Quyết định 3779/QĐ-UBND

Quyết định 3779/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2030

Nội dung toàn văn Quyết định 3779/QĐ-UBND 2021 Đề án du lịch sinh thái Vườn quốc gia Côn Đảo Vũng Tàu


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3779/QĐ-UBND

Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 09 tháng 11 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN DU LỊCH SINH THÁI, NGHỈ DƯỠNG, GIẢI TRÍ VƯỜN QUỐC GIA CÔN ĐẢO, TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;

Căn cứ Quyết định số 870/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030”;

Căn cứ Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định quản lý rừng bền vững;

Căn cứ văn bản số 1183/TCLN-ĐDPH ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Tổng cục Lâm nghiệp hướng dẫn xây dựng Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ;

Căn cứ Quyết định số 1668/QĐ-UBND ngày 18 tháng 6 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững Vườn quốc gia Côn Đảo giai đoạn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 340/TTr-SNN ngày 20 tháng 10 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2030, có các nội dung chính như sau:

1. Tên Đề án: Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2030.

2. Tên chủ rừng: Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo.

3. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2021-2030.

4. Mục tiêu:

- Khai thác các tiềm năng tự nhiên về cảnh quan, môi trường và sự đa dạng về tài nguyên tự nhiên của hệ sinh thái rừng, biển, đất ngập nước, di tích lịch sử để phát triển du lịch sinh thái.

- Thông qua phát triển du lịch góp phần tuyên truyền, giáo dục cho người dân và du khách các giá trị về tự nhiên, văn hóa, lịch sử và nhân văn của Côn Đảo để nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường.

- Phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch phục vụ nghỉ ngơi, giải trí, tham quan, học tập và nghiên cứu khoa học, làm phong phú thêm các hoạt động du lịch của huyện Côn Đảo.

- Tạo cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư từ các nguồn vốn của doanh nghiệp, nhà đầu tư để tạo nguồn lực cho việc xây dựng và phát triển ngành du lịch Côn Đảo theo hướng bền vững.

- Nâng cao năng lực quản lý cho Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo.

5. Hiện trạng tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch và các loại sản phẩm du lịch:

a) Tài nguyên thiên nhiên

Vườn quốc gia Côn Đảo có thành phần thực vật tương đối phong phú và đa dạng với 1.077 loài thực vật bậc cao thuộc 640 chi, 160 họ. Hệ động vật rừng Côn Đảo đến nay đã ghi nhận được 155 loài, trong đó lớp thú chiếm 25 loài, chim 85 loài, bò sát 32 loài, lưỡng cư 13 loài; Hệ sinh thái biển của Vườn quốc gia Côn Đảo cũng đa dạng và phong phú với nhiều hệ sinh thái đặc trưng như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn. Các nghiên cứu đã xác định được khoảng 1.725 loài sinh vật biển thuộc các nhóm thực vật biển, sinh vật phù du, san hô, giun nhiều tơ, thân mềm, giáp xác, da gai, cá rạn san hô; Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi có số lượng rùa biển lên đẻ hàng năm, nơi thực hiện việc bảo tồn và cứu hộ loài Rùa xanh (Green turle) nhiều nhất của Việt Nam và quan trọng của khu vực Đông Nam Á - Ấn Độ Dương.

b) Tài nguyên du lịch

Các hệ sinh thái tự nhiên có giá trị cao về đa dạng sinh học rừng, đất ngập nước và biển, rất thuận lợi cho việc hình thành các loại hình du lịch sinh thái có đẳng cấp quốc gia, quốc tế, hấp dẫn khách du lịch thích các sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên, tìm hiểu các hệ sinh thái tự nhiên; Có các loài động vật, thực vật đặc hữu, quý, hiếm tiêu biểu cho các hệ sinh thái, đã, đang và sẽ trở thành các tiềm năng cho đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái như: xem rùa đẻ trứng, lặn xem san hô, leo núi ngắm rừng, du lịch thể thao, khám phá thiên nhiên; Vườn quốc gia Côn Đảo được nhiều tổ chức quốc tế công nhận danh hiệu như: Khu Ramsar của thế giới; thành viên chính thức của mạng lưới các Khu bảo tồn rùa biển Ấn Độ Dương - Đông Nam Á...

c) Các sản phẩm du lịch sinh thái, giải trí, nghỉ dưỡng

- Các sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù và nổi tiếng: Trải nghiệm xem rùa biển đẻ trứng và xem thả rùa con về biển; Bơi, lặn khám phá hệ sinh thái biển; Tham quan yến tự nhiên làm tổ tại các hang yến; Khám phá sân chim biển ở đảo Hòn Trứng...;

- Các sản phẩm du lịch có tiềm năng phát triển cao: Khám phá thiên nhiên; giải trí, thư giãn; thể thao; nghỉ dưỡng và tĩnh dưỡng, chữa bệnh...

6. Các tuyến du lịch sinh thái:

Tuyến 1: Đảo Côn Sơn - các đảo nhỏ;

Tuyến 2: Đảo Côn Sơn - Hòn Tài - hòn Bảy Cạnh;

Tuyến 3: Đảo Côn Sơn - hòn Bảy Cạnh - Hòn Cau;

Tuyến 4: Đảo Côn Sơn - hòn Tre Lớn - hòn Tre Nhỏ;

Tuyến 5: Đảo Côn Sơn - Bãi Dương - vịnh Đầm Tre;

Tuyến 6: Đảo Côn Sơn - Hòn Bà- hòn Tre Lớn;

Tuyến 7: Đảo Côn Sơn - Hòn Trứng - Đầm Tre;

Tuyến 8: Ma Thiên Lãnh - Hang Đức Mẹ - Ông Đụng;

Tuyến 9: Ma Thiên Lãnh - Hang Đức Mẹ - Đất Thắm - Bãi Bàng;

Tuyến 10: Ma Thiên Lãnh - bãi Đầm Trầu - bãi Ông Cường;

Tuyến 11: Ma Thiên Lãnh - hồ An Hải - núi Thánh Giá;

Tuyến 12: Ma Thiên Lãnh - Sở Ray - Bãi Ông Đụng;

Tuyến 13: Ma Thiên Lãnh - Mũi Cá Mập - Bến Đầm - Hòn Bà;

Tuyến 14: Ma Thiên Lãnh - Suối Ớt - vịnh Đầm Tre;

Tuyến 15: Ma Thiên Lãnh - Núi Chúa - Nhà Bàn - Cỏ Ống;

Tuyến 16: Đất Dốc - Núi Nhà Bàn;

Tuyến 17: Sân bay Cỏ Ống - Hòn Cau.

7. Địa điểm, diện tích cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí:

Theo Quyết định số 1668/QĐ-UBND ngày 18/6/2020 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững Vườn quốc gia Côn Đảo đến năm 2030, có 20 địa điểm cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn thiên nhiên với diện tích 888,23 ha thuộc hợp phần rừng và 20 ha thuộc phân khu dịch vụ-hành chính hợp phần biển, cụ thể như sau:

STT

Vị trí

Tiểu khu

Diện tích (ha)

Phân khu chức năng

Tổng

Phối hợp sinh thái

Dịch vụ hành chính

1

Bãi Cát Lớn

Hòn Bà

 

19,82

19,82

2

Bãi Dài, Bãi Mới

58

16,98

16,32

33,30

3

Bãi Đầm Trầu nhỏ

56B, 57

 

56,52

56,52

4

Bãi Dương

Hòn Bảy Cạnh

 

54,04

54,04

5

Bãi Nhát, Bến Đầm

60

 

41,49

41,49

6

Bãi Ông Cường

55B

 

66,91

66,91

7

Đá Cuội, Suối Thị

60

 

42,08

42,08

8

Đá Trắng

60

 

24,69

24,69

9

Vịnh Đầm Tre

55B

91,35

42,02

133,37

10

Đất Thắm, Bãi Bàng

57

 

51,56

51,56

11

Hòn Cau

Hòn Cau

39,14

60,78

99,92

12

Hòn Tài

Hòn Tài

 

33,59

33,59

13

Hòn Tre lớn

Hòn Tre Lớn

 

33,00

33,00

14

Hòn Tre nhỏ

Hòn Tre Nhỏ

 

11,73

11,73

15

Mũi Chim Chim

56B

 

9,36

9,36

16

Bãi Ông Câu

58

10,63

27,25

37,88

17

Bãi Ông Đụng

57,58

 

68,07

68,07

Hợp phần biển

 

20

20

18

Sở Ry

58

 

31,72

31,72

19

Suối Ớt

56B

9,6

12,98

22,58

20

Ma Thiên Lãnh

57,58

 

16,60

16,60

 

Tổng

 

167,70

740,53

908,23

8. Các phương thức tổ chức thực hiện đề án du lịch sinh thái:

Thực hiện theo phương thức tự tổ chức và cho thuê môi trường rừng phù hợp với Phương án quản lý rừng bền vững và Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Côn Đảo đến năm 2030.

9. Quản lý quy mô xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí:

Công trình xây dựng tại các địa điểm cho thuê môi trường rừng phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Theo đúng quy định tại Điều 15 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ;

- Chủ đầu tư phải lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trình cấp thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai dự án trên thực địa;

- Chỉ được xây dựng công trình ở những nơi đất trống, trảng cỏ, đất có cây bụi không có khả năng tự phục hồi. Đồng thời do đặc thù quỹ đất huyện Côn Đảo hạn chế và nhằm giữ vững mục tiêu bảo tồn thiên nhiên, giữ vững độ che phủ rừng Vườn quốc gia Côn Đảo nên UBND tỉnh quy định tỷ lệ xây dựng công trình lưu trú tại các địa điểm cho thuê môi trường rừng như sau:

+ Tỷ lệ diện tích đất xây dựng công trình lưu trú không quá 5% tổng diện tích thuê môi trường rừng.

+ Tỷ lệ diện tích xây dựng sân, bãi đậu xe, đường mòn, hạ tầng kỹ thuật không quá 15% đối với diện tích thuê môi trường rừng dưới 50ha và không quá 10% đối với diện tích thuê môi trường rừng trên 50 ha.

10. Cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí

- Chủ rừng được phép cho các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng đặc dụng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Việc cho thuê môi trường rừng đặc dụng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải được thông báo rộng rãi.

- Giá cho thuê môi trường rừng do các bên tự thỏa thuận nhưng không thấp hơn 1% tổng doanh thu thực hiện trong năm của bên thuê môi trường rừng trong phạm vi diện tích thuê môi trường rừng.

- Trường hợp có hai tổ chức, cá nhân trở lên cùng đề nghị được thuê môi trường rừng thì tổ chức đấu giá với mức giá khởi điểm không thấp hơn 1% tổng doanh thu thực hiện trong năm của bên thuê môi trường rừng trong phạm vi diện tích thuê môi trường rừng.

- Thời gian thuê không quá 30 năm, định kỳ 5 năm đánh giá việc thực hiện hợp đồng, hết thời gian cho thuê nếu bên thuê thực hiện đúng hợp đồng và có nhu cầu thì chủ rừng xem xét tiếp tục kéo dài thời gian cho thuê.

- Trước khi ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng, chủ rừng phải điều tra thống kê tài nguyên rừng trên diện tích cho thuê để làm căn cứ cho thuê và giám sát, đánh giá việc thực hiện hợp đồng.

11. Các giải pháp bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng, biển, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường:

a) Các giải pháp bảo vệ rừng, biển

- Xác định rõ ranh giới cho thuê môi trường rừng ngoài thực địa và trên bản đồ; xây dựng cơ sở dữ liệu, cập nhật thông tin diễn biến tài nguyên rừng cho từng lô, khoảnh, tiểu khu rõ ràng và xây dựng bản đồ hiện trạng tài nguyên thiên nhiên rừng và biển.

- Tổ chức lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ; xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng hệ thống chòi canh phù hợp nhằm thực hiện nhiệm vụ quan sát lửa rừng, phát hiện sớm cháy rừng để huy động lực lượng chữa cháy kịp thời.

- Thường xuyên tuần tra, ngăn chặn các hành vi chặt phá rừng, chăn thả gia súc, săn bắt động vật hoang dã và các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, biển.

- Nghiêm cấm các hành vi khai thác rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép, san ủi trái phép, săn bắt động vật hoang dã, khai thác thủy sản trái phép, xây dựng các công trình không theo hồ sơ phê duyệt hoặc vượt quá các quy định về mặt diện tích, quy mô cũng như chiều cao và kết cấu quy định của công trình, các hoạt động khác có nguy cơ gây hại đến môi trường và sự an toàn trong du lịch.

- Trong phạm vi thuê môi trường rừng, chỉ được cắm mốc để xác định ranh giới cho thuê. Không xây dựng rào, chắn làm chia cắt không gian, gây ảnh hưởng, trở ngại cho công tác bảo vệ rừng và môi trường sống tự nhiên của các loài hoang dã trong khu rừng.

b) Các giải pháp bảo tồn phát triển tài nguyên rừng, biển

- Đẩy mạnh hoạt động trồng bổ sung các cây xanh bản địa đối với diện tích đất trống phù hợp với điều kiện sinh thái và những cây gỗ bản địa có giá trị cao về kinh tế, bên cạnh đó phát triển các cây đặc sản rừng, cây thuốc bản địa và nuôi cấy, khoanh nuôi phục hồi san hô, di dời và cứu hộ rùa biển... giới thiệu cho du khách.

- Phát triển các dịch vụ trồng, chăm sóc và gắn biển tên cho du khách tham gia trồng cây vì môi trường ở những khu vực phù hợp tạo doanh thu, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

c) Các giải pháp bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học

- Phát triển các chương trình truyền thông, chương trình giáo dục bảo tồn thiên nhiên cho cộng đồng người địa phương, học sinh, lực lượng vũ trang và du khách thông qua các trò chơi thiên nhiên, diễn giải môi trường và hệ thống bảng biểu, pano tuyên truyền, hướng dẫn du khách ứng xử tốt với môi trường.

- Quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên lâm phần được cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái; phổ biến các quy định của pháp luật về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường cho du khách.

d) Các giải pháp bảo vệ môi trường

- Thực hiện thu gom, phân loại và xử lý rác thải bãi biển, rạn san hô; định kỳ vệ sinh môi trường các tuyến, điểm du lịch; hạn chế tối đa việc sử dụng đồ dùng một lần; bảo đảm an toàn cho du khách, yêu cầu du khách bảo vệ môi trường.

- Thực hiện tốt và tăng cường kiểm tra công tác giữ gìn trật tự, an ninh, vệ sinh môi trường tại khu vực thuê môi trường rừng; xử lý nghiêm các hành động gây rối, làm mất an toàn cho người và tài sản của khách du lịch.

12. Tổ chức giám sát hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí

Việc giám sát các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Vườn quốc gia Côn Đảo được tiến hành thường xuyên, liên tục và đánh giá theo định kỳ hàng năm, giai đoạn theo các quy định của pháp luật. Các tiêu chí giám sát bao gồm: Bảo vệ rừng và biển; bảo tồn đa dạng sinh học; bảo tồn và sử dụng hợp lý cảnh quan thiên nhiên; bảo vệ môi trường; số lượng khách du lịch...

a) Tổ chức giám sát thường xuyên

Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo có trách nhiệm tiến hành kiểm tra đánh giá các hoạt động du lịch tại Vườn quốc gia Côn Đảo thường xuyên trong suốt quá trình tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; nhằm phát hiện, cảnh báo và đề ra các biện pháp giải quyết kịp thời khi có các hoạt động vi phạm quy định, đảm bảo các hoạt động trong khu rừng đặc dụng phù hợp với những yêu cầu đặt ra trên tất cả các mặt từ kinh tế, xã hội và môi trường.

b) Tổ chức đánh giá định kỳ

Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND huyện Côn Đảo xây dựng kế hoạch, chương trình giám sát định kỳ về công tác bảo vệ rừng; bảo tồn đa dạng sinh học; bảo tồn và sử dụng hợp lý cảnh quan thiên nhiên; bảo vệ môi trường; số lượng khách du lịch... theo quy định tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ và các quy định pháp luật khác có liên quan trong suốt thời gian thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái không quá 30 năm, định kỳ 5 năm đánh giá việc thực hiện hợp đồng, hết thời gian cho thuê nếu bên thuê thực hiện đúng hợp đồng và có nhu cầu thì chủ rừng xem xét tiếp tục kéo dài thời gian cho thuê. Việc xem xét đánh giá các hoạt động du lịch sinh thái trong khu vực sẽ dựa vào bộ tiêu chí đánh giá tổng hợp các hoạt động du lịch sinh thái bền vững trên tất cả các khía cạnh bảo vệ phát triển rừng và biển, môi trường, tài nguyên, các yếu tố kinh tế, quản lý, và tác động xã hội khác.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND huyện Côn Đảo và đơn vị liên quan tổ chức công bố công khai Đề án; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ rừng để đảm bảo việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án đạt hiệu quả và theo quy định của pháp luật hiện hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện xúc tiến, kêu gọi các dự án đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí nhằm đạt các mục tiêu đề ra của Đề án và phù hợp với Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn đến năm 2030 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Làm việc với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát các khu vực có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh trong phạm vi Đề án để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xin ý kiến của Bộ Quốc phòng (nếu có) trước khi triển khai thực hiện đối với dự án cụ thể theo quy định.

- Quy định các tiêu chí kỹ thuật để xét chọn các hồ sơ thuê môi trường rừng và tổ chức việc xét chọn một cách khách quan, công khai, minh bạch, công bằng, làm căn cứ để nhà đầu tư được chọn cho thuê môi trường rừng lập dự án đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan (Sở Tài chính, Sở Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo) tổ chức đấu giá theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ trong trường hợp có hai nhà đầu tư trở lên đề nghị được thuê môi trường rừng tại cùng một địa điểm với mức giá khởi điểm không thấp hơn 1% tổng doanh thu thực hiện trong năm của bên thuê môi trường rừng trong phạm vi diện tích thuê môi trường rừng nhằm chọn nhà đầu tư vừa có sản phẩm du lịch sinh thái chất lượng cao hơn, vừa có giá thuê môi trường rừng cao hơn, trong đó chất lượng là ưu tiên.

- Ký hợp đồng cho một số nhà đầu tư thuê môi trường rừng sau khi quyết định này ban hành đối với một số dự án đã có chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, trên cơ sở đảm bảo mục tiêu hàng đầu về bảo vệ, bảo tồn các yếu tố môi trường rừng, đất ngập nước, biển và duy trì giá trị hoang sơ của cảnh quan thiên nhiên Côn Đảo.

- Đối với những dự án còn lại chưa có chủ trương đầu tư của UBND tỉnh thì tạm dừng cho đến khi điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện Côn Đảo đến năm 2045 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.

- Quản lý, sử dụng nguồn kinh phí cho thuê môi trường rừng như đối với quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và đơn vị liên quan thẩm định dự án đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của nhà đầu tư được xét chọn thuê môi trường rừng theo đề nghị của Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo, làm căn cứ cho việc ký hợp đồng thuê môi trường rừng phù hợp với Phương án quản lý rừng bền vững và Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Vườn quốc gia Côn Đảo đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt.

- Tham gia đấu giá thuê môi trường rừng theo đề nghị của Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo.

- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đảm bảo các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và các hoạt động trong khu vực thuê môi trường rừng nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật về lâm nghiệp và các quy định khác của pháp luật liên quan.

3. Sở Du lịch có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, định hướng phát triển sản phẩm du lịch; phát triển thị trường khách du lịch; hỗ trợ, hướng dẫn chủ rừng, các nhà đầu tư về hoạt động du lịch sinh thái theo Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Côn Đảo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 870/QĐ-TTg ngày 17/6/2015.

- Hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư và liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Vườn quốc gia Côn Đảo với các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.

- Tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch theo giai đoạn và hàng năm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của Vườn quốc gia Côn Đảo nói riêng và nhu cầu toàn tỉnh nói chung.

- Tham gia đấu giá thuê môi trường rừng theo đề nghị của Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

Hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư phát triển du lịch sinh thái theo Phương án quản lý rừng bền vững và Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Vườn quốc gia Côn Đảo được Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phê duyệt.

5. Sở Tài chính có trách nhiệm:

- Tham gia đấu giá thuê môi trường rừng theo đề nghị của Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo.

- Thực hiện quản lý nhà nước về tài chính, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền đối với Chủ rừng trong việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ hoạt động cho thuê môi trường rừng và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

- Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc bảo vệ môi trường tại các Dự án cho thuê môi trường rừng theo quy định của pháp luật.

- Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học của các hệ sinh thái tự nhiên đất ngập nước và Khu Ramsar theo quy định của Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

7. Sở Xây dựng có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng; chủ trì thẩm định quy hoạch chi tiết và hồ sơ thiết kế xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí thuộc phạm vi Đề án.

- Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công tác quản lý về lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, cảnh quan tại Vườn quốc gia Côn Đảo và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật.

9. Ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo có trách nhiệm:

- Phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo thực hiện Phương án quản lý rừng bền vững và Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí giai đoạn đến năm 2030 được Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt nhằm từng bước xây dựng Côn Đảo trở thành Khu du lịch quốc gia Côn Đảo đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 870/QĐ-TTg ngày 17/6/2015.

- Khai thác hợp lý thế mạnh về giá trị tài nguyên biển, rừng của Vườn quốc gia Côn Đảo gắn với phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo; Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa-lịch sử-tâm linh.

- Chỉ đạo các phòng chuyên môn và cơ quan, đơn vị có liên quan (công an, quân đội, kiểm ngư...) trên địa bàn để phối hợp, hỗ trợ Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái.

- Tham gia đấu giá thuê môi trường rừng theo đề nghị của Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo.

10. Nhà đầu tư thuê môi trường rừng có trách nhiệm:

- Thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của bên thuê môi trường rừng trong hợp đồng thuê môi trường rừng đã ký với Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo.

- Sử dụng diện tích được thuê môi trường rừng đúng mục đích, tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành.

- Liên kết các sản phẩm du lịch trong khu vực thuê môi trường rừng với các sản phẩm du lịch tại địa phương nhằm nâng cao giá giá trị bảo tồn và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.

- Ưu tiên thu hút và đào tạo lao động của địa phương thực hiện các dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quyết định, văn bản hướng dẫn của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có liên quan Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Vườn quốc gia Côn Đảo trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Du lịch, Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT-UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Ngọc Khánh

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 3779/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu3779/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành09/11/2021
Ngày hiệu lực09/11/2021
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật2 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 3779/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 3779/QĐ-UBND 2021 Đề án du lịch sinh thái Vườn quốc gia Côn Đảo Vũng Tàu


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 3779/QĐ-UBND 2021 Đề án du lịch sinh thái Vườn quốc gia Côn Đảo Vũng Tàu
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu3779/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
                Người kýLê Ngọc Khánh
                Ngày ban hành09/11/2021
                Ngày hiệu lực09/11/2021
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật2 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Quyết định 3779/QĐ-UBND 2021 Đề án du lịch sinh thái Vườn quốc gia Côn Đảo Vũng Tàu

                            Lịch sử hiệu lực Quyết định 3779/QĐ-UBND 2021 Đề án du lịch sinh thái Vườn quốc gia Côn Đảo Vũng Tàu

                            • 09/11/2021

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                            • 09/11/2021

                              Văn bản có hiệu lực

                              Trạng thái: Có hiệu lực