Quyết định 402/QĐ-UBND

Quyết định 402/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025

Nội dung toàn văn Quyết định 402/QĐ-UBND 2015 phát triển hạ tầng viễn thông thụ động Ninh Bình


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 402/QĐ-UBND

Ninh Bình, ngày 5 tháng 5 năm 2015

 

QUYẾT ÐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH HẠ TẦNG KỸ THUẬT VIỄN THÔNG THỤ ĐỘNG TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2015 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Viễn thông số 41/2009/QH12 ngày 23/11/2009;

Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6/4/2011 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Viễn thông, trong đó có quy định quy hoạch, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông;

Căn cứ Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg ngày 27/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư 14/2013/TT-BTTTT ngày 21/6/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương;

Căn cứ Quyết định số 1266/2014/QĐ-TTg ngày 28/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 195/TTr-STTTT ngày 10/4/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025 với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về xây dựng, phát triển hạ tầng mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh.

2. Phát triển hạ tầng mạng viễn thông ứng dụng các công nghệ mới, đồng bộ, hiện đại, phù hợp với phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển viễn thông trong tương lai.

3. Phát triển hạ tầng mạng viễn thông đi đôi với sử dụng hiệu quả hạ tầng mạng lưới; đảm bảo mỹ quan đô thị, đảm bảo cảnh quan kiến trúc các công trình lịch sử, văn hóa; đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn chất lượng.

4. Phát triển hạ tầng viễn thông thụ động chủ yếu theo hướng dùng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp; tiết kiệm nguồn vốn đầu tư, đảm bảo mỹ quan đô thị; các doanh nghiệp cùng đầu tư một lần và sử dụng chung cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp không tham gia đầu tư khi muốn sử dụng chung cơ sở hạ tầng phải thuê lại hạ tầng với giá do doanh nghiệp đầu tư quy định.

5. Phát triển hạ tầng mạng viễn thông đi đôi với việc bảo đảm an ninh - quốc phòng, an toàn mạng lưới thông tin góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

6. Tạo điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp tham gia thị trường; xây dựng phát triển hạ tầng mạng lưới. Tạo lập thị trường cạnh tranh, phát triển lành mạnh, bình đẳng. Xã hội hóa trong xây dựng, phát triển hạ tầng mạng viễn thông.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

a) Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong xây dựng, phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh.

b) Phát triển mạng lưới, hoàn thiện nâng cấp mạng lưới lên công nghệ NGN; phát triển, ngầm hóa hạ tầng mạng cáp viễn thông (tính đến tủ cáp) khu vực thành phố, trung tâm các huyện.

c) Hình thành xa lộ thông tin nối tới tất cả các huyện, thành phố, xã, phường trong tỉnh bằng cáp quang và các phương thức truyền dẫn băng rộng khác.

d) Phát triển hạ tầng viễn thông đồng bộ, phù hợp với sự phát triển hạ tầng viễn thông cả nước.

2. Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2020:

a) Ngầm hóa 100% hạ tầng mạng cáp ngoại vi viễn thông tại khu vực các tuyến đường, phố, khu đô thị, khu công nghiệp xây dựng mới.

b) Tỷ lệ ngầm hóa hạ tầng mạng cáp ngoại vi viễn thông tính theo tuyến đường, phố đạt 10 - 15% (chỉ tính các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và đường đô thị; không tính đến hệ thống đường xã, đường thôn, xóm).

c) Tỷ lệ ngầm hóa hạ tầng mạng cáp ngoại vi viễn thông tính theo tuyến đường, phố khu vực đô thị đạt 40 - 45% (chỉ tính các tuyến đường, phố nằm trong khu vực đô thị).

d) Tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng cột treo cáp đạt trên 85%.

e) Tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng cột ăng ten trạm thu phát sóng thông tin di động phát triển mới đạt 40 - 45%.

f) Hoàn thiện xây dựng hạ tầng truyền dẫn số trên địa bàn tỉnh.

g) Hoàn thiện cải tạo hạ tầng cột ăng ten (cải tạo cột ăng ten loại A2a sang cột ăng ten không cồng kềnh loại A1) tại 8 khu vực, tuyến đường, phố chính thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp, khu vực trung tâm các huyện.

h) Hoàn thiện cải tạo hạ tầng mạng cáp ngoại vi (cáp treo trên cột điện lực, cột viễn thông) tại khu vực, tuyến đường, phố chính tại thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp, trung tâm các huyện và khu vực các khu du lịch, khu di tích.

III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KỸ THUẬT VIỄN THÔNG THỤ ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2015 - 2020

1. Công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia

Các công trình hệ thống truyền dẫn viễn thông quốc tế đường dài liên tỉnh và khu vực:

a) Xây dựng các phương án cải tạo và nâng cấp dung lượng mạch vòng cáp quang: Hà Nội - Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh, sử dụng công nghệ truyền dẫn quang dung lượng cao WDM, ứng dụng khuếch đại quang sợi EDFA, công nghệ chuyển mạch tự động ASON/GMPLS.

b) Xây dựng tuyến truyền dẫn dự phòng, đảm bảo an toàn khi thiên tai, sự cố xảy ra.

c) Nâng cấp, bảo vệ hạ tầng công trình các tuyến truyền dẫn viễn thông liên tỉnh.

Các công trình viễn thông phục vụ sự chỉ đạo điều hành trực tiếp của các cơ quan Đảng, Nhà nước; Mạng viễn thông dùng riêng bảo đảm thông tin chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Trung ương Đảng và Nhà nước đến tỉnh Ninh Bình.

a) Nâng cấp dung lượng tuyến truyền dẫn viễn thông dùng riêng, kết nối từ mạng viễn thông dùng riêng của tỉnh tới thiết bị định tuyến của Bưu điện Trung ương. Xây dựng tuyến truyền dẫn dự phòng, đảm bảo an toàn khi thiên tai xảy ra.

b) Xây dựng các tuyến truyền dẫn cáp quang, kết nối các điểm truy nhập tại khu vực xã, phường, thị trấn tới hệ thống mạng viễn thông dùng riêng hiện tại.

c) Xây dựng các tuyến truyền dẫn cáp quang nối vòng Ring giữa các huyện, thị, thành đảm bảo an toàn an ninh thông tin, đảm bảo an toàn thông tin khi thiên tai xảy ra.

d) Lắp đặt các thiết bị truy nhập đa dịch vụ tại trụ sở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện, thị, thành.

2. Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng

a) Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ

- Duy trì các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ hiện tại; phát triển mới 30 Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ tại các khu vực có điều kiện kinh tế xã hội phát triển, khu vực trung tâm các huyện, thành phố, khu vực có lượng khách hàng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng.

- Giai đoạn đến 2020, quy hoạch phát triển mới 30 Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, cụ thể: Thành phố Ninh Bình 9 điểm; thị xã Tam Điệp 3 điểm; huyện Gia Viễn 3 điểm; huyện Hoa Lư 3 điểm; huyện Kim Sơn 3 điểm; huyện Nho Quan 3 điểm; huyện Yên Khánh 3 điểm; huyện Yên Mô 3 điểm.

- Phát triển điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ tới cấp xã (doanh nghiệp viễn thông phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai cung cấp dịch vụ tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã trên địa bàn tỉnh). Kết nối Internet băng rộng tới 100% các điểm, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng dịch vụ, đồng thời đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

b) Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng không có người phục vụ

Không quy hoạch phát triển mới

3. Quy hoạch cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động

a) Cột ăng ten không cồng kềnh A1a, A1b: Quy hoạch phát triển hạ tầng cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động tại khu vực đô thị, khu vực yêu cầu cao về mỹ quan.

- Khu vực đô thị, khu vực yêu cầu cao về mỹ quan bao gồm:

+ Khu vực các khu di tích: Khu du tích Tràng An, Núi Non Nước, khu di tích Phòng Tuyến, Chùa Bái Đính, Đền thờ Đinh Bộ Lĩnh; Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động…

+ Khu vực các tuyến đường chính tại trung tâm thành phố, thị xã: Thành phố Ninh Bình gồm các tuyến đường: Đinh Tiên Hoàng, Vạn Hạnh, Tràng An, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Công Trứ, Đường 30 tháng 6, Lê Đại Hành, Nguyễn Huệ; thị xã Tam Điệp gồm các tuyến đường: Quang Trung, Đồng Giao, Lý Thường Kiệt, Trần Phú, Ngô Thị Nhậm, Trần Hưng Đạo, Thiên Quang.

+ Khu vực các tuyến đường chính tại trung tâm các huyện.

+ Khu vực Nhà hát, Quảng trường; khu vực trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, thể thao của tỉnh và thành phố.

- Quy hoạch trong giai đoạn tới ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng, phát triển loại cột ăng ten không cồng kềnh A1 (A1a, A1b); hạn chế, khống chế số lượng cột ăng ten cồng kềnh A2 (A2a, A2b) xây dựng, phát triển mới tại khu vực này. Từng bước chuyển đổi hệ thống hạ tầng cột ăng ten loại A2a hiện trạng sang cột ăng ten loại A1.

- Quy hoạch khu vực, tuyến đường, tuyến phố chỉ được phép lắp đặt cột ăng ten A1 gồm 34 khu vực, đường, phố, trong đó: Thành phố Ninh Bình 10 khu vực, đường, phố); thị xã Tam Điệp 8 khu vực, đường, phố; huyện Gia Viễn 2 khu vực, đường, phố; huyện Hoa Lư 3 khu vực, đường, phố; huyện Kim Sơn 4 khu vực, đường, phố; huyện Nho Quan 3 khu vực, đường, phố; huyện Yên Khánh 2 khu vực, đường, phố; huyện Yên Mô 2 khu vực, đường, phố.

b) Cột ăng ten cồng kềnh A2 (A2a, A2b): Xây dựng, phát triển mới cột ăng ten loại A2 tại các khu vực: nông thôn (khu vực địa bàn các xã), những địa điểm có điều kiện sử dụng tài nguyên đất, những khu vực cần tăng tầm phủ sóng, không thuộc khu vực lắp đặt cột ăng ten A1a, A1b.

- Quy hoạch trong giai đoạn tới các doanh nghiệp chủ yếu xây dựng, phát triển loại cột ăng ten cồng kềnh A2 (A2a, A2b) tại khu vực trên.

- Quy hoạch xây dựng, phát triển cột ăng ten loại A2b có chiều cao dưới 50m tại các khu vực đô thị và địa bàn các xã, phường trong thành phố, thị xã; khu vực các xã có địa hình bằng phẳng, diện tích nhỏ, mật độ tập trung dân cư lớn.

- Quy hoạch xây dựng, phát triển cột ăng ten loại A2b có chiều cao dưới 100m tại khu vực các xã có địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa; khu vực các xã vùng sâu, vùng xa; các khu vực cần đảm bảo vùng phủ sóng rộng.

- Quy hoạch khu vực, tuyến đường, phố được phép lắp đặt cột ăng ten A2 gồm 145 khu vực, tuyến đường, phố, trong đó: Thành phố Ninh Bình 14 khu vực, đường, phố; thị xã Tam Điệp 9 khu vực, đường, phố; huyện Gia Viễn 21 khu vực, đường, phố; huyện Hoa Lư 11 khu vực, đường, phố; huyện Kim Sơn 27 khu vực, đường, phố; huyện Nho Quan 27 khu vực, đường, phố; huyện Yên Khánh 19 khu vực, đường, phố; huyện Yên Mô 17 khu vực, đường, phố.

c) Quy hoạch cột ăng ten theo khoảng cách

- Quy định khoảng cách đối với các cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động:

Đơn vị tính: m

TT

Loại cột ăng ten

Đô thị

Ngoài đô thị

1

A2a

100

250

2

A2b

200

400

Các cột ăng ten được xây dựng không đảm bảo khoảng cách quy định trên, bắt buộc phải sử dụng chung cơ sở hạ tầng với các doanh nghiệp khác hoặc chuyển đổi sang loại A1

d) Nguyên tắc xây dựng cột ăng ten

- Cột ăng ten phải bảo đảm an toàn, mỹ quan và tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, xây dựng công trình và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan.

- Độ cao cột ăng ten được xây dựng phải đáp ứng yêu cầu an toàn hàng không theo quy định của pháp luật.

- Vị trí và hình dáng cột ăng ten khi triển khai thực hiện phải có ý kiến của các cơ quan quản lý kiến trúc, cảnh quan có liên quan theo quy định.

- Hệ thống ăng ten lắp đặt trên cột ăng ten phải bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về tương thích điện từ, an toàn bức xạ vô tuyến điện.

- Cột ăng ten thiết kế phải đảm bảo chịu đựng sức gió cấp 15, giật cấp 18.

- Để đảm bảo chất lượng phủ sóng, mỹ quan, tránh sử dụng lãng phí tài nguyên đất quy định khoảng cách xây dựng các cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động.

e) Cải tạo, sắp xếp hệ thống ăng ten thu phát sóng thông tin di động

- Đối tượng thực hiện cải tạo:

+ Cột ăng ten trạm thu phát sóng thuộc khu vực đô thị, khu vực tập trung đông dân cư (khu vực hoặc tuyến đường, phố chính trong thành phố, thị xã; khu vực các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh thuộc trung tâm các huyện).

+ Khu vực có yêu cầu cao về mỹ quan: khu trung tâm hành chính, khu di tích, khu du lịch…

+ Các cột ăng ten không phù hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng của thành phố, cột không có giấy phép xây dựng.

+ Cột ăng ten trạm thu phát sóng có vị trí gần mặt đường, độ cao không hợp lý, ảnh hưởng tới mỹ quan.

+ Khu vực mật độ cột ăng ten trạm thu phát sóng quá dày: khoảng cách giữa các cột ăng ten quá gần nhau.

- Phương hướng thực hiện cải tạo:

+ Hạ độ cao cột ăng ten: Hạ độ cao cột ăng ten loại A2a xuống mức cho phép hoặc cải tạo, chuyển đổi sang cột ăng ten ngụy trang, thân thiện môi trường.

+ Quy hoạch vị trí mới: Chuyển các cột ăng ten không đảm bảo mỹ quan, các cột ăng ten có khoảng cách quá gần nhau về vị trí mới phù hợp hơn. Vị trí phù hợp là vị trí có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp dùng chung và đảm bảo yêu cầu về mỹ quan; đảm bảo vùng phủ sóng cho thuê bao. Trong trường hợp không có vị trí phù hợp, giữ nguyên hiện trạng; cải tạo hạ độ cao cột ăng ten xuống mức cho phép.

- Số lượng cải tạo cột ăng ten: Cải tạo 10 cột ăng ten tại các khu vực sau: Thành phố Ninh Bình 7 cột; huyện Hoa Lư 1 cột; huyện Kim Sơn 2 cột.

- Lộ trình triển khai:

+ Giai đoạn đến 2018 (31/12/2018): Cải tạo 7 cột ăng ten A2a hiện trạng tại các khu vực, tuyến đường, phố chính tại thành phố Ninh Bình: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Lương Văn Thăng, khu vực Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, khu vực Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình.

+ Giai đoạn đến 2020 (31/12/2020): Cải tạo 3 cột ăng ten A2a hiện trạng tại các khu vực, tuyến đường, phố chính tại huyện Hoa Lư, huyện Kim Sơn: Khu du lịch Tràng An (huyện Hoa Lư), quốc lộ 10 và tỉnh lộ 481 (huyện Kim Sơn).

4. Quy hoạch cột ăng ten thu phát sóng Phát thanh truyền hình

Tiếp tục duy trì các phương thức truyền dẫn phát sóng đa dạng: truyền dẫn phát sóng tương tự (Analog), truyền dẫn phát sóng trên mạng lưới truyền hình cáp, truyền dẫn phát sóng trên mạng Internet, truyền dẫn phát sóng trên vệ tinh, truyền dẫn phát sóng số mặt đất.

Đến năm 2020:

- 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được trang bị đài truyền thanh không dây, vị trí đặt cột ăng ten đài truyền thanh không dây tại khuôn viên UBND xã, phường, thị trấn. Nâng cấp, cải tạo hệ thống đài truyền thanh không dây cho các xã, phường, thị trấn đã hư hỏng, xuống cấp.

- Đài PTTH tỉnh phối hợp với doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng phát thử nghiệm sóng truyền hình số mặt đất.

- Đến ngày 31/12/2016, Đài PTTH tỉnh kết thúc phát sóng bằng công nghệ Analog, chuyển toàn bộ sang phát sóng số.

5. Quy hoạch cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm

a) Quy hoạch khu vực, tuyến, hướng được treo cáp trên cột viễn thông

- Ngoài những khu vực quy hoạch ngầm hóa mạng ngoại vi thuộc các phường trong TP. Ninh Bình, TX. Tam Điệp và các thị trấn trên địa bàn tỉnh.

- Các tuyến đường nhánh TP. Ninh Bình, TX. Tam Điệp.

- Khu vực hệ thống cột điện lực không đủ điều kiện để các doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung hạ tầng hoặc khu vực không có hệ thống cột điện lực.

- Khu vực, tuyến, hướng có địa hình khó khăn, không thể triển khai ngầm hóa.

b) Quy hoạch khu vực, tuyến, hướng được treo cáp trên cột điện

- Khu vực không còn khả năng đi ngầm cáp trong các công trình ngầm tại khu vực đô thị.

- Khu vực không thể xây dựng tuyến cột treo cáp viễn thông riêng biệt tại khu vực đô thị.

- Khu vực chưa thể xây dựng hạ tầng cống bể để hạ ngầm cáp viễn thông.

- Khu vực có nhu cầu sử dụng dịch vụ thấp: khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

c) Quy hoạch khu vực, tuyến, hướng xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm

- Khu vực xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm:

+ Khu vực các trung tâm hành chính của tỉnh và TP. Ninh Bình

+ Khu vực yêu cầu cao về mỹ quan: khu vực Nhà hát, khu vực Quảng trường, Bảo tàng, Công viên.

+ Khu vực các tuyến đường, phố chính tại khu vực TP. Ninh Bình: Đinh Tiên Hoàng, Vạn Hạnh, Tràng An, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Công Trứ, Đường 30 tháng 6, Lê Đại Hành, Nguyễn Huệ…; TX.Tam Điệp: Quang Trung, Đồng Giao, Trần Phú, Ngô Thị Nhậm, Trần Hưng Đạo, Thiên Quang, Lý Thường Kiệt…; khu vực thị trấn các huyện.

+ Khu vực các tuyến đường trục qua trung tâm huyện: quốc lộ 1A, quốc lộ 10, quốc lộ 38B, quốc lộ 12B…; Đường tỉnh 477, 480, 481 (Quốc lộ 12B kéo dài), 480C…

+ Khu vực các khu du lịch, khu di tích: Khu du lịch Tràng An, Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động…

+ Khu vực các khu công nghiệp: Khu công nghiệp Khánh Phú, khu công nghiệp Phúc Sơn, khu công nghiệp Tam Điệp, khu công nghiệp Gián Khẩu, khu công nghiệp Xích Thổ, khu công nghiệp Sơn Hà, khu công nghiệp Khánh Cư…

+ Khu vực các khu đô thị, khu dân cư mới: Khu đô thị mới phường Nam Thành (TP. Ninh Bình), khu đô thị mới Tây Đồng Giao (TX. Tam Điệp)…

+ Khu vực các tuyến đường xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng: Trần Nhân Tông, Nguyễn Minh Không (TP. Ninh Bình); Quang Trung, Đồng Giao (TX. Tam Điệp)…

- Quy hoạch các khu vực, tuyến đường phố xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm phân theo đơn vị hành chính: 76 khu vực, tuyến đường, phố với gần 200km: Thành phố Ninh Bình 37 khu vực, đường, phố; thị xã Tam Điệp 11 khu vực, đường, phố; huyện Gia Viễn 5 khu vực, đường, phố; huyện Hoa Lư 4 khu vực, đường, phố; huyện Kim Sơn 5 khu vực, đường, phố; huyện Nho Quan 6 khu vực, đường, phố; huyện Yên Khánh 4 khu vực, đường, phố; huyện Yên Mô 4 khu vực, đường, phố.

- Lộ trình ngầm hóa:

+ Giai đoạn 2015 - 2017: Ngầm hóa một số khu vực, tuyến đường, phố chính trên địa bàn TP. Ninh Bình: Lê Đại Hành, Nguyễn Huệ, Đinh Tiên Hoàng, Vạn Hạnh, Tràng An, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Công Trứ, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10, Trần Nhân Tông, Nguyễn Minh Không, Đường 30 tháng 6.

+ Giai đoạn 2018 - 2019: Ngầm hóa tại các khu vực, tuyến đường, phố chính trên địa bàn TP. Ninh Bình, TX. Tam Điệp và một số khu vực tuyến đường, phố chính tại trung tâm các huyện.

+ Đến năm 2020: Hoàn thiện xây dựng ngầm hóa tại khu vực thành phố, trung tâm các huyện; khu vực các khu công nghiệp, đô thị, dân cư mới; khu du lịch, khu di tích.

d) Cải tạo, chỉnh trang hệ thống cáp viễn thông

- Khu vực cải tạo: Khu vực, tuyến đường, phố trên địa bàn thành phố, thị xã và trung tâm các huyện; khu vực có yêu cầu cao về mỹ quan.

- Phương thức cải tạo

+ Buộc gọn hệ thống dây cáp.

+ Loại bỏ các sợi cáp, cáp không còn sử dụng.

+ Xóa bỏ tình trạng cáp treo tại các ngã tư, tại các nút giao thông.

+ Xóa bỏ tình trạng cáp treo cắt ngang qua các tuyến đường, tuyến phố.

- Quá trình cải tạo, di chuyển, sắp xếp các đường dây, cáp nổi (cáp viễn thông, cáp truyền hình) trên các khu vực, tuyến đường phố phải đáp ứng các yêu cầu:

+ Phải đảm bảo sự kết nối với hệ thống đường dây, đường cáp chung của đô thị; đảm bảo yêu cầu về an toàn kỹ thuật, quản lý vận hành và mỹ quan đô thị.

+ Khi cải tạo, sắp xếp các đường dây, đường cáp nổi phải gắn thẻ nhựa hoặc biển nhựa ghi tên của đơn vị quản lý đường dây, đường cáp ở vị trí dễ nhận biết để thuận tiện cho việc quản lý, vận hành.

- Lộ trình cải tạo:

+ Giai đoạn đến 2016: Triển khai cải tạo, chỉnh trang thí điểm hạ tầng mạng cáp viễn thông trên một số tuyến đường chính khu vực TP. Ninh Bình, TX. Tam Điệp.

+ Giai đoạn 2017 - 2018: Hoàn thiện cải tạo, chỉnh trang hạ tầng mạng cáp viễn thông tại khu vực TP. Ninh Bình, TX. Tam Điệp.

+ Giai đoạn 2019 - 2020: Hoàn thiện cải tạo, chỉnh trang hạ tầng mạng cáp viễn thông tại trung tâm các huyện trên địa bàn toàn tỉnh.

IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KỸ THUẬT VIỄN THÔNG THỤ ĐỘNG TỈNH NINH BÌNH ĐẾN NĂM 2025

1. Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng

- Phát triển điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ rộng khắp trên địa bàn tỉnh; đa dạng hóa và nâng cao các loại hình dịch vụ, phổ cập dịch vụ tới mọi người dân.

- Phát triển các điểm giao dịch tự động (thanh toán cước viễn thông, cước Internet, điện thoại, điện, nước tự động…), điểm tra cứu thông tin du lịch, điểm truy nhập Internet không dây công cộng: phục vụ phát triển du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng.

2. Cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động

- Ứng dụng và phát triển các giải pháp kiến trúc mạng truy nhập vô tuyến mới (lightRadio, cloud RAN…) giảm thiểu số lượng các nhà trạm thông tin di động, giảm chi phí về năng lượng, chi phí thuê địa điểm, chi phí bảo vệ.

- Phát triển hệ thống anten trạm thu phát sóng theo công nghệ đa tần: một anten có thể thu phát trên nhiều dải tần khác nhau. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp đầu tư sử dụng chung hạ tầng, tiết kiệm chi phí (nhiều doanh nghiệp cùng sử dụng chung hạ tầng một anten, mỗi doanh nghiệp thu phát trên một băng tần khác nhau).

- Phát triển mạnh hạ tầng cột ăng ten không cồng kềnh, cột ăng ten thu phát sóng ngụy trang đến khu vực trung tâm các huyện: cột ăng ten có kích thước và quy mô nhỏ gọn, thân thiện môi trường, ngụy trang ẩn vào các công trình kiến trúc và cảnh quan xung quanh, đảm bảo mỹ quan đô thị.

- Tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng cột ăng ten trạm thu phát sóng thông tin di động phát triển mới đạt 40 - 55%.

3. Cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm

- Xây dựng, phát triển công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, ngầm hóa mạng cáp ngoại vi trên diện rộng trên địa bàn tỉnh; đảm bảo mỹ quan đô thị.

- Phát triển mạnh công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm liên ngành sử dụng chung: doanh nghiệp viễn thông phối hợp với các ngành liên quan (giao thông, điện, cấp thoát nước…) cùng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngầm và sử dụng chung.

- Ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong xây dựng phát triển hạ tầng mạng cáp ngoại vi: kỹ thuật khoan ngầm, khoan tịnh tiến, công nghệ PON…

- Ngầm hóa 100% hạ tầng mạng cáp ngoại vi viễn thông tại khu vực các tuyến đường, phố, khu đô thị, khu công nghiệp xây dựng mới.

- Tỷ lệ ngầm hóa hạ tầng mạng cáp ngoại vi viễn thông tính theo tuyến đường, phố đạt 20 - 25% (chỉ tính các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và đường đô thị; không tính đến hệ thống đường xã, đường thôn, xóm).

- Tỷ lệ ngầm hóa hạ tầng mạng cáp ngoại vi viễn thông tính theo tuyến đường, phố khu vực đô thị đạt 60 - 65% (chỉ tính các tuyến đường, phố nằm trong khu vực đô thị).

Tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng cột treo cáp đạt trên 90%.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Tổng kinh phí: 268.700.000.000 đồng (Hai trăm sáu mươi tám tỷ, bảy trăm triệu đồng).

2. Nguồn kinh phí:

a) Doanh nghiệp, xã hội hóa: 254.700.000.000 đồng (Hai trăm năm mươi tư tỷ, bảy trăm triệu đồng)

+ Giai đoạn 2015 - 2017: 102.850.000.000 (Một trăm linh hai tỷ, tám trăm năm mươi triệu đồng

+ Giai đoạn 2018 - 2020: 151.850.000.000 (Một trăm năm mươi mốt tỷ, tám trăm năm mươi triệu đồng)

b) Ngân sách tỉnh: 4.000.000.000 đồng (Bốn tỷ đồng)

- Ngân sách chi cho mua sắm trang thiết bị (thiết bị đo kiểm, thiết bị quản lý, giám sát…):

+ Giai đoạn 2015 - 2017: 750.000.000 (Bảy trăm năm mươi triệu đồng)

+ Giai đoạn 2018 - 2020: 750.000.000 (Bảy trăm năm mươi triệu đồng)

- Ngân sách chi cho xây dựng Website quản lý hạ tầng mạng viễn thông thụ động ứng dụng công nghệ GIS:

+ Giai đoạn 2015 - 2017: 800.000.000 (Tám trăm triệu đồng)

Ngân sách chi cho số hóa hạ tầng viễn thông thụ động trên bản đồ số:

+ Giai đoạn 2015 - 2017: 300.000.000 (Ba trăm triệu đồng)

+ Giai đoạn 2018 - 2020: 300.000.000 (Ba trăm triệu đồng)

- Ngân sách chi cho vận hành, bảo dưỡng thiết bị:

+ Giai đoạn 2015 - 2017: 300.000.000 (Ba trăm triệu đồng)

+ Giai đoạn 2018 - 2020: 500.000.000 (Năm trăm triệu đồng)

- Ngân sách chi cho đào tạo nguồn nhân lực:

+ Giai đoạn 2015 - 2017: 200.000.000 (Hai trăm triệu đồng)

+ Giai đoạn 2018 - 2020: 100.000.000 (Một trăm triệu đồng)

c) Ngân sách Trung ương: 10.000.000.000 đồng (Mười tỷ đồng)

+ Giai đoạn 2015 - 2017: 5.000.000.000 (Năm tỷ đồng)

+ Giai đoạn 2018 - 2020: 5.000.000.000 (Năm tỷ đồng)

(Chi tiết danh mục, nguồn vốn, phân kỳ đầu phần phụ lục)

VI. GIẢI PHÁP

1. Giải pháp về quản lý nhà nước

1.1. Tuyên truyền

a) Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, các quy định, chính sách về phát triển viễn thông nói chung và phát triển hạ tầng viễn thông thụ động nói riêng đến mọi người dân nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật về viễn thông thụ động. Đối với những tuyến đường cần giải phóng mặt bằng, sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới hạ tầng viễn thông cần phải tuyên truyền đến mọi người dân đầy đủ thông tin, giải đáp thắc mắc, tránh khiếu kiện gây khó khăn và kéo dài thời gian thi công.

b) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phát triển viễn thông nói chung và phát triển hạ tầng viễn thông thụ động nói riêng đến các sở, ban, ngành liên quan nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan trên cơ sở tuân thủ pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy hoạch, đầu tư, phát triển hiệu quả, bền vững; xây dựng đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp trong việc phát triển hạ tầng theo hướng sử dụng chung, tiết kiệm cho xã hội.

1.2. Cơ chế chính sách

a) Ban hành quy định về giá cho thuê hạ tầng viễn thông trên cơ sở cụ thể hóa Thông tư liên tịch số 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT ngày 30/12/2013 hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung và các quy định về luật giá.

b) Ban hành quy định riêng về cấp phép xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm viễn thông, công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.

c) Ban hành quy định ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng sử dụng chung.

1.3. Thanh tra, kiểm tra

Tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động xây dựng, phát triển hạ tầng viễn thông thụ động tại địa phương. Xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng hạ tầng viễn thông.

1.4. Ứng dụng công nghệ trong quản lý viễn thông

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước: tiếp tục đẩy mạng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý phát triển hạ tầng viễn thông thụ động dựa trên bản đồ số; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành viễn thông (đặc biệt là cơ sở dữ liệu về các tuyến cáp ngầm nhằm tăng cường mức độ sử dụng chung cơ sở hạ tầng đối với các doanh nghiệp viễn thông).

2. Giải pháp kỹ thuật hạ tầng viễn thông thụ động

a) Sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đối với những công trình mới xây dựng, các công trình đã xây dựng và đang sử dụng sẽ do doanh nghiệp tự quyết định.

b) Triển khai sử dụng chung hạ tầng từ thời điểm xây dựng hạ tầng viễn thông, các doanh nghiệp tham gia sử dụng chung hạ tầng phải cùng đầu tư xây dựng hạ tầng và chia sẻ sử dụng theo mức đầu tư.

c) Các doanh nghiệp không tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng phải chấp nhận mức giá cho thuê hạ tầng viễn thông (Sở Tài chính phối hợp Sở, ban ngành tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành khung giá, phương pháp tính giá cho thuê hạ tầng viễn thông).

d) Đối với hạ tầng cống, bể cáp trong các trường hợp cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và xây mới cần thiết phải có sự phù hợp với từng vị trí, từng tuyến đường, từng khu vực đảm bảo việc phát triển hạ tầng phù hợp và có tính đến yếu tố duy tu, sửa chữa và nâng cấp một cách dễ dàng, thời gian thi công nhanh, ít ảnh hưởng đến cộng đồng. Hạ tầng cống, bể cáp có thể xây dựng dưới dạng hầm hào kỹ thuật hoặc chôn cáp trưc tiếp.

3. Huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm

a) Nguồn lực đầu tư: đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, trọng tâm là các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, nguồn đầu tư nước ngoài (gắn kết hạ tầng viễn thông với hạ tầng giao thông). Kết hợp với việc ban hành các văn bản về giá và ưu đãi đầu tư công khai, minh bạch để các nguồn lực yên tâm khi thực hiện đầu tư.

b) Hình thức đầu tư: ngoài các hình thức đầu tư truyền thống từ vốn huy động trong nước (các doanh nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp xây dựng), vốn huy động nước ngoài (vay quốc tế, phát hành trái phiếu, đầu tư trực tiếp nước ngoài) cần gắn kết hạ tầng viễn thông với hạ tầng giao thông, xây dựng nhằm thu hút nguồn lực đầu tư thông qua hình thức đối tác công tư (PPP) theo Quyết định 71/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành 9/11/2010 về quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

4. Thực hiện quy hoạch đồng bộ

a) Các ngành, địa phương thông tin cho Sở Thông tin và Truyền thông kế hoạch và tiến độ xây dựng hạ tầng của tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông thông báo các doanh nghiệp viễn thông triển khai thực hiện đồng bộ quá trình xây dựng các công trình liên quan (giao thông, đô thị, xây dựng các công trình ngầm, cột treo cáp…).

b) Các doanh nghiệp viễn thông xây dựng hạ tầng cùng với quá trình xây dựng các công trình khác.

5. Giải pháp về khoa học và công nghệ

a) Phát triển công nghệ Viễn thông đi đôi với sử dụng hiệu quả hạ tầng: công nghệ vô tuyến băng rộng, công nghệ truyền dẫn cáp quang (thay thế cáp đồng), cáp ngầm… Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển hạ tầng trạm thu phát sóng ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện môi trường, trạm ngụy trang, trạm sử dụng chung cơ sở hạ tầng, đảm bảo mỹ quan đô thị.

b) Sử dụng các trang, thiết bị kỹ thuật hiện đại, các công nghệ mới (như RFID...) để tăng cường đo kiểm, giám sát, quản lý từ xa đối với hệ thống thiết bị và hạ tầng mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh.

c) Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý phát triển hạ tầng mạng viễn thông: quản lý dựa trên bản đồ số; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử; phần mềm quản lý hạ tầng mạng viễn thông.

6. Giải pháp an toàn, an ninh thông tin, đảm bảo an ninh quốc phòng

a) Phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quy hoạch, xây dựng và bảo vệ hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động. Phân công trách nhiệm trong quản lý, khai thác, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

b) Phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an, Quân đội tiến hành ngăn chặn và ngừng cung cấp dịch vụ đối với những trường hợp sử dụng dịch vụ viễn thông và Internet xâm phạm an ninh quốc phòng.

c) Hỗ trợ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ kỹ thuật nghiên cứu giải pháp kỹ thuật đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên mạng viễn thông và Internet.

d) Doanh nghiệp viễn thông xây dựng các phương án hoạt động dự phòng, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin khi xảy ra thiên tai, sự cố.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Chịu trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai và theo dõi thực hiện Quy hoạch.

b) Quản lý và cập nhật quá trình thực hiện Quy hoạch.

c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư và sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp.

d) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông và các đơn vị có mạng cáp thông tin hạ ngầm hệ thống mạng cáp thông tin theo các khu vực quy định. Đối với các khu vực chưa thể hạ ngầm, Sở Thông tin và Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp phải báo cáo và tiến hành bó gọn, cải tạo đảm bảo an toàn và nâng cao mỹ quan đô thị.

e) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện: công bố quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, trong đó có danh mục các tuyến hạ tầng kỹ thuật dùng chung; đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quy định, quy chế về sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, các quy chế phối hợp xây dựng hạ tầng với các ngành điện, cấp nước, thoát nước; chỉ đạo việc ngầm hóa mạng cáp ngoại vi và sử dụng chung các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, điện lực, giao thông theo quy định...

f) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện và các Sở, ban, ngành có liên quan trong việc cấp giấy phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn.

g) Sở Thông tin và Truyền thông theo chức năng nhiệm vụ chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức hiệp thương giá theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc đề nghị của bên thuê và bên cho thuê; kiểm tra tình hình thực hiện các quy định về quản lý giá tại Thông tư liên tịch số 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động thuộc trách nhiệm đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh (nếu có).

3. Sở Tài Chính

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông cân đối và bố trí nguồn vốn, kịp thời thực hiện các dự án phát triển hạ tầng viễn thông thụ động theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

b) Hướng dẫn các đơn vị thanh quyết toán kinh phí thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng viễn thông thụ động theo quy định của Nhà nước.

c) Chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành khung giá, phương pháp tính giá cho thuê hạ tầng viễn thông, làm cơ sở cho các doanh nghiệp trong quá trình đàm phán, thuê lại hạ tầng viễn thông.

d) Quản lý giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật công cộng trên cơ sở thúc đẩy dùng chung hạ tầng giữa các ngành, tiết kiệm, hiệu quả trong đầu tư và bảo đảm cảnh quan môi trường.

e) Triển khai thực hiện quy định tại Thông tư liên tịch số 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT về hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.

4. Sở Giao thông vận tải

a) Khi lập dự án đầu tư hạ tầng giao thông, nghiên cứu cho phép kết hợp đầu tư hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động có liên quan theo quy hoạch được duyệt trên cơ sở ý kiến đề xuất của Sở Thông tin và Truyền thông.

b) Công bố theo quy định các quy hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh trong từng giai đoạn, làm cơ sở cho các doanh nghiệp viễn thông xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đồng bộ.

c) Khi triển khai cải tạo, nâng cấp các tuyến đường cần công khai, thông báo cho các doanh nghiệp viễn thông có liên quan trên địa bàn tỉnh để các doanh nghiệp viễn thông thực hiện di dời, cải tạo hạ tầng đồng bộ.

d) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đưa các nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động có liên quan vào quy hoạch giao thông chi tiết tỷ lệ 1/2.000, 1/500 của địa phương.

e) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng quy định về thủ tục cấp phép đối với công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông và công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Sở Xây dựng

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức lập, thẩm định Quy hoạch chỉnh trang đô thị; Quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị phải đưa nội dung quy hoạch công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm sử dụng chung (cống bể, hào, tuy nen kỹ thuật) vào đồ án quy hoạch trước khi thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan cấp phép xây dựng công trình cống bể, hào, tuy nen kỹ thuật từ cấp II trở lên và công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động khác theo phân cấp.

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng quy định về thủ tục cấp phép đối với công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông và công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trình cấp có thẩm quyền phê duyệt

d) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc quản lý hệ thống dây thuê bao treo trên cột nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị.

e) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đưa các nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động có liên quan vào quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/2.000, 1/500 của địa phương.

f) Sở Xây dựng theo chức năng nhiệm vụ chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức hiệp thương giá theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc đề nghị của bên thuê và bên cho thuê; kiểm tra tình hình thực hiện các quy định về quản lý giá tại Thông tư liên tịch số 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT và các văn bản pháp luật có liên quan.

6. Sở Tài Nguyên và Môi trường

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các Sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn, thực hiện và giải quyết các vấn đề về sử dụng đất xây dựng hạ tầng viễn thông thụ động.

7. Các Sở, ban, ngành khác

Các sở ngành khác phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện Quy hoạch theo chức năng nhiệm vụ được giao.

8. Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố, thị xã

a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan, hỗ trợ các doanh nghiệp Viễn thông triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn quản lý. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai xây dựng phát triển hạ tầng mạng viễn thông tại các khu vực điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn…

b) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, quản lý việc xây dựng phát triển hạ tầng mạng viễn thông trên địa bàn; đảm bảo mỹ quan đô thị, đảm bảo cảnh quan kiến trúc.

c) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cấp phép xây dựng hạ tầng mạng viễn thông theo quy hoạch.

d) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan quản lý việc xây dựng ngầm hóa hạ tầng mạng ngoại vi trên địa bàn theo quy hoạch được duyệt.

9. Các doanh nghiệp

a) Căn cứ vào Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của tỉnh, các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp với định hướng phát triển của ngành và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

b) Các doanh nghiệp trước khi xây dựng trạm phát sóng thông tin di động, có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về địa điểm, thời gian xây dựng và phải chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.

c) Có trách nhiệm báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền thông.

d) Căn cứ vào Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động của tỉnh, các doanh nghiệp xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương của doanh nghiệp trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

e) Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị có liên quan và các doanh nghiệp khác, đàm phán cùng đầu tư xây dựng và sử dụng chung cơ sở hạ tầng; chủ động phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện; đồng thời kiến nghị, đề xuất giải quyết hoặc hỗ trợ tháo gỡ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Thông tin & Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Giao thông vận tải; Trưởng ban Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Công báo tỉnh.
ĐN05/QĐTT

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hữu Bình

 

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 402/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu402/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành05/05/2015
Ngày hiệu lực05/05/2015
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcCông nghệ thông tin
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật9 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 402/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 402/QĐ-UBND 2015 phát triển hạ tầng viễn thông thụ động Ninh Bình


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 402/QĐ-UBND 2015 phát triển hạ tầng viễn thông thụ động Ninh Bình
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu402/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Ninh Bình
                Người kýTrần Hữu Bình
                Ngày ban hành05/05/2015
                Ngày hiệu lực05/05/2015
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcCông nghệ thông tin
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật9 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Quyết định 402/QĐ-UBND 2015 phát triển hạ tầng viễn thông thụ động Ninh Bình

                  Lịch sử hiệu lực Quyết định 402/QĐ-UBND 2015 phát triển hạ tầng viễn thông thụ động Ninh Bình

                  • 05/05/2015

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 05/05/2015

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực