Nội dung toàn văn Quyết định 38/QĐ-TTg quy định việc phối hợp trong phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS qua đường biên giới
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 38/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH VIỆC PHỐI HỢP TRONG PHÒNG, CHỐNG LÂY NHIỄM HIV/AIDS QUA ĐƯỜNG BIÊN GIỚI
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quyết định này quy định về nguyên tắc, nội dung, hình thức và trách nhiệm thực hiện các hoạt động phối hợp trong phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS qua đường biên giới giữa các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp nơi có đường biên giới hoặc cửa khẩu quốc tế của Việt Nam (sau đây gọi tắt là cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam) với các cơ quan tương ứng của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam.
2. Quyết định này áp dụng đối với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp nơi có đường biên giới hoặc cửa khẩu quốc tế của Việt Nam liên quan đến các hoạt động phối hợp phòng, chống HIV/AIDS.
Điều 2. Nguyên tắc thực hiện việc phối hợp
1. Phù hợp với lợi ích quốc gia và đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.
3. Phù hợp với các nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế.
4. Phù hợp với điều ước quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
5. Phù hợp với pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS và pháp luật khác có liên quan của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước có chung đường biên giới.
6. Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan trực tiếp thực hiện các hoạt động phối hợp.
Điều 3. Nội dung phối hợp
1. Trao đổi thông tin, kinh nghiệm về phòng, chống HIV/AIDS với nước có chung đường biên giới.
2. Phối hợp trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS qua đường biên giới, bao gồm:
a) Điều tra, khảo sát về thực trạng tình hình lây truyền HIV/AIDS tại các khu vực có chung đường biên giới;
b) Thông tin, giáo dục truyền thông nhằm thay đổi hành vi bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng và bằng ngôn ngữ của các dân tộc sinh sống tại khu vực có chung đường biên giới;
c) Cung cấp miễn phí hoặc bán trợ giá bao cao su, bơm kim tiêm sạch thông qua các chương trình, dự án;
d) Khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục tại khu vực có chung đường biên giới;
đ) Tư vấn, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS tại khu vực có chung đường biên giới.
3. Lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khi tiến hành các hoạt động phối hợp về phòng, chống ma túy, mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em qua đường biên giới và các tệ nạn xã hội khác.
4. Các nội dung phối hợp khác phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương.
Điều 4. Hình thức phối hợp
1. Ký kết các thỏa thuận quốc tế hoặc trao đổi văn kiện tạo thành thỏa thuận quốc tế.
2. Xây dựng kế hoạch phối hợp trong phòng, chống HIV/AIDS tại khu vực có chung đường biên giới.
3. Tổ chức các buổi họp định kỳ hoặc trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giữa các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp của Việt Nam với các cơ quan tương ứng của nước có chung đường biên giới để kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các hoạt động phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS qua đường biên giới.
4. Các hình thức phối hợp khác phù hợp với tình hình thực tế của Bộ, ngành và địa phương.
Điều 5. Trách nhiệm thực hiện
1. Bộ Y tế:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan:
- Tham mưu cho cấp có thẩm quyền trong việc xây dựng, đàm phán và ký kết các điều ước quốc tế về phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS với các nước có chung đường biên giới;
- Trực tiếp đàm phán và ký kết các thỏa thuận quốc tế về phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS với các cơ quan tương ứng của các nước có chung đường biên giới;
b) Tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế về phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS qua đường biên giới;
c) Hướng dẫn, chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh có đường biên giới thực hiện công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS qua đường biên giới theo quy định tại Điều 3 Quyết định này.
2. Bộ Công an:
a) Tham mưu cho cấp có thẩm quyền về các nội dung phòng, chống HIV/AIDS khi ký kết các điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em và các tệ nạn xã hội khác với các nước có chung đường biên giới;
b) Nghiên cứu, lồng ghép các nội dung về phòng, chống HIV/AIDS khi ký kết các thỏa thuận quốc tế về phòng, chống tội phạm ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em và các tệ nạn xã hội khác với các nước có chung đường biên giới;
c) Thực hiện việc lồng ghép các nội dung về phòng, chống HIV/AIDS khi triển khai các hoạt động về phòng, chống tội phạm ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em và các tệ nạn xã hội khác tại khu vực có chung đường biên giới;
d) Phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan trong việc tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS qua đường biên giới theo quy định tại Điều 3 Quyết định này;
đ) Chỉ đạo lực lượng công an các cấp cung cấp thông tin về tình hình quản lý nhân khẩu trên địa bàn được giao quản lý và phối hợp với cơ quan y tế cùng cấp trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Tham mưu cho cấp có thẩm quyền về các nội dung phòng, chống HIV/AIDS khi ký kết các điều ước quốc tế về phòng, chống mại dâm, cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma tuý và hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về (sau đây gọi chung là phòng, chống mại dâm, ma tuý và các tệ nạn xã hội khác) với các nước có chung đường biên giới;
b) Nghiên cứu, lồng ghép các nội dung về phòng, chống HIV/AIDS vào các thỏa thuận quốc tế về phòng, chống mại dâm, ma tuý và các tệ nạn xã hội khác với các nước có chung đường biên giới;
c) Thực hiện việc lồng ghép các nội dung về phòng, chống HIV/AIDS khi triển khai các hoạt động về phòng, chống mại dâm, ma tuý và các tệ nạn xã hội khác tại khu vực có chung đường biên giới;
d) Phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan trong việc tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS qua đường biên giới theo quy định tại Điều 3 Quyết định này;
đ) Hướng dẫn, chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh có đường biên giới:
- Thực hiện việc lồng ghép công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS qua biên giới với công tác phòng, chống mại dâm, ma tuý và các tệ nạn xã hội khác;
- Phối hợp với cơ quan y tế cùng cấp trong việc tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
4. Bộ Quốc phòng:
a) Tham mưu cho cấp có thẩm quyền về các nội dung phòng, chống HIV/AIDS khi ký kết các điều ước quốc tế về an ninh, quốc phòng với các nước có chung đường biên giới;
b) Nghiên cứu, lồng ghép các nội dung về phòng, chống HIV/AIDS vào các thỏa thuận quốc tế về an ninh, quốc phòng với các nước có chung đường biên giới;
c) Thực hiện việc lồng ghép các nội dung về phòng, chống HIV/AIDS khi triển khai các hoạt động về an ninh, quốc phòng tại khu vực có chung đường biên giới;
d) Phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan trong việc tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS qua đường biên giới theo quy định tại Điều 3 Quyết định này;
đ) Chỉ đạo các đơn vị quân đội đóng quân tại khu vực biên giới lồng ghép các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS vào các hoạt động của đơn vị và tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân trên địa bàn đóng quân.
e) Chỉ đạo các đơn vị Bộ đội Biên phòng đóng quân tại khu vực biên giới:
- Lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với các hoạt động bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và đấu tranh phòng, chống ma túy, mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới;
- Phối hợp với cơ quan công an trên địa bàn trong việc quản lý nhân khẩu ở các xã, phường, thị trấn có đường biên giới để cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan y tế cùng cấp trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS;
5. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm nghiên cứu để lồng ghép các hoạt động phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS qua đường biên giới khi tiến hành thẩm định các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế.
6. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm nghiên cứu để lồng ghép các hoạt động phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS qua đường biên giới khi ký kết các thỏa thuận quốc tế hoặc tham mưu cho Chính phủ lồng ghép các nội dung về phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS qua đường biên giới khi ký kết các điều ước quốc tế.
7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
- Đàm phán và ký kết các thỏa thuận quốc tế với cơ quan tương ứng của các nước có chung đường biên giới về việc triển khai các biện pháp phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS qua đường biên giới theo các nội dung qui định tại Điều 3 của Quyết định này, đặc biệt chú trọng việc đàm phán các thỏa thuận về việc tổ chức các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS tại các điểm vui chơi giải trí, chợ đường biên tại khu vực đường biên giới;
- Chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tiến hành việc lồng ghép và triển khai các hoạt động phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS qua đường biên giới với các hoạt động phòng, chống ma túy, mại dâm, buôn bán trẻ em, phụ nữ qua đường biên giới;
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc thẩm quyền quản lý tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS qua đường biên giới.
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện:
- Tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS qua đường biên giới theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Nghiên cứu tình hình thực tế của địa phương đề xuất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các biện pháp phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS qua đường biên giới.
c) Ủy ban nhân dân cấp xã:
- Tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS qua đường biên giới theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Nghiên cứu tình hình thực tế của địa phương đề xuất với Ủy ban nhân dân huyện để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về các biện pháp phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS qua đường biên giới.
Điều 6. Kinh phí thực hiện
Hàng năm, các bộ, ngành, địa phương lập kế hoạch bố trí và sử dụng ngân sách để triển khai các hoạt động phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS qua biên giới theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 7. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố theo quy định tại khoản 2 Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |