Quyết định 3742/QĐ-UBND

Quyết định 3742/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt quy hoạch phát triển bưu chính viễn thông đến 2010, định hướng 2020 do tỉnh Quảng Ninh ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 3742/QĐ-UBND 2008 phát triển bưu chính viễn thông Quảng Ninh đến 2010


UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3742/QĐ-UBND

Hạ Long, ngày 20 tháng 11 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông ngày 25/02/2002;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội;

Căn cứ Quyết định số 158/2001/QĐ-TTg ngày 18/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển bưu chính, viễn thông Việt Nam đến 2010 và định hướng đến 2020;

Căn cứ Quyết định số 236/2005/QĐ-TTg ngày 26/9/2005 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển bưu chính Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 32/2006/QĐ-TTg ngày 07/2/2006 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông và internet Việt Nam đến năm 2010;

Căn cứ Văn bản số 682-TB/UB ngày 05/5/2008 của Tỉnh uỷ Quảng Ninh thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Quy hoạch phát triển bưu chính viễn thông và Quy hoạch phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1017/KHĐT – QHCS ngày 23/6/2008 và của Sở Thông tin và Truyền thông tại văn bản số 137/TTr-STTTT ngày 16/6/2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

I. Mục tiêu chung

- Phát triển lĩnh vực bưu chính, viễn thông theo định hướng phát triển tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020.

- Phù hợp định hướng phát triển bưu chính, viễn thông quốc gia, sớm đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp hoá vào năm 2015.

- Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm thực hiện thành công các dự án về bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh.

- Phục vụ công tác quản lý nhà nước và các hoạt động kinh tế khác có hiệu quả trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chính sách vùng sâu, vùng xa và nhân dân trong tỉnh.

- Tạo môi trường pháp lý thuận lợi thu hút đầu tư của các doanh nghiệp kinh doanh bưu chính, viễn thông và Internet trên địa bàn tỉnh. Thúc đẩy phát triển và phổ cập các dịch vụ bưu chính, viễn thông và Internet tới tất cả các vùng, miền trong tỉnh với chất lượng phục vụ ngày càng cao, rút ngắn khoảng cách về sử dụng dịch vụ giữa các vùng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.

II. Mục tiêu cụ thể và các chỉ tiêu về bưu chính đến năm 2020

1. Mục tiêu cụ thể:

- Phát triển bưu chính theo hướng cơ giới hóa, tin học hóa nhằm đạt trình độ hiện đại, cung cấp các dịch vụ đa dạng theo tiêu chuẩn quốc tế.

- Phát triển thị trường theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, kết hợp cung cấp dịch vụ công ích với các dịch vụ thương mại; rút ngắn thời gian phát báo, công văn, thư từ đến tay người nhận, nhất là các địa phương miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa.

2. Các chỉ tiêu đến năm 2010

* Chỉ tiêu đến năm 2010

- Duy trì tốc độ tăng doanh thu hàng năm đạt 15%;

- Tổng doanh thu từ bưu chính đạt trên 30 tỷ;

- Tỷ trọng doanh thu các dịch vụ bưu chính truyền thống chiếm 40%;

- Giảm chỉ tiêu bán kính phục vụ bình quân xuống khoảng 2,14 km, số dân phục vụ bình quân 3.500 người/1 điểm .

*Chỉ tiêu đến năm 2015

- Duy trì tốc độ tăng doanh thu hàng năm đạt 20%;

- Tổng doanh thu bưu chính là trên 61 tỷ;

- Tỷ trọng doanh thu từ các dịch vụ bưu chính truyền thống 20%;

- Giảm chỉ tiêu bán kính phục vụ bình quân xuống khoảng 1,88km, số dân phục vụ bình quân 2.000 người/1 điểm .

*Chỉ tiêu đến năm 2020

- Duy trì tốc độ tăng doanh thu hàng năm >20%;

- Doanh thu từ các dịch vụ như bưu phẩm, bưu kiện, chuyển tiền, phát hành báo chí, chuyển phát nhanh, tiết kiệm bưu điện đạt gần 100 tỷ;

- Tỷ trọng dịch vụ bưu chính truyền thống còn dưới 10%.

- Giảm chỉ tiêu bán kính phục vụ bình quân xuống khoảng 1,73km, số dân phục vụ bình quân 1.500 người/1 điểm .

3. Nội dung quy hoạch phát triển bưu chính đến năm 2020

3.1 Mạng bưu cục, điểm phục vụ

Giai đoạn 2008-2010: Nâng cấp các điểm đại lý và kiốt cũ đảm bảo phục vụ đa dịch vụ bưu chính. Phát triển mới 150 điểm đại lý và kiốt.

Giai đoạn 2011-2015: Phát triển 120 điểm đại lý và kiốt.

Giai đoạn 2016-2020: Phát triển 100 điểm đại lý và kiốt.

Chỉ tiêu bán kính phục vụ bình quân đến năm 2010 là 2,14 km.

Chỉ tiêu bán kính phục vụ bình quân đến năm 2015 là 1,88 km.

Chỉ tiêu bán kính phục vụ bình quân đến năm 2020 là 1,73km.

3.2 Mạng vận chuyển

Nâng tần xuất các tuyến đường thư lên ít nhất 2 chuyến 1 ngày.

Kết hợp với trung tâm chia chọn vùng phân chia thư, bưu phẩm, bưu kiện đến cấp xã.

Phát triển thêm các tuyến đường thư mới tới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch, khu kinh tế mới xây dựng.

3.3 Dịch vụ

Tập trung nguồn lực phát triển các dịch vụ có khả năng mang lại lợi nhuận cho bưu chính: chuyển phát nhanh, chuyển tiền, tiết kiệm bưu điện,…

Phát triển các dịch vụ tài chính mới: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, trả lương hưu, nhờ thu, phát cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trong tỉnh.

Mở rộng các dịch vụ tài chính vốn có (tiết kiệm bưu điện, chuyển tiền nhanh...).

Phát triển các dịch vụ làm đại lý cho viễn thông như phát hóa đơn, thu cước, tiếp nhận yêu cầu cung cấp dịch vụ.

Duy trì và phát triển các dịch vụ tại điểm bưu điện văn hóa xã như dịch vụ cung cấp thông tin bằng hình thức thư viện văn hóa xã, trung tâm thông tin cơ sở.

Phát triển điểm phục vụ theo mô hình cung cấp đa dịch vụ (Postshop).

3.4 Lao động và tổ chức sản xuất

- Lao động

+ Chỉ tiêu phát triển nguồn nhân lực mỗi năm tăng 1% tổng số lao động.

+ Cơ cấu lao động bưu chính đến năm 2010: 20% lao động trình độ đại học và trên đại học, 70% lao động trình độ cao đẳng và trung cấp, 10% lao động phổ thông nhưng đã qua các lớp đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ bưu chính.

+ Đến năm 2015: 30% lao động trình độ đại học và trên đại học, 60% lao động còn lại trình độ cao đẳng và trung cấp, không sử dụng lao động phổ thông.

+ Đến năm 2020: vẫn với cơ cấu trên nhưng các lao động phải được tin học hóa, trình độ ngoại ngữ thành thạo tùy thuộc vào yêu cầu công việc.

- Đổi mới tổ chức sản xuất

+ Mở cửa thị trường chuyển phát và chuyển phát thư.

+ Ứng dụng công nghệ thông tin phát triển mạng tin học bưu chính.

+ Áp dụng tin học hóa trong bưu chính.

+ Áp dụng chuẩn hóa các loại bao bì bưu chính.

+ Ứng dụng công nghệ đổi mới hệ thống quản lý, khai thác để nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành dịch vụ.

III. Mục tiêu cụ thể và các chỉ tiêu về bưu chính đến năm 2020

1. Mục tiêu cụ thể

- Viễn thông là ngành quan trọng thuộc kết cấu hạ tầng, kinh tế - dịch vụ của tỉnh, cần phát triển đồng bộ với cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và là điều kiện phát triển cho các ngành kinh tế khác. Phát triển viễn thông và Internet trong xu thế hội tụ với công nghệ thông tin và truyền thông trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

- Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông có công nghệ hiện đại, độ phủ rộng khắp với thông lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao. Phát triển viễn thông cần chú trọng đảm bảo an toàn mạng lưới thông tin. Phổ cập các dịch vụ viễn thông cơ bản và Internet. Đảm bảo 100% xã có điểm truy cập Internet, 100% số huyện được cung cấp Internet băng thông rộng, 100% người sử dụng được truy cập miễn phí các dịch vụ bắt buộc, ưu tiên phát triển nhanh các dịch vụ mới, dịch vụ giá trị gia tăng đáp ứng nhu cầu xã hội .

- Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông, tin học quốc gia có công nghệ hiện đại, hoạt động hiệu quả, an toàn và tin cậy, phủ sóng rộng đến vùng sâu, vùng xa, của tỉnh. Hình thành mạng lưới thông tin có dung lượng lớn, tốc độ cao, trên cơ sở hội tụ công nghệ và dịch vụ viễn thông, tin học, truyền thông, quảng bá. Ứng dụng các phương thức truy nhập băng rộng tới tận hộ tiêu dùng: Cáp quang, vô tuyến băng rộng, thông tin vệ tinh (VINASAT) v.v..., làm nền tảng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, thương mại điện tử, và các lĩnh vực khác như tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, phòng chống thiên tai.

- Các trường học, bệnh viện; các sở, ban, ngành, chính quyền cấp tỉnh và huyện, xã được kết nối Internet và kết nối với mạng diện rộng của tỉnh, phát triển chính phủ điện tử, thương mại điện tử, các dịch vụ ngân hàng, tài chính, hải quan…

Phát huy mọi nguồn nội lực để mở rộng, phát triển hạ tầng mạng viễn thông. Tạo lập thị trường cạnh tranh, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường dịch vụ viễn thông, Internet. Khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư, phát triển hạ tầng viễn thông, phổ cập dịch vụ, phát triển dịch vụ viễn thông công ích.

2. Các chỉ tiêu

*Chỉ tiêu đến năm 2010:

- Các chỉ tiêu viễn thông ở mức cao của cả nước (mật độ điện thoại toàn tỉnh phấn đấu ở mức 80 thuê bao/100 dân; trong đó mật độ điện thoại cố định là 25 thuê bao/100 dân, di động là 55 thuê bao/100 dân, mật độ thuê bao Internet đạt trên 13 thuê bao/100 dân, số dân sử dụng Internet đạt 30%).

*Chỉ tiêu đến năm 2015

Quảng Ninh đạt chỉ tiêu viễn thông nằm trong nhóm các tỉnh phát triển mạnh về viễn thông, mật độ thuê bao toàn tỉnh đạt 104 thuê bao/100 dân; trong đó thuê bao cố định đạt 32 thuê bao/100 dân, thuê bao di động đạt 72 thuê bao/100 dân, mật độ thuê bao Internet đạt 33 thuê bao/100 dân, số dân sử dụng Internet đạt 60%.

*Chỉ tiêu đến năm 2020:

Đến năm 2020 có sự hội tụ dịch vụ của các thuê bao viễn thông. Thời điểm này việc phân biệt thuê bao di động, thuê bao cố định và thuê bao Internet chỉ là tương đối. Khi đó, với một thiết bị viễn thông người dân có thể sử dụng các dịch vụ của thuê bao cố định, thuê bao di động và truy cập và sử dụng dịch vụ Internet mọi lúc mọi nơi.

3. Nội dung quy hoạch phát triển viễn thông đến năm 2020

3.1 Mạng chuyển mạch

- Giai đoạn đến năm 2010

Giữ nguyên công nghệ chuyển mạch truyền thống (công nghệ ghép kênh chia theo thời gian TDM) đến hết năm 2008. Từ năm 2009 bắt đầu lắp đặt các thiết bị cổng đa phương tiện (Media Gateway), kết nối vào mạng cũ nhưng có khả năng cung cấp dịch vụ của mạng thế hệ sau (NGN).

- Giai đoạn 2011 – 2015

Lắp đặt các thiết bị trung tâm theo công nghệ mạng hội tụ. Lắp tại trung tâm thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả tổng đài chuyển mạch đa dịch vụ (Multiservice Switch), thay thế tổng đài trung tâm 1 và tổng đài trung tâm 2.

Thay thế các thiết bị chuyển mạch truyền thống tại thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả, thị xã Uông Bí, thị xã Móng Cái, trung tâm các huyện bằng các thiết bị truy nhập đa dịch vụ băng rộng (Multiservice Acess) và thiết bị cổng đa phương tiện (Media Gateway).

- Giai đoạn 2016 – 2020

Xây dựng mạng chuyển mạch đa dịch vụ tốc độ cao, các thiết bị chuyển mạch đa dịch vụ (Multi-service Switch) với công nghệ chuyển mạch theo các giao thức IP để thay thế mạng chuyển mạch kênh truyền thống. Sau khi hình thành mạng lõi NGN sẽ triển khai hệ thống chuyển mạch NGN trong tỉnh.

3.2 Mạng truyền dẫn

Tiến hành nâng cấp dung lượng các tuyến truyền dẫn, cáp quang hóa toàn bộ mạng truyền dẫn, nối vòng ring các điểm chuyển mạch để đảm bảo an toàn thông tin trong mọi trường hợp.

Xây dựng mạng cáp quang biển nhằm đảm bảo thông tin cho huyện Vân Đồn và huyện đảo Cô Tô.

Xây dựng mạng cáp quang theo các tuyến quốc lộ sẽ được xây dựng như tuyến cao tốc: Hà Nội – Hạ Long – Móng Cái; tuyến ven biển: Quảng Ninh – Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái.

- Giai đoạn 2011 – 2015

Xây dựng mạng cáp quang đến cụm thôn.

Nâng cấp hạ tầng truyền dẫn cho mạng chuyên dụng của tỉnh Quảng Ninh.

- Giai đoạn 2016 – 2020

Phát triển mạng truy nhập quang trong toàn tỉnh theo mô hình mạng NGN đa dịch vụ.

Xây dựng mạng cáp quang đến cụm thuê bao.

Đối với các khu vực cụm dân cư được xây dựng mới, đảm bảo hạ tầng cáp quang đến thuê bao.

3.3 Mạng ngoại vi

Thực hiện ngầm hoá đến khu vực dân cư, cụm dân cư, khu công nghiệp. Phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiện đại hoá mạng ngoại vi. Tiến độ xây dựng tuyến cống bể theo dự án nâng cấp và xây dựng mới đường đô thị.

Khi có nhiều doanh nghiệp cùng có nhu cầu xây dựng tuyến cáp ngoại vi bắt buộc phải sử dụng chung cơ sở hạ tầng.

Đối với hệ thống cáp treo, các doanh nghiệp cũng phải quy hoạch theo hướng sử dụng chung cơ sở hạ tầng.

- Giai đoạn 2008 – 2010: Tỷ lệ ngầm hóa đạt 70% tại trung tâm huyện, thị xã và 100% ngầm hóa tại khu đô thị, khu công nghiệp mới.

- Giai đoạn 2011 – 2015: ngầm hoá 100% mạng cáp tại thành phố Hạ Long, thị xã Móng Cái, thị xã Uông Bí, thị xã Cẩm Phả, các trung tâm huyện, thị. Tiến độ xây dựng các tuyến cáp ngầm đồng bộ với xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị.

- Giai đoạn 2016 – 2020: Ngầm hóa toàn bộ mạng cáp trên toàn tỉnh.

3.4 Mạng thông tin di động

- Giai đoạn 2008 - 2010: Phát triển nhanh về trạm BTS, tăng vùng phủ sóng toàn tỉnh, đảm bảo chỉ tiêu 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng.

- Giai đoạn 2011 - 2015: Phát triển dịch vụ truy nhập vô tuyến, tăng chất lượng các dịch vụ cũ, cung cấp các dịch vụ mới, đáp ứng xu hướng hội tụ của thiết bị truy nhập. 100% các xã, phường, thị trấn được phủ sóng với chất lượng đảm bảo.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Thông tin di động ứng dụng công nghệ truy nhập vô tuyến băng rộng Wimax.

3.5 Mạng truy nhập Internet

Truy nhập Internet băng rộng sẽ được phát triển theo 2 phương thức qua mạng cáp nội hạt và vô tuyến:

Giai đoạn 2008 - 2015: phát triển chủ yếu theo hướng truy nhập Internet qua mạng nội hạt, bước đầu xây dựng mạng NGN.

Giai đoạn 2016 - 2020: phát triển chủ yếu theo công nghệ NGN và công nghệ kết nối vô tuyến băng thông rộng Wimax với tốc độ truyền dữ liệu cao, có thể lên tới 100 Mbps, khu vực phủ sóng rộng hơn 50 km, khả năng bảo mật cao. WiMax sẽ phủ sóng Internet vô tuyến trên một phạm vi rộng cả thành phố hoặc nhiều thành phố giống như phủ sóng điện thoại di động.

3.6 Lao động và tổ chức sản xuất

Lao động viễn thông sẽ phát triển theo hướng nâng cao năng suất, giá trị của lao động trong sản phẩm. Chất lượng lao động phải đáp ứng được nhu cầu về công nghệ mới, dịch vụ mới, chất lượng ngày một nâng cao.

Nguồn nhân lực viễn thông tăng bình quân 2%/1 năm. Về chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo đến 2020 đạt 40% có trình độ đại học và trên đại học, chủ yếu là trình độ điện tử viễn thông, Công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh… lao động trình độ cao đẳng chiếm 30%, còn lại là trình độ trung cấp và không có lao động phổ thông.

Tổng nguồn nhân lực dự báo đến năm 2010 là 948 lao động, năm 2015 là 996 lao động, năm 2020 là 1.047 lao động.

IV. Giải pháp thực hiện quy hoạch

1. Giải pháp

* Cơ chế chính sách

Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư và cung cấp dịch vụ bưu chính, chuyển phát, phát hành báo chí; chú trọng cộng tác với các tổ chức, đoàn thể, lao động tại các xã tham gia phổ cập dịch vụ bưu chính, đầu tư mạng viễn thông vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo.

Xây dựng cơ chế ưu đãi cho các đối tượng cung cấp dịch vụ ở khu vực khó khăn, phục vụ cho phát triển du lịch và công nghiệp của tỉnh.

Tăng cường việc phổ cập, cung cấp các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin tại các điểm bưu điện văn hóa xã.

Ưu đãi cho các doanh nghiệp cùng đầu tư, đóng góp và chia sẻ đường truyền, cung cấp hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin cho các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Ban hành cơ chế phối hợp về đầu tư và sử dụng chung cơ sở hạ tầng như cống bể, cột treo cáp, cột anten… đảm bảo các nguyên tắc tận dụng cơ sở hạ tầng viễn thông sẵn có, tránh đầu tư chồng chéo, xây dựng quy định ngầm hóa mạng viễn thông, hạn chế việc đào đường và xây dựng nhiều cột anten di động trong phạm vi phủ sóng. Thực hiện cấp giấy phép về đào đường một lần trong thời gian nhất định (3 – 5 năm), bắt buộc các doanh nghiệp phải phối hợp với nhau cùng thực hiện nếu như muốn sử dụng hạ tầng chung. Các hình thức sử dụng chung cơ sở hạ tầng được khuyến khích áp dụng bao gồm: cùng đầu tư xây dựng các hệ thống chuyển mạch, truyền dẫn và chia sẻ dung lượng theo tỷ lệ đầu tư, thuê cáp, sợi cáp, thuê cột anten, nhượng quyền sử dụng các hệ thống viễn thông (cho thuê dài hạn)... chính quyền, địa phương tạo điều kiện có mặt bằng để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cống, bể cáp, cột anten...

* Phát triển nguồn nhân lực

Xây dựng chính sách đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn lao động bưu chính, viễn thông, đặc biệt tại các điểm bưu điện văn hóa xã để đáp mở rộng cung cấp đa dịch vụ.

Có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài tỉnh làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước.

Bổ xung và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cấp huyện trong lĩnh vực quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông.

Ưu đãi thu nhập cho lao động tại các điểm bưu điện văn hóa xã từ nguồn thu các dịch vụ do tỉnh đầu tư.

Triển khai các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về viễn thông và Internet ở địa phương phù hợp với yêu cầu của giai đoạn cạnh tranh và hội nhập. Ưu tiên các chương trình đào tạo lãnh đạo công nghệ thông tin (CIO), chuyên gia cao cấp về viễn thông và Internet.

Áp dụng các chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với đội ngũ chuyên gia quản lý, kinh tế, kỹ thuật giỏi đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh ngày càng cao trong lĩnh vực viễn thông và Internet.

Điều chỉnh cơ cấu lao động trong ngành viễn thông và Internet theo hướng tăng cường thuê dịch vụ, nhân công bên ngoài để tận dụng lực lượng lao động xã hội và tăng năng suất lao động trong lĩnh vực viễn thông và Internet.

* Phát triển khoa học công nghệ

Nghiên cứu triển khai cung cấp các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dân sinh tại các điểm bưu điện văn hóa xã, áp dụng công nghệ mới phục vụ phát triển du lịch.

Khuyến khích thử nghiệm, triển khai áp dụng công nghệ mới trong đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng mạng lưới.

Tăng cường hợp tác nghiên cứu trong quản lý, phát triển khoa học công nghệ bưu chính, viễn thông.

* Quản lý Nhà nước

Kiểm tra, thanh tra và giám sát và phối hợp với các ngành liên quan về việc xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định và các quy chế thực hiện ngầm hóa mạng viễn thông và xây dựng trạm phát sóng di động.

Sử dụng chính sách quản lý Nhà nước định hướng các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và cung cấp dịch vụ cho vùng núi, biên giới, hải đảo.

Phối hợp với các ngành và doanh nghiệp giám sát sử dụng dịch vụ bảo vệ an ninh biên giới và đảm bảo quốc phòng an ninh.

* Huy động vốn đầu tư

Tận dụng hiệu quả nguồn quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, các nguồn hỗ trợ phát triển dịch vụ bưu chính viễn thông công ích từ Trung ương.

Huy động tiềm năng của các thành phần kinh tế và các tầng lớp dân cư trong tỉnh xây dựng mạng điểm cung cấp dịch vụ bưu chính, cung cấp dịch vụ giải trí, tài chính, ứng dụng trên hạ tầng viễn thông.

( Các chương trình dự án ưu tiên tại Phụ lục I, Phụ lục II kèm theo Quyết định này)

Điều 2: Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông.

- Tổ chức triển khai và theo dõi thực hiện quy hoạch bưu chính viễn thông đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; làm đầu mối phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện quy hoạch. Báo cáo và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc theo dõi và chỉ đạo các doanh nghiệp có liên quan thực hiện quy hoạch.

- Xây dựng và đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh về cơ chế ưu đãi các doanh nghiệp chủ động xây dựng cơ sở hạ tầng đi trước đón đầu đóng góp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; Phối hợp với các địa phương và các ngành trong tỉnh quy hoạch địa điểm cung cấp dịch vụ; phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội và các ngành có liên quan tham gia phổ cập dịch vụ và thực hiện các dự án người dân sử dụng dịch vụ.

2. Trách nhiệm của các Sở, ban ngành thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp có liên quan.

- Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Uỷ ban nhân dân các địa phương có liên quan và các doanh nghiệp viễn thông xây dựng kế hoạch triển khai nâng cấp các tuyến đường giao thông để thực hiện ngầm hoá mạng truyền dẫn, mạng cáp nội hạt phù hợp với quy hoạch từng thời kỳ.

- Sở Xây dựng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất ban hành quy định hướng dẫn việc xây dựng các công trình viễn thông và cáp điện thoại trong các khu đô thị đảm bảo chất lượng và mỹ quan. Đồng thời trong quá trình thẩm định các quy hoạch các công trình công cộng phải lưu ý dành diện tích, mặt bằng xây dựng các hạng mục công trình thuộc hạ tầng bưu chính viễn thông phù hợp với quy hoạch phát triển, tạo thuận lợi cho việc cung cấp và sử dụng dịch vụ.

- Các Sở, ban ngành theo chức năng, nhiệm vụ được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông thực hiện Quy hoạch phát triển này.

- Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo triển khai quy hoạch phát triển bưu chính viễn thông trên địa bàn quản lý.

3. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông trên địa bàn căn cứ vào quy hoạch này để xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp, đảm bảo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh- quốc phòng của tỉnh.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Thủ trưởng các Sở ban ngành của tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và Thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông (báo cáo);
- TT Tỉnh uỷ, TT HĐND tỉnh (báo cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Văn phòng TU, VP HĐND và Đoàn ĐB QH tỉnh;
- Các tổ chức đoàn thể của tỉnh;
- Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông;
- V0,V1, các CV VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, MT.
100 bản, H-QĐ 103

TM. UBND TỈNH QUẢNG NINH
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nhữ Thị Hồng Liên

 

PHỤ LỤC I.

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM BƯU CHÍNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-UBND ngày /9/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

STT

Hạng mục đầu tư

Nguồn vốn

Thời gian thực hiện

1

Xây dựng thư viện tại điểm Bưu điện văn hoá xã

Ngân sách tỉnh

2008- 2015

2

Mạng vận chuyển

Doanh nghiệp

2008 -2015

3

Ứng dụng tin học hóa điểm phục vụ

Doanh nghiệp

2008 -2012

4

Tự động hóa các điểm bưu cục

Doanh nghiệp

2012-2015

5

Chuyển đổi mô hình postshop

Doanh nghiệp

2016-2020

 

PHỤ LỤC II.

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂMVIỄN THÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-UBND ngày /9/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

STT

Hạng mục đầu tư

Nguồn vốn

Thời gian thực hiện

1

Mạng ngoại vi

Doanh nghiệp

2008- 2020

2

Thuê bao NGN

Doanh nghiệp

2008- 2020

3

Điện thoại di động

Doanh nghiệp

2008- 2020

4

Truyền dẫn

Doanh nghiệp

2008- 2020

5

Trung tâm thông tin cơ sở

Ngân sách tỉnh

2008- 2020

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 3742/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu3742/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành20/11/2008
Ngày hiệu lực20/11/2008
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Công nghệ thông tin
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật16 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 3742/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 3742/QĐ-UBND 2008 phát triển bưu chính viễn thông Quảng Ninh đến 2010


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 3742/QĐ-UBND 2008 phát triển bưu chính viễn thông Quảng Ninh đến 2010
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu3742/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Quảng Ninh
                Người kýNhữ Thị Hồng Liên
                Ngày ban hành20/11/2008
                Ngày hiệu lực20/11/2008
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Công nghệ thông tin
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật16 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản gốc Quyết định 3742/QĐ-UBND 2008 phát triển bưu chính viễn thông Quảng Ninh đến 2010

                        Lịch sử hiệu lực Quyết định 3742/QĐ-UBND 2008 phát triển bưu chính viễn thông Quảng Ninh đến 2010

                        • 20/11/2008

                          Văn bản được ban hành

                          Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                        • 20/11/2008

                          Văn bản có hiệu lực

                          Trạng thái: Có hiệu lực