Quyết định 4086/QĐ-UBND 2010 cơ cấu tổ chức Ban quản lý Chương trình xây dựng nông thôn Quảng Ninh đã được thay thế bởi Quyết định 1977/2015/QĐ-UBND cơ cấu Ban quản lý Chương trình xây dựng nông thôn mới Quảng Ninh và được áp dụng kể từ ngày 10/07/2015.
Nội dung toàn văn Quyết định 4086/QĐ-UBND 2010 cơ cấu tổ chức Ban quản lý Chương trình xây dựng nông thôn Quảng Ninh
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4086/QĐ-UBND | Hạ Long, ngày 29 tháng 12 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BAN QUẢN LÝ CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2010-2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;
Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 27/10/2010 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 24/QĐ-TU ngày 28/10/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2010-2020;
Căn cứ Quyết định số 3595/QĐ-UBND ngày 02/12/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Ban quản lý Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010-2020;
Xét đề nghị của Giám đốc sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Vị trí, chức năng của Ban quản lý Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010-2020 (gọi tắt là Ban xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh):
Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh là cơ quan ngang sở, có chức năng tham mưu, giúp Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của các Bộ, ngành Trung ương có liên quan.
Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định, có trụ sở tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Xây dựng nông thôn mới:
1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố trong việc tham mưu, giúp Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổng hợp tình hình thực hiện các nội dung chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 800/2010/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ;
2. Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của Ban chỉ đạo tỉnh; chuẩn bị nội dung, chương trình các cuộc họp, hội nghị và các báo cáo theo yêu cầu của Trưởng ban chỉ đạo, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh và Ủy ban nhân dân tỉnh;
3. Chủ trì, tham mưu công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư thuộc nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới theo quy định và hướng dẫn của Trung ương; chủ trì xây dựng và tổng hợp kế hoạch dài hạn, kế hoạch hàng năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện;
4. Chủ trì tổng hợp nhu cầu vốn và tham mưu phân khai chi tiết vốn đầu tư chương trình xây dựng nông thôn mới theo phân cấp; đề xuất các giải pháp huy động và quản lý, điều phối các nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trình Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ trì đề xuất việc thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu và các nguồn vốn khác triển khai trên địa bàn nông thôn;
5. Trực tiếp làm chủ đầu tư một số dự án đầu tư trọng điểm thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới theo Quy chế quản lý đầu tư chương trình xây dựng nông thôn mới được Ủy ban nhân dân phê duyệt; chủ trì thẩm định chủ trương đầu tư (nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư) các dự án đầu tư thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh; tham gia thẩm định, thoả thuận dự án đầu tư (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật) đối với các dự án sử dụng ngân sách tỉnh (hoặc ngân sách Trung ương) thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới theo Quy chế quản lý đầu tư chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh và quy định của pháp luật.
6. Chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị đề xuất cơ chế, chính sách và các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn để thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; Tham gia công tác xúc tiến, thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn;
7. Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn tỉnh và kiến nghị những vấn đề mới phát sinh trong từng giai đoạn cụ thể và theo yêu cầu chỉ đạo của tỉnh và Trung ương;
8. Xây dựng kế hoạch kinh phí phục vụ hoạt động Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh và Ban xây dựng nông thôn mới trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo quy định;
9. Chủ trì việc tổ chức xét đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định; Phối hợp với các ngành tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh;
10. Bảo quản hồ sơ, tài liệu; quản lý kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị của Ban chỉ đạo và Ban Xây dựng nông thôn mới;
11. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế của Ban Xây dựng nông thôn mới gồm:
3.1. Lãnh đạo Ban Xây dựng nông thôn mới có Trưởng ban và các Phó Trưởng ban. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm lãnh đạo Ban thực hiện theo quy định phân cấp quản lý cán bộ hiện hành.
3.2. Giúp việc cho Trưởng ban Xây dựng nông thôn mới có các phòng và các bộ phận có liên quan, gồm:
Các đơn vị chuyên môn giúp việc:
- Văn phòng
-Phòng Kế hoạch-Tổng hợp
- Phòng Xây dựng hệ thống chính trị
- Phòng Công tác khu vực miền Tây
- Phòng Công tác khu vực miền Đông
3.2.2. Các đơn vị sự nghiệp: Căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể từng giai đoạn, Trưởng Ban xây dựng nông thôn mới báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua sở Nội vụ) về thành lập các đơn vị sự nghiệp thuộc Ban để thực hiện nhiệm vụ.
Trưởng Ban Xây dựng nông thôn mới quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng phòng, đơn vị trực thuộc.
3.3. Biên chế của Ban Xây dựng nông thôn mới gồm biên chế hành chính và biên chế sự nghiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh giao theo kế hoạch hàng năm. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tính chất và đặc điểm trong từng giai đoạn, Trưởng Ban xây dựng nông thôn mới phối hợp với Giám đốc sở Nội vụ xác định số lượng biên chế cụ thể của Ban, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 5. Giám đốc các sở: Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội; Trưởng Ban xây dựng nông thôn mới; Thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. UBND TỈNH QUẢNG NINH |