nội dung toàn văn Quyết định 374-CP mở rộng hoạt động kinh doanh thương nghiệp XHCN
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 374-CP | Hà Nội,, ngày 13 tháng 10 năm 1979 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ MỞ RỘNG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CỦA THƯƠNG NGHIỆP XÃ HỘI CHỦ NGHĨA.
Hiện nay, nhu cầu về lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng rất lớn, cân đối lực lượng của Nhà nước về các mặt hàng kể trên so với nhu cầu còn thiếu hụt nhiều; giá cả một số mặt hàng trên thị trường không có tổ chức ở một số nơi tuy có giảm, nhưng vẫn còn quá cao. Để kích thích sản xuất phát triển, để Nhà nước nắm thêm nguồn hàng phục vụ đời sống của nhân dân và đáp ứng nhu cầu của quân đội, đồng thời để có lực lượng hàng hóa ổn định thị trường, đấu tranh kéo xuống dần giá thị trường không có tổ chức, Thường vụ Hội đồng Chính phủ quyết định :
1. Ngoài việc tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ thu thuế nông nghiệp và mua các loại lương thực, thực phẩm và nông sản khác theo mức ổn định bằng hợp đồng kinh tế hai chiều, các Bộ Lương thực và thực phẩm, Nội thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương phải chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa mở rộng hoạt động kinh doanh các mặt hàng khác ở địa phương, kể cả các mặt hàng thủ công nghiệp và hàng nông sản bán ngoài hợp đồng kinh tế hai chiều, theo giá thỏa thuận như đã nêu rõ trong quyết định số 361-CP ngày 5-10-1979 của Hội đồng Chính phủ.
2. Sau khi đã bàn bạc với Ủy ban Vật giá Nhà nước, Bộ Lương thực và thực phẩm phải hướng dẫn và chỉ đạo việc mua lương thực, Bộ Nội thương phải hướng dẫn và chỉ đạo việc mua thực phẩm và nông sản khác ngoài nghĩa vụ hoặc ngoài hợp đồng, theo giá thỏa thuận ở các địa phương, để tránh sơ hở về giá cả giữa các vùng khác nhau, nhất là ở các nơi giáp ranh các tỉnh.
Các tỉnh cần phát triển mạnh lực lượng thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, bố trí hợp lý mạng lưới và sử dụng tốt số lao động thương nghiệp xã hội chủ nghĩa trên địa bàn của từng huyện và ở cơ sở, nhằm làm tốt công tác kinh doanh thương nghiệp.
3. Riêng đối với ngành nội thương, ngoài kế hoạch mua vào bán ra theo giá chỉ đạo, các cơ sở thương nghiệp quốc doanh, hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tiêu thụ phải đẩy mạnh kinh doanh các mặt hàng ở địa phương ngoài diện mua và bán theo giá chỉ đạo và theo hợp đồng, chú trọng các loại nông sản thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng thông thường. Đối với các mặt hàng mua theo giá thỏa thuận, thì bán ra theo giá bảo đảm kinh doanh (không có lãi) để bổ sung thêm ngoài các mặt hàng cung cấp theo tiêu chuẩn định lượng và phục vụ tốt hơn đời sống của nhân dân. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cùng với Bộ Nội thương, Bộ Vật tư tính toán dành ra một số vật tư, hàng hóa để bán theo giá cao (xấp xỉ với giá thị trường), lấy tiền mua nông sản theo giá thỏa thuận hoặc dùng để khuyến khích việc trao đổi hàng hóa giữa Nhà nước và nông dân theo giá thỏa thuận.
Trong khi thực hiện việc thu mua theo giá thỏa thuận, các địa phương phải thường xuyên coi trọng việc giáo dục, động viên nông dân phát huy tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, làm tốt nghĩa vụ đối với Tổ quốc, hoàn thành tốt việc nộp thuế và bán theo đồng kinh tế hai chiều cho Nhà nước.
| T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |