Quyết định 38/2008/QĐ-UBND

Quyết định 38/2008/QĐ-UBND phê duyệt Định hướng chiến lược phát triển bền vững tỉnh Đăk Nông đến năm 2020 (Chương trình Nghị sự 21 tỉnh Đăk Nông) do Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 38/2008/QĐ-UBND Định hướng chiến lược phát triển bền vững


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 38/2008/QĐ-UBND

Gia Nghĩa, ngày 22 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TỈNH ĐĂK NÔNG ĐẾN NĂM 2020 (CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ 21 TỈNH ĐĂK NÔNG)

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21);
Căn cứ Thông tư số 01/2005/TT-BKHĐT ngày 09 tháng 3 năm 2005 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc triển khai thực hiện Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đăk Nông tại Tờ trình số 2408/TTr-SKH ngày 15 tháng 12 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt định hướng chiến lược phát triển bền vững tỉnh Đăk Nông đến năm 2020 (có định hướng chiến lược kèm theo).

Điều 2. Giao các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã Gia Nghĩa:

- Cụ thể hóa các quy phạm về phát triển bền vững của Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Đăk Nông. Bổ sung, hoàn chỉnh và xây dựng mới các chính sách hướng vào những hoạt động ưu tiên trong chiến lược phát triển bền vững tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

- Căn cứ vào các hoạt động ưu tiên tiến hành lập các dự án đầu tư cụ thể, các chương trình hành động và chỉ đạo thực hiện cho từng giai đoạn trong phát triển bền vững.

- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp dân cư về định hướng chiến lược phát triển bền vững đến năm 2020.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Gia Nghĩa; các tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đặng Đức Yến


 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

TỈNH ĐĂK NÔNG ĐẾN NĂM 2020

(Kèm theo Quyết định số 38/2008/QĐ-UBND ngày 22/12/2008 của UBND tỉnh Đăk Nông)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Văn kiện

Chương trình Nghị sự 21

 

 


MỞ ĐẦU

Phát triển bền vững (PTBV) là nhu cầu cấp bách và xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, vì vậy đã được các quốc gia trên thế giới đồng thuận xây dựng thành Chương trình Nghị sự cho từng thời kỳ phát triển. Năm 1992 tại Hội nghị thượng đỉnh trái đất về Môi trường và Phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Brazil) đã thông qua tuyên bố Rio về môi trường và phát triển bao gồm 27 nguyên tắc cơ bản và Chương trình Nghị sự 21 (CTNS 21) về các giải pháp PTBV chung cho toàn thế giới trong thế kỷ 21. Đây là những nguyên tắc chung nhất để các quốc gia có thể vận dụng vào việc xây dựng các nguyên tắc PTBV cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế xã hội và thể chế chính sách riêng của nước mình. Đến năm 2002, tại hội nghị thượng đỉnh thế giới về PTBV tại Johannesburg (Cộng hòa Nam Phi), các nước tham dự trong đó có đại diện Chính phủ Việt Nam, một lần nữa đưa ra cam kết là đến năm 2005, tất cả các nước phải có CTNS 21 Quốc gia và khuyến khích các cấp dưới quốc gia có CTNS 21 của mình. Từ năm 1992 đến nay đã có 113 nước trên thế giới xây dựng và thực hiện chương trình nghị sự 21 về PTBV cấp quốc gia và 6.416 Chương trình Nghị sự 21 cấp địa phương.

PTBV đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm ngay trong thập niên 90 của thế kỷ 20. Ngay từ năm 1991, Chính phủ đã ban hành và tích cực thực hiện "Kế hoạch quốc gia về Môi trường và PTBV giai đoạn 1991 - 2000", tạo tiền đề cho quá trình PTBV ở Việt Nam. Quan điểm PTBV đã được cụ thể hóa trong Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó nhấn mạnh: "BVMT là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển KT - XH của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm PTBV, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị càng định rõ đường lối PTBV.

Quan điểm PTBV được khẳng định trong các văn kiện của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng và trong Chiến lược phát triển KT - XH 2001 - 2010 là: “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và BVMT” và “phát triển KT - XH gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh vật (ĐDSH)”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (tháng 4/2006) đã nhấn mạnh và nâng lên tầm cao mới với khẩu hiệu “Trí tuệ, đổi mới, đoàn kết và PTBV”, Nghị quyết Đại hội đã xác định cụ thể các chủ trương, chính sách để chỉ đạo các tổ chức chính quyền, đoàn thể đạt mục tiêu PTBV.

Có thể thấy, PTBV đã trở thành đường lối, quan điểm của Đảng và chủ trương, chính sách của Nhà nước. Để thực hiện mục tiêu PTBV, nhiều chỉ thị, nghị quyết khác của Đảng, nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước được ban hành và triển khai thực hiện; nhiều nội dung cơ bản về PTBV đã đi vào cuộc sống và dần trở thành xu thế tất yếu trong sự phát triển của đất nước.

Ngày 17/8/2004 tại Quyết định 153/2006/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Định hướng Chiến lược PTBV ở Việt Nam" (gọi tắt là: Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam). Đây là một chiến lược khung, bao gồm những định hướng lớn làm cơ sở pháp lý để các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân triển khai thực hiện và phối hợp hành động nhằm bảo đảm PTBV đất nước trong thế kỷ 21. Định hướng chiến lược PTBV là căn cứ để cụ thể hóa Chiến lược phát triển KT - XH 2001 - 2010, Chiến lược BVMT đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, xây dựng và thực hiện kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 cũng như xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển của các ngành, địa phương, nhằm kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và BVMT, bảo đảm sự PTBV của đất nước.

Là một tỉnh mới được thành lập tách ra từ tỉnh Đăk Lăk, quan điểm PTBV được tỉnh Đăk Nông được khẳng định ngay trong văn kiện đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đăk Nông lần thứ I, nhiệm kỳ 2005 - 2010 là phát triển nhanh, toàn diện, bền vững theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với BVMT, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Tỉnh Đăk Nông nằm ở phía Tây Nam của Tây Nguyên, đặc điểm địa lý, địa hình và nhân khẩu học có nhiều cơ hội và thách thức về PTBV. Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Đăk Lăk, phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Nam giáp tỉnh Bình Phước, phía Tây giáp tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia). Đăk Nông có 130 km đường biên giới và diện tích tự nhiên là 6.514,38 km2. Quốc lộ 14 nối Đăk Nông với Đăk Lăk, thành phố Hồ Chí Minh (HCM) và vùng trọng điểm kinh tế phía nam, có Quốc lộ 28 nối Đăk Nông với Lâm Đồng và Bình Thuận và thành phố HCM. Tổng diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh là 413.043 ha, chiếm 63,4% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó, diện tích đất có rừng là 325.005 ha, diện tích đất không có rừng là 65.055 ha, trong diện tích đất có rừng, diện tích rừng tự nhiên là 314.133 ha, diện tích rừng trồng là 10.872 ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh là 49,4%.

Đăk Nông có 7 huyện, 01 thị xã, 71 xã, phường, thị trấn, dân số trung bình năm 2007 có 430.668 người, cộng đồng dân cư gồm 29 dân tộc cùng sinh sống. Cơ cấu dân tộc đa dạng, chủ yếu là dân tộc Kinh, M'Nông, Mạ, Ê Đê, Tày, Thái, Nùng...Trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 34,5%. Đăk Nông là tỉnh có mật độ dân số tương đối thấp so với các tỉnh Tây Nguyên. Khoảng 84% dân số sống ở các vùng nông thôn và hơn hai phần ba lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Địa hình đa dạng và phong phú, có sự xen kẽ giữa các địa hình thung lũng, cao nguyên và núi cao, có hướng cao dần từ Đông sang Tây. Nằm trong khu vực Tây Nguyên, Đăk Nông là tỉnh với nhiều thắng cảnh, khu bảo tồn thiên nhiên với các khu rừng nguyên sinh, các thác nước và các hồ chứa nước tự nhiên và nhân tạo, các thác nước đẹp, hùng vĩ, còn nguyên sơ nằm giữa rừng già như thác Trinh Nữ, thác Đray H'Linh, Đray Sáp, thác Chuông, thác Gấu, thác Ngầm (trong lòng núi), thác Liêng Nung, Đăk G’Lung, khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung (25.000 ha), Tà Đùng (28.000 ha), thảo nguyên nhỏ Trảng Ba cây... Đây là những ưu thế tự nhiên đang được đầu tư, khai thác để phát triển du lịch sinh thái, dã ngoại, các cơ sở nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, cưỡi ngựa, săn bắn, hay cắm trại.

Nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú. Bô xít trữ lượng dự đoán khoảng 5,4 tỷ tấn. Ngoài ra còn có vàng, đá quí ngọc bích và đá saphia trắng, volfram, thiếc và antimon. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển công nghiệp khai khoáng, phục vụ sản xuất, chế biến cho nội tiêu và xuất khẩu.

Khí hậu tỉnh Đăk Nông mang tính chất khí hậu cao nguyên nhiệt đới ẩm, có nguồn nước và nguồn năng lượng dồi dào, đất đai phì nhiêu… là điều kiện thuận lợi phát triển nhiều loại cây trồng và vật nuôi. Đó là tiền đề rất quan trọng để có thể phát triển một nền nông nghiệp đa dạng phong phú.

Trong những năm qua, vận dụng đường lối đổi mới của Đảng; nhân dân tỉnh Đăk Nông với tinh thần vượt khó vươn lên, năng động, sáng tạo, kinh tế Đăk Nông có bước phát triển khá, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển công nghiệp khai thác mỏ, công nghiệp chế biến, khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ về tài chính tín dụng... đã thu hút nhiều lao động địa phương; bộ mặt đô thị và nông thôn của tỉnh từng bước được thay đổi.

Với định hướng khai thác các tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển, Đăk Nông đã và đang đạt được những thành tựu đáng khích lệ về tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội và xóa đói giảm nghèo (XĐGN).

Năm 2007 nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng đạt mức bình quân là 15,7%, thu nhập bình quân đầu người 9,9 triệu đồng, thu ngân sách 311 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 165 triệu USD, cơ sở hạ tầng KT - XH được cải thiện đáng kể, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,7%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 45%; thực hiện cơ bản hoàn thành Chương trình 134; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, nhìn lại, trong chặng đường phát triển KT - XH vừa qua, tỉnh vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên: đất, rừng, nước, khoáng sản. Song với trình độ công nghệ sản xuất còn thấp, nên tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng không bền vững, năng suất lao động thấp, cộng với trình độ văn hóa - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỷ lệ tăng dân số cao, dẫn đến tỷ lệ hộ đói nghèo cao, các dịch vụ cơ bản về giáo dục, y tế hiện còn bất cập, các loại tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn triệt để, cơ sở hạ tầng còn thấp kém đang là những vấn đề nổi cộm bức xúc. Nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, rừng, nước đang bị khai thác dần đến cạn kiệt, sử dụng lãng phí và kém hiệu quả. Trong các quy hoạch tổng thể của tỉnh, ngành và các huyện thị, cũng như các kế hoạch phát triển KT - XH hàng năm, 5 năm trong thời gian qua 3 khía cạnh chính trong phát triển: kinh tế, xã hội và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, BVMT chưa thực sự được kết hợp, lồng ghép chặt chẽ với nhau. Quan trọng hơn là thể chế phát triển bền vững ở tỉnh chưa được hình thành và hoạt động có hiệu quả.

Vì vậy việc xây dựng Chiến lược PTBV - Chương trình Nghị sự 21 của tỉnh là rất cần thiết, nhằm định hướng PTBV cho tỉnh trên cả 3 lĩnh vực: KT - XH - Môi trường cho thời kỳ phát triển dài hạn đến năm 2020 và vạch ra những bước đi cơ bản, chiến lược, các lồng ghép về thể chế, chính sách cần thực hiện trong những năm trước mắt cũng như lâu dài, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế thông qua hình thành và phát triển các cơ sở công nghiệp khai khoáng, các nhà máy thuỷ điện, các cơ sở sản xuất, chế biến công nghiệp, các khu đô thị và khu công nghiệp, các hạ tầng xã hội, đem lại hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội, sử dụng hợp lý tài nguyên, BVMT cho Đăk Nông và cho cả nước.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng phát triển, rà soát Quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH đến năm 2020, quy hoạch các ngành, lĩnh vực. Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông chỉ đạo xây dựng “CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TỈNH ĐĂK NÔNG”.

Đây là khung định hướng, bao gồm những định hướng lớn, quan điểm phát triển làm cơ sở để các ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân có liên quan triển khai thực hiện và phối hợp hành động; đồng thời xác định những tồn tại, thách thức mà Đăk Nông phải đối mặt, đề xuất những chủ trương và những lĩnh vực hoạt động ưu tiên để thực hiện mục tiêu PTBV tỉnh Đăk Nông trong thế kỷ 21. CTNS 21 này không thay thế các Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH tỉnh Đăk Nông đến năm 2020 hiện có mà nó là căn cứ để cụ thể hóa các quy hoạch, kế hoạch của tỉnh cần tập trung vào những hoạt động ưu tiên để lựa chọn và triển khai thực hiện trong 5 - 10 năm trước mắt và tầm nhìn dài hơn, hướng tới PTBV của tỉnh trong 10 - 15 năm tới.

Văn kiện Chiến lược PTBV tỉnh Đăk Nông gồm có 7 chương: Chương I: Thực trạng PTBV ở Đăk Nông thời gian qua.

Chương II: Các vấn đề liên quan đến PTBV trong bối cảnh hội nhập.

Chương III: Định hướng, mục tiêu, quan điểm và nguyên tắc hoạt động trong PTBV.

Chương IV: Những lĩnh vực kinh tế ưu tiên nhằm PTBV. Chương V: Những lĩnh vực xã hội ưu tiên nhằm PTBV.

Chương VI: Những lĩnh vực sử dụng tài nguyên thiên nhiên, BVMT và kiểm soát ô nhiễm ưu tiên nhằm PTBV.

Chương VII: Tổ chức thực hiện PTBV.

 

Chương I:

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở ĐĂK NÔNG THỜI GIAN QUA
(từ năm 2004 đến năm 2007)

Nền kinh tế tỉnh đã có bước phát triển nhanh, tổng vốn đầu tư phát triển tăng mạnh, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng gấp đôi, ngành dịch vụ tăng 1,3 lần, đời sống nhân dân được cải thiện. Cơ cấu các ngành kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng tăng dần khu vực công nghiệp và dịch vụ đồng bộ với chuyển dịch cơ cấu lao động, tỉnh đã chủ động hội nhập kinh tế. Các thành phần kinh tế đóng góp tích cực với sự tham gia ngày càng tăng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Năng lực đầu tư phát triển của tỉnh đã có mức tăng đáng kể.

Bảo vệ môi trường đã bước đầu được quan tâm trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, lập chương trình, dự án phát triển, giám sát thực hiện cam kết môi trường trong sản xuất kinh doanh. Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ đã tham gia hỗ trợ phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững, đầu tư chủ yếu ở quy mô nhỏ, đầu tư nước ngoài còn hạn chế, thu ngân sách chiếm tỷ lệ nhỏ so với yêu cầu chi ngân sách cho phát triển, các kết quả phát triển kinh tế xã hội chưa cải thiện được nhiều đối với người dân vùng sâu, xa, các quy định luật pháp về bảo vệ tài nguyên môi trường chưa được thực thi triệt để.

I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Những thành tựu

1.1. Về tăng trưởng kinh tế

Tỉnh được chính thức thành lập từ năm 2004, tách ra từ một phần của tỉnh Đăk Lăk, thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH trong bối cảnh quốc tế, trong nước và trong tỉnh có nhiều biến đổi quan trọng. Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ tạo ra nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế đất nước và vùng Tây Nguyên nhưng cũng đưa lại không ít thách thức đối với nền kinh tế còn sản xuất nhỏ là phổ biến như ở nước ta cũng như ở Đăk Nông nói riêng. Ở trong nước bên cạnh sự ổn định về chính trị là yếu tố hàng đầu cho sự phát triển, chúng ta phải luôn coi trọng đảm bảo an ninh quốc phòng, với tỉnh có biên giới dài và nhiều dân tộc chung sống như Đăk Nông.

Trong 4 năm qua (2004 - 2007), từ mức tăng trưởng kinh tế chưa cao, nhưng với sự chỉ đạo kịp thời về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường đầu tư cho công nghiệp và sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh nền kinh tế đã đạt mức tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước, chất lượng tăng trưởng dần được cải thiện thể hiện qua tốc độ, cơ cấu và triển vọng giai đọan tiếp theo. Năng lực cạnh tranh của tỉnh cũng có bước tiến bộ đáng kể.

Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15,4%/năm, đạt xấp xỉ so với mục tiêu đề ra trong kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 bình quân là 16%/năm; trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2006 đạt 15,32%, năm 2007 đạt 15,74%. Mức tăng chủ yếu nhờ sự phát triển mạnh của ngành công nghiệp - xây dựng, tăng bình quân 60%/năm; tiếp đến là giá trị gia tăng ngành dịch vụ cũng khá, tăng bình quân 14,7%/năm; giá trị nông lâm nghiệp tăng 9%/năm.

- Thu nhập bình quân đầu người tăng khá, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện đáng kể, từ 4,53 triệu đồng (năm 2004) lên 9,9 triệu đồng (năm 2007), tương đương 616 USD. Tuy nhiên do chỉ số giá tăng, nên thực chất việc cải thiện đời sống nhân dân thấp hơn tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người.

1.2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu thành phần kinh tế

- Cơ cấu các ngành kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tiến bộ: Trong 4 năm (2004 - 2007), cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch theo hướng tiến bộ tăng dần tỷ trọng công nghiệp theo hướng thị trường. Tỷ trọng khu vực I giảm từ 62,86% năm 2004, xuống còn 55,83% năm 2007; khu vực II từ 11,38% tăng lên 21,61% và khu vực III có giảm từ 25,76% xuống còn 22,57%. Nét nổi bật của chuyển dịch cơ cấu kinh tế thời gian qua là phát triển đa dạng ngành, nghề, cơ cấu cây trồng, vật nuôi tiếp tục chuyển dịch mạnh theo hướng nâng cao chất lượng, tăng tỷ lệ tham gia trong chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường, phát huy lợi thế của từng vùng sản xuất. Công nghiệp chế biến nông sản, cây công nghiệp, lâm sản và các ngành dịch vụ được chú trọng đầu tư và tăng dần trong cơ cấu kinh tế. Các ngành dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, khu du lịch phát triển khá nhanh. Đặc biệt là một số ngành dịch vụ có tỷ lệ chi phí trung gian thấp như ngân hàng, bảo hiểm…đã phát triển khá nhanh, góp phần làm cho giá trị tăng thêm của ngành dịch vụ tăng cao.

- Cơ cấu lao động đã chuyển dịch theo hướng tích cực cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Do điều kiện đặc thù của tỉnh, kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ lực nên tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động theo nhóm ngành kinh tế diễn ra chậm. Trong những năm gần đây trồng cây công nghiệp phát triển mạnh nhưng sự chuyển dịch chủ yếu vẫn là trong nội bộ ngành nông nghiệp. Sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ vẫn còn hạn chế. Lao động nông nghiệp giảm dần để chuyển sang các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; lao động khu vực I từ 84,02% năm 2004 giảm còn 79,31%; lao động khu vực II từ 1,37% tăng lên 2,71% và lao động khu vực III từ 14,61% tăng lên 17,98% năm 2007. Điều này cho thấy, kinh tế của tỉnh đang phát triển theo hướng tăng dần về chất, tạo thêm việc làm ngày càng nhiều, giảm bớt lao động nông nhàn ở nông thôn.

- Chuyển dịch cơ cấu các thành phần kinh tế: Trong 4 năm qua, cơ chế chính sách của Đảng và Chính phủ nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển như Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 5, Luật Doanh nghiệp và Chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp và du lịch, ưu đãi đầu tư... của tỉnh đã thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu các thành phần kinh tế, trong đó kinh tế ngoài quốc doanh đã phát triển mạnh, bước đầu phát triển kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần của tỉnh đã có sự dịch chuyển theo hướng sắp xếp lại và đổi mới khu vực kinh tế nhà nước; phát huy tiềm năng, nguồn lực của thành phần kinh tế dân doanh, kinh tế hợp tác và các thành phần kinh tế khác. Đến cuối năm 2007, cơ cấu thành phần kinh tế trong GDP của tỉnh: Kinh tế nhà nước chiếm 16,64%; kinh tế ngoài quốc doanh 81,73%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1,63%.

1.3. Phát triển các ngành kinh tế

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội: giai đoạn 2004 - 2007 đạt 6.528 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 54% (bình quân 1.632 tỷ đồng/năm); trong đó, nguồn vốn trong nước chiếm 96,4%, vốn nước ngoài chiếm 3,6%. Trong tổng nguồn vốn trong nước, vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 2.400 tỷ đồng (bình quân 600 tỷ đồng/năm); vốn tín dụng đầu tư trong kế hoạch chiếm 2,4%; vốn doanh nghiệp nhà nước tự đầu tư chiếm 4,3%; vốn doanh nghiệp dân doanh chiếm 17%. Vốn Trung ương đầu tư trên địa bàn chiếm 10% và vốn đầu tư trong dân cư chiếm 40%. Đặc biệt, nguồn vốn hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu của Trung ương chiếm 70% trong tổng nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý. Tỷ trọng vốn đầu tư so với GDP đạt 69,4%.

- Cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của từng vùng sinh thái, ngày càng đi vào chiều sâu về hiệu quả, chất lượng và gắn với thị trường tiêu thụ, phát triển theo hướng bền vững, từng bước hình thành và củng cố các ngành nghề truyền thống ở nông thôn. Tỷ trọng ngành trồng trọt giảm từ 93,34% năm 2004, xuống còn 92,24% năm 2007; ngành chăn nuôi tăng từ 5,25% tăng lên 6,08% và dịch vụ nông lâm nghiệp tăng từ 1,24% lên 1,6%. Công tác nghiên cứu và áp dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và hiệu quả cao đã được chú trọng, các mô hình trồng xen, nuôi xen trong vườn cà phê, cao su, tiêu được áp dụng rộng rãi... góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

- Cơ cấu sản xuất ngành công nghiệp đã được chuyển dịch theo hướng gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, tập trung chế biến các sản phẩm từ thế mạnh của tỉnh là cây công nghiệp, để nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu. Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến năm 2007 đạt 699,3 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so năm 2004. Nét nổi bật là tỉnh đã thành công trong việc thu hút đầu tư phát triển ngành chế biến lâm sản,...tạo ra những sản phẩm có giá trị xuất khẩu, nhờ đó đã giải quyết tốt đầu ra cho phát triển cây công nghiệp, lâm sản, đem lại hiệu quả và nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp và người lao động. Khu công nghiệp Tâm Thắng đã có 11 nhà máy đang hoạt động, 5 nhà máy đang đầu tư xây dựng cơ bản, 16 dự án đăng ký đầu tư, tỷ lệ lấp đầy chiếm 65,5%. Trong đó nhiều cơ sở sản xuất có công nghệ hiện đại, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và thu nhập lao động nông thôn được cải thiện. Đang triển khai xây dựng các cụm công nghiệp Nhân Cơ (Đăk R’Lấp), Thuận An (Đăk Mil), Đăk Ha, (thị xã Gia Nghĩa), đã khởi công dự án khai khoáng bô xít và luyện Alumin công suất 600 ngàn tấn/năm. Tiềm năng thuỷ điện đang được đầu tư khai thác, đang triển khai xây dựng nhà máy thuỷ điện Buôn Tua Srah, công suất 84 MW, thủy điện Đăk Tih, công suất 144 MW và một số dự án thủy điện nhỏ, dự kiến đến năm 2010 hòa lưới điện quốc gia khoảng 1,5 tỷ KWh.

- Cơ cấu các ngành thương mại dịch vụ có bước chuyển dịch tích cực theo hướng đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng về sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống dân cư như thương mại dịch vụ, du lịch, vận tải, bưu chính viễn thông, ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm....Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ bình quân 4 năm (2004 - 2007) tăng 22%, trong đó doanh thu ngành du lịch năm 2007 đạt 7 tỷ đồng. Ngành thương mại ngày càng hoạt động sôi động, khối lượng hàng hóa lưu thông tăng liên tục. Mặt hàng ngày càng phong phú, đa dạng đáp ứng được nhu cầu cơ bản của sản xuất, tiêu dùng trong tỉnh. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ năm 2007 đạt 2.301 tỷ đồng, giai đoạn 2004 - 2007 tăng bình quân hàng năm khoảng 31,63%. Phương thức kinh doanh ngày càng đa dạng, mạng lưới kinh doanh được mở rộng cả 3 địa bàn: đô thị, nông thôn, vùng sâu vùng xa. Các hợp tác xã đang từng bước phát triển theo hướng kinh doanh tổng hợp. Thương mại tư nhân phát triển với nhịp độ cao, góp phần vào thu mua và tiêu thụ nông sản hàng hóa, nhất là khu vực nông thôn.

Lĩnh vực bưu chính, viễn thông phát triển mạnh và được đầu tư hiện đại, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu về thông tin liên lạc của các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2007 đã có 193 điểm phục vụ (trong đó 12 bưu cục, 42 bưu điện văn hóa xã, 139 đại lý bưu điện và đa dịch vụ), bán kính phục vụ bình quân của 1 điểm phục vụ là 3,3km, số dân bình quân được phục vụ 38.576 thuê bao, đạt mật độ 8,85 máy/100dân, số thuê bao điện thoại cố định 236.524 thuê bao, đạt mật độ 0,54 thuê bao/100dân. Bước phát triển này đã tạo điều kiện phục vụ phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ tài chính, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

1.4. Hội nhập và phát triển

- Về hội nhập của tỉnh Đăk Nông trong giai đoạn 2004 - 2007 đã có bước tiến khá vững chắc trong quá trình hội nhập kinh tế trong khu vực, cả nước đã từng bước vươn ra thị trường quốc tế, nhất là tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại và đầu tư, xuất khẩu các sản phẩm chế biến chủ lực của tỉnh là nông sản (sản phầm từ cây công nghiệp, hoa màu và lâm sản).

Để cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh Đăk Nông chủ động rà soát các văn bản qui phạm pháp luật, ban hành các chính sách phát triển công nghiệp và du lịch thông thoáng tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế và đặc biệt trong thu hút vốn đầu tư ngoài tỉnh và nước ngoài. Từ năm 2004 đến nay, đã có 199 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Đăk Nông, với tổng vốn đầu tư trên 4.542 tỷ đồng; trong đó có 89 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông lâm nghiệp, 82 dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và 30 dự án đầu tư vào lĩnh vực thương mại - du lịch. Đặc biệt năm 2007 số vốn đăng ký tăng gấp đôi năm 2006. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn có 05 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với mức vốn đăng ký đầu tư 17,5 triệu USD, thuộc các lĩnh vực: chăn nuôi heo, trồng và chế biến trà xuất khẩu, kinh doanh các dịch vụ khách sạn. Tỉnh đã ban hành chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế và đang triển khai đến các cấp chính quyền và doanh nghiệp. Tỉnh đã có kế hoạch xây dựng danh mục các mặt hàng chủ yếu có khả năng cạnh tranh và chiến lược để xâm nhập thị trường trong nước và quốc tế, xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình hội nhập, kể cả cho cán bộ quản lý Nhà nước và cho doanh nghiệp.

- Kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, tổng kim ngạch xuất khẩu 4 năm 2004 – 2007 đạt 424 triệu USD, tăng bình quân 45,4%/năm; với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm từ cây công nghiệp, lâm sản, nông nghiệp. Các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu từng bước khai thác được thế mạnh của tỉnh, tạo ra những sản phẩm có giá trị xuất khẩu; cơ cấu hàng xuất khẩu có sự chuyển dịch mạnh theo hướng tích cực, tỷ trọng hàng CN - TTCN tăng nhanh và tỷ trọng hàng nông sản giảm mạnh phù hợp với xu hướng phát triển. Thị trường xuất khẩu ngày càng phát triển, hiện tại hàng hóa của tỉnh đã xuất khẩu sang các thị trường lớn, truyền thống như: Trung Quốc, Nhật, EU, Hàn Quốc....; thị trường trung gian từng bước giảm mạnh, thị trường trực tiếp phát triển, đã tạo lập được thêm nhiều thị trường mới (Trung Đông, Nam Mỹ, Đông Âu…).

1.5. Năng lực đầu tư và phát triển của tỉnh

Thu ngân sách tăng nhanh, đảm bảo được chi ngân sách trong cân đối ngân sách TW, huy động được nhiều nguồn vốn đáp ứng yêu cầu đầu tư cho phát triển.

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2004 đạt 155 tỷ đồng, năm 2007 thu 311 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2004, tổng thu ngân sách nhà nước 4 năm (2004 - 2007) tăng bình quân hàng năm khoảng 26,1%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tính chung trong 4 năm, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 864 tỷ đồng.

- Tổng chi ngân sách địa phương 4 năm là 4.414 tỷ đồng, tăng bình quân 21,5%/năm; trong đó, chi đầu tư phát triển 2.171 tỷ đồng, tăng bình quân 29,3%/năm, chiếm 49,2% trong tổng ngân sách địa phương; chi thường xuyên 2.243 tỷ đồng, tăng bình quân 18%/năm, chiếm 50,8% trong tổng ngân sách địa phương. Ngân sách nhà nước tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng tích cực và hiệu quả hơn với việc thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với quản lý nhà nước, đoàn thể, các đơn vị quản lý nhà nước cấp xã phường và các đơn vị sự nghiệp có thu.

Có thể thấy dù tốc độ thu ngân sách tăng khá so với kế hoạch đề ra, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu chi, chính vì vậy vẫn còn có sự mất cân bằng thu - chi. Đến cuối năm 2007, mức thiếu hụt thu - chi ngân sách khoảng 1.300 tỷ đồng, tức thu ngân sách chỉ mới đảm bảo đáp ứng khoảng 19% tổng chi ngân sách địa phương. Để bổ sung phần thiếu hụt này, tỉnh phải tranh thủ nguồn trợ cấp từ trung ương và tranh thủ từ một số nguồn vốn khác.

Bảng 1: Thu - chi ngân sách 2004 - 2007

ĐVT: tỷ đồng

Thu - chi ngân sách/năm

2004

2005

2006

2007

Tổng thu ngân sách trên địa bàn

Tổng chi ngân sách

155

800

177

808

221

1.121

311

1.685

- Chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư trong, ngoài nước của tỉnh được triển khai và đạt kết quả khá khả quan. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội 4 năm 2004 – 2007 ước đạt khoảng 6.528 tỷ đồng, tăng bình quân 44%/năm, so với mục tiêu 5 năm tăng 42%; trong đó: vốn ngân sách nhà nước chiếm 30% và vốn đầu tư của khu vực dân cư và tư nhân chiếm 57% trong tổng vốn đầu tư, nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng 3%.

Đã huy động được nhiều nguồn vốn đáp ứng yêu cầu đầu tư cho phát triển KT - XH; việc phân bổ vốn đầu tư từ nguồn ngân sách được tập trung hơn, cơ cấu vốn đầu tư đã hướng vào các mục tiêu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng KT - XH, phát triển sản xuất - kinh doanh. Thông qua sự hỗ trợ tích cực của Trung ương cùng với cân đối ngân sách của địa phương, trong 4 năm qua tỉnh đã xây dựng được nhiều công trình kết cấu hạ tầng và sản xuất - kinh doanh quan trọng trên địa bàn như: Hệ thống cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp, các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, nâng cấp và mở rộng QL14 (đoạn qua thị xã Gia Nghĩa), QL 28 và cầu Đăk Nông, các tuyến đường tỉnh lộ 2; 4; 6, đường đến trung tâm xã và nhiều dự án, công trình quan trọng khác.

- Huy động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đọan năm 2004 - 2007 khoảng 14,6 triệu USD và chiếm 3,6% so với tổng vốn đầu tư xã hội toàn tỉnh. Điều đó cho thấy trong 4 năm qua việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh còn hạn chế do nhiều yếu tố, trong đó có sự bất lợi về vị trí địa lý, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực….

1.6. Khoa học - công nghệ và bảo vệ tài nguyên môi trường có những chuyển biến tích cực

Công tác nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, cải tiến, đổi mới công nghệ và xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ được chú trọng đầu tư; cơ chế quản lý khoa học và công nghệ từng bước được đổi mới; công tác BVMT theo quan điểm bền vững được nhận thức đầy đủ hơn; hoạt động sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng đã hỗ trợ cho phát triển sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Việc triển khai các đề tài khoa học về chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý. Công tác quản lý, khai thác tài nguyên ngày được chú trọng, tạo ý thức cho các cơ sở sản xuất - kinh doanh và nhân dân trong việc phát triển kinh tế gắn với BVMT. Đây là cơ sở để huy động các cơ quan quản lý môi trường, doanh nghiệp, các tổ chức quần chúng và cộng đồng tham gia tích cực bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

2. Những tồn tại

2.1. Tăng trưởng chưa thật sự vững chắc; chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, chậm được cải thiện.

Tăng trưởng kinh tế mới xấp xỉ đạt mức kế hoạch đề ra. Sự tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, phụ thuộc vào nông nghiệp, khai thác tài nguyên, sử dụng nhiều nguyên liệu thô, chất lượng tăng trưởng chưa cao, năng suất lao động thấp. Đóng góp vào tăng trưởng vẫn là yếu tố vốn, nguyên liệu thô, tài nguyên và lao động thông thường, yếu tố về khoa học công nghệ chỉ mới ứng dụng các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp như ứng dụng các giống mới, các giống lai, công nghệ sinh học, các biện pháp kỹ thuật canh tác. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ và phát triển chưa thực sự bền vững. Gần đây do ảnh hưởng của lạm phát và tăng giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh có nguy cơ bị chậm hơn nữa. Chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Chỉ số cạnh tranh của tỉnh năm 2006 đứng thứ 64/64 tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện tại tỉnh Đăk Nông vẫn còn xếp vào tỉnh nghèo và kém phát triển so với các tỉnh trong khu vực và của cả nước, với 11,9% diện tích, 8,7% dân số; chiếm 9,8 % GDP (đứng thứ 4 trong 5 tỉnh Tây Nguyên, sau các tỉnh: Đăk Lăk, Lâm Đồng, Gia Lai).

Chất lượng tăng trưởng thấp hiện nay thể hiện ở 3 mặt: về kinh tế, sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế và yếu kém, chưa có sản phẩm chủ lực, chưa tham gia nhiều vào hệ thống phân công sản xuất trong nước và quốc tế.

Về xã hội, tiến bộ về xã hội chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế, đời sống người dân chậm được cải thiện, thu nhập tăng nhưng tỷ lệ nghèo tương đối có xu hướng tăng, tệ nạn xã hội chưa giảm rõ rệt.

Về môi trường sinh thái, việc phát triển kinh tế nông nghiệp và công nghiệp, phát triển hạ tầng thiếu quy hoạch theo hướng bền vững đã làm giảm diện tích, chất lượng rừng, lãng phí tài nguyên, suy giảm ĐDSH, ở nhiều nơi bị rừng tàn phá nghiêm trọng, chưa có các giải pháp hữu hiệu trong giải quyết vấn đề môi trường.

Trong nông nghiệp: các phương thức canh tác bền vững chậm được áp dụng trên diện rộng, chi phí trung gian trong các ngành sản xuất và dịch vụ còn khá lớn, khối lượng giá trị sản xuất tăng cao nhưng giá trị gia tăng còn hạn chế, quy mô sản xuất được mở rộng nhưng tự phát không theo quy hoạch. Sự chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ các ngành còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ chậm và ít được đầu tư thâm canh nên giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác mới đạt khoảng 24 triệu đồng (năm 2007), thấp hơn bình quân chung của cả nước, thế mạnh về cây công nghiệp dài ngày (cà phê, tiêu, điều) và chăn nuôi nhất là chăn nuôi gia súc ăn cỏ chưa tạo ra được một xu hướng rõ rệt để bứt phá để trở thành ngành quan trọng; chưa hình thành được các vùng nguyên liệu ổn định cho công nghiệp, cho chế biến xuất khẩu, thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định.

Sản xuất lâm nghiệp hầu như không phát triển, do việc khai thác gỗ hàng năm giảm, diện tích trồng rừng tăng chậm. Tình trạng đốt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép còn diễn biến phức tạp, việc ngăn chặn chưa có hiệu quả, mô hình sản xuất lâm nghiệp còn lúng túng, chưa gắn đựợc trách nhịêm và quyền lợi của các chủ rừng, hiệu quả kinh doanh rừng thấp, tình trạng xâm canh trên đất rừng khá phổ bíến, đã làm giảm nghiêm trọng chất lượng và diện tích rừng.

Cơ sở hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Sản xuất chưa gắn kết được 4 “nhà”: nhà nông, nhà kinh doanh, nhà khoa học và nhà nước, đặc biệt là khâu tiêu thụ theo hợp đồng sản phẩm chưa được áp dụng rộng rãi, dịch vụ cung cấp đầu vào, đầu ra chưa được tổ chức tốt trong nhiều trường hợp đã gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Các ngành công nghiệp: tuy có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng chất lượng và hiệu quả toàn ngành chưa được cải thiện, công nghệ, thiết bị còn lạc hậu. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp 4 năm (2004 - 2007) tăng bình quân 59,2%/năm, nhưng giá trị gia tăng chưa tương xứng (bình quân chỉ tăng 52%/năm). Hầu hết thiết bị, công nghệ chậm được đổi mới, trình độ kỹ thuật sản xuất nhìn chung còn thấp, sản phẩm chủ yếu là sơ chế, sức cạnh tranh kém, giá thành sản phẩm cao, khả năng cạnh tranh thấp với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và cả nước. Khu công nghiệp Tâm Thắng chưa tạo ra động lực mạnh cho tăng trưởng kinh tế, quá trình đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn và chậm so với yêu cầu phát triển. Sự phát triển công nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn chủ yếu phục vụ tại chỗ, tích lũy thấp.

Các ngành dịch vụ tuy có mức tăng trưởng nhanh, nhưng tỷ trọng còn nhỏ trong cơ cấu kinh tế. Phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Trong ngành dịch vụ, tài chính, ngân hàng, và bảo hiểm là những ngành dịch vụ quan trọng có khả năng tạo ra tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng lại chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị tăng thêm của ngành dịch vụ. Năng lực tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn yếu, thị trường xuất khẩu thiếu bền vững, chưa có nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực, tổng kim ngạch xuất khẩu của địa phương tuy đã tăng nhanh nhưng so với tiềm năng còn thấp, mặt hàng chủ yếu vẫn là nông - lâm sản. Tích luỹ từ nội bộ để tái đầu tư còn rất hạn chế, thu hút đầu tư vốn từ bên ngoài chưa đáng kể.

2.2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm do cơ sở hạ tầng còn lạc hậu

Quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành chưa thật sự diễn ra theo một chiến lược tổng thể định hướng bền vững, được quy hoạch với tầm nhìn xa theo một lộ trình hợp lý, nhìn chung trong 4 năm qua phần nhiều là tự phát, chủ yếu vẫn được định hướng bởi các quy hoạch mang tính cục bộ của riêng các ngành và địa phương.

Việc chuyển dịch cơ cấu ngành chỉ chú trọng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, chưa chú ý nhiều tới mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững thông qua hiện đại hóa, áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Hệ quả là việc phát triển một số cơ sở công nghiệp có công nghệ lạc hậu, chi phí lớn, hiệu quả kinh tế thấp, điều này có nguy cơ làm giảm khả năng cạnh tranh trong tương lai của nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Cơ cấu kinh tế vẫn nằm trong tình trạng lạc hậu, ngành nông lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 55,25% GDP. Trong khi đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông lâm nghiệp còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Đến năm 2007 tỷ trọng ngành chăn nuôi mới chiếm 6,1%, ngành dịch vụ chiếm 1,7% giá trị sản xuất nông nghiệp. Sản xuất lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 1,9% giá trị sản xuất nông lâm nghiệp. Tình trạng đốt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép còn diễn biến phức tạp, việc ngăn chặn chưa có hiệu quả.

Các thành phần kinh tế vận hành kém hiệu quả: do cơ chế, chính sách phát triển các thành phần kinh tế chưa được triển khai thực hiện đầy đủ. Việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, nhất là cổ phần hóa doanh nghiệp còn lúng túng, tiến hành chậm. Kinh tế tập thể tuy được quan tâm chỉ đạo nhưng phát triển chậm, phần lớn các hợp tác xã hoạt động cầm chừng, thiếu vững chắc, kém hiệu quả, chưa tạo được nhiều mô hình tốt để nhân rộng. Kinh tế tư nhân tuy được khuyến khích phát triển, nhưng vẫn còn hạn chế về mức đầu tư và tiềm lực chưa được khai thác đầy đủ, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp.

Cơ cấu lao động chậm chuyển dịch so với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong từng ngành: Sự chuyển dịch cơ cấu lao động còn mang nặng tính tự phát, đáp ứng tức thời với những lao động đơn giản, chưa đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Chất lượng nguồn nhân lực thấp đã ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng các ngành kinh tế, đặc biệt là công nghiệp và dịch vụ. Tình trạng lao động phổ thông dôi dư nhưng lại thiếu lao động có kỹ thuật do tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu tiếp cận công nghệ tiên tiến đang là vấn đề nan giải của không ít doanh nghiệp. Trong 4 năm (2004 - 2007), tỷ trọng lao động ngành nông lâm nghiệp giảm từ 84%, xuống còn 79,3%; tỷ trọng ngành công nghiệp tăng từ 1,4% lên 2,7%, các ngành dịch vụ tăng từ 14,6% lên 18%.

2.3. Công tác quy hoạch, quản lý đất đai chưa theo kịp quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa

Công tác quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH của tỉnh, quy hoạch phát triển các ngành giao thông, thuỷ lợi, thương mại, du lịch, công nghiệp, điện...đã được xây dựng theo hướng gắn sản xuất với nhu cầu thị trường, coi trọng mối quan hệ liên ngành, liên vùng. Tuy nhiên, chất lượng quy hoạch nhìn chung chưa theo kịp yêu cầu phát triển KT - XH của tỉnh; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý quy hoạch còn hạn chế; công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo; quy hoạch và quản lý quy hoạch khu dân cư nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, các điểm dân cư hình thành tự phát và phân tán, dân di cư tự do tăng đột biến, gây khó khăn cho công tác bảo vệ rừng cũng như việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KT - XH.

Công tác đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm: Đến nay đã thống kê đo đạc bản đồ hoàn thành 643.495 ha, đạt 98,7% diện tích cần đo vẽ. Quy hoạch sử dụng đất được 6/8 huyện và thị xã Gia Nghĩa. Tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, năm 2007 mới được 32% cho các tổ chức, 67% cho các cá nhân và hộ gia đình. Ảnh hưởng đến việc sử dụng hợp pháp đất đai, trong việc giao dịch dân sự về đất đai của các tổ chức và cá nhân.

2.4. Trình độ khoa học và công nghệ của nhiều ngành sản xuất còn thấp và lạc hậu, chậm được đổi mới

Năng lực khoa học và công nghệ còn nhiều yếu kém: Đội ngũ cán bộ KH&CN còn thiếu, đặc biệt là thiếu cán bộ KH&CN trẻ kế cận có trình độ cao, cán bộ cho vùng sâu, vùng xa. Cơ cấu nhân lực KH&CN theo ngành nghề và lãnh thổ còn nhiều bất hợp lý, nên khó khăn cho quá trình chuyển giao công nghệ. Cơ chế tài chính vẫn mang nặng tính hành chính, bao cấp chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học công nghệ trong điều kiện kinh tế thị trường.

Hoạt động KHCN chưa thật sự gắn bó với sản xuất và đời sống, chưa xuất phát từ nhu cầu đòi hỏi thực tế của sản xuất. Kết quả nhiều công trình, đề tài chậm được đưa vào ứng dụng gây lãng phí tiền của của nhà nước.

Trình độ công nghệ của nhiều ngành sản xuất còn rất thấp và lạc hậu. Nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất chưa quan tâm đến đổi mới công nghệ, và áp dụng quản lý chất lượng theo hệ thống tiêu chuẩn quốc tế ISO 9000. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến phần nhiều chưa quan tâm đến BVMT và PTBV. Việc áp dụng tiêu chuẩn môi trường ISO 14000 cũng hầu như chưa được quan tâm. Các doanh nghiệp quan tâm đầu tư ứng dụng và đổi mới công nghệ còn chưa được tạo điều kiện.

Trong khi hệ thống giáo dục đào tạo của tỉnh chưa đủ khả năng cung cấp được nhân lực chất lượng cao, thì cơ chế, chính sách đầu tư và phát triển KHCN chưa đủ mạnh và thu hút được các nhà khoa học đến Đăk Nông công tác cũng như nghiên cứu.

Đầu tư của xã hội cho KH&CN còn rất thấp, đặc biệt là đầu tư từ khu vực doanh nghiệp.

Trang thiết bị phục vụ các công trình nghiên cứu nhìn chung còn rất thiếu, không đồng bộ, lạc hậu so với những cơ sở sản xuất tiên tiến cùng ngành.

Có thể nói, mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng nhìn chung KH&CN tỉnh Đăk Nông còn nhiều mặt yếu kém, còn có khoảng cách khá xa so với cả nước và khu vực Tây Nguyên, chưa đáp ứng được yêu cầu là nền tảng và động lực phát triển KT - XH.

2.5. Cơ sở hạ tầng kinh tế chậm phát triển, có khó khăn do điều kiện địa hình, thời tiết

- Hệ thống giao thông: đến nay 3 tuyến quốc lộ vẫn còn lại 30% là đường đất, đường tỉnh lộ có 6 tuyến, nhựa hóa được 58%, còn lại 42% là đường đất, đường cấp phối. Hệ thống đường huyện dài 501 km, nhựa hóa được 44%, còn lại 56% là đường đất, đường tạm. Hệ thống đường đô thị dài 123 km mới nhựa hóa được 63%, nhưng chưa đạt cấp đường đô thị. Đường xã, thôn, bon dài 2.162 km, mới nhựa hóa được 8%, còn 17 xã đi lại lưu thông trong mùa mưa còn gặp nhiều khó khăn.

- Thuỷ lợi: Toàn tỉnh có 194 công trình thuỷ lợi, chủ yếu là các công trình có quy mô nhỏ, mới đáp ứng được gần 36% nhu cầu tưới.

- Cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn: Tổng số người dân của tỉnh được cấp nước hợp vệ sinh của tỉnh khoảng 56,1%, trong đó khu vực nông thôn chiếm 45,58%. Nhiều hộ vẫn còn sử dụng nước khe suối không hợp vệ sinh.

- Hệ thống cấp điện, đến nay còn 13% số hộ chưa có điện.

2.6. Các vấn đề xã hội, tài nguyên và môi trường sinh thái chưa thực sự được quan tâm đúng mức và giải quyết hiệu quả

- Trong những năm qua, khi mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo được đặt lên hàng đầu, nhiều vấn đề xã hội, môi trường chưa được cân nhắc đầy đủ trong các quy họach, kế hoạch của các ngành và địa phương. Chính vì vậy, các tác động tiêu cực từ quá trình phát triển đã không được đề cập, giải quyết và hạn chế đến thành quả phát triển kinh tế - xã hội.

- Công tác BVMT chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay chất lượng nước ở các sông, suối chính cho thấy hàm lượng chất rắn lơ lửng vượt tiêu chuẩn chất lượng nước mặt loại A tại cầu Đăk Nông từ 3 - 11 lần. Các chỉ tiêu chất hữu cơ tại một số điểm ở trung tâm đô thị cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 2 - 2,5 lần. Chất lượng không khí tại thị xã Gia Nghĩa, các thị trấn Kiến Đức, và Đăk Mil đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,1- 1,3 lần. Công tác vệ sinh trong các trường học, trạm xá, gia đình còn hạn chế, hiện tại toàn tỉnh có 28% hộ gia đình chưa có nhà vệ sinh, 35% hộ gia đình có hố xí không hợp vệ sinh. Việc thu gom, phân loại và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Đăk Nông còn rất yếu kém. Tình hình sử dụng phân bón còn ở mức thấp (dưới 200kg NPK/ha), song các vùng trồng cà phê tỷ lệ bón phân không cân đối. Việc kinh doanh phân bón và chất lượng phân bón không đảm bảo yêu cầu cũng gây ảnh hưởng đến môi trường, làm suy thoái chất lượng đất. Sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) được sử dụng rất đa dạng về chủng loại và không ngừng gia tăng về số lượng (ở những vùng trồng cây cà phê). Các cơ sở sản xuất công nghiệp chưa chú trọng xử lý chất thải, các nhà máy chế biến sắn, mía đường đã gây ô nhiễm môi trường, Khu công nghiệp Tâm Thắng cũng chưa có hệ thống xử lý nước thải. Tài nguyên rừng suy giảm nghiêm trọng, môi trường sinh thái đang suy thoái. Tình trạng đốt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép chưa được ngăn chặn có hiệu quả, mỗi năm có hàng trăm ha rừng bị phá và bị cháy.

- Theo quy hoạch phát triển, các nguồn tài nguyên sẽ được khai thác, trong đó quặng bôxít sẽ được khai thác chế biến quy mô lớn, bên cạnh những lợi ích thu được trong phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu ngân sách, nâng cao thu nhập cho người dân, các tác động tiêu cực có thể ảnh hưởng đến an sinh xã hội, sinh kế, tập quán văn hóa, sinh họat của người dân do di dân giải phóng mặt bằng, thi công. Khai thác trên diện tích lớn còn gây phá vỡ cảnh quan, ô nhiễm môi trường trong khai thác, chế biến thực sự là thách thức lớn đối với Đăk Nông. Chế biến quặng bô xít tiêu thụ một lượng điện năng và nước khổng lồ, tạo ra lượng phế thải lớn, có thể làm đảo lộn cân bằng môi trường nước và xung đột sử dụng cho nhu cầu sinh họat, nông nghiệp, chế biến bôxít và các nhu cầu khác. Phát triển thủy điện cũng có thể gây ra ô nhiễm và phá hủy cạn kiện mô trường sinh thái.

- Hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) đã bắt đầu có ảnh hưởng đến thời tiết và khí hậu của Đăk Nông, tuy nhiên tỉnh chưa có điều kiện quan trắc và chưa thực sự chú trọng đến việc tìm kiếm giải pháp giảm thiểu và thích ứng. Tác động của BĐKH có thể chưa thấy rõ trong tương lai gần, nhưng có nguy cơ gây thiệt hại lớn vào khoảng 2020.

Vì vậy, vấn đề BĐKH cần được chú ý đúng mức.

II. PHÁT TRIỂN XÃ HỘI

1. Những thành tựu

1.1. Nguồn nhân lực

a) Trình độ và cơ cấu lao động:

Sau hơn bốn năm thành lập, với những thành tựu ban đầu đạt được, Đăk Nông đã chứng tỏ được khả năng của mình trong việc tận dụng các thời cơ để phát triển một cách năng động và bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Đăk Nông đang phải tiếp tục vượt qua nhiều thách thức ngày càng trở nên gay gắt mà một trong số đó là phải xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu phát triển của tỉnh và của đất nước đang trong quá trình đổi mới và hội nhập khu vực, quốc tế sâu rộng hơn.

Về tỷ lệ, Đăk Nông hiện có một đội ngũ nhân lực khá dồi dào, tương đương với bình quân chung của cả nước. Đến hết năm 2007, tỉnh Đăk Nông có 223.348 lao động trên tổng số 430.668 dân, đạt 51,86% (chỉ tiêu này của cả nước là 51,76%); tỷ lệ lao động theo cơ cấu nhóm ngành kinh tế là: công nghiệp - xây dựng 6,0%, nông - lâm - ngư nghiệp: 77,5%, thương mại - dịch vụ: 16,5%; sức trẻ là đặc điểm nổi trội của tiềm năng nguồn nhân lực Đăk Nông, với 66,34% số dân trong độ tuổi từ 15 - 60 (độ tuổi lao động), đây là yếu tố rất thuận lợi để phát triển KT - XH.

Người lao động Đăk Nông nói riêng và Việt Nam nói chung có những phẩm chất quý giá như: thông minh, cần cù, chịu khó, khả năng nắm bắt các kỹ năng lao động, đặc biệt là kỹ năng sử dụng các công nghệ hiện đại tương đối nhanh. Đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng của nguồn nhân lực nước nhà trong quá trình hội nhập và tham gia thị trường lao động quốc tế.

b) Sử dụng và đào tạo nguồn nhân lực:

Trong bốn năm qua tỉnh đã chú trọng đến công tác đào tạo nghề và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ công chức, nhất là ở cấp xã, phường/thị trấn và người đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả đã đào tạo nghề cho 11.000 lao động; trong đó ngắn hạn 99,5% và dài hạn 0,5%. Tiến hành đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường/thị trấn cho 3.024 người; trong đó tỷ lệ nữ 17%, dân tộc thiểu số 21%.

Về tỷ lệ đào tạo: chuyên môn nghiệp vụ 68%, quản lý nhà nước 20%, lý luận chính trị 12%. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tỉnh, huyện/thị xã: tổng số 1.174 người; trong đó tỷ lệ nữ 16%, đồng bào dân tộc thiểu số 4%. Về tỷ lệ đào tạo: chuyên môn nghiệp vụ 18%, quản lý nhà nước 10%, lý luận chính trị 57% và bồi dưỡng đại biểu HĐND 16%.

c) Quản lý nhà nước và cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực của tỉnh:

Thời gian qua cơ sở công tác phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đã có nhiều biến chuyển tích cực, tỉnh đã thu hút được một lượng lớn cán bộ có trình độ chuyên môn về công tác. Tỉnh có các chính sách hỗ trợ riêng đối với học sinh, sinh viên, lao động học nghề là người đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách hỗ trợ cho bác sỹ, giáo viên về công tác ở vùng khó khăn cũng đã được ban hành. Tỉnh cũng đã ban hành các quyết định về đào tạo cán bộ ngành giáo dục, y tế đạt trình độ trên đại học. Trên cơ sở Nghị quyết 90/CP, chủ trương xã hội hóa (XHH) của Đảng và Nhà nước, UBND tỉnh đã xây dựng Quy hoạch về phát triển XHH các hoạt động động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao. Các yếu tố đó đã tác động đến chất lượng nguồn nhân lực như: đối với giáo dục trong những năm qua đã được tuyên truyền rộng rãi trong xã hội, nhận thức về XHH giáo dục trong các tầng lớp nhân dân ngày càng chuyển biến, sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội và đông đảo nhân dân đối với nhà trường, học sinh ngày càng sát sao, cụ thể và hiệu quả hơn. Đối với lĩnh vực y tế đã có sự chuyển biến tích cực, các dịch vụ y tế ngoài công lập được hình thành và củng cố tạo điều kiện cho người dân có thể tự lựa chọn các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Đối với lĩnh vực văn hóa đã có những phát triển mới và đạt những kết quả đáng khích lệ, các thành phần kinh tế, nhất là tư nhân đã có những đầu tư vào hoạt động kinh doanh và dịch vụ văn hóa, phong trào văn nghệ, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống…

1.2. Công tác lao động, việc làm và xóa đói, giảm nghèo

Lao động và việc làm vừa là vấn đề kinh tế vừa là vấn đề xã hội nhân văn và chính trị. Văn kiện Đại hội X của Đảng đã nêu rõ: Giải quyết việc làm là yếu tố quyết định để phát huy nhân tố con người, ổn định và phát triển kinh tế, làm lành mạnh xã hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng và yêu cầu bức xúc của nhân dân...

Trong 4 năm, tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 46.000 người, trong đó đã đưa được gần 1.200 người đi làm việc ở nước ngoài theo triển khai đề án xuất khẩu lao động. Có chính sách ưu tiên cho lao động vùng nông thôn, là con em dân tộc có hoàn cảnh khó khăn. Công tác đào tạo nghề đã giúp người lao động có cơ hội tìm được việc làm tốt hơn, bình quân mỗi năm có 3.100 lao động được đào tạo, đã góp phần giải quyết vấn đề nông nhàn ở nông thôn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 12% năm 2004 lên

19,36% năm 2007. Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn từ 83,78% năm 2004 tăng lên 84,5% vào năm 2007. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đến cuối năm 2007 giảm còn 1,2%.

Trong công tác thực hiện các chính sách xã hội, qua 4 năm tỉnh đã triển khai xây dựng được gần được 394 căn nhà tình nghĩa với số tiền 5 tỷ đồng. Công tác XĐGN đã đem lại những thành công vượt bậc, qua 4 năm đã có 13.614 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hiện nay xuống còn 14%.

1.3. Các dịch vụ cơ bản

a) Giáo dục - đào tạo: Tiếp tục phát triển cả về qui mô và chất lượng, năm học 2007 - 2008 toàn tỉnh có 268 trường, với 133.164 học sinh, tăng 4.234 học sinh, trong đó có 44.910 học sinh là người dân tộc thiểu số, chiếm 33%; 26 trường có thư viện, chiếm 10,61%; 21 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia (02 trường mầm non, 16 trường tiểu học, 3 trường THCS); 50/71 xã, phường, thị trấn đạt phổ cập THCS, đạt 70,42%. Tổng số học sinh THPT đỗ tốt nghiệp 2 đợt là 2.652/4.061 em, đạt 65,3%, trong đó hệ bổ túc THPT đỗ tốt nghiệp 238/616 em, đạt 38,6%. Số cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành là 6.982 người; trong đó có 6.473 cán bộ quản lý, giáo viên (4.626 nữ, chiếm 71,5%; 398 người dân tộc, chiếm 6,15%).

Công tác xây dựng trường lớp và trang thiết bị dạy học từng bước đáp ứng yêu cầu, không còn tình trạng học 3 ca. Phần lớn các trường đã được xây dựng mới theo hướng kiên cố hóa. Đến nay, đã có 62/71 xã, phường, thị trấn có trường mầm non với 69 trường; 61/71 xã, phường, thị trấn có trường THCS. Số trường THPT chỉ có 6 (2003 - 2004) tăng lên 16 trường (2007 - 2008) (01 trường THPT dân tộc nội trú tỉnh). Năm học 2007 - 2008, toàn tỉnh đã phát triển thêm 31 trường so với năm học 2006 - 2007, 5 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, 3 cơ sở dạy nghề đi vào hoạt động là Trường Kỹ Số 01 ngày 01 - 01 – 2009 thuật Công nghệ và Dạy nghề thanh niên dân tộc, Trường Dạy nghề số 8 (Bộ Quốc phòng), Trung tâm dạy nghề tư thục Đại lợi và 02 trung tâm dịch vụ việc làm có chức năng dạy nghề là Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ.

b) Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân:

Ngành Y tế trong 4 năm qua đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai các hoạt động phòng, chống các dịch bệnh lây lan như sốt rét, sốt xuất huyết, cúm gia cầm, SARS, tiêu chảy cấp… Công tác tiêm chủng vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi được triển khai tích cực. 10 dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về y tế đang được thực hiện góp phần giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng từ 36% năm 2004 xuống còn 31,9% năm 2007. Tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở khám chữa bệnh cũng như chuẩn hóa đội ngũ y bác sĩ để nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Kết quả đến cuối năm 2007, có 26/71 xã có bác sĩ, chiếm 36,6%; 65/71 xã/phường/thị trấn có trạm y tế, chiếm 91,54%; đạt 12,07 giường bệnh/1 vạn dân (không tính tuyến xã). Tỷ lệ trẻ em tử vong dưới 1 tuổi giảm xuống còn 47,4%. Về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ: 85% phụ nữ có thai được quản lý; 67% số phụ nữ đẻ được khám thai 3 lần trở lên; 78% phụ nữ đẻ tại các cơ sở y tế; 84% phụ nữ đẻ do cán bộ y tế đỡ.

Tỉnh đã thực hiện tốt công tác khám và chữa trị cho bệnh nhân nghèo theo Quyết định 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ. Công tác XHH các dịch vụ về y tế dần được hình thành và củng cố, đến nay toàn tỉnh có 02 công ty dược - vật tư y tế tư nhân, 127 nhà thuốc và đại lý, 33 phòng khám tư nhân ngoài giờ và 30 cơ sở dịch vụ y tế tư nhân khác.

1.4. Văn hóa, thể thao và du lịch

Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao có nhiều tiến bộ. Hệ thống thông tin đại chúng phát triển rộng khắp, hình thức, nội dung ngày càng phong phú, góp phần nâng cao dân trí và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Đến cuối năm 2007 có 90% số hộ được xem truyền hình Việt Nam và 90% hộ được nghe đài tiếng nói Việt Nam. Công tác bảo tồn, bảo tàng được quan tâm, nhiều di tích văn hóa lịch sử đã được xây dựng và đưa vào sử dụng như: 35 đền thờ, 15 nhà chùa và nhiều khu di tích lịch sử khác... góp phần gìn giữ, giáo dục và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương.

Văn hóa cơ sở, văn hóa cộng đồng và gia đình đã được quan tâm duy trì, phát triển. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” thu hút sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Đến cuối năm 2007, có 01 xã, phường, thị trấn và trên 47.000 gia đình đạt chuẩn văn hóa. Kết quả của phong trào đã góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy KT - XH phát triển.

Lễ hội văn hóa truyền thống hàng năm của tỉnh được tổ chức nhân ngày 23/3 giải phóng Gia Nghĩa - Đăk Nông... Một số lễ hội khác mang tính dân gian như Lễ hội sum họp cộng đồng các dân tộc tỉnh Đăk Nông, lễ hội của người M’Nông, Mạ, Êđê ... và một số lễ hội đặc trưng của các dân tộc. Đặc biệt, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Tỉnh hiện có 3 di tích văn hóa và lịch sử được công nhận ở cấp quốc gia (Di tích ngục Đăk Mil, Khu căn cứ kháng chiến Nâm Nung và Khu căn cứ khởi nghĩa Nơ Trang Lơng). Hiện nay, các khu di tích được cải tạo và bảo quản khá tốt. Hàng năm tỉnh đều dành ngân sách cho công tác quản lý và trùng tu các di tích văn hóa và lịch sử.

Các hạ tầng văn hóa, thể thao: bảo tàng, nhà văn hóa, nhà hát, thư viện, công viên, khu vui chơi giải trí, nhà thi đấu đã bước đầu được quy hoạch, đầu tư phát triển.

Tóm lại, giai đoạn 2004 - 2007 tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu rất cao của các cấp, các ngành, các địa phương vì vậy các mặt văn hóa, xã hội đều có bước phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, bộ mặt thành thị và nông thôn có nhiều khởi sắc, đã góp phần tạo ra động lực mới thúc đẩy kinh tế phát triển và đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

2. Những tồn tại

- Lĩnh vực lao động và giải quyết việc làm còn nhiều tồn tại như chất lượng lao động kém, năng suất thấp, tỷ lệ lao động chuyên môn kỹ thuật trong tổng số lực lượng lao động xã hội còn thấp, đặc biệt là lao động có trình độ cao. Cụ thể, năm 2007, trong tổng số 223.348 lao động có 180.108 lao động chưa qua đào tạo (80,64%), 23.693 lao động qua đào tạo nghề (7,85%), 17.325 lao động có trình độ trung cấp (5,74%), 5.886 lao động có trình độ cao đẳng (1,95%) 11.379 lao động có trình độ đại học (3,77%). Như vậy, với yêu cầu của quá trình phát triển nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì chất lượng nguồn nhân lực hiện nay còn nhiều bất cập và hạn chế. Cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý. Sự chuyển dịch lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn rất chậm. Tỷ trọng lao động trong nông nghiệp chiếm rất cao (77,5% tổng số lao động). Tình hình phân bổ và sử dụng nguồn nhân lực của tỉnh trong thời gian qua chưa hợp lý giữa các cấp quản lý hành chính nhà nước, giữa khu vực thành thị và nông thôn, đặc biệt là cấp quản lý cơ sở xã, phường, thị trấn vẫn còn một số cán bộ công chức chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định trong khi số học sinh sinh viên tốt nghiệp ra trường có trình độ chuyên môn, quản lý lại không được tiếp nhận hoặc không muốn vào làm việc. Hiện tượng lao động trong các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp bố trí việc làm không đúng chuyên môn nghiệp vụ đào tạo vẫn còn xảy ra nên không phát huy được năng lực, sở trường, ảnh hưởng không ít đến hiệu quả công tác. Chưa có chính sách cụ thể và môi trường làm việc tốt để thu hút và trọng dụng nhân tài nên trong thời gian gần đây số sinh viên các ngành như kiến trúc, xây dựng, kinh tế, khoa học, y tế, quản lý… tốt nghiệp loại khá, giỏi khi ra trường về làm việc tại tỉnh rất thấp. Theo số liệu điều tra thực trạng việc làm và lao động năm 2007 tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh là 19,36%.

- Chất lượng giáo dục - đào tạo, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học chưa đáp ứng so với yêu cầu, còn mang tính tình thế để giải quyết nhu cầu cần trước mắt chứ chưa theo một quy hoạch chuẩn, mà điểm nổi bật là diện tích bao chiếm của các trường hiện nay hầu hết đều không đảm bảo theo chuẩn 10m2/học sinh. Toàn tỉnh hiện nay vẫn còn 574 phòng học tạm. Nhà ở cho giáo viên ở các xã vùng sâu, vùng xa còn thiếu nghiêm trọng. Hiệu quả đào tạo nhất là ở bậc THPT còn thấp, còn có sự chênh lệch về chất lượng giữa thành thị và nông thôn, giữa công lập và ngoài công lập. Đào tạo nghề còn yếu cả về số lượng và chất lượng. Hoạt động khoa học và công nghệ chưa tác động mạnh đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển KT - XH của tỉnh. Giáo dục ở vùng sâu, vùng xa có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, chi phí học tập còn cao so với khả năng thu nhập của dân cư. Công tác XHH giáo dục đào tạo chưa được chú ý đúng mức. Tuy tỉnh có tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm 34,5%, nhưng tỷ lệ giáo viên là người dân tộc chỉ mới có 6,15%. Tỷ lệ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số giảm dần theo các cấp học càng lên cao, biểu hiện: bậc tiểu học 41,3%; THCS 31,29%; THPT 9,7%. Thực hiện Nghị quyết 90/CP ngày 21/8/1997 của Chính phủ về XHH hoạt động giáo dục, công tác vận động tuyên truyền chưa được quan tâm đúng mức, còn ỷ lại ngân sách của Nhà nước cụ thể với mức thu học phí, phí xây dựng ở các trường chỉ bảo đảm được một phần nhỏ hoạt động thường xuyên, chưa đáp ứng được nhu cầu tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học...

- Công tác y tế chăm sóc sức khoẻ nhân dân: Cơ sở vật chất y tế tuyến cơ sở có một số nơi đã xuống cấp, trang thiết bị thiếu, do đó làm ảnh hưởng đến chất lượng phòng và điều trị. Chất thải bệnh viện chưa được xử lý tốt. Một số nơi, môi trường bị ô nhiễm nặng. Nguồn nước, chất thải, chất lượng thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh hàng năm. Mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân đặt ra quá cao so với khả năng về vốn đầu tư nên tính khả thi thấp. Do đặc điểm địa hình là miền núi có độ dốc cao, diện tích đất rộng, dân cư thưa thớt nên việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân rất tốn kém, rất khó khăn trong khâu tuyển dụng, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, điều đó sẽ dẫn đến việc phát huy hiệu quả các công trình không cao. Công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ chưa hiệu quả, trong môi trường dân cư đa ngôn ngữ, tập quán sống có nhiều bất lợi về sức khoẻ. Những tồn tại này là do tình hình KT - XH của tỉnh phát triển chưa cao; đối tượng chính sách xã hội (người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn…) chiếm tỷ lệ khá lớn, và trình độ dân trí thấp.

- Công tác XĐGN, nâng cao đời sống nhân dân chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn cao, nhất là đời sống của một bộ phận dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vẫn còn nhiều khó khăn là một trở ngại lớn đối với sự PTBV. Điều này càng trở nên trầm trọng trong điều kiện giá nông sản biến đổi, lạm phát gia tăng.

Các cơ hội phát triển và nâng cao thu nhập, nâng cao mức sống chưa ổn định và chưa có giải pháp cơ bản lâu dài.

- Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở một số nơi chất lượng còn hạn chế, chất lượng của các đơn vị văn hóa chưa được duy trì ổn định và nâng lên. Công tác thông tin tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu, một số chủ trương chính sách quan trọng chưa được tuyên truyền thường xuyên, chưa cổ vũ, động viên kịp thời phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Phong trào thể dục thể thao quần chúng chưa phát triển đều khắp.

- Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn còn phức tạp, phạm pháp hình sự giảm về số vụ, nhưng trọng án tăng. Tai nạn giao thông đường bộ tăng. Một số tệ nạn xã hội vẫn còn phức tạp nhưng chưa được ngăn chặn có hiệu quả, gây thất thoát và tốn kém các nguồn của cải, tạo nguy cơ mất ổn định xã hội. Tình hình khiếu kiện, tranh chấp đất đai còn một số trường hợp khiếu kiện vượt cấp, bức xúc, kéo dài.

- Đời sống của một bộ phận dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn. Việc giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng còn nhiều bất cập, tỷ lệ vốn đầu tư cho lĩnh vực này còn thấp, tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và các công trình XDCB còn chậm.

III. SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN VÀ BVMT

1. Những thành tựu

1.1. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường có sự chuyển biến

Tỉnh đã cụ thể hóa Luật BVMT 2005, các văn bản luật liên quan khác và các văn bản dưới Luật phù hợp với điều kiện thực tế. Trong thời gian qua UBND tỉnh xây dựng chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 01/CT-TU ngày 10/01/2006 của Tỉnh uỷ về việc “BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước” để thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị. Tỉnh đã chú trọng lồng ghép chương trình phát triển KT - XH và BVMT. Từng bước đảm bảo thực hiện đánh giá tác động môi trường, tuân thủ các yêu cầu về môi trường ngay từ khâu xây dựng và phê duyệt các quy hoạch, dự án đầu tư, không cho đưa vào xây dựng, vận hành, khai thác các cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về môi trường.

Tỉnh chú trọng tăng cường pháp chế trong lĩnh vực BVMT trên địa bàn tỉnh. Xác định rõ chức năng quản lý của các cơ quan có liên quan về BVMT, kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa quản lý tài nguyên và môi trường. Đặc biệt là tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên rừng. Tỉnh đã triển khai thực hiện quy định về thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp.

Công tác quản lý đất đai ngày càng chặt chẽ, các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh do Luật đất đai 2003 và Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ quy định đều được tập trung thực hiện tốt, có nhiều chuyển biến cơ bản và tích cực góp phần ổn định xã hội và phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng. Đã hoàn thành quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2006 - 2010) được Chính phủ phê duyệt. Hiện tại tỉnh đang triển khai quy hoạch chi tiết các huyện mới thành lập và điều chỉnh địa giới là Đăk GLong, Tuy Đức và Đăk R’Lấp. Công tác đo đạc bản đồ đã hoàn thành được 643.495 ha, và công tác đo vẽ lập hồ sơ địa chính tỷ lệ 1/10.000 là 459.354 ha. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức là 130.147,5 ha và cấp cho hộ gia đình và cá nhân là 112.626,5 ha.

1.2. Lâm nghiệp đã góp phần quan trọng vào phát triển KT - XH

Xác định lâm nghiệp là lĩnh vực quan trọng, tỉnh đã có nhiều biện pháp và thực hiện có kết quả chương trình “5 triệu ha rừng”: với 8.315 ha rừng trồng mới; Đồng thời UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 46/2005/QĐ-UB ngày 31/8/2005 về thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư vào nông lâm nghiệp trên các lĩnh vực: giống cây lâm nghiệp, trồng rừng nguyên liệu, chế biến. Tổng diện tích rừng của Đăk Nông đến năm 2007 là 325.005 ha, thì diện tích rừng tự nhiên là 314.133 ha. Sản lượng gỗ khai thác mỗi năm khoảng 20.000 - 30.000 m3. Bình quân thực hiện trồng rừng tập trung khoảng trên 2.000 ha/năm. UBND tỉnh đã phê duyệt rà soát lại 3 loại rừng nhằm sử dụng vốn rừng một cách có khoa học và hiệu quả nhất. Các năm qua ngành lâm nghiệp đã góp phần vào phát triển KT - XH, giá trị sản xuất tăng bình quân 5,7%/năm. Tuy chiếm một tỷ trọng không lớn trong GDP của tỉnh, nhưng giá trị của khâu trồng và chăm sóc rừng đã được nâng lên một cách đáng kể, chứng tỏ chính quyền các cấp của tỉnh cũng như các thành phần kinh tế trong ngành lâm nghiệp đã chú trọng đến việc tạo rừng.

Đến nay trên địa bàn tỉnh có 14 công ty lâm nghiệp, 2 khu bảo tồn thiên nhiên và 3 Ban quản lý rừng phòng hộ, quản lý trên 80%, UBND huyện, xã quản lý 14,2%, lực lượng vũ trang và liên doanh quản lý 3,5% diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh.

1.3. Công tác quản lý tài nguyên đã làm được khảo sát điều tra phục vụ quy hoạch, khai thác và chế biến

Theo tài liệu địa chất, cho đến nay toàn tỉnh đã phát hiện khoảng 20 loại khoáng sản với trên 100 điểm. Bao gồm các mỏ, điểm quặng như: nhôm, vàng, đá quý, vonfram, antimon, thiếc, chì, kẽm, sét trắng, puzơlan, đá ốp lát, đá xây dựng, sét gạch ngói và nước khoáng giàu khí CO2….

Tiềm năng về khai thác và chế biến quặng bô xít là rất lớn và có khả năng mang lại giá trị kinh tế cao cho địa phương. Cho đến nay đã phát hiện được khoảng 7 mỏ trải dài trên 04 huyện từ Đăk Mil đến Đăk R’Lấp với tổng trữ lượng khai thác ước tính khoảng 5,4 tỷ tấn nguyên khai. Kaolin cũng là nguồn khoáng sản có giá trị và phân bố nhiều ở Đăk Nông với trữ lượng ước tính trên 100 triệu tấn. Đá xây dựng được phân bố hầu như khắp các huyện trong tỉnh với trữ lượng hàng tỷ m3 chất lượng tốt. Ngoài ra còn có sét gạch ngói với trữ lượng hàng trăm triệu m3 phân bố chủ yếu ở Cư Jút, Krông Nô, Gia Nghĩa, Đăk R’Lấp.

Đã thăm dò 01 mỏ bô xít, 01 mỏ đá quý Saphia và 24 mỏ đá xây dựng. Các mỏ đã và đang tìm kiếm thăm dò đánh giá bao gồm: 04 mỏ bô xít và 02 mỏ kaolin.

Công tác điều tra, khảo sát đánh giá, kiểm tra khai thác tài nguyên nước được tăng cường. Tỉnh đã phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) tổ chức khoan thăm dò 30 giếng khoan phục vụ điều tra đánh giá nước dưới đất ở một số vùng trọng điểm thuộc tỉnh Đăk Nông của Bộ TN&MT theo Quyết định số 815/QĐ-BTNMT ngày 16/5/2005, về việc phê duyệt điều tra đánh giá nước dưới đất ở một số vùng trọng điểm thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên.

1.4. Bảo tồn ĐDSH đã có điều tra đánh giá phục vụ các ngành kinh tế

Do đặc điểm về địa hình, khí hậu, đất đai ở Đăk Nông nên sự phân bố rừng và thực vật rất phong phú. Chỉ căn cứ vào sự ĐDSH ở khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, Tà Đùng cũng đã có thể đánh giá tính ĐDSH cao của tỉnh. Hiện đã có trên 300 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc gần 1200 chi trên của 150 họ và 61 bộ khác nhau. Có 93 loài thú thuộc 26 họ và 16 bộ, 197 loài chim thuộc 46 họ và 18 bộ, gần 50 loài bò sát, 25 loài lưỡng thê, trên 50 loài cá nước ngọt và hàng ngàn loài côn trùng, động vật đất. Giá trị ĐDSH cao của tỉnh là một trong những lợi thế quan trọng trong đảm bảo cung cấp các dịch vụ và hàng hóa từ tài nguyên, môi trường phục vụ phát triển KT - XH, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, do đó cần được quan tâm giữ gìn. Tuy nhiên, hiện nay dưới áp lực của các hoạt động kinh tế, các loài động, thực vật nói chung đang bị suy giảm, các nguy cơ trực tiếp và gián tiếp vẫn chưa bị loại trừ. Tỉnh cần có các biện pháp nhằm bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên ĐDSH của tỉnh và tại vành đai rừng, vùng đệm của các khu vực này vẫn bị sức ép về nguy cơ săn bắt, khai thác làm suy thoái, cạn kiệt tài nguyên làm suy giảm tính ĐDSH.

2. Những tồn tại

2.1. Các cân nhắc môi trường chưa được lồng ghép chặt chẽ trong quy họach, chương trình phát triển

Các quy hoạch, chương trình phát triển vẫn chưa lồng ghép đầy đủ các yếu tố môi trường, xã hội thông qua đánh giá tác động, đề xuất biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tích cực và quản lý môi trường trong thực hiện chương trình dự án. Nhiều quy hoạch vẫn chưa có đóng góp của Sở TN&MT và các nhà khoa học vào giai đọan cần thiết. Các quy định thực hiện an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân chịu ảnh hưởng, kế hoạch quản lý, BVMT trong và sau dự án chưa được tuân thủ chặt chẽ.

Trong công tác quy hoạch phát triển, thẩm định và phê duyệt các chương trình, dự án đầu tư phát triển sản xuất, dịch vụ trên địa bàn chưa thật sự chú ý nhiều đến các giải pháp về BVMT. Đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của Luật BVMT năm 2005 vẫn chưa được triển khai, vì vậy những vấn đề môi trường vẫn chưa được tiếp cận ở tầm chiến lược cho các chiến lược, quy họach, chương trình và dự án lớn.

2.2. Hiện trạng môi trường đang xuống cấp, cần có kế hoạch hành động với biện pháp tích cực

Đồng hành với phát triển nhanh về kinh tế, các mặt xã hội được củng cố và tiến bộ hơn trước thì môi trường một số nơi bị ô nhiễm nặng. Tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản còn bừa bãi, nhất là khai thác vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản trên địa bàn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tài nguyên rừng ở một số vùng bị suy giảm, tình trạng phá rừng, khai thác gỗ, săn bắt động vật quý hiếm vẫn còn phổ biến, chưa ngăn chặn kịp thời.

Vấn đề VSMT ở khu vực nông thôn và một số huyện lỵ vẫn đang còn nan giải. Do phong tục - tập quán sinh hoạt và thói quen thả rông gia súc, đã làm ô nhiễm các nguồn nước sinh hoạt. Một số nơi vẫn còn hiện tượng đốt, phá rừng làm nương rẫy, đặc biệt từ những nhóm di cư tự do, làm tài nguyên rừng bị suy giảm nghiêm trọng. Việc lạm dụng các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu đã và đang hủy hoại môi trường, giảm chất lượng đất trồng, giảm ĐDSH. Việc giải quyết nước sinh hoạt cho nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Ở một số huyện vùng sâu, việc thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô mang tính cấp thiết và bức xúc.

Tỉnh chưa có chương trình hành động cụ thể trong xử lý rác thải công nghiệp, nhất là ở các khu công nghiệp tâp trung. Chưa xây dựng được quy hoạch về vùng sinh thái trọng yếu cần đảm bảo sử dụng hợp lý tài nguyên và BVMT như: các khu trọng điểm về phát triển kinh tế, các khu đô thị, vùng đầu nguồn nước, các điểm khai thác khoáng sản, rừng nguyên sinh, và khu bảo tồn quốc gia. Tỉnh cũng chưa xây dựng được các giải pháp BVMT và sử dụng hợp lý tài nguyên trong khai thác khoáng sản, nhất là quặng bôxít.

2.3. Các cơ quan bảo vệ môi trường cần được tăng cường năng lực để họat động có hiệu quả

Tỉnh cũng chưa xây dựng được đội ngũ thanh tra và xử phạt nghiêm những cơ sở sản xuất, địa phương chưa chấp hành theo các qui định của Nhà nước về BVMT.

Việc chấp hành quy định pháp luật về BVMT trong các đơn vị sản xuất kinh doanh chưa thật sự nghiêm túc. Ý thức BVMT chưa trở thành thói quen trong cách sống và hành động của một bộ phận doanh nghiệp, dân cư dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, khiếu kiện tố cáo tranh chấp về môi trường xảy ra tại một số nơi trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có kinh phí đầu tư hệ thống thu gom và xây dựng bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh, rác thải y tế đang trộn chung với rác thải sinh hoạt đổ vào các bãi rác tự phát.

Hiệu lực của công tác quản lý chưa cao, cơ chế chính sách hoạt động BVMT chưa đồng bộ, chưa khuyến khích được sự nhiệt tình và năng động sáng tạo của cơ sở sản xuất kinh doanh, cộng đồng và người dân, sự phối hợp giữa các ngành về công tác BVMT còn thiếu đồng bộ và chưa chặt chẽ.

Luật BVMT và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật chưa triển khai phổ biến đến các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh khiến cho việc triển khai Luật BVMT còn gặp nhiều khó khăn.

Nguồn lực dành cho BVMT thông qua cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng còn hạn hẹp. Phương tiện thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các phương tiện thô sơ, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải thấp. Các bãi chứa rác, khu vực chôn lấp rác chưa được quy hoạch đầu tư kinh phí xây dựng một cách hệ thống, chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác, khí rác.

Lực lượng cảnh sát môi trường của tỉnh mới được thành lập, đang trong quá trình kiện toàn bộ máy tổ chức, đã có đóng góp bước đầu váo công tác thực thi pháp luật về BVMT. Tuy nhiên do công tác còn mới và năng lực hạn chế, nên lực lượng này chưa thực sự đóng góp mạnh mẽ vào công tác BVMT.

Chương II:

CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN PTBV TẠI ĐĂK NÔNG TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế và cải cách nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Đăk Nông có nhiều thuận lợi về địa lý kinh tế, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú (thủy điện, rừng, quặng bô xít), đất đai khí hậu phù hợp cho phát triển cây công nghiệp. Văn hóa đa dạng của 29 dân tộc anh em là tài sản quý giá cần trong quá trình phát triển.

Tuy vậy, Đăk Nông cũng gặp phải nhiều thách thức đòi hỏi phải có giải pháp để đạt được phát triển hài hòa về kinh tế, xã hội và môi trường. Đó là: i) Tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng có thể thiếu ổn định và bền vững; ii) Kinh tế xuất phát điểm còn thấp, chủ yếu là các sản phẩm thô, chưa có đóng góp nhiều của tri thức và công nghệ để tạo gia tăng giá trị; iii) Tài nguyên còn lãng phí trong quá trình sản xuất do công nghệ còn lạc hậu; iv) Nguồn nhân lực trẻ và dồi dào, nhưng trình độ còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của hội nhập và phát triển kinh tế; v) Sự phân hóa giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, đồng bào vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; vi) Môi trường ô nhiễm; vii) Các loại dịch bệnh như SARS, cúm gà, sốt rét, HIV/AIDS,… có thể tác động xấu đến sự phát triển của Đăk Nông; viii) Tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt và suy thoái do quy hoạch và quản lý khai thác không tốt; ix) Biến đổi khí hậu có thể gây ảnh hưởng khó lường, và x) Lối sống thực dụng làm suy thoái môi trường văn hóa, đạo đức và giá trị văn hóa dân tộc.

I. BỐI CẢNH PHÁT TRIỂN KT - XH

1. Bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực

Bước vào những năm đầu của thế kỷ 21, đặc trưng nổi bật của bối cảnh kinh tế thế giới là cuộc cách mạng khoa học và công nghệ mà trọng tâm là cách mạng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano và công nghệ vật liệu mới. Đặc biệt, sự xâm nhập nhanh của tri thức và công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp mới. Cùng với nó, những ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, tư vấn, thương mại điện tử,... phát triển vượt trội làm cho khu vực dịch vụ tăng rất nhanh, hình thành nên các ngành kinh tế chủ lực và mũi nhọn mới làm thay đổi cơ cấu kinh tế truyền thống.

Xu thế toàn cầu hóa đang lan rộng và diễn ra mạnh mẽ sẽ tác động đến sự phát triển của mỗi quốc gia. Các công ty xuyên quốc gia đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế toàn cầu, hình thành nên sự phân công lao động mới. Sự liên kết, liên doanh, hợp tác giữa các nước trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trong thay đổi công nghệ, kỹ thuật và mở rộng mạng lưới kinh doanh ngày càng được mở rộng. Các định chế thương mại và tài chính quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)… và các công ty đa quốc gia ngày càng tác động lớn tới các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển thông qua các hoạt động đẩy mạnh thương mại, đầu tư sản xuất, tài chính...

Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực kinh tế năng động nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, môi trường đầu tư được cải thiện, xuất khẩu tăng nhanh hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Việt Nam là nước nằm trong khu vực này, có nhiều cơ hội hợp tác phát triển, thu hút các nguồn tài chính và mở rộng thị trường.

Thời gian qua Việt Nam đã tạo được mối quan hệ kinh tế với các nước công nghiệp như Nhật Bản, Pháp, Đức, Anh và các nước EU khác, với các nước trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước ASEAN. Việt Nam cũng đã ký Hiệp định thương mại với Mỹ và là thành viên WTO. Từ các mối quan hệ đó, để đẩy mạnh phát triển KT - XH và hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, Việt Nam đang tích cực cải thiện môi trường đầu thu nhằm thu hút các dòng vốn, tài chính, tín dụng từ thông qua các kênh đầu tư trực tiếp, gián tiếp, hỗ trợ phát triển chính thức.

Cơ hội khi Việt Nam gia nhập WTO:

- Việt Nam được tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ ở tất cả các nước thành viên với mức thuế nhập khẩu đã được cắt giảm và các ngành dịch vụ, không bị phân biệt đối xử.

- Với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hiện công khai minh bạch các thiết chế quản lý theo quy định của WTO, môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện.

- Việt Nam có được vị thế bình đẳng như các thành viên khác trong việc hoạch định chính sách thương mại toàn cầu, có cơ hội để đấu tranh nhằm thiết lập một trật tự kinh tế mới công bằng hơn, hợp lý hơn, có điều kiện để bảo vệ lợi ích của đất nước, của doanh nghiệp.

- Hội nhập vào nền kinh tế thế giới cũng thúc đẩy tiến trình cải cách trong nước, bảo đảm cho tiến trình cải cách của Việt Nam đồng bộ hơn, có hiệu quả hơn.

- Cùng với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử sau hơn 20 năm Đổi mới, việc gia nhập WTO nâng cao vị thế của ta trên trường quốc tế, tạo điều kiện cho Việt Nam triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại.

Các thách thức chính là:

- Cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt hơn, với nhiều "đối thủ" hơn, trên bình diện rộng hơn, sâu hơn.

- Do "phân phối" lợi ích của toàn cầu hóa là không đồng đều - những nước có nền kinh tế phát triển thấp được hưởng lợi ít hơn. Ở mỗi quốc gia, sự "phân phối" lợi ích cũng không đồng đều. Một bộ phận dân cư được hưởng lợi ít hơn, thậm chí còn bị tác động tiêu cực của toàn cầu hóa. Nguy cơ phá sản một số doanh nghiệp và nguy cơ thất nghiệp sẽ tăng lên, phân hóa giàu nghèo sẽ mạnh hơn. Điều đó đòi hỏi phải có chính sách phúc lợi và an sinh xã hội đúng đắn, phải quán triệt và thực hiện thật tốt chủ trương của Đảng: "Tăng trưởng kinh tế đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển".

- Hội nhập kinh tế quốc tế trong một thế giới toàn cầu hóa, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước sẽ tăng lên. Trong điều kiện tiềm lực đất nước có hạn, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, kinh nghiệm vận hành nền kinh tế thị trường chưa nhiều thì đây là khó khăn không nhỏ.

- Hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra những vấn đề mới trong việc BVMT, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chống lại lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền.

Có thể nói, bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực vừa hợp tác, vừa cạnh tranh đan xen phức tạp đã và đang đưa đến cho Việt Nam nói chung và Đăk Nông nói riêng nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức khó khăn mới. Đáng kể là công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thương mại, môi trường, an sinh xã hội đòi hỏi mỗi địa phương nỗ lực vươn lên, nắm bắt thời cơ, hội nhập và PTBV.

2. Bối cảnh kinh tế trong nước

- Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã đề ra chiến lược phát triển KT - XH đất nước thời kỳ 2001 - 2010 với mục tiêu xây dựng công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, tránh tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới. Việt Nam đang bước vào giai đọan phát triển mới nhằm đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020.

- Trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước, dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời kỳ 2001 - 2010 đạt nhịp độ tăng trưởng khoảng 7,72% (trong đó thời kỳ 2006 - 2010 đạt 7,5 - 8,0%). Cơ cấu kinh tế các ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, đến năm 2010 công nghiệp chiếm 42,12%, dịch vụ chiếm 43,38%, nông, lâm, thuỷ sản giảm xuống còn 14,5%. Tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm xuống còn khoảng 50%. Lao động qua đào tạo kỹ thuật, ngành nghề khoảng 40%, quỹ sử dụng thời gian lao động đạt 80 - 85%. Hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở trên cả nước, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 20%....

- Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh là một dự án lớn mang ý nghĩa quốc gia. Đăk Nông là một trong những tỉnh mà đường Hồ Chí Minh chạy qua hầu hết các huyện, thị của tỉnh. Khi tuyến đường Hồ Chí Minh hoàn thành và đi vào hoạt động, đây sẽ là tuyến giao thông huyết mạch, tăng khả năng giao lưu nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho Đăk Nông thông thương hàng hóa, thu hút đầu tư, giao lưu kinh tế với các vùng lân cận, với cả nước và quốc tế.

- Với những chiến lược và mục tiêu chung của cả nước nêu trên, tỉnh Đăk Nông cần đề ra những định hướng phát triển trong 10 - 15 năm tới cho phù hợp với xu thế chung và rút ngắn sự chênh lệch trong phát triển kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội và BVMT.

3. Phương hướng phát triển vùng Tây Nguyên

Đảng và Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt để không ngừng nâng cao đời sống cho đồng bào, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc, vùng xã và vùng biên giới. Trong định hướng phát triển KT - XH của vùng Tây Nguyên, sẽ tập trung phát triển các ngành, các mặt hàng có lợi thế như cà phê, cao su, tiêu, điều, bột giấy, gỗ... Phát triển công nghiệp chế biến, thuỷ điện, khai thác và chế biến khoáng sản. Xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông: hoàn thành xây dựng đường Hồ Chí Minh theo kế hoạch, nâng cấp các quốc lộ 14, 19, 20, 24, 25, 27 và 28. Đầu tư cải tạo 1 sân bay hiện có. Chuẩn bị triển khai xây dựng hệ thống đường sắt vào Đăk Nông và Bảo Lộc. Xây dựng một số trung tâm thương mại ở các đô thị tỉnh và huyện trọng điểm. Xây dựng các cửa khẩu, chợ biên giới, và khu kinh tế cửa khẩu nhằm tăng cường hoạt động thương mại, dịch vụ và trao đổi hàng hóa với Cămpuchia.

Những định hướng, mục tiêu của vùng là cơ sở để xem xét trong xây dựng quy hoạch tỉnh gắn với phát triển của vùng, tham gia hợp tác liên tỉnh, liên quốc gia.

II. NHỮNG LỢI THẾ TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Đăk Nông thuộc vùng Tây Nguyên (gồm các tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum) nằm trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cămpuchia. Có vị trí địa lý thuận lợi nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh nối liền Bắc - Nam, nối liền với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; quốc lộ 28 đi Di Linh - Lâm Đồng và nối với quốc lộ 1A. Đây là điều kiện thuận lợi cho giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh Đăk Nông với các tỉnh, thành phố trong cả nước và nước ngoài. Là tỉnh mới được chia tách nên Đăk Nông có thuận lợi tiếp thu được nhiều kinh nghiệm từ các tỉnh chia tách trước, được Nhà nước, các Bộ, Ban ngành quan tâm tập trung hỗ trợ đầu tư. Biên giới tiếp giáp với Cămpuchia là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển thương mại, du lịch quốc tế.

- Đăk Nông có diện tích chiếm 12%, dân số chiếm 8,7% so toàn vùng Tây Nguyên.

Năm 2007, tổng giá trị sản phẩm GDP của tỉnh Đăk Nông (giá chuyển đổi 94) chiếm 10,4% tổng giá trị sản phẩm GDP chung toàn vùng Tây Nguyên. Sản lượng cà phê chiếm tỷ trọng đáng kể 13,1% sản lượng cà phê của vùng, đóng góp 15% giá trị xuất khẩu Tây Nguyên.

- Về mức thu nhập bình quân đầu người tương đương bình quân của khu vực Tây Nguyên. Năm 2007, GDP bình quân đầu người của tỉnh (giá HH) bằng 67% so với bình quân chung cả nước. Đây là một trong những hạn chế lớn của tỉnh.

Là tỉnh có tiềm năng về phát triển thủy điện, khai thác, chế biến bô xít và nhiều khoáng sản quý hiếm. Trữ lượng khoáng sản bô xít dự đoán 5,4 tỷ tấn, đủ để khai thác công nghiệp trong nhiều năm. Có tiềm năng thủy điện lớn trên mạng lưới các sông suối dày đặc, có thể xây dựng một số nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ với tổng công suất 1.500 MW.

Tuy nhiên, các lợi thế về tài nguyên thiên nhiên chưa được đầu tư thích đáng để đưa vào khai thác do cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Một số dự án khai thác quy mô nhỏ, hịêu quả kinh tế, môi trường thấp. Đặc biệt, lợi thế về thủy điện và boxit đòi hỏi phải được điều tra, quy hoạch và quản lý phát triển tốt nếu không sẽ gây tổn hại cho môi trường, tàn phá rừng, đất đai, làm suy giảm ĐDSH, hủy hoại tài nguyên, thậm chí có thể gây ra các vấn đề an sinh xã hội. Tiềm năng về đất, rừng: Đăk Nông có diện tích đất đỏ bazan lớn, màu mỡ, điều kiện khí hậu thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp dài ngày, phát triển chăn nuôi đại gia súc. Diện tích đất đai chưa khai thác còn nhiều cho phép mở rộng qui mô sản xuất, phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa. Năng suất cây trồng còn thấp, có khả năng đầu tư thâm canh tăng năng suất. Trong tỉnh có nhiều thác nước, suối, hồ đẹp, có những khu rừng nguyên sinh tạo nên những danh lam thắng cảnh hấp dẫn có thể khai thác phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái.

Có cơ cấu dân tộc rất đa dạng, gồm 29 dân tộc. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng là quá trình hòa nhập đan xen, đa dạng các nền văn hóa dân tộc, các phong tục tập quán của cộng đồng các dân cư khác nhau. Điều này tạo điều kiện bổ sung và làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc trong tỉnh.

Nhìn chung, nền kinh tế tỉnh Đăk Nông chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế chung toàn vùng Tây Nguyên, chưa tương xứng với vị trí địa lý - kinh tế và tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Trong giai đoạn tới, Đăk Nông cần khai thác triệt để các tiềm năng lợi thế nhân văn, địa lý, tài nguyên và môi trường sinh thái để phát triển, trở thành một trong những địa bàn năng động, nhanh chóng chiếm vị trí xứng đáng trong nền kinh tế chung của vùng Tây Nguyên và cả nước.

III. CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN PHÁT TRIỂN CẦN LƯU Ý

Trong quá trình phát triển KT - XH của tỉnh Đăk Nông, đặc biệt với tốc độ tăng trưởng GDP nhanh, thời kỳ 2008 - 2010 có thể đạt mức bình quân hàng năm từ 16,5% trở lên, sẽ phát sinh nhiều xu hướng, yếu tố ảnh hưởng không tốt đến PTBV của tỉnh, cần được quan tâm giải quyết. Ngoài những khó khăn tồn tại mà Chương I đã đề cập, những vấn đề sau đây cũng là thách thức đối với PTBV:

1. Tăng trưởng kinh tế kém ổn định và không bền vững

Tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng: trong điều kiện xuất phát điểm thấp, quy mô sản xuất còn nhỏ, phân tán và yếu kém về quản trị, để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh cũng như huy động đầu tư, phát triển kinh tế nông lâm nghiệp và công nghiệp chủ yếu dựa vào gia tăng vốn đầu tư, sử dụng nhiều tài nguyên đất đai, tài nguyên tự nhiên, lao động trình độ thấp và ít chú trọng đến quy mô, hiệu quả sản xuất cũng như hàm lượng tri thức, công nghệ trong sản phẩm, suất đầu tư ICOR cao hơn mức trung bình cả nước. Dẫn đến lạm phát cao, tài nguyên sẽ cạn kiệt, chi phí sản xuất cao, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế thấp...sẽ không còn duy trì được tăng trưởng kinh tế lâu dài.

2. Sản xuất nhiều sản phẩm thô và kém ổn định về thị trường

Trong nông nghiệp, các sản phẩm chủ lực của tỉnh hiện chỉ mới được đưa ra thị trường để tiêu thụ dưới dạng thô, bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế, chế biến dạng gia công thô hoặc sản phẩm chế biến chưa thật sự đa dạng. Công nghiệp mới chỉ phát triển ở mức độ công nghiệp cơ giới phục vụ dân dụng, công nghiệp vật liệu xây dựng, cơ khí... phục vụ tiêu dùng tại chỗ, hầu như không có mặt hàng công nghiệp chế tạo.

Do đó, các sản phẩm trên địa bàn tỉnh có giá trị tiêu thụ thấp, ít có giá trị gia tăng, không tạo được nhiều việc làm, kém ổn định về thị trường và rất dễ vướng những rào cản kỹ thuật trong tương lai khi tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Hơn nữa, nếu mất ổn định về thị trường sẽ dẫn đến việc thay đổi liên tục cơ cấu cũng như loại hình sản xuất kinh tế làm hao tốn đầu tư và giảm hiệu quả sản xuất.

3. Hao phí tài nguyên trong quá trình sản xuất

Các loại tài nguyên hiện đang bị sử dụng hao phí là:

- Đất đai nông nghiệp: Do năng suất và giá trị sản phẩm trên đơn vị đất đai còn thấp.

- Lâm nghiệp: Khai thác bừa bãi chưa có nghiên cứu và quy hoạch khả năng tái tạo, phục hồi. Sự hao hụt dần các loại tài nguyên quý giá này trong tương lai sẽ có tác động làm giảm năng suất, sản lượng và tăng giá thành sản xuất, làm giảm giá trị dịch vụ và hàng hóa mà môi trường có thể đưa lại cho các ngành dịch vụ nên có thể hạn chế phát triển du lịch, thủy điện,... hơn nữa còn làm suy giảm tài nguyên để lại cho thế hệ sau.

4. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển

Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định song phải có thời gian chuẩn bị bồi dưỡng lâu dài, ít nhất 3 năm đối với lao động kỹ thuật và 5 năm đối với lao động trình độ cao và phải có định hướng thích ứng với dự kiến phát triển các ngành chủ lực. Trong khi đó đầu tư ở mức độ công nghệ cao thường sớm hơn khả năng chuẩn bị nguồn nhân lực. Trong phát triển, thường rất khó cân nhắc đào tạo lao động thích ứng với phát triển dự kiến. Khuynh hướng phổ biến là chọn lọc đầu tư, công nghệ theo khả năng lao động và do đó, tốc độ tăng trưởng sẽ giảm dần khi nguồn nhân lực không đáp ứng kịp yêu cầu sản xuất.

Đăk Nông là tỉnh mới thành lập, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, sức hấp dẫn để thu hút nhân lực có chất lượng cao về làm việc tại tỉnh sẽ khó hơn các tỉnh khác. Vì vậy về lâu dài tỉnh cần có chiến lược xây dựng nhân lực cho cơ quan chính quyền cũng như hỗ trợ doanh nghiệp địa phương phát triển.

5. Phân hóa giàu nghèo

Quá trình phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn năng động có hiệu quả, làm phá sản một số doanh nghiệp, nhà kinh doanh không thích ứng với cơ chế thị trường, hoặc rủi ro do thiên tai, không theo kịp chính sách của nhà nước làm phân hóa, tăng khoảng cách người giàu, nghèo.

6. Phát sinh các vấn đề môi trường

Các vấn đề môi trường phát sinh trong điều kiện tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng không được quy hoạch và quản lý tốt, đó là: ô nhiễm môi trường, gia tăng rác thải và sự cố môi trường. Đặc biệt là các vấn đề môi trường nảy sinh do gia tăng dân số, và do đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, khai thác chế biến quặng bôxít, luyện Alumin như: hệ sinh thái bị ô nhiễm, chất thải, nguy cơ nảy sinh lũ, lụt… Nếu không đựơc quan tâm đúng mức sẽ tác động xấu đến môi trường lâu dài của tỉnh.

7. Bất ổn khách quan trong quá trình phát triển KT - XH

Các bất ổn khác bao gồm:

- Các loại dịch bệnh (cúm gia cầm, SARS, bệnh gia súc,...)

- Giá cả các hàng hóa thiết yếu như vật tư, xăng dầu thế giới tăng nhanh, đồng USD giảm giá, suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn thế giới tác động xấu đến kinh tế Việt Nam nói chung và của tỉnh Đăk Nông nói riêng.

- Khó khăn chung về kinh tế, tài chính (giảm phát, lạm phát, khủng hoảng thiếu, khủng hoảng thừa, sức cạnh tranh kém…) trong khu vực, trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế.

8. Các vấn đề suy thoái, cạn kiệt tài nguyên

- Thay đổi về tài nguyên tự nhiên, chủ yếu là nguồn lợi lâm sản. Các nguồn tài nguyên này có thể bị cạn kiệt do khai thác quá mức và không có khả năng tái tạo.

- Suy thoái tài nguyên tự nhiên: Đất đai có thể giảm độ phì (khai thác quá mức năng suất cây trồng, không cải tạo đất và sử dụng nhiều chất hóa học làm giảm chất lượng đất canh tác) hoặc thay đổi địa mạo (do khai khoáng, xây dựng thủy điện, khai thác Boxit, và làm đường giao thông).

- Suy giảm ĐDSH: Quá trình thay đổi mục đích sử dụng đất phục vụ nông nghiệp, phát triển hạ tầng, di dân tự phát, săn bắt động vật hoang dã, khai thác tài nguyên không hợp lý, thâm canh nông nghiệp... sẽ gây nhiều tác động tiêu cực lên hệ sinh thái và ĐDSH.

9. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH), do ảnh hưởng của nồng độ khí nhà kính tăng nên trong quá trình công nghiệp hóa, trở thành vấn đề thách thức lớn cho PTBV trên quy mô toàn cầu. Theo báo cáo của Ủy ban Liên Chính phủ về BĐKH (IPCC) thì Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Chính vì vậy, trong Nghị quyết số 60/2007/NQ-CP ngày 03/12/2007, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và nước biển dâng. BĐKH sẽ tác động mạnh mẽ không chỉ trong sự gia tăng tính bất ổn của khí hậu mà còn trong cường độ và tần suất của những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, có thể sẽ gây thiệt hại to lớn cho sự PTBV của đất nước.

Theo các kịch bản BĐKH, ở Việt Nam, nhiệt độ trung bình năm sẽ tăng thêm 2Oc vào năm 2050 và 2,5oC vào năm 2070. Mực nước biển dâng trung bình khoảng 35cm vào năm 2050, 50 cm vào năm 2070 và dự tính đến năm 2100, có thể tăng tới 1m.

Theo nghiên cứu sơ bộ thì khu vực Tây Nguyên, nhiệt độ trung bình trong các thập kỷ sắp tới sẽ tăng lên. Nhiệt độ cao nhất có thể đạt những kỷ lục cao hơn, nhất là các vùng núi thấp và hạ lưu, trung lưu các sông lớn. Các đợt nắng nóng có thể xuất hiện với tần suất cao hơn. Mùa nóng kéo dài và mùa lạnh thu hẹp lại, vành đai nhiệt độ lùi về các vùng núi cao hơn.

Dòng chảy năm trên các sông giảm đi, chủ yếu do giảm dòng chảy kiệt. Lũ lụt và lũ quét vẫn là mối đe dọa thường xuyên do lượng mưa trong một đợt thay đổi và mùa mưa mùa khô trở nên thất thường về thời kỳ bắt đầu và kết thúc cũng như thời kỳ cao điểm. Nhiệt độ tăng làm nước bốc hơi nhanh hơn có thể gây hạn hán trên diện rộng, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô.

Sản xuất nông nghiệp sẽ phải thay đổi nhiều để thích ứng với điều kiện nhiệt độ cao hơn và mưa thất thường hơn. Sản xuất cây công nghiệp có giá trị cao (cà phê, cao su,...) đòi hỏi gia tăng chi phí.

Rừng nửa nhiệt đới như thông, pơ - mu,... và các cây ưa lạnh khác có thể mất đi một phần diện tích đáng kể do sự chuyển dịch các vành đai tổng nhiệt độ về phía núi cao. Tuy nhiên, các cây nhiệt đới, nhất là các cây công nghiệp, có khả năng phát triển ở một số vùng hiện có điều kiện nhiệt thấp.

Nhiệt độ cao hơn cũng tạo điều kiện phát sinh và phát triển nhiều loại dịch bênh cho cây trồng, vật nuôi và cả người dân Tây Nguyên.

10. Vấn đề dân di cư

Những năm gần đây, lượng dân di cư tự do từ các nơi khác (nhất là từ miền núi phía Bắc) tới Đăk Nông làm nảy sinh nhiều vấn đề kinh tế xã hội và môi trường cần giải quyết. Nạn phá rừng làm nương rẫy xảy ra trầm trọng hơn, phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh. Hạ tầng xã hội không đáp ứng được yêu cầu. Con em của người nhập cư không có điều kiện để học hành, cơ sở khám chữa bệnh khó khăn, trong khi người dân chưa quen với thời tiết và lối sống ở vùng đất mới. Có nơi mâu thuẫn xảy ra giữa người bản địa và người dân di cư do tranh chấp đất đai. Vấn đề này cần được lưu ý giải quyết đồng bộ ở cấp độ chủ trương chính sách và quy định của trung ương cho đến phối hợp giữa các tỉnh liên quan để đảm bảo PTBV.

11. Suy thoái môi trường văn hóa, đạo đức xã hội, giá trị văn hóa dân tộc

Do quá trình hội nhập, ngoài giao lưu kinh tế, sẽ có tác động của nhiều luồng văn hóa, lối sống, nếu không quan tâm gìn giữ bản sắc dân tộc, tiếp thu có chọn lọc các tinh hoa văn hóa, lối sống tốt từ bên ngoài, nhiễm thói quen tiêu dùng không thân thiện môi trường, sẽ dần mất đi bản sắc, văn hóa dân tộc, nguy hại hơn nữa là sự xâm nhập các sản phẩm và dịch vụ văn hóa không lành mạnh sẽ làm phương hại đến sự phát triển đất nước, bảo tồn truyền thống văn hóa và con người Việt Nam. Đây là một trong những nguy cơ lớn đe dọa PTBV.

Chương III:

ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM VÀ NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG TRONG PTBV

Tỉnh quán triệt quan điểm PTBV, đó là: PTBV về kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo kết hợp hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, và bảo vệ môi trường.

Trong những năm trước mắt, do xuất phát từ mặt bằng kinh tế thấp, tỉnh ưu tiên tăng trưởng kinh tế nhanh, từng bước nâng cao chất lượng sống của con người và đảm bảo công bằng, an sinh xã hội. Với lợi thế của mình, tỉnh tập trung khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, BVMT để phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo để lại môi trường trong lành, cảnh quan có giá trị và tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ sau.

PTBV là sự nghiệp của toàn dân, đảm bảo cơ chế dân chủ, công bằng xã hội, lấy khoa học công nghệ làm động lực, và con người là trung tâm của sự phát triển, Đăk Nông phấn đấu phát huy thế mạnh, tận dụng cơ hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế để phát triển vững chắc, đảm bảo nhu cầu của thế hệ hiện tại, nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến nhu cầu của thế hệ tương lai

I. TẦM NHÌN VÀ QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO PTBV CỦA TỈNH

- Quan điểm chỉ đạo: Đảm bảo phát triển hài hòa cả về 3 mặt:

Phát triển bền vững về kinh tế: đảm bảo kết hợp hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, cân đối tốc độ tăng trưởng kinh tế với việc sử dụng hợp lý các nguồn lực, tài nguyên thiên nhiên, khoa học công nghệ, đặc biệt chú trọng phát triển công nghiệp sạch.

- Phát triển bền vững về xã hội: kinh tế tăng trưởng nhanh đi đôi với đảm bảo dân chủ công bằng và tiến bộ xã hội; trong đó phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa và phúc lợi với quan tâm đầy đủ, toàn diện cho mọi đối tượng xã hội.

- Phát triển bền vững về môi trường: việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong phạm vi chịu tải của chúng nhằm đảm bảo khôi phục được cả về số lượng và chất lượng, các dạng tài nguyên không tái tạo phải được sử dụng tiết kiệm và hợp lý nhất. Đảm bảo môi trường tự nhiên và môi trường xã hội (dân số, chất lượng dân số, sức khỏe, môi trường sống, lao động và học tập của con người...) không bị các hoạt động của con người làm ô nhiễm, suy thoái và tổn hại. Các nguồn phế thải từ công nghiệp và sinh họat được xử lý, tái chế kịp thời.

1. Tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng cần tuân thủ định hướng PTBV

- Tỉnh xác định công tác quy hoạch luôn được đi trước. Đảm bảo các bên liên quan (đặc biệt là khu vực ngoài nhà nước) được tham vấn đầy đủ trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch, đảm bảo đầu tư theo quy hoạch.

- Phát triền kinh tế đảm bảo trong phạm vi kiểm soát hợp lý, tốc độ tăng trưởng của từng giai đoạn nhằm ổn định, tính bền vững của phát triển, đồng thời hạn chế các tác động tiêu cực về mặt văn hóa - xã hội và môi trường.

- Với xuất phát điểm kinh tế còn thấp so với mặt bằng chung của vùng Tây Nguyên, trong giai đoạn 2008 - 2010, tỉnh Đ ă k N ô n g cần đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 15%/năm nhằm thoát khỏi tình trạng tụt hậu so với vùng và cả nước, đồng thời tạo nền tảng kinh tế ổn định để có thể thực hiện khả thi những biện pháp duy trì độ bền vững của phát triển.

- Quá trình phát triển luôn được theo dõi, đánh giá và điều chỉnh để đảm bảo các mục tiêu PTBV.

2. Nâng cao chất lượng sống của con người và đảm bảo công bằng, an sinh xã hội

Trong suốt thời kỳ 2008 - 2020 và tiếp theo con người luôn được xem là trung tâm và là nguồn lực chính của PTBV. Do đó, phát triển KT - XH của tỉnh luôn tập trung vào các mục tiêu: XĐGN, nâng cao trình độ giáo dục, đào tạo và mặt bằng dân trí, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ, giải quyết việc làm và giảm thiểu các tệ nạn xã hội.

Nâng cao hàm lượng tri thức trong các nhân tố phát triển KT - XH, từng bước phát triển kinh tế tri thức. Nâng cao năng lực và tạo cơ hội cho mọi người đều có thể phát huy hết tài năng, tham gia vào quá trình phát triển. Thiết thực chăm lo sự bình đẳng về giới, sự tiến bộ của phụ nữ; đặc biệt chăm lo sự phát triển và tiến bộ của trẻ em.

3. Khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, BVMT nhằm đảm bảo để lại môi trường trong lành, cảnh quan có giá trị và tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ sau

- Khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên: Lựa chọn loại tài nguyên để khai thác hợp lý trong từng giai đoạn, xác định phương thức khai thác tùy theo trữ lượng và khả năng phục hồi, tìm các nguyên nhiên liệu thay thế tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH, cảnh quan... tiến đến cải thiện tình trạng tài nguyên để lại cho thế hệ sau.

- Đối với khai thác và chế biến bô xít, tỉnh cần kiểm soát chặt chẽ theo quy định của pháp luật về khai thác, đảm bảo sử dụng công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, có biện pháp tốt để BVMT. Cần khôi phục nguyên trạng khu mỏ đã khai thác xong. Tỉnh cần xây dựng và thực hiện kế hoạch BVMT trong khai thác chế biến bô xít.

- Kiểm soát ngày càng hiệu quả tình trạng rác thải và tích cực xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường.

- Kiểm soát và hạn chế các sự cố môi trường.

- Theo dõi và thực hiện chương trình thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH. Trồng rừng và bảo vệ rừng (đặc biệt là rừng đặc dụng và phòng hộ), nâng cao chất lượng rừng để tăng cường bể chứa và bể hấp thụ khí nhà kính. Bảo vệ các giống cây trồng quý hiếm, nguồn gen, và động vật hoang dã gắn liền với sinh thái rừng. Phát triển mô hình du lịch sinh thái. Phát triển nông nghiệp và cây công nghiệp theo hướng tăng cường các phương thức canh tác bền vững thích nghi với BĐKH. Bảo vệ và khai thác hợp lý tài nguyên đất, nước, và áp dụng các kỹ thuật canh tác phù hợp với điều kiện tự nhiên. Tích cực quan trắc và nghiên cứu về BĐKH. Xây dựng và thực hiện các biện pháp giảm nhẹ các tác động của BĐKH đối với các ngành kinh tế. Quy hoạch và quản lý xây dựng, nhất là các khu dân cư nông thôn, miền núi, vùng ven sông, suối, nhằm bảo vệ đời sống và sức khỏe nhân dân, BVMT.

II. ĐỊNH HƯỚNG

Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững theo hướng tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có tính quyết định cho sự phát triển toàn diện của tỉnh. Phát triển ngành kinh tế có lợi thế như công nghiệp thủy điện và khai khoáng, chế biến nông lâm sản và du lịch trở thành ngành kinh tế có tính đột phá tạo ra bước chuyển dịch tích cực về cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, tạo tiền đề cho phát triển những giai đoạn tiếp theo, phấn đấu đến năm 2010 đưa GDP bình quân đầu người đạt 90% so bằng mức bình quân cả nước, cơ cấu kinh tế của tỉnh là công nghiệp - nông lâm nghiệp và dịch vụ. Đến năm 2020 cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, XĐGN, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đẩy mạnh XHH một số lĩnh vực xã hội để huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng phục vụ, kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc nảy sinh, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kết hợp hài hòa, đồng bộ giữa ba mặt của sự phát triển gồm phát triển kinh tế, phát triển đảm bảo công bằng xã hội và BVMT hướng tới PTBV.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Mục tiêu PTBV là đạt được sự đầy đủ về vật chất, sự phong phú, đa dạng về tinh thần và văn hóa, sự bình đẳng của các công dân và sự đồng thuận của xã hội, sự hài hòa giữa con người và tự nhiên; phát triển phải kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa được ba mặt là phát triển kinh tế, phát triển xã hội và BVMT.

- Mục tiêu PTBV về kinh tế là đạt được sự tăng trưởng cao và ổn định với cơ cấu kinh tế hợp lý, vươn lên hòa nhập với trình độ phát triển của vùng Tây Nguyên, hướng đến đạt trình độ chung của cả nước, đáp ứng được yêu cầu nâng cao đời sống của nhân dân, tránh được sự suy thoái hoặc mất cân đối trong tương lai.

- Mục tiêu PTBV về xã hội là đạt được kết quả cao trong việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm chế độ dinh dưỡng và chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng được nâng cao, mọi người (gồm cả người nhập cư) đều có cơ hội được học hành và có việc làm, giảm đói nghèo, giảm các tệ nạn xã hội, nâng cao mức độ công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các thành viên trong xã hội, duy trì và phát huy được tính đa dạng và bản sắc văn hóa truyền thống, không ngừng nâng cao trình độ văn minh

về đời sống vật chất và tinh thần.

- Mục tiêu PTBV về môi trường là khai thác hợp lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nhất là các nguồn tài nguyên mang đặc thù của tỉnh Đăk Nông; phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và kiểm soát có hiệu quả ô nhiễm môi trường, bảo vệ tốt môi trường sống. Bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên và dự trữ sinh quyển, bảo tồn sự đa dạng sinh vật; cải thiện chất lượng môi trường, thực hiên các giải pháp thích ứng với BĐKH. Chú ý giải quyết tình trạng suy thoái môi trường ở đô thị, khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, các khu đông dân cư và một số vùng nông thôn, cải tạo và xử lý môi trường trên các dòng sông, ao hồ, kênh mương. Nâng cao khả năng phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, của sự biến đổi khí hậu bất lợi đối với môi trường.

2. Mục tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội, và môi trường giai đoạn 2008 - 2010 và đến năm 2020

2.1. Về kinh tế

- Tăng trưởng GDP thời kỳ 2008 - 2010 đạt mức bình quân trên 15%/năm; (trong đó: công nghiệp - xây dựng tăng 41,9%, nông nghiệp tăng 7,3%, dịch vụ tăng 17,1%); thời kỳ 2011 - 2015 đạt mức bình quân 16% (trong đó: công nghiệp - xây dựng tăng 25%, nông nghiệp tăng 5,0%, dịch vụ tăng 17,66%); thời kỳ 2016 - 2020 đạt mức bình quân 15,6% (trong đó: công nghiệp - xây dựng tăng 20%, nông nghiệp tăng 4,5%, dịch vụ tăng 15,68%).

- Cơ cấu kinh tế chuyển đổi mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Đến năm 2015, cơ cấu kinh tế của tỉnh là công nghiệp - dịch vụ - nông, lâm nghiệp.

Tỷ trọng công nghiệp trong GDP tăng từ 17,8% năm 2005 lên 48,6% năm 2010, lên 60,3% năm 2015 và lên 66,3% vào năm 2020. Tỷ trọng khu vực dịch vụ đạt 22,5% năm 2010, 22,8% năm 2015 và 23,8% năm 2020. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu GDP đến năm 2010 là 28,9%, đến năm 2015 là 16,9% và đến năm 2020 giảm xuống còn khoảng 9,9%.

- GDP bình quân đầu người đến năm 2010 đạt 14,3 triệu đồng, năm 2015 đạt 30,4 triệu đồng, năm 2020 đạt 66 triệu đồng. Rút ngắn khoảng cách so với cả nước về GDP/người từ 58% so với cả nước vào năm 2005 lên 90% vào năm 2010 và 163% vào năm 2020.

2.2. Về xã hội:

- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,7% vào năm 2010, 1,1 - 1,2% vào năm 2020. Tỷ lệ dân số đô thị chiếm 25% vào năm 2010, 28% năm 2015 và 36% năm 2020.

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10 - 11% vào năm 2010 và bằng mức bình quân cả nước vào năm 2020. Đưa tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ngang mức bình quân chung của tỉnh.

- Đến năm 2010: giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 22%; 85% dân số được sử dụng nước sạch; có 6 bác sĩ/một vạn dân. Đến năm 2020: giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 10%; 100% dân số được sử dụng nước sạch; có 8 bác sĩ/một vạn dân.

- Đến năm 2010 hoàn thành phổ cập trung học cơ sở, 30% dân số trong độ tuổi được phổ cập trung học phổ thông và 50% số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Năm 2020 có 75% dân số trong độ tuổi phổ cập trung học phổ thông và 80% số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.

- Đến năm 2010 có 80% gia đình; 60% thôn, bon; 90% cơ quan, đơn vị và 30% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn văn hóa. Đến năm 2020 có 95% gia đình, 80% thôn, bon, 100% cơ quan, đơn vị và 40% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn văn hóa.

2.3. Về môi trường

- Hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm:

100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu về ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

30% hộ gia đình, 70% doanh nghiệp có dụng cụ phân loại rác thải tại nguồn, 80% khu vực công cộng có thùng gom rác thải.

40% các khu đô thị, 70% khu cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt đạt tiêu chuẩn môi trường, thu gôm 90% chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ, xử lý trên 60% chất thải nguy hại và 100% chất thải bệnh viện.

Sử dụng hóa chất độc hại phải được kiểm soát chặt chẽ theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

- Cải thiện chất lượng môi trường:

Phấn đấu đạt 40% các đô thị có hệ thống tiêu thoát và xử lý nước thải riêng theo đúng tiêu chuẩn quy định.

Cải tạo 50% các kênh mương, ao hồ, đoạn sông chảy qua các đô thị đã được suy thải nặng.

95% dân số đô thị và 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

90% đường phố có cây xanh; nâng tỷ lệ đất công viên ở các khu đô thị lên gấp 2 lần so với năm 2000.

- Bảo đảm cần bằng sinh thái ở mức cao:

Phục hồi 50% các khu vực khai thác khoáng sản và 40% các hệ sinh thái đã bị suy thái nặng.

Nâng tỷ lệ đất có rừng che phủ đạt trên 60% tổng diện tích đất tự nhiên, khôi phục 50% rừng đầu nguồn đã bị suy thái và nâng cao chất lượng rừng; đẩy mạnh trồng cây phân tán trong nhân dân.

Bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên, danh lam thắng cảnh phục vụ du lịch.

III. NHỮNG NGUYÊN TẮC CHÍNH

Để đạt được mục tiêu nêu trên, trong quá trình phát triển chúng ta cần thực hiện những nguyên tắt chính sau đây:

Thứ nhất, con người là trung tâm PTBV. Vì vậy, đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng xã hội, công bằng dân chủ văn minh là nguyên tắc nhất quán trong mọi giai đoạn phát triển.

Thứ hai, đẩy mạnh tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế là nhiệm vụ trung tâm của giai đoạn sắp tới, trong đó trước hết là đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm cho nhân dân để PTBV; kết hợp chặt chẽ và hợp lý hài hòa với phát triển văn hóa - xã hội; khai thác hợp lý và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong giới hạn cho phép về mặt sinh thái và BVMT lâu bền. Từng bước thực hiện nguyên tắc “mọi mặt: kinh tế, xã hội và môi trường đều cùng có lợi”.

Thứ ba, cải thiện và BVMT phải được coi là yếu tố không thể tách rời của quá trình phát triển. Tích cực và chủ động phòng ngừa, ngăn chặn những tác động tiêu cực đối với môi trường do hoạt động của con người gây ra. Thực hiện đồng bộ và có hiệu quả pháp luật về BVMT và an sinh xã hội thông qua chuẩn bị, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển KT - XH.

Thứ tư, quá trình phát triển phải bảo đảm đáp ứng một cách công bằng nhu cầu của thế hệ hiện tại và không gây trở ngại tới cuộc sống của các thế hệ tương lai. Tạo điều kiện để mọi nguời dân có cơ hội để phát triển về mọi mặt, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho thế hệ hiện tại và mai sau; sử dụng tiết kiệm tài nguyên và BVMT.

Thứ năm, khoa học và công nghệ là nền tảng và là động lực cho công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thúc đẩy phát triển nhanh, mạnh và bền vững đất nước. Công nghệ tiên tiến, hiện đại, sạch cần được khuyến khích sử dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến.

Thứ sáu, tiếp thu có chọn lọc những tiến bộ khoa học công nghệ, chú trọng phát huy lợi thế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực canh tranh. Chủ động phòng ngừa ngăn chặn những tác động xấu đối với môi trường do quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế gây ra.

Thứ bảy, PTBV là sự nghiệp của toàn Đảng, các cấp chính quyền, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội và nhân dân. Do đó, cần phải huy động tối đa sự tham gia của mọi người có liên quan trong việc lựa chọn các quyết định về phát triển KT

- XH và BVMT ở địa phương.

Chương IV:

NHỮNG LĨNH VỰC KINH TẾ ƯU TIÊN NHẰM PTBV

Duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh, ổn định và bền vững vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của PTBV ở Đăk Nông đến 2020. Phát huy các ưu thế của mình, tỉnh xác định các ngành kinh tế mũi nhọn (chế biến nông lâm sản, khai thác chế biến quặng bô xít, vật liệu xây dựng, thủy điện,...). Đến năm 2015, cơ cấu kinh tế của tỉnh là công nghiệp - dịch vụ - nông, lâm nghiệp.

Tỉnh có hơn 85% dân số sống ở nông thôn, nên phải chú trọng phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp và nông thôn bền vững. Chăm lo sản xuất dựa vào tài nguyên thiên nhiên, sản xuất gắn với thị trường, đảm bảo các dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nông dân.

Tận dụng vị trí địa lý và cảnh quan thiên nhiên phong phú, phát triển nhanh ngành du lịch thân thiện môi trường, đưa ngành du lịch trở thành động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.

Tập trung cao cho phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, phát huy các sản phẩm ngành nghề truyền thống của 29 dân tộc anh em, tạo ra sự chuyển dịch nhanh hơn cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. PTBV theo không gian địa giới hành chính và các tiểu vùng, quy hoạch phát triển các trung tâm vùng một cách hài hòa, quy hoạch phát triển đô thị theo hướng PTBV.

I. DUY TRÌ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ NHANH, ỔN ĐỊNH VÀ BỀN VỮNG

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2010, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định, chuyển đổi mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tạo tiền đề cho phát triển giai đoạn sau 2010. Phấn đấu tăng trưởng GDP thời kỳ 2008 - 2010 đạt mức bình quân trên 15%/năm; GDP bình quân đầu người 14,3 triệu đồng; cơ cấu kinh tế của tỉnh đến 2010 là:

Bảng 2: Đóng góp của các khu vực kinh tế 2010 - 2020

Đơn vị tính: %

Các ngành

Năm 2010

Năm 2015

Năm 2020

Khu vực I

28,9

16,9

9,9

Khu vực II

48,6

60,3

66,3

Khu vực III

22,5

22,8

23,8

- Trong các giai đoạn sau năm 2010, duy trì nhịp độ và nâng dần chất lượng tăng trưởng: ngoài việc điều tiết tốc độ tăng trưởng hợp lý tùy theo các thuận lợi và thách thức khi nước ta chuyển sang giai đoạn hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, các vấn đề về phát triển KHCN và nguồn lực con người, phát triển hài hòa văn hóa - xã hội, tài nguyên - môi trường sẽ được đặc biệt chú trọng nhằm đảm bảo tính ổn định và độ bền vững của phát triển. Phấn đấu tăng trưởng GDP thời kỳ 2011 - 2015 đạt mức bình quân 16% và thời kỳ 2016 - 2020 đạt mức bình quân 15,6%, GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 30,4 triệu đồng, năm 2020 đạt 66 triệu đồng. Rút ngắn khoảng cách so với cả nước về GDP/người từ 58% so với cả nước vào năm 2005 lên 90% vào năm 2010 và 163% vào năm 2020. Đến năm 2015, cơ cấu kinh tế của tỉnh là công nghiệp - dịch vụ - nông, lâm nghiệp.

- Để có thể duy trì lâu dài tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, ổn định và bền vững, cần thực hiện một số định hướng sau:

+ Nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản:

Phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, bền vững và sản xuất hàng hóa, gắn quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung với gia tăng các giống cây chịu hạn, ít dùng nước, thích ứng với BĐKH, đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Đưa hệ số sử dụng đất lên 1,3-1,4 lần trở lên. Đến năm 2010 giá trị sản xuất/ha đất canh tác gấp 1,3-1,4 lần hiện nay và đến năm 2020 gấp 1,5 lần trở lên so với năm 2010. Tập trung cải tạo nâng cao chất lượng vườn cây như: cao su, điều, hồ tiêu, ca cao đồng thời tập trung phát triển một số cây khác ngắn ngày như bông, mía, đậu nành, dâu tằm. Để giảm áp lực lên diện tích rừng và thúc đẩy nông nghiệp bền vững, phấn đấu không tăng diện tích đất nông nghiệp kết hợp với nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Từng bước chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp theo hướng giảm tỷ lệ ngành trồng trọt, tăng cho chăn nuôi, dịch vụ.

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò, dê. Từng bước phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, tập trung theo trang trại. Khuyến khích các thành phần kinh tế cải tạo ao, hồ, diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản nước ngọt đáp ứng nhu cầu thủy sản nước ngọt cho nhân dân. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 10-11% (2008-2010), 14-15% (2011-2015) và 15-16% (2015-2020).

Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao KHCN cho sản xuất, coi đây là khâu đột phá quan trọng nhất để nâng cao hiệu quả và thu nhập của sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và ngành nghề nông thôn. Tăng cường liên kết với các cơ quan nghiên cứu khoa học, đồng thời, củng cố và phát triển hệ thống các trạm, trại, trung tâm chuyển giao kỹ thuật, nhằm thử nghiệm và đưa vào sản xuất đại trà các loại cây trồng, vật nuôi cho năng suất và chất lượng cao. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm và thú y.

Ưu tiên và tăng cường đầu tư cho thủy lợi, xây thêm một số công trình hồ đập, đảm bảo chủ động nước cho sản xuất nông nghiệp và tăng hệ số sử dụng đất.

Phát triển các ngành, nghề thủ công và các loại dịch vụ phục vụ nông nghiệp.

Chú trọng tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua các hợp đồng, ổn định vùng nguyên liệu của các nhà máy chế biến nông sản. Tạo mối liên kết chặt chẽ giữa "bốn nhà": Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp và Nhà nước.

Đến năm 2010 trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp, tỷ trọng ngành trồng trọt giảm xuống còn 84,5%, chăn nuôi tăng lên 10,2%, dịch vụ chiếm 5,3%; đến năm 2020, tỉ lệ các ngành trên tương ứng là 77,8%, 16,3% và 5,9%.

Bảo vệ và phát triển tốt diện tích rừng hiện có, đặc biệt là các khu rừng phòng hộ xung yếu, các khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, Tà Đùng, thắng cảnh Đray Sáp. Kết hợp giữa bảo vệ rừng với khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng mới, không ngừng làm giàu vốn rừng. Khai thác có hiệu quả ngày càng cao và bền vững, tăng giá trị lâm nghiệp trong cơ cấu nông nghiệp.

Đẩy mạnh trồng rừng, tập trung phát triển rừng nguyên liệu. Chuyển diện tích rừng nghèo kiệt, rừng sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, nâng cao độ che phủ của rừng lên 58% vào năm 2020.

+ Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp:

Phát triển công nghiệp theo hướng bền vững: Không ngừng nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp, tăng thu nhập của doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm, đóng góp phát triển KT - XH địa phương, tuân thủ quy định pháp luật về BVMT.

Tập trung đầu tư, phát triển có chọn lọc các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh, phù hợp với nhu cầu thị trường và đảm bảo yêu cầu về môi trường. Duy trì tốc độ phát triển cao đi đôi với nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất.

Tập trung tạo điều kiện thu hút các dự án sản xuất công nghiệp mới, nhất là các dự án chế biến nông, lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng, bằng các giải pháp sớm hoàn thành các khu, cụm công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng xây dựng nhà máy cho nhà đầu tư.

Tạo điều kiện thuận lợi để các dự án công nghiệp sớm đưa vào vận hành. Trước mắt cần ưu tiên hỗ trợ cho chủ đầu tư các dự án Alumin Nhân Cơ, thuỷ điện Đăk Rtih, 02 nhà máy MDF Quảng Sơn và Đăk Song để đưa các nhà máy này vào vận hành trong thời kỳ 2009 và 2010, bảo đảm thực hiện được mục tiêu tăng trưởng và cơ cấu kinh tế theo Nghị quyết Đại hội đề ra.

Hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng và thực hiện chính sách thu hút đầu tư vào khu công nghiệp Tâm Thắng, các cụm công nghiệp Nhân Cơ, và Đăk Ha.

Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển công nghiệp.

Khuyến khích phát triển công nghiệp vừa và nhỏ, phát triển tiểu thủ công nghiệp và các nghề truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hình thành các điểm công nghiệp, các làng nghề tại các thị trấn, thị tứ, trung tâm cụm xã.

+ Thương mại, dịch vụ:

Về thương mại: phát triển thương mại theo hướng khai thác và phục vụ tốt thị trường nội tỉnh kết hợp đẩy mạnh lưu thông hàng hóa và giao lưu kinh tế với các tỉnh trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Nam và miền Trung và Campuchia. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, phấn đấu tăng kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 20%. Tập trung phát triển mạnh kết cấu hạ tầng thương mại, trong đó chú trọng nâng cấp và mở rộng mạng lưới chợ nông thôn, từng bước xây dựng và kiên cố hóa các trung tâm thương mại, dịch vụ ở các trung tâm huyện, trung tâm cụm xã, tiểu vùng. Trước mắt, xây dựng chợ Gia Nghĩa thành Trung tâm thương mại, dịch vụ của tỉnh, có quy mô hiện đại. Tạo điều kiện thuận lợi để hình thành hệ thống bán buôn, các trung tâm thương mại ở các trung tâm tiểu vùng có thị trường tương đối lớn như Gia Nghĩa, Kiến Đức, Đăk Mil, Cư Jút nhằm tạo ra các kênh phân phối mới. Phát triển mạnh kinh tế cửa khẩu. Hình thành hai khu kinh tế cửa khẩu Bu P’răng và Đắk Per theo quy hoạch.

Về dịch vụ: Nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ tài chính - tín dụng, ngân hàng, bưu chính - viễn thông, vận tải, thương mại, bảo hiểm. Đẩy mạnh các loại hình dịch vụ chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm. Khuyến khích đầu tư tăng năng lực vận tải về quy mô và chất lượng, đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân và vận chuyển hàng hóa cho nền kinh tế. Phát triển các loại hình dịch vụ văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng. Mở rộng mạng lưới dịch vụ ở khu vực nông thôn nhằm tạo thêm việc làm cho người lao động.

Về du lịch: Phát triển du lịch gắn với văn hóa dân tộc, cảnh quan thiên nhiên của tỉnh, kết hợp với hình thành các tuyến du lịch liên kết với các tỉnh Tây Nguyên và vùng miền Trung. Nghiên cứu việc mở tuyến du lịch quốc tế Phnôm Pênh - Đăk Nông - thành phố Hồ Chí Minh, và Đăk Nông - Mondulkiri. Tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái - văn hóa - cảnh quan; xây dựng các làng văn hóa du lịch của đồng bào M'Nông, đồng bào Mạ. Nghiên cứu để bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống tốt của các dân tộc anh em trong tỉnh. Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như giao thông, điện, cấp nước. Xây dựng theo quy hoạch các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn.

+ Đẩy mạnh cải cách hành chính: nhằm từng bước hình thành nền hành chính có hiệu lực, hiệu quả, có đầy đủ năng lực đáp ứng yêu cầu PTBV. Phát huy dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực và đạo đức tốt. Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng và thất thoát lãng phí, làm cho bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt công cuộc phát triển kinh tế, đẩy mạnh công bằng xã hội.

+ BVMT sinh thái và phòng, chống thiên tai: Tăng cường công tác quản lý và BVMT; khuyến khích sử dụng các chế phẩm, công nghệ sản xuất ít gây ô nhiễm. Xử lý tốt vấn đề rác thải, nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống cháy rừng, xây dựng đô thị và nông thôn xanh, sạch, đẹp. Phòng tránh và hạn chế thiên tai bằng giải pháp xây dựng các công trình điều tiết kết hợp đồng bộ với các giải pháp khác. Tập trung bảo vệ tài nguyên đất, rừng, nước, khoáng sản, bảo vệ các thắng cảnh tự nhiên có giá trị du lịch và sinh thái.

Thực hiện liên kết, phối hợp BVMT với các tỉnh trong vùng, các tỉnh ở hạ du, tỉnh Mondulkiri (Campuchia) để thực hiện tốt các công ước quốc tế về môi trường xuyên biên giới, quy họach vùng, quy hoạch ngành.

II. ĐỊNH HƯỚNG ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH KINH TẾ

1. Phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp và nông thôn bền vững

Quan tâm giải quyết tốt vấn đề tam nông “nông nghiệp, nông thôn và nông dân” như là 3 trụ cột ở khu vực nông thôn. Trong đó đảm bảo môi trường nông thôn, đồng ruộng trong lành, hạn chế ô nhiễm từ hoạt động nông nghiệp, đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân, giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống các dân tộc Việt Nam.

Để đạt mục tiêu này cần thực hiện phát triển nông nghiệp bền vững với các đặc trưng sau:

- Sử dụng hợp lý và bền vững các nguồn lực tự nhiên: Sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản luôn gắn với môi trường sinh thái, luôn phải sử dụng các nguồn lực tự nhiên như đất đai, mặt nước, nguồn nước, không khí, ánh sáng, hệ sinh thái động thực vật... Cần chú trọng đến bảo vệ và phát triển nguồn lực tự nhiên này, duy trì cân bằng sinh thái, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường.

- Phát triển sản xuất gắn với thị trường, sát với nhu cầu tiêu dùng: phải đi vào phát triển các sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng tiêu thụ cao nhất, với giá trị cao nhất.

Đó là phát triển những ngành sản phẩm của nông - lâm - thủy sản có hệ số chi phí nguồn lực trong nước nhỏ nhất (thường phải nhỏ hơn 1), tức là cần phát triển những sản phẩm mà giá trị gia tăng của nó phải lớn hơn chi phí về nguồn lực trong nước đã phải bỏ ra để sản xuất ra sản phẩm đó.

- Gắn kết hữu cơ giữa hoạt động sản xuất nông sản thô với hoạt động chế biến và các tác nhân tham gia tiêu thụ sản phẩm trên thị trường dựa trên cơ sở kết hợp và chia sẻ hài hòa lợi ích và trách nhiệm giữa các tác nhân tham gia vào toàn bộ quá trình này. Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm tại chỗ và tạo sự ổn định cho việc tiêu thụ vì phần lớn việc tiêu thụ diễn ra dưới hình thức sản phẩm đã qua chế biến ở mức độ nào đó. Đồng thời cần cải thiện chất lượng công nghiệp chế biến, hoàn thiện hệ thống kho lưu trữ, bảo quản.

- Phát triển đầy đủ các loại dịch vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, tạo thuận lợi cho người sản xuất thực hiện quá trình canh tác có hiệu quả cao nhất. Trong sản xuất hàng hóa, đảm bảo các dịch vụ thiết yếu về cung ứng các đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm làm ra.

Những hoạt động ưu tiên để phát triển nông nghiệp bền vững:

- Về hành lang pháp lý, chủ trương chính sách: có chính sách đồng bộ về phát triển nông nghiệp, hệ thống quản lý và bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên nước, các giống cây trồng vật nuôi, các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác sử dụng trong nông, lâm, ngư nghiệp; ứng dụng các phương pháp canh tác tiên tiến và thân thiện môi trường.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, môi trường và các cơ quan hữu quan khác.

- Tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý ở tỉnh và địa phương đảm bảo cung cấp nguồn cán bộ có chất lượng cho phát triển nông nghiệp bền vững

- Hàng năm có kế hoạch đào tạo lực lượng lao động một cách thiết thực phù hợp với định hướng phát triển các ngành nghề sản xuất theo từng địa bàn.

- Quy hoạch phát triển nông thôn, khuyến khích đô thị hóa một cách hợp lý thông qua các chính sách tài chính, phát triển công nghệ và chính sách dân số, nhằm tạo lập mối quan hệ hợp lý về phân công lao động, trao đổi thúc đẩy lẫn nhau giữa nông thôn và đô thị.

- Quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn:

Về thuỷ lợi: ưu tiên xây dựng các hồ có năng lực phục vụ lớn như Đăk Rồ (Krông Nô), Đăk Gằn (Đăk Mil), cụm thuỷ lợi Gia Nghĩa, trạm bơm Buôn Choáh (Krông Nô) và các công trình thuỷ lợi phục vụ cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa... để đáp ứng 60% nhu cầu tưới vào năm 2010.

Về giao thông nông thôn: Đầu tư nâng cấp và khai thông một số tuyến đường liên huyện, nhựa hóa đường từ huyện đến trung tâm các xã, nâng cấp đường từ xã đến các thôn, bon đảm bảo xe cơ giới đi lại thuận tiện cả 2 mùa trong năm. Trên 50% số thôn, bon có 1-2 km đường trung tâm được nhựa hoặc cứng hóa.

Về hệ thống điện: Hoàn thành mạng lưới điện đến các xã, các thôn, bon và các điểm dân cư tập trung. Đến năm 2010: 100% số xã, thôn, bon có điện, 90% số hộ trở lên được sử dụng điện lưới quốc gia và đến năm 2020: 100% số hộ trở lên được sử dụng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo như: thủy điện nhỏ, sinh khối, đặc biệt là các cụm dân cư xa xôi hẻo lánh.

Về hệ thống thông tin - truyền thông: Phát triển mạng viễn thông toàn tỉnh có thông lượng lớn, có độ an toàn, độ tin cậy cao, kết nối nhiều hướng trên cơ sở kết hợp với tuyến cáp quang liên tỉnh và hệ thống thông tin vệ tinh. Xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT của tỉnh có thông lượng lớn, đảm bảo việc truy xuất, trao đổi dữ liệu giữa các đơn vị quản lý nhà nước và kết nối đồng bộ với hệ thống Chính phủ điện tử. Duy trì và nâng cao chất lượng các dịch vụ bưu chính, viễn thông cơ bản, công ích tại tất cả các điểm phục vụ. Mở rộng vùng phủ sóng thông tin di động, phát thanh - truyền hình đến tất cả xã, thôn, bon, khu du lịch, khu cụm công nghiệp...

- Quy hoạch hệ thống trạm trại kỹ thuật và mạng lưới dịch vụ nông nghiệp: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của trạm trại kỹ thuật phục vụ nông nghiệp từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Có chính sách ưu đãi thu hút các nhà khoa học về phục vụ lâu dài cho tỉnh và những cán bộ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cho vùng nông thôn có đủ năng lực đáp ứng cho tiến trình đổi mới, chuyển dịch cơ cấu và hội nhập kinh tế.... Khuyến khích và tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân phát triển các loại hình dịch vụ nông nghiệp. Đa dạng hóa hình thức hoạt động khuyến nông cho phù hợp với từng địa bàn dân cư nhằm đạt hiệu quả thiết thực.

- Quy hoạch dân cư, xây dựng trung tâm cụm xã gắn với sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục hoàn thiện sắp xếp, định canh, định cư cho số hộ hiện sống rải rác ở khu vực cực kỳ khó khăn, ở các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, khu vực thường xuyên xảy ra lũ quét...về vùng quy hoạch theo quyết định số 190/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đối với vùng sâu, vùng xa quy hoạch dân cư phải gắn với quy hoạch hệ thống giao thông và địa bàn sản xuất lương thực. Xây dựng các thị trấn, thị tứ, trung tâm cụm xã với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, phát triển TTCN, ngành nghề phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông, lâm nghiệp. Xây dựng các tiểu vùng sản xuất gắn với khu Công nghiệp Tâm Thắng, các cụm công nghiệp Nhân Cơ, Đăk Ha và Thuận An, các cụm công nghiệp - TTCN huyện Tuy Đức, Đăk Song, Đăk Mil, Krông Nô và Đăk Glong

2. Phát triển nhanh ngành du lịch, xây dựng ngành du lịch trở thành động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển; chú trọng phát triển du lịch sinh thái.

- Phát huy lợi thế về mọi mặt, nhất là vị trí địa lý, danh lam thắng cảnh, môi trường, cảnh quan, phát triển mạnh dịch vụ nhằm từng bước tăng tính hiệu quả và bền vững cho nền kinh tế tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, dịch vụ là khu vực đóng góp lớn thứ hai trong cơ cấu kinh tế.

- Phát triển thương mại du lịch theo hướng hòa nhập với thị trường trong nước, thị trường khu vực và thế giới; phát triển gắn với giải quyết các vấn đề xã hội như việc làm, BVMT sinh thái, góp phần nâng cao đời sống dân cư đặc biệt ở khu vực nông thôn. Phát triển theo hướng hiện đại và văn minh, hài hòa giữa các loại thị trường, hỗ trợ và thúc đẩy thị trường nông thôn phát triển. Phát triển thương mại phải gắn với sản xuất, làm đầu mối lưu thông hàng hòa tạo điều kiện cho sản xuất phát triển.

- Phát huy thế mạnh của tỉnh là rừng núi, cao nguyên, bon làng, văn hóa đa dạng của 29 dân tộc, tập trung phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch thưởng thức văn hóa truyền thống, lễ hội, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, tham quan di tích văn hóa, lịch sử. Từng bước phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

- Đẩy mạnh cải cách hệ thống tổ chức và phương thức huy động vốn, phát triển mạng lưới dịch vụ tài chính ngân hàng đến các trung tâm đô thị, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ. Tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận được với nguồn vốn vay.

a) Mục tiêu:

Thương mại và du lịch:

- Phấn đấu năm 2010 kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 200 triệu USD, năm 2015 khoảng 350 triệu USD và năm 2020 khoảng 1.000 triệu USD.

- Tăng trưởng lượng khách du lịch giai đoạn 2008 - 2010 bình quân 16 - 17%/năm và sau 2020 là 20%. Đến 2010 đạt 200 ngàn lượt khách (trong đó có 8 ngàn lượt khách quốc tế) và đến 2020 đạt 620 ngàn lượt khách (trong đó có 40 ngàn lượt khách quốc tế).

- Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tăng bình quân hàng năm 20%/năm.

- Đến năm 2010 nâng tổng số chợ trong tỉnh lên 63 chợ gồm 01 chợ loại 1, 09 chợ loại 2, 50 chợ loại 3, 01 chợ nông sản, 02 chợ biên giới. Trong đó, có 35 chợ xây mới, 06 chợ giữ nguyên hiện trạng và cải tạo nâng cấp 22 chợ, với tổng diện tích sử dụng đất của hệ thống chợ toàn tỉnh khoảng 85 ha. Giai đoạn 2015 - 2020 sẽ tập trung phát triển theo hướng nâng cao chất lượng kết hợp phát triển các loại hình thương mại hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…

Bảng 3: Vận tải hành khách và hàng hóa 2010 – 2020

Năm

Hàng hóa và hành khách

2010

2015

2020

Hàng hóa:

- Ngàn tấn

- Ngàn tấn km

Hành khách

- Ngàn người

- Ngàn người km

 

1.415

135.280

 

3.129

395.727

 

3.523

336.619

 

6.294

905.327

 

8.766

837.618

 

12.661

2.071.171

Tài chính tín dụng:

Bảng 4: Huy động vốn cho phát triển 205 2020

Hạng mục

Năm

2005

(tỷ đồng)

2010

(tỷ đồng)

2015

(tỷ đồng)

2020

(tỷ đồng)

Tốc độ tăng bình quân hàng năm (%)

- Tổng huy động vốn

- Tổng số cho vay trung dài hạn

- Tổng số dư nợ ngắn hạn

200

6,7

 

472

300

15

 

1.423

500

50

 

3.540

720

150

 

8.810

1.000

25,8

 

20

b) Giải pháp:

Thương mại và du lịch:

- Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng là thế mạnh của tỉnh như lâm sản, nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ… Giữ mối quan hệ chặt chẽ với các thị trường đã có đồng thời khảo sát tìm kiếm mở rộng thêm các thị trường mới. Tăng tỷ trọng hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh. Nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm.

- Cùng với quá trình đô thị hóa và phát triển KT - XH, năm 2010 tiến hành xây dựng trung tâm thương mại tại đô thị Gia Nghĩa, giai đoạn 2011 - 2015 tiến hành xây dựng 2 trung tâm thương mại khu vực, dự kiến ở thị xã Đức Lập và thị xã Kiến Đức. Đồng thời, tiến hành xây dựng các cụm thương mại - dịch vụ ở các huyện, để đáp ứng nhu cầu hoạt động thương mại - du lịch của các tầng lớp dân cư trong khu vực.

- Tăng cường công tác xúc tiến thương mại du lịch, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các hội chợ trong và ngoài nước, tiến hành xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ yếu của tỉnh nhất là các sản phẩm xuất khẩu, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, làm tốt công tác thông tin thị trường giúp các doanh nghiệp định hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

- Phát triển đồng bộ thị trường vốn, thị trường bất động sản, thị trường khoa học và thị trường lao động nhằm thúc đẩy KT - XH phát triển cân đối.

- Gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ, bảo đảm tiêu thụ sản phẩm nhất là sản phẩm nông nghiệp bằng hợp đồng cụ thể, đầu tư đổi mới trang thiết bị để nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất và chế biến xuất khẩu.

- Quan tâm phát triển thị trường trong tỉnh, trong nước, xây dựng hệ thống phân phối và các hình thức phân phối hợp lý cạnh tranh với các nhà phân phối lớn nước ngoài tham gia vào thị trường nước ta trong thời kỳ hậu gia nhập WTO. Chú trọng phát triển thương mại điện tử.

- Du lịch theo tiếp cận PTBV, khai thác tài nguyên, danh lam thắng cảnh kết hợp với tôn tạo, bảo tồn những giá trị vật thể, phi vật thể (văn hóa truyền thống, lễ hội, văn hóa cộng đồng, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên), đồng thời đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

- Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn phát huy văn hóa truyền thồng (lễ hội, đời sống cộng đồng dân tộc) làm cơ sở cho phát triển ngành du lịch, tham quan di tích lịch sử. Liên kết mở các tuyến du lịch trong và ngoài nước, XHH du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Khuyến khích phát triển du lịch có sự tham gia của gia đình và cộng đồng.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thực hiện tốt công tác thanh tra kiểm tra quản lý thị trường nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu, hàng gian, hàng giả, các hành vi kinh doanh trái phép, gian lận thương mại.

Dịch vụ vận tải:

- Phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng các loại phương tiện vận chuyển đường bộ.

- Đổi mới phương thức tổ chức dịch vụ vận tải theo hướng đa dạng hóa các loại hình sở hữu.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tải:

+ Tổ chức các loại hình vận tải phù hợp, nhằm giảm áp lực vận tải bộ đối với các công trình giao thông mà năng lực còn hạn chế.

+ Tuyên truyền giáo dục kết hợp các biện pháp xử lý hành chính nhằm nâng cao nhận thức của người dân tham gia giao thông - chấp hành nghiêm luật giao thông.

Dịch vụ tài chính ngân hàng:

- Trên cơ sở hoàn thiện các chủ trương, chính sách, cơ chế và hệ thống pháp luật; từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực phục vụ của ngành dịch vụ tài chính, tín dụng theo chuẩn mực quốc tế.

- Nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực đảm bảo hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, hệ thống thanh toán và các dịch vụ tài chính khác.

- Hình thành và phát triển thêm nhiều loại hình dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu đa dạng của cộng đồng.

3. Tập trung cao cho phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tạo ra sự chuyển dịch nhanh hơn cơ cấu kinh tế chung của tỉnh

- Phát triển công nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của tỉnh, theo kịp nhịp phát triển của vùng, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, gắn phát triển công nghiệp với công bằng xã hội, sử dụng hợp lý tài nguyên và BVMT.

- Phát triển công nghiệp gắn liền với phát triển dịch vụ, phát triển công nghiệp nông thôn, tạo động lực trực tiếp cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và quá trình đô thị hoá, thúc đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng trưởng kinh tế cao, bền vững.

- Tập trung phát triển những sản phẩm có khả năng cạnh tranh, kết hợp đầu tư mở rộng sản xuất với đổi mới công nghệ, áp dụng các phương pháp quản lý doanh nghiệp và quản lý chất lượng tiên tiến để tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng trên sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm.

a) Mục tiêu:

- Giai đoạn 2008 - 2010: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 50%; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 21,62% GDP năm 2007, tăng lên 48,6% năm 2010; Giá trị kim ngạch xuất khẩu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh tăng từ 5,8% năm 2007 lên 20% năm 2010.

- Giai đoạn 2011 - 2015: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 25%; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GDP năm 2015 đạt 60,3%; Giá trị kim ngạch xuất khẩu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 50% trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 20%; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GDP năm 2020 đạt 66,3%; Giá trị kim ngạch xuất khẩu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 80% trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh.

b) Phương hướng phát triển:

- Phát triển công nghiệp phải phù hợp với quy hoạch tổng thể về phát triển công nghiệp của vùng, khu vực và cả nước, đồng thời phù hợp với địa bàn và những lợi thế cạnh tranh của tỉnh cần được tập trung khai thác như:

+ Ngành công nghiệp ưu tiên: khai thác Bô xít và xây dựng nhà máy luyện Alumin, công suất 600.000 tấn/năm. Xây dựng thêm các nhà máy sản xuất gạch theo công nghệ Tuynel phục vụ đầu tư xây dựng công suất khoảng 50 triệu viên/năm. Khai thác vật liệu xây dựng như: khai thác đá chẻ, đá xây dựng ở Gia Nghĩa và Đăk Mil, công suất 50.000m3/năm. Chế biến nông sản, thực phẩm: đầu tư 01 nhà máy chế biến cà phê bột, công suất 1.500 tấn/năm và 01 nhà máy chế biến cà phê hòa tan, công suất 2.500 tấn/năm. Xây dựng nhà máy sản xuất cao su xuất khẩu tại xã Nhân Cơ (huyện Đăk R’Lấp) công suất 2 triệu chiếc săm lốp ô tô và 5 triệu mét băng tải cao su. Xây dựng 01 nhà máy chế biến hồ tiêu bột ở huyện Đăk RLấp, công suất 10.000 tấn bột/năm. Chế biến gỗ: nâng công suất các nhà máy chế biến gỗ hiện có lên 20.000m3/năm, đầu tư nhà máy chế biến giấy và bột giấy ở xã Đăk Som, công suất 18.000 tấn bột giấy/năm, đầu tư 01 nhà máy ván dăm công suất 10.000 m3 tại cụm công nghiệp Đăk Ha, đầu tư 01 nhà máy sản xuất đồ mộc mỹ nghệ xuất khẩu tại cụm công nghiệp Nhân Cơ, công suất 100.000 sản phẩm/năm.

+ Ngành công nghiệp mũi nhọn: chế biến khoáng sản và xuất khẩu, chế biến lâm sản - nông sản - thực phẩm; chế biến thức ăn gia súc…

+ Phát triển công nghiệp năng lượng: đến năm 2010 đầu tư và đưa vào khai thác khoảng 20 công trình thuỷ điện vừa và nhỏ; tổng công suất lắp đặt 342MW. Tổng lượng điện hàng năm khoảng 1.559 KWh. Đến năm 2020 đầu tư và đưa vào khai thác khoảng 50 công trình thuỷ điện. Tổng sản lượng điện bình quân hàng năm của thời kỳ này khoảng 2 tỷ KWh/năm.

- Phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề (công nghiệp nông thôn):

+ Khuyến khích các ngành nghề truyền thống theo hướng tiết kiệm nguồn tài nguyên và giảm thiểu tác hại đến môi trường.

+ Khuyến khích phát triển các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát huy các sản phẩm mang đặc trưng văn hóa của 29 dân tộc anh em, và nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm mới.

+ Củng cố và mở rộng thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường mới như các nước Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh…

- Phát triển khu - cụm - tuyến công nghiệp: đến năm 2010, lấp đầy 70 - 80% diện tích khu công nghiệp Tâm Thắng và 02 Cụm công nghiệp - TTCN Nhân Cơ và Đăk Ha. Đến năm 2020 các huyện còn lại mỗi huyện có ít nhất 01 cụm công nghiệp, thành lập một số điểm công nghiệp và làng nghề.

c) Giải pháp chủ yếu:

- Giải pháp về quy hoạch: Rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các khu, cụm, tuyến công nghiệp theo chiến lược, quy hoạch phát triển KT - XH của tỉnh có tính đến các yếu tố liên kết trong vùng, phòng ngừa thiệt hại, ảnh hưởng xấu đến đời sống KT - XH khi có thiên tai, sự cố môi trường. Phát triển làng nghề trên cơ sở quy hoạch đồng bộ có tính đến các yếu tố môi trường - xã hội và phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh.

- Giải pháp về KHCN: Thúc đẩy việc ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu và ứng dụng đổi mới, tiếp cận công nghệ, đăng ký thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, quản lý chất lượng. Miễn giảm thuế cho các cơ sở sản xuất công nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị. Khuyến khích và hỗ trợ phát triển tổ chức dịch vụ chuyển giao kỹ thuất công nghệ thông qua tổ chức khuyến công.

- Giải pháp về thị trường: Xây dựng chính sách xóa bảo hộ nông sản, trợ giá cho nông dân mua máy móc nông nghiệp có lựa chọn. Những sản phẩm hàng hóa thế mạnh của tỉnh như cà phê, tiêu, điều, gỗ…được đầu tư nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường.

- Giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh thu hút đầu tư: Căn cứ vào đánh giá môi trường kinh doanh của tỉnh, rà soát các điểm hạn chế, bất cập cần tháo gỡ để thú hút và tạo điều kiện có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu và phát triển kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Cố gắng tạo được doanh nghiệp lớn có tiềm năng đóng trụ sở chính tại tỉnh.

- Giải pháp về vốn: Thu hút vốn từ ngân sách Nhà nước, từ các thành phần kinh tế, vốn tín dụng của các ngân hàng cho phát triển công nghiệp. Rà soát các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh đã ban hành, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.

- Giải pháp về đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến: Các chương trình trồng rừng, phát triển vùng nguyên liệu và chương trình phát triển công nghệ chế biến cần phải gắn liền với nhau. Các nhà máy chế biến cần xây dựng bộ phận nguyên liệu đủ mạnh để thực hiện tốt Quyết định 80/TTg về liên kết 4 nhà.

- Giải pháp cải cách thủ tục hành chính, rà soát các thủ tục hành chính trên cơ sở hoàn thiện cơ chế một cửa. Phát huy các mặt tích cực của cơ chế, chính sách để tạo môi trường thông thoáng hơn.

- Giải pháp về nguồn nhân lực, bố trí cán bộ có năng lực và phẩm chất làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở. Tăng cường việc đào tạo ngành nghề, có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với thực tế ở tỉnh. Đầu tư xây dựng trường Công nhân kỹ thuật để đào tạo nguồn lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển công nghiệp.

III. PTBV THEO KHÔNG GIAN ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH VÀ CÁC TIỂU VÙNG

1. Định hướng PTBV không gian địa giới hành chính

- Quy hoạch phát triển kinh tế gắn liền với đảm bảo công bằng xã hội, BVMT, thực hiện nguyên tắc phòng ngừa, tăng cường theo dõi đánh giá.

- Đảm bảo không ngừng nâng cao đời sống nhân dân đặc biệt là đồng bào dân tộc.

- Thực hiện các liên kết, hợp tác với các khu vực khác không những trong phát triển kinh tế mà còn trong khai thác, sử dụng tài nguyên, BVMT, an ninh quốc phòng.

2. PTBV các tiểu vùng

- Tiểu vùng phía Bắc: bao gồm thị xã (mới) Đức Lập, huyện Đăk Mil, Cư Jút, Krông Nô và huyện Đức Xuyên (huyện mới).

Định hướng phát triển: thâm canh lúa nước, hình thành vùng trọng điểm lương thực của tỉnh. Phát triển cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày. Tăng cường khai thác du lịch, đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ. Đầu tư khai thác cửa khẩu Đăk Per, mở rộng hợp tác kinh tế với các huyện biên giới Campuchia. Dự kiến thị xã Đức Lập là trung tâm tiểu vùng.

Các công trình dự án trọng điểm tác động đến phát triển vùng: Khu công nghiệp Tâm Thắng, cụm công nghiệp Đăk Mil, thuỷ điện Tau Sah, nâng mức hóa cao sản (4-5 nghìn ha) trong tổng rừng nguyên liệu, hồ thuỷ lợi Đăk Rồ, công trình thuỷ điện Đăk Gằn, khu du lịch sinh thái cụm thác Đray Sáp, Gia Long, Trinh Nữ, khu du lịch hồ Ea SNô, khu văn hóa thể thao và du lịch hồ Núi Trúc, du lịch sinh thái dọc sông Sêrêpốc.

- Tiểu vùng trung tâm: bao gồm thị xã Gia Nghĩa, huyện Đăk Song và huyện Đăk GLong (mới).

Định hướng phát triển: đầu tư phát triển mạnh công nghiệp. Tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng cho các cụm công nghiệp. Xây dựng Trung tâm thương mại Gia Nghĩa và phát triển du lịch thị xã Gia Nghĩa trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh.

Các công trình dự án trọng điểm tác động đến phát triển vùng: Cụm công nghiệp Gia Nghĩa, Đăk Song, Đăk G’Long, khai thác chế biến quặng bô xít, trồng rừng nguyên liệu, xây dựng các khu hành chính tỉnh và thị xã Gia Nghĩa, hạ tầng kỹ thuật khu Đông Bắc, khu dân cư Sùng Đức, Gia Nghĩa, trung tâm thương mại tỉnh Đăk Nông, khu du lịch sinh thái Đăk Ntao, làng văn hóa đồng bào MNông, du lịch sinh thái cụm thác Gấu - thác Gầm - Cao Nguyên Rbout, và khu du lịch suối nước nóng, du lịch làng (ngầm) hồ thủy điện Đồng Nai 3 - 4.

- Tiểu vùng phía Nam: bao gồm thị xã Kiến Đức và các huyện Đăk R'Lấp, Tuy Đức.

Định hướng phát triển: đẩy mạnh khai thác và sử dụng hiệu quả đất, rừng. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Thu hút phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, cơ khí sửa chữa máy móc, khai thác đá, xây dựng thủy điện; phát triển thương mại, dịch vụ.

Các công trình dự án trọng điểm tác động đến phát triển vùng: Đường đến cửa khẩu Bu Prăng, giao thông nông thôn, xây dựng chợ cửa khẩu biên giới Bu Prăng, khu du lịch sinh thác thác Đăk RLung.

Chương V:

NHỮNG LĨNH VỰC XÃ HỘI ƯU TIÊN NHẰM PTBV

Xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng toàn dân tỉnh Đăk Nông trong suốt thời kỳ đến 2020. Trong đó tập trung làm tốt chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc, thông qua phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, cung cấp tư liệu sản xuất, tiếp cận thị trường. Tập trung giúp cho các địa phương nghèo phát triển kinh tế thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phát triển sản xuất hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng trong lao động nông nghiệp.

Tiếp tục hạ thấp tỷ lệ tăng dân số, kiểm soát tăng dân số cơ học và hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động. Nâng cao chất lượng giáo dục và dạy nghề, đảm bảo trình độ nhân lực dần được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phát triển công nghiệp, khai khoáng, giao thông và đô thị, Đăk Nông cần thực hiện tốt công tác tái định cư, phân bố hợp lý dân cư và lao động nhằm PTBV các đô thị, đảm bảo công bằng và hài hòa lợi ích trong phát triển.

Phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, cải thiện điều kiện lao động và VSMT sống. Thực hiện bình đẳng giới.

I. TẬP TRUNG NỖ LỰC ĐỂ XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO, ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN TIẾN BỘ VÀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI

Phấn đấu giai đoạn 2008 - 2010, mỗi năm giảm bình quân 1- 2% hộ nghèo. Đến năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn dưới 11% và không còn xã khó khăn về cơ sở hạ tầng; rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế giữa nông thôn và thành thị; nâng cao vị trí của phụ nữ trong các hoạt động KT - XH và BVMT.

Đến 2020, tỷ lệ hộ nghèo bằng mức bình quân chung với cả nước. Đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ngang mức bình quân chung của tỉnh.

Những hoạt động cần được tập trung thực hiện để đạt những mục tiêu nêu trên là:

- Tập trung vào các giải pháp hỗ trợ tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo có tư liệu và phương tiện để sản xuất, tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đồng thời hỗ trợ các xã nghèo phát triển các cơ sở hạ tầng, phát triển cơ sở sản xuất, dịch vụ thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển, mức sống ở các vùng, các tầng lớp dân cư.

- Tập trung giúp cho các địa phương nghèo phát triển kinh tế thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phát triển sản xuất hàng hóa, cơ cấu lao động theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động trong công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng trong lao động nông nghiệp.

- Kết hợp chặt chẽ chương trình xóa đói giảm nghèo với các chương trình kinh tế xã hội, khuyến khích làm giàu chính đáng và hợp pháp, đi đôi với đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo.

- Có chính sách cơ chế khuyến khích việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ thích hợp đến các xã nghèo, người nghèo để phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người nghèo

- Vận động người nghèo phát huy nội lực tự vươn lên thoát khỏi nghèo đói, tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực để XĐGN.

- Phát triển mạnh các loại hình hoạt động nhằm phát triển việc làm đến đối tượng người nghèo đô thị và nông thôn như tư vấn việc làm nông thôn, đào tạo nghề và dịch vụ giới việc làm miển phí cho người nghèo...

- Thực hiện tốt các chính sách thuế để phân phối lại thu nhập và tăng thu ngân sách để chi cho công tác XĐGN.

II. TIẾP TỤC HẠ THẤP TỶ LỆ TĂNG DÂN SỐ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Về cơ bản, Đăk Nông đã kiểm soát được tốc độ gia tăng dân số, tuy nhiên vấn đề di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc làm tăng dân số cơ học của tỉnh và có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH của tỉnh cũng như BVMT. Có thể thấy những vấn đề về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số và phân bố dân cư vẫn còn là những thách thức lớn đối với sự PTBV ở Đăk Nông trong thời gian tới, đòi hỏi cả sự phối hợp của các tỉnh bạn, giúp đỡ của trung ương.

Ngoài ra, với mục tiêu hiện đại hóa, công nghiệp hóa, tuy mức sinh giảm nhưng cần phải dự tính khả năng có thể tăng dân cơ học (nhất là trong thời điểm 2008 - 2015, công nghiệp sẽ tăng trưởng nhanh trong bối cảnh nguồn nhân lực tại chỗ chưa đủ đáp ứng).

Để vượt qua những thách thức từ các vấn đề dân số nêu trên, tạo cơ sở vững chắc cho nâng cao mức sống của người dân và đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường cần thực hiện những hoạt động cần tập trung sau:

Giảm sinh vững chắc và nâng cao chất lượng dân số:

- Phấn đấu mỗi năm hạ tỷ suất sinh 1-1,1% để đến năm 2010 đạt qui mô dân số 528 nghìn người, năm 2020 dưới 750 nghìn người (kể cả tăng dân cơ học).

- Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Mở rộng và nâng cao chất lượng các hình thức truyền thông, giáo dục dân số trong và ngoài nhà trường.

- Trên cơ sở giúp đỡ của trung ương, tăng cường kết hợp với các tỉnh có liên quan để hạn chế tình trạng di dân tự do.

- Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản và công tác KHHGĐ bằng các nội dung thiết yếu, phù hợp khuôn khổ chăm sóc sức khỏe ban đầu, hạn chế thấp nhất việc có thai ngoài ý muốn, giảm nạn nạo thai, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

- Nâng cao năng lực thu thập, xử lý và cung cấp thông tin, dữ liệu về dân cư để đáp ứng được yêu cầu đánh giá kết quả thực hiện chiến lược và các chương trình dân số. Bảo đảm việc lồng ghép các dữ liệu dân cư vào việc hoạch định chính sách, lập kế hoạch nhằm điều chỉnh sự phát triển KT - XH, phân bổ dân cư phù hợp với sự thay đổi của dân số.

Giải quyết việc làm và phúc lợi xã hội:

- Giải quyết việc làm là ưu tiên hàng đầu, là yếu tố quyết định để phát huy yếu tố con người, nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế, ổn định và lành mạnh hóa xã hội, đáp ứng nhu cầu bức xúc của nhân dân.

- Tạo nhiều việc làm trên cơ sở: nâng cao chất lượng lao động, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút nhiều doanh nghiệp đến làm ăn tại tỉnh.

- Phấn đấu mỗi năm giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động trong độ tuổi. Do đó, cần làm tốt công tác đào tạo nghề, phấn đấu mỗi năm đưa >300 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 19,4% năm 2007 lên 25% vào năm 2010; hạ tỷ lệ thất nghiệp còn khoảng 1,1%.

- Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỉ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỉ trọng khu vực nông nghiệp và dịch vụ nhằm tạo ra một nền kinh tế với cơ cấu có khả năng thu hút nhiều lao động và tạo thêm nhiều việc làm mới.

- Nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục và đào tạo nghề, tăng cường mối liên kết giữa giáo dục và đào tạo nghề với thị trường lao động, với hệ thống dịch vụ và xúc tiến việc làm, các trung tâm giới thiệu việc làm.

- Thực hiện tốt các chính sách xã hội với người có công với nước, gia đình thương binh, liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng.

III. THỰC HIỆN TỐT CÔNG TÁC TÁI ĐỊNH CƯ, PHÂN BỐ HỢP LÝ DÂN CƯ VÀ LAO ĐỘNG NHẰM PTBV CÁC ĐÔ THỊ

Với đặc trưng về địa hình và phân bố dân cư trong bối cảnh phân vùng phát triển của vùng Tây Nguyên, chiến lược phát triển đô thị của tỉnh Đăk Nông là hạn chế hình thành các đô thị tập trung với quy mô lớn; cần tập trung xây dựng hệ thống đô thị với khoảng 2 đô thị loại trung bình (loại 4) phân bố trên vùng phía bắc và vùng phía tây của tỉnh như thị xã Đức Lập và thị xã Kiến Đức; kết hợp với mạng lưới 6 đô thị loại nhỏ (loại 5) và các thị tứ nông thôn.

Hệ thống đô thị trên không những phù hợp với điều kiện địa hình, giao thông, phân bố dân cư của tỉnh mà còn tạo điều kiện phát triển đồng bộ các vùng lãnh thổ, giảm thiểu sự chênh lệch giữa đô thị - nông thôn, tạo điều kiện xây dựng nông thôn mới và giảm mật độ phát thải đô thị - công nghiệp...

Định hướng phát triển đô thị tỉnh Đăk Nông đến năm 2020:

- Đô thị cấp vùng: Thị xã Gia Nghĩa là đô thị cấp IV - quy hoạch thành đô thị loại III trước năm 2020. Xây dựng phát triển đô thị Gia Nghĩa có cơ cấu kinh tế xã hội phù hợp và tiến bộ, có môi trường đô thị xanh, sạch, đẹp, nhằm đảm bảo cho đô thị phát triển nhanh, ổn định, bền vững; cân bằn sinh thái môi trường; đáp ứng yêu cầu là trung tâm, là động lực phát triển cho hệ thống đô thị và nông thôn toàn tỉnh, đồng thời đảm bảo phát triển theo định hướng cơ cấu kinh tế: Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp.

- Hệ thống đô thị trung tâm cấp tỉnh: Chọn 2 đô thị trung tâm tiểu vùng cấp tỉnh, đó là trung tâm tiểu vùng phía bắc có 2 đô thị để so sánh và lựa chọn: thị trấn EaTlinh và thị trấn Đăk Mil và trung tâm tiểu vùng phía tây, đó là thị xã Kiến Đức được nâng cấp từ thị trấn Kiến Đức tách ra từ huyện Đăk R’Lấp là đô thị lớn nhất của tiểu vùng phía tây.

- Hình thành 3 cực phát triển đô thị:

+ Đô thị phát triển nằm trong trục đô thị hoá quan trọng, dọc trục đường HCM, đường QL 14, QL 28 gồm: TX Gia Nghĩa, thị trấn Kiến Đức, Đăk Song, thị xã Đức Lập, thị xã Kiến Đức, thị trấn Quảng Khê, Nhân Cơ.

+ Đô thị phát triển nằm trong khu vực vành đai biên giới bao gồm: thị xã Đức Lập, thị trấn Tuy Đức, cửa khẩu Đăk Per và cửa khẩu Bu P’răng.

+ Đô thị khác trong vùng kinh tế của tỉnh, là trung tâm hành chính, tổng hợp, kinh tế, thương mại, dịch vụ, kinh tế nông nghiệp của huyện.

Những vấn đề cần tập trung để phát triển đô thị bền vững gồm:

- Rà soát quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết phát triển đô thị nhằm đảm bảo phát triển đô thị bền vững. Mục tiêu của quy hoạch tổng thể phát triển đô thị là xây dựng tương đối hoàn chỉnh hệ thống đô thị của tỉnh có cơ sở hạ tầng KT - XH đạt chuẩn tương ứng. Môi trường đô thị trong sạch, được phân bố và phát triển hợp lý trên từng địa bàn nhằm phát huy đầy đủ các thế mạnh để phát triển ổn định và bền vững.

- Xác định các chỉ giới đỏ và chuẩn bị quỹ đất xây dựng các hệ thống môi trường đô thị (công viên cây xanh, công trình phòng hộ và cảnh quan, hệ thống thoát và xử lý nước, thu gom và xử lý rác thải).

- Chú trọng đến tầng lớp có thu nhập thấp và trung bình ở đô thị, trong đó điều kiện tiên quyết là quy hoạch và hình thành các khu nhà ở, các tuyến giao thông công cộng và các khu sản xuất - dịch vụ nhằm tạo việc làm cho người thu nhập thấp. Chú trọng đảm bảo cho môi trường tốt ở các vùng đô thị đông dân nghèo.

- Đẩy mạnh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các điểm, các khu tái định cư đã được quy hoạch như hệ thống giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm xá,... nhằm sớm tạo điều kiện cho dân cư có cuộc sống ổn định khi phải di dời do giải tỏa mặt bằng xây dựng các công trình KT - XH của tỉnh.

- Tuyên truyền, vận động người dân bị thiệt hại do thu hồi đất xây dựng các công trình công cộng phục vụ dân sinh, KT - XH. Thực hiện tốt chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư một cách thỏa đáng, đảm bảo người bị di dời có cuộc sống tốt hơn trước khi bị di dời.

- Làm tốt chính sách dân tộc, đảm bảo ổn định đời sống và các dịch vụ xã hội cho bà con dân tộc.

IV. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC VÀ DẠY NGHỀ.

Nhiệm vụ của giáo dục - đào tạo trong chiến lược PTBV trên cơ sở đặt nguồn lực con người là động lực phát triển chính cũng như đối tượng phục vụ trung tâm, phải không ngừng nâng cao dân trí, tạo điều kiện để mọi người dân được đi học và không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển KT - XH hướng đến nền kinh tế tri thức và góp phần tạo nền tảng bền vững về nhận thức chính trị, văn hóa - xã hội.

Những hoạt động cần tập trung nhằm thực hiện nhiệm vụ trên là:

- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt chương trình cải cách giáo dục các cấp; phấn đấu đến năm 2009 hoàn thành phổ cập Trung học cơ sở. Đồng thời, làm tốt công tác bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học, nhất là giáo viên thiểu số dạy con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

- Tăng cường đầu tư kinh phí đáp ứng nhu cầu cho sự nghiệp giáo dục. Quan tâm nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo toàn diện, thực chất cho học sinh, đào tạo con em đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa.

- Thực hiện XHH về hoạt động giáo dục nhằm phát huy tối đa nguồn lực trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục, đồng thời tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được hưởng thụ thành quả giáo dục ở mức ngày càng cao.

- Khẩn trương triển khai xây dựng và hoàn thành trường cao đẳng văn hóa cộng đồng vào năm 2010.

- Tập trung đào tạo nhân lực cho nông thôn nhằm trang bị cho nông dân các kiến thức cơ bản về những ngành nghề ở nông thôn, thông qua các lớp khuyến nông, khuyến lâm, tạo điều kiện cho nông dân đa dạng hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Hoàn chỉnh hệ thống giáo dục - đào tạo các cấp (giáo dục phổ thông, đào tạo hướng nghiệp, đào tạo nghề, THCN - cao đẳng - đại học, đào tạo lại - đào tạo trên việc làm tại doanh nghiệp và các khu công nghiệp...) với cơ cấu và bước đi phù hợp nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Trong đó có hình thành và phát triển hệ thống đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho xuất khẩu lao động để thu ngoại tệ và tạo việc làm.

- Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và tư vấn, xúc tiến việc làm, đặc biệt có chế độ, chính sách tốt cho lao động có trình độ cao.

- Thực hiện giáo dục về BVMT và PTBV trong nhà trường phổ thông; tuyên truyền phổ biến kiến thức về PTBV nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người dân để huy động toàn dân tham gia thực hiện.

V. PHÁT TRIỂN VỀ SỐ LƯỢNG VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁC DỊCH VỤ CHĂM SÓC SỨC KHOẺ, CẢI THIỆN ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG VÀ VSMT SỐNG.

Mục tiêu của chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2008 - 2010 là: phấn đấu để bệnh tật ngày càng giảm, sức khỏe ngày càng tăng, mọi người dân đều được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Giảm tỷ lệ mắc bệnh, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ và phát triển giống nòi.

Đến năm 2010, phấn đấu đạt chỉ tiêu 60% xã, phường có bác sĩ và 100% số bon có tình nguyện viên y tế cộng đồng; hạ tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn dưới 22%; đạt 15 giường bệnh/vạn dân, 5 bác sĩ/vạn dân.

Đến năm 2020 hạ tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn dưới 10%; đạt 15 giường bệnh/vạn dân, 6 bác sĩ /vạn dân. Giải quyết căn bản các bệnh nhiễm khuẩn, đảm bảo dinh dưỡng và cơ cấu dinh dưỡng hợp lý cho người dân. Tích cực phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, sốt rét, HIV/AIDS.

Triển khai có hiệu quả các họat động tuyên truyền, phòng ngừa các tệ nạn xã hội: ma túy, mại dâm, các hủ tục.

Những hoạt động ưu tiên cần được tiến hành trong thời gian tới là:

- Tăng cường, phát triển hệ thống y tế cơ sở từ các bệnh viện huyện đến trạm y tế xã và đến tận hộ gia đình, phát triển thầy thuốc gia đình; đào tạo nhân lực y tế thích hợp.

- Đến năm 2010 cơ bản hoàn thành việc xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh, nâng cấp hoặc xây mới các bệnh viện đa khoa huyện và các đơn vị sự nghiệp phòng bệnh tuyến huyện và tỉnh. Ít nhất 55 xã, phường, thị trấn có trạm y tế được xây dựng và cung cấp thiết bị đạt chuẩn quốc gia; đào tạo các tình nguyện viên sức khỏe cộng đồng, các kỹ thuật viên y tế đảm bảo đủ khả năng thực hiện tốt công tác chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ và triển khai các hoạt động y tế dự phòng.

- Đảm bảo công bằng trong tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho mọi đối tượng, tầng lớp nhân dân.

- Tăng cường ngân sách cho ngành y tế nhằm hướng đến chính sách khám chữa bệnh cho tầng lớp nghèo và phụ nữ.

- Cải cách phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng phục vụ của bảo hiểm y tế và viện phí, bảo đảm cho người bệnh có bảo hiểm y tế được phục vụ bình đẳng, được tự chọn cơ sở khám chữa bệnh theo nhu cầu.

- Thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ y tế ngoài công lập, tạo điều kiện thuận lợi để các loại hình dịch vụ này phát triển đúng hướng, cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng trước pháp luật.

- Quản lý, giám sát môi trường lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp do ảnh hưởng của các yếu tố độc hại, ô nhiễm. Tăng cường giám sát, thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt và chất thải y tế.

- Duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao cho trẻ em đối với các bệnh có thể dự phòng bằng vacxin, đảm bảo cung cấp đủ Vitamin A từ 6 - 36 tháng tuổi, đặc biệt là đối tượng có nguy cơ cao.

- Xây dựng và thực hiện Chương trình hành động về truyền thông giáo dục sức khoẻ, nhằm nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về sức khoẻ; đồng thời kiện toàn mạng lưới truyền thông giáo dục sức khoẻ, nhất là tuyến cơ sở, đa dạng hóa các loại hình truyền thông, phù hợp với trình độ, dân tộc, tập quán của từng đối tượng.

VI. BÌNH ĐẲNG GIỚI

Thực hiện tốt luật Bình đẳng giới và quan tâm tiến bộ phụ nữ coi đây là nội dung, biện pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển KT - XH hài hòa từ trong gia đình, thôn bản - những tế bào quan trọng cho một xã hội PTBV.

Chương VI:

NHỮNG LĨNH VỰC SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN, BVMT VÀ KIỂM SOÁT Ô NHIỄM, ƯU TIÊN NHẰM PTBV

Do đặc điểm địa hình đồi núi dốc, trong quá trình phát triển kinh tế, Đăk Nông phải tập trung chống tình trạng thoái hóa đất, khai thác một cách hợp lý, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất.

Nước là tài nguyên khan hiếm và quý giá cần được bảo vệ và sử dụng hợp lý.

Nâng cao trình độ quản lý của cán bộ và ý thức của người dân về bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn nước phục vụ cho sản xuất (nông lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng) và sinh hoạt.

Rừng là nguồn tài nguyên quý giá, duy trì đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường và tiền đề phát triển các ngành kinh tế . Tỉnh cần đặc biệt quan tâm đến bảo tồn và phát triển các loại rừng, ưu tiên trồng rừng kinh tế, quản lý, khai thác hợp lý rừng sản xuất theo hướng PTBV.

Khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản. Khai thác chế biến bôxít có nguy cơ làm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, phá vỡ cảnh quan sinh thái và làm xáo trộn và đảo lộn nếp sống văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc.

Tỉnh cần xây dựng kế hoạch hành động BVMT trong khai thác khoáng sản.

Phát triển công nghiệp sạch, thực hiện nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Quy hoạch phát triển đô thị và công nghiệp hợp lý, ưu tiên công nghiệp sạch và tiết kiệm tài nguyên. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường chống ô nhiễm không khí.

Môi trường nông thôn cũng cần được chú trọng, có quy hoạch thu gom và xử lý rác thải, nước thải.

I. CHỐNG TÌNH TRẠNG THOÁI HÓA ĐẤT, KHAI THÁC MỘT CÁCH HỢP LÝ, SỬ DỤNG HIỆU QUẢ VÀ BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN ĐẤT

Thoái hóa đất là vấn đề mà Đăk Nông quan tâm trong những năm qua, đặc biệt là những vùng đồi trồng cây công nghiệp dài ngày. Các dạng thoái hóa đất mà Đăk Nông đang phải đối phó là: xói mòn, rửa trôi, độ phì nhiêu thấp và mất cân bằng dinh dưỡng, bạc màu. Nguyên nhân suy thoái chủ yếu là do địa hình có độ dốc lớn, dòng chảy mạnh, do rừng bị tàn phá nghiêm trọng, sử dụng không hợp lý phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật. Ngoài ra việc canh tác thiếu hợp lý các loại cây trồng trên các vùng sinh thái đặc thù Tây Nguyên nên dẫn đến tình trạng đất bị xói mòn, sụt lở, lũ quét, lũ ống, xảy ra liên tục, thường xuyên, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của đồng bào các dân tộc và môi trường đất.

Những hoạt động ưu tiên thực hiện:

- Đưa công tác quy hoạch vào nề nếp, các cấp các ngành nhận thức đầy đủ công tác quy hoạch. Cần rà soát công tác lập quy hoạch sử dụng đất đối với các đơn vị cần lập quy hoạch mới (ở một số huyện, xã mới tách) hoặc phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Những quy hoạch mới phải được đánh giá môi trường chiến lược.

- Có những giải pháp hợp lý nhằm bảo đảm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, đó là áp dụng công nghệ cao nhằm tăng hiệu quả trên một đơn vị diện tích, thực hiện tốt chương trình định canh định cư bảo vệ và phát triển rừng, chống xói mòn đất. Khuyến khích các nguồn vốn của doanh nghiệp, vốn dân, tín dụng đầu tư các dự án như: vùng lúa cao sản diện tích 4.000 - 5.000 ha (Krông Nô); vùng cà phê tập trung diện tích 10.000 - 15.000 ha (Đăk Mil, Đăk R’Lấp); trồng điều nguyên liệu diện tích 6.000 ha (Đăk R’Lấp)…

- Điều chỉnh lại quy hoạch phân bố dân cư nội vùng nhằm khai thác tốt tiềm năng thế mạnh về đất đai và lao động cũng như để phù hợp với phong tục tập quán của nhân dân.

- Trồng cây lâu năm có giá trị kinh tế, thương mại cao nhưng phải ít xới xáo đất và thực hiện hệ thống nông - lâm - súc kết hợp và đảm bảo độ che phủ trên đất dốc.

- Nghiên cứu và áp dụng các hệ thống sản xuất nông - lâm nghiệp liên hoàn ở các vùng sinh thái khác nhau nhằm bảo đảm hiệu quả phát triển KT - XH và BVMT.

- Nghiên cứu các chính sách khuyến khích áp dụng các biện pháp kỹ thuật công nghệ phù hợp với phát triển mạnh và ĐDSH trong phát triển nông nghiệp.

- Nghiên cứu chính sách đầu tư đồng bộ giữa giao thông và thuỷ lợi kết hợp với bố trí các tuyến dân cư để tiết kiệm đất. Đặc biệt là vấn đề thuỷ lợi hóa của tỉnh cần được chú trọng và có sự đầu tư thích đáng để khai thác tốt hơn tiềm năng đất.

- Tăng cường công tác quản lý đất đai, chuyển nhượng mua bán đất đai trái pháp luật, hạn chế việc khiếu nại tranh chấp đất đai.

- Tổ chức tuyên truyền và phát động phong trào quần chúng áp dụng các mô hình tiên tiến về sử dụng bền vững tài nguyên đất.

II. BVMT NƯỚC VÀ SỬ DỤNG HỢP LÝ, BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN NƯỚC

- Nâng cao ý thức của người dân về bảo quản và sử dụng hợp lý nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ quản lý tài nguyên nước các cấp về công tác bảo vệ, khai thác và sử dụng bền vững nguồn nước.

- Đánh giá tổng thể và có chiến lược phù hợp về bảo tồn và sử dụng nguồn tài nguyên nước, từ đó xây dựng kế hoạch khai thác hợp lý, góp phần giải quyết khó khăn về nước sinh hoạt cho vùng nông thôn nhưng vẫn đảm bảo duy trì tài nguyên này cho thế hệ sau. Đặc biệt quan tâm xây dựng chiến lược dài hạn và các chương trình, dự án bảo vệ nguồn nước sạch.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2010.

- Đến năm 2010: 85% dân số được sử dụng nước sạch. Đến năm 2020: 100% dân số được sử dụng nước sạch.

Những hoạt động ưu tiên:

- Nhanh chóng triển khai thực hiện các dự án cấp nước tại các địa bàn trọng điểm. Lập dự án kêu gọi đầu tư vào các công trình cấp nước tại Khu công nghiệp, các cụm công nghiệp và thị xã, thị trấn. Tiếp tục đầu tư công trình nước sạch tại các trung tâm huyện.

- Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải riêng cho mỗi đô thị, khu, cụm công nghiệp, nhằm hạn chế sự xâm nhập các nguồn nước ô nhiễm vào nguồn nước mặt. Việc khai thác các mỏ khoáng sản như bô xít, đá quý... cần được quản lý chặt chẽ bởi cơ quan chức năng nhà nước, đầu tư công nghệ khai thác tiên tiến, hiệu quả thu hồi quặng cao, tránh gây ô nhiễm môi trường.

- Nước thải sinh hoạt tại các đô thị, khu dân cư: cần được thu gom tập trung và xử lý cục bộ tại ngay những nơi phát thải (thông thường bằng bể phối tự hoại 2-3 ngăn), bằng hệ thống đường ống thu gom nước thải tại mỗi đô thị.

- Nước thải tại khu vực nông thôn: khuyến khích các hộ dân sử dụng hố xí tự hoại và hố xí hợp vệ sinh, và hệ thống xử lý nước thải phân tán tại khu vực dân cư nông thôn.

- Chú trọng thực hiện các biện pháp BVMT trong khai thác quặng bô xít

- Quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường trong và sau dự án theo đúng quy định của pháp luật.

- Tổ chức thực hiện tốt chương trình nước sạch nông thôn, cần đề nghị Chính phủ kêu gọi thêm các nguồn vốn vào lĩnh vực này.

- Tăng cường giáo dục, vận động và kiểm soát việc chăn nuôi tại gia đình, chăn nuôi tập trung, sản xuất ở các làng nghề để giữ sạch VSMT. Ưu tiên nhiều hơn vốn ngân sách hỗ trợ cho các địa bàn khó khăn, tập trung nhiều người nghèo, đặc biệt là vùng núi cao, có nhiều đồng bào dân tộc ít người. Các vùng khác áp dụng chính sách huy động cộng đồng, sự đóng góp của địa phương và người hưởng lợi để xây dựng các công trình nước sạch, chống ô nhiễm, BVMT... Nhà nước hỗ trợ đầu tư các công trình tạo nguồn (bể chứa và một số vật tư, thiết bị khác), dành nguồn vốn ngân sách thích đáng dưới hình thức vốn trợ cấp và vốn vay tín dụng ưu đãi để hỗ trợ nông dân phát triển các công trình cấp nước và vệ sinh nông thôn.

- Đẩy mạnh XHH công tác khai thác, cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn tỉnh.

III. BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG

Tiếp tục củng cố ngành lâm nghiệp theo Nghị định 200 của Chính phủ. Đảm bảo mọi diện tích rừng phải có chủ thực sự, nâng cao hiệu quản kinh tế, xã và môi trường, bảo tồn tính ĐDSH.

Phát triển các loại rừng, ưu tiên trồng rừng kinh tế, quản lý, khai thác hợp lý rừng sản xuất theo hướng PTBV. Chuyển đổi một số diện tích đất rừng sản xuất giải quyết đất sản xuất và đất ở cho các dự án ổn định dân di tự do, dự án sắp xếp ổn định dân cư các xã biên giới theo Quyết định 193/2006/QĐ-TTg và Chương trình phát triển KT - XH gắn với an ninh quốc phòng vùng biên giới đến năm 2020 của Tỉnh uỷ Đăk Nông. Đồng thời, rừng đặc dụng phát triển theo hướng xây dựng các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Đảm bảo rừng sản xuất phải trên 80%, rừng phòng hộ 9 - 11% và rừng đặc dụng 8 - 9% diện tích đất lâm nghiệp.

Giai đoạn 2008 - 2010: trồng mới khoảng 6.900 ha (bình quân mỗi năm trồng 2.300 ha) rừng sản xuất, 100 ha rừng phòng hộ, trồng bổ sung và khoanh nuôi tái sinh khoảng 2.500 ha rừng đặc dụng. Khai thác hàng năm 30.000m3 gỗ tròn, nhằm đáp ứng nhu cầu về KT - XH, tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 8 - 9%/năm.

Giai đoạn 2011 - 2020: trồng mới 20.000 ha rừng sản xuất, cải tạo, trồng bổ sung 5.000 ha. Hàng năm khai thác 50.000 m3 gỗ tròn. Tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 9 - 10%/năm.

Giao cho các địa phương diện tích rừng không thuộc quyền quản lý của các Công ty lâm nghiệp để địa phương thực hiện gia đất, khoán rừng cho hộ, nhóm hộ và cộng đồng dân cư tại chỗ, thực hiện XHH nghề rừng Những hoạt động ưu tiên thực hiện trong thời gian tới:

Từ năm 2008 - 2010 trồng mới 6.900 ha đất sản xuất, trong đó từ đất sản xuất nông nghiệp khoảng 6.000 ha, đất chưa sử dụng 2.800 ha, chuyển đổi một số ha đất rừng phòng hộ nơi ít xung yếu và các tiểu khu nhỏ lẻ, chức năng phòng hộ hạn chế sang rừng sản xuất. Đồng thời chuyển đổi trên 9.000 ha rừng sản xuất sang sản xuất nông nghiệp, trên 8.400 ha sang đất phi nông nghiệp, chủ yếu là xây dựng các hồ đập, đường giao thông. Diện tích rừng sản xuất đến năm 2010 là 296.714 ha, tăng 51.946 ha so với năm 2007. Tiếp tục từ năm 2011 - 2015 trồng mới bình quân hàng năm khoảng 2.100 ha/năm, cải tạo khoảng 5.000 ha chủ yếu rừng lồ ô, tre, nứa kém hiệu quả bằng cây phát triển nhanh kết hợp với cây trồng bản địa, sử sụng công nghệ mô, hom trong nhân giống và trồng mới. Vốn đầu tư từ Chương trình 661, nguồn vốn vay WB, ADB kết hợp vốn ngân sách nhà nước.

- Ưu tiên xây dựng lâm phận ổn định với 2 loại rừng: rừng đặc dụng (33.248 ha) và rừng phòng hộ đầu nguồn (40.523 ha) đã được quy hoạch; đặc biệt chú trọng quản lý khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên và rừng phòng hộ biên giới nhằm góp phần bảo tồn các hệ sinh thái rừng, ĐDSH và an ninh quốc phòng vững mạnh. Đồng thời, phát triển rừng sản xuất theo hướng sử dụng có hiệu quả và bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu lâm sản ngày càng cao của nguời dân. Hoàn thiện hệ thống quản lý rừng từ tỉnh đến cơ sở.

- Ưu tiên năm 2009 tập trung xây dựng “giá rừng” theo Thông tư số 65/2008/TTLT-BNN-BTC ngày 26/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Tài chính làm cơ sở để Nhà nước thực hiện giao rừng và cho thuê rừng.

- Xây dựng chương trình giao đất giao rừng: Toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp (đất trống và đất có rừng) hiện do chính quyền địa phương quản lý được giao hoặc cho thuê đảm bảo mỗi khoảnh đất khoảnh rừng đều có chủ quản lý cụ thể. Nghiên cứu thử nghiệm giao rừng nghèo cho các thành phần kinh tế tư nhân, xây dựng chính sách hợp lý để tạo động lực cho các thành phần kinh tế tham gia làm giàu rừng, kinh doanh rừng.

- Chương trình bảo tồn ĐDSH: bảo tồn nguồn gien động thực vật quý hiếm hiện đang có ở Đăk Nông để phục vụ nhu cầu dự trữ quốc gia, nghiên cứu khoa học. Xây dựng hoàn chỉnh các khu rừng đặc dụng phục vụ cho yêu cầu bảo tồn ĐDSH và nghỉ ngơi du lịch. Tìm kiếm nguồn hợp tác khoa học trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên với các tổ chức trong và ngoài nước.

- XHH việc trồng và chăm sóc, bảo vệ cây phân tán dọc theo tuyến giao thông, trong đô thị, công trình công cộng để tạo vẻ mỹ quan, bóng mát cũng như bảo vệ công trình, góp phần gia tăng độ che phủ đạt trên 50%.

- Thực hiện tốt cơ chế trao đổi, thu phí môi trường để khuyến khích trồng và phát triển rừng.

IV. KHAI THÁC HỢP LÝ VÀ SỬ DỤNG TIẾT KIỆM TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN

- Tổ chức triển khai học tập Luật khoáng sản, ban hành các quy chế, văn bản thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản sát với tình hình thực tế của địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, tạo sự giám sát của nhân dân đối với việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiện có trên địa bàn.

- Đẩy mạnh công nghiệp chế biến nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo việc làm tại chỗ.

- Trong phát triển công nghiệp cần chú trọng xử lý tốt các vấn đề liên quan đến tiết kiệm tài nguyên, xử lý chất thải, hạn chế ô nhiễm môi trường.

- Nghiêm cấm khai thác khoảng sản (Bô xít, đá granit, than bùn ..) bừa bãi. Nước thải từ các bãi khai thác khoáng sản phải được tập trung xử lý đạt tiêu chuẩn mới được phép thải ra môi trường ngoài.

- Sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, mặt nước, đất đai vừa đảm bảo phát triển sản xuất phục vụ đời sống vừa tiết kiệm.

Những hoạt động ưu tiên thực hiện trong thời gian tới:

- Tiến hành điều tra khảo sát qui mô, trữ lượng các mỏ: bôxít, cát, sét, bùn, đá sét nguyên liệu keamzit, thiếc, chì kẽm... trên địa bàn tỉnh. Phối hợp chặt chẽ giữa ngành và địa phương trong quản lý và xây dựng kế hoạch khai thác hợp lý, tăng cường công tác giám sát, đảm bảo khai thác đúng qui trình, tiết kiệm nguồn tài nguyên, không gây tác động xấu cho môi trường và bảo vệ tốt nguồn tài nguyên chưa khai thác. Đặc biệt thực hiện phân cấp mạnh cho cấp huyện, thị xã trong công tác quản lý khai thác các mỏ cát, mỏ sét trong phạm vi của địa phương để phát huy tác dụng tích cực, nâng cao chất lượng quản lý, bảo vệ tài nguyên của địa phương.

- Làm tốt công tác nghiên cứu khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, tăng cường thu hồi và tái sử dụng vật tư và phế thải.

- Khoanh định các khu vực cấm khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh gồm các khu vực gần các khu di tích lịch sử, khu du lịch, khu đất thuộc tôn giáo, khu an ninh quốc phòng, khu vực an toàn giao thông,các vùng xung yếu, khu dân cư.

- Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp khai thác đầu tư chi phí cho khâu phục hồi, cải thiện môi trường sinh thái.

- Khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia vào các hoạt động bảo vệ mỏ khoáng sản, BVMT trong các hoạt động khai thác khoáng sản.

V. QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN VÀ CHẤT THẢI NGUY HẠI HƯỚNG TỚI PTBV

Công tác quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại đòi hỏi đáp ứng các mục tiêu:

- Đánh giá thực trạng công tác quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Đăk Nông, từ đó đề xuất các phương án lồng ghép nội dung PTBV vào chương trình công tác quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại.

- Lập kế hoạch thực hiện quản lý chất thải nguy hại theo Luật môi trường 2005. Tăng cường hợp tác liên tỉnh và quốc tế, thưc hiện các công ước quốc tế như Stockholm và Basel.

- Xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của mọi người trong công tác quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.

- XHH công tác quản lý chất thải rắn nói chung nhằm tạo ra phong trào BVMT sâu rộng trong toàn tỉnh.

Những hoạt động cần ưu tiên

- Mở rộng và nâng cấp các bãi rác hiện có, quy hoạch bãi rác phục vụ nhu cầu xử lý rác thải đô thị, áp dụng quy trình chôn lấp chất thải theo đúng tiêu chuấn bãi rác hợp vệ sinh. Đồng thời bố trí các trạm trung chuyển, các tuyến thu gom chất thải rắn đưa đến bãi chôn lấp được quy hoạch cho mỗi vùng.

- Xây dựng các khu nghĩa trang tập trung kết hợp hỏa táng tại từng địa phương trong tỉnh.

- Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư tái sử dụng chất thải rắn đô thị.

- Tăng cường huy động nguồn vốn đầu tư công nghệ xử lý rác thải (vốn ngân sách, vốn nước ngoài, vốn đóng góp của các chủ thải khối lượng lớn…)

- Tăng cường công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về quản lý chất thải cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý chất thải tại các địa phương cũng như tại các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, tồn trữ xử lý, tiêu huỷ chất thải.

- Đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng để mọi tầng lớp xã hội có thể hiểu một cách đầy đủ và đúng đắn về công tác BVMT nói chung cũng như công tác quản lý chất thải nói riêng.

- Đầu tư xây dựng nhà máy tái chế rác thải sinh hoạt thành sản phẩm phân vi sinh.

Xây dựng 01 trạm xử lý chất thải nguy hại chung cho toàn tỉnh.

- Phối hợp với cơ quan quản lý môi trường cấp trung ương: Xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn thải, đặc biệt là chất thải nguy hại; Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật xử lý các loại chất thải nguy hại.

- Khuyến khích quần chúng nỗ lực tái chế chất thải rắn.

- Thành lập một khu vực trình diễn về tái chế chất thải rắn.

- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý rác, thực hiện tốt quá trình phân loại, thu gom, xử lý nâng cao tỷ lệ rác thải được chuyển thành nguyên liệu.

- Lập kế hoạch giám sát, củng cố các hoạt động giám sát, thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt và chất thải bệnh viện, đặc biệt là chất thải nguy hại. Việc thực hiện kế hoạch phải được các cơ quan BVMT giám sát.

- Xây dựng mô hình “Hợp tác xã quản lý điện, cấp nước sinh hoạt, thu gom chất thải rắn” ở từng thôn xóm và tự hạch toán kinh doanh, kết hợp với dịch vụ của các công ty môi trường...

VI. GIẢM Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ Ở ĐÔ THỊ, KHU CÔNG NGHIỆP VÀ CỤM CÔNG NGHIỆP

- Đối với các đô thị, cần cải tạo (đối với khu vực hiện trạng) và xây dựng mới (đối với khu vực mở rộng) hệ thống thoát và xử lý nước thải. Việc thiết kế hệ thống thoát nước mưa và nước thải chung hoặc riêng phụ thuộc vào khả năng kinh phí nhưng tối thiểu phải xây dựng chỉ giới đỏ và có quỹ đất cho các công trình gom tách nước đầu mối, trạm xử lý.

- Quy hoạch và xây dựng hệ thống thu gom, trung chuyển, xử lý rác thải đô thị. Cải tiến các biện pháp xử lý đơn giản (đốt, chôn lấp luân phiên) sang các biện pháp tiên tiến (xử lý thu hồi năng lượng).

- Quy hoạch và chuẩn bị quỹ đất cho các công trình công cộng, khoảng xanh và sông nước, hồ điều hòa đô thị, bố trí hệ thống giao thông hợp lý, ứng dụng các mô hình nhà ở tiết kiệm năng lượng.

- Tuyên truyền, giáo dục cộng đồng dân cư đô thị về BVMT, từng bước xây dựng các tập quán phát thải dân cư đô thị tích cực (nhà vệ sinh tự hoại, tiết kiệm nước sinh hoạt và năng lượng, giảm thiểu giao thông cá nhân kết hợp tăng cường giao thông công cộng, hạn chế tiếng ồn, hạn chế tiêu dùng sản phẩm thô, không thải rác ra sông rạch đường sá, phân loại rác...) kết hợp với tăng cường kiểm tra và xử lý hành chính về môi trường đô thị.

- Vận động các nguồn viện trợ hoặc vốn vay ưu đãi đối với các công trình xử lý chất thải dân cư đô thị, đặc biệt là vận động nguồn đầu tư mua bán hạn ngạch phát thải theo Nghị định thư Kyoto.

- Hoàn thành và thực hiện đề án di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường ra khỏi thị xã, thị trấn, thị tứ… phấn đấu đến năm 2010 di dời tất cả các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi thị xã, đến năm 2015 ra khỏi các thị trấn.

- Đưa 100% cơ sở sản xuất kinh doanh vào diện kiểm soát, thực hiện thanh tra, kiểm tra về xử lý chất thải, nước thải BVMT. Khuyến khích và tạo điều kiện đổi mới công nghệ, hạn chế gây ô nhiểm môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh, nhất là đối với các cơ sở giết mổ gia súc, chế biến cây công nghiệp, lâm sản,…

- Sau năm 2010, xây dựng lộ trình chọn lọc đầu tư, hạn chế các loại hình công nghiệp gây nhiều phát thải.

- Qui hoạch các khu sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tập trung, nghiên cứu ứng dụng các công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, tìm giải pháp xử lý nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt để hạn chế nhiễm bẩn nguồn nước mặt; tổ chức quản lý việc xả nước thải vào nguồn nước, thu phí BVMT đối với nước thải tiến đến xây dựng hạn ngạch môi trường cho từng khu công nghiệp.

- Quản lý chặt chẽ, thực hiện tốt quy hoạch vật liệu xây dựng của tỉnh, trong đó trọng tâm là quy hoạch khai thác cát, từng lúc xem xét điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện cụ thể, đồng thời có kế hoạch khôi phục những điểm hư hỏng do khai thác gây ra.

- Đối với các dự án đầu tư mới, đặc biệt là sản xuất sản phẩm mới, BVMT là một yếu tố bắt buộc được thể hiện trong nội dung dự án khi thẩm định dự án.

VII. BẢO TỒN ĐDSH

ĐDSH được coi là tài sản quốc gia. Đây là lợi thế trong việc tạo ra các hàng hóa và dịch vụ cần thiết cho giai đọan phát triển sắp tới. Việc bảo tồn và khai thác bền vững ĐDSH được thực hiện theo các quy định của pháp luật Việt Nam và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, theo hướng thúc đẩy PTBV và hỗ trợ XĐGN.

Tỉnh phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ các khu vực có các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc mang tính đại diện, có biện pháp bảo vệ các loài hoan dã đặc hữu, có giá trị khoa học, sinh thái, cảnh quan, môi trường, văn hoá lịch sử bị đe doạ tuyệt chủng.

Kết hợp đồng bộ giữa bảo tồn với khai thác bền vững ĐDSH, quản lý an toàn các sinh vật biến đổi gien và kiểm soát sinh vật lạ xâm hại môi trường nhằm đảm bảo cân bằng sinh thái ở mức ổn định.

Bảo tồn và khai thác bền vững ĐDSH là trách nhiệm của toàn xã hội, nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân; các hoạt động có lợi cho ĐDSH được nhà nước khuyến khích, khen thưởng; các hành vi có hại cho ĐDSH bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Mọi lợi ích thu được từ tài nguyên phải được chia sẻ công bằng và hợp lý giữa người hưởng lợi, nhà nước, người được giao quản lý và cộng đồng dân cư; tổ chức, cá nhân gây thiệt hại đến ĐDSH thì phải bồi thường, hưởng lợi từ ĐDSH thì phải chi trả các chi phí bảo tồn.

Việc bảo tồn ĐDSH phải lấy nội lực là chính, kết hợp với việc phát huy các nguồn lực từ bên ngoài và vận dụng hợp lý kinh nghiệm quốc tế.

Những hành động ưu tiên nhằm bảo tồn và khai thác bền vững ĐDSH:

Ưu tiên thành lập, đầu tư xây dựng và bố trí kinh phí quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung (25.000 ha), Tà Đùng (28.000 ha), Nam Cát Tiên (14.000ha) và thảo nguyên nhỏ Trảng Ba cây nhằm bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trong của đất nước. Đảm bảo duy trì chỉ số phong phú loài MSA không thấp hơn thời điểm 2010.

Tham gia cùng cơ quan quản lý nhà nước lập danh mục các loài hoang dã được ưu tiên bảo vệ, lập kế hoạch và bố trí kinh phí quản lý và bảo vệ các loài hoang dã đặc hữu, có giá trị khoa học, sinh thái, môi trường, văn hóa - lịch sử đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Thực hiện các dự án bảo tồn ĐDSH, bố trí kinh phí từ ngân sách chi thường xuyên cho các hoạt động bảo tồn ĐDSH, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư, hỗ trợ hoạt động bảo tồn ĐDSH.

Khuyến khích tổ chức, cá nhân áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ thông tin trong bảo tồn và khai thác bền vững ĐDSH.

Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các hoạt động bảo tồn ĐDSH, ưu đãi, hỗ trợ cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng bất lợi từ hoạt động phát triển, và khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho các đối tượng tham gia bảo tồn ĐDSH.

Khuyến khích các hành vi tôn trọng và đối xử có văn hóa với các loài sinh vật, sống hài hòa với thiên nhiên.

Thực hiện cưỡng chế các họat động xâm hại các khu bảo tồn thiên nhiên; tự ý chuyển đổi mục đích bảo tồn; phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, làm mất cân bằng sinh thái cũng như săn bắn, đánh bắt, giết hại, buôn bán, tiêu thụ hoặc phá hoại nơi cư trú của các loài hoang dã thuộc danh mục được nhà nước ưu tiên bảo vệ.

VIII. BVMT NÔNG THÔN

- BVMT nông thôn không có nghĩa chỉ gìn giữ môi trường trong sạch trong vùng mà còn cần có nhiều biện pháp để ngăn chặn ô nhiễm có tính chất phòng ngừa đó là việc xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về VSMT gắn với an toàn thực phẩm, tiến tới hạn chế về cơ bản và thay thế sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật độc hại.

- Thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình để tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đảm bảo không còn hộ đói nghèo ở nông thôn.

Những hoạt động ưu tiên thực hiện trong thời gian tới

- Quy hoạch và phát triển hạ tầng nông thôn có tính đến việc nâng dần quy mô và trình độ phát triển chung của vùng và tỉnh.

- Quy hoạch và phát triển hạ tầng nông thôn đảm bảo các yêu cầu KT - XH - môi trường. Trong đó quy hoạch phát triển làng nghề phù hợp với phong tục tập quán và đáp ứng các yêu cầu về VSMT.

- Xây dựng các cộng đồng PTBV theo nhiều quy mô, đa dạng về hình thức với sự tham gia rộng rãi của các nhóm dân sự xã hội, giới thiệu và nhân rộng trong toàn tỉnh.

Chương VII:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ PTBV

PTBV đòi hỏi sự đồng thuận của toàn xã hội và sự cam kết chính trị cao của chính quyền. Đăk Nông cần xây dựng thiết chế cần thiết cho PTBV ở các cấp (tỉnh, huyện, xã, thôn/bon). Các thiết chế này cần được tạo điều kiện để điều phối các hoạt động, xây dựng và nhân rộng các mô hình. Muốn vậy phải có cơ chế huy động nguồn lực từ mọi thành phần để thực hiện chiến lược.

Các ngành các cấp được giao nhiệm vụ rõ ràng và được tăng cường năng lực để thực hiện. Xây dựng cơ chế và chỉ tiêu đánh giá và giám sát PTBV. Huy động toàn dân tham gia và giám sát PTBV. Tăng cường hợp tác và liên kết liên vùng và quốc tế thực hiện PTBV.

I. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thực hiện Chương trình PTBV phải dựa trên các giải pháp đồng bộ, bao gồm việc hoàn thiện thể chế, nâng cao nguồn lực và năng lực của bộ máy, cũng như xây dựng cơ chế bảo đảm sự tham gia của các cấp, các ngành và người dân từ khâu xây dựng chính sách đến giám sát, đánh giá Chương trình để bảo đảm tính vững chắc của các kết quả đạt được, tránh rủi ro trong quá trình thực hiện.

1. Phân công nhiệm vụ:

1.1. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan cụ thể hóa các quy phạm pháp luật về PTBV của Nhà nước phù hợp sát thực với điều kiện của Đăk Nông, bổ sung và hoàn chỉnh và xây dựng mới các chính sách hướng vào những hoạt động ưu tiên đã nêu trong chiến lược PTBV của tỉnh.

1.2. Trước tiên một số ngành phải thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Nội vụ: Phối hợp với các ngành, địa phương hình thành bộ phận về PTBV nhằm tham mưu có hiệu quả cho Đảng, HĐND và UBND các cấp.

- Ngành Kế hoạch - Đầu tư: Lồng ghép về chỉ tiêu nguồn vốn cho PTBV vào qui hoạch KT - XH, kế hoạch 5 năm và hàng năm. Hàng năm phối hợp với các ngành Thống kê, Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Khoa học - Công nghệ,... báo cáo tình hình thực hiện PTBV của tỉnh. Huy động các nguồn lực để thực hiện các chương trình hành động cụ thể, các lĩnh vực ưu tiên đã đề ra. Nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh quy trình lồng ghép đánh giá các vấn đề xã hội, môi trường vào các Chiến lược, chương trình, quy hoạch phát triển của tỉnh, ngành.

- Ngành Tài chính: đảm bảo các hoạt động chi hành chính cần thiết cho các tổ chức quản lý nhà nước về PTBV của tỉnh.

- Ngành Tài nguyên - Môi trường: Cụ thể hóa về các chính sách và tăng cường quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường trên địa bàn tỉnh.

- Ngành Thống kê: Phối hợp với các Sở, Ban, ngành, địa phương xây dựng hệ thống tiêu chí PTBV để thu thập, so sánh và đánh giá hằng năm.

- Các huyện, thị xã và các ngành chức năng liên quan, căn cứ vào những hoạt động ưu tiên tiến hành lập các dự án đầu tư cụ thể, chương trình hành động và chỉ đạo thực hiện tốt cho từng giai đoạn.

- Các ngành liên quan phối hợp với các đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng trọng cộng đồng dân cư, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội, các doanh nghiệp, trường học... về sự PTBV. Xây dựng cơ chế khuyến khích nhân dân tham gia vào xây dựng, giám sát và thực hiện chiến lược PTBV.

2. Tăng cường năng lực bộ máy

Phân công trách nhiệm cho các Sở, Ban, ngành liên quan và các cấp chính quyền địa phương theo dõi thực hiện Chiến lược và các hoạt động của ngành trong khuôn khổ Chiến lược.

3. Hoàn thiện thể chế và tăng cường vai trò của nhà nước trong tổ chức thực hiện và PTBV

3.1. Phát triển thể chế

- Lồng ghép vấn đề tài nguyên và môi trường, phát triển v ố n x ã h ộ i trên nền tảng công nghệ, tri thức, chất lượng nguồn nhân lực… vào chiến lược, chương trình, quy hoạch phát triển K T - X H hàng năm và 5 năm. Khuyến khích việc phối hợp lực lượng xây dựng, triển khai thực hiện và nghiên cứu khoa học phục vụ lập kế hoạch PTBV.

- Phân công, phân cấp cho các ngành, huyện, thị trong việc xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện các kế hoạch phát triển; huy động tối đa sự tham gia của cộng đồng dân cư.

- Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hành động môi trường phải gắn kết hữu cơ và áp dụng quy trình bắt buộc về đánh giá môi trường chiến lược đối với các chiến lược, quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển KT - XH ngay từ khi xây dựng và trong suốt quá trình thực hiện, với sự tham gia của các cơ quan chức năng và nhân dân.

- Thành lập Hội đồng chỉ đạo PTBV cấp tỉnh (thay Ban chỉ đạo hiện nay). Mỗi ngành và huyện, thị xã thành lập một Ban Chỉ đạo để tổ chức, hướng dẫn và chỉ đạo xuyên suốt quá trình thực hiện Định hướng chiến lược PTBV.

3.2. Tăng cường năng lực quản lý PTBV

Tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ, tài nguyên và môi trường ở các cấp quản lý là một trong những công tác trọng điểm nhằm thực hiện thắng lợi Định hướng chiến lược PTBV ở Đăk Nông. Công tác này bao gồm:

- Đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ cho các tổ chức và đội ngũ có liên quan đến công tác quản lý công nghệ, tài nguyên và môi trường các cấp.

- Thành lập tổ chức quản lý công nghệ, tài nguyên và môi trường tại các Sở, ngành để thực hiện chức năng quản lý công nghệ, tài nguyên và môi trường của ngành. Tăng cường năng lực cho các cơ quan nghiên cứu KHCN và quan trắc môi trường.

- Tăng cường hệ thống thông tin KHCN và môi trường ngành và địa phương; sử dụng các công cụ kinh tế để thúc đẩy công tác BVMT.

+ Nâng cao ý thức người dân về PTBV để họ tham gia thực hiện và giám sát.

3.3. Sử dụng các công cụ tài chính phục vụ cho PTBV

- Ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển công nghệ và BVMT tập trung chủ yếu từ nguồn đầu tư phát triển để xây dựng cơ bản nhằm tăng cường năng lực hoạt động BVMT, thực hiện những dự án điều tra cơ bản cấp bách về công nghệ và môi trường, các dự án tổng thể quy hoạch về môi trường; một phần từ nguồn sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học để cấp phát cho các hoạt động thường xuyên BVMT, nghiên cứu khoa học, môi trường, thực hiện các chương trình dự án về phát triển công nghệ và cải tạo BVMT; giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức môi trường cho cộng đồng.

- Huy động các doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động BVMT, bảo vệ cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa, hệ sinh thái và ĐDSH xung quanh địa bàn hoạt động; chi trả các khoản phí nước thải, khí thải, phí thu gom và xử lý chất thải rắn...

- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển giao, đổi mới công nghệ nhằm phát triển sản xuất theo chiều sâu, gia tăng hàm lượng công nghệ và tri thức trong sản phẩm.

- Kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào ngành công nghiệp BVMT; gọi vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các dự án BVMT, XĐGN, tạo việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

3.4. Xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá PTBV

- Trên cơ sở bộ chỉ tiêu PTBV do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành, tỉnh sẽ rà soát và xây dựng bộ chỉ tiêu phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và hệ thống chỉ tiêu, định mức đánh giá công nghệ và chất lượng sản phẩm, hàng hóa…; tạo cơ chế đánh giá phù hợp, phục vụ các cơ sở sản xuất kinh doanh và dịch vụ… cho các giai đoạn 2008 - 2010 và giai đoạn 2011 - 2015 trên cả 3 lĩnh vực: PTBV về kinh tế, PTBV về xã hội và PTBV về sử dụng tài nguyên thiên nhiên, BVMT.

- Các ngành, các huyện thị cụ thể hóa xây dựng định hướng chiến lược PTBV của ngành và huyện mình trên cơ sở đó để tổ chức giám sát, đánh giá PTBV.

3.5. Tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cho mọi người dân về PTBV

Tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức về P T B V cho mọi người dân, cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức và cơ quan nhà nước các cấp là một trong những công tác quan trọng hàng đầu. Chú trọng bốn đối tượng sau:

- Những người tham mưu hoạch định chính sách: là những người đóng vai trò quyết định trong việc đề xuất chiến lược, chương trình, kế hoạch và dự án phát triển.

- Những người mà công việc có liên quan đến điều tra, đánh giá, cung cấp thông tin, soạn thảo các phương án và dự án phát triển, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

- Các doanh nhân mà hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của họ có tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến phát triển kinh tế, môi trường sống và lao động việc làm.

- Thế hệ trẻ, lực lượng thanh thiếu niên là chủ nhân của xã hội trong tương lai, họ cần được trang bị sớm những kiến thức sâu, rộng về PTBV.

4. Huy động toàn dân tham gia PTBV

4.1. Chủ trương chung

- PTBV là sự nghiệp của toàn dân. Quá trình hoạch định và thực hiện các chính sách phát triển phải được toàn dân tham gia theo phương thức “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

- Các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các đoàn thể quần chúng, hiệp hội và các tổ chức cộng đồng đóng vai trò rất quan trong việc bảo đảm tính bền vững trong phát triển KT - XH và BVMT. Tiếp tục phát triển các phong trào quần chúng và các hoạt động cộng đồng nhằm tạo thêm việc làm, giúp nhau kinh nghiệm làm ăn, XĐGN, giữ gìn VSMT sống, bảo vệ các nguồn tài nguyên, môi trường tại địa phương và nâng cao ý thức của nhân dân về các vấn đề PTBV.

4.2. Hoạt động của các nhóm xã hội chính nhằm thúc đẩy PTBV

PTBV là sự nghiệp của toàn Đảng và của các cấp chính quyền, các cơ quan ban ngành, các đoàn thể xã hội, các doanh nghiệp, các cộng đồng dân cư và của mọi người dân trong tỉnh. Mỗi một nhóm xã hội đều có tổ chức của mình mà thông qua đó những hoạt động riêng lẻ của từng thành viên được phối hợp lại thành những phong trào rộng rãi. Với Đăk Nông trước mắt cần tập trung vào hoạt động của các nhóm xã hội chính sau đây:

4.2.1. Nông dân:

Hội nông dân là tổ chức chính trị xã hội đại diện cho nông dân, có chân rết đến tận cơ sở là xã, thôn, bon. Phát huy vai trò của nông dân trong trời kỳ đổi mới, góp phần đắc lực vào sự nghiệp PTBV của tỉnh, cần thực hiện tốt những hoạt động sau:

Nâng cao nhận thức, phổ biến KHKT và đào tạo nghề nghiệp để họ chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa ưu tiên cho vùng đặc biệt khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng các xã biên giới, các xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã.

Phát triển mạnh các chương trình cải tạo đồng ruộng, các chương trình VAC, chương trình kinh tế trang trại, kinh tế vườn đồi, chương trình chăn nuôi đại gia súc.

Xây dựng nông thôn mới bền vững giúp nhau cùng phát triển kinh tế và XĐGN, phát huy tinh thần dân chủ, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa xã hội.

Động viên nông dân tham gia tích cực vào BVMT nông nghiệp nông thôn. Sử dụng nước sạch, định canh định cư, giảm phá rừng làm nương rẫy.

Trong cộng đồng đồng bào dân tộc cần phát huy vai trò của già làng, trưởng bon để thu hút đông đảo bà con tham gia xây dựng bon, làng bền vững: mạnh về kinh tế, trong lành môi trường, văn hóa truyền thống tốt đẹp được gìn giữa phát huy.

4.2.2. Phụ nữ:

Thực hiện bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực. Quy họach và thực hiện quy hoạch, đào tạo cán bộ nữ, tạo nguồn cán bộ nữ kế cận đáp ứng yêu cầu mới. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng dân tộc, để họ tự bảo vệ quyền lợi của mình. Phát triển tổ chức hội đến cơ sở xã, thôn, bon và tổ khu phố, phường thị trấn. Để phụ nữ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp PTBV cần thực hiện tốt những vấn đề sau:

Hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, tạo việc làm và XĐGN như mở rộng huy động vốn vay và thành lập quỹ tín dụng do phụ nữ quản để hỗ trợ phụ nữ nghèo, hỗ trợ phụ nữ tự tổ chức và phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm đào tạo nghề cho phụ nữ.

Thực hiện tốt chương trình chăm sóc sức khoẻ sinh sản nói chung, phụ nữ nói riêng, chương trình kế hoạch hóa gia đình, chương trình chống suy dinh dưỡng trẻ em, chương trình bảo vệ sức khoẻ bà mẹ.

Tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia công viêc hoạch định các chính sách, hoạch định kế hoạch phát triển và được bình đẳng giới.

Hướng dẫn phụ nữ thực hiện tốt chương trình “xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”.

4.2.3. Thanh niên:

Xây dựng và thực hiện tốt chiến lược phát triển thanh niên, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên thực hiện vai trò xung kích, tình nguyện, hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển KT - XH đến giữ vững anh ninh trật tự ở những vùng khó khăn, vùng biên giới.

Mở rộng các hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn và thanh niên dân tộc. Tiếp tục củng cố và phát triển các mô hình làng kinh tế thanh niên lập nghiệp ở vùng biên giới. Khuyến khích phát triển phong trào thanh niên lập nghiệp ở những vùng khó khăn.

4.2.4. Các nhà khoa học:

Sơ kết, đánh giá các chương trình KHCN của tỉnh. Xây dựng và triển khai chương trình KHCN phục vụ yêu cầu phát triển KT - XH nông thôn và vùng sâu, vùng xa theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông thôn.

Tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học để phục vụ cho phát triển. Đặc biệt chú ý đến các ứng dụng việc khám chữa bệnh cho nhân dân. Kiểm tra, phân tích và phòng ngừa dịch bệnh cho các loại cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, cao su, tiêu, điều... Hỗ trợ nhập khẩu công nghệ mới, công nghệ mũi nhọn, đồng thời tổ chức tốt việc tiếp thu và làm chủ các công nghệ đó. Từng bước nâng cao tỷ lệ đóng góp của KHCN trong tỷ lệ tăng trưởng GDP.

Phát triển đội ngũ KHCN về chất lượng và số lượng. Mở rộng việc đào tạo cán bộ KHCN có trình độ cao tại các cơ sở trong và ngoài nước.

Tiếp tục nghiên cứu các Đề án, Đề tài khoa học thiết thực, phù hợp với thực tế địa phương. Đẩy mạnh công tác truyền thông, công nghệ thông tin đến tận các xã, thôn, bon, các điểm sinh hoạt cộng đồng.

Đổi mới chính sách sử dụng, đãi ngộ nhân tài khoa học công nghệ hiện có, chính sách thu hút nhân tài đồng thời với biện pháp chăm lo đào tạo nhân lực khoa học công nghệ góp phần giải quyết có hiệu quả việc phát triển KT - XH.

Khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đẩy mạnh áp dụng công nghệ sản xuất sạch và thân thiện với môi trường.

4.2.5. Các nhà doanh nghiệp:

Nâng cao nhận thức của doanh nhân không quá vì lợi nhuận mà bất chấp các tác động xấu gây ra cho môi trường từ các hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Các doanh nghiệp phải có ý thức trong việc sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên đất, rừng, khoáng sản, nước... và tất cả các dự án đầu tư phải có phần đánh giá tác động của môi trường với chất lượng tốt và khả thi.

Đóng góp nguồn lực vào việc quản lý sử dụng tài nguyên thiên nhiên và BVMT, hỗ trợ vào việc PTBV của tỉnh.

5. Hợp tác, liên kết trong PTBV

Chủ động và tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác, liên kết về PTBV; với các mục tiêu:

- Đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong vùng về phát triển và BVMT, nhất là địa bàn giáp ranh sử dụng chung nguồn năng lượng, nguồn nước và các nguồn tài nguyên khác.

- Tăng cường thu hút những hỗ trợ về kỹ thuật công nghệ và tài chính trong vùng và cả nước trong việc XĐGN nhằm hướng tới PTBV.

6. Xây dựng các chương trình, và dự án trọng điểm liên quan đến PTBV

Với tầm nhìn phát triển dài hạn và mục tiêu PTBV, các chương trình mục tiêu dự án đã được xây dựng mang tính chất phát triển tổng thể và thể hiện tính liên ngành, đa vấn đề của PTBV, chú trọng cả về lợi ích KT - XH và luôn coi trọng bền vững về môi trường. Các chương trình mục tiêu sau đây được đề xuất: (kèm theo 13 chương trình)

1) CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP SẠCH:

Nhằm tập trung thu hút đầu tư để gia tăng năng lực sản xuất; cơ cấu lại các ngành, đồng thời mở ra nhiều ngành nghề sản xuất mới theo hướng tăng cường sử dụng công nghệ sạch, vừa BVMT vừa sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng và sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.

2) CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG THÔN:

Nhằm tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Tập trung xây dựng các vùng chuyên canh quy mô lớn để tạo nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Từ đó góp phần nâng cao mức sống người dân nông thôn, giảm dần sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn.

3) CHƯƠNG TRÌNH ĐẨY MẠNH HỢP TÁC ĐẦU TƯ VÀ CHỦ ĐỘNG HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ:

Nhằm tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tận dụng và phát huy tối đa nguồn ngoại lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện

đại hóa của tỉnh đi đôi với chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tỉnh và

thu hút đầu tư vào tỉnh.

4) CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA - THƯƠNG MẠI - DU LỊCH:

Nhằm giữ gìn và phát huy nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển thương mại và du lịch của tỉnh. Kết hợp yếu tố văn hóa và phát triển thương mại - du lịch để tạo sắc thái riêng cho tỉnh Đăk Nông.

5) CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CẤP ĐÔ THỊ:

Nhằm tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng tại các đô thị nhằm đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa. Trong đó mục tiêu trước mắt là sớm đưa thị xã Gia Nghĩa trở thành Thành phố thuộc tỉnh trước năm 2020.

6) CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KT - XH:

Nhằm tập trung đầu tư và hoàn thiện hệ thống hạ tầng KT - XH thiết yếu để phát triển KT - XH của tỉnh nhanh và bền vững.

7) CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC ĐÀO TẠO, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC:

Nhằm tập trung nguồn lực cho công tác giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

8) CHƯƠNG TRÌNH HỢP TÁC, QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC BỀN VỮNG NGUỒN TÀI NGUYÊN:

Nhằm tăng cường sự quản lý nhằm bảo quản và khai thác hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên đi đôi với bảo vệ môi trường. Nghiên cứu xây dựng các khu vực bảo tồn thiên nhiên và giữ gìn ĐDSH của tỉnh.

9) CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KHCN:

Nhằm nghiên cứu cung cấp luận cứ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quản lý xã hội và PTBV. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong tỉnh, tăng cường nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sinh học, nhằm từng bước xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của tỉnh.

10) CHƯƠNG TRÌNH XỬ LÝ CHẤT THẢI VÀ BVMT:

Nhằm tăng cường công tác thu gom và xử lý triệt để các loại rác thải, chất thải công nghiệp, sinh hoạt và y tế nhằm ngăn chặn, phòng ngừa và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và suy thoái môi trường. Từng bước phục hồi và nâng cao chất lượng môi trường, tạo vẻ mỹ quan cho các đô thị và bảo vệ sức khỏe người dân.

11) CHƯƠNG TRÌNH XĐGN GẮN VỚI CÔNG BẰNG XÃ HỘI VÀ BÌNH ĐẲNG GIỚI:

Nhằm tiếp tục thực hiện các hoạt động, mô hình XĐGN hiệu quả và bền vững. Tiếp tục nâng cao vị thế của người phụ nữ trong các hoạt động xã hội. Thực hiện giảm nghèo vững chắc gắn với công bằng xã hội và bình đẳng giới.

12) CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN CÁC DỊCH VỤ Y TẾ:

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động về y tế giảm tỉ lệ mắc các bệnh, tật và tử vong, nâng cao sức khoẻ, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực, hình thành hệ thống chăm sóc sức khoẻ đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và thói quen giữ gìn sức khoẻ của nhân dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

13) CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN:

Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Từng bước tin học hóa, hiện đại hóa công sở.

II. NGUỒN LỰC THỰC HIỆN

Căn cứ theo Thông tư 01/2005/TT-BKH ngày 09/3/2005 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (CTNS 21 của Việt Nam), tỉnh xác định:

- Kinh phí xây dựng và thực hiện CTNS21 của địa phương do địa phương huy động từ mọi nguồn lực. Trong đó tỉnh tăng cường vận động sự hỗ trợ giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, huy động từ các nguồn của các doanh nghiệp, sự đóng góp của các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư.

- Trong giai đoạn xây dựng CTNS 21, đề nghị được sử dụng nguồn vốn điều tra cơ bản, vốn quy hoạch, vốn chuẩn bị đầu tư do ngân sách nhà nước cấp để thực hiện những nội dung có liên quan.

- Trong giai đoạn thực hiện CTNS 21, đề nghị được huy động các nguồn vốn để thực hiện các dự án được phê duyệt theo đúng các quy định hiện hành.

III. GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ

Tỉnh xác định quá trình triển khai Chương trình PTBV là thường xuyên liên tục. Tuy nhiên trong từng giai đoạn đều đặt ra mục tiêu, kế hoạch, cách thức thực hiện. Để đảm bảo xác định được Chương trình đang được triển khai có thành công hay đang gặp nhiều khó khăn, việc giám sát và đánh giá dựa trên kết quả thực hiện kế hoạch để rút ra các bài học từ thực hiện PTBV và có những điều chỉnh thích hợp là hết sức cần thiết.

Quản lý dựa trên kết quả sẽ được áp dụng để đảm bảo hiệu quả và hiệu suất hoạt động của các tổ chức tham gia vào quá trình thực hiện Chương trình PTBV từ cấp ra quyết định tại Chính quyền tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước, các bên liên quan, các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực thực hiện định hướng PTBV.

Việc thiết kế, xây dựng và vận hành hệ thống GS&ĐG dựa trên kết quả cơ bản bao gồm: đánh giá mức độ sẵn sàng của tỉnh/tổ chức thực hiện quản lý theo kết quả; thống nhất về các kết quả cần GS&ĐG; lựa chọn các chỉ số then chốt để theo dõi kết quả; thu thập các dữ liệu tình trạng ban đầu; thiết lập các chỉ tiêu phản ánh kết quả; theo dõi kết quả, tiến hành đánh giá; báo cáo các phát hiện; sử dụng các phát hiện; và duy trì hệ thống theo dõi và đánh giá trong tổ chức.

Sở KH&ĐT tỉnh sẽ nghiên cứu, đề xuất kế hoạch xây dựng và vận hành hệ thống GS&ĐG dựa trên kết quả áp dụng cho thực hiện Chương trình PTBV của tỉnh.

Các báo cáo GS&ĐG sẽ được Ban chỉ đạo xem xét, làm cơ sở hướng dẫn, điều chỉnh, ra quyết định thích hợp trong quá trình tổ chức thực hiện.

 

PHỤ LỤC 1:

DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH
(Ban hành kèm theo quyết định 161/2006/QĐ-TTg ngày 10/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ)

1. Các chương trình, dự án về công nghiệp:

- Khai thác bô - xit (huyện Đăk R’Lấp)

- Thuỷ điện Tau Srah (huyện Krông Nô)

- Thuỷ điện Đăk R’Tih (huyện Đăk R’Lấp)

- Thuỷ điện Đức Xuyên (huyện Krông Nô)

- Thu hút các dự án công nghiệp vào cụm công nghiệp Tâm Thắng

- Thu hút các dự án công nghiệp vào cụm công nghiệp Nhân Cơ

- Thu hút các dự án công nghiệp vào cụm công nghiệp Đăk Ha - Đăk Nia

- Thu hút các dự án công nghiệp vào các cụm công nghiệp huyện

2. Các Chương trình, dự án ngành nông, lâm nghiệp

- Dự án vùng lúa cao sản (huyện Krông Nô)

- Dự án vùng cà phê tập trung (huyện Đăk Mil, Đăk R’Lấp)

- Dự án vùng trồng cao su tập trung (huyện Đăk R’Lấp). Phát triển cao su tiểu điền.

- Dự án trồng điều nguyên liệu (huyện Đăk Mil, Đăk R’Lấp)

- Dự án nuôi bò tập trung (huyện Đăk Glong, Đăk R’Lấp)

- Trồng rừng nguyên liệu (các huyện)

3. Các chương trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng.

3.1. Các chương trình, dự án xây dựng:

- Xây dựng các khu hành chính tỉnh, thị xã Gia Nghĩa, thị xã Kiến Đức và các huyện mới chia tách, thành lập mới.

- Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư đô thị Đông Bắc, thị xã Gia Nghĩa

- Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư đô thị Sùng Đức, thị xã Gia Nghĩa

- Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Tâm Thắng, Nhân Cơ, Đăk Ha (huyện Cư Jú, Đăk R’Lấp)

3.2. Các chương trình, dự án thuỷ lợi:

- Xây dựng hồ trung tâm đô thị Gia Nghĩa (thị xã Gia Nghĩa)

- Xây dựng hồ thuỷ lợi Đăk Rồ (Krông Nô)

- Công trình thuỷ lợi Đăk Dier (huyện Cư Jút)

3.3. Các chương trình, dự án giao thông:

- Nâng cấp quốc lộ 28 (giai đoạn II - đoạn qua tỉnh)

- Đường Hồ Chí Minh (giai đoạn II - đoạn qua tỉnh)

- Cải tạo, nâng cấp các trục đường đô thị Gia Nghĩa (thị xã Gia Nghĩa)

- Cải tạo nâng cấp tỉnh lộ 4

- Đường nối quốc lộ 28 với tỉnh lộ 4

- Đường đến cửa khẩu Bu P’răng, Đăk Per, đường biên giới

- Đường giao thông nông thôn.

- Xây dựng tuyến đường sắt Đăk Nông - Chơn Thành - Dĩ An - Thị Vải

3.4. Các Chương trình, dự án Thương mại - Dịch vụ - Du lịch

- Xây dựng Trung tâm thương mại Tỉnh (thị xã Gia Nghĩa)

- Xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Đăk Per (huyện Đăk Mil)

- Xây dựng chợ cửa khẩu biên giới Bu P’răng (huyện Tuy Đức)

- Khu du lịch sinh thái Đăk N’Tao (huyện Đăk Song)

- Làng văn hoá đồng bào M’Nông (huyện Đăk Song)

- Khu du lịch văn hoá sinh thái Liêng Nung

- Khu du lịch sinh thái cụm thác Gấu - thác Gầm - cao nguyên Rbout.

- Khu du lịch sinh thái cụm thác Đray Sáp - Gia Long - Trinh Nữ (huyện Cư Jút, Krông Nô)

- Khu du lịch hồ Ea SNô ( Krông Nô)

- Khu du lịch suối khoáng nước nóng (huyện Đăk Song)

- Khu du lịch sinh thái thác Đăk G’Lung (huyện Tuy Đức) Khu du lịch Hồ Tây (huyện Đăk Mil)

3.5. Các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực xã hội.

- Phát triển hạ tầng nông thôn, giảm nghèo và tạo việc làm.

- Chương trình phát triển y tế, chăm sóc sức khoẻ.

- Chương trình cấp thoát nước, VSMT.

- Các công trình công cộng.

 

PHỤ LỤC 2:

ẢNH HƯỞNG CỦA KHAI THÁC CHẾ BIẾN QUẶNG BÔ-XÍT (BAUXITE) ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG

Công nghiệp khai thác và chế biến quặng bô xít chia làm ba giai đoạn - thăm dò và khai khoáng, luyện alumina, và tinh luyện - mỗi giai đoạn có thể có rất nhiều tác động và có thể ảnh hưởng xấu đến môi trường. Tóm tắt quá trình công nghệ như sau:

- Quặng bô-xít là nguyên liệu để luyện alunima. Công nghệ luyện quặng bô-xít thành alumina phụ thuộc vào thành phần và tính chất của quặng. Tuy nhiên, công nghệ Bayer là công nghệ chủ yếu cho luyện nhôm (có thể thay đổi chút cho phù hợp).

- Về cơ bản, quá trình công nghệ Bayer được thực hiện như sau: trước hết, quặng bauxite được sấy khô và nghiền đập rồi được nạp vào thùng chứa lớn chứa xút ăn da ở áp suất cao. Xút sẽ hòa tách ô-xít nhôm. Các tạp chất như ô-xít sắt, đất đá tạp và silica không hòa tan và bị lọc bỏ ở dạng chất rắn. Sau đó sodium aluminate ở dạng lỏng kết tủa thành tinh thể alumina và tạo ra các ‘hạt giống’ để dung dịch tiếp tục kết tủa vào để tạo ra tinh thể alumina. Alumina tinh thể sau đó được nung sấy trong thiết bị lò quay dài ở nhiệt độ cao. Kết quả là alumina được nung kết tạo thành dạng bột trắng để làm nguyên liệu cho khâu hoàn nguyên nhôm. Trung bình khoảng 2.25 tấn bô-xít sẽ tạo được 1 tấn bột.

- Cuối cùng nhôm được hoàn nguyên từ ô-xít nhôm trong quá trình công nghệ Hall-Heroult. Quá trình này diễn ra trong các bể hoàn nguyên có các ngăn carbon và tiêu thụ rất nhiều năng lượng. Trước hết, alumina được hòa tan trong muối cryolite nóng chảy. Aluminum fluoride (cryolite - Al2F3 ) được nạp vào liên tục như chất phụ gia để duy trì tỷ trọng, tính dẫn nhiệt và độ nhớt. Sau đó, cực dương (anode) được hạ thấp xuống nhúng vào dung dịch để tạo ra dòng điện liên tục chạy qua dung dịch và thành carbon của bể hoàn nguyên đóng vai trò như cực âm (cathode). Dòng điện làm cho alumina lỏng bị khử thành nhôm kim loại và ô-xy. Do nhôm kim loại nặng hơn cho nên nó sẽ kết lắng dần xuống đáy bể (cathode), còn ô-xy thì dịch chuyển đến than cực dương, gây phản ứng và tạo thành CO2. Nhôm kim loại lỏng sau đó được hút ra lò nấu và chuyển sang lò nung chảy để đúc thỏi.

Các ảnh hưởng có thể có của các quá trình này có thể chia ra thành dạng ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường vật lý và tự nhiên, và ảnh hưởng do bản chất kinh tế xã hội. Tóm tắt ở phần sau đây.

Khai thác quặng

Quá trình khai thác quặng làm ảnh hưởng chủ yếu đến môi trường ở khu vực khai thác, nhưng nhìn chung, những ảnh hưởng đó là do chặt phá rừng trong quá trình thăm dò, khảo sát, khai thác và chế biến bô-xít. Hậu quả thường thấy là do việc thải chất thải bừa bãi và việc quản lý đất đá đuôi quặng không tốt. Quá trình này làm tổn hại đến động thực vật nơi khai thác và làm cho công tác khôi phục cảnh quan sau khai thác (trồng rừng, canh tác nông nghiệp, hay chăn nuôi) trở nên rất khó khăn.

Việc khai mỏ cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước và không khí ở địa phương. Ví dụ, do việc bóc dỡ lớp đất bề mặt để lấy quặng, nước mặt bị ô nhiễm, nhiễm a-xít và đục. Quanh khu vực khai mỏ, sự xói mòn đất xảy ra dữ dội hơn nếu đất không được che phủ và trồng cây. Việc chặt phá rừng để khai thác bô-xít làm suy thoái hệ động thực vật và phá huỷ sinh cảnh của động thực vật hoang dã, có thể làm lây lan các bệnh dịch của thực vật, đẩy mạnh quá trình xói mòn đất, thay đổi điều kiện thời tiết, bụi, và có thể cần phải xử lý nước mặt. Trong các mỏ khai lộ thiên, khu vực đó rừng bị phá huỷ làm thay đổi cảnh quan và gây ra cảm giác mất mỹ quan, ảnh hưởng đến ngành dịch vụ du lịch.

Ngoài ra, bụi gỉ và tiếng ồn từ các thiết bị máy móc hạng nặng và thuốc nổ có thể phá vỡ môi trường sống của dân cư xung quanh và làm nguy hại đến sức khoẻ của công nhân và dân cư.

Những ảnh hưởng tiêu cực về mặt kinh tế phụ thuộc nhiều vào khoảng cách giữa các mỏ và cộng đồng dân cư. Những ảnh hưởng có thể là: làm mai một văn hoá truyền thống, thay đổi phong cách sống, và xáo trộn các nhóm dân tộc; thay đổi lớn lao về các loại cây nông nghiệp và mùa vụ, kỹ thuật và trao đổi mua bán do thay đổi về thời tiết và thổ nhưỡng. Hơn nữa, do hạ tầng cơ sở yếu kém, không có cơ hội việc làm khác, thiếu các phương tiện nhà ở, giáo dục và giải trí cho công nhân.

Chế biến quặng

Trong quá trình chế biến quặng để được alumina, ảnh hưởng đến môi trường chủ yếu phụ thuộc vào thành phần và chất lượng quặng và công nghệ sử dụng để tinh chế bô-xít. Những nguy hiểm chủ yếu phát sinh từ việc thải loạ hay lưu giữ bùn quặng bô-xít (bùn đỏ). Đây chính là nguồn thải kiềm tính chủ yếu từ nhà máy luyện alumina. Bã quặng này có thể được khử nước hoặc không. Nó được thải ra đất trống xung quanh hay được đổ vào bãi thải tự nhiên hay được xây dựng (kín hay hở). Pha rắn và lỏng trong bùn thải có thể gây ra các ảnh hưởng sau:

- Nước rỉ chứa kiềm ngấm vào nước ngầm, làm ô nhiễm nguồn nước cấp cho công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt;

- Chất thải chảy tràn từ các ống vỡ/hỏng hay do các đê bao bị hỏng;

- Làm giảm diện tích đất canh tác;

- Ô nhiễm bụi; và

- Làm xấu cảnh quan.

Các chất ô nhiễm khí (bụi và các hoá chất độc hại) là loại nguy hiểm khác phát sinh từ việc lưu chứa, nghiền đập, và nung thiêu quặng. Các chất làm ô nhiễm không khí bao gồm bauxite, vôi, và bụi alumina, SO2, NO2, bụi từ quặng bauxite phẩm hạng thấp, và bụi V2O5. Nồng độ ô nhiễm SO2 phụ thuộc vào nồng độ lưu huỳnh trong nhiên liệu đốt, công nghệ đốt, và phương thức cung cấp năng lượng cho nhà máy. Nếu khí thải không được thu hoặc thu không trọn vẹn, nhất là đối với SO2 , có thể làm ô nhiễm môi trường làm việc trong nhà máy và xung quanh, và khi gặp nước sẽ có phản ứng và gây mưa a-xít.

Sự chảy tràn có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào của quá trình luyện alumina. Chất thải chứa a xít, nếu không được xử lý, có thể gây hại cho động thực vật, và cả cho con người. Môi trường làm việc có thể trở lên vô cùng độc hại ở nơi chứa và xử lý hoá chất ăn mòn ví dụ xút ăn da hay các loại a xít, hoặc ở những nơi gần lò thì có khói, bụi và một số hoá chất độc hại khác.

Tinh luyện nhôm

Trong quá trình tinh luyện nhôm, các vấn đề về môi trường chủ yếu là ô nhiễm không khí do chất fluoride thải ra từ quá trình nung chảy. Nó có thể gây ra ảnh hưởng rất xấu với sức khỏe công nhân trong nhà máy. Nếu công nhân hít quá nhiều fluoride, có thể gây bệnh răng và làm thay đổi tổ chức của xương. Động thực vật xung quanh nhà máy cũng bị ảnh hưởng. Do chất cryolite nóng chảy được sử dụng trong điện phân alumina, khói bụi thoát ra từ bể điện phân có chứa fluoride dạng khí và bụi.

Khí fluoride cũng có thể thoát ra từ khí thải trong lò thiêu kết anode nếu không được che kín. Khí fluoride cũng có thể được phát sinh trong lò ở công đoạn đúc thỏi. Một số loại bể điện phân có thể phát sinh ra khói thải chứa nhựa đường (có chứa chất có thể gây ung thư) và SO2 (khi dầu cốc và sulfur được dùng để chế tạo anode); SO2 cũng được phát sinh trong công đoạn thiêu kết anode và lò ở công đoạn đúc thỏi, đặc biệt trong các nhà máy sử dụng nhiệt điện. Trong hai công đoạn cuối, NOx cũng được phát thải. Bụi cũng được sinh ra trong nhiều công đoạn tinh luyện.

Các vấn đề khác là gây ô nhiễm nước, chất thải rắn, tiếng ồn, và nhiệt. Các chất gây ô nhiễm nước càng nhiều nếu hệ thống lọc bụi nước được sử dụng để lọc bụi từ các bể điện phân. Nước chứa fluoride và các hạ bui lơ lửng (như alumina và than) cần được xử lý trước khi thải. Chất thải rắn chủ yếu ở đây là vật liệu thành bể điện phân, vì các vật liệu vỏ của bể điện phân phải được thay thế trong vòng 4 - 5 năm. Vật liệu vỏ thành bể điện phân có thể hoà tách fluoride và cyanide vào nước mặt hay nước ngầm nếu được thải ở ngoài trời hay ở các lò khai thác quặng cũ. Lò nung của công đoạn đúc thỏi cũng có thể thải ra chất thải rắn sau tạo thành dạng bụi hoặc khí có thể chuyển thành ammonia khi gặp nước. Tiếng ồn và phản xạ trong các giai đoạn nóng chảy và nhiệt lượng từ khu vực điện phân là rất lớn và khó kiểm soát. Những chất thải này có thể ảnh hưởng đến sưc s khoẻ công nhân và cộng đồng địa phương.

Một vấn đề gián tiếp gây hại cho môi trường là do công nghiệp tinh luyện nhôm tiêu thụ lượng điện năng khổng lồ. Do đó những nhà máy nhôm phải đặt ở gần nguồn năng lượng rẻ, chủ yếu là từ các nhà máy thuỷ điện. Việc xây dựng và vận hành các nhà máy thuỷ điện cũng có thể gây ô nhiễm môi trường. Những khu vực rộng lớn sẽ bị giải toả, và rất nhiều người dân phải di chuyển để nhường chỗ cho hồ chứa và nhà máy thuỷ điện, làm thay đổi hệ sinh thái cả một vùng. Việc này có thể gây ảnh hưởng xấu đến hệ động thực vật, thậm chí ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân trong khu vực.

 

PHỤ LỤC 3:

KẾ HOẠCH BVMT TRONG KHAI THÁC BÔXIT VÀ LUYỆN KIM

1. Các vấn đề chủ yếu

Đăk Nông có tài nguyên khoáng sản rất phong phú với trữ lượng lớn, bao gồm các loại đá, sét, thạch anh, bôxit, cát sông hồ trong đó đáng chú ý là quặng mỏ boxit với trữ lượng khai thác khoảng 5,4 tỷ tấn.

Hoạt động khai thác boxit sẽ gây ra các vấn đề môi trường như sau:

- Ảnh hưởng đến môi trường xã hội trong khu vực (vấn đề di dời, tái định cư nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trong khu vực vùng mỏ).

- Phá vỡ cảnh quan, mất diện tích rừng khá lớn, chủ yếu là rừng già.

- Ảnh hưởng và suy thoái môi trường đất, xói mòn đất.

- Ô nhiễm không khí do bụi sinh ra trong quá trình khai thác boxit với công suất rất lớn 6,6 triệu tấn/năm.giai đoạn 2007 - 2015.

- Sự phát thải một lượng nước khá lớn chứa bùn cặn hữu cơ từ quá trình tinh quặng, có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước mặt khu vực xung quanh: Suối Đăk Nông, Hồ trung tâm, suối Đăk RLấp, suối Đăk Bul So, suối Đăk Rung,…

Bên cạnh các vấn đề môi trường trên, trong giai đoạn 2007-2015, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông sẽ xây dựng các nhà máy chế biến boxit vùng Đăk Nông (cũ) (do tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam chủ trì đầu tư), cũng là nguyên nhân dẫn đến suy thoái chất lượng môi trường: khí thải (bụi SO2, và đặc biệt là khí flo) và nước thải (dầu, SO4, Zn, Cu, Flo, bùn đỏ). Do đó, cần phải có kế hoạch BVMT đối với các nhà máy này, hạn chế đến mức thấp nhất các ảnh hưởng đến môi trường.

Trước hàng loạt vấn đề môi trường và thực tế công tác quản lý, pháp lý, ý thức cộng đồng về BVMT và yêu cầu PTBV nguồn tài nguyên hữu hạn, xây dựng hoàn chỉnh một chương trình quản lý môi trường áp dụng trong khai khoáng là nhu cầu cần thiết và cấp bách. Điều này cũng tạo một hành lang pháp lý về quản lý và quy hoạch phù hợp cho các hoạt động khai thác quặng mỏ kim loại và khoáng chất trong giai đoạn tới.

2. Mục tiêu kế hoạch tổng thể và biện pháp thực hiện

a) Mục tiêu kế hoạch:

* Mục tiêu tổng quát:

- Khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên bôxít của tỉnh.

- Hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường tự nhiên và xã hội do quá trình khai thác boxit và hoạt động chế biến nhôm từ quặng boxit.

* Mục tiêu cụ thể:

- Giảm 20 - 30% tải lượng chất thải (khí thải, nước thải, CTR..) ra môi trường trong quá trình khai thác boxit.

- Phục hồi 50% cảnh quan môi trường tại các khu vực khai thác quặng boxit.

- Hạn chế và sử lý kịp thời các sự cố môi trường.

- Hạn chế các tác động xã hội trong và sau khai thác. b) Biện pháp thực hiện:

+ Tăng cường năng lực trong khai thác, chế biến khoáng sản nói chung và khai thác boxit nói riêng.

+ Nước thải:

- Cải tiến quy trình công nghệ tinh sa lắng quặng nhằm giảm thiểu lượng thải.

- Lựa chọn công nghệ chế biến nhôm tối ưu cho môi trường.

- Kiểm soát xả thải và quản lý chất lượng môi trường nước trong khu vực.

+ Không khí

- Cải tiến quy trình công nghệ khai thác, giảm thiểu lượng bụi phát tán trong không khí.

- Xử lý khí thải trong chế biến nhôm, chú ý đến lưu huỳnh dioxit, flo.

- Quản lý chất lượng môi trường không khí trong khu vực khai thác và chế biến nhôm thông qua các chương trình quan trắc.

- Chất thải rắn của quá trình khai thác và chế biến nhôm cần được thu hồi, tận thu và xử lý.

+ Áp dụng các biện pháp giảm thiểu các tác động xã hội.

+ Cải tạo, khôi phục môi trường trong và sau khai thác. c) Nội dung thực hiện:

Để thực hiện các mục tiêu đề ra như trên, các cơ quan, ban ngành có liên quan của tỉnh và địa phương phải tiến hành triển khai, thực hiện và kiểm tra hàng loạt các biện pháp cả về mặt pháp lý lẫn các biện pháp về mặt kỹ thuật. Cụ thể các biện pháp này như sau:

- Tăng cường năng lực quản lý trong khai thác, chế biến khoảng sản nói chung và boxit nói riêng.

- Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý:

Rà soát lại những quyết định giao quyền khai thác mỏ, sử dụng đất để loại bỏ những điều khoản cũ không phù hợp với Luật BVMT 2005.

Xem xét, lấy ý kiến các ngành chức năng bổ sung những quy định ràng buộc về kinh tế, và những biện pháp BVMT trong quá trình khai thác. Thực hiện thu phí BVMT đối với khai thác khoảng sản.

Khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoảng sản theo quy định của Luật khoáng sản.

- Các biện pháp quản lý:

Nghiên cứu, tính toán, xác định trữ lượng và quy định khối lượng khai thác hợp lý, xác định thời gian khai thác, sử dụng của các mỏ khoáng sản và phạm vi khai thác quặng bôxít: Gia Nghĩa, Đắk Song, Đắk Mil, Đắk Rlấp,… từ đó lập quy hoạch khai thác cụ thể.

Tổ chức trình tự khai thác mỏ một cách hợp lý, tránh tình trạng mỏ dễ thì làm trước, mỏ khó thì bỏ lại, làm ảnh hưởng đến việc theo dõi, đánh giá và quy hoạch khai thác khoáng sản. Nghiêm cấm tình trạng khai thác một một cách tự phát, bữa bãi.

Các cơ quan quan lý nhà nước ở địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

- Nước thải.

Cải tiến quy trình công nghệ tinh quặng, đổi mới và áp dụng công nghệ tiến tiến trong khai thác, sàng tuyển quặng nhằm tận thu tối đa khoáng sản trong nước thải, giảm thiểu nước thải, giảm khối lượng chất thải tích luỹ trong nước.

Lựa chọn công nghệ chế biến nhôm tối ưu cho môi trường, sử dụng tuần hoàn nước và thu hồi triệt để nhôm, có xem xét đến các thành phần kim loại khác trong khoáng sản.

Kiểm soát xả thải và quản lý chất lượng môi trường nước trong khu vực khai thác tinh quặng và chế biến nhôm.

Nước mưa chảy tràn: Thu gom bằng hệ thống kênh bao quanh, dẫn qua hồ lắng đê xử lý sơ bộ sau đó thải vào các dòng suối trong khu vực.

Nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất (chủ yếu là từ công đoạn tuyển quặng trong khai thác boxit): xử lý bằng phương pháp phù hợp đảm bảo độ pH, độ cứng, độ kiềm, dầu mỡ trước khi thải ra môi trường.

Tiến hành nạo vét định kỳ hồ lắng, các kênh mương, suối dùng để thoát nước thải từ mỏ.

Bùn thải hữu cơ thu hồi từ các hồ lắng: có thể tận dụng lại phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

- Khí thải:

Cải tiến quy trình công nghệ, áp dụng các biện pháp giảm thiểu lượng bụi và tiếng ồn trong khai thác và vận chuyển quặng.

Trong hoạt động khai thác boxit mọi công đoạn của quy trình công nghệ đèu sản sinh ra bụi, tiếng ồn, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí tại vực khai thác và có thể ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Thường xuyên kiểm tra bảo trì thiết bị máy móc đảm bảo làm việc tốt.

Bủ bạt các xe vận chuyển sản phẩm.

Khống chế mật độ xe và vận tốc xe lưu thông trong và xung quanh khu mỏ.

Bê tông hoá các tuyến đường vận chuyển.

Tiến hành phun nước dọc trên các tuyến đường.

Trồng cây xanh nội vi khu vực mỏ…

Đầu tư lắp đặt hệ thống xử lý khí thải trong các nhà máy chế biến nhôm.

- Chất thải rắn của quá trình khai thác và chế biến nhôm cần được thu hồi, tận dụng và xử lý.

Thu hồi, tái sử dụng chất hữu ích từ phế thải của các bãi thải quặng, tránh lãng phí tài nguyên đồng thời làm sạch môi trường.

Đối với thành phần bùn đỏ có thể áp dụng các biện pháp như: Tách lỏng, thu hồi bùn đặc, đóng rắn…

- Thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động xã hội và an toàn lao động:

Thực hịên phương án di dân, đền bù một cách hợp tình, hợp lý và phù hợp với quy định hịên hành của Chính phủ, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ưu tiên tuyển dụng công nhân người địa phương vào làm việc tại các cơ sở khai thác chế biến.

Quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp cho khu định cư mới.

Đóng góp quỹ phúc lợi góp phần hỗ trợ các hoạt động của địa phương (đường, giao thông, nhà tình nghĩa, trạm xá, trường học…)

Thảo luận và thống nhất với địa phương trong việc hình thành các cụm dân cư mới là gia đình công nhân mỏ và tạo cơ hội để họ có điều kiện hoà nhập với cộng đồng dân cư địa phương về nếp sống, văn hoá, tập trung..

Thực hiện an toàn lao động trong khai thác và chế biến.

Cải tạo, khôi phục môi trường trong và sau khi khai thác.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 38/2008/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu38/2008/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành22/12/2008
Ngày hiệu lực01/01/2009
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật17 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 38/2008/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 38/2008/QĐ-UBND Định hướng chiến lược phát triển bền vững


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 38/2008/QĐ-UBND Định hướng chiến lược phát triển bền vững
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu38/2008/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Đắk Nông
                Người kýĐặng Đức Yến
                Ngày ban hành22/12/2008
                Ngày hiệu lực01/01/2009
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcTài nguyên - Môi trường
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật17 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Quyết định 38/2008/QĐ-UBND Định hướng chiến lược phát triển bền vững

                  Lịch sử hiệu lực Quyết định 38/2008/QĐ-UBND Định hướng chiến lược phát triển bền vững

                  • 22/12/2008

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 01/01/2009

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực