Quyết định 38/2016/QĐ-UBND

Quyết định 38/2016/QĐ-UBND Quy chế cứu hộ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Nội dung toàn văn Quyết định 38/2016/QĐ-UBND quy chế cứu hộ động vật hoang dã Quảng Bình 2016


UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/2016/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 29 tháng 11 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ CỨU HỘ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;

Căn cứ Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;

Căn cứ Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính;

Căn cứ Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

Căn cứ Thông tư số 99/2006/TT-BNN ngày 06 tháng 11 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 90/2008/TT-BNN ngày 28 tháng 8 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu;

Căn cứ Thông tư số 117/2010/NĐ-CP">78/2011/TT-BNNPTNT ngày 11 tháng 11 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết thi hành Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2097/TTr-SNN ngày 17 tháng 11 năm 2016.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế cứu hộ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành. Bãi bỏ Khoản 3 Điều 11 Quyết định số 18/2007/QĐ-UBND ngày 16 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành Quy chế quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan: Công an tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; Chủ Cơ sở cứu hộ động vật hoang dã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ NN&PTNT;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh:
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở: Tư pháp, NN&PTNT;
- Chi cục Kiểm lâm tỉnh;
- Trung tâm Tin học - Công báo;
-
Báo Quảng Bình; Đài PT-TH QB;
- Lưu: VT, KTN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Tiến Dũng

 

QUY CHẾ

CỨU HỘ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số:38/2016/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy chế này quy định nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục giao, nhận động vật hoang dã để cứu hộ, bảo quản tạm thời tang vật vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính và biện pháp xử lý động vật hoang dã trong và sau cứu hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

2. Động vật hoang dã là sinh vật biển và động vật thủy sinh không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước có liên quan đến các hoạt động cứu hộ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, một số thuật ngữ được hiểu như sau:

1. Động vật hoang dã là động vật có nguồn gốc từ tự nhiên chưa được con người thuần hóa.

2. Động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm là những loài động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm theo quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Động vật hoang dã thông thường là động vật không thuộc Khoản 2, Điều 3 Quy chế này.

4. Cứu hộ động vật hoang dã là những biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ của con người tác động vào từng cá thể động vật hoang dã để phục hồi sức khỏe và tập tính hoang dã của cá thể động vật đó.

5. Cơ sở cứu hộ động vật hoang dã là cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng và cứu hộ các loài động vật hoang dã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập theo quy định của pháp luật.

6. Giao động vật hoang dã để cứu hộ là việc chuyển giao các cá thể động vật hoang dã còn sống của cơ quan có thẩm quyền hoặc tự nguyện giao của tổ chức, cá nhân cho Cơ sở cứu hộ động vật hoang dã.

7. Giao động vật hoang dã để bảo quản tạm thời là việc chuyển giao tang vật bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính của cơ quan có thẩm quyền cho Cơ sở cứu hộ động vật hoang dã nhằm kịp thời chăm sóc, nuôi dưỡng các cá thể động vật hoang dã trong một thời gian nhất định để chờ xử lý.

8. Giao động vật hoang dã để thả về môi trường tự nhiên là việc chuyển giao các cá thể động vật hoang dã còn sống bằng quyết định chuyển giao của cơ quan có thẩm quyền cho chủ rừng nơi thả.

9. Tự nguyện giao động vật hoang dã để cứu hộ là hành động tự nguyện của tổ chức, cá nhân nuôi, giữ động vật hoang dã chuyển giao cho Cơ sở cứu hộ động vật hoang dã để chăm sóc, cứu hộ mà không có bất cứ yêu cầu và điều kiện gì.

10. Thời gian bảo quản tạm thời động vật hoang dã là khoảng thời gian chăm sóc tạm thời tại Cơ sở cứu hộ động vật hoang dã kể từ thời điểm tiếp nhận đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định áp dụng các biện pháp xử lý tang vật và hoàn tất các thủ tục bàn giao theo quy định của pháp luật.

11. Thời gian cứu hộ động vật hoang dã là khoảng thời gian từ khi tiếp nhận để cứu hộ đến khi đạt đủ điều kiện về sức khỏe, tập tính hoang dã và có quyết định xử lý tiếp theo của cơ quan có thẩm quyền.

12. Tang vật trong Quy chế này là các cá thể động vật hoang dã còn sống.

Chương II

GIAO, NHẬN ĐỘNG VẬT HOANG DÃ

Điều 4. Nguyên tắc giao, nhận động vật hoang dã

1. Chỉ giao, nhận để cứu hộ những loài động vật hoang dã có phân bố ở khu vực Bắc Trung Bộ của Việt Nam.

2. Việc giao, nhận động vật hoang dã chỉ được thực hiện khi đảm bảo các điều kiện, thủ tục quy định tại Điều 5 của Quy chế này.

3. Căn cứ vào tình hình thực tế, việc giao, nhận động vật hoang dã phải đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, phù hợp để giảm thiểu tối đa những tác động xấu đến động vật hoang dã.

Điều 5. Điều kiện, thủ tục giao, nhận động vật hoang dã

1. Điều kiện, thủ tục giao, nhận động vật hoang dã để cứu hộ được thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Mục II, Phần C, Thông tư số 90/2008/TT-BNN ngày 28 tháng 8 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu.

2. Trường hợp cá nhân, tổ chức tự nguyện giao động vật hoang dã để cứu hộ thì viết Đơn đề nghị chuyển giao và ký Biên bản bàn giao cho Cơ sở cứu hộ động vật hoang dã tiếp nhận để chăm sóc, cứu hộ.

3. Điều kiện, thủ tục giao, nhận động vật hoang dã để bảo quản tạm thời được thực hiện theo quy định tại Điều 12 và Khoản 3, Điều 13, Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

Điều 6. Địa điểm giao, nhận động vật hoang dã

1. Việc giao, nhận động vật hoang dã để cứu hộ, bảo quản tạm thời được thực hiện tại Cơ sở cứu hộ động vật hoang dã.

2. Trường hợp cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân giao động vật hoang dã để cứu hộ hoặc giao để bảo quản tạm thời không có thiết bị, công cụ, dụng cụ, phương tiện chuyên dụng để vận chuyển thì việc giao, nhận được thực hiện tại nơi giao hoặc nơi thu giữ.

Điều 7. Trách nhiệm của các bên liên quan trong giao, nhận động vật hoang dã

1. Cơ quan có thẩm quyền giao động vật hoang dã để cứu hộ có trách nhiệm làm các thủ tục và cung cấp đầy đủ các văn bản có liên quan theo quy định tại Khoản 1, Điều 5 Quy chế này.

2. Tổ chức, cá nhân tự nguyện giao động vật hoang dã để cứu hộ có trách nhiệm viết đơn tự nguyện giao động vật hoang dã và ký tên vào Biên bản bàn giao động vật cho Cơ sở cứu hộ động vật hoang dã.

3. Cơ quan có thẩm quyền giao động vật hoang dã để bảo quản tạm thời có trách nhiệm:

a) Làm các thủ tục và cung cấp đầy đủ văn bản có liên quan theo quy định tại Khoản 3, Điều 5 của Quy chế này.

b) Có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

4. Cơ sở cứu hộ động vật hoang dã có trách nhiệm:

a) Tiếp nhận, tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, cứu hộ kịp thời và đề xuất các biện pháp xử lý động vật hoang dã trong quá trình chăm sóc, cứu hộ.

b) Tổ chức bảo vệ an toàn cho động vật hoang dã và trả lại động vật hoang dã theo quy định tại Điều 7, Điều 8 và Điều 16 Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

c) Lập biên bản bàn giao và làm các thủ tục vận chuyển, kiểm dịch động vật hoang dã theo quy định của pháp luật đối với trường hợp động vật hoang dã được tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp.

Chương III

XỬ LÝ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ BẢO QUẢN TẠM THỜI

Điều 8. Xử lý động vật hoang dã hết thời gian bảo quản tạm thời

1. Động vật hoang dã hết thời gian bảo quản tạm thời và đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý tang vật ra quyết định tịch thu thì ưu tiên chuyển giao để cứu hộ. Trong trường hợp vụ việc chưa xử lý xong thì gia hạn cho Cơ sở cứu hộ động vật hoang dã tiếp tục bảo quản cho đến khi vụ việc được xử lý xong.

2. Trường hợp không đảm bảo điều kiện để xử lý theo Khoản 1, Điều này thì thực hiện xử lý bằng các biện pháp khác theo quy định tại Thông tư số 90/2008/TT-BNN ngày 28 tháng 8 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu.

Điều 9. Trả lại động vật hoang dã là tang vật đã được xử lý

Động vật hoang dã được giao để bảo quản tạm thời chưa hết thời hạn tạm giữ nhưng cơ quan có thẩm quyền tạm giữ tang vật đã có quyết định trả lại hoặc chuyển giao tang vật cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì Cơ sở cứu hộ động vật hoang dã có trách nhiệm trả lại động vật hoang dã theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

Điều 10. Xử lý động vật hoang dã chết trong thời gian bảo quản tạm thời

1. Cơ sở cứu hộ động vật hoang dã thông báo bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền xử lý tang vật về việc động vật hoang dã bị chết trong thời gian bảo quản tạm thời.

2. Cơ quan có thẩm quyền xử lý tang vật phối hợp với Cơ sở cứu hộ động vật hoang dã tiến hành kiểm tra, xác minh, lập biên bản và xử lý theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 12 của Quy chế này.

3. Trường hợp cá thể động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của Chính phủ bị chết trong thời gian bảo quản tạm thời thì xử lý theo quy định tại Khoản 5, Điều 13 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Chương IV

XỬ LÝ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRONG THỜI GIAN CỨU HỘ

Điều 11. Xử lý động vật hoang dã bị mắc bệnh truyền nhiễm

Động vật hoang dã trong thời gian cứu hộ có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm thì xử lý theo quy định tại Điều 19 Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015.

Điều 12. Xử lý động vật hoang dã chết trong thời gian cứu hộ

1. Trường hợp cá thể động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của Chính phủ bị chết trong thời gian cứu hộ thì xử lý theo quy định tại Khoản 4, Điều 14 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

2. Trường hợp cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nhưng không thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bị chết trong thời gian cứu hộ thì xử lý theo quy định tại Khoản 1, 2 Mục II, Phần B Thông tư số 90/2008/TT-BNN ngày 28 tháng 8 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu.

3. Trường hợp cá thể động vật hoang dã thông thường bị chết trong thời gian cứu hộ thì xử lý theo quy định tại Khoản 2, Mục V, Phần B Thông tư số 90/2008/TT-BNN ngày 28 tháng 8 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu.

Điều 13. Chuyển giao động vật hoang dã cho cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp

Những cá thể động vật hoang dã đã có đầy đủ hồ sơ giao nhận để cứu hộ nhưng Cơ sở cứu hộ động vật hoang dã không đảm bảo khả năng cứu hộ thành công loài đó thì tiến hành chuyển giao cho cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp theo quy định tại Khoản 3, Điều 14 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Điều 14. Nuôi động vật hoang dã sinh sản trong thời gian cứu hộ

1. Những cá thể động vật hoang dã được sinh ra trong thời gian cứu hộ phải được chăm sóc, nuôi dưỡng và tái lập tập tính hoang dã.

2. Khi những cá thể này trưởng thành và đủ điều kiện thả về môi trường tự nhiên thì tiến hành thả về môi trường tự nhiên theo quy định.

3. Trường hợp không đủ điều kiện thả về môi trường tự nhiên thì được phép nuôi bảo tồn loài theo quy định tại Điều 16 của Quy chế này.

Chương V

XỬ LÝ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ SAU CỨU HỘ

Điều 15. Thả về môi trường tự nhiên

1. Việc thả động vật hoang dã từ Cơ sở cứu hộ động vật hoang dã về môi trường tự nhiên được thực hiện như sau:

a) Đối với các loài động vật hoang dã thông thường và các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nhưng không thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thì thực hiện theo quy định tại Khoản 10.2 Mục 2, Thông tư số 99/2006/TT-BNN ngày 06 tháng 11 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Đối với các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thì thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

2. Trường hợp việc thả động vật hoang dã từ Cơ sở cứu hộ động vật hoang dã thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng về môi trường tự nhiên tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng quyết định thả và tổ chức thả theo đúng trình tự thủ tục quy định tại Khoản 10.2 Mục 2, Thông tư số 99/2006/TT-BNN ngày 06 tháng 11 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 16. Nuôi bảo tồn loài

1. Những cá thể động vật hoang dã sau khi cứu hộ nhưng không đủ điều kiện thả về môi trường tự nhiên, không đủ điều kiện chuyển giao cho cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp thì được nuôi để bảo tồn loài tại Cơ sở cứu hộ động vật hoang dã bằng nguồn kinh phí ngân sách cấp cho hoạt động cứu hộ động vật hoang dã và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

2. Việc nuôi bảo tồn loài phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện về chuồng trại, chế độ chăm sóc, thú y, vệ sinh môi trường như đối với việc cứu hộ động vật nhưng phải được bố trí chuồng trại riêng, có sinh cảnh và điều kiện phù hợp.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17. Đảm bảo kinh phí cho hoạt động cứu hộ động vật hoang dã

1. Kinh phí để cứu hộ động vật hoang dã được trích từ nguồn ngân sách tỉnh và được ghi trong dự toán chi ngân sách hàng năm cho Cơ sở cứu hộ động vật hoang dã.

2. Kinh phí để bảo quản tạm thời tang vật là động vật hoang dã quy định trong Quy chế này được thực hiện theo quy định tại Điểm b, c Khoản 1, Điều 9 và Điều 10 Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

Điều 18. Trách nhiệm thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh có thẩm quyền quyết định việc xử lý động vật hoang dã trong các trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 10; Khoản 1, 2, 3 Điều 12; Điều 13 và Khoản 1 Điều 15 của Quy chế này, đồng thời có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan Kiểm lâm, cơ quan thú y theo chức năng nhiệm vụ thực hiện đúng quy định của pháp luật và các quy định tại Quy chế này.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Công an tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm thực hiện đúng quy định của pháp luật và các quy định tại Quy chế này khi tham gia vào các hoạt động cứu hộ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

3. Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí đảm bảo cho hoạt động cứu hộ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

4. Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có trách nhiệm chỉ đạo Cơ sở cứu hộ động vật hoang dã và cơ quan kiểm lâm trực thuộc phối hợp tổ chức các hoạt động cứu hộ động vật hoang dã và tổ chức thực hiện việc nuôi bảo tồn loài đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và các quy định tại Quy chế này.

5. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt các quy định về cứu hộ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; tham gia tích cực vào các hoạt động cứu hộ động vật hoang dã có liên quan đến trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã.

Điều 19. Điều khoản thi hành

Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy chế này, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định./.

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 38/2016/QĐ-UBND

Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 38/2016/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành 29/11/2016
Ngày hiệu lực 09/12/2016
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lực Còn hiệu lực
Cập nhật 8 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 38/2016/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 38/2016/QĐ-UBND quy chế cứu hộ động vật hoang dã Quảng Bình 2016


Văn bản liên quan ngôn ngữ

Văn bản sửa đổi, bổ sung

Văn bản bị đính chính

Văn bản được hướng dẫn

Văn bản bị thay thế

Văn bản hiện thời

Quyết định 38/2016/QĐ-UBND quy chế cứu hộ động vật hoang dã Quảng Bình 2016
Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 38/2016/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Tiến Dũng
Ngày ban hành 29/11/2016
Ngày hiệu lực 09/12/2016
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lực Còn hiệu lực
Cập nhật 8 năm trước

Văn bản thay thế

Văn bản hướng dẫn

Văn bản được hợp nhất

Văn bản gốc Quyết định 38/2016/QĐ-UBND quy chế cứu hộ động vật hoang dã Quảng Bình 2016

Lịch sử hiệu lực Quyết định 38/2016/QĐ-UBND quy chế cứu hộ động vật hoang dã Quảng Bình 2016