Quyết định 38/2008/QĐ-UBND

Quyết định 38/2008/QĐ-UBND Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 do tỉnh Quảng Trị ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 38/2008/QĐ-UBND thực hiện phòng chống giảm nhẹ thiên tai Quảng Trị


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/2008/QĐ-UBND

Đông Hà, ngày 28 tháng 11 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG CHỐNG VÀ GIẢM NHẸ THIÊN TAI ĐẾN NĂM 2020 CỦA TỈNH QUẢNG TRỊ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 08 tháng 3 năm 1993 và Pháp lệnh Bổ sung sửa đổi một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão được Ủy Ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 24 tháng 8 năm 2000;

Căn cứ Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược Quốc gia Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020;

Xét đề nghị của Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh tại Tờ trình số 601/TTr-PCLB ngày 03/11/2008 về việc Đề nghị ban hành Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 của tỉnh Quảng Trị;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng UBND tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 của tỉnh Quảng Trị.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan đơn vị, Chủ tịch UBND và Trưởng ban Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các huyện, thị xã và các thành viên Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lê Hữu Phúc

 

CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG CHỐNG VÀ GIẢM NHẸ THIÊN TAI CỦA TỈNH QUẢNG TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 38/2008/QĐ-UBND ngày 28/11/2008 của UBND tỉnh Quảng Trị)

I. BỐI CẢNH XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

1. Một số đặc điểm cơ bản của tỉnh Quảng Trị

a. Vị trí địa lý, dân số, địa hình.

Quảng Trị là một tỉnh duyên hải miền Trung, là nơi chuyển tiếp giữa hai miền Bắc- Nam. Ở phía Bắc, Quảng Trị giáp tỉnh Quảng Bình, phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên- Huế, phía Tây giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với đường biên giới khoảng 206km; phía Đông là biển với chiều dài là 75km.

Dân số toàn tỉnh là 632.840 người, phân bố ở 10 huyện, thị xã (Gồm 140 xã, phường, thị trấn) với mật độ dân số là 133 người/km2. Tổng diện tích của tỉnh là 474.577ha (81% là diện tích đồi núi; 11,5% là đồng bằng; 7,5% là bãi cát và cồn cát ven biển).

Diện tích Quảng Trị tuy không lớn nhưng địa hình lãnh thổ rất đa dạng, dốc từ Tây sang Đông tạo thành 4 vùng địa lý tự nhiên: Biển, đồng bằng, trung du và miền núi. Núi ở Quảng Trị có độ cao từ 250m- 2.000m xen kẽ với các dải đồi cao thấp khác nhau, ăn sâu vào lãnh thổ Việt Nam tạo ra Tây và Đông Trường Sơn. Phía Tây dựa vào sườn phía Đông dãy Trường Sơn có cao độ từ 700 đến 2.000m, kế tiếp là vùng trung du, vùng đồi bát úp cao 250m đến 400m. Phía Đông giáp biển Đông là dải cồn cát chạy dài suốt 75km bờ biển, độ cao trung bình từ 8 đến 20m, rộng khoảng 5 đến 6km. Nằm kẹp giữa vùng núi cao và vùng cồn cát ven biển là dải đồng bằng nhỏ hẹp, rộng khoảng 10km, cao độ từ -0,5 đến +8m tạo thành thế lòng chảo, diện tích chiếm trên 10% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; đây là nơi tập trung dân chiếm trên 85% dân số toàn tỉnh

b. Khí hậu, thủy văn:

Điều kiện khí hậu ở Quảng Trị khá khắc nghiệt, chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam khô nóng, thường có bão và mưa lớn, biến động khí hậu mạnh. Lượng bức xạ cao: 70- 80kcalo/cm2/năm. Số giờ nắng trung bình là 1.700- 1.800giờ/năm. Nhiệt độ trung bình 25,50C, nhiệt độ cao nhất là 42,10C (24/4/1980), thấp nhất là 9,40C (02/3/1986). Độ ẩm trung bình 84%. Lượng bốc hơi trung bình là 1.290mm. Lượng mưa trung bình nhiều năm của tỉnh khoảng 2.500mm, khu vực miền núi và phía Nam của tỉnh có lượng mưa lớn hơn khoảng 2.600- 2.700mm/năm, phía Bắc tỉnh lượng mưa ít hơn khoảng 2.300- 2.400mm/năm, lượng mưa năm lớn nhất là năm 1980: 3.458mm.

Đặc trưng khí hậu ở Quảng Trị là gió Tây Nam khô nóng và mưa bão lớn. Hàng năm tỉnh chịu từ 40- 60 ngày khô nóng và nhiều cơn bão, kèm theo mưa lớn.

Về điều kiện thủy văn: Ở tỉnh 03 hệ thống sông chính: Sông Thạch Hãn (Flv: 2.800km2), sông Bến Hải (Flv: 841km2, sông Ô Lâu (Flv: 931km2 đổ ra biển qua các cửa sông là Cửa Tùng, Cửa Việt và cửa Lác đổ ra phá Tam Giang. Hệ thống sông suối của tỉnh ngắn, dốc, lòng sông hẹp, đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn chảy len lỏi qua vùng núi cao và đồi bát úp về đồng bằng và đổ ra biển với mật độ sông suối khá cao (1,09km/km2) làm cho địa hình tỉnh bị chia cắt mạnh, thảm phủ thực vật vùng đầu nguồn bị tàn phá nặng nề. Chính đặc điểm này là nguyên nhân gây ra những thay đổi phức tạp của dòng chảy, mùa kiệt hầu hết các khe suối ở đầu nguồn bị khô cạn, triều xâm nhập sâu vào đất liền từ 20 đến 25km; về mùa mưa dòng chảy lũ tập trung nước gần 90% diện tích lưu vực dồn về vùng đồng bằng nhỏ hẹp.

Các đặc điểm trên quyết định tới cường suất lũ trên các lưu vực sông; thời gian truyền lũ và gây ngập lụt ở đồng bằng nhanh, thời gian lũ kéo dài; hình thái lũ quét thường xảy ra vùng núi vùng gò đồi.

2. Tổng quan tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Quảng Trị là một trong các tỉnh chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại thiên tai thường xảy ra ở Việt Nam nhưng với tần suất cao hơn và mức độ ác liệt hơn như bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), lũ lụt, lũ quét, hạn hán, lốc tố, dông sét, sạt lở đất, sụt lún đất, úng hạn, xâm nhập mặn, triều cường... trong đó nhiều nhất là bão, lũ lụt, lốc xoáy và sạt lở đất khí hậu chia làm hai mùa rõ rệt, mùa khô từ tháng 3 đến tháng 8, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau. Bão lụt thường xảy ra từ tháng 9 đến giữa tháng 12 hàng năm, tập trung nhiều nhất vào các tháng 10, 11. Khi bão, ATNĐ xảy ra kèm theo mưa lũ triều cường dâng cao gây ngập lụt ở đồng bằng, lũ quét ở miền núi và vùng gò đồi. Các hình thái thiên tai khác như lũ tiểu mãn (Gây ngập úng) xảy ra từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm; lốc xoáy, dông sét, mưa đá xảy ra quanh năm.

Dựa trên mức độ thiệt hại của thiên tai, phạm vi ảnh hưởng và tần suất xuất hiện của chúng, có thể xếp các loại thiên tai ở Quảng Trị theo thứ tự sau:

Bảng 1. Phân loại các nhóm thiên tai ở Quảng Trị

Tác động mạnh

Tác động vừa

Tác động nhẹ

Ngập lụt

Lũ quét

Sự cố tràn dầu

Bão, ATNĐ

Rét hại, rét đậm

Xói lỡ bờ biển

Ngập úng

Sa mạc hóa

Nước biển dâng

Lốc tố

Hạn hán

Mưa đá

Xói lở bờ sông

Xâm nhập mặn

Dông, sét

 

Gió Tây Nam khô nóng

Sạt lở đất đồi núi

 

Sụt lún đất

 

Các đợt thiên tai điển hình:

- Tháng 10 năm 1985, cơn bão CECIL có gió mạnh cấp 12 đã đổ bộ vào Quảng Trị kết hợp với mưa to gây lũ lớn làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản của nhân dân và nhà nước;

- Trận lũ lịch sử tháng 11 năm 1999: Mưa lớn kết hợp triều cường do áp thấp từ Biển Đông vào làm nước dâng cao, gây ngập lụt trên diện rộng và kéo dài (Mực nước sông Thạch Hãn tại thị xã Quảng Trị là 7,29m, lớn hơn báo động III 1,79m). Đây là trận lũ lớn nhất trong vòng 20 năm trở lại đậy, làm 56 người chết, 43 người bị thương, 59.936 nhà bị ngập (Ngập sâu từ 1,5 đến 4m là 29.721nhà; 5.068 nhà bị xiêu; 2.186 nhà bị đổ, 309 nhà bị lũ cuốn trôi), các công trình CSHT và SXKD bị thiệt hại nặng. Tổng thiệt hại lên đến trên 564 tỷ đồng;

- Lũ quét: Xảy ra vào tháng 10 năm 1983 ở thượng nguồn sông Nhùng- hệ thống sông Ô Lâu thuộc xã Hải Sơn, Hải Lâm- huyện Hải Lăng (65 người chết) và tháng 10 năm 1995 ở thượng nguồn sông Đakrông (Cường suất mưa 200mm/h);

- Năm 2007, tỉnh Quảng Trị liên tiếp xảy ra 09 đợt thiên tai gây thiệt hại lớn đến tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Ngoài bão, lũ, tỉnh Quảng Trị còn chịu ảnh hưởng lớn của gió Tây Nam khô nóng từ tháng 1 đến tháng 8 hàng năm. Điển hình là các năm 1993, 1998 và 2003: Nắng nóng kéo dài gây hạn nặng kết hợp mặn xâm nhập sâu vào đất liền làm tổn thất nặng nề trong sản xuất và thiếu nước sinh hoạt.

Sét, lốc xoáy và sạt lở đất ở bờ sông, suối và đồi núi thường xảy ra hàng năm. Các hình thế thời tiết bất thường xảy ra những năm gần đây ngày càng gia tăng, điển hình như:

- Lũ trái mùa: Ngày 17- 19/2/2006 tại huyện Hải Lăng, làm ngập 2.500ha lúa mới gieo phải gieo lại lần hai, 500ha hoa màu bị hư hỏng và các công trình cơ sở hạ tầng, sản xuất kinh doanh khác bị hư hại.

- Sụt lún đất: Xảy ra tại thôn Tân Hiệp, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ với phạm vi sụt lún khoảng 02ha, với 122hộ/676 khẩu bị ảnh hưởng phải di dời, trong đó di dời khẩn cấp trong đêm 18/2/2006 là 61hộ/328 khẩu.

Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh từ năm 1989- 2007 là:

- Về người: Chết: 182 người; Bị thương: 634 người;

- Về tài sản: 2.161tỷ đồng.

Bảng 2. Thống kê số người thiệt hại do thiên tai gây ra từ năm 1989 đến 2007

Năm

1989

1990

1991

1992

1993

1994

1995

1996

1997

1998

- Người chết

0

9

6

9

0

0

15

9

5

25

- Người bị thương

0

497

0

11

0

0

0

0

3

9

Năm

1999

2000

2001

2002

2000

2004

2005

2006

2007

 

- Người chết

56

4

4

2

6

7

9

5

11

 

- Người bị thương

43

1

3

0

1

2

13

44

7

 

3. Các căn cứ, sự cần thiết xây dựng chương trình, kế hoạch hành động:

Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 và triển khai thực hiện nội dung, yêu cầu của Chiến lược Quốc gia Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16/11/2007. Xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện Chiến lược là vấn đề cấp bách trong công tác Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở tỉnh Quảng Trị để ổn định và phát triển.

Mặt khác, trong hơn 10 năm gần đây, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều loại hình thiên tai khác nhau, mức độ khốc liệt ngày càng cao và ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế- xã hội thời gian qua và yêu cầu phát triển ổn định và bền vững của tỉnh. Trong tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay, thiên tai trong cả nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng trở nên ngày càng khó lường, xảy ra bất thần, khó dự đoán và dự báo chính xác cả về thời gian và cường độ cũng như thiệt hại do thiên tai gây ra Công tác triển khai phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra của các cấp, các ngành và cộng đồng người dân ngày càng thụ động, hiệu quả thấp, nguồn lực huy động ngày càng tăng.

Do vậy, để đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của địa phương, việc xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của tỉnh Quảng Trị là điều cần thiết, cấp bách.

II MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai từ nay đến năm 2020 nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và nhà nước, hạn chế sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường và tư sản văn hóa, góp phần quan trọng bảo đảm phát triển vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo bão, lũ, lũ quét, hạn hán, xâm nhập mặn, lốc xoáy, mưa đá, dông sét, báo tin động đất, cảnh báo sóng thần và các hiện tượng khí tượng, thủy văn nguy hiểm khác. Trọng tâm là nâng thời gian cảnh báo trước 48h, nâng thời gian dự báo lũ chính xác cho vùng đồng bằng trước 18h và trước 12h đối với loại hình lũ quét; dự báo cực ngắn các hiện tượng mưa đá, dông tố, lốc xoáy, gió mạnh và mưa lớn; xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc phòng, chống giảm nhẹ thiên tai đồng bộ từ tỉnh đến xã;

b) Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang và cộng đồng người dân để tránh tư tưởng chủ quan, xem nhẹ công tác Phòng, chống thiên tai. Xác định phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, là nội dung quan trọng cần được lồng ghép trong nội dung các đề án, dự án, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương;

c) Kiện toàn Ban Chỉ huy PCLB và TKCN từ cấp tỉnh đến cơ sở theo hướng gọn, mạnh. Đảm bảo 100% cán bộ chính quyền địa phương các cấp (Gồm 10 huyện, thị xã: 140 xã, phường, thị trấn) trực tiếp làm công tác Phòng, chống thiên tai được tập huấn, nâng cao năng lực và trình độ về công tác Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; trên 80% số dân các xã thuộc vùng thường xuyên bị thiên tai được phổ biến kiến thức về phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai;

d) Thực hiện quản lý để đảm bảo các quy hoạch phát triển, quy chuẩn xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội và khu dân cư trong vùng thường xuyên bị thiên tai phù hợp với tiêu chuẩn phòng, chống bão, lũ, thiên tai của từng vùng; gắn kết quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội và các quy hoạch ngành với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai để phát triển bền vững;

đ) Hoàn thành việc di dời, sắp xếp và ổn định đời sống nhân dân vùng thường xuyên xảy ra thiên tai theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trước mắt từ nay đến năm 2015, phấn đấu cơ bản hoàn thành việc di dời dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đồi núi, sụt lún đất, sạt lở bờ sông ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân và vùng thường xuyên ngập sâu ở ven sông, suối; phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc xây dựng các khu tái định cư vùng thiên tai để di dời dân ở các vùng nguy hiểm khác đến nơi an toàn;

e) Xây dựng và tổ chức hoạt động lực lượng tìm kiếm cứư nạn ở các cấp, các ngành, phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Trung ương, các tỉnh khác để chủ động ứng phó khi có tình huống cấp bách xảy ra. Tăng cường đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, huyện, thị xã; thành lập và đào tạo các đội ứng cứu nhanh cho từng thôn, bản khu phố. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị và phát triển nguồn nhân lực phục vụ tìm kiếm cứu nạn theo nội dung Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 46/2006/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2006;

g) Xây dựng mới và củng cố nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông, đê cát; kè sông, kè biển chống sạt lở trong tỉnh để bảo vệ dân cư, đất đai, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng hải đảo, ven biển, ven sông. Bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh trong đó trọng tâm là nâng cao mức chống lũ cho hệ thống đê bao vùng trũng ở huyện Hải Lăng phấn đấu đến năm 2010 hoàn thành;

h) Củng cố, nâng cấp và bảo đảm an toàn cho 200 hồ chứa nước lớn nhỏ, đặc biệt là hồ Thủy điện Rào Quán và các hệ thống hồ chứa nước, đập dâng loại vừa và lớn có dân cư đông đúc, có cơ sở chính trị, kinh tế, văn hóa, công trình quốc phòng, an ninh quan trọng ở hạ du của các công trình;

i) Phối hợp với Bộ Giao thông- Vận tải đảm bản an toàn các tuyến đường Quốc lộ 1A, Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc- Nam và củng cố, nâng cấp các tuyến đường tỉnh lộ, giao thông nông thôn;

k) Hoàn thành 100% việc xây dựng các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Phấn đấu đến năm 2015 sẽ xây dựng hoàn thiện 03 khu neo đậu tàu thuyền: Cửa Tùng, Cửa Việt Cồn Cỏ;

l) Hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc nghề cá; phấn đấu đến năm 2015 đảm bảo 100% tàu, thuyền đánh bắt xa bờ, trung bờ có đủ thiết bị thông tin liên lạc, dụng cụ cứu hộ, cứu nạn.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách:

- Rà soát hệ thống văn bản đã có về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực quản lý thiên tai ở địa phương trên cơ sở Pháp lệnh Phòng chống lụt, bão; Quyết định số 63/2002/QĐ-TTg ngày 20/5/2002 của Thủ tướng Chính phủ về Công tác Phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và các Chỉ thị, hướng dẫn của Chính phủ hàng năm;

- Chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị xây dựng hoàn chỉnh Chiến lược Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của địa phương, đơn vị, ngành mình trên cơ sở Chiến lược Quốc gia của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và của tỉnh. Xây dựng chi tiết, cụ thể phương án phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai hàng năm, trên cơ sở đó lập kế hoạch và chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để phòng, chống và ứng cứu kịp thời khi có tình huống thiên tai xảy ra;

- Xây dựng mới, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản về cơ chế chính sách liên quan đến công tác phòng ngừa, ứng phó, cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai ở địa phương;

- Bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương;

- Có chính sách khuyến khích các hoạt động khoa học công nghệ, thu hút đầu tư, hợp tác giữa các địa phương, hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực cho lĩnh vực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai;

- Ban hành các quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng công trình bảo đảm an toàn khi thiên tai xảy ra.

2. Hệ thống tổ chức

- Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, thị xã xuống xã, phường, thị trấn theo hướng gọn, nhẹ đảm bảo hoạt động có hiệu quả nhất;

- Rà soát, bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động, cơ chế phối hợp, phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các địa phương, đơn vị, các cấp, các ngành;

- Chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Xây dựng trụ sở, nâng cấp cơ sở vật chất, từng bước đầu tư mua sắm trang kết bị và công nghệ đảm bảo điều kiện làm việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cho việc điều hành, chỉ huy, chỉ đạo công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai;

- Tiến hành thành lập các tổ cứu hộ, cứu nạn bán chuyên trách, tổ chức tập huấn, hội thi công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

3. Lồng ghép nội dung Chiến lược Quốc gia Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 vào chương trình, kế hoạch phát triển địa phương

Với phương châm "Chủ động phòng, tránh thích nghi để phát triển” trên cơ sở thực hiện tốt phương án “4 tại chỗ", công tác lồng ghép nội dung phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp chính sau:

- Chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, vật nuôi phù hợp với đặc điểm thiên tai của từng vừng, từng địa phương;

- Lập kế hoạch tu sửa, nâng cấp và xây dựng các hồ chứa nước vừa và nhỏ để vừa phục vụ tưới nước sản xuất nông nghiệp, cải tạo môi sinh, môi trường vừa góp phần điều tiết lũ, làm chậm lũ;

- Xây dựng và hoàn thiện các quy trình vận hành hồ chứa để sử dụng đa mục tiêu, tham gia cắt giảm lũ hạ du trong mùa mưa và cấp nước trong mùa kiệt;

- Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong việc xây dựng đường giao thông nông thôn, đường ứng cứu kết hợp với hệ thống đê, bờ kênh, cống tiêu ... trong chương trình kiên cố hóa kênh mương. Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn... trong việc sản xuất nuôi trồng thủy hải sản, phát triển cây công nghiệp, các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ ...;

- Khẩn trương hoàn thành quy hoạch bố trí dân cư nông thôn đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, trong đó phấn đấu đến năm 2015 cơ bản hoàn thành việc di dời dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đồi núi, sụt lún đất, sạt lở bờ sông ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân và vùng thường xuyên ngập sân ở ven sông, suối và phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc xây dựng các khu tái định cư vùng thiên tai để di dời dân ở các vùng nguy hiểm khác đến nơi an toàn;

- Khôi phục, trồng mới, bảo vệ rừng đầu nguồn, phấn đấu tăng độ che phủ của rừng đầu nguồn để điều tiết lũ và làm giảm lũ vùng hạ lưu;

- Tạo lập các nguồn quỹ phòng chống thiên tai từ nhiều nguồn khác nhau; xây dựng và hoàn thiện chính sách cho nhân dân vùng thường xuyên xảy ra thiên tai vay vốn với lãi suất thấp để xây dựng nhà chống bão, chống lũ; ban hành các quy định, tiêu chuẩn chống bão, chống lũ, chống động đất cho các công trình xây dựng phù hợp với thực tế từng vùng, từng địa phương trên địa bàn tỉnh; thiết kế các mẫu nhà dân phù hợp và đưa ra hướng dẫn cụ thể, chi tiết về kết cấu nhà chống bão, chống lũ cho cộng đồng người dân áp dụng tùy theo địa hình, đặc điểm từng khu vực;

- Phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các Sở chuyên ngành như Xây dựng, Giao thông- Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục, Y tế, Công thương... để đưa ra quy định, hướng dẫn bố trí các công trình hạ tầng vùng thường xuyên bị ngập lụt như: Trường học, bệnh viện, trạm xá, nhà ở, nhà kho, cầu đường ...đặt trên cao trình lũ thiết kế;

- Lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai trong chương trình kiên cố hóa học đường, từng bước đưa vào chương trình giảng dạy ngoại khóa về phòng, chống thiên tai trong học đường;

- Chủ động cắt lũ, tiêu thoát lũ đối với các tuyến giao thông qua các lưu vực có dòng chảy lớn bằng các biện pháp công trình như mở khẩu độ cống qua đường, xây dựng rãnh tiêu thoát nước hợp lý... Nghiên cứu xây dựng các cầu giao thông vượt lũ, tôn cao các tuyến đường giao thông nông thôn để đi lại trong mùa mưa lũ.

4. Lập và rà soát quy hoạch đã có

- Rà soát các quy hoạch của từng ngành, từng lĩnh vực của địa phương lồng ghép nội dung phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, những quy hoạch đã có;

- Đối với quy hoạch phát triển từng ngành, từng lĩnh vực của địa phương đang xây dựng phải đưa vào nội dung phòng chống thiên tai theo nội dung chiến lược;

- Các Sở, ban, ngành, các huyện, thị xã phải phối hợp đồng bộ trong việc quy hoạch có tính chất quan trọng liên quan nhiều đến công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai như quy hoạch thủy lợi, giao thông; quy hoạch các khu công nghiệp, du lịch; quy hoạch nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; quy hoạch các khu tái định cư vùng thiên tai, bão, lũ...

5. Xã hội hóa và phát triển nguồn nhân lực

Thực hiện chính sách xã hội hóa đối với công tác Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia quá trình xây dựng văn bản pháp luật, kế hoạch, quản lý giám sát các dự án liên quan đến công tác phòng, chống lụt bão ở địa phương. Có chính sách đa dạng hình thức đầu tư các dự án để giảm áp lực nguồn vốn;

- Tổ chức lực lượng tự nguyện của cộng đồng tham gia công tác chuẩn bị, ứng phó, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn khi thiên tai xảy ra; phát huy vai trò của các đoàn thể xã hội trong hoạt động chuẩn bị ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Phát triển lực lượng tình nguyện trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thiên tai, vận động khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất...;

- Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng chống thiên tai của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, đơn vị. Đặc biệt coi trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho bộ máy tổ chức quản lý, tham mưu, điều hành công tác Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

6. Nâng cao nhận thức cộng đông:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm cho từng cán bộ, nhân viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và cộng đồng người dân, tránh tư tưởng chủ quan coi nhẹ công tác Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Phải xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên là nội dung quan trọng cần được lồng ghép trong nội dung các đề án, dự án, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương;

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về thiên tai và các biện pháp phòng tránh. Đưa các nội dung phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào các chương trình truyền hình, phát thanh, chương trình giáo dục trong nhà trường cho học sinh; tổ chức các đợt phát động tuyên truyền về thiên tai và các biện pháp phòng tránh trên địa bàn toàn tỉnh;

- Xây dựng các dự án, các chương trình tập huấn cho các cán bộ quản lý, cán bộ lập kế hoạch, cán bộ chuyên trách, cán bộ cơ sở. Lưu ý đến việc bổ túc kiến thức, kinh nghiệm về phòng, chống thiên tai cho các cán bộ mới được bổ nhiệm, phân công phụ trách lĩnh vực này;

- Tăng cường tổ chức các chương trình giáo dục, tập huấn cho cộng đồng tại những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai bằng mọi nguồn vốn khác nhau;

- Tổ chức diễn tập về phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn: Các địa phương, các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai căn cứ vào điều kiện địa hình, khả năng nguồn lực để bố trí nguồn vốn tổ chức diễn tập định kỳ hàng năm trước mùa bão, lũ. Trong các cuộc diễn tập phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các Sở, ban, ngành và các địa phương khác cùng tham gia rút kinh nghiệm để nhân rộng các điển hình. Các đơn vị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sư đoàn 968, Hội Chữ thập đỏ, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị, lực lượng thanh niên xung kích và dân quân tự vệ của địa phương...là lực lượng nòng cốt trong công tác tìm kiếm cứu nạn nên phải có sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả trong công tác diễn tập để triển khai trong thực tế chủ động hơn, tránh chồng chéo, vướng mắc.

7. Phát huy kinh nghiệm truyền thống và ứng dụng khoa học công nghệ

- Qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc tập huấn diễn tập để phát huy, khơi dậy những kinh nghiệm truyền thống phòng tránh thiên tai của nhân dân địa phương, chủ động chuẩn bị đối phó trước mùa bão, lụt, kinh nghiệm xây dựng nhà cửa, sơ tán người, tài sản chuẩn bị phương tiện tàu thuyền, dự trữ các vật tư, nhu yếu phẩm cần thiết tổ chức cứu hộ, cứu nạn, hệ thống thông tin liên lạc ở các thôn, bản, làng, khu phố của xã, phường, thị trấn;

- Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn sau mỗi đợt thiên tai và hàng năm để đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại yếu kém, những kinh nghiệm từ thực tiễn công tác Phòng, chống thiên tai, để bổ sung hoàn thiện phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai hàng năm của địa phương;

- Tăng cường các hoạt động điều tra cơ bản, đầu tư nghiên cứu khoa học và ứng dựng công nghệ mới, vật nuôi mới của địa phương trong lĩnh vực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai;

- Hiện đại hóa hệ thống thông tin cảnh báo sớm tại các cấp chính quyền địa phương và cộng đồng. Đặc biệt là thông tin liên lạc tại các vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị chia cắt do bão, lũ;

- Ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực quản lý, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

8. Tăng cường hợp tác

a) Hợp tác với các địa phương, Bộ, ngành

- Tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành Trung ương trong công tác cảnh báo, dự báo, giáo dục, đào tạo, chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tổ chức phòng, tránh, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hận quả thiên tai;

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác cảnh báo, dự báo, giáo dục, đào tạo, chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, các bài học thực tiễn về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai;

- Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành để có quy hoạch tổng thể cho các công trình hạ tầng cơ sở, giao thông, thủy lợi, xây dựng để đảm bảo tiêu thoát lũ đồng bộ.

b) Hợp tác quốc tế

- Phối hợp với các tổ chức Quốc tế tài trợ các chương trình dự án về nâng cao năng lực cộng đồng trong công tác phòng ngừa thảm họa thiên tai; xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, trang bị hệ thống thông tin liên lạc phục vụ việc phát triển dân sinh kinh tế cũng như trong công tác phòng, chống thiên tai;

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác cảnh báo, dự báo, giáo dục, đào tạo, chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, các bài học thực tiễn về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai;

- Các đơn vị: Sở Ngoại vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Tài nguyên và Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh là những đơn vị chủ chốt trong công tác phối hợp với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; có trách nhiệm phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong việc kêu gọi đầu tư từ các tổ chức quốc tế.

IV. DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

Để nâng cao hiệu quả công tác Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, cần tập trung đầu tư để thực hiện những biện pháp có ý nghĩa chiến lược nhằm hạn chế tổn thất do thiên tai, lụt, bão gây ra, cụ thể như sau:

1. Giải pháp phi công trình: 1.823,3 tỷ đồng ( Một ngàn tám trăm hai mươi ba tỷ, ba trăm triệu đồng), bao gồm:

a) Chương trình hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn, thi hành pháp luật, cơ chế, chính sách: 1,2 tỷ đồng

- Rà soát các chính sách cứu trợ phục hồi sau thiên tai;

- Rà soát các chính sách hỗ trợ vùng thường xuyên bị thiên tai.

b) Kiện toàn tổ chức, bộ máy: 3,0 tỷ đồng

- Kiện toàn tổ chức bộ máy chỉ đạo phòng chống và giảm nhẹ thiên tai;

- Tổ chức tập huấn để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

c) Lập và rà soát quy hoạch: 793,5 tỷ đồng

- Lập bản đồ phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét;

- Lập bản đồ phân vùng ngập lụt, đánh giá rủi ro do lũ;

- Lập bản đồ phân vùng đánh giá rủi ro hạn hán;

- Lập bản đồ xác định nguy cơ sóng thần;

- Lập bản đồ xác định nguy cơ bão, nước dâng;

- Lập bản đồ xác định nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển;

- Rà soát bổ sung quy hoạch phòng chống lũ;

- Rà soát bổ sung quy hoạch hệ thống đê sông, đê biển;

- Rà soát bổ sung quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ bờ biển, ven biển;

- Rà soát, bổ sung quy hoạch quy hoạch dân cư vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở vùng bờ sông, cửa sông, ven biển;

- Rà soát bổ sung quy hoạch dân cư vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, trượt lở đất, sụt lún đất;

- Rà soát bổ sung quy hoạch sử dụng đất gắn với nhiệm vụ phòng chống thiên tai;

- Rà soát bổ sung quy hoạch xây dựng ở những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.

d) Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo cấp tỉnh: 200,0 tỷ đồng

- Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo lũ lụt, lũ quét và các loại hình thiên tai khác ở cấp tỉnh.

đ) Nâng cao nhận thức cộng đồng: 6,2 tỷ đồng

- Đào tạo, tập huấn về thiên tai và biện pháp phòng tránh cho các cộng đồng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai;

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền về thiên tai thông qua hệ thống thông tin đại chúng của tỉnh.

e. Chương trình trồng và bảo vệ rừng phòng hộ: 202,0 tỷ đồng

- Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn;

- Trồng cây chắn sóng bảo vệ đê điều.

g) Chương trình tăng cường năng lực quản lý thiên tai, ứng dụng khoa học công nghệ: 617,4 tỷ đồng

- Tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý thiên tai cấp tỉnh, huyện, xã;

- Tăng cường năng lực cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn của tỉnh;

- Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật và sử dụng vật liệu mới vào phục vụ công tác Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai;

- Hoàn chỉnh hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai;

- Tổ chức lực lượng tình nguyện viên tham gia trong công tác Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

2. Giải pháp công trình: 5.300,0 tỷ đồng (Năm ngàn ba trăm tỷ đồng)

- Chương trình rà soát, nâng cấp, xây dựng công trình phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai cấp địa phương quản lý phù hợp với quy chuẩn thiết kế và đặc điểm thiên tai từng vùng;

- Chương trình xây dựng các công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển;

- Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển;

- Chương trình xây dựng hệ thống công trình ngăn mặn, giữ ngọt;

- Chương trình xây dựng hệ thống các khu neo đậu cho tàu thuyền tránh trú bão;

- Chương trình mở rộng khẩu độ cầu, cống trên hệ thống đường bộ, đường sắt đảm bảo thoát lũ;

- Chương trình xây dựng các hồ chứa điều tiết dòng chảy, tham gia cắt lũ.

(Có phụ lục kèm theo)

V. NGUỒN LỰC

Tổng kinh phí để triển khai chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 của tỉnh là: 7. 123,3 tỷ đồng (Bảy ngàn một trăm hai mươi ba tỷ, ba trăm triệu đồng chẵn), trong đó:

- Nguồn lực từ Trung ương và các tổ chức phi Chính phủ: 6.980,8 tỷ đồng;

- Nguồn lực của địa phương 142,5 tỷ đồng.

