Quyết định 38/2010/QĐ-UBND

Quyết định 38/2010/QĐ-UBND về Quy chế quản lý hoạt động của đoàn vào có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 38/2010/QĐ-UBND Quy chế quản lý hoạt động đoàn vào


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 38/2010/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 31 tháng 8 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐOÀN VÀO CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 28/2005/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Quyết định số 34/2005/QĐ-UBND ngày 16 tháng 5 năm 2005 của UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quy định về tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động đối ngoại của UBND tỉnh Bình Thuận;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý hoạt động của các đoàn vào có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc UBND tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY CHẾ

VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐOÀN VÀO CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 38/2010/QĐ-UBND ngày 31/8/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục, thời gian và trách nhiệm của cơ quan trong việc quản lý hoạt động đoàn vào có yếu tố nước ngoài hoạt động trong địa bàn tỉnh Bình Thuận.

2. Quy chế này áp dụng đối với đoàn nước ngoài vào theo sự đồng ý và cho phép của Chủ tịch UBND tỉnh và áp dụng cho các đối tượng thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh được quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 4 Quyết định số 28/2005/QĐ-TTg ngày 01/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Khách du lịch quốc tế vào thăm và nghỉ tại Bình Thuận không áp dụng theo Quy chế này.

Điều 2. Các nguyên tắc chung

1. UBND tỉnh thống nhất quản lý hoạt động của các đoàn vào có yếu tố nước ngoài (QLHĐNN), chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh phối hợp thực hiện. Việc thực hiện QLHĐNN phải đảm bảo đúng quy trình, chương trình, nội dung và mục đích, tuân thủ pháp luật, các quy định của Nhà nước Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế. Đảm bảo các chuẩn mực văn hóa giao tiếp, ứng xử và thực hiện chuẩn mực hóa các hoạt động hợp tác quốc tế.

2. QLHĐNN phải đảm bảo sự lãnh đạo tập trung thống nhất Đảng và Nhà nước Việt Nam và sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, các sở, ban, ngành chức năng có liên quan trong nhiệm vụ được phân công. Cùng đề cao tinh thần trách nhiệm và vai trò chủ động của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Chương II

QUẢN LÝ ĐOÀN VÀO

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Đoàn vào có yếu tố nước ngoài (ĐVNN) là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quốc tịch không phải là Việt Nam vào tỉnh để thực hiện những chương trình, nội dung và mục đích của họ; gồm có:

1. Các đoàn đại diện lãnh đạo cấp cao của nước ngoài, đại diện ngoại giao của nước ngoài đóng tại Việt Nam (Đại Sứ quán, Tổng Lãnh sự quán, Lãnh sự danh dự, Văn phòng kinh tế văn hóa,…) vào thăm, chào xã giao lãnh đạo UBND tỉnh và tìm hiểu thông tin kinh tế, văn hóa, chính trị xã hội của tỉnh.

2. Các cơ quan, tổ chức của nước ngoài vào thăm và làm việc tại tỉnh trong các lĩnh vực phi Chính phủ nước ngoài (NGOs), hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

3. Về lĩnh vực thông tin tuyên truyền đối ngoại gồm đối tượng ngoài nước và trong nước. Trong đó, đối tượng ngoài nước là chính giới, giới kinh doanh, học giả, báo chí, nhân dân các nước và người Việt Nam đang sinh sống, làm việc hoặc định cư ở nước ngoài; đối tượng trong nước là người nước ngoài đang sinh sống và hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là phóng viên báo chí nước ngoài (Phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam và phóng viên hoạt động ngắn hạn tại Việt Nam).

4. Vấn đề trên biển gồm: tàu thuyền nước ngoài (du lịch, thương mại, quân sự, khảo sát, nghiên cứu khoa học…) cập cảng hoặc neo đậu xa bờ trong vùng biển do Bình Thuận quản lý vào thăm hoặc làm việc tại tỉnh.

5. Các đoàn xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư của nước ngoài vào chào xã giao, khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu và tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Điều 4. Thủ tục đoàn vào

1. Các cơ quan, tổ chức làm văn bản xin phép đoàn vào hoạt động phải nêu rõ thành phần (danh sách của đoàn kèm bản photo hộ chiếu còn hiệu lực), nội dung, thời gian và địa điểm hoạt động của đoàn gửi đến Văn phòng UBND tỉnh, Công an tỉnh trước khi đoàn đến chậm nhất 07 ngày làm việc.

a) Đối với trường hợp là phóng viên, báo chí nước ngoài xin phép đến địa phương hoạt động thì phải có Giấy phép hoạt động báo chí do Vụ Thông tin Báo chí - Bộ Ngoại giao cấp. Nếu là phóng viên hoạt động ngắn hạn tại Việt Nam phải có cán bộ hướng dẫn của cơ quan hướng dẫn phóng viên đi cùng. Các trường hợp trên đều phải được sự đồng ý của Bộ Ngoại giao (Vụ Thông tin Báo chí, Trung tâm Báo chí nước ngoài) bằng văn bản gửi (trực tiếp hoặc qua fax) đến Ngoại vụ địa phương giới thiệu, thông báo và đề nghị thu xếp chương trình hoạt động của đoàn.

Các trường hợp phóng viên báo chí vào địa phương với các mục đích khác như du lịch, thăm thân hoặc sống cùng với thân nhân, kinh doanh, trao đổi nghiệp vụ, hợp tác kỹ thuật giảng dạy, làm việc cho các cơ quan, tổ chức…. tại địa phương thì không được phép tiến hành các hoạt động báo chí. Trường hợp đặc biệt phải có sự đồng ý cho phép của Bộ Ngoại giao;

b) Trường hợp là đại diện của Tổ chức phi Chính phủ nước ngoài đến địa phương thăm, triển khai các chương trình, dự án tài trợ nhân đạo thì phải có Giấy phép hoạt động (còn hiệu lực) tại Việt Nam theo Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 24/5/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.

Những trường hợp đã có Giấy phép hoạt động nhưng chưa mở rộng tới Bình Thuận, nếu muốn vào thăm và tìm hiểu tại tỉnh thì phải có ý kiến của các cấp Bộ ngành có liên quan;

c) Trường hợp là tình nguyện viên nước ngoài vào làm việc hoặc hỗ trợ dự án thì phải có bản lý lịch trích ngang và bản sao hộ chiếu còn hiệu lực. Các giấy tờ này phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Cơ quan, đơn vị trình UBND tỉnh xin phép cho tình nguyện viên vào làm việc phải chịu trách nhiệm trong việc hướng dẫn, quản lý hoạt động của tình nguyện viên đúng theo nội dung và thời gian đăng ký và không trái với các quy định hiện hành của Nhà nước. Trước khi UBND tỉnh cho phép tình nguyện viên vào làm việc thì phải có ý kiến bằng văn bản của Công an tỉnh về trường hợp nêu trên.

2. Trong thời gian 05 ngày làm việc sau khi tiếp nhận đầy đủ thông tin về đoàn vào, Văn phòng UBND tỉnh là cơ quan đầu mối tiếp nhận, xử lý và cùng phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh việc cho phép đoàn vào.

3. Văn phòng UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, tạo điều kiện trong thời gian ĐVNN hoạt động tại địa phương đúng theo nội dung đăng ký sau khi đã được UBND tỉnh cho phép vào hoạt động.

4. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, quản lý việc xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại và làm việc của các ĐVNN trên địa bàn tỉnh.

Điều 5. Đón và làm việc với các đoàn khách chính thức của UBND tỉnh

1. Khách nước ngoài của UBND tỉnh gồm có:

- Các đoàn đại diện lãnh đạo các cấp của các nước vào thăm và làm việc với UBND tỉnh; - Đại diện các cơ quan ngoại giao của các nước đóng tại Việt Nam;

- Nhà đầu tư nước ngoài vào thăm, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh muốn được tiếp kiến lãnh đạo UBND tỉnh thì phải đăng ký lịch làm việc trước đó.

Những trường hợp khác đều phải được sự đồng ý và cho phép của lãnh đạo UBND tỉnh.    2. Cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh có văn bản trình lãnh đạo UBND tỉnh việc đón tiếp khách nước ngoài phải thực hiện các bước sau:

- Trao đổi thông tin, lập kế hoạch làm việc với khách;

- Chuẩn bị nội dung làm việc (thành phần, nội dung, thời gian và địa điểm, tài liệu, thông tin về đối tác, các đề xuất hợp tác);

- Chủ trì nghi lễ đón, tiễn khách;

- Bố trí chỗ ở, đi lại, sinh hoạt cho khách (nếu cần);

- Trình lãnh đạo UBND tỉnh quyết định thành phần tham gia đón tiếp, làm việc với khách;

- Mời các đơn vị liên quan tham gia đón tiếp, làm việc với khách theo yêu cầu của lãnh đạo UBND tỉnh;

- Bố trí phiên dịch làm việc với khách (nếu có);

- Ghi biên bản làm việc và tổng hợp nội dung làm việc thành bản ghi nhớ (nếu có);

- Đề xuất kế hoạch và triển khai các thỏa thuận theo nội dung làm việc để trình lãnh đạo UBND tỉnh quyết định;

- Dự trù và thanh quyết toán kinh phí đón tiếp khách;

- Đôn đốc, giám sát việc thực hiện các kế hoạch nói trên.

3. Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương chịu trách nhiệm:    - Bố trí lịch làm việc của lãnh đạo UBND tỉnh; - Mời báo chí, truyền hình (nếu cần);

- Chuẩn bị phòng họp, trang thiết bị, trang trí (tiêu đề hội đàm, cờ, khẩu hiệu trong và ngoài phòng họp, biển tên, biển thông báo) và lễ tân trong phòng họp;

- Phân công chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh trực tiếp tham gia vào các buổi làm việc nói trên chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp, lưu giữ thông tin về buổi làm việc để sử dụng khi cần thiết;

- Tổ chức đón tiếp và làm việc với khách đúng thành phần theo triệu tập của lãnh đạo UBND tỉnh.

Điều 6. Khách nước ngoài vào thăm và làm việc trực tiếp với cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh

1. Đối với đoàn khách liên hệ làm việc trực tiếp với đơn vị trực thuộc thì thủ trưởng đơn vị đó phối hợp với Công an tỉnh thực hiện các quy định về quản lý nhập, xuất cảnh đối với khách nước ngoài và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo UBND tỉnh về nội dung các buổi tiếp và làm việc.

2. Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý khách nước ngoài trong thời gian khách làm việc với đơn vị, địa phương mình.

Điều 7. Chế độ báo cáo

1. Việc đón tiếp và làm việc với các đoàn khách chính thức của UBND tỉnh thì Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh sau buổi làm việc chậm nhất 02 ngày.

2. Tất cả các đoàn vào làm việc với các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh sau khi đã có văn bản cho phép của UBND tỉnh thì thủ trưởng của đơn vị tiếp và làm việc với khách nước ngoài đó phải báo cáo kết quả buổi làm việc gửi Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan để tổng hợp báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh chậm nhất 05 ngày sau khi kết thúc thời gian đăng ký hoạt động của đoàn.

Điều 8. Quản lý thông tin

1. Các tài liệu thông tin có giá trị về mặt đối ngoại của tỉnh thu thập được trong buổi tiếp và làm việc với đoàn khách nước ngoài được xem là tài sản chung. Trưởng đoàn hoặc cá nhân có tài liệu, thông tin đó phải bàn giao cho cơ quan tổ chức có liên quan để sử dụng.

2. Các tài liệu, thông tin về đối ngoại của tỉnh thu thập được trong quá trình đón đoàn vào khi chưa công bố phải được bảo quản như tài liệu mật.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của Văn phòng UBND tỉnh

1. Tổng hợp xây dựng kế hoạch đón đoàn vào của các sở, ban, ngành và địa phương trình lãnh đạo UBND tỉnh.

2. Tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh thực hiện quản lý đoàn vào theo đúng đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng, pháp luật Nhà nước CHXHCN Việt Nam, pháp luật và tập quán quốc tế, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này.

3. Trình lãnh đạo UBND tỉnh xem xét và ra quyết định sau khi nhận được công văn đề xuất đón đoàn vào của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

4. Hướng dẫn và phối hợp với các cấp, ngành liên quan làm thủ tục về lãnh sự, lễ tân đối với các đoàn vào; phối hợp và cung cấp các phương tiện cần thiết để đón tiếp các đoàn khách nước ngoài của lãnh đạo UBND tỉnh.

5. Tổng hợp, đánh giá và báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh về tình hình đoàn vào hàng năm.

Điều 10. Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị đón đoàn vào

1. Xây dựng kế hoạch đón đoàn vào cho năm sau (bao gồm đoàn vào lần đầu vào tỉnh Bình Thuận và những đoàn đã và đang quan hệ hợp tác làm ăn với tỉnh thông qua các sở, ban, ngành và địa phương) gửi Văn phòng UBND tỉnh vào cuối tháng 11 hàng năm để tổng hợp trình lãnh đạo UBND tỉnh phê duyệt.

Trường hợp đoàn vào đột xuất ngoài kế hoạch thì các sở, ban, ngành và địa phương báo cáo UBND tỉnh ngay sau khi nhận được đề nghị vào làm việc của đoàn, đồng thời gửi Văn phòng UBND tỉnh để có cơ sở tham mưu trình lãnh đạo UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến trước khi tiếp và làm việc với đoàn.

2. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc đề xuất nhân sự do mình phụ trách tham gia đón đoàn vào.

3. Việc đề xuất thành viên đoàn vào phải được xem xét kỹ, xuất phát từ nhu cầu công tác của đơn vị và phải có trong kế hoạch đã được Lãnh đạo UBND tỉnh thông qua.

4. Có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Công an tỉnh trong việc QLHĐNN, cũng như trong quá trình triển khai thực hiện chương trình đón tiếp đoàn vào liên quan đến ngành, địa phương mình.

Điều 11. Trách nhiệm của Công an tỉnh

1. Giúp UBND tỉnh chỉ đạo điều hành và quản lý Nhà nước trên lĩnh vực bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đối với QLHĐNN.

2. Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan theo dõi việc QLHĐNN có liên quan đến an ninh trật tự.

3. Xác minh các vấn đề có liên quan đến công tác bảo vệ an ninh quốc gia để tham mưu UBND tỉnh trong QLHĐNN; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động phá hoại, xâm hại đến lợi ích quốc gia.

Điều 12. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Quy chế này được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.

2. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Quy chế này thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Trách nhiệm thi hành

1. Chánh Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này, định kỳ báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh theo quy định.

2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành và địa phương trực thuộc UBND tỉnh và các đơn vị có liên quan tham gia đón tiếp các ĐVNN phải nghiêm túc thực hiện đúng theo Quy chế này.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc, chưa hợp lý, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổng hợp gửi Văn phòng UBND tỉnh để kịp thời báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 38/2010/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu38/2010/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành31/08/2010
Ngày hiệu lực10/09/2010
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBộ máy hành chính
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật14 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 38/2010/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 38/2010/QĐ-UBND Quy chế quản lý hoạt động đoàn vào


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 38/2010/QĐ-UBND Quy chế quản lý hoạt động đoàn vào
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu38/2010/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Bình Thuận
                Người kýHuỳnh Tấn Thành
                Ngày ban hành31/08/2010
                Ngày hiệu lực10/09/2010
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcBộ máy hành chính
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật14 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản gốc Quyết định 38/2010/QĐ-UBND Quy chế quản lý hoạt động đoàn vào

                        Lịch sử hiệu lực Quyết định 38/2010/QĐ-UBND Quy chế quản lý hoạt động đoàn vào

                        • 31/08/2010

                          Văn bản được ban hành

                          Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                        • 10/09/2010

                          Văn bản có hiệu lực

                          Trạng thái: Có hiệu lực