VI. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

1. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 của tỉnh, có nhiệm vụ:

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chiến lược của các Sở, ban, ngành, huyện, thị xã trong tỉnh; làm đầu mối liên hệ với các Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức Quốc tế trong và ngoài nước về lĩnh vực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai;

- Trên cơ sở danh mục các đề án, dự án, chương trình đã được phê duyệt, tiến hành xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, xác định rõ những nội dung cần ưu tiên, đề xuất phân định nhiệm vụ cho các ngành, địa phương thực hiện;

- Hàng năm tổ chức thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chương trình, kế hoạch hành động của các ngành, các địa phương; định kỳ 5 năm sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm và đề xuất kiến nghị, trình UBND tỉnh điều chỉnh nội dung, giải pháp, chương trình, kế hoạch hành động cho phù hợp.

2. Đối với các Sở, ban ngành: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các Sở, ban, ngành liên quan cân đối bố trí vốn đần tư hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách và các nguồn tài trợ khác để thực hiện hiệu quả nội dung chương trình hành động thực hiện Chiến lược Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của tỉnh. Các Sở, ban, ngành khác trên cơ sở, chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt yêu cầu, nội dung, chương trình, dự án của Chương trình, kế hoạch hành động đề ra.

3. Đối với các địa phương: UBND, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã chỉ đạo các cấp, các ngành trong huyện, thị xã thực hiện các nội dung của chương trình hành động thực hiện chiến lược, trong đó chú trọng hoàn thành kế hoạch tu bổ và xây dựng các công trình phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, có kế hoạch, phương án bảo vệ dân, đồng thời lồng ghép các nội dung phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

VII. ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

1. Xác định tiêu chí đánh giá

- Việc chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật cơ chế, chính sách liên quan đến công tác Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai;

- Cơ cấu tổ chức phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở địa phương;

- Năng lực tìm kiếm, cứu nạn của các lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách;

- Việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch tổng thể, từng dự án cụ thể về phát triển kinh tế- xã hội của các Sở, Ban, ngành địa phương;

- Công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai;

- Về sự tham gia của cộng đồng đối với việc xây dựng văn bản pháp luật, lập quy hoạch kế hoạch, quản lý và giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án tại địa phương;

- Khả năng tự phòng ngừa, ứng phó thiên tai;

- Hiệu quả của các công trình phòng, chống thiên tai;

- Phát triển bền vững của từng vùng, địa phương trước tác động của thiên tai;

- Hiệu quả đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai;

- Ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác Phòng, chống giảm nhẹ thiên tai;

- Hoạt động quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

2. Phân định thời kỳ đánh giá:

- Tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm và triển khai công tác Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn hàng năm trong đó có đánh giá việc thực hiện theo nội dung kế hoạch; 5 năm sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm và điều chỉnh nội dung, giải pháp trong kế hoạch hành động cho phù hợp;

Trên cơ sở các tiêu chí đanh giá nêu trên các Sở, ban ngành địa phương tự phân tích đánh giá ở các mức: Tốt, khá, trung bình, yếu, kém.

3. Biện pháp tổ chức thực hiện việc đánh giá

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm đánh giá trong phạm vi địa phương; Giám đốc các Sở, ban, ngành, Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm đánh giá trong phạm vi ngành, đơn vị mình phụ trách. Kết quả đánh giá phải nêu được những nguyên nhân thành công và chưa thành công trong việc thực hiện kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Phòng, chống giảm nhẹ thiên tai đồng thời báo cáo kết quả thực hiện về Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

VIII. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Thiên tai nói chung và lụt bão nói riêng là một hiện tượng tự nhiên, chúng ta chưa kể nhận biết được chính xác, kịp thời về quy mô và mức độ gây ra cũng như không thể chế ngự được hoàn toàn. Với đặc thù là một tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai, bão lũ gây nhiều thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương Ngoài sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh, để hạn chế những tổn thất do thiên tai gây ra, đảm bảo sự ổn định phát triển bền vững, UBND tỉnh Quảng Trị kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm bố trí kế hoạch vốn hàng năm để tỉnh có cơ sở và điều kiện triển khai thực hiện Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đạt được mục tiêu, nội dung đề ra kịp thời, phát huy hiệu quả cao./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 38/2008/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu38/2008/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành28/11/2008
Ngày hiệu lực28/11/2008
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Văn hóa - Xã hội, Tài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật17 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 38/2008/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 38/2008/QĐ-UBND thực hiện phòng chống giảm nhẹ thiên tai Quảng Trị


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 38/2008/QĐ-UBND thực hiện phòng chống giảm nhẹ thiên tai Quảng Trị
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu38/2008/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Quảng Trị
                Người kýLê Hữu Phúc
                Ngày ban hành28/11/2008
                Ngày hiệu lực28/11/2008
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Văn hóa - Xã hội, Tài nguyên - Môi trường
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật17 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Quyết định 38/2008/QĐ-UBND thực hiện phòng chống giảm nhẹ thiên tai Quảng Trị

                  Lịch sử hiệu lực Quyết định 38/2008/QĐ-UBND thực hiện phòng chống giảm nhẹ thiên tai Quảng Trị

                  • 28/11/2008

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 28/11/2008

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực